Trong các nữ nhân vật chính của tiểu thuyết Kim Dung, số nhân vật hết sức đáng yêu vốn không ít, số nhân vật không thể yêu nổi cũng chẳng hiếm. Trong Bích huyết kiếm, chỉ e Hạ Thanh Thanh là một nhân vật chính không thể yêu nổi. Đương nhiên, đáng yêu hay không đáng yêu chỉ là nói một cách tương đối. Tiền nhân từng nói, trên thế gian không có cô gái nào đáng ghét cả, câu này rõ ràng có cái lý của nó. Nói đến Hạ Thanh Thanh, chắc chắn nàng ta cũng có điểm đáng yêu. Trước hết, nàngrất xinh xắn, đã cải trang làm trai, mà Viên Thừa Chí vừa gặp lần đầu đã phải thầm khen diện mạo; càng làm cho Ngũ độc giáo chủ Hà Thiết Thủ thần hồn điên đảo, thậm chí si mê. Sau khi không cải trang làm trai nữa, Hạ Thanh Thanh càng diễm lệ bội phần, làm cho Viên Thừa Chí cứ phải trố mắt há mồm, càng làm cho Mã Nha Nội tham hoa hiếu sắc ở thành Nam Kinh cứ ngỡ nàng là ma ẩn trong hoa mẫu đơn. Thứ nữa, nàng cũng rất tài giỏi, võ công tuy chưa phải cao thủ hạng nhất, song mưu trí đảm thức chẳng thua gì đấng mày râu, đơn thương độc mã cướp quân lương của Lý Tự Thành, là một minh chứng hùng hồn. Cuối cùng, quan trọng hơn, Hạ Thanh Thanh không chỉ đa tình, mà còn thâm tình, nửa đêm chỉ thổi sáo một khúc nhạc nhỏ cũng đủ làm cho Viên Thừa Chí xúc động mất ngủ; rồi để chiều theo ý thích của Viên Thừa Chí, một người xuất thân từ thế gia cường đạo, lại chủ động đề xuất đem sinh mạng của phụ thân nàng đổi lấy một số tiền bạc châu báu lớn để ủng hộ vô điều kiện cho quân khởi nghĩa của Lý Tự Thành; trên thế gian có mấy thiếu nữ làm được như thế. Hạ Thanh Thanh chỉ có cái xấu là tâm địa quá hẹp hòi, lòng đố ký lại quá nặng nề. Đối với phàm nhân mà nói, ghen ghét tới một chừng mực thích đáng, cũng chứng tỏ tình yêu, nhưng đối với Hạ Thanh Thanh, thì nó như một bản năng, mỗi thiếu nữ mà Viên Thừa Chí gặp gỡ,Hạ Thanh Thanh đều nghi ngờ là họ sẽ cướp mất ViênThừa Chí của nàng, đều coi họ là kẻ thù. Mà một khi lòng ghen ghét đã phát tác, thì bất kể ở đâu, lúc nào, bất kể người kia là ai, bất kể vì chuyện gì lẽ gì, nàng đều nổi cơn lôi đình, làm cho người bạn trai của mình hết chịu nổi, phải bỏ đi. Có lẽ trên thế gian cũng ít ai như nàng. Trừ Viên Thừa Chí bẩm tính chất phác, độ lượng ra, chỉ sợ không còn ai chấp nhận được Hạ Thanh Thanh. Ngay cả Viên Thừa Chí chấp nhận sự ghen tuông như thế của người đẹp, cũng phải điêu đứng khổ sở vì nó.
I
Trong tiểu thuyết Bích huyết kiếm, những ví dụ loại đó rất nhiều, dưới đây xin nêu một vài. Ví dụ thứ nhất, Hạ Thanh Thanh một mình chiếm đoạt quân lương của Sấm Vương, vốn đã chia một nửa cho Viên Thừa Chí là người mới gặp lần đầu; song khi Thôi Hy Mẫn, An Tiểu Huệ đến đòi lại, Viên Thừa Chí trình bày có tình có lý để nàng hiểu, thì Hạ Thanh Thanh chẳng những không nể mặt chút nào vị huynh đệ vừa kết nghĩa, mà ngay cả một nửa đã chia cho, cũng lấy lại nốt. Nàng làm thế hoàn toàn không phải vì tham của, cũng không phải vì không thông tình lý càng không phải là không sợ uy danh của nghĩa quân Sấm Vương.Tất cả chỉ là vì cô gái An Tiểu Huệ khả ái kia từng quen biết Viên Thừa Chí ? Đối với Hạ Thanh Thanh lúc này đã không còn là vấn đề quân lương, cũng không phải là vấn đề phải trái, mà là rốt cuộc thì Viên Thừa Chí giúp nàng hay giúp An Tiểu Huệ ? Cuối cùng thì Viên Thừa Chí thích nàng hay thích An Tiểu Huệ ? Người khác mất trí vì lợi lộc, Hạ Thanh Thanh thì mất trí vì ghen tức. Tiếp đó, ai tinh ý cũng đều nhìn thấy Thôi Hy Mẫn và An Tiểu Huệ tương thân tương ái với nhau, ViênThừa Chí thì cũng đã thể hiện rõ là sẽ đứng về phía nàng. Ai dè, Viên Thừa Chí vừa giơ tay vẫy vẫy cáo biệt với An Tiểu Huệ, thì Hạ Thanh Thanh lập tức giận dữ phát cuồng, đau đớn khổ sở, trách vấn Viên Thừa Chí : tại sao phải tiễn một đoạn, lại còn vẫy tay "đa tình” ?Viên Thừa Chí giải thích với nàng, rằng chàng với An Tiểu Huệ sống cạnh nhau từ thuở bé, Hạ Thanh Thanh nói "Vậy là bạn thanh mai trúc mã chứ gì ?" Viên Thừa Chí giải thích, rằng mẹ của An Tiểu Huệ có ơn đối với chàng, Hạ Thanh Thanh nói : "Nàng ta có người mẹ tốt, còn mẹ của tiểu đệ chết mất rồi"; Viên Thừa Chí không biết nói sao, Hạ Thanh Thanh lại nói : "Huynh đứng với nàng ta thì cười cười nói nói, huynh đứng với tiểu đệ thì cứ câm như hến! (Xem Bích huyết kiếm ). Viên Thừa Chí không còn biết đàng nào mà lần, hễ nói câu nào đều bị bắt bẻ câu ấy, đến là khổ. Ví dụ thứ hai, Hạ Thanh Thanh bị cao thủ Vân Nam Ngũ độc giáo bắt nhốt trong hoàng cung, ViênThừa Chí dẫn Tiêu Uyển Nhi liều mạng đột nhập vào cung để cứu, không ngờ tính ghen của Hạ Thanh Thanh phát tác, nàng cứ hô hoán ầm ĩ cả lên, làm kinh động bọn Hà Thiết Thủ ở cách đó không xa. Viên Thừa Chí và Tiêu Uyển Nhi bất đắc dĩ phải tạm thời chui nấp dưới gầm giường, tình huống vô cùng nguy cấp. HạThanh Thanh thoạt tiên cũng che giấu cho hai người, nhưng nghĩ hai người một nam một nữ ở dưới gầm giường "dựa sát vào nhau”, thì nàng ta nhịn sao nổi? Thế là bất kể đây là đâu, lúc nào, có những ai, cứ định nói toạc ra là dưới gầm giường có người nấp ! Lúc này, trong đầu nàng ta, kẻ thù không còn là Hà Thiết Thủ, Hà Hồng Dược, hai kẻ bắt nàng nhốt vào đây, mà là Viên Thừa Chí và Tiêu Uyển Nhi liều mình vào cứu nàng ra; lúc này mối nguy lớn nhất không phải là nàng bị giam trong cấm cung, mà là quân tử và tiểu mỹ nhân dưới gầm giường "ngồi lâu sinh tình". Phải nhờ Tiêu Uyển Nhi hiểu ra tình thế, vội đi dẫn sư huynh La Lập Như của nàng đến, "cầu xin" Viên Thừa Chí hứa gả nàng cho vị sư huynh kia, thì Hạ Thanh Thanh mới yên tâm. Yên tâm rồi, Hạ Thanh Thanh mới ý thức rằng vừa rồi mình đã hành động quá đáng, ghen tuông lung tung, suýt nữa làm cho mấy người mất mạng. Ví dụ thứ ba, đại quân Lý Tự Thành tiến về kinh, tấn công hoàng thành, Viên Thừa Chí vội xông vào cung, định giết kẻ thù đã sát hại phụ thân chàng là hoàng đế Sùng Trinh, không ngờ lại gặp A Cửu công chúa của hoàng đế Sùng Trinh bị chém đứt cánh tay. Viên Thừa Chí thấy người nguy ngập, không thể không cứu; đành tạm gác việc báo thù sang một bên, để cứu A Cửu công chúa ra và kịp thời chữa trị cho nàng. Khi đó Hạ Thanh Thanh không hề phát tác, cũng không gây khó dễ cho ai. Nhưng sớm hôm sau nàng tự dưng bỏ đi không nói một lời, gọi là "cho khỏi chướng mắt", nàng lao vào chỗ nguy hiểm, gần như là lao đầu vào chỗ chết. Viên Thừa Chí thấy vậy khổ sở vô cùng. Đợi khi chàng mạo hiểm cứu nàng ra khỏi một cái hang ở núi Hoa Sơn, Hạ Thanh Thanh lại nhìn thấy A Cửu công chúa đã xuất gia đi tu, nàng mới hết cơn ghen, tha cho Viên Thừa Chí cái tội "thiếu chung thủy “. Phải nói rằng sự ghen tuông thì ai ai cũng có, nó là một thứ bản năng phổ biến của con người. Nhưng thể hiện sự ghen tuông mạnh mẽ như thế, lộ liễu như thế, xem ra nên coi là một tính cách đặc biệt. Sự ghen tuông của Hạ Thanh Thanh là thiên kiến, tùy hứng như thế, không thể lý giải như thế, không thể kiềm chế như thế, chỉ có thể coi là một căn bệnh tâm lý rõ rệt. Có những lúc tính khí thất thường một cách nghiêm trọng. Bản năng phổ biến, tính cách cá nhân, căn bệnh tâm lý, tính khí thất thường, phân biệt rõ mấy thứ ấy chắc phải là nhà tâm lý học, chuyên gia bệnh tâm thần, còn tác giả và các nhà nhân văn thì khó biết. Bảo Hạ Thanh Thanh là một người mắc bệnh tâm thần, e rằng tác giả Kim Dung tiên sinh và đại đa số bạn đọc sẽ không đồng ý; nhưng nếu bảo Hạ Thanh Thanh không có biến thái tâm lý nào cả, thì không thể giải thích mấy ví dụ kể trên. Hạ Thanh Thanh ngoài sự ghen tuông thành tính, rõ ràng còn nhiều khuyết điểm, nhược điểm, như thiên kiến không một chút lý tính, tùy hứng không chút kiêng kỵ, xung động không thể lý giải nổi. Tai hại nhất là nàng chỉ căn cứ vào sự yêu ghét của mình mà bất chấp lợi hại, bất kể đúng sai, bất phân thật giả, càng bất luận thiện ác. Tính cách đó của nàng, có lẽ là sự di truyền từ phụ thân nàng là Kim Xà Lang Quân Hạ Tuyết Nghi, đúng hơn là hậu quả sự dạy dỗ và hoàn cảnh gia đình Ôn gia. Thứ nhất, Ôn gia là thế gia cường đạo, bá quyền bạo lực là tín cử của Ôn gia, thích gì thì cướp đoạt lấy, bất kể sự việc đúng sai. Từ nhỏ Hạ Thanh Thanh đã quen với việc thích gì thì chiếm luôn, cái đó đã thành bản năng của nàng. Thứ hai, Ôn gia hùng cứ một phương, người đông thế mạnh, Hạ Thanh Thanh là đứa cháun goại, được chiều chuộng, do đó tùy hứng trở thành tập tính, lại thiếu sự dạy dỗ thấu tình đạt lý. Thứ ba, Hạ Thanh Thanh không chỉ có diện mạo xinh đẹp, mà còn tài cán hơn người, là hai cái vốn bá quyền đặc biệt của nàng, khiến bao nhiêu người thèm muốn, ghen tức, lâu dần không tránh khỏi thành tính chỉ biết có mình , không biết đến người. Nàng là một bông hoa rất đẹp, nhưng lại có gai và nhựa độc.
II
Tiếp đó, chúng ta còn phải xét, nếu chỉ vì mấy nguyên nhân trên, thì vẫn khó giải thích thấu triệt tính cách của Hạ Thanh Thanh. Thực ra, đàng sau diện mạo xinh đẹp, tài cán và thế gia hiển hách của HạThanh Thanh, đàng sau thiên kiến, được chiều chuộng và sự tùy hứng của của nàng còn một bí mật và sự cô khổ trong lòng, sự ủy khuất và tự ti khó nói ra. Ông ngoại nàng có năm anh em, rất nhiều người cậu và anh họ vẫn không bù vào nỗi khổ không có có cha của nàng. Đàng sau tấm màn nhung lụa của Ôn gia là sự tham tàn, giả dối, vô tình, thực tế đã khiến cho Hạ Thanh Thanh tủi thân và đau khổ bao nhiêu năm trời; thân phận là đứa con ngoài giá thú khiến cho nàng mẫn cảm và tự ti đến mức cực đoan. Cái tên Kim Xà Lang Quân Hạ Tuyết Nghi - cha nàng, là đại cấm kỳ đối với Ôn gia. Nỗi đau khổ vô tận của mẹ nàng trở thành vết nhục của nàng. Bản thân nàng là kết tinh vết nhục và sự cấm kỵ của Ôn gia, là vết thương vết sẹo của Ôn gia rất ít khi được nhắc đến và vĩnh viễn không lành lặn. Vết thương đau trong tim nàng và mẹ nàng cứ luôn bị ánh mắt vô tình rọi vào, làm ứa máu. Giả sử chỉ có nỗi nhục và tự ti, còn không xinh đẹp tài cán, tùy hứng ... thì Hạ Thanh Thanh có lẽ cũng sẽ không ngang ngược như thế, mà chỉ đau khổ không thôi. Giả sử trong lòng không mẫn cảm và tự ti,chỉ xinh đẹp và tài cán, Hạ Thanh Thanh dĩ nhiên sẽ không đau khổ nhiều như thế, sẽ chỉ sung sướng và tùy hứng. Đàng này vừa kiêu ngạo, vừa tự ti, vừa xinh đẹp, vừa có nỗi nhục, vừa đa tình, vừa mẫn cảm, lại đau khổ, lại thiên kiến, tâm linh của Hạ Thanh Thanh bị méo mó, rạn nứt, nên mới thành một Hạ Thanh Thanh hễ xúc động lại không thể lý giải nổi như vậy. Mẫn cảm do tự ti, xung động do mẫn cảm, đau khổ do xung động, tự ti do đau khổ, đã hình thành nên sự tuần hoàn ác tính khó bề tự kiềm chế, càng khó tự chữa. Tâm trạng của Hạ Thanh Thanh trước Viên Thừa Chí và An Tiểu Huệ đương nhiên là mang tính chất bệnh hoạn. Thực ra An Tiểu Huệ hoàn toàn không phải là tình dịch của Hạ Thanh Thanh, sớm đã có người yêu; Viên Thừa Chí đối với An Tiểu Huệ chỉ có tình bạn thuở nhỏ, chứ không hề có tình yêu nam nữ. Trong tình huống bình thường, nhất là với tâm trạng bình thường, HạThanh Thanh hoàn toàn không cần gì phải ghen tức lồng lộn. Nhưng Hạ Thanh Thanh lại không thể tự kiềm chế, tuôn ra những lời lẽ ghen tức nặng nề, điều này không thể giải thích đơn giản bằng bản năng của con người, cũng không phải là một biểu hiện bình thường về tính cách, mà là sự phát tác của một loại bệnh tâm thần Lúc này Hạ Thanh Thanh vừa mới kết nghĩa "huynh đệ”, với Viên Thừa Chí. Về phía Hạ Thanh Thanh mà nói, không nói ở đây có sự dối trá (vì nàng đóng giả trai, chưa nói rõ chân tướng thân thế của mình), mà là trong thâm tâm nàng mơ tưởng xa hơn đến ngày kết thành vợ chồng với Viên Thừa Chí. Nhưng Viên Thừa Chí nghĩ thế nào, muốn gì, thì nàng chưa biết. Sự xuất hiện của An Tiểu Huệ vừa là một sự đe dọa, vừa là một cơ hội. Nói là sự đe dọa, bởi vì An Tiểu Huệ đã quen biết từ trước với Viên Thừa Chí, mà Hạ Thanh Thanh thì hoàn toàn chưa tự tin. Nói là cơ hội, bởi có thể mượn chính dịp này để phát tác, thử xem Viên Thừa Chí cuối cùng sẽ đứng về bên nào. Bất kể là đe dọa hay cơ hội, thì nguyên nhân chủ yếu nhất vẫn là do Hạ Thanh Thanh có mối lo ngại sâu xa. Thứ nhất, nàng chưa nói cho Viên Thừa Chí biết mình là gái, không hiểu đối phương biết ra sẽ có phản ứng như thế nào. Liệu có yêu một Hạ Thanh Thanh như "Thanh đệ" hay chăng ? Thứ hai , Viên Thừa Chí sẽ có phản ứng thế nào khi biết nàng là đứa con ngoài giá thú, nghĩa là nàng thấp thỏm lo sợ về thân phận mình. Đứng trước An Tiểu Huệ có lai lịch xuất thân "ngon lành" - nàng không biết An Tiểu Huệ cũngcó vấn đề về lai lịch, - nghĩ đến thân thế của mình, Hạ Thanh Thanh không thể không phát tác. Nguyên nhân căn bản là ở tâm trạng tự ti của nàng. Càng nổi rõ hơn là sự ghen tức không thể hiểu nổi của Hạ Thanh Thanh đối với Tiêu Uyển Nhi. Khi đó Hạ Thanh Thanh đã bộc bạch nỗi lòng với Viên Thừa Chí và chàng cũng đã đáp lại bằng tình yêu và hứa hẹn. Hai người từng cứu sống cha của Tiêu Uyển Nhi là Tiêu Công Lễ. Tiêu Uyển Nhi dẫu có ý định xả thân báo đáp Viên Thừa Chí, thì Viên Thừa Chí cũng không chấp nhận sự báo hiếu ấy. Nhưng Hạ Thanh Thanh lại biểu hiện một sự mẫn cảm quá đáng, cứ ghen bóng ghen gió, không sao kiềm chế nổi. Hành vi biểu hiện và trạng thái tâm lý này là rất không bình thường, có khác đôi chút với tâm trạng không bình thường trước mặt An Tiểu Huệ. Lần trước là lo nghĩ về thân phận dẫn đến tự ti; còn lần này là sự tự ti về tính cách dẫn đến lo sợ. Ai cũng thấy Tiêu Uyển Nhi dịu dàng hiền thục, đoan trang thanh nhã, lại thông tình đạt lý, minh bạch phải trái, mà mấy phẩm chất ấy lại chính là thứ Hạ Thanh Thanh còn thiếu. Cho nên Hạ Thanh Thanh một lần nữa lại mất tự tin. Theo nàng, Tiêu Uyển Nhi như thế, ViênThừa Chí không thể không yêu nàng ta. Mà Viên Thừa Chí đi yêu Tiêu Uyển Nhi, thì Hạ Thanh Thanh thà chết còn hơn, cho nên thôi thì cho tất cả cùng chết với nhau . Cuối cùng là đứng trước A Cửu công chúa. Chuyện này thì không phải là ghen bóng ghen gió, mà quả cũng có đôi chút lý do, thậm chí độc giả biết rằng A Cửu công chúa rất yêu Viên Thừa Chí, còn thái độ của Viên Thừa Chí đối với A Cửu công chúa khá mập mờ nước đôi. Mập mờ nước đôi cũng là không bình thường. Điều đáng chú ý trong chuyện này là, Hạ Thanh Thanh không hề làm ầm ĩ với Viên Thừa Chí, càng không lườm nguýt gì A Cửu công chúa, mà là nén nỗi đau lòng và nuốt nước mắt, sau đó lẳng lặng bỏ đi một mình. Vì sao vậy? Không lẽ đấy là nàng thể hiện sự thất vọng và giận dữ cực độ đối với Viên Thừa Chí ? Hành động này rõ ràng có một ẩn tình khác, ấy là đứng trước A Cửu công chúa thân thế tôn quí, mỹ mạo khuynh thành, tính cách khả ái, Hạ Thanh Thanh chỉ có thể cảm thấy tự hổ thẹn vì thua kém mà thôi ! Theo nàng, Viên Thừa Chí yêu A Cửu công chúa là phù hợp luận lý, thậm chí là lẽ đương nhiên. Cái “lô-gich" ấy chỉ bộc lộ triệt để lòng tự ti sâu xa của Hạ Thanh Thanh. Song hành vi của Hạ Thanh Thanh lần này lại hoàn toàn mang tính lý trí, thử chủ động bỏ đi để bảo vệ chút tự tôn cuối cùng của nàng. Thực ra thì chút tự tin mà Hạ Thanh Thanh nuôi dưỡng được đứng trước A Cửu công chúa cơ hồ tiêu tan hết. Như vậy Hạ Thanh Thanh có đáng được thông cảm hay chăng?
BÀN VỀ CÁC NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT KIM DUNG
TRẦN MẶC – TRUNG QUỐC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét