Thương lão thái chết rồi, Mã Xuân Hoa cuối cùng cũng chết. Thương lão thái chết bởi thù hận, Mã Xuân Hoa chết vì ái tình, cơ duyên vận số của đời người thường khiến cho người ta khó lòng tưởng tượng. Có lúc cứ nghĩ giả dụ Thương lão thái nghe theo nguyện vọng của con trai là Thương Bảo Chấn mà cầu
hôn với phụ thân của Mã Xuân Hoa, có phải hai nhà đã hóa thù thành thân, mọi người cùng sống đầm ấm bên nhau, thì Mã Hành Không chẳng bị tai họa, Mã Xuân Hoa không đến nỗi tình mê tử lộ, Thương lão thái cũng sẽ không phải tự thiêu. Có điều nếu thế, trong sách đã chẳng có chuyện để viết. Hơn nữa, tính cách quyết định số phận, cuộc sống làm gì có chuyện giả dụ? Thực ra, chính vì Thương lão thái phát hiện con trai mình là Thương Bảo Chấn say mê Mã Xuân Hoa, mới bày ra một diệu kế để hành hạ con gái của kẻ thù, vừa hay bị Mã Hành Không nghe lén được, Mã Hành Không bèn đột nhiên quyết định để Mã Xuân Hoa đính hôn với đồ đệ là Từ Tranh, hơn nữa, còn cố tình mời Thương lão thái làm bà mối. Mã Hành Không cho rằng đấy là thượng sách, căn bản không buồn bàn với con gái, nên mới dẫn đến hậu quả bất hạnh cho Từ Tranh và Thương Bảo Chấn.
I
Mã Xuân Hoa đính hôn với Từ Tranh hôm trước, thì hôm sau nàng lại ngả vào lòng một kẻ không quen biết, mê mẩn kẻ đó không còn biết trời đất gì nữa. Đây rõ ràng là cảnh ngoài sức tưởng tượng, đáng kinh ngạc nhất trong sách. Đừng nói người ngoài, e rằng ngay cả Mã Xuân Hoa cũng không ngờ tới. Nếu là trường hợp của người khác, Mã Xuân Hoa cũng quyết không thể tin có chuyện như vậy. Xong việc rồi, có bảo nàng lý giải, nàng cũng chịu, quá nữa, chỉ có thể nói đây là oan nghiệt trong định mệnh của nàng : nếu không thì tại sao một cô nương hai mươi tuổi lại hồ đồ cả gan, giữa ban ngày ban mặt, làm một việc mà chỉ mới nghĩ thôi cũng đã đỏ mặt? Thực ra, cái gọi là oan nghiệt trong định mệnhcó nguyên do của nó. Trước hết nói về Phúc Khang An, đó là một vị quan trong triều, không chỉ có thân phận quí hiển, mà còn anh tuấn phóng khoáng, thủ đoạn cao minh, tài trăng gió quyến rũ thì khỏi cần nói. Ở vùng quê hẻo lánh này, đột nhiên gặp "một thiếu nữ mười tám, mười chín tuổi, mặt trái soạn, mắt đen láy, má ửng hồng, toàn thân rạo rực tuổi xuân", (Xem Phi hồ ngoại truyện ) cô gái vừa trẻ trung khỏe mạnh, vừa là bông hoa lạ, Phúc Khang An tội gì không "hái"? Lại nói về Mã Xuân Hoa, ta biết là một cô gái đang rạo rực tuổi xuân, đầu óc đơn giản, ngây thơ đáng yêu. Nàng rõ ràng không biết Phúc Khang An tới Thương gia bảo là nhắm nàng mà đến, nàng thậm chí còn không để ý tới vị quí công tử đó nữa. Điều này không phải vì nam nữ hữu biệt, mà là vì nàng đang rất vội, hơn nữa đang ngổn ngang tâm sự. Tâm sự ấy là nàng bất mãn với Từ Tranh, vị hôn phu mới đính hôn hôm qua, nàng chẳng qua chỉ đến xin Thương Bảo Chấn thả cậu bé Hồ Phỉ đáng thương, sau đó chẳng qua cũng chỉ muốn cứu Thương Bảo Chấn khỏi tay Hồ Phỉ, đâu có làm việc gì xấu xa, mà Từ Tranh lại hầm hầm ghen tuông tức giận? Như thế là cố ý làm cho nàng bị oan ức chứ gì? Mà Mã Xuân Hoa thì ghét nhất là bị oan ức; bị oan ức tất nhiên sẽ đau khổ, càng đau khổ, lại càng tủi thân: “Chẳng lẽ suốt đời ta sẽ phải sống với vị sư huynh ngang ngược vô lý này ư” Có cha ta ở bên cạnh, y còn hung dữ như thế, sau này không biết y sẽ đối xử với ta thế nào không biết?" (Xem Phi hồ ngoại truyện). Sau khi bị oan ức, tủi thân, Mã Xuân Hoa bất tri bất giác chui vào cái lưới đã chăng sẵn đón nàng ở vườn hoa sau nhà. Khung cảnh thiên nhiên, chàng công tử Phúc Khang An đa tình, đã khiến Mã Xuân Hoa không cầm lòng được nữa. Có lẽ chính Mã Xuân Hoa cũng không biết, đây thực ra là một xung động chống đối từ trong tiềm thức. Không chỉ chống đối vị hôn phu sư huynh Từ Tranh vô lý, mà còn chống đối người cha đột nhiên hứa hôn, không thèm hỏi nàng một câu. Nếu trong tình huống bình thường, Mã Xuân Hoa tuy ngây thơ, thậm chí tùy hứng, nhưng chắc chắn cũng không đám chống đối.Trong tình huống bình thường, cha nàng có hứa gả nàng cho sư huynh Từ Tranh, nàng cũng sẽ cảm thấy hợp lý mà vâng theo. Đằng này trong tình huống bất thường, nàng cũng đã vâng theo ý muốn của cha, đồng ý làm vị hôn thê của sư huynh; nhưng trong thâm tâm, thật ra Mã Xuân Hoa vốn không ưa vị sư huynh tướng mạo tầm thường, tính cách thô lỗ, đầu óc quá giản đơn. Chẳng nói đâu xa, Thiếu bảo chủ Thương Bảo Chấn còn hơn Từ Tranh rất nhiều, lại nhất mực si mê nàng. Nàng cảm thấy tủi thân oan ức, vì Từ Tranh mọi khi không hề to tiếng với nàng, thế mà vừa mới trở thành vị hôn phu được một ngày, đã hóa thành người khác hẳn, khiến nàng càng bất mãn về việc đính hôn. Giả sử Từ Tranh không đột nhiên thay đổi như thế, thì nàng cũng sẽ không đau lòng, tủi thân mà đi tới chống đối. Từ sự chống đối trong tiềm thức, hành động của Mã Xuân Hoa đương nhiên còn bị sự chi phối của tình dục. Trước hết, Mã Xuân Hoa đang rạo rực tuổi xuân, ở thời kỳ tình dục hoạt động mạnh mẽ. Thứ nữa, sau cơn bị oan ức tủi thân, tâm trạng hoang mang, không làm chủ được lý trí, cảnh vật ở vườn hoa sau nhà lại thơm ngát hương hoa, tiếng tiêu dìu dặt uyển chuyển, công tử Phúc Khang An có thủ đoạn quyến rũ cực kỳ khôn khéo, làm cho Mã Xuân Hoa tình dục manh động, mới khiến hai người lạ, gặp nhau lần đầu mà đã ăn nằm với nhau.
II
Nếu nói sự thất thân đột ngột của Mã Xuân Hoa khiến người ta không thể lý giải, hoặc rất khó tha thứ, thì việc Mã Xuân Hoa đối với Phúc Khang An nhất mực yêu thương tha thiết, đến chết vẫn không thay đổi, thật làm cho ai nấy vô cùng kinh ngạc. Thế nhưng Mã Xuân Hoa si mê như vậy không chỉ hoàn toàn phù hợp với tính cách của nàng, mà còn hoàn toàn phù hợp lẽ thường tình. Trước hết, Phúc Khang An là mối tình đầu thật sự của Mã Xuân Hoa, mà mối tình đầu thì bao giờ cũng đẹp, làm cho người ta ghi nhớ suốt đời. Hơn thế, Phúc Khang An còn là người đàn ông đầu tiên đem lại ham mê nhục dục cho nàng. Bất kể nam hay nữ, đối tượng quan hệ tình dục đầu tiên cũng sẽ được ghi nhớ suốt đời, vĩnh viễn không phai nhòa. Như vậy là cả về phương diện tình cảm hay thể xác, Phúc Khang An đều là người số một, Mã Xuân Hoa không thể nào quên. Điều quan trọng là khi đó, Mã Xuân Hoa không hề thất thân do bị lừa, mà là nàng hoàn toàn tự nguyện, sau đó không bao giờ hối hận. Thứ hai, mối tình đầu của Mã Xuân Hoa khác người ở chỗ, nó không chỉ là nam nữ yêu thích nhau, mà là tình yêu của con gái một tiêu sư, hiệp sĩ với một đối tượng hoàn toàn khác nàng về giai tầng văn hóa, xã hội! Cái tiếng tiêu dìu dặt uyển chuyển, cái cử chỉ dịu dàng mê li thật là ngoài sức tưởng tượng của Mã Xuân Hoa. Sự khác biệt về giai tầng xã hội và lối sống đối với một thiếu nữ sinh trưởng trong gia đình một tiêu sư như Mã Xuân Hoa, hiển nhiên là một cảnh sắc đầy sức hấp dẫn nên thơ. Rồi sự xa cách lâu dài sau vài buổi gặp gỡ ngắn ngủi, sự cách trở không gian lại chính là động lực khêu gợi óc thẩm mỹ và tưởng tượng. Không một ai cho nàng biết Phúc Khang An là người như thế nào, Mã Xuân Hoa chưa kịp hiểu về y, thì hai người đã biệt ly, nàng liền dùng hồi ức, nỗi thương nhớ vào ảo tưởng để bổ sung, vẽ ra trong óc bức tranh tươi đẹp nhất trên đời về người đàn ông ấy và tình yêu giữa hai người. Thứ ba, cái giây phút sung sướng nhất đời kia đã đem lại cho Mã Xuân Hoa hai đứa con sinh đôi hết sức đáng yêu. Nói theo cách bây giờ, đó là kết tinh của tình yêu. Đối với Mã Xuân Hoa, đó không chỉ là giọt máu của Phúc Khang An, mà quá nửa còn là sứ giả của số phận. Ngày ngày nhìn hai đứa con đáng yêu làm sao nàng có thể không nhớ đến cha đẻ của chúng, mối tình đầu của nàng, kia chứ? Nàng bị gả cho Từ Tranh, rõ ràng là vạn bất đắc dĩ, không chỉ là vì người cha quá cố đã hứa hôn, mà còn vì hai đứa bé kia không thể không có người cha danh nghĩa. Từ Tranh biết hai đứa bé kia không phải là con đẻ của mình, với tính cách như y, dĩ nhiên không nhịn được, thế là hai vợ chồng luôn xảy ra cãi cọ, ngăn cách. Mà hai vợ chồng càng hay cãi cọ, ngăn cách, thì Mã Xuân Hoa càng nhớ đến cha đẻ của hai đứa bé kia. Thứ tư, nếu Phúc Khang An mãi mãi biệt vô âm tín, mỗi người một phương trời, thì đành một nhẽ. Mã Xuân Hoa dẫu có bất mãn đến mấy về hôn nhân của mình, dẫu có nhớ nhung người tình đến mấy, cũng đành phải chịu. Đằng này, Phúc Khang An nhiều năm sau lại cho người đến hỏi thăm nàng, điều đó không chỉ có nghĩa muốn biết tin về đối phương, mà còn có nghĩa đối phương thủy chung vẫn chưa quên mình, như thế bảo Mã Xuân Hoa làm sao không xúc động? Thứ năm, giả sử anh chồng Từ Tranh của Mã Xuân Hoa đối xử tử tế một chút, thì Mã Xuân Hoa dẫu có xúc động, cuối cùng cũng chẳng đến mức bỏ hẳn chồng, lao đến với Phúc Khang An, báo thù Thương Bảo Chấn và giết Từ Tranh. Mã Xuân Hoa tuy không yêu chồng, song vẫn vì chồng mà giết Thương Bảo Chấn, triệt để chấm dứt một phen ân oán tình cừu. Bây giờ nàng được tự do một mình, không vướng víu, nếu không chạy đến với người tình của mình, thì mới là lạ, là trái thường tình. Mã Xuân Hoa làm như thế không phải vì nàng bạc tình vô nghĩa, mà chỉ vì trước sau nàng không hề yêu sư huynh Từ Tranh; tình cảm của con người thật không thể miễn cưỡng ép buộc. Cuối cùng, khi đến ở nhà Phúc Khang An, cuộc sống khác hẳn trí tưởng tượng và hi vọng của Mã Xuân Hoa, bấy giờ Mã Xuân Hoa đã không còn chỗ để lùi. Tuy bà mẹ chồng mới của nàng không chỉ coi nàng như kẻ xa lạ, thậm chí còn buộc Phúc Khang An đuổi nàng đi, thậm chí hạ độc, nhưng chỉ cần Phúc Khang An vẫn còn quan tâm đến nàng, thì nàng đều chịu đựng được hết. Song cuối cùng Phúc Khang An thấy nguy không cứu, lại còn nghi ngờ nàng; vậy mà đến chết nàng vẫn không tin Phúc Khang An lại có thể vô tình, tàn nhẫn đến thế với nàng. Lý do chỉ là vì nàng quá yêu Phúc Khang An, tưởng rằng hắn cũng yêu nàng như vậy. Giả dụ nàng có biết hắn không yêu nàng, chỉ cần hắn không chính miệng nói rằng hắn không cần nàng, hoặc hắn không đích thân giết nàng, thì tình yêu của nàng dành cho hắn vẫn không thay đổi Cho nên, khi sinh mệnh nàng cực kỳ nguy cấp, khát vọng cuối cùng của nàng vẫn là được gặp mặt Phúc Khang An lần cuối.
III
Hồ Phỉ không tìm được Phúc Khang An đến vĩnh biệt Mã Xuân Hoa, mà dù có tìm được hắn, Phúc Khang An cũng chưa chắc đã chịu theo Hồ Phỉ đi gặp. Thế là Hồ Phỉ thông minh nghĩ ra một cách để cho Trần Gia Lạc đóng giả Phúc Khang An, đến cho Mã Xuân Hoa gặp "chàng" lần cuối. Cuộc gặp ấy như thế nào, trong sách không nói rõ, chỉ tả Hồ Phỉ ở bên ngoài "bỗng nghe Mã Xuân Hoa kêu "a" một tiếng đầy sung sướng, tràn ngập tình yêu”. (Xem Phi hồ ngoại truyện). Đối với Mã Xuân Hoa, đó là kết cục trọn vẹn của cuộc đời. Kết cục này do lòng hiệp nghĩa và nhân từ của Hồ Phỉ và Trần Gia Lạc đem lại. Tác giả tả đoạn này, ngoài việc nói về thiện ý, rõ ràng còn có thâm ý khác, ấy là ngụ ý về tình yêu hư vọng của Mã Xuân Hoa. Người được nàng yêu không đến thăm nàng, đến thăm nàng hoàn toàn không phải là người nàng yêu, vậy mà nàng không phát hiện được, cứ ngỡ nàng đã được gặp người nàng yêu, như thế chẳng phải là hư vọng hay sao? Từ điểm này nhìn lại, tình yêu tha thiết thủy chung của Mã Xuân Hoa đối với Phúc Khang An không chỉ dẫn đến kết cục hư vọng, mà ngay từ đầu đã là hư vọng. Nói thẳng ra, Mã Xuân Hoa từ đầu đến cuối không biết bộ mặt thật của Phúc Khang An , không hề biết hắn là người như thế nào. Nàng chỉ là yêu cái cử chỉ biểu diễn yêu đương của hắn. Nàng yêu chân tình, sâu xa, nhưng tình yêu ấy lại dành cho hư không, chứ đối tượng yêu của nàng thực ra chỉ là ảo ảnh mà nàng tạo ra trong tâm trí. Ảo ảnh ấy chẳng qua do sự cách biệt về địa vị xã hội và không gian xa cách tạo nên. Chính vì cứ nghĩ đến cảnh sắc xa xôi ấy, nên càng ngày nàng càng không thể chấp nhận Từ Tranh ở bên cạnh, thậm chí sinh hoạt vợ chồng hàng ngày trở thành khổ sở, ngăn cách, lạnh nhạt, đầy mâu thuẫn. Giá như Mã Xuân Hoa cũng có thể như Tuyết điêu Quan Minh Mai trong Thư kiếm ân cừu lục, cuối cùng nhận ra người chồng đang sống bên mình quí giá hơn nhiều cái cầu vồng trên trời, thì tình yêu và cuộcsống của Mã Xuân Hoa nhất định đã khá hơn nhiều. Nhưng người trong cuộc thì mê muội, người ngoài cuộc mới sáng suốt, Mã Xuân Hoa từng được yêu say đắm một lần, sau đó thấy còn lại đều nhạt nhẽo. Cuối cùng, lúc nhắm mắt, người tình lại còn đến tiễn, đối với Mã Xuân Hoa, thế là đủ. Đời người như một giấc mộng, Mã Xuân Hoa không phân biệt được thật giả, điều đó chẳng quan trọng. Đối với nàng, "kiếp này sống cũng đáng rồi. Viết lan man đến đây, không chừng Mã Xuân Hoa sẽ trách tôi đa sự. Nghĩ thế, bất giác trong lòng tôi thấy trống trải vô cùng.
TRẦN MẶC – TRUNG QUỐC
BÀN VỀ CÁC NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT KIM DUNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét