PHÁI TRÚC LÂM YÊN TỬ
Nghĩ về giá trị tư tưởng của Phật Hoàng Trần Nhân Tông và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, nếu không nói là giá trị văn hóa nhân loại, đã tạo nên một thời đại vàng son nhất của dân tộc ta trên nhiều lĩnh vực có tầm cỡ lịch sử vĩ đại, vượt cả không gian và thời gian, không những trong phạm trù ý thức mà siêu cả ý thức, thì không thể diễn đạt qua đôi điều suy luận với vài trang giấy trắng mà phải thân chứng thực nghiệm.
Tuy nhiên, qua cái nhìn của hành giả thiền môn, chúng tôi hy vọng có thể góp phần nhỏ bé của mình, cho những ai hữu duyên tìm đến giá trị tư tưởng Trần Nhân Tông và thực tại nhiệm mầu của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử qua những nội dung được khái quát như sau :
I. CỐT TỦY TƯ TƯỞNG CỦA TRẦN NHÂN TÔNG LÀ THIỀN TÔNG:
Dân tộc ta có những sự kiện trọng đại và cũng có những con người vĩ đại, thời thế có khi tạo anh hùng, nhưng quả thật đã là anh hùng thì phải biết xoay chuyển thời thế. Một trong những nhân vật tiêu biểu kiệt xuất có một không hai trong lịch sử dân tộc đó là Trần Nhân Tông.
Ngài sinh đúng vào ngày 11 tháng 11 năm Mậu Tý (1258), con của vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Hoàng Thái Hậu. Năm 21 tuổi Ngài lên ngôi Hoàng Đế (1279); năm 1285 lần đầu tiên lãnh đạo quân dân chiến thắng quân Nguyên Mông xâm lược; theo Thánh Đăng Lục năm 1299 Ngài xuất gia và viên tịch lại ngay vào giờ Tý nhằm đúng ngày 1. 11 thọ 51 tuổi; là người đầu tiên mở ra dòng Tổ Sư Thiền Việt Nam; là Tổ thứ nhất Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử, và cũng là người duy nhất được dân ta tôn vinh là vị vua Phật hay Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
Theo phả hệ Bồ Đề Đạt Ma, vào thế kỷ XIII Việt Nam ta có ba phái Thiền chính, đó là dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường. Trần Nhân Tông có một lần vượt thành định trốn vào núi Yên Tử tu hành, chứng tỏ là người có chí xuất trần từ thuở nhỏ, lại vốn ảnh hưởng truyền thống mộ đạo sức sống Thiền của ông, cha là Trần Thái Tông rồi đến Trần Thánh Tông, và được "Thiền Tủy" nơi Tuệ Trung Thượng Sĩ theo phả hệ dòng Vô Ngôn Thông. Ngài tu hành chứng ngộ về sau lập nên Thiền Phái Trúc Lâm. Vì vậy Sự nghiệp của Ngài cũng chính là sự nghiệp của Thiền gia, và càng vĩ đại bao nhiêu thì vai trò của Thiền tông càng có ý nghĩa thực tiễn bấy nhiêu và ngược lại !
II. TƯ TƯỞNG TRẦN NHÂN TÔNG-THIỀN PHÁI TRÚC LÂM YÊN TỬ "HÒA QUANG ĐỒNG TRẦN" :
1. Đặc điểm Thiền Tông và Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử :
* Thiền là tên gọi khác của chân lý thực tại tối hậu, cũng có nghĩa là Phật, là Tâm, là Đạo, là cái gì thật mình … không đâu xa, vốn hiện hữu ngay nơi thân năm uẩn mỗi chúng ta. Người tu thiền là tham cứu làm sáng tỏ chân lý ấy để lợi mình lợi người, phổ độ quần sinh.
* Thiền tông không phụ thuộc bởi không gian và thời gian, không phải do tu hay chẳng tu" Nếu nói tu mà đắc, tu mà thành thì đồng hàng Thanh Văn. Còn nếu nói không tu mà có, thì khác gì phàm phu" thế nên: "Chẳng phải hạnh phàm phu, chẳng phải hạnh Thánh hiền, đó là hạnh Bồ tát". Còn Sơ Tổ Trúc Lâm viết: "Ai trói mà mong cầu giải thoát, chẳng phàm nào phải kiếm thần tiên"
* Thiền không một pháp cho người, nhưng hành tất cả pháp cốt để trị tâm bệnh chúng sinh, bệnh hết thuốc cũng không cần…
2. Tư tưởng nhập thế Trần Nhân Tông :
Vì Trần Nhân Tông lấy thiền làm gốc, bởi vậy khi Ngài chưa rõ việc "Bổn phận tông chỉ", nên đã thưa hỏi Tuệ Trung Thượng Sĩ và được trả lời như sau:"Soi sáng lại chính mình là phận sự gốc, chẳng từ nơi khác mà được"( Phản quan tự kỷ bổn phận sự bất tùng tha đắc) nghe xong, Ngài thuật lại: "Tôi thông suốt đường vào, bèn vén áo lễ thờ làm thầy".
Phản quan tự kỷ là yếu chỉ của Thiền Phái Trúc Lâm và cũng là yếu chỉ của Phật pháp, được Trần Nhân Tông thấm nhuần đạo lý này để đi vào cuộc đời, và được thể hiện cụ thể rõ nét qua bài "Cư Trần Lạc Đạo" như sau:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc san hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền
"Ở đời vui đạo" Như vậy đời và đạo không trái nhau, không ngăn ngại cho nhau, mà còn làm thành cho nhau.
Phật dạy: Sống trăm năm không biết đạo không bằng sống một ngày biết đạo. Còn LụcTổ bảo: Phật pháp tại thế gian, lìa thế gian mà cầu giác ngộ không thể có giống như tìm sừng thỏ với lông rùa. Thế là Đạo giác ngộ chỉ có thể viên thành trên cõi đời này, mà viên thành bằng cách nào? Chỉ "tùy duyên": Đói ăn, mệt ngủ thế thôi.
Chúng ta cũng đói ăn, mệt ngủ thế nhưng, chưa hẳn gọi là tùy duyên. Bởi vì, tùy duyên mà chẳng biến, chẳng biến mới được tùy duyên ( tùy duyên nhi bất biến bất biến nhi tùy duyên). Chẳng biến là thường có Đạo, sống với Đạo làm tất cả việc cần làm, làm tất cả việc cần làm mà không rời Đạo nên mới thật đúng nghĩa "Ở đời vui đạo hãy tùy duyên".
"Trong nhà có báu…". Báu là Đạo, không đâu xa, chỉ chính tâm ta, ngay trong đời thường bình dị nên Tổ bảo "thôi tìm kiếm".
Muốn được vậy thì "Đối cảnh vô tâm". Vì đối cảnh vô tâm đã là Thiền, nên nói "Chớ hỏi thiền". Đối cảnh là đối diện với tất cả cảnh giới thiện ác thế gian mà vô tâm tức không dính mắc đúng như "Mình ngồi thành thị, nết dùng sơn lâm". Vô tâm ở đây chính là vô phàm tâm, chớ chẳng phải vô đạo tâm; cũng chẳng như gỗ đá vô tri mà rõ ràng thường biết. Vì vậy, chỉ hết tâm phàm chẳng có Thánh giải khác. Thế nên Sơ Tổ Trúc Lâm nói "Ai trói mà mong cầu giải thoát, chẳng phàm nào phải kiếm thần tiên".
Trên cơ sở tư tưởng nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, Sơ Tổ Trúc Lâm "Như hoa sen mọc từ bùn, sống trong đời ngũ trược mà chẳng bị nhiễm ô, xây dựng thế gian mà không bị buộc ràng danh lợi…Ngài nhập thế mà xuất thế, là vua anh minh, là anh hùng dân tộc, là Nhà văn hóa lớn và cũng là Tổ Sư Thiền…
Có thể nói Trần Nhân Tông là mẫu người toàn diện. Ngày nay hình ảnh của Ngài là biểu trưng cho Đạo pháp gắn liền với dân tộc, trở thành truyền thống cao quý có ý nghĩa thực tiễn trong mọi thời đại. Đây là điểm khác biệt so với các bậc tiền bối anh hùng xưa nay, sánh cùng các bậc vĩ nhân trong mọi thời đại".
IV. NHỮNG GIÁ TRỊ THIẾT THỰC VỀ TƯ TƯỞNG TRẦN NHÂN TÔNG VÀ THIỀN HỌC NƯỚC NHÀ NGÀY NAY CẦN ĐƯỢC BẢO TỒN PHÁT HUY :
1. Trần Nhân Tông tiếp nối truyền thống ý chí cao thượng của Tổ tiên:
Nếu như Trần Thái Tông bỏ ngôi vua trốn lên núi Yên Tử xin Quốc Sư Phù Vân xuất gia cầu làm Phật, nhưng gặp phải Trần Thủ Độ đòi lập cung đình trên núi, cùng với lời khuyên của Quốc Sư nên bất đắc dĩ phải trở về, thì Trần Nhân Tông lại phát huy nhân cách của Ông mình, khi được lập làm Hoàng Thái Tử, Ngài cố từ chối nhường ngôi cho em, nhưng vua cha không cho. Chứng tỏ trong nhà có báu thôi tìm kiếm. Các Ngài làm vua là vì trách nhiệm, bổn phận với non sông đất nước chớ không phải vì lòng tham vọng với quyền uy. Đây là đạo lý vô ngã, cao thượng, là nhân tố tích cực để xây dựng thời đại tốt đẹp.
- Nếu trước đó đời nhà Trần chiến thắng quân Nguyên Mông vào năm 1258, thì năm 1285 và 1288 Trần Nhân Tông lại liên tiếp hai lần lãnh đạo quân dân cũng lập nên chiến công hiển hách, giữ vững non sông đất nước, tạo thành truyền thống cao quý cho dân tộc Việt Nam, chúng ta cần phải tôn vinh và bảo vệ.
- Không những Ngài phát huy ý chí cao thượng của Tổ tiên mà còn tiếp nối phát huy thiền học của Đạo Phật, làm ngọn đuốc soi đường cho dân tộc và cho tất cả chúng sinh trong đời thường tội lỗi, chẳng biết chính tà, chẳng rõ lối đi, không phân thiện ác, sống trong những đêm dài tối tăm, mê muội, được hướng đến chân trời rộng mở hạnh phúc an vui hay liễu sinh thoát tử.
2. Tư tưởng Trần Nhân Tông thiết thực, hữu dụng cho mọi thời đại:
Sơ Tổ nói " Ở đời vui đạo hãy tùy duyên" làm tất cả việc đời mà vẫn vui với Đạo. Thế nên, Ngài là mẫu người lý tưởng cho mọi thời đại thể hiện trên các phương diện Đạo pháp, kinh tế xã hội, chính trị, quân sự, ngoại giao thật kiệt xuất, được minh chứng bằng thành quả trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Đồng thời hạnh phúc cũng hết sức bình dị, gần gũi, thiết thực qua bài Phú Cư Trần Lạc Đạo : "Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc; sơn lâm chẳng cốc, họa kia thực cả đồ công" nghĩa là ở trong cõi trần tục này mà nên tốt đẹp, thì phước ấy đáng cho người yêu quý rất mực đến tột cùng, bằng ngược lại ở núi non mà chẳng biết đạo lý, không chỉ mang họa mà còn phí uổng công vô ích. Vì vậy mà Ngài bảo:" Vô minh hết Bồ đề thêm sáng, phiền não rồi đạo đức càng say". Tuy nhiên, cũng chớ lầm buông xả vào cõi đời với tâm đầy dục vọng cho là nên thì điều đó không thể có. Ngài dạy như sau: Đối với "Áng tư tài tỉnh sáng chẳng tham" thì mới chẳng "vì ở cánh diều Yên Tử", còn "Răn thinh sắc niềm dừng chẳng chuyển…" thì mới thật không cần "am Sạn non Đông" .
Mặc khác: "Bụt ở cong(trong) nhà, chẳng phải tìm xa", hay "Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây Phương; Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực lạc"thế cho nên "Miễn được lòng rồi, chẳng còn phép khác". Đây cũng chính là đạo lý thể hiện tinh thần tự chủ, đức tính tự tin và quả cảm của Thiền gia, được vua Trần vận dụng vào đời xây dựng nước nhà độc lập một cách toàn diện.
Thiền phái Trúc Lâm thời đại nhà Trần là một minh chứng cho nền giáo lý thâm sâu vi diệu Phật Đà bình dị mà vĩ đại, gần gũi nhưng siêu nhiên là một trong những đặc điểm nổi bật của một thời đại Phật giáo Thiền tông Việt Nam, cần được khôi phục bảo tồn giá trị thiết thực này, làm phong phú thêm cho nền văn hóa dân tộc hiện nay.
3. Giá trị cao thượng của bậc xuất gia: Vua Phật-Trần Nhân Tông đã công hiến cho đời:
- Ở điểm vinh quang tột đỉnh của đời thường, thế nhưng Ngài lại từ bỏ ngai vàng, ngôi vị Thái Thượng Hoàng đi tu. Điều đó chứng minh rằng: hạnh phúc chân thật không ở chỗ địa vị cao sang mà chỉ có ở con người biết Đạo. Ngài đã vạch ra con đường cho những ai với nhiệt huyết tuôn trào, đang lạc lối chưa tìm đâu lẽ sống. Quả là giá trị của Đạo Phật và Thiền tông đã được Ngài nâng cao, đồng thời lấy đó làm mục tiêu lý tưởng, sự nghiệp của đời mình và cho hậu thế.
- Lý luận cũng chỉ là màu xám còn thực tiễn mới quả là cây Bồ đề mãi mãi xanh tươi, muốn xây dựng gia đình và xã hội trước hết phải xây dựng chính mình, Trần Nhân Tông không những chiến thắng giặc ngoại xâm mà còn tự chiến thắng lấy mình-bỏ ngai vàng điện ngọc, cung phi mỹ nữ…lên núi tu hạnh đầu đà. Làm sao có thể hiểu nổi một vị vua mà lại "Áo rách che mây sáng ăn cháo, bình xưa tưới nguyệt tối uống trà"có những khi "Yên bề phận khó, kiếm chốn dưỡng thân" để rồi "Dốc chí tu hành, giấy sồi vó vá" mà "học đòi chư Phật; cho được viên thành; xướng khúc vô sanh; an thiền tiêu sái". Quả là Ngài thật bình thường mà vĩ đại, giản dị mà thâm thúy, thuận theo dòng thế tục mà chẳng mất bổn tâm xuất trần thượng sĩ.
4. Tinh thần tùy duyên vô ngã vị tha của vua Trần Nhân Tông:
Dân tộc ta rất yêu chuộng hòa bình, thường lấy đạo nghĩa để đối trị bạo tàn. Chiến đấu là điều bất đắc dĩ, chiến đấu là vì hòa bình. Thế nên, hàng loạt tù binh được trao trả, do không hạ thủ người dưới ngựa hay đầu hàng. Có công thưởng có tội trừng, thế nhưng không thưởng người đánh giặc trên đường rút lui như Hưng Trí Vương Nghiễn, khi có lệnh không được cản trở chúng mà ông vẫn tiến công; Sau chiến tranh Vua Trần còn sai đốt cả những giấy tờ chứng cứ nhân vật tiếp tay hay đầu hàng giặc để tạo sự an ổn, xóa tan những mặc cảm cho đời thường vì ham sống sợ chết; gả công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân tạo mối quan hệ tốt đẹp láng giềng, mở mang bờ cõi; chính sách nhân nhượng, ôn hòa nhưng cũng rất cương quyết với giặc phương Bắc để xác định chủ quyền dân tộc, độc lập hạnh phúc cho quần sinh.
Vì thế "chiến đấu không phải do lòng căm thù mà phát xuất từ lợi ích và lòng từ bi đối với nhân loại, thuận theo dòng đời, đúng như lời Quốc Sư Phù Vân nói:"Phàm làm đấng nhân quân, thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, và tâm thiên hạ làm tâm của mình".
Điều đó đã trở thành truyền thống cao quý của dân tộc Việt Nam ta, đã được minh chứng trong việc bảo vệ hòa bình, ấm no hạnh phúc cho quần sinh.
5. Tinh thần bình đẳng tuyệt đối của Đạo Phật được vua Trần vận dụng xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc bảo vệ đất nước:
- Phật dạy"Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành" hay "Phật là bậc vô thượng tôn", nghĩa là không ai hơn Phật nhưng có người bằng, cho nên kinh nói hằng hà sa số chư Phật. Do thế Đạo Phật được xem là Đạo bình đẳng tuyệt đối, tôn trọng tất cả mọi người. Trên cơ sở lấy tâm làm gốc, Thiền tông vượt ngoài khuôn khổ ở chỗ trước khi một niệm dấy khởi nó không có giai cấp, kể cả tôn giáo. Trong ĐVSKTT tờ 61a 4-8 ghi: "vua từng ngự chơi bên ngoài gặp các chú mục đồng đều gọi hỏi và răn các vệ sĩ không được la đuổi." Cho nên thời Trần chủ trương Tam giáo đồng nguyên, qua hai lần đại hội Diên Hồng, Bình Than, đã tạo nên sức mạnh đoàn kết, là nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc chiến vệ quốc vĩ đại.
6. Giá trị Thiền Phái Trúc Lâm ra đời và những tác phẩm văn Nôm của Trần Nhân Tông:
- …"Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được hình thành, là dòng Thiền đầu tiên của người Việt, do chính người Việt làm Tổ, kế tục sự nghiệp của Ngài còn có Nhị Tổ Pháp Loa và Tam Tổ Huyền Quang, Kim Sơn …đã đánh dấu bước ngoặc lịch sử trọng đại của Phật giáo Việt Nam, đồng thời mở ra nền văn hóa Thiền học nước nhà. Nó có tính phổ thông gần gũi với dân tộc. Trong nước đã sáng tạo và dùng chữ nôm như: văn tế "Cá Sấu" của Nguyễn Thuyên chẳng kém Hàn Dũ, biệt tài thơ Việt khôi hài của Nguyễn Sĩ Cố có khác gì với Đông Phương Sóc thời Hán hay Chu văn An…,các bậc Tổ Sư thiền gia cũng có văn Nôm như "Cư Trần Lạc Đạo Phú", "Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca" của Sơ Tổ Trúc Lâm ,"Vịnh Vân Yên Tự Phú"ù của Tam Tổ Huyền Quang, hay Giáo Tử Phú của Mạc Đỉnh Chi." ".
Chỉ riêng 2 bài Cư Trần Lạc Đạo Phú và Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca của Trần Nhân Tông có khoảng 2000 từ vựng khác nhau được xem như quyển từ điển nhỏ để nghiên cứu ngôn ngữ tổ tiên ta thời bấy giờ, là di sản văn hóa thật sự vô cùng quý báu.
Ngoài ra, Ngài còn để lại cho đời những tác phẩm bất hủ như Thiền Lâm Thiết Chủy Ngữ Lục, Đại Hương Hải Ấn Thi Tập, Tăng Già Toái Sự, Thạch Thất Mỵ Ngữ. Tuy những tác phẩm này hiện nay không còn đầy đủ, nhưng nó cũng phản ánh giá trị và vị trí văn hóa Thiền học và những cống hiến cho đời của Sơ Tổ Trúc Lâm.
7. Đạo lý Thiền tông thâm sâu nhưng thiết thực tuỳ cơ là nền tảng đạo đức thời Trần:
Có người hỏi Sơ Tổ Trúc Lâm:"Thế nào là Phật?" được Ngài trả lời như sau: "Nhận đến như xưa vẫn không phải". Chứng tỏ Thiền tông vượt ngoài phạm trù ý thức, nếu như có nhận được cũng là vật từ ngoài, chẳng phải của báu nhà mình. Cùng câu hỏi đó, Ngài trả lời cho Pháp Loa như sau: "Cùng hầm đất không khác". Rõ ràng nếu không phải con cháu nhàThiền thì không sao thấu triệt.
Tuy nhiên cũng tùy căn cơ, Ngài không những lập am, mở tịnh xá, khai giảng đường tiếp độ tăng chúng như ở chùa Phổ Minh và Trại Bố Chính mà Sơ Tổ còn vân du khuyên dân chúng tu thập thiện và phá bỏ những dâm từ ( miếu thờ thần không chính đáng).
Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có ghi:"Phật giáo Thiền tông thời Trần không còn của riêng ai mà là của tất cả mọi người…"Thật vậy, các vua quan thời Trần phần nhiều là những hành giả tham thiền ngộ đạo, đem đạo lý thiền cai trị muôn dân. Tuệ Trung là tướng sĩ mà cũng là Thiền gia lỗi lạc, là thầy của Trần Nhân Tông, không những hàng cư sĩ mà ngay cả tu sĩ cũng tìm đến Ngài tham học, cho đến Trạng nguyên như Ngài Huyền Quang, hay thứ dân như Pháp Loa, đều thấm nhuần đạo lý Thiền Tông Phật giáo và tu hành giác ngộ làm Tổ.
Đây là một minh chứng cho đời sống đạo đức tinh thần văn hóa dân tộc, đặc biệt là Thiền học đã mở ra chân trời cao rộng của một thời đại và cho con cháu mai sau, mà vai trò của Sơ Tổ Trúc Lâm đã cống hiến thật vô cùng to lớn. Điều đó đã chứng minh rằng, người tu không phải yếm thế, siêu hình, xa rời thực tế, dị đoan mà là một sự hy sinh, cống hiến cho đời thêm tươi đẹp, đem lại thái bình cho dân tộc, ấm no hạnh phúc và lẽ sống cho quần sinh. Hơn thế nữa, đệ tử Phật còn có những giá trị siêu nhiên liễu sinh thoát tử, ngay trong đời thường bình dị, giữa cuộc đời dù có đứng trước những nghịch cảnh bão táp với phong ba.
8. Ánh sáng giác ngộ được minh chứng thực tiễn:
Theo Thánh Đăng Lục, Sau khi thăm công chúa Thiên Thụy, Ngài dừng lại ở Am Bình Dương vì Tuyên Từ Hoàng Thái Hậu mời thọ trai Ngài biết được "Đây là bữa cúng dường rốt sau". Ngày 21.10 năm Mậu Tý 1308) khi Bảo Sát đến am Ngọa Vân, Ngài trông thấy mĩm cười bảo:"Ta sắp đi đây, nhà ngươi đến sao trễ vậy? Đối với Phật pháp ngươi có chỗ nào chưa rõ hãy nói mau !". Rồi vào lúc canh ba ngày 1 tháng 11 Tổ hỏi Bảo Sát "Hiện giờ là giờ gì ?" Bảo Sát bạch: "Giờ Tý". Ngài vén màn cửa sổ nói:" Đến giờ ta đi !" Bảo Sát hỏi : "Tôn đức đi đâu ?" Ngài dùng kệ đáp:
Tất cả pháp không sinh,
Tất cả pháp không diệt.
Nếu hay hiểu như thế,
Chư Phật thường hiện tiền.
Nào có đến đi ấy vậy.
Bảo Sát hỏi: " ví như chẳng sinh chẳng diệt thì thế nào ?"
Ngài liền nhằm vào miệng Bảo Sát tát cho một cái khai thị "Chớ nói mớ!" Nói xong Ngài bèn nằm như sư tử an nhiên thị tịch.
Sống chẳng biết từ đâu đến, khi chết đến chẳng biết lúc nào? Chết rồi cũng chẳng biết sẽ ra sao, có khi lại mê mờ hay hoảng sợ, đây là chỗ vô minh tăm tối chẳng rõ số phận của mình là đặc điểm của phàm phu. Thế nhưng đối với bậc giác ngộ "Sinh như đắp chăn đông, tử như cởi áo hạ" còn duyên thì sống, hết duyên sống thì chết ngay. Chết rồi sống lại, đến đi tự tại, làm chủ sinh tử là một đặc điểm của các bậc tiền bối Tổ Sư Thiền.
Sơ Tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông đã minh chứng là bậc chứng ngộ Thiền Tổ qua hình ảnh trước lúc viên tịch thể hiện sức sống với trí tuệ cao minh, và lòng từ đối với hàng môn đệ thật vô cùng rộng mở, thấm thiết như người cha lành dặn dò dạy bảo con trước lúc đi xa…
Hơn thế nữa, khi ở am Tử Tiêu Ngài leo khắp các núi, tìm kiếm các hang động, Bảo Sát thấy thế bạch:"Tôn đức đã già mà xông pha trong sương tuyết, lỡ có bề gì thì mạng mạch Phật pháp biết trông cậy vào ai ?" Tổ bảo: "Thời giờ ta đã đến, ta muốn tạo kế lâu dài vậy!". Có lẽ vì thế mà tông phong của Thiền phái Trúc Lâm dù trãi qua những biến cố thăng trầm lịch sử, nhưng vẫn còn sống mãi trong lòng dân tộc và tồn tại đến hôm nay và còn cho cả mai sau.
V. PHÁT HUY GIÁ TRỊ TƯ TƯỞNG SƠ TỔ TRÚC LÂM VÀ TINH HOA THIỀN HỌC THIỀN PHÁI TRÚC LÂM :
Bởi vì ai ai cũng có tâm, cho nên mọi người đều có thể đến với Thiền, giác ngộ trở thành Phật, Tổ và cũng đều có thể là ngọn đuốc thắp sáng trí tuệ Thiền tông. Ở một niệm trước khi sinh khởi nó không có giai cấp và tôn giáo… là chỗ trí tuệ bình đẳng chúng ta đều được gặp nhau trong thâm tình pháp lữ. Hãy học theo gương hạnh của Tổ Sư "Ở đời vui đạo hãy tùy duyên" thuận theo dòng đời mà chẳng mất bổn tâm xuất trần thượng sĩ !
Với lòng thành, chúng tôi nguyện cầu ánh sáng trí huệ này sáng mãi, mọi người đều được thấm nhuần, đều nhận được bản tâm và đồng thành Phật đạo.
Hôm nay, chúng ta kỷ niệm 700 năm ngày viên tịch của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, đúng nghĩa hơn chính là tìm hiểu, học tập tư tưởng và phát huy thời đại vàng son nhất của hồn thiêng dân tộc, mà tổ tiên ta đã dày công tạo dựng. Chúng ta hàng hậu học cần phải làm sáng tỏ những đặc điểm và giá trị văn hóa vĩ đại có tầm cở lịch sử nhân loại, đặc biệt là Thiền tông trên mảnh đất địa linh Yên Tử và phổ rộng trong cộng đồng xã hội, tạo thành truyền thống cao quý tiếp nối cho muôn đời con cháu mai sau. Không những chỉ viên thành trên cơ sở lý luận mà còn phải có những hành giả chân chính thực hành những hạnh nguyện Tổ tông, thì công trình văn hóa được xây dựng mới phản ánh được giá trị chân thật và thiết thực trong đời sống của dân tộc Việt nam ta.
Chùa Lân - Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét