Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

Tự học chụp ảnh.

Theo sohoa.net

Tìm hiểu về máy ảnh

Chuyên đề hướng dẫn chụp ảnh cho những người mới sử dụng máy của Số Hóa được bắt đầu với máy ảnh compact. Bài đầu tiên là những hướng dẫn cơ bản nhất về máy ảnh.

Máy ảnh số du lịch (dạng ngắm-chụp) ngày càng phổ biến với mức giá hầu như ai cũng có thể sở hữu một chiếc. Mặc dù đã được thiết kế tự động tối ưu để người dùng chỉ việc ngắm là chụp, đúng như tên gọi của sản phẩm, nhưng để có được những bức ảnh đẹp, một chút kiến thức về máy ảnh và nhiếp ảnh là điều cần thiết. Tạp chí công nghệ Cnet đã thiết kế một khóa học với những bài học ngắn gọn và dễ hiểu cho những người mới bắt đầu làm quen với máy ảnh, giúp họ có thể nhanh chóng nắm vững những vấn đề kỹ thuật cơ bản trong một thời gian ngắn ngủi.

Trước khi học về nhiếp ảnh, điều đầu tiên cần biết là hiểu máy ảnh của mình, hiểu chức năng của từng nút bấm, biết khi nào sử dụng chúng để có được bức hình mong muốn. Bài này sẽ chỉ trình bày những chức năng cơ bản nhất của một chiếc máy ảnh. Mỗi máy ảnh gồm 13 bộ phận chính. Nếu máy ảnh bạn đang sở hữu không có đủ hoặc có nhiều hơn 13 bộ phận này, bạn cần đọc thêm về chức năng của chúng trong sách hướng dẫn sử dụng máy ảnh của mình.

Máy ảnh compact có 13 bộ phận chính. Ảnh: Cnet.
Máy ảnh compact có 13 bộ phận chính. Ảnh: Cnet.

1. Đèn flash tích hợp trên thân máy giúp chiếu sáng đối tượng trong điều kiện chụp tối. Đèn có thể được cài đặt để chớp tự động (chỉ chớp khi cần thiết), chớp cưỡng bức (luôn chớp) hay tắt.

2. Đèn hỗ trợ lấy nét chỉ bật khi điều kiện ánh sáng môi trường chụp không đủ cho máy ảnh lấy nét. Một số máy ảnh cho phép bạn tắt tính năng này để tránh làm đối tượng mất tập trung.

3. Ống kính thu cảnh vật (ánh sáng) để hiển thị trên cảm biến. Một số ống kính máy ảnh được thiết kế dạng thò thụt khi bật/tắt máy, trong khi một số khác lại thiết kế ống kính trong lòng máy ảnh (không thò thụt ra ngoài).

Phần lớn màn hình LCD trên máy compact sẽ khoảng 2,5 tới 3,5 inch. Ảnh: Cnet.
Phần lớn màn hình LCD trên máy compact sẽ khoảng 2,5 tới 3,5 inch. Ảnh: Cnet.

4. Vòng chế độ cho phép chuyển đổi giữa các chế độ chụp khác nhau. Ngoài các chức năng mặc cảnh, hầu hết máy ảnh đều có chế độ P và chế độ A. Ở chế độ P (Program), máy sẽ tính toán các thông số phơi sáng, còn lại cho phép người chụp chỉnh một số thông số như đèn flash, ISO, cân bằng trắng. Còn chế độ A (Auto) là tự động hoàn toàn, máy sẽ lo tất cả các thông số liên quan, việc của người dùng chỉ là ngắm và bấm máy.

5. Màn hình LCD phía sau là nơi người chụp dùng để căn khung hình khi chụp cũng như xem lại ảnh vừa chụp. Có nhiều kích cỡ màn hình LCD khác nhau, từ 2,5 inch tới 3,5 inch tùy máy. Hầu hết thường có độ phân giải từ 230.000 điểm ảnh, nhưng ở một số máy ảnh cao cấp hơn, độ phân giải có thể lên đến 920.000 pixel. Màn LCD có thể cố định ở thân máy, có thể ở dạng lật xoay, hoặc có thể chỉ lật dùng trong các trường hợp chụp hất lên hoặc chúc xuống.

6. Phím điều hướng thường ở phía sau máy dùng để duyệt qua menu và các lựa chọn. Xung quanh sẽ có một nút hiển thị thông tin trên màn LCD (thường có tên DISPLAY) và nút xem lại hình vừa chụp (ký hiệu là hình tam giác). Các chức năng truy cập nhanh cũng được hiển thị bằng biểu tượng in trên nút điều hướng. Lưu ý, mỗi máy ảnh khác nhau sẽ có cách sắp xếp khác nhau.

Các nút chức năng ở rìa trên máy ảnh. Ảnh: Cnet.
Các nút chức năng ở rìa trên máy ảnh. Ảnh: Cnet.

7. Nút chụp ảnh có hai chức năng là lấy nét và chụp. Nếu bạn nháy nhẹ nút chụp, máy ảnh sẽ điều chỉnh ống kính để lấy nét, nếu bạn nhấn mạnh, máy sẽ chụp.

8. Nút điều chỉnh zoom dùng để thay đổi tiêu cự giữa góc rộng và tele thường được bố trí thành một vòng bao quanh nút chụp ảnh. Có những máy lại chọn kiểu thanh bấm hai nút hai đầu ở phía sau.

9. Nút công tắc nguồn dùng để bật/tắt máy ảnh.

Nắp che pin dưới đáy máy. Ảnh: Cnet.
Nắp che pin dưới đáy máy. Ảnh: Cnet.

10. Nắp che pin thường ở dưới đáy và thường được mở kiểu kéo trượt hoặc gạt lẫy để lắp pin và thẻ nhớ.

11. Lỗ lắp chân máy được đặt phía dưới đáy máy, cạnh nắp che pin.

Các cổng kết nối bên sườn máy. Ảnh: Cnet.
Các cổng kết nối bên sườn máy. Ảnh: Cnet.

12. Bên sườn máy ảnh thường là các cổng kết nối để nối máy ảnh với máy tính hoặc màn hình ngoài. Cáp cho các cổng này thường được đi kèm máy (cáp USB, cáp AV) hoặc có thể phải mua rời (cáp HDMI).

13. Lỗ xỏ quai đeo máy ảnh.

Trên đây là một số bộ phận cơ bản của một máy ảnh số du lịch thông dụng.


Các chế độ chụp và cách căn khung


Ở bài này, người học sẽ học một số nguyên tắc cơ bản nhất của nhiếp ảnh và cách tận dụng những chế độ mặc cảnh thông dụng để chụp ảnh.


Nguyên tắc phần ba.

Ảnh: Cnet.
Một số máy ảnh tích hợp sẵn đường lưới căn khung. Bạn chỉ việc bật lên bằng cách bấm nút DISPLAY hoặc DISP liên tục đến khi các đường này xuất hiện. Nếu không bạn phải xem thêm ở sách hướng dẫn. Ảnh: Cnet.

Đây là nguyên tắc cơ bản và nguyên thủy nhất của nhiếp ảnh, vốn bắt nguồn từ các họa sĩ của những năm 1797. Nguyên tắc này thực ra rất đơn giản, đó là chia cảnh thành 9 vùng bằng nhau với hai đường dọc, hai đường ngang (như hình trên). Sau đó người chụp chỉ việc đặt đối tượng chụp vào bất kỳ điểm giao nhau nào (4 điểm). Việc này nhằm tạo sự hợp lý về bố cục thay vì đặt cân đối trong khuôn hình.

Căn khung

Ảnh: Cnet.
Cảnh sẽ trở nên đẹp hơn nếu bạn sử dụng kỹ thuật tạo khung cho ảnh. Ảnh: Cnet.

Đôi khi một cảnh sẽ trở nên đẹp hơn nếu bạn sử dụng kỹ thuật tạo khung cho ảnh. Chụp qua nan hoa bánh xe đạp hoặc sử dụng các cành lá phía trên, dưới hoặc hai bên làm khung che bớt những cảnh xung quanh, cảnh ở giữa khung trông sẽ nổi bật hơn và sẽ thu hút được sự chú ý của người xem hơn.

Phối cảnh

Ảnh: Cnet.
Cố gắng thử nhiều góc độ để tìm góc đạt phối cảnh ấn tượng nhất. Đặt máy ảnh xuống đất rồi hất lên hoặc giơ thẳng máy lên trời sẽ tạo một cách nhìn thú vị hơn là để máy ngang tầm mắt như thông thường. Ảnh: Cnet.

Sử dụng các đường nét để tạo cho ảnh có một độ sâu nhất định. Ví dụ khi chụp một tòa nhà từ dưới chân hất lên, bức ảnh sẽ tạo nên một cảm giác tòa nhà này cao hơn bình thường. Hoặc bạn cũng có thể dùng các đường nét để dẫn hướng người xem tới phần chính của đối tượng chụp. Với những cảnh kiểu này, bạn nên sử dụng tiêu cự rộng nhất có thể của máy để ảnh bao quát được nhiều đối tượng.

Bản mẫu (Patterns)

Nên sử dụng những mẫu đơn giản cho khung hình không quá rối rắm, gây mất tập trung cho người xem. Ảnh: Cnet.
Nên sử dụng những mẫu đơn giản cho khung hình không quá rối rắm, gây mất tập trung cho người xem. Ảnh: Cnet.

Hãy tìm mẫu với các đối tượng lặp đi lặp lại trong khung cảnh và đưa nó vào khung hình. Nếu ít, bạn có thể zoom lại gần để nó chiếm phần lớn khung hình và loại bỏ được các đối tượng gây mất tập trung. Như bức hình trên, người chụp đã zoom lại gần bức tường chắn trước khu nhà cao tầng với các lỗ gạch để tạo nên một mẫu nền rất thú vị.

Các chế độ mặc cảnh cơ bản

Các chế độ mặc cảnh trên máy của bạn có thể giúp cải thiện chất lượng chụp ảnh nếu biết sử dụng đúng nơi đúng chỗ. Dù tự động, nhưng các chế độ này vẫn cần thêm một chút điều chỉnh từ người chụp thì mới phát huy được hết tính năng.

Chế độ chân dung (Portrait)

Ảnh: Shawn Low/Cnet.
Ảnh chụp bằng chế độ Portrait. Ảnh: Shawn Low/Cnet.

Một số người chụp thích để phía hậu cảnh mờ để nhấn mạnh hơn vào đối tượng. Thông thường, chế độ nhận diện khuôn mặt sẽ tự động canh nét vào mặt người chụp và chọn độ mở thích hợp (độ mở lớn) để tạo một ảnh chân dung nổi hơn trên nền hậu cảnh.

Chế độ phong cảnh (Landscape)

Ảnh chụp bằng chế độ Landscape. Ảnh:
Chụp bằng chế độ Landscape. Ảnh: Shawn Low/Cnet.

Chế độ phong cảnh khá hữu dụng cho việc chụp cảnh thông thường bởi ở chế độ này, tông màu lục và màu lam sẽ được kích lên để bức ảnh trông rực rỡ hơn. Máy ảnh ở chế độ này cũng sẽ lựa chọn độ mở thích hợp sao cho toàn bộ khung cảnh đều được nét.

Chế độ chụp bãi biển/tuyết (Snow/Beach)

Ảnh chụp bằng chế độ Snow/Beach. Ảnh: Chee-onn Leong/Cnet.
Chụp bằng chế độ Snow/Beach. Ảnh: Chee-onn Leong/Cnet.

Máy ảnh sẽ tự giảm phơi sáng để tránh hiện tượng cháy sáng do độ sáng chênh lệch giữa tuyết hoặc nước biển so với cảnh vật xung quanh. Vì thế, ảnh sẽ trông hơi tối hơn để có thể thể hiện các chi tiết vùng sáng rõ hơn.

Chế độ chụp đêm (Night mode)

Ảnh:
Chụp bằng chế độ Night Mode. Ảnh: Eugene Barzakovsky / Cnet.

Chế độ chụp đêm là dễ bị "bẫy" nhất. Thông thường, nhiều người phàn nàn rằng ảnh chụp ở chế độ này thường bị rung, mờ. Vấn đề chủ yếu do người dùng cầm máy không đủ chắc. Nên nếu không có chân máy, bạn cần đặt máy ở một mặt phẳng vững chắc để tránh rung tối đa chứ không nên cầm tay.


Tốc độ cửa trập


Tốc độ cửa trập (hay màn trập) là một trong những thuật ngữ thông dụng nhất trong nhiếp ảnh, nó chỉ tốc độ chụp một bức ảnh là nhanh hay chậm.
> Tự học chụp ảnh - Tìm hiểu về máy ảnh / Tự học chụp ảnh - Các nguyên tắc cơ bản

Bên trong máy ảnh có một cơ chế cửa trập mở ra/đóng vào với tốc độ nhanh chậm khác nhau để điều chỉnh lượng sáng đi vào cảm biến. Tốc độ được coi là nhanh thường từ mức 1/125 giây hoặc hơn như 1/250 hay 1/500 giây. Tốc độ được coi là chậm từ mức 1/30 giây hoặc thấp hơn như 1/15 hay 1/8 giây. Tuy nhiên, các thông số nhanh chậm này không cố định mà còn phụ thuộc vào độ cầm máy chắc tay của người chụp.

Tốc độ nhanh.

Tốc độ nhanh cho phép đóng băng khoảnh khắc chuyển động, như trong ví dụ về các vận động viên bãi biển này. Ảnh: Shawn Low / Cnet.
Tốc độ nhanh cho phép đóng băng khoảnh khắc chuyển động, như trong ví dụ về các vận động viên bãi biển này. Ảnh: Shawn Low / Cnet.

Với đặc tính có thể đóng băng chuyển động, tốc độ nhanh rất hữu dụng trong việc chụp các vật thể chuyển động nhanh như ôtô đua hay vận động viên.

Với các vật thể chuyển động nhanh, nếu dùng tốc độ chậm để chụp (như ảnh trên) sẽ gây nên hiện tượng mờ ảnh do bị tác động bởi cả chuyển động nhanh của vật lẫn độ rung lắc do tay cầm máy gây nên. Ảnh: Ardelfin/Morgue
Với các vật thể chuyển động nhanh, nếu dùng tốc độ chậm để chụp (như ảnh trên) sẽ gây nên hiện tượng mờ ảnh do bị tác động bởi cả chuyển động nhanh của vật lẫn độ rung lắc do tay cầm máy gây nên. Ảnh: Ardelfin/MorgueFile.

Tốc độ cửa trập nhanh nghĩa là quá trình mở ra đóng vào của cửa trập nhanh hơn, ảnh sẽ không bị mờ do độ rung của tay bấm gây nên. Hầu hết máy ảnh du lịch hiện nay sẽ tự động tăng tốc độ chụp nếu ánh sáng nhiều (như chụp dưới ánh nắng). Tuy nhiên, vẫn có những cách có thể buộc máy ảnh tăng tốc độ chụp nhưng vấn đề này sẽ được bàn tới ở những bài sau. Ở bài này, người học chỉ cần nhớ tốc độ nhanh sẽ giúp đóng băng chuyển động và tránh cho ảnh khỏi bị mờ do độ rung của tay cầm máy.

Tốc độ chậm.

Tốc độ chậm được dùng cho ảnh chụp đêm. Tuy nhiên, nhớ mang thêm chân máy để tăng thêm độ vững chắc. Ảnh: Shawn Low/Cnet.
Tốc độ chậm được dùng cho ảnh chụp đêm. Tuy nhiên, nhớ mang thêm chân máy để tăng thêm độ vững chắc. Ảnh: Shawn Low/Cnet.

Tốc độ chụp chậm cho phép ánh sáng vào cảm biến nhiều hơn, vì thế nó thường được sử dụng để chụp ảnh trong những điều kiện thiếu sáng. Tuy nhiên, máy ảnh luôn có xu hướng bị rung do tay cầm khi chụp ở tốc độ chậm khiến cho ảnh bị mờ, vì thế tốt nhất trong những trường hợp này là người chụp nên dùng chân máy.

Sử dụng tốc độ chụp chậm khiến cho dòng nước chảy trông mềm mại như lụa. Ảnh: Shawn Low/Cnet.
Sử dụng tốc độ chụp chậm khiến cho dòng nước chảy trông mềm mại như lụa. Ảnh: Shawn Low/Cnet.

Hình ảnh một dòng nước rõ nét có thể khiến bức ảnh trở nên nhàm chán. Các dòng sông hay thác nước (như ở bức ảnh trên) trông sẽ gợi cảm hơn nếu như được chụp bằng tốc độ chậm, tạo nên độ mờ ảo của hiệu ứng chuyển động chảy. Cách tốt nhất để tạo hiệu ứng này là sử dụng tốc độ chậm, độ mở nhỏ (f/11 tới f/22) và chân máy.

Tốc độ cửa trập hiển thị ở đâu?

Tốc độ cửa trập hiển thị ở đây là giá trị 1/13 giây. Ảnh: Shawn Low/Cnet.
Tốc độ cửa trập hiển thị ở đây là giá trị 1/13 giây. Ảnh: Shawn Low/Cnet.

Hầu hết máy ảnh du lịch không cho phép người chụp chỉnh tốc độ cửa trập, nhưng người chụp vẫn có thể xem giá trị thông số này khi bấm nhá lấy nét. Các thông số phơi sáng mà máy ảnh tính toán thường được hiển thị ở cạnh dưới của màn hình LCD.

Có thể thay đổi tốc độ cửa trập được không?

Như đã đề cập, hầu hết máy ảnh du lịch không cho phép chỉnh sửa tốc độ cửa trập. Tuy nhiên, ở các bài học sau về độ mở và ISO, bạn sẽ học cách chỉnh tốc độ cửa trập gián tiếp của việc điều chỉnh các thông số này.


Độ mở


Tốc độ cửa trập điều khiển thời gian cảm biến bắt sáng, còn độ mở điều chỉnh lượng sáng đi qua ống kính vào cảm biến.

Sau khi học về tốc độ, bài này sẽ nói đến độ mở, một thông số không những thông dụng mà còn có ý nghĩa rất quan trọng trong nhiếp ảnh.

Tốc độ cửa trập điều khiển thời gian cảm biến bắt sáng, còn độ mở điều chỉnh lượng sáng đi qua ống kính vào cảm biến. Độ mở điều khiển lượng sáng bằng một "cửa sổ" trong ống kính dưới dạng bộ lọc hoặc các lá thép cơ học.

Độ mở là gì?

Độ mở là kích thước "cửa sổ" mở rộng ra hay hẹp vào để điều chỉnh lượng ánh sáng vào cảm biến. Trong nhiếp ảnh, độ mở thường được ký hiệu bằng chữ "f" theo sau là số. Ví dụ: f/2.8, f/8 hay f/16.

Số sau chữ "f" chính là kích cỡ của độ mở "cửa sổ" nhưng được quy ước ngược, nghĩa là số càng nhỏ độ mở càng lớn, và số càng lớn độ mở càng nhỏ.

Độ mở lớn

Ảnh: Cnet.
Hình minh họa cho cơ chế độ mở bằng lá thép mở rộng. Ảnh: Cnet.

Độ mở lớn được biểu thị bằng các số nhỏ, chẳng hạn f/2.8 hay f/3.5. Hầu hết các máy ảnh du lịch có độ mở tối đa là f/3.5, mặc dù hiện nay đã bắt đầu có những phiên bản tiên tiến hơn với độ mở có thể lên tới f/2 hay thậm chí là f/1.8.

Do độ mở lớn có thể cho lượng ánh sáng vào cảm biến nhiều hơn nên độ mở lớn thường được dùng trong những điều kiện thiếu sáng. Thêm vào đó, do lượng sáng vào cảm biến nhiều hơn nên cũng đồng nghĩa với việc tốc độ chụp có thể đẩy nhanh hơn, giúp ảnh không bị mờ do rung máy.

Độ mở hẹp

Ảnh: Cnet
Hình này cho thấy độ mở đã được khép hẹp lại với số f lớn, chẳng hạn f/16. Ảnh: Cnet.

Độ mở nhỏ thường được biểu thị bằng những số lớn sau chữ "f" như f/11, f/13 hay f/16 hoặc hơn. Hầu hết các máy ảnh du lịch có độ mở nhỏ nhất là f/11.

Nếu người chụp chụp ảnh trong những điều kiện ánh sáng mạnh (giữa trưa nắng), độ mở nhỏ giúp điều tiết lượng sáng hợp lý vào cảm biến, tránh ảnh bị cháy sáng. Trong trường hợp này, người chụp cũng có thể đẩy nhanh tốc độ để đạt hiệu quả tương tự.

Kính lọc ND và lá thép độ mở cơ học

Máy ảnh du lịch sử dụng hai cơ chế để điều tiết lượng ánh sáng đi qua ống kính vào cảm biến. Một trong số đó là sử dụng kính lọc ND (neutral density - trung tính) với một lớp kính có màu sậm hơn thông thường nhằm giảm lượng sáng đi vào cảm biến. Thêm vào đó, sử dụng kính ND không làm thay đổi giá trị độ mở. Vì thế, sử dụng kính lọc ND là giải pháp kinh tế hơn nên được sử dụng phổ biến hơn trong các máy ảnh du lịch.

Giá trị độ mở ở hình trên là f/3.3. Ảnh: Cnet.
Giá trị độ mở ở hình trên là f/3.3. Ảnh: Cnet.

Những người chụp chuyên nghiệp thì chọn sử dụng cơ chế lá thép có thể đóng hay mở tùy theo người chụp điều chỉnh. Nhờ việc có thể tự chỉnh mà chế độ này có thể giúp người chụp trởi nên sáng tạo hơn

Tương tự như tốc độ cửa trập, thông số về độ mở được hiển thị ngay ở cạnh dưới màn hình LCD.

Có thể thay đổi độ mở trên máy du lịch được không?

Hầu hết các máy ảnh du lịch không cho phép thay đổi độ mở, tuy nhiên, người chụp vẫn có thể điều chỉnh độ mở gián tiếp qua thông số ISO.

Lưu ý: Hiện một số máy ảnh du lịch cao cấp (Canon G12, Lumix DMC-LX5...) đã được trang bị đầy đủ các tính năng và thông số chỉnh tay, bao gồm cả tốc độ cửa trập và độ mở.


Độ sâu trường ảnh


Thiết lập độ mở khác nhau sẽ tác động đến độ mờ của tiền cảnh và hậu cảnh của đối tượng, từ đó tác động đến khả năng thể hiện của toàn bộ bức ảnh nói chung.

Độ sâu trường ảnh (Depth of Field - DOF) là gì?

Độ sâu trường ảnh nói theo cách đơn giản nhất là khoảng nét trong khung hình. Vật hay người được chụp ở trong khoảng này sẽ có độ nét cao, trong khi những đối tượng nào ngoài khoảng nét này sẽ bị mờ.

DOF về cơ bản có thể chia làm hai phần: nông và sâu. DOF nông có khoảng nét rất ngắn, vì thế, khi chụp phải đảm bảo những gì quan trọng của người hoặc vật cần chụp phải ở trong khoảng này. DOF sâu có vùng nét lớn hơn, vì thế đối tượng dù có phải dịch chuyển vị trí một chút, độ nét vẫn được đảm bảo.

Để chụp với DOF nông, máy ảnh phải để ở độ mở f/2.8 hoặc f/3.5, trong khi để có được DOF sâu, độ mở phải khép rất nhỏ, từ f/11 tới f/16.

Một số ví dụ về DOF nông.

Hình minh họa về DOF nông, ví dụ độ mở f/2.8. Ảnh: Cnet Asia.
Bức ảnh này được chụp với f/2.5. Chú ý độ mờ của rô-bốt phía sau. Ảnh: Shawn Low/CNET Asia.

Một số ví dụ về DOF nông.

Hình ảnh minh họa DOF sâu với độ mở hẹp, ví dụ f/13. Ảnh: Cnet Asia.
Ảnh được chụp với độ mở f/16. Ở ảnh này, rô-bốt phía sau đã nét hơn so với ảnh rô-bốt ở DOF nông. Ảnh: Shawn Low/Cnet Asia.

Tại sao không chụp được DOF nông ở máy ảnh du lịch?

Như đã đề cập ở bài về độ mở, hầu hết các máy ảnh du lịch sử dụng kính lọc ND để để điều tiết ánh sáng vào cảm biến thay vì dùng vòng điều chỉnh độ mở vật lý như trên các máy DSLR. Điều này có nghĩa rằng DOF của các máy ảnh này luôn cố định mặc dù độ mở F có hiển thị như thế nào trên màn LCD của máy ảnh.

Về mặt kỹ thuật, DOF còn bị ảnh hưởng với kích cỡ ống kính và cảm biến. Đó là lý do mà các máy ảnh du lịch khó có thể tạo được các hiệu ứng DOF nông hay sâu.

Vậy có cách nào tạo hiệu ứng ảnh mờ hay không?

Có một số cách thức có thể tạo hiệu ứng ảnh mở tiền cảnh hay hậu cảnh với máy du lịch. Một trong số đó là kích hoạt chế độ chụp Macro, tuy nhiên, chế độ này chỉ áp dụng cho các đối tượng chụp cận cảnh. Một số máy ảnh ở chế độ chụp Chân dung cũng bắt đầu ứng dụng hiệu ứng làm mờ tiền/hậu cảnh bằng kỹ thuật số.

Một cách khác để làm mờ hậu cảnh là zoom tối đa. Tiêu cự cũng có ảnh hưởng đến DOF, vì thế một tiêu cự dài về cơ bản có thể làm mờ hậu cảnh được. Nhưng do zoom sẽ thu hẹp góc nhìn nên điều này cũng có nghĩa là bạn phải tự điều chỉnh vị trí đứng chụp sao cho đối tượng cần thiết vẫn ở trong khuôn hình.


ISO


Trong ảnh số, ISO dùng để chỉ độ nhạy của cảm biến máy ảnh với ánh sáng. Quy tắc cần nhớ ở đây là số càng nhỏ, độ nhạy cảm biến càng thấp và ngược lại.

ISO có ảnh hưởng đến độ chi tiết mà cảm biến có thể tái hiện. Vì thế, để có ISO cao (khoảng ISO 800 đến 6.400, bắt sáng tốt hơn trong điều kiện ánh sáng yếu) hình ảnh sẽ phải hy sinh độ chi tiết. Nếu bạn muốn có một hình ảnh với độ chi tiết cao như từng sợi lông trên tấm thảm chẳng hạn, bạn phải đặt ISO về mức thấp nhất của máy (ISO 80 - 100).

Độ nhạy ISO từ 100 - 200 được coi là ISO thấp, thường dùng để chụp trong điều kiện ánh sáng ban ngày. Nhờ ánh sáng đủ và ISO thấp nên hình ảnh vẫn sáng rõ và đạt độ chi tiết cần thiết.

Ảnh chụp với ISO thấp (160) duy trì được độ chi tiết cao kể cả khi phóng ảnh. Ảnh: Shawn Low / Cnet Asia.
Ảnh chụp với ISO thấp (160) duy trì được độ chi tiết cao kể cả khi phóng ảnh.
Ảnh: Shawn Low / Cnet Asia.

Các độ nhạy ISO từ 800 - 1.600 hoặc ở một số máy ảnh tới 6.400 được coi là các ISO cao. ISO cao được dùng trong những trường hợp ánh sáng yếu và phải cầm máy bằng tay (như chụp đêm hay chụp trong nhà). Nhưng nó cũng đi kèm tác dụng phụ là ảnh bị hạt và nhiễu màu nhiều hơn, độ chi tiết bị giảm đi rõ rệt.

Cũng bức ảnh như trên nhưng chụp với ISo 6.400. Ảnh: Shawn Low / Cnet Asia.
Cũng bức ảnh như trên nhưng chụp với ISo 6.400. Ảnh: Shawn Low / Cnet Asia.

Mức ISO trên hầu hết các máy du lịch nếu ở chế độ tự động sẽ do máy quyết định. Ở một số chế độ, người dùng có thể điều chỉnh thông số này qua hệ thống menu. Thông thường các mức điều chỉnh bắt đầu từ 100, tới 200, 400 hoặc hơn. Một số máy ảnh có thể có thêm chức năng hạn chế ISO trong một khoảng nào đó (chẳng hạn 100 - 400) để đảm bảo độ chi tiết cho ảnh.

Bù sáng


Tăng sáng (over-expose) là làm sáng bức ảnh, trong khi giảm sáng (under-expose) là ngược lại, làm tối bức ảnh.

Bù sáng (exposure compensate) là gì?

Tăng sáng (over-expose) là làm sáng bức ảnh, trong khi giảm sáng (under-expose) là ngược lại, làm tối bức ảnh.

Bù sáng là việc cân nhắc giữa tăng hay giảm sáng cho bức ảnh của bạn. Hầu hết trong các trường hợp cảm biến đo sáng của máy ảnh làm việc khá hiệu quả, tuy nhiên, trong một số trường hợp ngay cả những máy ảnh thông minh nhất đôi khi cũng bị lừa bởi điều kiện ánh sáng môi trường.

Khi nguồn sáng ở phía sau đối tượng, hầu hết máy ảnh đều có xu hướng điều chỉnh phơi sáng theo hậu cảnh, vì thế, đối tượng chính luôn tối hơn so với các đối tượng khác trong ảnh. Tương tự, các cảnh có độ tương phản cao cũng có thể đẩy cảm biến sáng vào trường hợp hoặc thiên tăng sáng, hoặc thiên giảm sáng, và dù trường hợp nào thì ảnh cũng rơi vào tình trạng có chi tiết ở vùng này thì mất chi tiết ở vùng kia.

Bảng so sánh đơn giản mô tả cách thức bù sáng tác động đến hình ảnh như thế nào. Từ trái sang: bức đầu tiên được giảm sáng 1 giá trị (1 stop), bức thứ hai phơi sáng đúng (theo máy ảnh) và bức thứ ba tăng sáng một giá trị.
Bảng so sánh đơn giản mô tả cách thức bù sáng tác động đến hình ảnh như thế nào. Từ trái sang: bức đầu tiên được giảm sáng 1 giá trị (1 stop), bức thứ hai phơi sáng đúng (theo máy ảnh) và bức thứ ba tăng sáng một giá trị.

Nếu máy ảnh của bạn có chế độ chỉnh phơi sáng bằng tay thì bạn sẽ dễ dàng chỉnh các thông số để đạt được độ sáng đúng nhất. Tuy nhiên, hầu hết máy ảnh du lịch không có chức năng này. Bù lại, các máy này thường đều có chức năng bù sáng và bạn có thể dùng chức năng này để đạt hiệu ứng tương tự.

Trước tiên, hãy xem các ví dụ dưới đây.

Tăng sáng (overexpose)

Ở ảnh này, cái cây bị thiếu sáng và màu sắc không rực rỡ. Ảnh: Shawn Low / Cnet Asia.
Ở ảnh này, cái cây bị thiếu sáng và màu sắc không rực rỡ. Ảnh: Shawn Low / Cnet Asia.

Ở ảnh trên, nguồn sáng chiếu đối tượng từ hậu cảnh. Vì thế máy ảnh bị đánh lừa rằng phơi sáng điều chỉnh theo ánh sáng hậu cảnh này, dẫn đến các đối tượng ở tiền cảnh sẽ bị tối đi.

Bằng việc tăng sáng một giá trị, ánh sáng trên cây đúng hơn và màu sắc cũng rực rỡ hơn. Tác dụng phụ là các chi tiết ở vùng sáng (bầu trời) sẽ bị mất đi. Ảnh: Shawn Low/CNET Asia.

Giảm sáng (underexpose).

Máy ảnh điều chỉnh phơi sáng theo tiền cảnh, vì thế các chi tiết hậu cảnh bị quá sáng dẫn tới mất hết chi tiết (trên bầu trời). Ảnh: Shawn Low / Cnet Asia.
Máy ảnh điều chỉnh phơi sáng theo tiền cảnh, vì thế các chi tiết hậu cảnh bị quá sáng dẫn tới mất hết chi tiết (trên bầu trời). Ảnh: Shawn Low / Cnet Asia.

Bức ảnh với độ tương phản cao này đã đánh lừa cảm biến của máy ảnh điều chỉnh phơi sáng theo tiền cảnh (tòa nhà), vì thế hiện được chi tiết tòa nhà đồng nghĩa với việc xóa hết chi tiết vùng hậu cảnh (bầu trời). Để lấy thêm một số chi tiết hậu cảnh, hãy giảm sáng xuống một stop. Dưới đây là kết quả thu được:

Giảm sáng một stop để hiển thị được mặt trời. Ảnh: Shawn Low / Cnet Asia.
Giảm sáng một stop để hiển thị được mặt trời. Ảnh: Shawn Low / Cnet Asia.

Điều chỉnh bù sáng trên máy ảnh

Biểu tượng mô tả bù sáng của máy ảnh. Ảnh: Cnet.
Biểu tượng mô tả bù sáng của máy ảnh. Ảnh: Cnet.

Hình trên là biểu tượng mô tả chức năng bù sáng của máy ảnh. Thông thường, chức năng này được bố trí thành một nút ở phía sau máy. Khi bấm, trên màn hình sẽ hiện dải các vạch với số 0 ở giữa, hai bên là các giá trị -1, -2 và +1, +2. Nếu muốn giảm sáng, hãy bấm nút điều hướng của máy ảnh để dịch chuyển con trỏ về hướng "-", còn nếu muốn tăng sáng, hãy dịch về hướng "+".

Màn hình LCD sau máy thường sẽ hiển thị kết quả thay đổi giá trị này ngay theo thời gian thực nên nhờ thế người chụp có thể biết mình phải bù sáng bao nhiêu là vừa trong những hoàn cảnh chụp cụ thể.


Sử dụng đèn flash

Đèn flash trên máy ảnh thường được sử dụng để làm sáng đối tượng hay cảnh vật trong môi trường thiếu sáng.

Đèn flash trên máy ảnh thường được sử dụng để làm sáng đối tượng hay cảnh vật trong môi trường thiếu sáng. Nó cũng có cơ chế giúp làm giảm hiện tượng mắt đỏ khi chụp ảnh chân dung có đèn.

Hầu hết mọi người đều để đèn ở chế độ tự động. Những người nắm vững kỹ thuật hơn một chút thì chọn chế độ bật bằng tay khi cần. Lý do cho việc này là đèn flash trong một số trường hợp có thể ảnh hưởng tới thần thái chung của một bức ảnh.

Ở bài này, bạn sẽ học cách sử dụng đèn flash sao cho có hiệu quả nhất.

Bật và tắt đèn flash

Khi bấm nút, menu các chế độ đèn sẽ bật để bạn có thể lựa chọn thay đổi. Ảnh: Shawn Low / Cnet Asia.
Khi bấm nút, menu các chế độ đèn sẽ bật để bạn có thể lựa chọn thay đổi.
Ảnh: Shawn Low / Cnet Asia.

Chức năng điều khiển đèn thường được ký hiệu dạng tia chớp và được đặt tại một nút điều hướng ở thân sau của máy ảnh. Bấm nút này sẽ hiện lên các tùy chọn như bật cưỡng bức, tắt, bật chế độ khử mắt đỏ, bật tự động... Bạn chỉ việc dùng các nút điều hướng để di chuyển qua các chế độ để lựa chọn.

Khi nào nên dùng đèn flash?

Chủ thể này có nguồn sáng ở phía sau nên mặt trước bị tối đi. Ảnh: Shawn Low / Cnet Asia.
Chủ thể này có nguồn sáng ở phía sau nên mặt trước bị tối đi. Ảnh: Shawn Low / Cnet Asia.

Về nguyên tắc, đèn flash chỉ sử dụng khi ánh sáng tối và chủ thể không có đủ sáng. Mặc dù với môi trường thiếu sáng, bạn có thể dùng tốc độ, độ mở và ISO để tăng cường khả năng bắt sáng. Nhưng nếu không muốn ảnh bị nhiễu hạt do tăng độ nhạy ISO hay ảnh bị rung do tốc độ chậm thì cách duy nhất là kích hoạt chế độ chớp đèn flash.

Mặc dù thường chỉ sử dụng khi tối trời, nhưng ngay ban ngày, nếu biết sử dụng đèn flash cũng có thể có hiệu quả nhất định. Ví như ở ảnh trên khi chủ thể trong ảnh có nguồn chiếu sáng từ phía sau khiến cho mặt trước bị tối, hãy kích hoạt đèn flash để làm sáng mặt trước.

Với việc kích hoạt đèn flash, mặt trước của chủ thể và cảnh vật xung quanh trở nên sáng sủa hơn. Ảnh: Shawn Low / Cnet Asia.
Với việc kích hoạt đèn flash, mặt trước của chủ thể và cảnh vật xung quanh trở nên sáng sủa hơn. Ảnh: Shawn Low / Cnet Asia.

Khi nào không nên dùng đèn flash?

Một số nơi như bảo tàng thường không cho phép chụp có đèn flash thông qua biểu tượng ở trên. Ảnh: Cnet.
Một số nơi như bảo tàng thường không cho phép chụp có đèn flash thông qua biểu tượng ở trên.
Ảnh: Cnet.

Nếu bạn thăm bảo tàng hoặc vườn thú, có thể bạn sẽ thấy các biểu tượng cấm chụp ảnh có đèn. Việc cấm này nhằm tránh cho các bức tranh bị hỏng hoặc tránh các con vật bị hoảng loạn do chớp đèn flash gây ra.

Một trường hợp khác không nên dùng đèn là có những nơi mà môi trường chụp dù không đủ sáng nhưng tạo nên những vệt sáng tối tương phản rất hoàn hảo cho một bức ảnh đẹp. Lúc này nên tìm góc để bắt những tương phản này hơn là bật đèn flash và phá hỏng đi cảm quan của bức ảnh.

Thông thường, đèn flash của máy ảnh du lịch không đủ mạnh để chụp phong cảnh đêm. Nhưng nhiều người quá lệ thuộc vào đèn flash tích hợp, kết quả là cho ra những bức ảnh nhá nhem thiếu sáng. Trong trường hợp này, nên có chân máy hoặc tìm mặt phẳng đặt máy xuống, dùng chế độ chậm để chụp cho đủ sáng hơn là tìm cách bật đèn.

Mẹo vận dụng đèn flash

Một số máy ảnh du lịch có đèn flash gắn liền lộ thiên, một số khác thì dạng ẩn (đèn cóc). Ảnh: Shawn Low / Cnet.
Một số máy ảnh du lịch có đèn flash gắn liền lộ thiên, một số khác thì dạng ẩn (đèn cóc).
Ảnh: Shawn Low / Cnet.

Nếu chụp cảnh trong nhà, hãy sử dụng các tấm chắn sáng màu trắng để hất đèn lên trần, tạo cho ánh sáng lan tỏa đều trên toàn cảnh. Cách này sẽ làm cho đối tượng cũng như môi trường sáng được tự nhiên hơn.

Nếu phải thêm đèn, tốt nhất có thêm một đèn cóc nữa bên ngoài có thể đồng bộ chớp cùng với đèn tích hợp trên máy.

Để giảm công suất của đèn, có thể đặt một tờ giấy ăn hoặc một tấm nhựa trong phía trước đèn để cho ánh sáng tiêu tán bớt, đỡ chói gắt vào đối tượng.

Điều chỉnh cường độ ánh sáng trên máy ảnh

Một số máy ảnh du lịch tiên tiến có thêm tính năng điều khiển cường độ của đèn flash. Nếu máy ảnh của bạn có chức năng này, tốt nhất nên giảm cường độ đi một chút và bù thêm bằng tốc độ cửa trập chậm lại hoặc độ mở rộng ra, ảnh trông sẽ tự nhiên hơn.

Tuy nhiên, hầu hết các máy ảnh du lịch đều không cho phép người chụp chỉnh flash. Vì thế, việc quyết định dùng đèn hay không tùy thuộc vào bạn nhận thức về cảnh và đối tượng cần chụp. Nếu dùng đèn, hãy áp dụng những cách thức ở trên. Nếu quyết định chọn không dùng đèn và dùng tốc độ chậm, hãy lưu ý tìm một chân đế vững chắc cho máy ảnh để tránh rung.


Chế độ Macro

Tính năng macro có trên hầu hết máy ảnh hiện nay. Nó giúp bạn chụp sát vào chủ thể để có được bức ảnh cận cảnh giàu chi tiết.


Macro, hay còn được gọi là chụp cận cảnh, là tính năng có mặt trên hầu hết các máy ảnh du lịch hiện nay. Tính năng này cho phép bạn cầm máy chụp gần sát với chủ thể để có một bức cận cảnh giàu chi tiết. Bằng việc chụp sát như vậy, bạn sẽ tạo một ấn tượng mạnh cho người xem bởi những chi tiết cận cảnh thường không mấy được chú ý và dễ dàng bị bỏ qua.

Mẹo khi chụp ảnh macro

Biểu tượng của chế macro trên máy ảnh.
Biểu tượng của chế macro trên máy ảnh.

1. Kiểm tra khoảng cách lấy nét tối thiểu của máy ảnh (tức là khoảng cách gần nhất máy ảnh của bạn có thể dí gần sát đối tượng).

Con số này thường được hiển thị ở phần thông số kỹ thuật và thông thường sẽ ở mức khoảng 5cm. Một số máy ảnh còn có chế độ siêu macro, cho phép chụp ảnh gần tới 1cm hoặc thậm chí là 0cm.

2. Tốt nhất khi chụp ảnh macro không nên dùng đèn flash tích hợp.

Ánh sáng mạnh và gắt của đèn flash chụp thẳng sẽ khiến ảnh bị bẹp. Nhưng nếu bạn có thể nối với đèn ngoài, có thể điều chỉnh khoảng cách đèn tới đối tượng để có được cường độ sáng hợp lý nhất.

3) Nên sử dụng chân máy.

Ảnh macro đẹp nhất khi nét đúng, và chỉ cần một chuyển động rất nhỏ của tay cũng có thể khiến ảnh macro kém hấp dẫn do bị rung mờ.

Làm sao biết đối tượng đã đúng nét?

Hình trên
Hình trên hiển thị một khung hình màu đỏ, có nghĩa là máy ảnh đã không thể lấy nét vào đối tượng (do đặt quá gần), trong khi ảnh dưới, ô màu xanh báo đối tượng đã được lấy đúng nét. Ảnh: Shawn Low / CNET Asia.

Khi bấm nhá nút chụp ảnh để lấy nét, màn hình sẽ hiển thị một ô hình vuông, đó chính là khung căn nét. Nếu khung này xanh (hoặc vàng), nghĩa là chủ thể trong vùng này đã nét. Nếu khung hình màu đỏ nghĩa là máy đã không thể lấy nét ở vùng này (do để máy ảnh quá sát chẳng hạn). Lúc đó, hãy dịch máy ảnh ra xa chủ thể và tiến hành bấm nhá lấy nét lại.

Thể loại ảnh này áp dụng với những chủ thể nào?

Thực ra chụp macro không nhất thiết phải là hoa lá hay động vật, dù cũng phải nói rằng hoa vẫn là một chủ đề đẹp để thể hiện ảnh macro. Với một chút sáng tạo, bạn có thể chụp macro bất kỳ chủ thể nào mà ảnh vẫn ấn tượng.

Dưới đây là một số ví dụ về ảnh macro có thể tạo cảm hứng sáng tác cho bạn.

Hoa luôn là chủ đề truyền thống của ảnh macro, đơn giản bởi chúng đẹp và lại đứng yên, dễ dàng cho người chụp lấy nét.
Nếu khéo léo chọn, kể cả tay vịn hay hàng rào gỗ cũng có thể tạo nên một ảnh macro đẹp mắt.
Một ảnh chụp hoa với độ tương phản giữa màu đỏ của hoa trên nền xanh của lá.
Những vân lá này thường ít người để ý khi chụp ảnh thông thường nhưng với ảnh macro nó vẫn thể hiển một ý tưởng nhất định thông qua những vân lá.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét