Nói đến hình tượng đại hiệp dưới ngòi bút Kim Dung, chỉ e rất nhiều người sẽ nghĩ ngay đến đại hiệp Quách Tĩnh trong Anh hùng xạ điêu truyện. Viết bộ tiểu thuyết này, tác giả Kim Dung mới thật sự trở nên nổi tiếng, khiến cho nhiều tác giả tiểu thuyết võ hiệp đang hăng hái muốn viết tiểu thuyết võ hiệp hay hơn phải nản lòng. Nhân vật chính Quách Tĩnh đã trở thành vị đại hiệp vì nước vì dân, một điển hình nổi bật nhất, đáng tôn sùng nhất, chính tông nhất trong thế giới võ hiệp. Song thành tựu thật sự của bộ tiểu thuyết này không chỉ là vì nó miêu tả nên một điển hình đại hiệp, và hình tượng Quách Tĩnh cũng không chỉ gói gọn trong một chữ "hiệp" mà thôi.
I
Thành tựu phi phàm của bộ tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu trước hết là vì tác giả đã áp dụng tài tình "mô hình trưởng thành" của tiểu thuyết phương Tây vào tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc, đồng thời thực hiện việc "mượn xưa nói nay" một cách xuất sắc. Điều này làm cho người đọc cảm thấy mới lạ, hấp dẫn, không chỉ làm phong phú cách viết tiểu thuyết võ hiệp, mà vô hình trung còn đề cao chất lượng nghệ thuật của tiểu thuyết võ hiệp. Cái gọi là "mô hình trưởng thành", nói thì rất đơn giản, đó là mô hình chú trọng miêu tả quá trình trưởng thành của một cá nhân (thanh thiếu niên), đồng thời còn đặc biệt chú trọng phản ứng tâm lý, quá trình cảm thụ và diễn biến tâm lý phức tạp trong quá trình trưởng thành đó , từ đó làm phong phú hẳn nội hàm nhân văn của tiểu thuyết, làm người đọc càng thêm xúc động. Do vận dụng thành công "mô hình trưởng thành", thế giới võ hiệp của Kim Dung vốn có hai cái "duy",- là truyền kỳ giang hồ và bối cảnh lịch sử, - có thêm cái “duy" thứ ba là chuyện đời người. Quan trọng hơn là cái "duy" thứ ba - chuyện đời người – này được lấy làm yếu tố tự sự của tiểu thuyết võ hiệp, thực tế đã làm thay đổi hẳn phương hướng và phương pháp tự sự của tiểu thuyết võ hiệp. Ba cuốn tiểu thuyết trước đó của Kim Dung (Thư kiếm ân cừu lục, Bích huyết kiếm, Tuyết sơn phi hồ) đều lấy "sự việc" làm yếu tố kết cấu, chẳng những dễ làm cho tình tiết bị phân tán, đầu mối rối rắm, mà còn khó miêu tả hình tượng nhân vật nổi bật. Anh hùng xạ điêu khác hẳn, lấy "người" làm gốc, miêu tả từ đầu, từ thời thơ ấu của nhân vật chính, không chỉ tập trung vào quá trình trưởng thành của Quách Tĩnh, tác động đến cảm xúc của từng độc giả, mà còn khắc họa tính người, hoàn cảnh nhân văn, khiến tác phẩm mainội hàm nhân văn sâu sắc hơn. Chính vì muốn miêu tả sự trưởng thành của nhân vật chính Quách Tĩnh, mà tác giả tự nhiên càng phải chú trọng đến tính cách và sự phát triển tính cách của nhân vật chính. Chúng ta thấy trong bộ tiểu thuyết này, bản thân chuyện của Quách Tĩnh đã biểu hiện một cách tự nhiên tính cách của chàng. Nếu hồi còn rất nhỏ, Quách Tĩnh không trung hậu, lương thiện, quật cường, kiên trì cứu Thần tiễn Triết Biệt, thì dĩ nhiên Triết Biệt đã không trở thành sư phụ của Quách Tĩnh, Thành Cát Tư Hãn cũng sẽ không quí mến chàng, thì số phận của chàng và mẹ chàng sẽ khác hẳn. Giả sử chàng không có bản tính chất phác nhiệt tình, chân thành đối đãi, thì nàng Hoàng Dung đóng giả kẻ ăn xin đã chẳng say mê chàng, thì cuộc trở về Trung Nguyên của chàng sẽ diễn biến khác hẳn đi. Giả sử chàng không giữ lời hứa, không quả cảm, thì giữa đêm tối đã không lên núi, để bị Trần Huyền Phong bắt, rồi chàng giết Trần Huyền Phong và do đó bị Mai Siêu Phong coi là kẻ tử thù. Giả sử chàng không can đảm hiệp nghĩa, chống lại bất bình, thì ở Trung đô Bắc Kinh đã không quyết chiến với Dương Khang. Dĩ nhiên, giả sử Quách Tĩnh không hồn nhiên ngây thơ và có phần ngớ ngẩn, thì Lão Ngoan đồng đã không kết nghĩa huynh đệ với chàng, lừa cho chàng học "Cửu âm chân kinh". Giá sử chàng không thô lỗ, xử sự dại dột, thì giữa chàng với Hoàng Dung đã không xảy ra nhiều lần rắc rối giận hờn. Ngoài ra, tác giả có một mô hình hình tượng nhân vật phi tiểu thuyết võ hiệp, không những không miêu tả Quách Tĩnh văn võ song toàn như nhân vật Trần Gia Lạc, thậm chí cũng không miêu tả Quách Tĩnh thông minh lanh lợi như Viên Thừa Chí, mà cố ý tả thành một người ngu ngốc, khiến người ta hoài nghi liệu chàng có phải là kẻ đần độn, chậm phát triển trí lực hay chăng. Chàng không chỉ nói năng vụng về như một đứa bé , mà tựa hồ phản ứng chậm chạp, không hiểu lẽ thường, thậm chí suốt đời không biết cách ăn nói. Điều đó hiển nhiên cản trở rất nhiều sự trưởng thành, thành tài của chàng. Hình tượng nhân vật không những khiến người ta hết sức thông cảm, song cũng nghi ngờ liệu một nhân vật như thế có thể trở thành cao thủ võ lâm được chăng? Nếu được, thì phải bao nhiêu năm? Tác giả tự đặt cho mình câu hỏi khó ấy. Đương nhiên khi giải đáp xong rồi, thì độc giả sẽ càng thêm thích thú. Cuối cùng, trong cuộc đời Quách Tĩnh, hoàn cảnh và số phận là hai sức mạnh không thể xem thường. Phụ thân chàng là Quách Khiếu Thiên không chịu làm vong quốc nô, từ Sơn Đông chạy nạn đến đô thành Nam Tống là Lâm An, ai ngờ ở ngay bên cạnh chỗ ngồi của hoàng đế Nam Tống cũng không tránh khỏi tai họa của người Kim, bởi vì vương gia nước Kim là Hoàn Nhan Hồng Liệt lại thích người vợ của Dương Thiết Tâm là Bao Tích Nhược, khiến cho hai nhà Dương, Quách hoặc tan đàn xẻ nghé, hoặc người chết nhà tan; mẫu thân của Quách Tĩnh là Lý Bình cũng đành rời bỏ miền Giang Nam non xanh nước biếc tươi đẹp để lên sống ở vùng thảo nguyên sa mạc khô cằn phương Bắc, Quách Tính vừa chào đời thì đã là một đứa trẻ mồ côi cha bần hàn. Mặt khác, số phận lại không hoàn toàn tàn nhẫn với chàng: cuộc sống giữa đại thảo nguyên với dân tộc Mông Cổ, khiến tính tình chàng hồn nhiên, chất phác, rộng rãi; sau đó lại nhờ sự đánh cuộc mang tính hiệp nghĩa, giữa Khâu Xứ Cơ, đệ tử phái Toàn Chân, với Giang Nam thất quái, mà Giang Nam thất quái chủ động tới vùng đại sa mạc, dạy võ công cho Quách Tĩnh suốt mười năm, sau đó trở về cố quốc Trung Nguyên, trải qua một phen thoát thai hoán cốt diệu kỳ. Cái số phận mà sức người không thể chống lại ấy lại tạo cho Quách Tĩnh một đại vũ đài siêu cấp cho cuộc đời anh hùng hiệp nghĩa hiếm có của chàng.
II
Chuyện cuộc đời Quách Tĩnh, điều bất ngờ nhất,cảm động nhất, cũng khiến người ta phải suy ngẫm nhiều nhất, trước hết dĩ nhiên là việc học nghệ thành tài của chàng. Một cậu bé tính nết thật thà, đầu óc ngu đần, gia cảnh bần hàn như Quách Tĩnh lại trở thành một cao thủ võ công hạng nhất, cuối cùng còn trẻ mà trên đỉnh Hoa Sơn lại đủ tư cách tranh đua cao thấp với các đại sư võ học như Hoàng Dược Sư và Hồng Thất Công, thì đúng là chuyện thần thoại. Song truyền kỳ Quách Tĩnh học nghệ thành tài không chỉ có căn cứ học lý nhất định, mà còn có không ít kinh nghiệm đáng để hậu nhân đúc kết và hấp thu. Tôi nói như thế là vì cho đến nay, nhận thức của loài người về bản thân mình còn hoàn toàn chưa toàn diện, sâu sắc và rõ ràng như chúng ta tưởng tượng và kỳ vọng. Bí mật về trí tuệ của con người còn biết bao nhiêu câu hỏi chờ phân tích và lý giải. Rất nhiều thiên tài ngu ngốc đến nay vẫn chưa được lý giải thật sự hợp lý. Quách Tĩnh không phải là thiên tài, dĩ nhiên cũng không ngu đần, con đường thành tài của chàng có một sự huyền diệu khác, hoặc có một qui luật có thể làm theo. Dưới con mắt của Giang Nam lục quái, Quách Tĩnh rõ rằng là một gã thiếu niên ngu ngốc. Có khi họ cảm thấy Quách Tĩnh ngu hệt như Tê Dữ, một học trò của Không Tử, một thứ "gỗ mục không thể đục đẽo, đất rác rưởi không thể đắp tường”. Chỉ khác là Quách Tĩnh không "ngủ ngày", không lười nhác như Tê Dữ. Song cái khác ấy không thể an ủi Giang Nam lục quái, họ chỉ càng lo thêm : một đứa bé thông minh học một biết mười, trong khi Quách Tĩnh thì ngược lại, học mười biết chưa được một. Đối với một cậu học trò dốt như thế, sáu ông thầy làm sao không thất vọng kia chứ ? Nhưng nếu ta nhìn vấn đề từ góc độ khác, thì sẽ dễ dàng thấy rằng việc học võ của Quách Tĩnh tiến triển chậm chạp, nguyên nhân không chỉ vì sự ngu dốt của chàng, mà còn do phương pháp dạy của các ông thầy không thích hợp. Thứ nhất, phương châm dạy học của Giang Nam lục quái là "lối dạy khoa cử" điển hình, cốt là để năm chàng mười tám tuổi sẽ đi dự một cuộc tỷ võ lớn. Thứ hai, phương pháp dạy của họ không phải là tuần tự nhi tiến, càng không phải là chỉ dẫn tỉ mỉ, mà là nhồi nhét dồn dập, sáu vị sư phụ tiến hành luân xa chiến với một cậu học trò. Đừng nói Quách Tĩnh bẩm sinh không thông minh, mà ngay một cậu học trò rất thông minh gặp thứ luân xa chiến như thế cũng sẽ mụ mẫm hết đầu óc. Thứ ba, Giang Nam lục quái đều tài giỏi nhưng nôn nóng, ngược hẳn với Quách Tĩnh, song các thầy lại không nghĩ cách giáo dục thế nào dối với một học sinh cá biệt, lại chỉ yêu cầu trò phải phục tùng thầy vô điều kiện. Kếtquả đương nhiên sẽ không đáng kể. Bảo trò ngu chưa đúng, phải nói là cách dạy của thầy không hay, căn bản không phù hợp đối tượng; điều này khiến cho giai đoạn "tiểu học" của Quách Tĩnh vô cùng khổ sở. So ra thì võ công và phương pháp giáo dục của Mã Ngọc, chưởng môn phái Toàn Chân, cao minh hơn nhiều. Mã Ngọc xuất phát từ hảo tâm, chủ động dạy cho Quách Tĩnh, song không muốn cho Giang Nam lục quái và ngay cả Quách Tĩnh biết, đã đem tâm pháp nội công và toàn bộ khẩu quyết công thức, nguyên lý phức tạp của phái Toàn Chân "hóa nhập" vào việc huấn luyện trò chơi : hít thở như thế nào, ngủ ra sao, đi đứng thế nào. Quách Tính hứng thú với cách đó, hoàn toàn không lo chuyện đi thi sau này, say mê luyện tập, kết quả thu được rất khả quan. "Giáo học pháp trò
chơi" của Mã Ngọc giúp cho Quách Tĩnh mở mang trí tuệ, tiến bộ trông thấy. Điều này chứng tỏ Quách Tĩnh hoàn toàn không "ngu dốt” như đánh giá của Giang Nam lục quái. Nếu Mã Ngọc không dạy bổ túc văn hóa miễn phí bậc "trung học" cho Quách Tĩnh, chỉ e Quách Tĩnh cứ phải ở mãi giai đoạn "tiểu học" của Giang Nam lục quái, không thể thành tài. Mã Ngọc cao minh hơn Giang Nam lục quái; song bậc tông sư võ học Hồng Thất Công dĩ nhiên còn cao minh hơn Mã Ngọc. Hồng Thất Công và Hoàng Dung chỉ mới thi triển một chút, đã mở "cổng sau cho Quách Tĩnh lọt vào bậc "đại học". Hồng Thất Công mắt sáng như sao, vừa nhìn đã nhận biết chỗ mạnh yếu của thiên tư và kiến thức võ học của Quách Tĩnh. Từ đó ông xác định phương châm giáo dục sát hợp đối tượng, mở lớp cho một mình Quách Tĩnh, dạy chàng "Hàng long thập bát chường" là pho võ công phù hợp với tính cách và sở trường của Quách Tĩnh, lại đơn giản, dễ nhớ, song khó tinh thông. Môn "Hàng long thập bát chưởng" dường như chuyên dành cho một người như Quách Tĩnh, cũng giống như Hoàng Dung thì phải học môn "Tiêu dao dd” cực kỳ phức tạp, biến hóa vô định. Vậy Hồng Thất Công không chỉ bố trí giáo trình khác nhau cho hai người, chọn phương hướng chuyên môn khác nhau, mà còn thi triển kế hoạch giảng dạy khác nhau. Yêu cầu đối với Quách Tĩnh là phải lặp đi lặp lại từng chiêu, tiến dần từng bước thật vững chắc, lâu dần Quách Tĩnh thoát thai hoán cốt, bắt đầu chương trình giáo dục "đại học" rõ ràng đã khác hẳn so với cậu học trò "tiểu học" ngu dốt ngày nào. Con đường trở thành đại cao thủ của Quách Tĩnh dĩ nhiên chưa dừng ở đây. Sau khi tốt nghiệp "đại học", chàng còn nhiều năm theo học "nghiên cứu sinh". Chàng vừa tiếp tục học nghệ Hồng Thất Công, vừa xem vừa học các môn võ công thần kỳ mỹ diệu của các bậc cao nhân đương thời. Cụ thể, chàng từng tại đảo Đào Hoa giao thủ mấy ngày với cao thủ phái Toàn Chân Lão Ngoan đồng, chẳng những học được Không Minh quyền, mà còn được Lão Ngoan đồng khéo léo cho học lén Cửu âm chân kinh' ; lại may mắn có dịp xem cuộc tỷ võ giữa Đông Tà Hoàng Dược Sư với Tây Độc Âu Dương Phong, được xem cuộc đại chiến giữa Âu Dương Phong với Hồng Thất Công, sau đó chính chàng còn được diễn tập một phen với Âu Dương Phong; sau đó chàng được tận mắt xem tuyệt kỹ Nhất Dương chỉ của Nhất Đăng đại sư, được nghe đại sư giảng giải về yếu quyết của "Cửu âm chân kinh" ... ... Như vậy là Quách Tĩnh được học hỏi võ công của các bậc đại sư kiệt xuất trong võ lâm thiên hạ như Đông Tà, Ttây Độc, Nam Đế, Bắc Cái, Trung Thần Thông. Ngoài ra còn nghiên cứu tuyệt kỹ có một không hai “Cửu Âm chân kinh” do Lão Ngoan đồng sáng tạo, nhờ đó bước vào cảnh giới của một đệ nhất cao thủ, là điều tuyệt đối hợp tình hợp lý. Con đường thành tài của Quách Tĩnh có rất nhiều điều đáng tổng kết, cá tính của chàng có thể nói là rất phân minh. Nếu nhìn thấy các ưu điểm tinh thần của chàng như nghị lực cao, sự tập trung cần mẫn, chất phác, trung hậu, rộng lượng mà không nhấn mạnh một cách phiến diện trí lược đơn giản, thì sẽ không quá kinh ngạc về sự thành tài của Quách Tĩnh . Nếu nghiên cứu, phân tích nguyên nhân bên trong và bên ngoài sự thành tài của Quách Tĩnh, thì không những có thể động viên vô số các cháu nhi đồng “chậm phát triển trí lực”, mà còn giúp cho việc giải đáp câu đố về trí tuệ loài người.
III
Chuyến trở về Trung Nguyên của Quách Tĩnh vốn là để tham gia một cuộc tỷ võ, kèm theo một lần phục thù, nhưng kết quả trước tiên lại là "thi triển" tình cảm lãng mạn, tiếp đến là tiếp nhận văn hóa phong cảnh cố quốc, sau đó mới đến việc học nghệ thành tài. Mà tất cả mấy việc trên đều gắn liền với Hoàng Dung. Là Hoàng Dung yêu chàng, sau đó dẫn chàng du ngoạn cố quốc chuyến thứ nhất đầy thú vị; là Hoàng Dung chỉ dẫn phong cảnh lịch sử giang sơn, dạy kinh điển văn hóa nghệ thuật cho chàng, sau đó khôn khéo bố trí cho chàng bái sư học nghệ, nâng cao cảnh giới võ công cho chàng. Nếu bảo chuyến trở về Trung Nguyên của Quách Tĩnh là giai đoạn quan trọng nhất của sự trưởng thành, nên người, thì Hoàng Dung là người thầy hướng dẫn về phương diện văn hóa, tinh thần của chàng. Hoàng Dung đồng ý lấy Quách Tĩnh, thực tế là minh chứng hay nhất về tính cách và tư chất nhân phẩm của Quách Tĩnh : nếu không phải vì chàng đáng yêu, thì nàng Hoàng Dung thông minh xinh xắn, hòn ngọc quí của Hoàng Dược Sư, làm sao lại mê chàng, hơn nữa suốt đời yêu chàng sâu sắc như thế ? Hoàng Dung tuệ nhãn thức anh hùng, một mặt đúng là phải có tuệ nhãn, mặt khác Quách Tĩnh phải quả là có tư chất anh hùng. Cái thú vị, bí mật của sự tương thân tương ái giữa Quách Tĩnh và Hoàng Dung là do khí chất khác nhau hút lấy nhau, do tính cách có sự bổ sung tự nhiên cho nhau. Tất cả mọi việc nhỏ, không mang tính nguyên tắc, đều do Hoàng Dung xử lý; còn đại sự mang tính nguyên tắc, thì phải do Quách Tĩnh chủ trương. Có nghĩa là gặp việc nhỏ thì nhìn Hoàng Dung, gặp việc lớn thì nhìn Quách Tĩnh; bình thường thì nhìn Hoàng Dung, lúc bất thường thì nhìn Quách Tĩnh. Điều lý thú là Quách Tĩnh tuy đã luyện thành “Hàng long thập bát chưởng” cực kỳ uy lực, song trong sinh hoạt hàng ngày, tính cách và tác phong của chàng chẳng có gì thay đổi, vẫn thật thà ngốc nghếch như một cậu bé, Hoàng Dung bảo chàng khấu đầu trước Hoàng Dược Sư thì chàng khấu đầu, không cần biết vì sao cả. Trong cuộc lữ du lãng mạn của hai người, tuyệt đại bộ phận và thời gian Quách Tĩnh tình nguyện là cậu học trò nhỏ và ngoan ngoãn. Song Quách Tĩnh cũng có lúc không “ngoan ngoãn” ,tức là khi chàng thể hiện một mặt khác của tính cách, thậm chí có thể nói là một mặt khác của bản chất. Mấy lần quan hệ tình yêu giữa hai người có nguy cơ tan vỡ chính là ví dụ rõ rệt. Lần thứ nhất, Đà Lôi đến Trung Nguyên, chất vấn Quách Tĩnh có phải định từ bỏ Hoa Tranh công chúa để lấy Hoàng Dung hay chăng. Mặc dù đứng trước sự đe dọa cực lớn của Hoàng Dược Sư, Quách Tĩnh vẫn trả lời phủ định. Lý do rất đơn giản, nếu chàng từ bỏ Hoa Tranh công chúa, thì chàng sẽ vi phạm nguyên tắc đạo đức. Lần thứ hai khi họ ở đảo Đào Hoa phát hiện di thể của năm vị sư phụ của chàng, Quách Tĩnh nhận định thủ phạm là Hoàng Dược Sư, nên chàng kiên quyết rời bỏ Hoàng Dung là người chàng yêu tha thiết. Lý do cũng rất đơn giản, luân lý thày trò cao hơn tình yêu của cá nhân, bất kể thế nào chàng cũng không thể tương thân tương ái với con gái của kẻ đã giết các sư phụ của chàng. Lần thứ ba khi Hoàng Dung giúp Quách Tĩnh công hãm thành Ma Nhĩ Hãn, lập công đầu, Hoàng Dung yêu cầu Quách Tĩnh nhân dịp đó nói với Thành Cát Tư Hãn từ hôn Hoa Tranh công chúa, Quách Tĩnh cũng đồng ý, nhưng lúc gặp thì chàng lại đổi ý. Nguyên nhân là chàng không nỡ nhìn thảm kịch đại quân Mông Cổ tàn sát tiếp tục diễn ra, chàng thỉnh cầu Thành Cát Tư Hãn ra lệnh ngừng lại. Ba ví dụ kể trên cho thấy có tuân thủ lời cam kết hay không, có coi trọng luân lý thày trò hay không, có coi trọng sinh mạng bách tính hay không, đều là những vấn đề có tính nguyên tắc, không thể xem nhẹ, càng không thể vi phạm. Mặc dù bình thường Quách Tĩnh luôn luôn tỏ ra là một người đầu óc đơn giản, hiền lành, nhưng khi gặp những vấn đề có tính nguyên tắc, người càng có đầu óc đơn giản, càng cố chấp, càng kiên trì nguyên tắc. Thừa biết điều đó đối với Hoàng Dung sẽ là đòn đả kích rất mạnh, hơn nữa đòn sau lợi hại hơn đòn trước, song Quách Tĩnh vẫn đành phải làm. Ba việc quan trọng kể trên việc sau quan trọng hơn việc trước, đã khắc họa quĩ tích tinh thần của việc trưởng thành, nên người của Quách Tĩnh. Điều đáng nói là tác giả không miêu tả con đường trưởng thành của Quách Tĩnh luôn luôn thuận buồm xuôi gió, xung đột giữa tình cảm cá nhân và nguyên tắc đạo nghĩa kể trên chính là thử thách tự nhiên đối với phẩm chất và tình cảm của đôi bên. Tác giả còn miêu tả cuộc khủng hoảng tinh thần của Quách Tĩnh: ấy là chàng cảm thấy nghi ngờ mục đích và tác dụng của việc học võ luyện công, đến mức muốn quên phắt võ công đã học. Là vì chàng không chỉ nhìn thấy quá nhiều cuộc tàn sát đẫm máu, mà cái chết thê thảm của mẫu thân chàng, sự chia tay với người yêu là Hoàng Dung khiến chàng mất đi niềm tin và mục tiêu tiếp tục tiến tới. Đáng chú ý là khi Khâu Xứ Cơ giảng đạo lý cho chàng, chàng hoàn toàn không tin nữa, không phải vì đạo lý Khâu Xứ Cơ nói ra không đúng, mà là vì người giảng chưa đủ uy tín trong tâm chàng. Mãi đến khi gặp lại Hoàng Dung trên đỉnh Hoa Sơn, lại xúc động trước hình tượng hiệp nghĩa của Hồng Thất Công, chàng mới thoát khỏi khủng hoảng tinh thần, mới lại kiên định lòng hiệp nghĩa. Tất cả những cái đó không chỉ khắc họa tính cách của Quách Tĩnh, miêu tả quá trình tâm lý của chàng, mà còn làm nền cho việc cuối cùng Quách Tĩnh ra tiền tuyến chống giặc ở thành Tương Dương, - cũng là đỉnh cao thật sự của cuộc đời hiệp nghĩa của chàng. Cuối cùng, khi hay tin đại quân Mông Cổ sắp tấn công thành Tương Dương, Quách Tĩnh, Hoàng Dung đã lập tức đến cứu viện. Theo ý của Hoàng Dung, thôi thì mình cố làm hết sức, nếu không cứu nổi thì rút vậy; song Quách Tính phản đối, nói : "Chúng ta đã học binh pháp trong di thư Nhạc Võ Mục, chẳng lẽ không thấm nhuần bốn chữ 'Tận trung báo quốc' hay sao ? Hai ta tuy người ít lực nhỏ , song cũng quyết tận tâm tận lực vì nước chống giặc. Dẫu phải bỏ thân chốn sa trường, thì cũng không uổng công dạy dỗ của cha mẹ và các sư phụ'. Hoàng Dung đành thở dài: "Thiếp vốn biết khó tránh ngày này. Thôi thôi, chàng sống thì thiếp sống, chàng chết thì thiếp cũng chết!" (Xem Anh hùng xạ điêu).
IV
Quách Tĩnh càng lớn, võ công càng cao, kiến thức càng rộng, tâm chí càng lớn, đức hạnh càng vững, hình tượng của chàng trong Anh hùng xạ điêu cũng cao dần lên, về cơ bản là điều đáng tin. Ngòi bút miêu tả của tác giả tuy không phải tất cả đều hay, đều tự nhiên, song phần giả tạo không nhiều. Có điều là về chuyện tác giả không chỉ muốn tả Quách Tĩnh thành cao thủ võ lâm, đại hiệp giữa nhân gian, mà còn muốn tả chàng thành một người tinh anh về tư tưởng và anh hùng về văn hóa, thì tôi có một số điểm khó chấp nhận. Tôi muốn nói, ở phần cuối của bộ tiểu thuyết, tác giả không chỉ tả cuộc khủng hoảng tinh thần của Quách Tĩnh mà còn tả tư tưởng sâu xa của chàng, đến chàng nói những là "Thành Cát Tư Hãn , quốc vương Hoa Thích Từ Mô, các vị hoàng đế Đại Kim Đại Tống, họ đều lấy thiên hạ làm tiền đặt cọc cho canh bạc của họ". (Xem Anh hùng xạ điêu). Tác giả còn để Quách Tĩnh giảng giải ý nghĩa đích thực của hai chữ "anh hùng" cho Thành Cát Tư Hãn nghe : "Xưa nay bậc anh hùng khiến cho đương thời ngưỡng mộ, đời sau nhớ tiếc, tất phải là người tạo phúc cho dân, thương yêu trăm họ ... ... Đại hãn nam chinh tây phạt, thây người chất thành núi, công tội thế nào thật rất khó nói". (Xem Anh hùng xạ điêu). Tuy những lời nói ấy đều đúng, song hiển nhiên là biến nhân vật trong sách thành cái loa của tác giả. Phải nói là anh chàng Quách Tĩnh ngốc nghếch tự dưng lại biến thành nhà tư tưởng, hơn nữa còn vượt qua cả hạn chế của thời gian lịch sử, đạt tới tầm cao nhận thức thời nay, dẫu thế nào cũng làm cho người ta khó mà tin. Thực ra, bản thân việc Quách Tĩnh đi gặp Thành Cát Tư Hãn, kẻ đã bức tử mẹ chàng, đã vượt ra ngoài ranh giới tư tưởng của chàng. Tác giả để cho chàng thực hiện hành động siêu phàm ấy, tức là không khỏi coi thường tình cảm chân thành của chàng đối với mẹ mình. Cái bất túc của hình tượng nhân vật Quách Tĩnh trongbộ tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu chính là tác giả tả thế giới tình cảm và mâu thuẫn tâm lý của nhân vật này không đủ, chưa sâu. Hay đấy là cái giá phải trả cho việc miêu tả hình tượng "đại hiệp" ? Tương tự, hình tượng Quách Tĩnh trong Thần điêu hiệp lữ càng cao cả, song cũng càng thiếu đặc sắc và thiếu tầm sâu nhân văn. Sở dĩ như vậy, tôi cho rằng là vì ban đầu tả Quách Tĩnh quá ngốc, về sau lại tả thiếu chân thực, giữa hai cái đó không có mối liên hệ lôgic tất nhiên nào cả. Có điều là đối với quan niệm truyền thống lễ giáo Nho gia chính thống và chính tông, giả sử không quá ngốc, thì có ai lại tin ngay và thực hiện đúng kia chứ ? Hơn nữa, nếu không dối trá đối với qui phạm tinh thần Nho gia ấy, thì người khác làm sao có thể tin tưởng và sùng bái ? Suy cho cùng, chỉ e điều này không hoàn toàn là sơ ý hay nhầm lẫn của tác giả, mà thực chất là một thứ mâu thuẫn khó nói của bản thân tinh thần Nho gia.
BÀN VỀ CÁC NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT KIM DUNG
TRẦN MẶC – TRUNG QUỐC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét