Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

DƯ NGƯ ĐỒNG - Hủy mặt tẩy lòng

DƯ NGƯ ĐỒNG

Hủy mặt tẩy lòng

Dư Ngư Đồng tuy chỉ đứng thứ mười bốn trên bảng anh hùng Hồng Hoa hội trong bộ tiểu thuyết Thư Kiếmân cừu lục của Kim Dung, song lại là hình tượng nhân vật được miêu tả thành công nhất, hoặc sâu sắc nhất trong bộ sách đó. Theo ý tôi, hình tượng Dư Ngư Đồng chân thực hơn, sinh động hơn hẳn hình tượng nhân vật chính của bộ sách ấy là Trần Gia Lạc. điều này có thể là vì Trần Gia Lạc được lấy làm anh hùng số một của tiểu thuyết võ hiệp. Việc miêu tả không tránh khỏi nhiều điều hạn chế, gò bó; còn Dư Ngư Đồng thì là nhân vật phụ, có thể chỉ đi sâu vào một mặt, viết được tự do hơn. Hơn nữa nhân vật số một hiển nhiên phải gánh vác nhiều hơn cái lý tưởng của thế giới võ hiệp. còn Dư Ngư Đồng thì hoàn toàn có thể tự nhiên tiếp cận tính người, cuộc sống chân thực. Ở hồi thứ hai của bộ sách với nhan đề “ Kim phong dã điếm thư sinh địch, Thiết đảm hoang trang hiệp sĩ tâm” Kim địch thư sinh Dư Ngư Đồng vừa xuất hiện đã tỏa sáng, không chỉ làm cho thiếu nữ Lý Nguyên Chỉ có mặt tại đó hết sức xúc động, mà độc giả cũng phải kinh ngạc. Cái hay đương nhiên không phải ở chỗ Dư Ngư Đồng thân hình cao ráo, mi thanh mục tú, anh tuấn hào hoa, thậm chí cũng không phải ở thần thái phiêu dật, tài tình trác tuyệt, hình tượng tươi mát, mà đàng sau cái bề ngoài hào hoa phong lưu ấy, là chất văn chương sâu sắc trong tính cách và tâm lý. Một thư sinh văn nhược, tay cầm chiếc kim địch (cây sáo vàng) lấp lánh ánh vàng, ở trong một ngôi dã điếm giữa chốn hương thôn, tốt xấu lẫn lộn, thôỉ lên tiếng sáo, dĩ nhiên sẽ gây được ấn tượng vô cùng sâu sắc với mọi người. Đã thế, trước mặt tai mắt của triều đình, kẻ thù của Hồng Hoa hội, chàng lại tự giới thiệu:”Tại hạ đi không đôỉ họ, về không đôỉ tên, họ Dư, tên Ngư Đồng. Dư với nghĩa người thêm vào, người thừa ra, Ngư là chữ Ngư trong “đục nước bắt ca”, Đồng là cùng, là giống, chứ không phải là kim loại, đồng gỉ sắt han (Xem Thư Kiếm ân cừu lục). Tự giới thiệu như vậy, càng gây ấn tượng mạnh với mọi người. Điều này có thể lý giải thành khí phách anh hùng đại trượng phu , không đổi tên họ của Dư Ngư Đồng, không coi tai mắt triều đình đang ở trước mặt mình ra gì; còn có thể lý giải rằng Dư Ngư Đồng là người cơ trí, tự tin , dí dỏm, hoạt bát. Đồng thời chúng ta cũng cần thấy cái cách tự giới thiệu ấy cũng bộc lộ tính huyênh hoang, thậm chí khinh bạc của mình. Đấy là chưa nói khi ấy chàng còn chưa biết địch tình trong dã điếm, đã dại dột công khai nói rõ thân phận mình; càng nguy hiểm hơn vì Hồng Hoa hội là mọt tổ chức bí mật chống triều đình, triều đình đang tiến hành một chiến dịch bắt giữ đại quy mô, mà Dư Ngư Đồng lại chính là liên lạc viên bí mật của tổ chức ở địa phương, tại sao lại đi huyênh hoang tùy tiện như vậy? Dư Ngư Đồng đi đâu cũng mang kè kè cây kim địch, chỉ sợ người ta khôngbiết chàng là "Tú tài Kim địch" lừng lẫy tiếng tăm, hoặc là biết sai mà cứ phạm, hoặc là tự tin quá đỗi, hoặc là khoe khoang ngu xuẩn, dẫu là gì thì cũng bộc lộ một khiếm khuyết tính cách của chàng. Cái anh chàng công tử xuất thân vọng tộc Giang Nam, đỗ tú tài , chỉ vì muốn báo cừu rửa hận mới bỏ đi phiêu bạt giang hồ này, đến bất cứ đâu cũng đều muốn tỏ ra mình khác người.

I

Thoạt tiên, chúng ta còn chưa biết, Dư Ngư Đồng khoe khoang tài thổi sáo thực ra là có ngụ ý khác.Chẳng qua người thổi có ý mà người nghe vô tâm. Thế nên càng thổi sáo, càng u buồn, càng u buồn lại càng phải dùng tiếng sáo để làm vợi nỗi buồn. Thoạt đầu chúng ta đương nhiên cũng không biết, cái gã Dư Ngư Đồng huyênh hoang bộc lộ thực ra có một tâm sự bí mật sâu xa. Cái nỗi đau khổ day dứt khôn nguôi ấy lại chỉ có cách mượn bề ngoài giả điên để khéo léo che giấu mà thôi. Khi đó dấu vết còn chưa chứng tỏ Dư Ngư Đồng biết hay chưa biết, lúc chàng thổi sáo, thì vợ chồng Văn Thái Lai, - người cùng Hồng Hoa hội với chàng - đang lánh nạn trong dã điếm này. Tiếng sáo chính là để báo tin cho họ biết là chàng đã tới. Nếu biết có phu nhân của Văn Thái Lai là nàng Lạc Băng có mặt ở đây, tiếng sáo nhất định sẽ càng xúc động lòng người hơn. Bởi vì chàng trai phong lưu anh tuấn này từ lâu đã thầm yêu trộm nhớ người phụ nữ có chồng Lạc Băng. Đó là bí mật lớn nhất trong tâm sự của chàng và cũng là nỗi khổ tâm lớn nhất của chàng. Chẳng mấy chốc chúng ta nhìn thấy cảnh kinh tâm động phách, khiến cho người ta phải trố mắt há mồm :Văn Thái Lai bị sai nha bắt trong Thiết Đảm trang, thì vị tú tài anh hùng, có ăn học, biết lễ nghĩa Dư Ngư Đồng ở bên ngoài trang viện đó, lại thừa lúc người ta lâm nguy mà ôm chặt Lạc Băng, - người phụ nữ có chồng, có bệnh, đang nằm ngủ say ! Như thế là hành động này của Dư Ngư Đồng đã phạm ba tội nghiệt nặng nề : một là phạm giới luật của Hồng Hoa hội cấm gian dâm với vợ người khác - trong Hồng Hoa hội, tội này có thể bị chém đầu; hai là phản bội tình nghĩa huynh đệ, bởi vì Lạc Băng không đơn giản chỉ là một người phụ nữ có chồng, mà nàng còn là vợ của VănThái Lai, người anh em kết nghĩa của Dư Ngư Đồng, là nghĩa tẩu của chàng; thứ ba, Văn Thái Lai vừa mới bị bắt, Lạc Băng bị một đòn nặng về tình cảm, cộng với đang bị bệnh, Dư Ngư Đồng đã chẳng tìm cách giải cứu Văn Thái Lai, an ủi Lạc Băng thì chớ, lại thừa lúc người ta bị nguy mà giở trò bỉ ổi với nghĩa tẩu, khiến người ta căm ghét. Đặt bút miêu tả cảnh này, hiển nhiên tác giả rất táo bạo, cũng thật bất ngờ với mọi người. Bởi vì theo qui tắc của thế giới võ hiệp, hành động của Dư Ngư Đồng thuộc loại tội nghiệt rõ ràng tuyệt đối không thể chấp nhận ở chốn giang hồ, theo qui luật của tiểu thuyết võ hiệp, kẻ làm như thế khẳng định là hạng tà ác điên rồ, mất hết lương tri. Song tác giả lại không định tả Dư Ngư Đồng thành hạng người tà ác, mà tựa hồ có ý đặt ra cho Dư Ngư Đồng, đồng thời cũng đặt ra cho mình một câu hỏi khó : một thanh niên trót yêu một người phụ nữ đã có chồng, hơn nữa còn là nghĩa tẩu của mình, thì phải làm thế nào đây ? Một thanh niên trong lúc không kiềm chế được tình cảm của mình đã trót xâm phạm nghĩa tẩu, thì phải làm thế nào đây ? Chúng ta thấy tác giả một là không tả Dư Ngư Đồng thành một nhân vật phản diện, hai là đối với hành vi sai trái của Dư Ngư Đồng, không tiến hành phê phán đạo đức một cách giản đơn, mà dường như coi đó như một loại khó khăn tâm lý tình cảm bình thường, mà một nhân vật chính diện vấp phải. Rất nhanh sau đó chúng ta sẽ thấy tác giả tuy không hùa theo, càng không tán thành hành vi của Dư Ngư Đồng; nhưng lại có sự thông cảm, đồng tình rõ ràng đối với tâm lý, tình cảm, cảnh ngộ của chàng ta. Sự đồng tình này dĩ nhiên hoàn toàn không xuất phát từ qui phạm võ hiệp của truyền thống, mà là từ quan điểm nhân văn hiện đại. Dư Ngư Đồng vừa gặp Lạc Băng thì đã bị "tiếng sét ái tình", và khi đó Lạc Băng đã là người phụ nữ có chồng. Do ngay từ đầu đã biết đây là thứ tình yêu phi đạo đức, Dư Ngư Đồng từ đó không ngừng bị giày vò tình cảm. Đây là nỗi khổ tâm đáng sợ, không thể thổ lộ với người khác, trong nội tâm thì gió táp mưa sa, mà ngoài mặt cứ phải làm như sóng yên gió lặng. Để tránh gặp Lạc Băng nhiều lần, Dư Ngư Đồng chỉ có cách vùi đầu vào công việc, thường xuyên xin đi xa công cán một mình. Để mình không được nhớ, được nghĩ đến Lạc Băng, chàng dùng mũi dao nhọn đâm vào cánh tay cho máu chảy dầm dề. Lâu ngày, cánh tay chàng đã chồng chất bao vết sẹo dao đâm kiểu đó. Nỗi khổ sở tinh thần đủ biết như thế nào; bất kể chàng tự kiềm chế như thế nào, tự chê trách tự trừng phạt mình như thế nào, chàng vẫn không tài gì cắt đứt được các ý nghĩ về Lạc Băng ! Đáng chú ý là Dư Ngư Đồng tuy coi nỗi thầm yêu trộm nhớ nặng nề đáng sợ ấy là phi đạo đức, song lại không coi đó là thứ tình yêu vô vọng. Trong thâm tâm, không biết bao nhiêu lần chàng cho rằng, giả dụ Lạc Băng gặp chàng lúc chưa lấy chồng, thì chắc chắn Lạc Băng sẽ trở thành phu nhân Dư Ngư Đồng. Thậm chí chàng còn mơ tưởng, rồi sẽ có ngày Lạc Băng nhận biết tình ý trong trái tim chàng ... Nói tóm lại, Dư Ngư Đồng luôn luôn cho rằng so với Văn Thái Lai, chàng có ba ưu thế lớn : một là trẻ tuổi hơn, hai là anh tuấn hào hoa, ba là văn võ đa tài. Cũng chính vì có tâm tưởng đó, chàng mới một mặt tự trừng phạt mình, mặt khác lại thương xót mình; một mặt chê trách mình, mặt khác tự hứa hẹn với mình; một mặt tự kiềm chế mình, mặt khác lại tự khích lệ mình. Cũng vì thế mới dám cả gan ôm chặt lấy Lạc Băng, thể hiện tình cảm tha thiết của mình với nàng. Kết quả là Lạc Băng giáng cho chàng một cái tát mạnh, không chỉ là tát vào mặt chàng, mà còn là đánh vào lòng chàng. Lạc Băng không những chỉ rõ hành vi của chàng là hèn hạ vô sỉ, mà còn chỉ rõ suy nghĩ của chàng là ấu trĩ nực cười : tuổi và diện mạo hoàn toàn không phải là căn cứ của tình yêu; sự phong lưu đa tài, thì làm sao có thể sánh với khí phách anh hùng của Văn Thái Lai ? Dư Ngư Đồng bây giờ mới hiểu, Lạc Băng yêu Văn Thái Lai vì khí phách anh hùng, đại nhân đại nghĩa, đáng tin cậy, là những điều mà chàng chưa có đủ. Do đó Dư Ngư Đồng mới rơi vào tâm trạng tuyệt vọng : không chỉ lo sợ sự xét xử và trừng phạt của Hồng Hoa hội, không chỉ hổ thẹn về mặt đạo đức đối với huynh đệ kết nghĩa Văn Thái Lai, cũng không chỉ bị Lạc Băng dứt khoát cự tuyệt; mà tệ hơn, ba cái ưu thế lớn mà chàng vẫn tự tin, tự phụ là tuổi trẻ , tuấn tú tài cao, giờ bỗng chốc tiêu tan ! Thế là tự thẹn, tự ngượng, đau đớn, kinh sợ, tự khinh, tự ti, tự nghĩ mình đê tiện, bao nhiêu cảm giác đó dồn dập đè nặng lên tâm hồn vốn đã có không ít tổn thương của chàng. Hiển nhiên chàng trai Dư Ngư Đồng trước sau không ý thức được nhược điểm tính cách thực sự của mình, không ý thức được cái tính huênh hoang, xung động và ưa cực đoan của mình, mới sa vào tình cảnh tuyệt vọng, không thể trong một thời gian ngắn quay đầu lại thấy bờ. Cái tình yêu cố chấp đối với Lạc Băng, bảo là oan nghiệt kiếp trước cũng được, song đúng ra là sự lựa chọn của kiếp này. Cảnh do tâm tạo, tâm của chàng vừa yếu đuối vừa mù quáng. Lòng tự tin của chàng bắt nguồn từ sự mù quáng, tới mức không nhận biết tình cảm của Lạc Băng đối với Văn Thái Lai sâu nặng mức nào; sự tự ti của chàng cũng bắt nguồn từ sự mù quáng, đến nỗi suốt một thời gian dài chàng coi rẻ và cự tuyệt ánh mắt đắm đuối thiết tha của thiếu nữ Lý Nguyên Chỉ. Thế nên con đường tái sinh của Dư Ngư Đồng rất chậm chạp và gập ghềnh, chuyện tình yêu và cuộc sống liên quan đến chàng trong bộ tiểu thuyết cũng hết sức rắc rối và thú vị.

II

Cho nên, ở hình tượng Dư Ngư Đồng, chuyện cuộc đời chàng không ngừng thay đổi và trở nên sâu sắc Thoạt đầu chàng hoàn toàn không nghĩ mình có cơ hội tự đổi mới, cũng căn bản không biết đường đời của chàng từ nay sẽ đi theo hướng nào. Chàng sống tạm bợ cho qua ngày, bởi vì chàng muốn chuộc tội, nói khác đi là liều mạng giải cứu Văn Thái Lai khỏi nanh vuốt ma quỉ. Để làm việc đó, chàng sẵn sàng lên trời xuống đất, bôn ba tứ xứ, đổ máu không từ. Lần thứ nhất, chàng tuy bị thương chảy máu, muốn lấy mình thế chỗ, nhưng rốt cuộc đã không cứu được Văn Thái Lai, chính chàng cũng bị sa vào tay địch. Lần thứ hai, khi nhìn thấy Văn Thái Lai và quần hùng Hồng Hoa hội đến giải cứu chàng ta sắp cùng chết, vào thời khắc hệ trọng nhất, chàng đã mạo hiểm nhảy vào biển lửa, dập tắt cái dây cháy chậm, nhờ đó cứu được mọi người; còn bản thân chàng thì bị lửa táp, bỏng nặng, mặt mũi biến dạng hoàn toàn. Nghĩa cử đó giống như Niết bàn phượng hoàng. Con đường chuộc tội, cứu người, cũng là con đường chàng tự cứu mình, tự đổi mới. Chỉ có điều là chuộc tội hay tự đổi mới, thì Dư Ngư Đồng huênh hoang cũng phải chịu cảnh tàn khốc hơn bất cứ ai khác. Dường như số mệnh định rằng chỉ có hủy hoại diện mạo tuấn tú của mình, thì anh chàng thích cực đoan Dư Ngư Đồng mới có cơ hội được tha tội và tự đổi mới.Chỉ sau khi làm cho khuôn mặt của mình trở nên xấu xí dị dạng, chàng mới xem xét lại bản thân mình, trên cơ sở đó dựng lại hình tượng mới của mình. Chuyện này giống như câu chuyện ngụ ngôn về một gã tú tài trẻ tuổi tự cho mình đúng, nay phải gian nan tiến hành cải tạo chính mình. Nhưng "hủy diện mạo" thì dễ, mà “tẩy lòng" thì khó. Cứu Văn Thái Lai, để cho chàng ta trở về với vòng tay Lạc Băng rồi, nỗi nhớ Lạc Băng của Dư Ngư Đồng dùng kiếm chặt vẫn không đứt, dùng sáo thổi đi vẫn không tan, như mấy câu thơ mà chàng tự viết : Giang hồ trăm trận đều qua, Một cây sáo trúc la đà tử sinh. Uyên ương thì có bạn tình, Riêng ta lẻ bóng, một mình với ta. Trong lòng mình, chàng là người “hữu tình vô nghĩa mất trí phát rồ số một ngàn đời nay" (Xem Thư kiếm ân cừu lục). Nghe tiếng xướng lại của ca nữ "Đa tài thì sẽ đa sầu, đa tình thì lại đa ưu, bệnh này hãy cam chịu, ai bảo chàng hào hoa phong lưu ?", rồi lại nhìn thấy ở điện đường chùa Bảo Tướng lời đề từ dưới bức tranh của một cao tăng ngộ đạo "Người đã vô tâm ta càng hưu” (Xem Thư kiếm ân cừu lục), Dư Ngư Đồng bị giáng mạnh một đòn vào tâm linh, lập tức nảy ra ý định xuất gia, cắt tóc đi tu, thậm chí tự lấy pháp danh là Không Sắc. Nếu trong loại tiểu thuyết khác, chuyện của Dư Ngư Đồng nhất định đến đây là hết, kết cục này có thể nói là khuôn sáo của phần lớn tiểu thuyết truyền thống. Nhưng dưới ngòi bút Kim Dung thì không như thế. Thực ra, việc Dư Ngư Đồng xuất gia, ngộ ra Không Sắc, chẳng qua chỉ là để chạy trốn Lạc Băng và Văn Thái Lai, là tự khinh tình cảm và tâm linh của mình. Mà sự chạy trốn và tự khinh chẳng những không phải là con đường tự đổi mới, càng không phải là cách tẩy lòng, chẳng qua chỉ là một biểu hiện tính cách dễ xúc động của Dư Ngư Đồng mà thôi. Tiêu chí thực sự thoát thai hoán cốt của Dư Ngư Đồng không phải là việc xuất gia, mà lại là sau khi xuất gia chàng hoài tục; không phải chạy trốn Văn Thái Lai, mà là dũng cảm thừa nhận sai trái với Văn Thái Lai; không phải đối với Lạc Băng "Người đã vô tâm ta càng hưu ”, mà là quên "cái ta" đi

để tái sinh. Chỉ khi chàng có thể thật sự thản nhiên trước mặt Lạc Băng, đó mới là khởi điểm cho cuộc sống mới của chàng. Còn việc trước tình yêu sâu sắc của sư muội đồng môn Lý Nguyên Chỉ chàng chuyển từ gạt bỏ sang tiếp nhận, thì đó là minh chứng hay nhất cho thấy chàng đã chuyển từ cái tôi cũ sang cái tôi mới.

III

Cuối cùng, do sự theo đuổi kiên trì của Lý Nguyên Chỉ, Dư Ngư Đồng rốt cuộc đã quay thuyền vào bờ, ngả vào vòng tay ấm áp của nàng. Về điều này, có hai ý kiến: một cho rằng anh chàng Dư Ngư Đồng quá ngu ngốc, đối với tiểu sư muội thông minh xinh xắn, lại tha thiết yêu chàng, mà chàng không nhận biết, có mắt như mù; nghĩa là lẽ ra Dư Ngư Đồng phải chuyển sang với nàng từ sớm. Ý kiến thứ hai ngược lại, cho rằng Dư Ngư Đồng căn bản không thể nào đến với Lý Nguyên Chỉ, lý do là sau khi thất tình thì không còn thiết ai nữa. Hai ý kiến trên dĩ nhiên có căn cứ của nó, nhưng đều thiếu việc đi sâu để hiểu và lý giải tính cách và tâm lý của Dư Ngư Đồng. Người ngoài nhìn, sẽ nghĩ rằng Dư Ngư Đồng cứ mê muội vọng tưởng người phụ nữ đã có chồng là Lạc Băng, thì đương nhiên không bằng tiếp nhận nàng Lý Nguyên Chỉ đa tình. Nhưng bản thân Dư Ngư Đồng, đối với hình ảnh xinh đẹp của Lạc Băng, chàng đã khắc sâu vào đáy lòng, đêm ngày tơ tưởng, đâu còn lúc nào rảnh để nghĩ đến thiếu nữ khác ? Huống hồ trong cuộc đời, thường thường người ta yêu và "người yêu ta" lại không trùng hợp, nên nhân vật chính phải tiến hành lựa chọn. Mà với tính cách của Dư Ngư Đồng, thì dĩ nhiên chàng sẽ chủ động chọn "người ta yêu'. Mặt khác, sau khi tình yêu tuyệt vọng của chàng đối với Lạc Băng nguội lạnh, chàng chưa thể nào để mắt tới Lý Nguyên Chỉ. Huống hồ còn có một điều rất quan trọng, là Dư Ngư Đồng muốn báo thù cho sư phụ, thì chàng cần được sự chỉ dẫn của Lý Nguyên Chỉ; mà điều kiện đầu tiên của Lý Nguyên Chỉ là trước hết chàng phải đính hôn với nàng, rồi mới nói đến chuyện khác. Dư Ngư Đồng muốn báo thù cho sư phụ , chàng không còn cách lựa chọn nào khác. Còn một điều đáng đề cập, Dư Ngư Đồng không những đành phải chuyển từ "người ta yêu sang chọn "người yêu ta", mà còn là Lý Nguyên Chỉ được vị cao nhân A Phàm Đề chỉ dẫn, đổi chiến thuật từ bám riết không bỏ, thành "bỏ lửng", là cách đối phó với loài lừa ương bướng, để trị chàng trai Dư Ngư Đồng kiêu ngạo, quật cường. Quả nhiên kiến hiệu: Nói trắng ra, chẳng qua đổi "người theo đuổi ta" thành "người ta theo đuổi", để cho Dư Ngư Đồng từ bị động biến thành chủ động, mục tiêu tuy không thay đổi, song kết quả thì khác hẳn. Nguyên nhân thực ra rất đơn giản, ấy là tính cách quyết định vận mệnh. Tính cách như Dư Ngư Đồng, áp dụng cách này tất phải hiệu nghiệm. Như vậy, Dư Ngư Đồng trong một thời gian ngắn ngủi vài năm, trải qua chuyển đổi từ "người ta yêu sang chọn "người yêu ta", từ "người theo đuổi ta" thành "người ta theo đuổi", từ hủy mặt tẩy lòng, lòng như đống tro nguội lạnh, mà sống lại, quả thực nếm trải đủ mọi mùi vị cuộc đời. Cũng chính bởi thế, hình tượng nhân vật này mới trọn vẹn, tính cách mới sống động lạ thường. Trong một bộ tiểu thuyết võ hiệp, mà có thể trình bày sơ qua quá trình tiến triển nội tâm cực kỳ rắc rối như thế, có nên coi là một thu hoạch bất ngờ hay chăng ?

BÀN VỀ CÁC NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT KIM DUNG

TRẦN MẶC – TRUNG QUỐC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét