Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

LÝ MẠC SẦU Chết không được hưởng tình yêu

Lý Mạc Sầu có một ngoại hiệu là Xích Luyện Tiên Tử, đối xứng với ngoại hiệu "Kim Xà lang quân" trong bộ tiểu thuyết Bích huyết kiếm. Giống như "Kimxà lang quân" Hạ Tuyết Nghi một nửa là "Kim Xà",một nửa là "lang quân"; Lý Mạc Sầu cũng một nửa là "Xích Luyện", một nửa là "Tiên Tử". Hai người này cùng điên rồ mất lương tâm, khác chăng là Kim Xà lang quân báo thù món nợ máu cả nhà bị giết, còn Xích Luyện Tiên Tử Lý Mạc Sầu thì chỉ vì thất tình mà giết hại bừa bãi người vô tội. Lý Mạc Sầu giết hại bừa bãi người vô tội, nói ra thật khó mà tin : nàng hận Hà Nguyên Quân cướp mất người yêu của mình, thế là đem giết sạch cả gia đình Lão quyền sư hơn hai chục người không liên quan gì tới Hà Nguyên Quân, chỉ vì một lẽ là họ mang họ Hà. Nàng còn chạy ra sông Nguyên phá hủy sáu mươi ba chiếc thuyền chở hàng có đề chữ "Nguyên" trên mạn thuyền. Nàng còn thề, kẻ nào muốn nhắc đến ba chữ Hà Nguyên Quân trước mặt nàng, tức là kẻ thù không đội trời chung, hoặc kẻ đó hoặc nàng phải chết. Hơn mười năm liền, Lý Mạc Sầu vẫn không chết, tức là có không ít người đã phải bỏ mạng, chỉ là chúng ta không biết rõ bao nhiêu người. Một lần nàng tới gia trang họ Lục ở Giang Nam, nơi vợ chồng Lục Triển Nguyên, Hà Nguyên Quân từng sống, giết cả nhà người em ruột của Lục Triển Nguyên là Lục Lập Đỉnh, coi đó như chuyện bình thường.

I

Trước thực tế đáng căm phẫn đó, người ta bất giác muốn hỏi, Lý Mạc Sầu rốt cuộc có thâm cừu đại hận chừng nào với vợ chồng Lục Triển Nguyên, Hà Nguyên Quân, mà làm cho bao nhiêu người bị vạ lây như thế .Truy hỏi động cơ của nàng, người ta càng không thể chấp nhận, thậm chí khó bề tưởng tượng: Lý Mạc Sầu căm hận Hà Nguyên Quân tới mức điên cuồng lạm sát người vô tội như thế chỉ là vì nàng yêu Lục Triển Nguyên, song Lục Triển Nguyên lại yêu và kết hôn với Hà Nguyên Quân. Ngoài ra, kể cả người chứng kiến là Võ Tam Thông lẫn bản thân nàng, đều không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào cho thấy Hà Nguyên Quân hoặc Lục Triển Nguyên “đắc tội" với nàng. Năm xưa Lý Mạc Sầu và Lục Triển Nguyên yêu nhau thắm thiết hay không, trong sách không nói rõ, tác giả lờ đi. Hoặc là với việc vợ chồng Lục Triển Nguyên bị bệnh qua đời, chuyện ngày trước quá nửa đã không còn người đối chất. Hoặc giả Lý Mạc Sầu sớm đã bị bệnh tâm thần, rất khó bắt nàng nhớ rõ lại chuyện ngày trước. Mà dẫu nàng có nhớ lại, thì chỉ là lời một phía, chúng ta khó có thể tin hoàn toàn. Có điều là nếu bảo Lý Mạc Sầu yêu Lục Triển Nguyên chỉ là tình yêu đơn phương, không hồi đáp, thì chưa chắc. Trong sách có đưa ra một vật chứng quan trọng, là chiếc khăn lụa thêu bông hồng đỏ, lá xanh. Khi lâm chung, Lục Triển Nguyên từng giao lại chiếc khăn ấy cho em trai là Lục Lập Đỉnh, dặn là vạn nhất không thể tránh né, thì hãy giơ chiếc khăn đó ra, không chừng Lý Mạc Sầu sẽ dành cho một con đường sống. Vợ chồng Lục Lập Đỉnh chưa kịp dùng chiếc khăn này, đã bị Lý Mạc Sầu hạ độc thủ, trước lúc tắt thở có đưa chiếc khăn ra, phu nhân Võ Tam Thông đã xé đôi chiếc khăn, đeo vào cổ hai đứa trẻ là Trình Anh và Lục Vô Song. Lý Mạc Sầu nhìn thấy chiếc khăn ấy, quả nhiên do dự, không nỡ lập tức sát hại. Chiếc khăn đó chính là tín vật năm xưa Lý Mạc Sầu tặng cho Lục Triển Nguyên. Nếu chúng ta xét kỹ, thì chiếc khăn ấy là bằng chứng, thứ nhất, về quan hệ yêu đương giữa Lý Mạc Sầu với Lục Triển Nguyên, chắc không phải chỉ là tình yêu đơn phương. Thứ hai, Lục Triển Nguyên đã nhận chiếc khăn như một tín vật, giữ gìn nó hoặc như một vật cứu mạng, hoặc như một vật kỷ niệm đáng nhớ về mối tình đã qua. Thứ ba, tại sao Lục Triển Nguyên nhận chiếc khăn tín vật tình yêu của Lý Mạc Sầu, nhưng cuối cùng lại từ chối tình yêu của nàng, ta có thể tìm lý do qua chiếc khăn. Chiếc khăn thêu bông hoa hồng lá xanh, điều này không có vấn đề. Hoa hồng là loài hoa nổi tiếng ở nước Đại Lý Vân Nam, điều này cũng không có vấn đề. Vấn đề là ở chỗ Lý Mạc Sầu xem bông hồng là mình, còn lá xanh là tượng trưng cho Lục Triển Nguyên, bởi vì chữ "Lục" với nghĩa "màu xanh" đồng âm với chữ ”lục" là họ ở xứ Giang Nam của Lục Triển Nguyên. Sở dĩ bảo Lý Mạc Sầu ví von như thế là có vấn đề, bởi vì ngụ ý của nàng đã vi phạm quan điểm giá trị của truyền thống Trung Quốc. Yếu điểm cương thường của truyền thống dứt khoát chồng là rường cột của vợ; mô hình nhận thức truyền thống là phân biệt rõ ràng nam nữ, âm dương, chính phụ. Đàng này Lý Mạc Sầu lại đưa ra cái khác, ví mình là chủ thể hoa hồng, còn LụcTriển Nguyên chỉ là cái lá, hóa ra vi phạm cương thường, đảo ngược âm dương. Tôi đoán rằng năm xưa Lục Triển Nguyên nhận chiếc khăn tặng có lẽ mừng lắm, nhưng một khi nghĩ ra ngụ ý của Lý Mạc Sầu, thì Lục Triển Nguyên giật mình kinh hãi, không thể chấp nhận. Thời đại Lục Triển Nguyên, một người đàn ông làm sao có thể chấp nhận tư tưởng nữ quyền của Lý Mạc Sầu? Thế là Lục Triển Nguyên dĩ nhiên tránh né Lý Mạc Sầu, chuyển sang theo đuổi Hà Nguyên Quân (Theo cách phát âm Ở Giang Nam, chữ "Nguyên" đồng âm với chữ "Nhuyễn" - mềm mỏng); giống như trong bộ tiểu thuyết Thư kiếm ân cừu lục, Trần Gia Lạc bỏ nàng Hoắc Thanh Đồng văn võ song toàn, để yêu Hương Hương công chúa hồn nhiên ngây thơ; hoặc giống như Thạch Thanh trong Hiệp khách hành, tránh né Hải Phương cô là người hơn chàng về nhiều mặt, để kết duyên với sư muội Mẫn Như Kết dịu hiền. Cái đó gọi là từ xưa hồng nhan thường bạc mệnh, nữ nhân tài hoa càng bạc mệnh hơn. Nếu không, thế kỷ hai mươi đã chẳng có phong trào rầm rộ của phụ nữ đòi quyền lợi. Nhưng về phía Lý Mạc Sầu mà nói, thì việc coi nàng là chính, chàng là phụ, lại rất bình thường. Bởi lẽ nàng là đệ tử phái Cổ Mộ , hiển nhiên không biết rằng ở thế giới bên ngoài nhà mồ có nguyên tắc luân lý nam chính nữ phụ, chồng là rường cột của vợ. Dẫu có biết qui tắc ấy nàng cũng nhất định phủ nhận nó, lấy mình làm mẫu, đảo nghịch âm dương, thay đổi càn khôn. Nếu không, nàng không còn là đệ tử của phái Cổ Mộ.

II

Nhắc đến phái Cổ Mộ, chúng ta mới động chạm đến điểm mấu chốt trong tính cách và số phận của Lý Mạc Sầu. Đấy là một thế giới độc lập, thuần túy của nữ giới. Trong cái thế giới nhỏ đó, đương nhiên nữ nhân là trung tâm. Thực tế, tổ sư bà bà, đúng ra phải gọi là tổ sư cô cô, của phái này, - Lâm Chiêu Anh, suốt đời không chịu thua nam giới, quyết tranh hơn thua với đệ nhất nam tử trong thiên hạ là VươngTrùng Dương. Chính vì vậy mới có phái Cổ Mộ, Lý Mạc Sầu mới từ nhỏ gửi thân nương nhờ trong cái thế giới nữ không có ánh mặt trời này. Cái thế giới nữ của phái Cổ Mộ thực ra là một thế giới tồn tại bất đắc dĩ, một thế giới khép kín, bị đè nén. Vừa khởi đầu nó đã bất đắc dĩ phải tách biệt với thế giới bên ngoài, sau đó sự cách ly hoàn toàn ấy trở thành qui tắc truyền thống. Người sống trong tòa cổ mộ rõ ràng tự mình khép kín, ở ngay cạnh phái Toàn Chân mà mấy chục năm không hề qua lại. Giả sử Dương Quá không lọt vào đây, có lẽ mãi mãi cũng không ai hay biết chân tướng cuộc sống trong tòa cổ mộ như thế nào. Sự đè nén ở đó cũng hết sức hiển nhiên, cứ xem bí quyết tu luyện dưỡng sinh của các nữ nhân thì biết, - trong sách tả sư muội của Lý Mạc Sầu là Tiểu Long Nữ tu luyện "yếu quyết hai mươi cái ít và hai mươi cái nhiều”, hai mươi cái ít có "ít nghĩ, ít nhớ, ít muốn, ít việc, ít nói, ít cười, ít buồn, ít vui, ít giận, ít thích, ít ghét". (Xem Thần điêu hiệp lữ). Lý Mạc Sầu là sư tỷ của Tiểu Long Nữ, chút nữa thì cũng tu luyện công phu dưỡng sinh ấy. Cuộc sống của Lý Mạc Sầu trong tòa cổ mộ là sự đè nén mọi ham muốn và bản năng của con người. Phái Cổ Mộ có một qui định tương đối thoáng, ấy là nếu có một nam tử thề hi sinh tính mạng của mình vì một nữ nhân nào đó trong tòa cổ mộ, thì nữ nhân kia được tự do ra khỏi nhà mồ. Do Dương Quá tình nguyện chết vì Tiểu Long Nữ, mà nàng đủ tư cách rời khỏi nhà mồ. Vấn đề là qui định này tưởng chừng hợp tình hợp lý, song thực chất rất hoang đường. Bởi lẽ nữ nhân phái Cổ Mộ suốt đời không liên hệ với bên ngoài, người ở trong không được phép ra, người bên ngoài không được phép vào, nữ nhân trong nhà mồ căn bản không có dịp gặp người ngoài hoặc để người ngoài gặp mình, thì đào đâu ra nam tử để mà yêu và để nam tử tình nguyện chết vì mình? Huống hồ qui định này còn bổ sung một điều nữa, là nam tử trước khi hi sinh, không được biết trước qui định đó. Đáng chú ý là Lý Mạc Sầu chính vì không tuân thủ qui định kia mà tự động rời khỏi tòa nhà mồ, trở thành kẻ phản đồ của phái Cổ Mộ. Dưới con mắt của người sống trong nhà mồ, Lý Mạc Sầu là đại nghịch vô đạo một lí do khiến nàng trở thành ma đầu chốn giang hồ. Nhưng nếu nhìn từ góc độ khác, Lý Mạc Sầu chỉ không muốn chấp nhận sự đè nén, mà muốn đi tìm sự giải phóng và cuộc sống tự do, cho nên đã dũng cảm rời bỏ nhà mồ, thế thì sao bảo là nàng có tội? Với ý nghĩa đó, thậm chí chúng ta có thể gọi nàng là bậc anh thư đi tiên phong trong việc giải phóng chính mình. Chúng ta nên thấy rằng Lý Mạc Sầu trở thành ma đầu chốn giang hồ là hậu quả tất nhiên của việc phản bội sư môn chỉ là đúng một phần, cái chính là do bao nhiêu năm bị đè nén trong sư môn, nên một khi được giải phóng, khó tránh khỏi tự bành trướng quá mức, một khi bị kích động, rất dễ nảy sinh biến dạng tâm lý. Nói khác đi, mầm mống căn bệnh của Lý Mạc Sầu đã nảy sinh từ trong nhà mồ. Cụ thể là, thứ nhất, ý thức nữ là trung tâm trong nhà mồ đã dẫn nàng đến sự nhạy cảm quá độ hoặc tự đại quá độ ,khiến thế giới bên ngoài nhà mồ khó bề chấp nhận. Thứ hai, Lý Mạc Sầu không chịu nổi sự đè nén của cuộc sống trong nhà mồ, tự động rời bỏ nhà mồ, một phần là do xung động bản năng tình dục, một phần là do tính cách cao ngạo, thích cực đoan của nàng. Đè nén càng sâu, phản ứng của nàng càng mạnh, phản kháng càng là thiên kiến, càng không được sư môn chấp nhận. Xung đột giữa ham muốn với truyền thống, cá tính với giáo điều, thực chất đã sớm làm méo mó tâm hồn Lý Mạc Sầu, cắt đứt đường rút lui của nàng, khiến nàng đành xông tới. Thứ ba, nàng căn bản không được giáo dục về tình yêu và cuộc sống, nên căn bản không hiểu qui tắc trò chơi cụ thể của tình yêu và cuộc sống chốn nhân gian, vừa mới yêu đã bị đối phương cự tuyệt vừa bước vào cuộc đã bị đuổi ra, nàng dĩ nhiên không thể tiếp thu. Cuối cùng, do nàng không biết về cuộc sống trên thế gian, nên không những không thích nghi, mà nguy hiểm thay, còn coi tình yêu nam nữ là mục đích theo đuổi duy nhất, nội dung duy nhất của cuộc sống; cho nên một khi tình yêu sụp đổ, thì toàn bộ cuộc đời nàng mất phương hướng, không có lối thoát, thậm chí trở nên vô giá trị. Việc Lục Triển Nguyên không muốn làm chiếc lá, cự tuyệt tình yêu của nàng, đã đẩy đổ cây cột chống giữ cuộc đời nàng; việc Hà Nguyên Quân làm vợ Lục Triển Nguyên tức là đã cướp mất quyền sống của nàng. Cho nên nàng dĩ nhiên căm thù Hà Nguyên Quân tận xương tủy, đối với Lục Triển Nguyên thì vừa yêu vừa hận, dẫn tới hành động điên rồ. Có nghĩa sự điên rồ của Lý Mạc Sầu chỉ là di chứng của sự đè nén tinh thần trong nhà mồ, là chứng bệnh tổng hợp, phát sinh do bi ô nhiễm môi trường sinh hoạt nơi trần thế.

III

Hành vi điên cuồng giết người của Lý Mạc Sầu đương nhiên là tội ác, nhưng nếu chúng ta hiểu được nguyên nhân biến dạng tâm lý của nàng ta, thì ta sẽ có thái độ đồng tình sâu sắc. Hơn nữa, ta còn thấy Lý Mạc Sầu chẳng những không phải bẩm sinh đã là ma đầu mà vẫn còn có thể cứu vãn. Trong đời Lý Mạc Sầu tối thiểu có một việc thiện, ấy là công ơn nuôi dưỡng bé Quách Tương, tình mẫu tử bản năng ấy lóe sáng trong cuộc đời nàng. Ban đầu Lý Mạc Sầu có ý tự lợi và độc ác, đi cướp bé Quách Tương mới sinh về, bởi nàng tưởng bé Quách Tương là con của Dương Quá và Tiểu Long Nữ, tính dùng bé đánh đổi lấy "Ngọc nữ tâm kinh" mà nàng thèm khát từ lâu. Nhưng chẳng mấy chốc nàng đâm ra yêu đứa bé và coi nó như bảo bối của mình. Sau khi tận tâm nuôi dưỡng, tình cảm tự nhiên càng sâu thêm, đến tận khi Hoàng Dung đến giải cứu Quách Tương, thì Lý Mạc Sầu lại ra sức bảo vệ đứa bé; thậm chí sau khi bị Hoàng Dung ám toán, nàng còn do dự không biết có nên lấy tính mạng mình đổi lấy sự an toàn cho Quách Tương hay không. Chính vì sự do dự ấy mà Hoàng Dung không nỡ gia hại nàng, rồi khi nàng nhảy vào biển lửa, Hoàng Dung còn bảo bé QuáchTương chắp tay bái tạ nàng. Lý Mạc Sầu đối xử tử tế với bé Quách Tương đương nhiên không phải xuất phát từ lòng nhân đạo, mà đơn thuần là từ bản năng làm mẹ. Bản năng ấy không thể bị cuộc sống trong tòa nhà mồ đè nén, cũng không bị sự bất hạnh làm méo mó, gặp dịp sẽ tự nhiên bộc lộ, khiến hình tượng Lý Mạc Sầu trong giây lát sáng bừng lên. Đến đây, chúng ta mới hiểu hai chữ “Tiên Tử" trong ngoại hiệu của Lý Mạc Sầu, ngoài chỉ ngoại hình đẹp như tiên nữ của nàng, còn có ý nghĩa khác. Không khó đoán rằng, nếu Hoàng Dung không nóng lòng cứu con về, thì để nuôi dưỡng bé Quách Tương, Lý Mạc Sầu sẽ tiếp tục ẩn cư, sẽ quên thù hận và cạnh tranh, sẽ coi việc nuôi dưỡng bé Quách Tương làm mục tiêu mới của đời mình. Bé Quách Tương sẽ là liều thuốc hay nhất khêu gợi bản năng người mẹ ở Lý Mạc Sầu, tiêu trừ sự ác độc phục hồi tính người. Nhưng Hoàng Dung đã đoạt mất bé Quách Tương khỏi tay Lý Mạc Sầu. Hoàng Dung căn bản không biết rằng việc đó thực chất đã cướp đi cơ hội duy nhất trở lại làm người của Lý Mạc Sầu. Sau đó Hoàng Dung rủ Lý Mạc Sầu cùng đi đến tòa cổ mộ tìm Dương Quá, Lý Mạc Sầu đồng ý. Hoàng Dung - cũng như đa số độc giả, - tưởng rằng Lý Mạc Sầu chẳng qua muốn mượn dịp giành lấy "Ngọc nữ tâm kinh", ai ngờ đấy là Lý Mạc Sầu muốn có thêm thời gian được ở bên cạnh bé Quách Tương mà thôi. "Ngọc nữ tâm kinh" của phái Cổ Mộ làm sao sánh bằng tấm lòng từ mẫu ? Sau đó Hoàng Dung căn bản không để cho Lý Mạc Sầu có dịp gặp lại bé Quách Tương; Lý Mạc Sầu một lần nữa mất đi mục đích sống, nàng giẫm lại vết xe cũ, càng lợi hại hơn, cuối cùng phát điên, đau khổ hết chịu nổi, chủ động nhảy vào lửa tự thiêu. Cảnh cuối cùng trong đời Lý Mạc Sầu khiến người ta bất giác thông cảm. Kim Dung viết:"Lý Mạc Sầu một đời gây bao nghiệt chướng, hôm nay bỏ mạng, đúng là chết cũng chưa hết tội; nhưng nàng không phải bẩm sinh đã tàn ác. Chỉ vì nhầm lẫn tình trường, đến nỗi đâm quàng vào bụi rậm, càng lúc càng gai góc, không thể gỡ ra được nữa, hối cũng chẳng kịp". (Xem Thần điêu hiệp lữ). Vào giây phút cuối cùng cuộc đời, nàng còn hát khúc tình ca yêu thích "Hỏi thế gian tình ái là chi, mà đôi lứa thề nguyền sống chết? Trời nam đất bắc...” Lý Mạc Sầu xuất hiện lần đầu trước người đọc đã hát bài này, khi giã từ thế gian cũng hát bài này. Hỏi thế gian tình ái là gì? Lý Mạc Sầu suốt đời đi tìm, cuối cùng vẫn không tìm ra câu trả lời như ý, thậm chí nàng cũng không hiểu vì sao mình không tìm được.


TRẦN MẶC – TRUNG QUỐC

BÀN VỀ CÁC NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT KIM DUNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét