Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

HOÀNG DUỢC SƯ Tự hạn chế mình


Hư cấu “Càn khôn ngũ tuyệt" Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái, Trung Thần Thông, tổ chức cuộc Hoa Sơn luận kiếm, đoạt "Cửu ám chân kinh", được coi là các tuyệt chiêu tiểu thuyết võ hiệp của tác giả. Năm vị tông sư võ học ấy, Vương Trùng Dương là Đạo gia, Đoàn Hưng Trí vào cửa Phật, Hồng Thất Công hành hiệp nghĩa, Âu Dương Phong nghiền ngẫm độc công, Hoàng Dược Sư giương ngọn cờ tà, mỗi vị nghiễm nhiên thành gia, khiến người người tin phục. Trong số đó đệ nhất cao thủ Trung Thần Thông Vương Trùng Dương lặng lẽ chết sớm, Nam Đế Đoàn Hưng Trí lại đi tu, Tây Độc Âu Dương Phong và Bắc Cái Hồng Thất Công là một cặp oan gia sinh tử, mấy chục năm sau trên đỉnh Hoa Sơn lại ôm nhau cười ngất, xóa hết cừu hận, vị nào cũng gây bất ngờ và làm cho người ta phải suy ngẫm mãi. Nhưng nói về chiều sâu nhân văn của hình tượng mấy nhân vật truyền kỳ đó, trước hết phải kể đến Đông Tà Hoàng Dược Sư biến hóa đa đoan.

I

Đông Tà Hoàng Dược Sư có thể nói là đệ nhất kỳ tài thông minh tuyệt đỉnh, không chỉ văn võ song toàn, mà còn kiêm thông cầm kỳ thư họa, y bốc tinh tướng, toán số thao lược, ngũ hành kỳ môn. Con gái Hoàng Dung của Đông Tà chỉ cần học được một chút tài hoa học thức của cha đã khiến người ta tưởng là người trời; nhìn đảo Đào Hoa nơi Đông Tà cư trú, hoa cỏ thành trân, người ta phải hoa mắt, tối tăm mặt mũi. Một câu hỏi lý thú đặt ra, vì sao một người thông minh tuyệt đỉnh như thế, về phương diện võ công tại sao lại không thể trở thành người số một trong thiên hạ? Tại cuộc Hoa Sơn luận kiếm năm nào, Đông Tà Hoàng Dược Sư bị bại dưới tay Trung Thần Thông Vương Trùng Dương; sau biết "Cửu âm chân kinh", luyện đi luyện lại, mới chỉ ngang hòa với Tây Độc, Bắc Cái; thời gian qua đi, Đông Tà hiển nhiên đã không còn là đối thủ của Lão Ngoan đồng Chu Bá Thông nữa; lâu dần rồi chính lão cũng sẽ không bằng chàng rể Quách Tĩnh của mình. Điều này dĩ nhiên có thể giải thích, chẳng hạn, một là tác giả thiết kế như vậy, hoặc nói là do quan niệm truyền thống, đông tây nam bắc không thể sánh bằng "Trung ương thần thông”; thứ hai, anh hùng thiên hạ rất nhiều, con đường thành tài khác nhau, mọi con đường đều dẫn tới La Mã, môn học nào cũng có cao nhân; thứ ba, Hoàng Dược Sư bác học bàng thông, tinh lực quá phân tán, đương nhiên không thể chuyên tâm vào một môn để đạt tới cảnh giới cao nhất. Dĩ nhiên tác giả hoàn toàn không nêu ra các vấn đề đó nhưng trong sách ta thấy có một số dấu vết, đoạn quan trọng nhất là lời Lão Ngoan đồng kể cho Quách Tĩnh nghe quan điểm của sư huynh lão là Vương Trùng Dương: "Sư ca năm ấy nói ta có thiên tư học võ , lại thích thú không chán, nhưng một là quá say mê vào đó, hai là thiếu tấm lòng cứu nhân độ thế, nên dù suốt đời chuyên cần khổ luyện cũng không đạt tới cảnh giới tuyệt đỉnh. Bấy giờ ta không tin, nghĩ rằng học võ thì lo học võ, đấy là thứ công phu sử dụng quyền cước và binh khí, đâu có liên quan gì đến kiến thức khí độ kia chứ ? Nhưng mười mấy năm trở lại đây, ta đã không thể không tin. Này huynh đệ, huynh đệ lòng dạ trung hậu, độ lượng, chỉ tiếc là sư ca của ta đã qua đời, nếu không sư ca ta gặp huynh đệ thể nào cũng sẽ vui mừng, đem toàn bộ một thân võ công cái thế của mình truyền thụ hết cho huynh đệ ..."(Xem Anh hùng xạ điêu). Đấy là di ngôn của đệ nhất cao thủ Vương Trùng Dương, hậu nhân không thể không tin; Lão Ngoan đồng tuy điên điên khùng khùng, nhưng thông minh dĩnh ngộ, suốt đời si mê đạo võ công, nên không thể xem nhẹ sự thể nghiệm của lão. Huống hồ câu nói trên tuy có phần trừu tượng, rõ ràng mang hơi hướng huyền học truyền thống của phương Đông, song về sự sinh thành và phát triển của trí tuệ loài người và từng cá thể, có thể nói là tiên tri và kinh nghiệm. Ta có thể diễn giải quan điểm trên như sau: trí thông minh cố nhiên là nhân tố quan trọng của sự phát triển trí tuệ, song tuyệt nhiên không phải là nhân tố quyết định duy nhất thành tựu trí tuệ. Sự phát triển, chuyển hóa của trí thông minh, hoặc mức độ khai thác tiềm năng trí tuệ của con người, thành tựu của nó, phụ thuộc không chỉ vào bản thân trí thông minh, mà còn vào rất nhiều nhân tố như cá tính, hoài bão, ranh giới tinh thần, tầm nhìn, khả năng tài chính, điều kiện môi trường ... Nếu không đủ các nhân tố trên, thì dù trí thông minh có cao đến mấy, cũng sẽ gặp vô số hạn chế, sau khi đạt tới đỉnh cao nào đó, sẽ khó vượt qua chính mình. Nghĩa là giới hạn võ công của Hoàng Dược Sư là do ranh giới tinh thần, tầm nhìn, môi trường và cá tính của chính Hoàng Dược Sư quyết định. Nói nôm na, khí chất cá tính của Hoàng Dược Sư đã quyết định sự hạn chế của lão. Hoàng Dược Sư là một người thông minh, ưu điểm của người thông minh là giỏi vận dụng đầu óc của mình để xem xét vạn sự vạn vật, sau đó đưa ra phát minh sáng tạo. Còn khuyết điểm của người thông minh là dễ kiêu ngạo tự mãn, việc thiếu vốn văn hóa sẽ dẫn đến chỗ tự hạn chế sự phát triển trí tuệ của mình. Cá tính kiêu ngạo của Hoàng Dược Sư, trong sách có nhiều ví dụ chẳng hạn khi hành tẩu giang hồ, lão thích mang mặt nạ, vì lão cảm thấy những kẻ dung tục không đáng được nhìn thấy bản lai diện mục của lão. Ví dụ hùng hồn nhất, là khi Quách Tĩnh phát hiện trên đảo Đào Hoa di thể năm vị sư phụ của chàng, chàng tưởng lầm là do Hoàng Dược Sư giết họ, bèn rời bỏ Hoàng Dung, rời Đào Hoa đảo, đi tìm Hoàng Dược Sư liều mạng. Hoàng Dược Sư thừa biết Quách Tĩnh hiểu lầm, song không thèm giải thích gì với chàng ngốc Quách Tĩnh; thậm chí khi Hoàng Dung tới hiện trường xin cha giải thích rõ sự hiểu lầm, lão vẫn ngang ngạnh nhận món nợ máu ấy, chấp nhận sự khiêu chiến của Quách Tĩnh và đệ tử phái Toàn Chân, ngụ ý là đệ tử phái Toàn Chân sở dĩ khiêu chiến với lão, chẳng qua là do hiểu lầm, đã thế lão cũng chẳng thèm giải thích. Trận đại chiến kinh tâm động phách ấy bảo là do sự hiểu lầm của cánh trẻ cũng đúng, nhưng đúng hơn là do sự cao ngạo của Hoàng Dược Sư gây nên. Còn một ví dụ nữa, sau khi nửa bộ “Cửu âm chân kinh" do phu nhân Hoàng Dược Sư chép lại bị đệ tử môn hạ Trần Huyền Phong lấy trộm mang đi mất, Hoàng Dược Sư thề nếu chưa viết bù nửa bộ "Cửu âm chân kinh", sẽ không rời Đào Hoa đảo nửa bước. Lão thề như vậy vì quá tự tin, cho rằng bộ chân kinh đã do con người sáng tạo ra, thì một người thông minh như lão nhất định cũng sẽ làm được. Nhưng rồi Hoàng Dược Sư trước sau không viết được pho bí kíp võ công mới nào cả, nửa bộ "Cửu âm chân kinh" bị khuyết, lão cũng không viết bù; song vì Hoàng Dung giận dỗi bỏ Đào Hoa đảo mà đi, lão đành bất chấp lời thề, rời Đào Hoa đảo đi tìm con. Vì sao Hoàng Dược Sư không viết bù nổi "Cửu âm chân kinh”? Đơn giản là vì lão không đủ nguồn thông tin cần thiết. Hồi trước Hoàng Thường - nói theo lời Quách Tĩnh, người ấy cũng họ Hoàng, cũng rất thông minh, -sáng tạo ra "Cửu âm chân kinh", là nhờ đã đọc kỹ, nghiền ngẫm kỹ, tu chỉnh nhiều lần đạo tàng thiên hạ; Hoàng Dược Sư vị tất có điều kiện và công phu như thế. Hơn nữa, dẫu có đủ tư liệu, liệu Hoàng Dược Sư có chịu khó đọc hay không? Đọc như thế nào? Vận dụng như thế nào? Còn là cả một vấn đề . Trong sách có tả cuộc "đấu trí" rất lý thú giữa Hoàng Dung với đệ tử của Nhất Đăng đại sư là Trạng nguyên thư sinh Chu Tử Liêu; thực ra cũng là gián tiếp miêu tả Hoàng Dược Sư, bởi vì các câu trả lời cơ trí của Hoàng Dung đều là do cha nàng dạy cho nàng cả. Chẳng hạn mở đầu nói tới Mạnh Tử và loại thơ "Đả du” Khất cái làm sao hai vợ được? Láng giềng liệu có mấy con gà? Đương thời thiên tử nhà Chu đó, Tề, Ngụy sao lòng vẫn thiết tha? Nguyên bài thơ ấy là kiệt tác của Hoàng Dược Sư, có ý chê bai Thang, Vũ; coi thường Chu Khổng, đối với những lời thánh hiền truyền lại lúc rảnh rỗi lại bài bác mỉa mai, từng làm không ít thơ ca từ phú chế nhạo “Khổng Mạnh". (Xem Anh hùng xạ điêu). Thực ra bài thơ này hoàn toàn không phải do Hoàng Dược Sư sáng tác, cũng không phải do Kim Dung viết, mà là trích dẫn từ cuốn sách Cổ kim tiếu do Phùng Mộng Long đời nhà Minh biên soạn. Có điều là Kim Dung nói do Hoàng Dược Sư sáng tác nghe cũng rất hợp lý). Ví dụ này nói rõ nhất cá tính của Hoàng Dược Sư, cái ngoại hiệu "ĐôngTà" của lão rõ ràng cũng liên quan tới điều này. Ở đây chúng ta cần phải kính trọng thái độ phủ định và bài bác của Hoàng Dược Sư đối với một số vấn đề văn hiến kinh điển truyền thống. Con người này không theo Đạo, không theo Phật, không theo hiệp nghĩa cũng chẳng theo tà ác, đối với thánh nhân và kinh điển Nho gia càng giễu cợt châm biếm, vậy thì lão lấy gì để tham khảo sáng tạo, lấy gì làm nguồn vốn văn hóa của mình ?

II

Hoàng Dược Sư không chỉ kiêu ngạo tự mãn, chẳng cần nghe ai, bài bác kinh điển, mà đồng thời còn vô cùng cô quạnh, cố chấp, thiên kiến. Trong nhóm anh tài ngang vai với lão, thì Vương Trùng Dương là giáo chủ giáo phái Toàn Chân, Đoàn Hưng Trí là quốc vương Đại Lý, Hồng Thất Công là bang chủ Cái Bang, Bạch Đà sơn của Âu Dương Phong cũng rất đông đệ tử, riêng ĐôngTà Hoàng Dược Sư là cô gia quả nhân, cho nên lão thiếu không chỉ vốn văn hiến, mà cả sự trao đổi tin tức. Cần phải nói rằng Hoàng Dược Sư vốn cũng lập thành một phái, môn hạ đệ tử cũng có nhiều, nhưng đại đệ tử của lão là Trần Huyền Phong và nữ đệ tử Mai Siêu Phong ăn cắp nửa bộ "Cửu âm chân kinh" của lão mang đi mất, nên lão giận cá chém thớt, trút giận xuống đầu mấy đệ tứ vô tội Khúc, Lục, Vũ, Phùng, bẻ gãy chân họ, rồi đuổi ra khỏi cửa. Lão còn làm cho toàn bộ tôi tớ ở Đào Hoa đảo bị điếc và mù, biến thành kẻ tàn phế. Như vậy là lão tự tạo ra cho mình một thế giới cô độc cô quả. Chữ "tà" trong hành vi cá tính của Hoàng Dược Sư có nhiều ví dụ. Ví dụ điển hình là, lão và bà vợ lão bày cách đánh lừa, lấy được "Cửu âm chân kinh" của Lão Ngoan đồng; Lão Ngoan đồng biết chuyện đến tính sổ với lão, thì lão lại trách cứ Lão Ngoan đồng và bộ chân kinh kia đã "hại chết" vợ lão, rồi lão bẻ gãy hai chân của Lão Ngoan đồng, nhốt Lão Ngoan đồng trên Đào Hoa đảo suốt mười lăm năm ròng rã. Con gái Hoàng Dung của lão đến chơi đùa với Lão Ngoan đồng, bị lão chửi mắng đến mức cô bé Hoàng Dung phải tức giận bỏ nhà mà đi. Ví dụ rõ hơn nữa, là tính cách cổ quái cô độc của lão không chịu nói rõ chân tướng "chiếc thuyền tự sát”, chút nữa thì hại chết Quách Tĩnh, Hồng Thất Công và Lão Ngoan đồng, khiến Hoàng Dung đành phải giong buồm ra biển tìm cứu. Lão không thể không ra biển tìm con gái, bị Linh Trí hòa thượng đánh lừa, tưởng rằng Hoàng Dung đã chết, thế là vừa khóc vừa cười, vừa ca hát ngâm thơ, kêu trời chửi đất, rủa quỉ mắng thần, than trách số phận bất công đối với lão. Thế cũng đi một nhẽ, đàng này sau khi lên bờ, lão lại đem cơn giận dữ trút xuống đầu Quách Tĩnh: "Nếu không phải hắn, Dung nhi đâu có lên thuyền ? Chỉ có tên tiểu tử ấy làm cho Dung nhi bị chết, chứ ta biết chửi hai bây giờ ?" Rồi lão nhớ đến sư phụ của Quách Tĩnh là Giang Nam lục quái, liền gào lên : "Giang Nam lục quái chính là thủ phạm hại chết Dung nhi của ta? Nếu mấy tên ấy không dạy võ công cho tên tiểu tử Quách Tĩnh, thì làm sao hắn quen biết được Dung nhi kia chứ ? Không bẻ gãy hết chân tay từng gã lục quái thì ta nguôi hận sao được?" (Xem Anh hùng xạ điêu). Mấy ví dụ trên chứng minh tính cách tà môn quái gở của Hoàng Dược Sư, rõ là lão chẳng cần nghe ai, đúng hơn là duy ngã độc tôn, bất chất lý lẽ, hoành hành ngang ngược, dựa thế khinh người. Các ví dụ ấy còn chứng tỏ sự thông minh của Hoàng Dược Sư có điểm mù, sai lầm và hạn chế. Một người hiểu chút tình lý trên thế gian, sẽ không như lão, vì đại đệ tử phạm tội mà đi trừng phạt nặng nề các đệ tứ khác, cũng sẽ không đối xử tàn nhẫn với Lão Ngoan đồng hồn nhiên; càng không vì thương con gái mình mà đi giận lây Quách Tĩnh, thậm chí giận lây Giang Nam lục quái, là những người không hề dính dáng đến "cái chết" của con gái lão. Nếu muốn tổng kết, thì thực tế toàn là do sai lầm của lão gây ra: nếu lão không tham lam bí kíp võ công, thì vợ lão đã không bị chết sớm, Lão Ngoan đồng sẽ không bị hành hạ thảm thương bao nhiêu năm, mà đệ tử Trần Huyền Phong cũng sẽ không có sách đâu mà lấy trộm. Hơn nữa, nếu Hoàng Dược Sư không quá hà khắc với các đệ tử, thì vợ chồng Trần Huyền Phong đâu đến nỗi phải bỏ lão trốn đi? Cuối cùng, nếu lão thật sự yêu quí con gái lão, thì sẽ không để cho người yêu của con gái lão là Quách Tĩnh bị nguy hiểm như thế, lão cũng sẽ không bị mắc lừa. Tất cả dĩ nhiên đều do tính cách của Hoàng Dược Sư quyết định, các hành vi, suy nghĩ kể trên của lão vừa gặp họa là bùng ra như sấm, lập tức chửi trời chửi đất rủa thần rủa quỉ, thực ra đâu có khác gì một gã thôn phu ngu muội, đâu có thấy gì là một người thông minh tuyệt đỉnh? Như vậy chúng ta đã đi đến kết luận lý thú, rằng một người thông minh tuyệt đỉnh như Hoàng Dược Sư thực tế lại không phải là bậc trí giả chân chính. Sự thông minh của lão đủ để giúp lão có tuyệt kỹ cầm kỳ thư họa y bốc tinh tướng, song không đủ để lão có trí tuệ nhân sinh chân chính, nhất là trí tuệ "nhận thức chính mình", ngược lại, tạo nên sự hạn chế tài trí của lão, khiến lão không thể trở thành cao thủ số một thiên hạ về võ công. III Hoàng Dược Sư một đời đơn độc lai vãng, thổi sáo hớp hồn, đạn chỉ thần thông, thần kiếm thấp thoáng trong ánh hoa đào, tiếng tiêu hòa với sóng biển xanh, vị Đào Hoa đảo chủ tưởng như vị tiên Đông Hải. Thực ra vị cao thủ võ lâm phi phàm ấy lại bị bệnh tâm thần nghiêm trọng. Mấy ví dụ trên chứng tỏ, trừ một kẻ ngu xuẩn, hoặc một bệnh nhân tâm thần ra, không ai lại đi suy đoán hoàn toàn phi lý và hành động một cách không thể hiểu nổi như vậy? Hoàng Dược Sư dĩ nhiên không phải là một kẻ ngu xuẩn, nên chỉ có thể nói lão bị bệnh tâm thần. Một nguyên nhân rõ ràng, là lão bị thiếu thốn tình cảm suốt thời gian dài. Hoàng Dược Sư thông minh tuyệt đỉnh, hoành hành bá đạo, coi trời bằng vung đấy, thực tế là một kẻ cực kỳ yếu đuối về tâm lý. Bằng chứng là từ ngày vợ chết, lão biến thành một thứ cô hồn dã quỉ chỉ mạnh bề ngoài, thậm chí giống như một cái xác không hồn; lão luôn đeo một cái mặt nạ không thay đổi, cũng là một tượng trưng rõ rệt. Bằng chứng cao hơn là lão đã chuẩn bị sẵn cho mình "chiếc thuyền tự sát", nếu không phải vì đứa con gái nhỏ Hoàng Dung không người trông nom, thì lão đã bước lên “chiếc thuyền tự sát" từ lâu rồi. Quãng đời trống trải, vô vị sau khi vợ chết làm cho tâm lý của lão bị biến dạng. Nhìn chung có thể coi Hoàng Dược Sư là một kẻ đa tình, bằng chứng là sau khi vợ chết, lão đau khổ, thương nhớ không nguôi; nhưng mặt khác, lão lại không thực sự hiểu được tình cảm, tình người. Bằng chứng là lão trước sau vẫn không hiểu nổi tình cảm của đứa con gái : nếu lão thật sự yêu con gái, thì lão phải yêu người yêu của nó, đàng này lão lại hết sức căm ghét Quách Tĩnh. Lý do bề ngoài, là thấy Quách Tĩnh ngốc nghếch, xuất thân hèn kém, không xứng đôi với Hoàng Dung; nhưng thực chất, lão ghét Quách Tĩnh, thậm chí coi chàng như kẻ thù, là có nguyên nhân tâm lý sâu xa, không phải vì đứa con gái, mà chỉ vì chính lão, chỉ sợ Hoàng Dung lấy chồng rồi, sẽ không còn ai làm chỗ dựa tinh thần cho lão nữa. Tôi dã nói, Hoàng Dược Sư bề ngoài tỏ ra kiên cường, tâm linh thực ra lại vô cùng yếu đuối. Vợ chết đi, lão coi như mất hết tất cả mọi thứ trên đời. Đứa con gái là lý do khiến lão tiếp tục sống, là chỗ dựa duy nhất về tinh thần của lão. Tôi nói Hoàng Dược Sư không hiểu được tình cảm, tình người, vì quan niệm nhân sinh của lão trước sau rất mơ hồ, tình cảm không có chỗ dựa, cuộc sống tinh thần của lão thực ra chứa đầy mâu thuẫn và trống rỗng. Đào Hoa đảo đã là chốn trống trải, tịch mịch về phương diện tự nhiên; Hoàng Dược Sư lại còn tạo thêm sự trống trải và tịch mịch bằng việc đuổi đệ tử, biến tôi tớ thành kẻ mù và điếc, vợ chết, con gái bỏ nhà đi, độc trùng sinh sôi Cuối cùng môi trường quyết định tính cách, lão sống trong một môi trường như thế, làm sao không mắc bệnh tâm thần ? Một người thông minh tuyệt đỉnh phải hiểu ý nghĩa của hai chữ "sống, hay là chết", song vì sự hạn chế trí tuệ và căn bệnh tâm lý, lão không tìm ra đáp án thích hợp cho mình. Bởi vậy cuộc sống của lão chứa đầy xung đột mâu thuẫn khó hiểu : lão muốn chết, nhưng trước sau vẫn không chết; muốn ẩn dật chốn sơn lâm, nhưng lại thích danh vọng giữa nhân gian; cả đời luôn châm biếm kinh điển thánh hiền Nho gia, song lại bảo "bình sinh ta kính trọng nhất là trung thần hiếu tử" (Xem Anh hùng xạ điêu); thề chưa viết bù "Cừu âm chân kinh" thì chưa rời Đào Hoa đảo, nhưng lại tự vi phạm lời thề. Điều này cũng phản ánh toàn bộ cuộc đời của lão: muốn viết câu chuyện nhân sinh khác hẳn với tiền nhân, kết quả là nếu không giống tiền nhân, thì lại chẳng là gì hết. Vốn định gửi gắm cuộc đời, trông đợi ở tình cảm vợ chồng, nhưng sự thông minh của lão lại không tính được chuyện vợ lão chết sớm? Nhân gian lắm đường tà, Hoàng Dược Sư tự phụ tài hoa cái thế, muốn dựng một ngọn cờ, kết quả lại hoàn toàn không thoát khỏi lẽ thường của cõi nhân gian, lão rốt cuộc vẫn chỉ là một thành viên bình thường giữa đám chúng sinh đáng thương mà thôi.

BÀN VỀ CÁC NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT KIM DUNG

TRẦN MẶC – TRUNG QUỐC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét