Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Nhân vật chính lu mờ VIÊN THỪA CHÍ


Sở dĩ nói đến Viên Thừa Chí, nguyên nhân quan trọng nhất, như tác giả đã viết rõ trong lời "Bạt" cuốn sách này ở lần sửa chữa: "Nhân vật chính của Bích huyết kiếm thực ra là Viên Sùng Hoán, thứ đến Kim Xà Lang Quân, là hai nhân vật không chính thức xuất hiện trong tác phẩm. Tính cách của Viên Thừa Chí hoàn toàn không rõ ràng (Xem Bích huyết kiếm). Như vậy, xem ra Viên Thừa Chí trước sau là nhân vật chính của bộ tiểu thuyết này, nhưng tác giả không kể nhiều, thậm chí chủ yếu không kể về chàng ta, mà lấy chàng ta làm dây dẫn, nối đến hình tượng hai nhân vật Viên Sùng Hoán và Kim Xà Lang Quân Hạ Tuyết Nghi.

I

Sự rụt rè của Viên Thừa Chí chủ yếu là do cách thiết kế thuật chuyện của tác giả, để cho nhân vật trẻ tuổi này "kiêm chức" quá nhiều, khiến chàng ta thường đánh mất bản ngã. Trước hết, tác giả để Viên Thừa Chí làm con trai một nhân vật lịch sử là Viên Sùng Hoán, danh tướng chống Mãn Thanh cuối thời nhà Minh. Do thủ lĩnh Mãn Thanh là Hoàng Thái Cực dùng kế phản gián, Viên Sùng Hoán đã bị hoàng đế Sùng Trinh triều Minh ghép oan vào tội thông đồng với địch, bán nước, và bị sát hại tàn khốc. Viên Thừa Chí là đứa con côi của một trung thần, đương nhiên phải nuôi chí báo thù, vấn đề là đối tượng chàng cần báo thù lại không phải là một tên gian thần nào đó thường được miêu tả trong tiểu thuyết võ hiệp, mà lại là thủ lĩnh Mãn Thanh và hoàng đế nhà Minh. Nghĩa là đối tượng chàng cần báo thù là hai nhân vật lịch sử ai ai cũng biết, hai nhân vật lịch sử ấy chết như thế nào, đều không liên quan gì tới ViênThừa Chí, cho nên tác giả không thể vì Viên Thừa Chí mà hư cấu lịch sử. Bởi vậy, người báo thù là Viên Thừa Chí này có một vận mệnh mù mờ, khó biết làm gì. Đã thế, tác giả thực ra cũng không muốn để cho Viên Thừa Chí báo thù thật sự, mà chỉ làm ra vẻ cần phải báo thù. Việc báo thù của Viên Thừa Chí chủ yếu chỉ là không ngừng tìm cơ hội nhớ lại hình tượng huy hoàng và cuộc chiến đấu của phụ thân chàng. Thế nên nhân vật chính Viên Thừa Chí thực ra chỉ giống như một người đi phỏng vấn trong một tiết mục chuyên đề lịch sử; nhiệm vụ chính của chàng ta chỉ là tìm được đối tượng phỏng vấn thích hợp, rồi nghe đối tượng đó kể lại chuyện cũ. Họ đa phần là thuộc hạ cũ, bạn cũ của phụ thân, tối thiểu cũng là người sùng bái phụ thân hoặc biết chuyện về phụ thân chàng; những nơi Viên Thừa Chí tìm đến nếu không phải là vùng đất cũ, nơi Viên Sùng Hoán bị hàm oan, không phải là chiến trường cũ, thì cũng là nơi mà hậu nhân tưởng niệm. Thứ nữa, tác giả còn muốn hòa làm một hai thứ lịch sử giang sơn với truyền kỳ giang hồ, tả thực với hư cấu; nên để cho nhân vật chính kiêm chức. Đó là đồng thời với việc biên tập và chế tác tiết mục chuyên đề nhân vật lịch sử Viên Sùng Hoán, còn muốn đưa ra một chuyên đề khác về cuộc sống, về anh hùng Kim Xà Lang Quân Hạ Tuyết Nghi. Cho nên một mục tiêu hành động quan trọng khác của Viên Thừa Chí là phải tìm gặp những nhân vật giang hồ có liên quan đến Hạ Tuyết Nghi, nghe họ kể về các việc làm của Hạ Tuyết Nghi lúc sinh thời. Thế là nhân vật chính Viên Thừa Chí cứ như một con thoi, chạy qua chạy lại, dệt các sợi dọc sợi ngang, còn bản thân mình ra sao, thì không hề quan tâm. Cuối cùng, nhân vật chính con thoi này, ngoài việc phát hiện chuyện quá khứ của Viên Sùng Hoán và Kim Xà Lang Quân ra, còn một nhiệm vụ nữa, ấy là làm cái loa loan báo quan điểm lịch sử của tác giả. Ví dụ điển hình là giới thiệu và đánh giá quan điểm chính trị của viên thủ lĩnh Mãn Thanh Hoàng Thái Cực. Nếu không thông qua những gì Viên Thừa Chí tận mắt chứng kiến, làm sao có thể để người ta thấy rõ viên thủ lĩnh Thái tử này về chính tà còn tỉnh táo hơn các vị hoàng đế triều Minh ngu muội hồ đồ. Cũng vậy, việc nhận thức và đánh giá hoàng đế triều Minh mạt Sùng Trinh tận tụy, độc đoán, đáng giận đáng ghét, lại đáng thương; nhận thức và đánh giá Lý Tự Thành vừa anh hùng hào hiệp, vừa thô lỗ, cứu giúp cho dân mà lại hẹp hòi, cũng đều là thể hiện thông qua những gì Viên Thừa Chí nghe và nhìn thấy. Sự giống nhau trong cái khác nhau giữa hai triều đại trước sau, giữa vương triều tương đối chính thống với khởi nghĩa nông dân, thậm chí cái "Chủ đề ca" "Anh hồn hôm nay, Vạn lý trường thành hôm qua ' trong bộ tiểu thuyết, cũng đều nhất nhất thông qua sự chứng kiến và bình phẩm của Viên Thừa Chí (Xem Bích huyết kiếm) . Để hoàn thành ngần ấy nhiệm vụ, Viên Thừa Chí phải bôn ba tứ xứ, tuy được tác giả xếp đặt khéo léo,không để chàng ta luống cuống chân tay,song thời gian, tinh lực và không gian còn lại,dành cho bản thân chàng ta, đâu có bao nhiêu ?

II

Theo cách thức của tiểu thuyết võ hiệp, tác giả có một lối thiết kế rất hay cho nhân vật này, ấy là võ công của chàng ta. Chuyện Viên Thừa Chí hồi nhỏ học văn luyện võ không nói nhiều, về sau làm môn hạ của cao thủ phái Hoa Sơn "Thần kiếm tiên viên" Mục Nhân Thanh, trở thành nhân vật có tính chất đại biểu cho võ công phái Hoa Sơn; đồng thời, Viên Thừa Chí còn được sư phụ ngầm khích lệ và cho phép theo học chưởng môn Thiết Kiếm môn là Mộc Tang đạo trưởng, học khinh công và tuyệt kỹ độc môn ám khí của người ấy; khi sắp học xong xuống núi, Viên Thừa Chí lại được tha hồ đọc Kim xà bí kíp của Kim Xà Lang Quân Hạ Tuyết Nghi, hấp thu thêm một tuyệt kỹ võ công có phần tà môn của Kim Xà Lang Quân.Theo thông lệ của tiểu thuyết Kim Dung, võ công của nhân vật chính không chỉ là võ công đơn thuần, mà còn là một thứ biểu thị ngầm tính cách rất quan trọng của nhân vật, có khi thậm chí còn là bộ phận hợp thành trực tiếp của tính cách. Cái lý làm việc đó rất rõ ràng, nhân vật chính mỗi khi học thêm một môn võ công, thì không chỉ học kỹ xảo võ thuật, mà còn học cả quan niệm, thậm chí cả tác phong, tính cách của chủ nhân môn võ công ấy. Do đó, tính cách của Viên Thừa Chí cũng phải có đại khí chính phái của phái Hoa Sơn, sự khinh linh phiêu dạt của Thiết Kiếm môn, cái tà môn ngụy bí của Kim Xà môn. Làm thế nào đem ba thứ võ công hiển nhiên khác nhau ấy hoà làm một, tự sáng tạo ra một môn võ công của riêng Viên Thừa Chí; làm thế nào trên đường đời, đem ba thứ quan niệm sống và tính cách hiển nhiên khác nhau ấy hòa thành một thể, cuối cùng thể hiện một tính cách khác người, một nhân cách và phong độ hoàntoàn mới, đấy là điều chúng ta dĩ nhiên mong chờ ở Viên Thừa Chí. Nhưng trong thực tế, tác giả chẳng suy nghĩ gì, tạo luôn hình tượng Viên Thừa Chí như một nhân vật hiệp nghĩa khái niệm hóa. Để cho Viên Thừa Chí tuân thủ qui phạm giang hồ hiệp nghĩa hiện có, trượng nghĩa giang hồ, ngăn mạnh giúp yếu, chủ trì lẽ công bằng, hơn nữa còn để Viên Thừa Chí sắm vai một anh hùng hợp trào lưu trong tiến trình lịch sử, chống ách thống trị đen tối của nhà Minh, kiên trì lập trường ái quốc dân tộc, ủng hộ khởi nghĩa nông dân. Rõ ràng dưới con mắt của người Trung Quốc, Viên Thừa Chí là một đứa con ngoan điển hình, thông minh lanh lợi, thật thà, chịu thương chịu khó, nhất mực vâng lời. Sư phụ bảo chàng hành hiệp trượng nghĩa, thì chàng hành hiệp trượng nghĩa. Sư phụ bảo chàng báo thù cho cha, thì chàng báo thù cho cha. Sư phụ bảo chàng tạm thời chưa nên báo thù, thì chàng tạm thời quên đi thù hận cá nhân. Sư phụ bảo chàng giúp Lý Tự Thành, thì chàng giúp Lý Tự Thành. Cuối cùng, sư phụ bảo chàng không nên làm quan cho triều đình, thì chàng liền từ quan về ở ẩn. Một người con ngoan ngoãn như thế, dĩ nhiên sẽ không thấy tiền bạc mà nổi lòng tham; sẽ không giấu riêng của quí mình tìm thấy, mà sẽ đem hiến cho sự nghiệp chung. Một người con ngoan ngoãn như thế, dĩ nhiên sẽ không quan hệ nam nữ bừa bãi. Con em liệt sĩ gương mẫu như thế, đương nhiên sẽ được giang hồ tôn sùng, sẽ được chọn làm minh chủ võ lâm bảy tỉnh, thành lãnh tụ tinh thần như thần như thánh vậy. Trong sách có rất nhiều ví dụ cụ thể. Bất kể chuyện lớn, chuyện nhỏ, việc gì Viên Thừa Chí cũng xử lý hầu như không chê vào đâu được, thể hiện một sự gương mẫu mà nhân vật loại này cần có. Nhưng chính cái việc không thể chê vào đâu được này lại là cái đáng chê : thế thì tính cách của Viên Thừa Chí ở đâu ? Phản ứng tâm lý và diện mạo tinh thần độc đáo của ViênThừa Chí là ở đâu ? Ví dụ, trong quá trình xử lý môn phong sư môn, tác giả đã muốn Viên Thừa Chí biểu hiện gương mẫu chính khí, thì đành phải để cho ViênThừa Chí đắc tội với vợ chồng sư huynh Qui Tân Thụ. Nhưng đồng thời lại để cho Viên Thừa Chí trẻ tuổi thể hiện qui củ sư môn tôn sư trọng đạo, cứ nhường nhịn hàng trăm lần vợ chồng Qui Tân Thụ. Tác giả cố khắc họa tính cách thận trọng lão luyện của Viên Thừa Chí,nhưng hết sức sơ lược, rằng đây là một siêu cao thủ võ lâm trẻ tuổi, là quan môn đệ tứ được sư phụ Mục Nhân Thanh yêu quí nhất, hơn nữa còn là một "gã mọi Quảng Đông ' điển hình, mang trong người dòng máu của Viên Sùng Hoán cố chấp. Một người như thế, làm sao có thể tỏ rõ sự hàm dưỡng của một vị sư thúc trước gã sư diệt bằng tuổi nghênh ngang kiêu ngạo, làm sao có thể khiêm tốn dùng lý lẽ khuyên can vợ chồng sư huynh Qui Tân Thụ lớn tuổi hơn mình ? Viên Thừa Chí chẳng lẽ không biết giận, không có tính cách riêng của mình? Có lẽ tác giả cảm thấy cần để cho Viên Thừa Chí làm một con người như vậy ? Ví dụ càng điển hình hơn, ấy là lịch trình tình cảm của Viên Thừa Chí. Xuống núi Hoa Sơn không lâu, ViênThừa Chí gặp nàng Hạ Thanh Thanh. Hạ Thanh Thanh thoạt đầu cải trang làm nam, kết nghĩa huynh đệ với Viên Thừa Chí, liền sau đó mẹ của Hạ Thanh Thanh dặn dò gửi gắm lúc lâm chung, khiến Viên Thừa Chí muốn hay không muốn cũng đều phải nhận. Kết nghĩa “huynh đệ", hứa hẹn "quan tâm săn sóc" là một chuyện, còn yêu nhau lại là chuyện khác. Giả dụ Viên Thừa Chí cũng có thích Hạ Thanh Thanh, - một thiếu nữ hẹp hòi, kiêu ngạo, hoàn toàn không biết đại thể - thậm chí có yêu Hạ Thanh Thanh đi chăng nữa, thế thì tại sao chàng lại không có bất cứ "phản ứng gì đối với các thiếu nữ khác, như An Tiểu Huệ, người bạn thanh mai trúc mã từ nhỏ hay như Tiêu Uyển Nhi, vừa xinh xắn đứng đắn, vừa dịu hiền đa tài ? Cuối cùng, nếu bảo Viên Thừa Chí không yên phận để nghĩ đến An Tiểu Huệ, Tiêu Uyển Nhi thì cũng đi một nhẽ, nhưng A Cửu công chúa triều Minh đối với chàng một mực thâm tình, trong lúc nguy nan lại từng nằm cùng một giường với chàng, thế mà "thái độ" của chàng hoàn toàn mơ hồ, y như một gã ngu đần, không hợp tình người chút nào, khiến người đọc khó tin. Chỉ có bạn đọc tinh ý, qua cách xưng hô khác nhau của Viên Thừa Chí đối với Hạ Thanh Thanh và A Cửu công chúa, mới phát hiện được một chút dấu vết tình cảm : Viên Thừa Chí không rõ cố ý hay vô tình luôn luôn gọi Hạ Thanh Thanh là "Thanh đệ", cái đó dĩ nhiên là vì hai người đã kết nghĩa huynh đệ, nhưng sau đã biết nàng ta là con gái, đã xác lập quan hệ yêu đương, chàng vẫn tiếp tục xưng hô như thế; còn ở cuối cuốn tiểu thuyết, khi Viên Thừa Chí Phát hiện A Cửu công chúa cắt tóc đi tu, thì chàng nói: A Cửu muội tử, muội ... ... muội hãy bảo trọng.(Xem Bích huyết kiếm). Câu này chứa đựng biết bao ngụ ý. Một là, Viên Thừa Chí gọi Hạ Thanh Thanh là "đệ, còn gọi A Cửu công chúa là "muội", là có sự phân biệt tình cảm đối với hai nàng; hai là Viên Thừa Chí thừa biết A Cửu công chúa đã xuất gia làm ni cô, vậy mà lại vẫn dùng lối xưng hô của thế tục, chứng tỏ Viên Thừa Chí rất nuối tiếc; ba là sự ngập ngừng đôi chút trong câu nói (dấu ba chấm) cũng phản ánh Viên Thừa Chí đối với “A Cửu muội tử” có không ít điều khó nói. Ngoài ra, chúng ta tìm mãi vẫn không thấy bất kỳ dấu tích nào chứng tỏ Viên Thừa Chí có tình với A Cửu công chúa. Tôi dám nói rằng một số dấu tích đã bị tác giả cố ý hạn chế hoặc kiên quyết lược bỏ, cốt làm cho thế giới tình cảm của Viên Thừa Chí tàn khuyết và mù mờ không rõ, với mục đích làm cho hình tượng nhân vật này phù hợp với qui phẩm đạo đức của một anh hùng võ hiệp.

III

Tuy nhiên tính cách của Viên Thừa Chí trong sách cũng có đôi chỗ nổi bật. Chẳng hạn ở thành Nam Kinh, khi điều đình xung đột giữa Bang chủ Tiêu Công Lễ của bang Kim Long, với cao thủ Mẫn Tử Hoa của phái Tiên Đô, Viên Thừa Chí đã sử dụng các tuyệt kỹ võ công và phong thái ngông cuồng để mọi người được mở rộng tầm mắt. Song cũng chính ở đó, trong sách viết: "ThanhThanh thấy vị đại ca lâu nay nhất mực cẩn thận, đột nhiên thể hiện phong thái của một kẻ điên rồ, song không được giống kẻ điên cho lắm, định nói đùa vài câu, nhưng có lẽ thấy hơi giống đại sư ca, nên chỉ cười thầm. Nên biết Viên Thừa Chí bình sinh chưa từng gặp một kẻ sơ cuồng tiêu sái thật sự, lúc này muốn bắt chước Kim Xà Lang Quân, kỳ thực có ba phần hoạt kê của đại sư ca, còn ba phần khác là bắt chước vẻ ngạo mạn tự đại của Lữ Thất tiên sinh mà chàng từng gặp ở Ôn Gia trang (Xem Bích huyết kiếm). Điều vừa nói bộc lộ nốt hình tượng nhân vật Viên Thừa Chí : cái "tính cách" mà đứa con ngoan này cố thể hiện, đa phần là sự bắt chước người khác một cách vôt ình hay cố ý. Về mặt lý trí, phụ thân Viên Sùng Hoán dĩ nhiên là đối tượng chủ yếu để chàng ta bắt chước, còn Kim Xà Lang Quân Hạ Tuyết Nghi là đối tượng chủ yếu để chàng ta bắt chước về phương diện tình cảm. Ngoài ra, vừa gặp Lý Nham, Viên Thừa Chí đã chủ động “ngầm nảy sinh ý định bắt chước" (Xem Bích huyết kiếm), gặp đại sư ca Hoàng Chân, bất giác cũng nảy sinh ý định bắt chước, thậm chí đối với Lữ Thất tiên sinh ngạo mạn tự đại, cũng phải bắt chước vài ba phần. Đáng chú ý, người mà Viên Thừa Chí bắt chước nhiều nhất lại là Kim Xà Lang Quân Hạ Tuyết Nghi, người mà chàng chưa hề gặp mặt. Khởi đầu là bắt chước võ công của Kim Xà Lang Quân tại Ôn Gia trang. Tiếp đó ở trong thành Nam Kinh chàng tưởng tượng ra phong độ của Kim Xà Lang Quân mà bắt chước. Sau đó trên đường áp tải châu báu lên kinh thành phía bắc: khi trêu chọc bọn cường đạo ở hai tỉnh Sơn Đông, Hà Bắc, thì chàng tưởng tượng ra tinh thần nội tại của Kim Xà Lang Quân mà bắt chước. Cũng chính lần đó, A Cửu công chúa vừa gặp chàng ta đã phải lòng, song nàng ta làm sao biết được Viên Thừa Chí chẳng qua chỉ bắt chước Kim Xà Lang Quân mà thôi ! Vấn đề là hàng loạt sự bắt chước của Viên Thừa Chí như thế cuối cùng sẽ có ảnh hưởng tới mức nào đến tính cách và tâm lý của chàng ta ? Điều quan trọng hơn nữa là việc bắt chước nhân vật giang hồ nửa chính nửa tà Kim Xà Lang Quân, có mâu thuẫn gì với việc bắt chước phụ thân Viên Sùng Hoán, với việc bắt chước các nhân vật võ lâm hoặc nhân vật lịch sử, hay không ? Nếu có, thì mâu thuẫn đó thể hiện ra sao, giải quyết như thế nào ? Rốt cuộc thì "cái tôi" đích thực của nhân vật chính Viên Thừa Chí ở đâu, chân tướng cá tính như thế nào, tác giả không hề giải quyết gì cả. Cũng có nghĩa là tác giả không hề đem ba thứ võ công hoàn toàn khác nhau mà Viên Thừa Chí đã luyện làm thành một cái tam giác lớn mâu thuẫn số một trên đường đời của chàng ta, tựa hồ càng không thể nghĩ rằng chỉ có triển khai cái tam giác lớn mâu thuẫn ấy, thì mới làm cho tính cách của Viên Thừa Chí trở nên phong phú và rõ ràng. Mà trong bộ tiểu thuyết này, thì loại tam giác mâu thuẫn như thế vốn còn rất nhiều, ví dụ như mâu thuẫn tình cảm của Viên Thừa Chí với Hạ Thanh Thanh và A Cửu công chúa; mâu thuẫn tính cách giữa Viên Thừa Chí với đại sư huynh và nhị sư huynh; mâu thuẫn giữa lập trường chính nghĩa với quan hệ sư môn, với lẽ phải trái chốn giang hồ, mà Viên Thừa Chí vấp phải khi xử lý sự kiện Tiêu Công Lễ; mâu thuẫn giữa hiệp nghĩa với tài phú, quyền lực, mà Viên Thừa Chí vấp phải; rồi mâu thuẫn giữa quân khởi nghĩa Lý Tự Thành với hoàng đế nhà Minh, nhà Thanh.Thực ra còn có cái tam giác mâu thuẫn lớn hơn, ấy là quan tâm đến vận mệnh của bàn dân thiên hạ - đây là con đường của Mục Nhân Thanh và cũng là của Viên Sùng Hoán; củng cố chỗ đứng trên giang hồ - đây là con đường của Hạ Tuyết Nghi; một mình qui ẩn trong rừng sâu - đây là con đường của Mộc Tang đạo trưởng. Trước mấy con đường khác nhau ấy, Viên Thừa Chí phải tiến hành lựa chọn, nhất định là mâu thuẫn trùng trùng. Song chúng ta thấy mấy con đường ấy trong bộ tiểu thuyết chỉ tồn tại mà thôi, chúng không được triển khai thật sự, nên cũng là những mâu thuẫn chẳng có ảnh hưởng gì quan trọng. Mà nguyên nhân không triển khai, cố nhiên là do số trang trong bộ tiểu thuyết có hạn đã đành, song chủ yếu là do tác giả không định lấy nhân vật chính Viên Thừa Chí làm trung tâm tự sự. Như trên đã nói, điều tác giả muốn viết, ấy là chuyện lịch sử và nhận thức, đánh giá của mình đối với lịch sử, là hình tượng và sinh thời của hai nhân vật Viên Sùng Hoán và Hạ Tuyết Nghi; còn đối với Viên Thừa Chí, chỉ là nhân vật chính trên danh nghĩa, thực tế chỉ là con thoi, dĩ nhiên sẽ chỉ tả sơ lược hoặc lờ mờ như vậy. Nghiêm khắc mà nói, nhân vật ViênThừa Chí rất khó xếp vào hàng chúng sinh", bởi vì chàng ta không chỉ là một khái niệm lý tưởng được loại hình hóa, thậm chí chỉ là một cái bóng mờ xuất hiện giữa lịch sử với giang hồ.


BÀN VỀ CÁC NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT KIM DUNG

TRẦN MẶC – TRUNG QUỐC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét