Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Thiên Trì quái hiệp - VIÊN SĨ TIÊU

Thiên Trì quái hiệp

VIÊN SĨ TIÊU

Trong bộ tiểu thuyết Thư kiếm ân cừu lục, Viên Sĩ Tiêu xuất hiện không nhiều. Tôi nhớ lâu nhân vật này, không chỉ vì Viên Sĩ Tiêu là sư phụ của nhân vật chính Trần Gia Lạc lừng lẫy tiếng tăm, mà còn vì tính nết cổ quái và quá trình tình cảm kỳ dị của của ông ta. Tôi cảm thấy nhân vật này mang hình ảnh của rất nhiều vị đại sư học thuật Trung Quốc nửa đầu thế kỷ hai mươi, như nhà triết học Kim Nhạc Lâm, nhà kinh tế học Trần Đại Tôn. Họ có một số điểm giống nhau : một, họ suốt đời không kết hôn, mà nguyên nhân chỉ là vì người tình của họ đi lấy người khác; hai, nguyên nhân cuối cùng (cũng có thể coi là hệ quả") là họ du học hải ngoại, nhiều năm không về, đến khi thành tài trở về, thì đã muộn. Ba, họ đều trở thành tông sư trong lĩnh vực của mình, tính cách tưởng là quái dị, nhưng thực ra hết sức hồn nhiên chân thành. Tôi không biết Kim Dung tiên sinh khi sáng tạo hình tượng nhân vật này, có nghĩ đến các vị tiền bối như Kim Nhạc Lâm, Trần Đại Tôn hay không. Tôi cho rằng Viên Sĩ Tiêu tuy là nhân vật hư cấu, khác với các nhân vật có thực, về mặt khoa học, thì võ thuật cũng khác với triết học và kinh tế học, nhưng chuyện cuộc đời các vị đó và tâm lý tính cách của họ thì có thể thuyết minh cho nhau. Đương nhiên nói thế không có nghĩa cứ việc nghiên cứu họ một cách máy móc, mà là trong quá trình trải nghiệm và phát triển tình cảm giống nhau của họ, ta cố tìm ra chìa khóa giải đáp bí ẩn cuộc đời các vị kỳ nhân đó.

I

Chuyện của Viên Sĩ Tiêu hết sức đơn giản, bề ngoài thấy ông quả thực có đôi điều cổ quái. Viên Sĩ Tiêu và Quan Minh Mai từ nhỏ sống bên nhau đến lúc trưởng thành, là đôi bạn thanh mai trúc mã, thuở nhỏ hồn nhiên, lớn lên thì tự nhiên có tình với nhau. Nhưng vì tính nết hơi cổ quái, hai người cãi nhau vì một chuyện nhỏ nhặt, Viên Sĩ Tiêu bèn giận dỗi bỏ đi mãi lên vùng sa mạc phương bắc, biền biệt hơn mười năm liền, cũng chẳng có tin tức gì báo về. Quan Minh Mai cho rằng Viên Sĩ Tiêu không bao giờ trở về, trong lòng không khỏi nuối tiếc, vừa hay Trần Chính Đức xuất hiện, bù vào chỗ trống trải trong cuộc đời của nàng, thế là Quan Minh Mai thuận lý thành chương kết hôn với Trần Chính Đức. Ai ngờ kết hôn chưa được bao lâu, thì Viên Sĩ Tiêu trở về cố hương, mọi việc đã khó bề thay đổi, đôi tình nhân năm xưa chỉ đành ngậm ngùi đau khổ. Trần Chính Đức biết chuyện ngày trước trong lòng hết sức bất mãn, mấy phen tìm Viên Sự Tiêu trút giận, tiếc rằng không phải là đối thủ của Viên Sĩ Tiêu. Tuy Viên Sĩ Tiêu nể tình Quan Minh Mai, không nỡ đả thương Trần Chính Đức, nhưng Trần Chính Đức không thể chịu đựng sự giày vò tình cảm, bèn cùng Quan Minh Mai bỏ đi một nơi thật xa. Viên Sĩ Tiêu không quên được tình cũ với Quan Minh Mai, biết vợ chồng họ bỏ đi Thiên Sơn, bèn di cư theo tới đó. Tuy qua lại không nhiều, nhưng mấy chục năm liền, ba người trong cuộc hoặc không nỡ đoạn tuyệt, hoặc không nỡ bỏ, hoặc không chịu nổi, ai cũng có điều mắc mớ không vui, cứ thế cho đến lúc cả ba tóc bạc da mồi. Câu chuyện có vẻ đơn giản, dễ rút ra kết luận rằng Viên Sĩ Tiêu tính nết cổ quái, nên mới gây nên tình trạng khó xử như thế. Trước hết, vì một chuyện nhỏ nhặt mà giận dỗi bỏ đi, mười năm biệt vô âm tín, như thế đã là quái dị rồi. Giá như hồi trước Viên Sĩ Tiêu không bỏ đi, thậm chí không giận dỗi vì một chuyện nhỏ nhặt, có phải là hay biết bao nhiêu không ? Thứ hai, mười năm sau trở về, thấy người tình đã đi lấy chồng, cục diện không thể cứu vãn, lại còn gây thêm rắc rối, càng thêm quái dị. Sớm biết sự thể như bây giờ, ngày trước đã không làm vậy ? Ngày trước đã bỏ đi, còn trở về làm gì ? Quái dị nhất dĩ nhiên là việc vợ chồng Trần Chính Đức và Quan Minh Mai đã bỏ đi Thiên Sơn xa xôi, Viên Sĩ Tiêu lại còn bám theo, điều này khiến người ta khó hiểu, thậm chí còn bảo là Viên Sĩ Tiêu không tuân theo qui phạm đạo đức, vi phạm qui tắc sống. Trên thế gian thiếu gì nữ nhân, Quan Minh Mai đã đi lấy chồng, quên Viên Sĩ Tiêu, yêu người khác, kể cũng đúng; hà tất còn bám riết theo nàng ta, để cho cuộc đời của người ta mất cả sung sướng ? Nghĩ như vậy, kể cũng là lẽ thường tình của con người, nhưng rõ ràng ta sẽ không hiểu được, càng không thể lý giải tính cách đặc thù của Viên Sĩ Tiêu. Ngày trước Viên Sĩ Tiêu bỏ đi, sau đó trở về, trở về rồi lại vượt hàng vạn dặm đi theo vợ chồng Quan Minh Mai, dĩ nhiên đều là do tính cách của ông ta quyết định. Tính cách của Viên Sĩ Tiêu, một chữ "quái" chưa đủ khái quát. Trong bộ tiểu thuyết không nói rõ, năm xưa Viên Sĩ Tiêu vì chuyện gì mà giận dỗi Quan Minh Mai bỏ đi tít lên phương bắc, cũng không nói rõ trong chuyện nhỏ nhặt ấy ai đúng ai sai, xem ra chỉ là chuyện vớ vẩn, không đáng gì. Những chuyện đại loại như thế hầu như ngày ngày vẫn xảy ra. Bất cứ người nào giàu kinh nghiệm sống cũng đều biết rằng giữa những người có tình với nhau, thường thường xuất hiện xảy ta tình trạng được miêu tả trong bộ tiểu thuyết Hồng lâu mộng : "Cái tâm muốn gần, cái ý lại thành xa" - càng có tình với nhau, càng dễ sinh ra tranh chấp, bởi vì sự mẫn cảm giữa họ với nhau càng mạnh hơn những người khác họ đòi hỏi ở nhau cũng nghiêm khắc hơn. Ngược lại cũng rất dễ chứng minh, rằng sự tranh chấp dễ xảy ra này thường thường xảy ra giữa những người có tình với nhau, chẳng qua là Viên Sĩ Tiêu hoàn toàn không hiểu điều đó mà thôi; Quan Minh Mai cũng vị tất đã hiểu, bởi lẽ thời ấy cả hai còn rất trẻ. Những người trẻ tuổi có tình với nhau, không chỉ mẫn cảm, dễ giận dỗi, mà còn dễ bộc lộ xúc động, đợi khi cơn xúc động lắng xuống, biết mình hơi quá đáng, thì hối lại đã muộn. Xung đột giữa Viên Sĩ Tiêu với Quan Minh Mai, bất kể ai đúng ai sai, xét từ tính nết của Quan Minh Mai mà nói, nàng rõ ràng có lý không nhường người, mà đuối lý cũng không nhường người, chỉ cần bên nam không nhận lỗi, thì nàng quyết không làm lành. Phán đoán này của tôi xuất phát từ gợi ý về quan hệ tam giác giữa Triệu Tiền Tôn với Đàm bà, Đàm công trong bộ tiểu thuyết Thiên long bát bộ. Về một ý nghĩa nào đó mà nói, chuyện tam giác trong Thiên long bát bộ chính là lặp lại và phát triển chuyện tam giác giữa Viên Sĩ Tiêu, Quan Minh Mai và Trần Chính Đức trong Thư kiếm ân cừu lục. Trong Thiên long bát bộ, Triệu Tiền Tôn bao năm liền không biết vì sao tiểu sư muội lại bỏ chàng mà đi, kết hôn với Đàm công, trở thành Đàm bà, mãi về sau mới biết, chẳng qua là vì Đàm công có môn công phu đặc biệt là nhường nhịn nữ giới trong mọi chuyện, bị đánh cũng không đánh trả ! Đúng như Trí Quang đại sư trên núi Thiên Đài có nói : "Bị đánh mà không đánh trả, đó là công phu bậc nhất trong thiên hạ, đâu dễ có được ?" (Thiên long bát bộ). Hồi trước tính nết của Quan Minh Mai cũng giống như Đàm bà, còn Viên Sĩ Tiêu hiển nhiên bấy giờ cũng hệt như Triệu Tiền Tôn, không làm nổi cái việc để yên cho người tình đánh, không đánh trả, không cãi lại; đàng này lại đi cãi lý, thậm chí còn giận dỗi bỏ đi, kết quả đương nhiên đã có thể biết sẽ ra sao.

II

Viên Sĩ Tiêu giận dỗi bỏ đi thực ra co một nguyên nhân sâu sa, Viên Sĩ Tiêu không chỉ si tình mà còn si võ. Giống như nhà khoa học thật sự si mê khoa học, một nhà nghệ thuật thực sự si mê nghệ thuật, một người thực sự si mê võ thuật sẽ khác với một người luyện võ thông thường; không yêu thích, vui sướng với võ thuật, mà còn quên mình, quên tình, khăng khăng một mực đến cùng. Trong rất nhiều chuyện ký về các nhà khoa học kiệt xuất, chúng ta đều gặp những chuyện tương tự. Viên Sĩ Tiêu rời bỏ Quang Minh Mai, nguyên nhân cũng chính là tính khăng khăng đòi phân rõ phải trái. Viên Sĩ Tiêu căn bản không nghĩ, càng chưa thể hiểu được rằng trong sinh hoạt hằng ngày, khi những người có tình tranh chấp với nhau, hoàn toàn không nên đấu lý phải trái với nhau. Vì sao Viên Sĩ Tiêu bỏ lên phương bắc xa xôi, hơn mười năm không báo tin gì về ? Nếu bảo đó chỉ là do tính xúc động, giận dỗi nhất thời, thì hóa ra quá đơn giản. Cái gọi là tính xúc động, giận dỗi nhất thời, sẽ lắng xuống rất nhanh, giống như nước lũ trên núi, dâng lên cực nhanh, nhưng rút đi cũng mau chẳng kém. Xúc động, giận dỗi gì mà kéo dài những hơn mười năm ? Như thế không hợp tình hợp lý. Cách giải thích thật sự hợp lý là, suốt thời gian ấy Viên Sĩ Tiêu có một niềm vui tinh thần khác, chàng si mê võ thuật. Điều này gồm hai mặt, một mặt sự huyền diệu của võ công tự nhiên lôi cuốn chàng, khiến chàng mải vui quên cả nàng; hai là định học cho thành tài, rồi trở về cho nàng Quan Minh Mai "lác mắt" một phen. Cả hai mặt đó hợp với nhau mới khiến cho Viên Sẽ Tiêu xa cố hương hơn mười năm, chuyện tranh cãi nhỏ nhặt năm xưa đã quên hẳn từ lâu, nhưng đến khi học xong trở về, thì phát hiện người và vật đều đã đổi dời, Quan Minh Mai chẳng những đã có người yêu khác, mà còn kết hôn với người ấy. Lúc này tâm trạng phức tạp : rụng rời, bi thống, phẫn nộ, hoang mang và hối hận của Viên Sĩ Tiêu thế nào, cứ nghĩ cũng đủ biết. Viên Sĩ Tiêu nhất định tìm dịp giải thích với Quan Minh Mai nguyên nhân mười năm không về, đồng thời muốn căn vặn Quan Minh Mai tại sao lại đi yêu người khác. Nhưng tất cả bây giờ đã muộn, Trần Chính Đức còn tìm đến gây sự cho bõ tức. Nếu tính nết Viên Sĩ Tiêu thật sự quái dị, hẳn Viên Sĩ Tiêu đã làm cho tình địch ăn đòn khốn khổ, song chàng không muốn để Quan Minh Mai phải đau lòng, nên đã không đả thương Trần Chính Đức. Có thể biết việc nín nhịn này khó khăn chừng nào! Chính từ thời điểm này, tâm tình, tính nết của Viên Sĩ Tiêu mới bắt đầu trở nên "cổ quái". Thực ra, gọi là "cổ quái", chẳng qua chỉ là "Thề làm cái việc mà tiền nhân chưa làm, sử bài quyền mà tiền nhân chưa sử, cho nên mới tìm hỏi các danh gia khắp nơi trong nước, hoặc học thầy, hoặc xem lén, hoặc khích cho người ta đấu đá mà xem chiêu số của họ, hoặc đoạt lấy kiếm phổ, chưởng phổ, học bằng hết quyền thuật các phái". (Xem Thư kiếm ân cừu lục). Trong quá trình đó, Viên Sĩ Tiêu nhất định là một quái khách giang hồ, tìm học quyền thuật các danh gia khắp nơi trong nước, trải qua bao nhiêu chuyện kinh tâm động phách. Mặt khác, chính vì có tâm nguyện và mục tiêu kỳ dị ấy, Viên Sĩ Tiêu mới thoát ra khỏi tâm trạng thống khổ ghê gớm mà người thường khó chịu đựng nổi. Lòng si võ từng ảnh hưởng đến sự si tình của chàng đối với Quan Minh Mai. Bây giờ tổn thương si tình chỉ có thông qua si mê võ học mới có thể giảm nhẹ hoặc bình phục. Thay đổi tình cảm là điều Viên Sĩ Tiêu không làm nổi, yêu người khác ư ? Không phù hợp với tính cách của Viên Sĩ Tiêu. Tình yêu dồn hết cho một người, ấy là bản tính của kẻ si tình, khác với mọi người bình thường, cũng là cơ sở để Viên Sĩ Tiêu trở thành một vị đại sư. Viên Sĩ Tiêu không lấy người khác, thậm chí không nghĩ đến hôn nhân thế tục, bây giờ không phải là "vì thất tình nên chán hết", mà là sự cố chấp và đơn thuần của kẻ si mê. Phàm cái gì đã coi là mục đích của mình, thì vĩnh viễn sẽ không dễ dàng từ bỏ. Bởi vậy, Viên Sĩ Tiêu sẽ không tranh cướp vợ của Trần Chính Đức, nhưng cũng sẽ không dễ dàng rời bỏ Quan Minh Mai, kết quả là vượt cả vạn dặm, bám theo vợ chồng Trần Chính Đức, Quan Minh Mai đến ẩn cư Ở Thiên Sơn. Dĩ nhiên Viên Sĩ Tiêu không nghĩ rằng hành vi của mình sẽ làm cho vợ chồng nhà kia suốt đời không sung sướng.

III

Hành vi của Viên Sĩ Tiêu làm cho người ta khó hiểu, y như khi lần đầu tiên nhìn thấy môn quyền pháp mới mà Viên Sĩ Tiêu tự sáng tạo ra : "Cầm nã thủ có kèm ưng trảo công, tay trái là Tra quyền, tay phải là Miên chưởng, lúc đánh ra là Bát quái chưởng, khi thu về đã là Thái cực quyền, kiêm tạp đủ phái, loạn xị bát nháo, khiến người xem hoa cả mắt" (Xem Thư kiếm ân cừu lục). Người bình thường ngay cả thủ pháp quyền thức của Viên Sĩ Tiêu đã nhìn không ra, nói gì đến việc nhận biết chiêu số môn phái. Pho quyền pháp ấy, Viên Sĩ Tiêu đặt tên là "Bách hoa thác quyền" : chẳng những bao hàm hết thảy, mà cái kỳ diệu của nó chính lại ở chữ "thác", mỗi chiêu xem chừng giống như quyền pháp chính tông tổ truyền của các nhà, song chiêu nào cũng khác, đem ghép chúng với nhau theo lối riêng của mình, thì có thể đạt hiệu quả xuất kỳ bất ý. Do vậy, pho quyền pháp tưởng chừng tạp loạn này thực chất lại có quyền lý, quyền lộ độc đáo của nó. Người thường không hiểu, bởi vì họ kém trí tưởng tượng và óc sáng tạo thật sự đối với quyền lý võ thuật. Pho "Bách hoa thác quyền" đã là pho quyền pháp tân kỳ, đồng thời còn miêu tả tâm lý và tính cách kỳ dị, Viên Sĩ Tiêu sáng tạo pho quyền pháp này, hiển nhiên là "võ sao thì người vậy", đem tất cả tâm tình phức tạp và cảnh ngộ cuộc đời vào đó. Trái với lệ thường, xuất kỳ bất ý, vốn là nguyên nhân khiến Viên Sĩ Tiêu thất tình; tưởng là thế mà không phải thế, tung ra kỳ chiêu, đấy lại là sự gửi gắm mạng sống của Viên Sĩ Tiêu. Đã mất Quan Minh Mai rồi, thì cả cuộc đời Viên Sĩ Tiêu cho nó sai lầm luôn thể. Thế là pho quyền pháp này cũng trở thành tượng trưng cho vận mệnh của Viên Sĩ Tiêu. Tôi từng nói bên trên, rằng pho quyền pháp này thực ra miêu tả tính cách và vận mạng của hai thầy trò Viên Sĩ Tiêu, Trần Gia Lạc. Mà quyền tác giả pho này trước hết dĩ nhiên thuộc về Viên Sĩ Tiêu. Bây giờ chúng ta cần phải hiểu Viên Sĩ Tiêu. Viên Sĩ Tiêu bám theo Quan Minh Mai đến ẩn cư Ở Thiên Sơn, hoàn toàn không phải muốn có lại được tình yêu của Quan Minh Mai; mà là chỉ ở gần nàng, để chứng minh tình yêu của mình, giá trị cuộc sống của mình; không phải để được Quan Minh Mai quan tâm săn sóc, mà là giả sử Quan Minh Mai có để ý theo dõi;, thì nàng sẽ thấy hiện tại và tương lai của Viên Sĩ Tiêu ra sao, cái đó coi như một sự khích lệ về tinh thần và an ủi về tâm lý. Nghiêm khắc mà nói, Viên Sĩ Tiêu quyết không phải là một kẻ si tình theo nghĩa thông thường, nửa sau cuộc đời Viên Sĩ Tiêu thực ra đều dành cho võ học và sự nghiệp hiệp nghĩa. Trước hết là sáng tạo pho “Bách hoa thác quyền", mở ra một lĩnh vực mới trong võ học; tiếp đó truyền thụ cho Trần Gia Lạc, bồi dưỡng nên một cao thủ đệ nhất võ lâm. Sau khi hoàn thành hai sứ mệnh của cuộc đời, mục tiêu cuối cùng của Viên Sự Tiêu là giúp nhân dân Hồi Bộ thoát khỏi sự đe dọa của bầy sói. Ông già tính nết cổ quái thực ra đang kín đáo tạo phúc cho nhân gian theo cách riêng của mình. Cho nên trong một buổi hoàng hôn tuyệt đẹp, khi Quan Minh Mai bộc bạch với Viên Sĩ Tiêu nỗi lòng yêu quí Trần Chính Đức, thì Viên Sự Tiêu mới không còn cảm thấy mất mát, mà chỉ cảm thấy vô cùng minh bạch và đầy đủ. Đương nhiên cũng có vài giọt nước mắt năm xưa bất giác rưng rưng trên khóe mắt Viên Sĩ Tiêu, nhưng ông quay mình bước đi không muốn để người khác nhìn thấy nỗi buồn thương của ông lúc hoàng hôn. Một người như thế, chắc không thể ví với một quái vật ?


BÀN VỀ CÁC NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT KIM DUNG

TRẦN MẶC – TRUNG QUỐC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét