Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

CẦU THIÊN XÍCH Tự khởi nguồn cơn

Thứ hoa Tình kỳ dị ở Tuyệt Tình cốc kết thành các trái quả có hình dạng, mùi vị khác nhau, đương nhiên là một câu chuyện ngụ ngôn về tình cảm con người. Nếu nói Công Tôn Chỉ là một trái quả, thì Cầu Thiên Xích sinh trưởng cùng một cành với Công Tôn Chỉ ắt cũng là một trái quả khác. Cầu Thiên Xích bị biến thành tàn phế, bị đẩy xuống địa huyệt, dưới cái địa huyệt sâu trăm trượng không thấy ánh mặt trời, chỉ sống nhờ các trái táo dại mà sống mười mấy năm, hơn nữa còn luyện thành một tuyệt kỹ kinh hồn nhổ hạt táo. Nhân vật loại này và chuyện về nàng ta chỉ có thể xuất hiện trong tiểu thuyết võ hiệp, và chỉ những tiểu thuyết gia giàu sức tưởng tượng như Kim Dung mới xây dựng nổi. Song hình tượng nhân vật và chuyện tình cảm của họ lại có cái hợp lý và chân thật chẳng khác gì chuyện phàm tục trên thế gian.

I

Nếu đứng trên lập trường bảo vệ quyền lợi phụ nữ, đương nhiên sẽ có thể nói ngay không chút do dự, rằng bi kịch tình cảm và cuộc sống của Cầu Thiên Xích là do gã chồng Công Tôn Chỉ không chung thủy và bạc ác gây nên. Nói thế là có đủ chứng cứ : thứ nhất, giữa lúc Cầu Thiên Xích đang có thai, chồng nàng lại đi tư tình với nữ nhân khác, như thế có chịu nổi không? Thứ hai, sau khi Công Tôn Chỉ đã giết nhân tình Nhu Nhi, Cầu Thiên Xích đã hoàn toàn tha thứ cho Công Tôn Chỉ, thì gã chồng hèn hạ lại lén hạ độc thủ, khiến nàng bị tàn phế, rồi nhẫn tâm đẩy nàng xuống địa huyệt, hiển nhiên là dồn nàng vào tử địa. Nghĩa là gã chồng phạm tội phản bội hôn nhân và tội mưu sát. Chính gã chồng làm cho nàng khổ sở bội phần, không còn ra hồn người, thà chết còn hơn. Đứng trên góc độ đó mà xét, thì bất kể vị quan tòa nào cũng sẽ khép y vào tội đại ác, phải tử hình, thậm chí, theo kiểu ngày xưa, phải đem y ra tùng xẻo. Nhưng mâu thuẫn trong gia đình rất khó phân biệt phải trái. Quan hệ tình cảm vợ chồng quyết không đơn giản như thế, không phải tòa án nào cũng có thể dễ dàng đưa ra phán quyết. Tuy có lời khai từ phía Cầu Thiên Xích, song chúng ta cũng có thể đoán việc Công Tôn Chỉ ngoại tình dẫu phi đạo đức thật, nhưng cũng có cái nỗi khổ tâm, bất đắc dĩ của y. Điều này dĩ nhiên không phải nói về chuyện Cầu Thiên Xích trong thời gian có thai tính khí nóng nảy, hay nổi đóa mắng nhiếc, khiến Công Tôn Chỉ đi tìm nguồn an ủi khác. Thực ra, từ sau khi kết hôn, e rằng Công Tôn Chỉ lúc nào cũng nơm nớp sợ vợ. Nguyên nhân : Cầu Thiên Xích không chỉ xuất thân danh môn giang hồ, là em gái Thiết chưởng bang chủ Cầu Thiên Nhẫn lừng lẫy giang hồ, mà võ công của bản thân nàng cũng cao hơn hẳn Công Tôn Chỉ, từng chỉ dẫn cho Công Tôn Chỉ những chỗ khiếm khuyết, non kém; trong một lần bị kẻ địch từ bên ngoài kẻo đến tấn công, Cầu Thiên Xích đã liều chết đánh lui chúng, bảo vệ sự an toàn của Tuyệt Tình cốc. Như vậy, Cầu Thiên Xích thân phận là vợ Công Tôn Chỉ, thực tế còn là sư phụ của y, về tâm lý còn là đại ân nhân của Công Tôn Chỉ và toàn bộ cơ ngơi Tuyệt Tình cốc. Giá như Công Tôn Chỉ tính cách trung hậu thật thà, độ lượng, biết báo đáp ân nghĩa, đương nhiên không thành vấn đề ; giá như Cầu Thiên Xích tính cách dịu dàng, khiêm nhường, cẩn trọng, đừng luôn miệng khoe khoang công lao, đương nhiên cũng không thành vấn đề. Theo lời Cầu Thiên Xích, nàng đối với chồng không chỉ giúp về phương diện võ công, mà về phương diện săn sóc ăn mặc cũng hết sức chu đáo, làm tròn bổn phận người vợ. Điều đó chúng ta hoàn toàn có thể tin. Vấn đề là, ngoài phương diện võ công, sinh hoạt, người chồng rất cần được quan tâm về phương diện tâm lý, tinh thần, lòng tự tôn. Vấn đề là Cầu Thiên Xích không phải là người dịu dàng khiêm nhường, Công Tôn Chỉ thì không độ lượng; Cầu Thiên Xích thường cậy công kiêu ngạo, coi thường đối phương; Công Tôn Chỉ thì mẫn cảm, không muốn nấp sau váy vợ. Vợ cứ ra vẻ ta đây, chồng thì đành nuốt giận, tình cảm vợ chồng dĩ nhiên bị tổn thương nghiêm trọng, quan hệ đôi bên chỉ bằng mặt chẳng bằng lòng. ít nhất thì Công Tôn Chỉ rõ ràng không cam chịu lép vế mãi, nên sớm muộn gì y cũng sẽ yêu người khác. Điều đáng chú ý, đối tượng mà Công Tôn Chỉ ngoại tình là Nhu Nhi, tên sao người vậy, tính nết dịu hiền. Cầu Thiên Xích nhận xét : "Con tiện nhân ấy nhất nhất vâng lời, Công Tôn Chỉ bảo sao nó nghe vậy, lại luôn miệng ngon ngọt, nào chàng là người tốt nhất trên đời, nào chàng là đại anh hùng bản lĩnh cao cường, khiến Công Tôn Chỉ mê mẩn nó". Lời chứng của Cầu Thiên Xích hoàn toàn đáng tin; nghĩa là Công Tôn Chỉ yêu Nhu Nhi, thực ra là để bù vào chỗ thiếu thốn trong đời sống tình cảm của y. Cũng tức là nói Nhu Nhi có phẩm chất dịu hiền mà Cầu Thiên Xích không có. Trong quan hệ vợ chồng, người vợ cứ quyết định hết mọi việc lớn nhỏ, coi thường người chồng, thì cuối cùng sẽ khiến người chồng phản bội. Dù trong xã hội nam nữ bình đẳng, người chồng cũng chưa chắc chịu cảnh đó, nữa là Công Tôn Chỉ sống trong một xã hội khép kín, nam tôn nữ ti, trọng lễ giáo cổ xưa.

II

Ban đầu, Công Tôn Chỉ tuy không chịu nổi vợ mình, nhưng cũng chỉ ghét và sợ, chứ chưa thù hận, càng chưa có ý gia hại. Nếu là xã hội hiện đại, Công Tôn Chỉ hẳn đã đòi ly hôn, Cầu Thiên Xích không chấp nhận, thì Công Tôn Chỉ có thể đâm đơn ra tòa xin ly dị. Nhưng xã hội của Công Tôn Chỉ chưa có thể chế đó, nên Công Tôn Chỉ đành bí mật hò hẹn với nhân tình, thừa cơ Cầu Thiên Xích tĩnh tọa luyện công, không ra khỏi phòng, hai người sẽ ra khỏi hẻm núi, đến một chỗ xa xa tư tình với nhau. Về điểm này mà nói, một nam nhân không thể an thân ở chính ngôi nhà tổ tiên mình để lại, phải trốn ra chỗ khác để làm chuyện kia, kể cũng là hạ sách, vạn bất đắc dĩ. Không may là kế hoạch ấy không thành, bị CầuThiên Xích phát hiện, Công Tôn Chỉ và Nhu Nhi cùng bị ném vào bụi hoa Tình cho vô số cái gai độc đâm vào người, cuối cùng, chỉ còn một viên thuốc giải độc, Cầu Thiên Xích giao cho Công Tôn Chỉ, chỉ cứu được một người, để y quyết định cho y hoặc nhân tình của y được sống. Cuộc thử thách này khiến Công Tôn Chỉ bộc lộ hết bản tính tự tư tự lợi, tham sống sợ chết. Y hoàn toàn không phải là bậc thánh, có thể hi sinh vì tình yêu, vì người mình yêu; mà chỉ là một kẻ phàm phu tục tử, một thằng hèn giả dạng anh hùng. Cảnh cuối cùng y đánh lừa đâm chết Nhu Nhi đương nhiên là hèn hạ và tàn nhẫn. Nhưng nói đến tàn nhẫn, thì cũng là bất đắc dĩ, bởi vì Cầu Thiên Xích tạo ra cục diện nhẫn tâm ấy buộc y chỉ có một cách lựa chọn. Y giết người để mình được sống, hoàn toàn không phải vì bản tính tàn nhẫn, mà chỉ có thể nói là hèn hạ tự tư. Từ đây, nỗi sợ hãi của Công Tôn Chỉ đối với Cầu Thiên Xích cuối cùng đã biến thành thù hận. Bao nhiêu oán hận tích lại từ trước, cái nhục vì tham sống, nỗi bi phẫn vì chính tay mình giết người tình, tự nhiên gộp thành lửa giận cực đoan, phải bùng ra đốt cháy thủ phạm là Cầu Thiên Xích. Ngoại tình chưa phải là tội chết, vậy mà Cầu Thiên Xích buộc y giết hại Nhu Nhi, vậy thì y phải báo thù hành vi tàn bạo của nàng. Xét về mặt này, việc Cầu Thiên Xích bịđánh cho tàn phế, bị đẩy xuống địa huyệt, có mộtphần là do tự mình chuốc lấy.

III

Viết đến đây, tôi tự nhắc nhở mình, chớ đứng trên lập trường nam giới mà chạy tội cho Công Tôn Chỉ. Tôi còn tự nhắc mình, cũng không nên truy cứu trách nhiệm pháp lý và đạo đức đối với Cầu Thiên Xích. Tôi chỉ nên phân tích cá tính của nhân vật Cầu Thiên Xích, tìm ra nhược điểm của tính người. Nhược điểm tính cách của Cầu Thiên Xích hết sức rõ ràng, đó là tùy hứng bá đạo và ngu xuẩn vô tri. Biểu hiện là tùy hứng và bá đạo; thực chất là ngu xuẩn vô tri, hai cái đó kích động lẫn nhau, thành tuần hoàn ác tính, đến mức vượt khỏi tầm kiểm soát. Điều đó không chỉ hủy hoại sinh hoạt hôn nhân, mà còn hủy diệt sinh mạng của chính mình và của người chồng. Sự tùy hứng bá đạo của Cầu Thiên Xích biểu hiện hàng ngày, hàng giờ; rõ nhất là việc muốn gả con gái mình cho Dương Quá, nếu không sẽ không cho Dương Quá thuốc giải độc. Theo cách nhìn nhận của Cầu Thiên Xích, con gái là Công Tôn Lục Đài đã yêu Dương Quá, thì Dương Quá tất phải thành con rể của mình; hoặc nói khác đi, CầuThiên Xích đã chọn Dương Quá thì Dương Quá phải lấy con gái của bà ta. Không cần biết Dương Quá nghĩ gì. Sự tùy hứng bá đạo kiểu đó đương nhiên xuất phát từ sự ngu xuẩn, không biết tình cảm của con người. Có lý do để nghĩ rằng Cầu Thiên Xích không hiểu rằng giữa vợ chồng với nhau, ngoài việc ăn uống, sinh con đẻ cái, luyện võ chống địch, còn có sự an ủi lẫn nhau về tình cảm, tôn trọng lẫn nhau về nhân cách, gắn bó với nhau về tâm lý, quan tâm lẫn nhau về tinh thần. Do sự mông muội vô tri đó, Cầu Thiên Xích hoàn toàn mù quáng tự tin và tự đắc, mù quáng tùy hứng bá đạo, đến mức ném chồng và tình nhân của y vào bụi hoa Tình, sau khi bức Công Tôn Chỉ giết Nhu Nhi, lại còn dương dương tự đắc cùng y uống rượu mừng sự hối hận chân thành của y. Sau khi bị chồng gia hại, Cầu Thiên Xích cũng không hề nghĩ tại sao y lại đối với mình tàn bạo như thế, chỉ cho rằng một mình Công Tôn Chỉ là kẻ có lỗi mà thôi. Đôi vợ chồng ấy ở Tuyệt Tình cốc rốt cuộc là có tình hay vô tình, là đa tình hay tuyệt tình, là chồng xấu hay vợ ác, là vợ đáng thương hay chồng đáng buồn, người bên ngoài thật cũng khó xác định. Cho nên cuối cùng tác giả khéo léo để cho Công Tôn Chỉ và Cầu Thiên Xích cùng ngã xuống vực sâu trăm trượng, để hai vợ chồng vĩnh viễn ở bên nhau. Có điều là liệu kết cục cuối cùng này có phải cũng do Cầu Thiên Xích bố trí từ trước, còn Công Tôn Chỉ hoàn toàn không hay biết hay chăng, thì xin mọi người cứ việc phán đoán.


TRẦN MẶC – TRUNG QUỐC

BÀN VỀ CÁC NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT KIM DUNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét