Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

MAI SIÊU PHONG Xuất nhập tà môn

Nhìn cái đầu lâu luyện công của Trần Huyền Phong, Mai Siêu Phong, nghe ác danh Đồng Thi, Thiết Thi "Hắc Phong song sát", lại thêm lời giới thiệu và bình luận vừa ghê sợ vừa căm hận của người đứng đầu Giang Nam thất quái Phi thiên biển bức Kha Trấn Ác, mọi người dĩ nhiên sẽ có định kiến, rằng vợ chồng Mai Siêu Phong là đại ma đầu cực kỳ tà ác, không thể dung tha. Thực ra, nữ nhân vốn tên là Mai Nhược Hoa, sau đổi thành Mai Siêu Phong, sau cùng bị gọi là Thiết Thi ma đầu này thoạt tiên khả ái, cuối cùng đáng thương, đoạn đường tà giữa chừng thì vô cùng bi ai.

I

Nói Mai Siêu Phong thoạt tiên khả ái, dĩ nhiên không phải là chỉ lúc Mai Siêu Phong chính thức xuất hiện trong bộ tiểu thuyết, ở thảo nguyên Mông Cổ dùng đầu lâu người luyện công, mà là chỉ Mai Siêu Phong trước khi thành danh. Để nhắc nhở người đọc đừng vội cho rằng Thiết Thi "Hắc Phong song sát" không phải bẩm sinh là một nữ ma đầu, tác giả đặc biệt bố trí một đoạn tự bạch nội tâm của Mai Siêu Phong: ta vốn là một cô bé ngây thơ, suất ngày nô đùa, phụ mẫu yêu thương như bảo bối, lúc ấy tên ta là Mai Nhược Hoa. Bất hạnh phụ mẫu nối nhau qua đời, ta bị kẻ ác khinh khi chà đạp. Sư phụ Hoàng Dược Sư cứu ta, mang ra Đào Hoa đảo, dạy ta võ công, đổi tên ta thành Mai Siêu Phong ..." (Xem Anh hùng xạ điêu). Đoạn tự bạch nội tâm được bố trí ngay trước một trận đấu một mất một còn, không tránh khỏi không đúng chỗ, hơn nữa, lại kéo dài đến mấy trang liền, đầy chất "văn nghệ", yếu tố "nhân tạo" quá rõ, nên không được coi là đoạn thành công. Song, đoạn tự bạch nội tâm ấy lại là tư liệu không thể thiếu để chúng ta biết Mai Siêu Phong là người như thế nào, hiểu được sự biến đổi tài tình quan niệm thiện ác của tác giả. Căn cứ đoạn tự bạch ấy chúng ta biết vì sao Mai Nhược Hoa đổi tên thành Mai Siêu Phong (theo qui củ sư môn), rồi vì sao lại bị gọi là Thiết Thi ma đầu. Trần Huyền Phong và Mai Siêu Phong phản bội sư môn, lấy cắp bí kíp võ công, phải mang ác danh "Hắc Phong song sát", nguyên nhân thứ nhất không phải là họ phát tác tính ác, mà là họ yêu nhau nồng nàn, ở Đào Hoa đảo đã lén lút trở thành vợ chồng, họ sợ sư phụ trừng phạt, nên mới nảy sinh ý định chạy trốn khỏi đảo,Trần Huyền Phong mới đánh cắp nửa bộ "Cửu âm chân kinh" của sư phụ. Cái đó gọi là "Không làm thì thôi, đã làm thì làm cho trót", chỉ e cũng là lẽ thường tình. Có nghĩa là, giả sử giữa Trần Huyền Phong và Mai Siêu Phong không nảy sinh tình yêu nam nữ và ham muốn, thì dĩ nhiên họ sẽ không nghĩ đến chuyện trốn khỏi sư môn, dĩ nhiên sẽ không ăn cắp bí kíp võ công, dĩ nhiên sẽ không trở thành "Hắc Phong song sát". Vấn đề là tình cảm và ham muốn giữa thanh niên nam nữ, vốn bắt nguồn từ bản năng của con người, tự nảy sinh không theo ý chí. Bảo là có tội, thì cũng giống như cái tội của Adam và Eva. Thủy tổ của loài người đã như thế, hơn nữa cũng chính nhờ đó mà loài người mới đông đúc như bây giờ, chúng ta nỡ nào đi trách phạt Huyền, Siêu nhị Phong bồng bột thanh xuân, yêu nhau giữa mùa hoa đào nở rộ ? Chỉ khác là Adam và Eva bị thượng đế đuổi khỏi vườn Eden, còn Huyền, Siêu nhị Phong thì tự trốn khỏi Đào Hoa đảo. Chúng ta hãy thử tưởng tượng, nếu Trần, Mai hai người không trốn chạy khỏi Đào Hoa đảo, mà bị Hoàng Dược Sư nghiêm khắc phát hiện họ tư tình với nhau, thì hậu quả sẽ ra sao? Câu trả lời là, hậu quả sẽ khó bề tưởng tượng. Trần, Mai hai người không lạ gì tính khí sư phụ, không phải tự dưng vô cớ họ lại lo sợ. Chứng cứ rõ nhất là sau khi họ bỏ trốn rồi, Hoàng Dược Sư lại đem mấy đệ tử Khúc, Lục, Vũ, Phùng hoàn toàn vô tội ra bẻ gãy hai chân, cắt gân, rồi đuổi khỏi sư môn. Kết luận rõ ràng là, nếu hai người không trốn chạy khỏi Đào Hoa đảo, họ sẽ bị trừng phạt tới mức điêu đứng, quá nửa là thà chết còn hơn phải sống, nhưng lại không được chết. Trần, Mai hai người lâm vào tình cảnh nguy hiểm, sư phụ thì thô bạo, thủ đoạn tàn nhẫn, thế là một mặt họ kinh sợ, bí quá hóa liều; mặt khác, tâm lý kinh sợ và hành vi liều lĩnh phạm tội, thực ra cứ luôn luôn cắn rứt họ, ức chế tinh thần họ. Hoàn cảnh bên ngoài đã không giúp họ giải trừ sự ức chế tinh thần ấy, thì họ tự nhiên phải tìm con đường tự giải thoát hoặc tự đột phá, mà con đường tự đột phá thường thường là "đã trót thì trét", cứ thế dấn sâu vào con đường đen tối.

II

Ngoài si mê tình yêu, Huyền, Siêu nhị Phong còn si mê võ công. Điều này lý giải cũng không khó. Họ đã muốn báo thù, muốn phòng thân, muốn xông pha giang hồ, muốn nổi danh, muốn có tương lai, thì phải luyện công cho giỏi. Huống hồ khi còn là môn hạ của Hoàng Dược Sư, họ đã được bồi dưỡng hứng thú cao độ đối với võ công. Cho nên khi chạy trốn vì tư tình khỏi Đào Hoa đảo, Trần Huyền Phong đã lấy cắp nửa bộ "Cửu âm chân kinh" quí giá của sư phụ. Điều này đương nhiên là họ đã sai còn sai thêm,chặn hết đường trở về của mình. Như đã nói, hành động"đã trót thì trét" này làm cho tội nghiệt của họ vô hìnhtrung sâu thêm một tầng. Điều quan trọng là nửa bộ bí kíp võ công tối cao này thực tế đã trở thành động lực thứ hai đẩy họ tiến tới vực sâu đen tối. Bộ "Cửu âm chân kinh" là do phu nhân Hoàng Dược Sư dựa vào trí nhớ siêu nhân chép lại, vốn không mười phần đầy đủ, mà Trần Huyền Phong lấy cắp chỉ là nửa sau của bộ kinh đó. Bộ kinh điển võ học Đạo gia này khác hẳn với vô số võ công của Hoàng Dược Sư. Nửa đầu giảng lý lẽ, lập cơ sớ nhập môn luyện nội công; nửa sau là phương pháp vận dụng trong thực tiễn. Cho nên có được nửa bộ sau, vợ chồng Trần Huyền Phong bất quá chỉ mừng rỡ mà thôi, chứ luyện đi luyện lại vẫn không sao tiến triển được Thế là họ lặn lội trở lại Đào Hoa đảo, định đánh cắp nốt nửa đầu của bộ kinh; không ngờ phát hiện các sư đệ ly tán, sư mẫu đã chết. Họ xem trộm cuộc đại chiến kinh tâm động phách giữa Hoàng Dược Sư với Lão Ngoan đồng, được biết thế nào là võ công thật sự siêu quần, cảnh giới võ học mà vợ chồng họ không thể mơ tưởng, nhưng đã đến nước này, hối cũng chẳng kịp. Bất đắc dĩ, họ chỉ có thể trông cậy vào sự thông minh tài tử của mình, mò mẫm tiến lên, vừa học vừa luyện, hồ tư loạn tưởng, "phát minh" ra không ít chiêu thức mới, kết quả là diễn giải thứ võ học chính tông huyền môn của Đạo gia thành "Tồi tâm chưởng” và "Cửu âm bạch cốt trảo” rùng rợn. Sau này, khi Lão Ngoan đồng hiếu sự lừa cho Quách Tĩnh học "Cửu âm chân kinh", nghe Quách Tĩnh kể hồi trước thấy Mai Siêu Phong luyện công như thế nào, Lão Ngoan đồng lập tức hiểu ra bí ẩn bên trong : "Mai Siêu Phong không biết cách luyện công cho đúng, thấy quyển hạ viết “Nămngón tay phát kình, cứng mấy cũng chọc thủng, chụp vào đầu óc như xuyên vào đậu phụ”, Mai Siêu Phong lại không hiểu bốn chữ 'chụp vào đầu óc' trong kinh có nghĩa là tấn công vào chỗ yếu hại của kẻ địch, lại tưởng rằng dùng năm ngón tay chụp vào đầu người thật, nên lúc luyện công cứ theo đó mà làm. Yếu chỉ của bộ "Cửu âm chân kinh" này vốn là đường lối học theo tự nhiên của Đạo gia, xua quỷ trừ tà để dưỡng mệnh trường sinh, họ đi dạy người ta luyện tập thứ võ công hung ác tàn bạo như thế sao? Mụ ác bà Mai Siêu Phong quả thật hồ đồ? (Xem Anh hùng xạ điêu). Lúc đó chúng ta mới biết món "Cửu âm bạch cốt trảo mà vợ chồng Mai Siêu Phong rút ra từ "Cửu âm chân kinh" là một thứ vay mượn vừa hoang đường, vừa đáng sợ! Nhưng số phận của Mai Siêu Phong chính là thế: có được bộ kinh điển võ lâm mà họ mơ ước, song lại chỉ có nửa bộ, không được ai chỉ dẫn, chỉ tự mày mò, dễ đi vào con đường sai lầm, càng lầm càng lún sâu, không thể rút ra được nữa. Chuyện vợ chồng Mai Siêu Phong luyện sai võ công, có nội hàm nhân văn phong phú, cũng có nhiều ý nghĩa tượng trưng. Họ luyện sai, vì, thứ nhất, không có nửa đầu của bộ kinh, chỉ mò mẫm; thứ hai, không có cao nhân chỉ dẫn, dễ sa vào chỗ sai lầm; thứ ba, vì họ vô tri vô thức, ngay học lý thô thiển nhất của Đạo gia họ cũng không hiểu. Cuối cùng, quan trọng nhất là nội tâm của họ đầy tà niệm, ảnh hưởng đến suy nghĩ võ học của họ. Song sự việc còn có một khía cạnh khác không thể coi thường, ấy là, nếu trong kinh văn không có câu "Năm ngón tay phát kình, cứng mấy cũng chọc thủng, chụp vào đầu óc như xuyên vào đậu phụ”, thì vợ chồng Mai Siêu Phong làm sao có thể tưởng tượng ra "Tồitâm chưởng” và "Cửu âm bạch cốt trảo” là những tà chiêu vô cùng tàn bạo? Vợ chồng họ chỉ một lòng luyện tập võ công cao thâm, cứ ngỡ làm theo đúng chỉ dẫn của kinh văn, nghĩ ra tuyệt kỹ kỳ chiêu khắc địch chế thắng, do hạn chế của bản thân và ngoại cảnh, bất tri bất giác đi vào sai lầm. Tuy nguyên nhân phạm tội của vợ chồng Mai Siêu Phong không thể qui kết toàn bộ cho kinh văn, nhưng nửa bộ kinh ấy về mặt khách quan rõ ràng đã đẩy họ tới chỗ sai lầm. Khỏi cần bàn sau khi luyện thành thứ võ công đó, họ gây bao nhiêu tội ác, chỉ riêng phương pháp luyện công đã là tội ác rồi; càng luyện thứ võ công đó, tâm lý của họ càng bị biến dạng, thậm chí có thể "phát minh" thêm các chiêu thức tàn bạo khác. Xưa có câu "văn tức là người", đối với vợ chồng Trần Huyền Phong thì "Võ tức là người", cho nên Trần Huyền Phong và Mai Siêu Phong đang tử tế dần dần biến thành chắc Phong song sát".

III

Bắt đầu từ lúc luyện "Cửu âm bạch cốt trảo", tội ác và bi kịch của vợ chồng Mai Siêu Phong đã khó bề thay đổi được nữa. Ác danh "Hắc Phong song sát" không phải tự dưng mà có; Lục Thừa Phong, người bị vạ lây, dẫn đầu nhân sĩ võ lâm tấn công "Hắc Phong song sát" cũng không phải tự dưng vô cớ. Vờ chồng Mai Siêu Phong đành phải chạy sang Mông Cổ, Trần Huyền Phong bị chàng thiếu niên Quách Tính giết, Mai Siêu Phong thì bị Giang Nam lục quái vây công, cuối cùng bị Kha Trấn Ác làm mù hai mắt; căn bản họ đều đáng bị trừng phạt. Anh trai của Kha Trấn Ác chính đã bị vợ chồng Mai Siêu Phong giết, bản thân Kha Trấn Ác cũng bị mù vì họ. Nhưng phán xét tội lỗi của vợ chồng Mai Siêu Phong như thế nào là một chuyện, còn lý giải và đánh giá hình tượng và nhân sinh của họ lại là một chuyện khác. Chí ít, chúng ta cũng cần thấy tình yêu sâu sắc, cảm động và thủy chung giữa hai tên ma đầu này. Họ gọi nhau là "Tặc hán tử” và "Tặc bà nương” vừa biểu hiện tình vợ chồng keo sơn, vừa là cách mắng yêu nhau, vừa là ghi nhận tội nghiệt ăn cắp kinh văn của mình. Càng quan trọng và bất ngờ, là Mai Siêu Phong tưởng độc ác vô tình, phản bội sư môn, kinh sơ sư phụ; nhưng trong đáy lòng vẫn ghi nhớ ân tình của sư phụ. Tại Quy Vân trang Thái Hồ, khi nghe Cầu Thiên Trượng bịa chuyện ân sư bị giết, Mai Siêu Phong không chút do dự hẹn sư đệ Lục Thừa Phong báo thù cho sư phụ ; thế rồi khi được tin sư phụ vẫn còn sống, Mai Siêu Phong mới nghĩ đến tội trạng của mình, hai hàng lệ nóng rơi lã chã : "Ta còn mặt mũi nào đi gặp lão nhân gia ân sư ? Ân sư đã thương ta cô khổ, nuôi ta dạy ta, ta lại có dã tâm, phản bội sư môn ..." Mai Siêu Phong đã định sau khi trả thù cho chồng, sẽ tự kết liễu”. (Xem Anh hùng xạ điêu). Mai Siêu Phong không chỉ nghĩ thế, mà cuối cùng đã làm đúng như thế : khi Âu Dương Phong thừa cơ Hoàng Dược Sư đang mải đối phó chính diện với Toàn Chân thất tử, đột nhiên đánh lén sau lưng Hoàng Dược Sư, Hoàng Dược Sư chỉ biết phen này chắc chết, không ngờ vào sát-na cuối cùng, Mai Siêu Phong đã lấy thân mình chắn đỡ đòn sấm sét của Âu Dương Phong, cứu sống sư phụ, còn mình hi sinh. Lúc lâm chung, còn căn cứ yêu cầu trước kia của sư phụ, tự đánh gãy cổ tay mình, biểu thị hối lỗi; được Hoàng Dược Sư bằng lòng cho trở lại sư môn, Mai Siêu Phong cố bò dậy làm lễ bái sư, thành hình ảnh cuối cùng của mình trên đời. Giả sử dựa vào tư thế của Mai Siêu Phong khi đó mà nặn một bức tượng, sẽ không ai bảo đấy là một nữ ma đầu điên cuồng, mà sẽ bảo đấy là một thiếu phụ mù lòa từng xuất nhập tà môn, từng tạo nghiệt đa đoan, từng nếm trải đau khổ, đáng sợ, đáng ghét, song cũng rất đáng thương.

TRẦN MẶC – TRUNG QUỐC

BÀN VỀ CÁC NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT KIM DUNG

1 nhận xét:

  1. bài viết cực khì hay mình rất yêu thích nhân vật nữ này nhưng mà mình đâu ngờ đằng sau đó là một sự bi thương dến như thế

    Trả lờiXóa