Thương lão thái là phu nhân của cao thủ võ lâm Bát quái đao Thương Kiếm Minh, người bị Hồ Nhất Đao giết từ sớm. Thương lão thái là nữ chủ nhân của Thương gia bảo. Giống như vô số phụ nữ Trung Quốc thời cổ, đã không còn biết họ tên là gì nữa. Trong đời thường, Thương lão thái khác với những người phụ nữ ở chỗ bà lão tóc bạc này không chỉ võ công đầy mình, mà còn nung nấu hận thù. Từ ngày chồng bị giết, cuộc đời còn lại của bà chỉ nhắm một mục đích là trả thù cho chồng. Bởi vậy, bà chỉ có một công việc là dạy cho con trai Thương Bảo Chấn trở thành một sát thủ võ công cao cường, đặng hoàn thành mục đích báo thù. Thế nên vừa mở đầu sách Phi hồ ngoại truyện, chúng ta đã nghe thấy "một tiếng kêu trầm khàn, đầy oán độc và phẫn nộ, như rít qua kẽ răng, tưởng như tiếng nguyền rủa muôn đời, mỗi chữ đều hòa với máu và thù hận". (Xem Phi hồ ngoại truyện). Phần đầu sách, chúng ta chưa nhìn thấy mặt Thương lão thái, chỉ biết kẻ thù của bà là hai cao thủ tuyệt thế Hồ Nhất Đao và Miêu Nhân Phụng. Xem ra Thương lão thái là một nhân vật võ hiệp điển hình, chỉ có điều, “trong tiểu thuyết võ hiệp, nhân vật phản diện bị nhân vật chính diện sát hại, thông thường phương pháp xử lý được coi là đáng chết , không cần lý giải nữa. Trong sách này, tôi tả Thương lão thái với ý đồ biểu thị : nhân vật phản diện bị giết, nhưng thân nhân của nhân vật đó cho rằng y không đáng chết, vẫn cứ sùng bái, yêu quí y, đến già vẫn không giảm, không thay đổi, cứ mãi mãi đau buồn về cái chết của y, mãi mãi căm thù kẻ đã giết y". (Xem Phi hồ ngoại truyện). Tức là nói rằng khi tả nhân vật này, tác giả Kim Dung đã hoán chuyển một góc độ, cũng hoán chuyển một cách nhìn. Cho nên đáng bàn về Thương lão thái.
I
Chuyện về Thương lão thái bắt đầu từ tiểu thuyết Tuyết sơn phi hồ, ở đó hai vị cao thủ đương thời Hồ Nhất Đao và Miêu Nhân Phụng tỷ võ với nhau tại Thương Châu tỉnh Hà Bắc, trước lúc bước vào quyết đấu sinh tử, đôi bên trao đổi chuyện hậu sự với nhau. Miêu Nhân Phụng nói mình có một việc chưa làm xong, ấy là Thương Kiếm Minh, người huyện Vũ Định tỉnh Sơn Đông có đến nhà Miêu khiêu chiến, giết hai người em trai, một em gái của Miêu, lại giết luôn cả cô em dâu không biết võ công của Miêu; cho nên trong lúc tỷ võ với Hồ Nhất Đao, Miêu Nhân Phụng không dám mạo hiểm tính mạng, rằng Miêu chưa hề tìm đến Thương Kiếm Minh báo thù. Vợ chồng Hồ Nhất Đao đáp ứng, nếu trong cuộc tỷ võ này Miêu Nhân Phụng thất thủ bỏ mạng, họ sẽ hoàn tất tâm nguyện cho Miêu. Sau đó Hồ Nhất Đao không đợi kết thúc cuộc tỷ võ, phi ngựa gấp suất đêm tới huyện Vũ Định tỉnh Sơn Đông, giết Thương Kiếm Minh, rồi mới trở lại tiếp tục tỷ thí. (Xem Tuyết sơn phi hồ). Khi đó,độc giả đều tán thưởng khí phách anh hùng và lòng dạ hiệp nghĩa của Hồ Nhất Đao, đồng thời đương nhiên cũng cho rằng cái tên Thương Kiếm Minh kia đáng bị giết, bởi hắn đã tới thách thức "khắp thiên hạ không có địch thử” Miêu Nhân Phụng, không gặp Miêu, lại đánh chết em trai em gái của Miêu, nhất là phạm vào điều đại ký của võ lâm - đánh chết người không biết võ công. Một kẻ như thế, đương nhiên chết chưa hết tội, sẽ chẳng có ai thương tiếc hắn. Bấy giờ, tôi tin rằng chẳng mấy ai nhớ đến cái tên Thương Kiếm Minh; Hồ Nhất Đao đã giết hắn, thì cũng giống như giết một con rệp mà thôi. Thế nhưng, đến khi đọc Phi hồ ngoại truyện, lại thấy tình huống khác hẳn đi : Thương lão thái là vợ, Thương Bảo Chấn là con của Thương Kiếm Minh, hóa ra Thương Kiếm Minh còn có một gia đình, có thân nhân của hắn; mà gia đình và thân nhân của hắn vô cùng đau khổ, phẫn nộ vì cái chết của chồng và cha, căm thù kẻ giết người; sự đau khổ và thù hận ấy đã thay đổi triệt để số phận của gia đình đó. Nhìn từ góc độ mới này, tuy chưa thay đổi hoàn toàn ấn tượng về Thương Kiếm Minh, song ít nhất chúng ta cũng thấy Hồ Nhất Đao đã giết không phải một con rệp vô danh, mà là một con người sống động. Tiếp đó, chúng ta thậm chí sẽ hoài nghi, việc Hồ Nhất Đao nhảy vào làm hộ công việc của Miêu Nhân Phụng có hợp tình hợp lý hay không? Dưới con mắt người giang hồ, thậm chí dưới con mắt độc giả tiểu thuyết võ hiệp, tự nhiên có một quan điểm giá trị trắng đen rõ ràng. Phàm đối đầu với người tốt, ắt là kẻ xấu; giết kẻ xấu đương nhiên là hành động hiệp nghĩa. Chúng ta biết Liêu Đông đại hiệp Hồ Nhất Đao và Kim Phật diện Miêu Nhân Phụng là hai vị hiệp sĩ danh tiếng lẫy lừng. Thương Kiếm Minh chủ động tìm đến khiêu chiến với Miêu Nhân Phụng, giết mấy gia nhân vô tội của Miêu, sau bị đại hiệp Hồ Nhất Đao chém chết, vậy thì Thương Kiếm Minh đương nhiên là kẻ xấu xa. Nhưng đối mặt với Thương lão thái và con trai Thương Bảo Chấn của bà, chúng ta làm sao có thể tưởng tượng mẹ con họ chấp nhận quan điểm giá trị của người ngoài, để không thương nhớ và kính trọng thân nhân của họ? Thực tế là, trong lòng Thương lão thái thì Thương Kiếm Minh không chỉ là một vị anh hùng cái thế mà còn là một người tốt không ai thay thế nổi, và theo lôgich tương tự đó, hễ ai đối đầu với người tốt Thương Kiếm Minh, sẽ đều là kẻ xấu. Bởi vậy, hai mẹ con Thương lão thái căm hận Hồ Nhất Đao và Miêu Nhân Phụng đến tận xương tủy, quyết chí báo thù, thì chẳng những hợp tình, mà còn hợp lý. Như vậy, chúng ta thấy, nếu đứng trên góc độ và lập trường khác nhau, sẽ có quan điểm hoàn toàn khác nhau về cùng một vấn đề, sẽ có cách đánh giá hoàn toàn khác nhau về cùng một sự việc. Đáng chú ý là, cái lối tư duy trắng đen rõ ràng; cũng như cái qui tắc giá trị, theo đó hễ kẻ địch phản đối thì ta ủng hộ, hễ kẻ địch ủng hộ, thì ta phản đối, sẽ bị người ta giải thích và lợi dụng theo góc độ và lập trường của họ. Mà Thương lão thái chính là một ví dụ điển hình về việc vận dụng lối tư duy và quan điểm địch ta ấy. Chúng ta sẽ thấy cái lối tư duy ấy, cái lập trường địch ta ấy, tưởng là giúp ta phân rõ trắng đen, phải trái, thiện ác, thực tế là ngược lại.
II
Vấn đề của Thương lão thái chính là ở đây. Việc chồng bà bị giết đáng được thông cảm, tình yêu sâu sắc của bà đối với chồng đáng được tôn trọng, lòng căm thù của bà đối với Hồ Nhất Đao có thể lý giải được, lời nguyền trả thù của bà thậm chí cũng không thể trách cứ. Vấn đề là suy nghĩ của Thương lão thái quá giản đơn, cách nhìn của bà quá hẹp hòi, tính cách của bà quá cố chấp, mà hành động thì quá thiên kiến. Càng quan trọng hơn, ấy là niềm tin của bà quá mù quáng. Thương lão thái căm hận Hồ Nhất Đao, điều đó dễ hiểu, bởi vì chính Hồ Nhất Đao đã giết Thương Kiếm Minh chồng bà. Nhưng tại sao Thương lão thái cũng lại nuôi mối hận thù đúng như thế với Miêu Nhân Phụng ? Điều này thật khó hiểu. Bởi vì Miêu Nhân Phụng khônghề giết Thương Kiếm Minh, mà ngược lại, chính Thương Kiếm Minh đã đến giết hại mấy người nhà của Miêu Nhân Phụng. Thực tế chính Miêu Nhân Phụng là bên bị hại. Miêu Nhân Phụng chưa hề tìm Thương Kiếm Minh để trả thù, việc Hồ Nhất Đao đi giết Thương Kiếm Minh, trước đó không hề bàn bạc gì với Miêu Nhân Phụng, vì cớ gì Thương lão thái lại xếp cả Miêu Nhân Phụng vào danh sách những kẻ cần phải trả thù? Về chuyện này, trong sách không nói gì, cho nên có nhiều khả năng. Khả năng lớn nhất, là bà cho rằng Hồ Nhất Đao với Miêu Nhân Phụng cùng một giuộc với nhau, nghĩa là bà chẳng hề phân biệt người bị hại với kẻ sát nhân, tưởng rằng Hồ Nhất Đao hành động theo sự chỉ dẫn của Miêu Nhân Phụng. Khả năng thứ hai, Thương Kiếm Minh năm đó sau khi đi khiêu chiến Miêu Nhân Phụng trở về, không kể cho vợ biết y đã gây nên những chuyện gì ở nhà Miêu, khiến Thương lão thái nhất mực cho rằng Thương Kiếm Minh bị giết là hoàn toàn oan uổng. Khả năng cuối cùng là Thương lão thái biết Thương Kiếm Minh đã làm gì ở nhà Miêu Nhân Phụng, cho rằng cả nhà Miêu Nhân Phụng đáng bị giết chết, phàm những kẻ đối đầu với chồng bà thì đều là địch cả. Tôi cảm thấy, đối với Thương lão thái mà nói, khả năng sau cùng lớn hơn cả. Cũng có nghĩa bà cho rằng những người bị chồng bà giết đều là đáng chết, chẳng có gì là vô tội hay có tội ở đây, bởi vì qui tắc chốn giang hồ là mạnh nuốt yếu, ngươi chết thì ta sống; ngược lại, kẻ giết chồng bà là đại ác, không thể dung tha. Cho nên, bà phải huấn luyện võ công cho con, hi vọng nó mau chóng trở thành kẻ mạnh trên thế gian, để báo thù rửa hận cho cha nó. Bởi thế tất cả mọi việc xảy ra từ đó trở đi đều xuất phát từ niềm tin kiên định của Thương lão thái, rằng Thương Kiếm Minh chồng bà là một vị anh hùng cái thế, bà coi chồng như một thiên thần. Bà cũng tin chắc rằng mọi việc làm của chồng bà đều là hành động anh hùng; đồng thời còn cho rằng võ công của chồng bà là cử thế vô song. Về việc Hồ Nhất Đao dễ dàng giết chết Thương Kiếm Minh, bà nói với con là Thương Bảo Chấn như sau : “nếu trước đó cha ngươi không đấu với gã họ Mã, thì Hồ Nhất Đao đâu dễ gì hại nổi "Bát quái đao" uy chấn giang hồ là cha ngươi kia chứ”. (Xem Phi hồ ngoại truyện). Dưới con mắt của Thương lão thái, chồng mình nếu không bị nội thương trước đó do đánh nhau với Mã Hành Không, thì dẫu là Liêu Đông đại hiệp Hồ Nhất Đao hay "khắp thiên hạ không có địch thử” Miêu Nhân Phụng, cũng chẳng ai làm gì nổi chồng bà. Nếu không, tại sao hồi trước Thương Kiếm Minh dám đến khiêu chiến Miêu Nhân Phụng ? Về điểm này, người ngoài thấy rất rõ, Thương lão thái hiển nhiên ít khi đặt chân vào giang hồ, ếch ngồi đáy giếng, không biết thiên hạ rộng lớn, bao nhiêu người tài, không biết trình độ võ công cao siêu của Hồ Nhất Đao và Miêu Nhân Phụng. Còn một nhược điểm nữa của những con ếch ngồi đáy giếng kiểu như Thương lão thái, ấy là cứ tưởng nhà mình là trung tâm của thế giới. Thực tế chính do niềm tin phần lớn mang tính tưởng tượng đó, mà Thương lão thái quyết chí báo thù. Cũng có khi cái sức mạnh tinh thần bắt nguồn từ hy vọng ấy đủ sức cổ vũ dũng khí coi khinh cái chết, lập nên kỳ tích trong đấu tranh. Việc đối phó với tên cường đạo nửa mùa Diêm Cơ là một ví dụ điển hình. Thương lão thái sở dĩ muốn đứng ra một mình quyết đấu với Diêm Cơ, dĩ nhiên không phải vì bà trượng nghĩa bảo vệ tiêu ngân cho Mã Hành Không, - kẻ thù của gia đình bà, mà là vì căn cứ Thương gia bảo này do chính tay chồng bà dựng nên, "làm sao có thể để cho lũ chuột ngang nhiên cướp tiêu?” (Xem Phi hồ ngoại truyện). Thương lão thái vốn chưa chắc đã địch nổi Diêm Cơ, nhưng chỉ vì nghe hắn dương dương tự đắc nói "Thương Kiếm Minh đâu có gì là anh hùng, Bát quái đao pháp cũng chỉ đến thế này là cùng”, một câu nói đại kỵ đối với Thương lão thái, khiến bà điên cuồng lao tới, chiêu nào cũng liều chết với đối phương, Diêm Cơ đâm hoảng, mất ý chí chiến đấu, mới bại trận một cách khó hiểu.
III
TRẦN MẶC – TRUNG QUỐC
BÀN VỀ CÁC NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT KIM DUNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét