Thiên sơn song ưng TRẦN CHÍNH ĐỨC
Trong bộ tiểu thuyết Thư kiếm ân cừu lục, có một chi tiết khiến tôi hết sức cảm động, là Hương Hương công chúa hồn nhiên vô tà , nằn nì ba vị đệ nhất cao thủ võ lâm là hai vợ chồng Thiên Sơn Song ưng và Trần Gia Lạc chơi gánh cát với nàng, ai đụng vào cây nến cắm trên đống cát, sẽ bị phạt, phải hát, múa, kể chuyện cổ tích. Đây là trò chơi thuần túy của trẻ con, vì thế mới đem lại bất ngờ. Bất ngờ thực ra không phải do bản thân trò chơi, mà là ở kết quả kỳ diệu của nó : Trần Chính Đức vô ý đụng cây nến, hốt hoảng lúng túng, xấu hổ đỏ bừng cả mặt. Bà vợ của lão là Quan Minh Mai chưa từng thấy ông lão có thần thái như thế bao giờ, cảm thấy thích thú một cách hồn nhiên, không cho ông lão trốn phạt, cứ bắt ông lão phải biểu diễn tiết mục.Trần Chính Đức không thoái thác được, đành cất tiếng hát bài "Buôn ngựa". Lúc hát đến câu "Ta và nàng, chơi trò vợ chồng thời con nít, khóc nhè ở chỗ nào đây ..."(Xem Thư kiếm ân cừu lục) bất giác nhìn bà vợ Quan Minh Mai, Quan Minh Mai đang vui sướng, nhớ lại hồi trẻ, tình âu yếm trào dâng, bèn đưa tay nắm lấy tay chồng, Trần Chính Đức nước mắt rưng rưng, sự ngăn cách mấy chục năm nay giữa hai vợ chồng cuối cùng tan biến trong giây phút đầy tình ý này.. Thiên Sơn Song ưng đến đây vốn là để giết Trần Gia Lạc và Hương Hương công chúa, bởi vì hai vợ chồng lão cho rằng đôi thiếu niên nam nữ kia đã vong ân bội nghĩa đối với đệ tử Hoặc Thanh Đồng của mình. Không ngờ sau khi chơi trò gánh cát, vợ chồng Trần Chính Đức, Quan Minh Mai lại có sự trao đổi tình cảm bất ngờ, đôi lòng hòa thông, tràn đầy âu yếm, không muốn giết người nữa. Trò chơi vô tư vô tà do Hương Hương công chúa nêu ra đã đem lại thu hoạch bất ngờ cho Thiên Sơn Song ưng, vô hình trung đã cứu mạng nàng và tình lang. Đủ thấy cuộc sống đầy những sự bất ngờ thú vị.
I
Thiên Sơn Song ưng là ngoại hiệu chung của hai vợ chồng Trần Chính Đức, Quan Minh Mai. Trần Chính Đức có ngoại hiệu Thốc Tựu (đại bàng hói), Quan Minh Mai thì có ngoại hiệu Tuyết Điêu (đại bàng trắng như tuyết), cả hai người cùng cư trú ở chân núi Thiên Sơn, nên mới mang ngoại Thiên Sơn Song ưng. Sở dĩ Trần Chính Đức có ngoại hiệu Thốc Tựu còn vì đầu lão hói, không một sợi tóc; còn Quan Minh Mai có ngoại hiệu Tuyết Điêu là vì tóc bà lão bạc trắng như cước. Thiên Sơn Song ưng tuổi đã già, một người hói dầu, một người tóc bạc, dĩ nhiên là bề ngoài tự nhiên của tuổi già. Nhưng điều đáng chú ý là Thiên Sơn Song ưng đã lừng danh Thiên Sơn nam bắc từ lâu, danh hiệp Võ Đang Lục Phỉ Thanh có thể làm chứng điều đó. Nghĩa là vợ chồng Trần Chính Đức, Quan Minh Mai hồi chưa già đã hói và bạc đầu. Nguyên do không phải họ chưa già đã suy, mà là vì mỗi người mang một tâm sự bức bối, bế tắc, không thổ lộ cùng ai, lâu dần thành ra cơ thể chưa suy, mà cái tâm đã lão, bộc lộ thành bề ngoài già nua. Lục Phỉ Thanh không những có thể chứng minh Thiên Sơn Song ưng thành danh rất sớm, mà còn biết rõ cặp vợ chồng nhà này luôn luôn đấu khẩu với nhau, hầu như không có một ngày yên tĩnh. Nguyên nhân tranh cãi là do Trần Chính Đức quá ghen, cứ nghi ngờ Quan Minh Mai thay lòng đổi dạ, ghen từ hồi trẻ cho đến qua lục tuần mà vẫn chưa thôi. Trong sách có một ví dụ, khi Quan Minh Mai phát hiện thanh bảo kiếm của đệ tử Hoặc Thanh Đồng ở trong tay Trần Gia Lạc, đang cật vấn và cảnh cáo y, thì Trần Chính Đức đứng bên cạnh nói to với vợ :”Sao mình cứ tâm sự cái gì mãi với người ta thế ? Ta đi thôi”. (Xem Thư kiếm ân cừu lục) Chắc chắn sau khi hai vợ chồng lão rời khỏi chỗ mọi người, đôi bên sẽ cãi nhau to. ông chồng tự dưng vô cớ đi ghen, bà vợ tất nhiên nổi đóa; bà vợ càng nổi đóa, ông chồng lại càng ghen tuông hơn. Hai người cứ thế cãi nhau. Những ai quen biết họ, đều biết đặc điểm này của hai vợ chồng lão. Trần Chính Đức sở dĩ hay ghen, tuy điều đó có liên quan đến tính nết của ông, những hoàn toàn không phải bẩm sinh như thế, mà là trong cuộc sống quả thật có lí do khiến Trần Chính Đức không thể không ghen. Đấy là Quan Minh Mai khi thành hôn với Trần Chính Đức, vốn đã không còn nhớ gì đến Viên Sĩ Tiêu nữa, không ngờ vừa thành hôn xong, thì Viên Sĩ Tiêu trở về cố hương, đã thế còn rất hối hận chuyện ngày trước, làm cho Quan Minh Mai cứ cảm thấy như mình có lỗi. Thế là giữa đôi vợ chồng tân hôn từ đây bắt đầu có chuyện mắc mớ sâu sắc. Giá như Viên Sĩ Tiêu vĩnh viễn không xuất hiện, đương nhiên sẽ không có chuyện rắc rối; giá như sau khi vợ chồng Trần Chính Đức bỏ đi lên Hồi Cương, Viên Sĩ Tiêu không đi theo, thì chuyện rắc rối này cũng đã đượcquên đi từ lâu. Đàng này Viên Sĩ Tiêu lại bám theo hàng vạn dặm, Trần Chính Đức dĩ nhiên không thể yên tâm. Tuy biết vợ mình ít khi gặp Viên Sĩ Tiêu, nhưng việc Viên Sự Tiêu theo đến tận Thiên Sơn, chắc trong lòng vẫn nhớ thương tri kỷ, thành thử Trần Chính Đức cứ luôn luôn nghi ngờ, nghi ngờ sinh ra ghen tuông, càng nghi càng ghen tợn. Trần Chính Đức càng ghen, dĩ nhiên càng cảm thấy có sự ngăn cách đáng kể về tình cảm giữa mình với vợ, đến mức lâu dần không thể nào có cách gì trao đổi tâm sự với vợ được nữa. Mà Trần Chính Đức càng nghi ngờ, ghen tuông, thì Quan Minh Mai càng ngán ngẩm, càng không vừa lòng về ông chồng, hố ngăn cách giữa hai người càng sâu thêm. Thành thử một cặp vợ chồng mà hóa thành một cặp oán trách nhau hết sức điển hình. Tình cảm của họ do cãi cọ mà bị tổn thương trầm trọng, tuổi thanh xuân và sinh mệnh tự nhiên suy giảm, tâm linh cũng ngày một nặng nề u ám. Cãi lộn không chỉ trở thành thói quen hàng ngày, mà còn là phương thức kỳ quặc để đôi bên biểu đạt tình cảm của mình với người kia, tựa hồ không cãi lộn thì không biết lấy gì chứng minh tình yêu của họ với nhau vậy. Thực ra, tình yêu của Trần Chính Đức đối với Quan Minh Mai đâu cần phải nói mới rõ. Suất đời hai người này luôn ở bên nhau như hình với bóng, mọi chuyện lớn chuyện nhỏ người chồng đều nể và nghe vợ. Dĩ nhiên có một tiền đề, hay nói đúng hơn, một hi vọng, là người vợ phải thật sự yêu chồng, hơn thế, phải thủy chung như nhất. Quan Minh Mai đúng là thật sự yêu Trần Chính Đức, tuần trăng mật tân hôn cũng chứng minh điều đó. Rồi bao nhiêu năm sau ngày cưới, Quan Minh Mai luôn luôn ở bên chồng, tuy hai người luôn luôn cãi cọ, nhưng lúc nào cũng thủy chung như nhất.Thế nhưng bất hạnh ở chỗ họ không hiểu tình cảm của đối phương, thậm chí không hiểu cả nỗi lòng của chính mình.
II
Điều lý thú là, trong khi Viên Sĩ Tiêu sáng tạo"Bách hoa thác quyền", vô tình hay hữu ý biểu lộ niềm ân hận và nuối tiếc của mình, thì Quan Minh Mai cũng sáng tạo ra “Tam phân kiếm pháp", vô tình thể hiện mâu thuẫn tình cảm trong lòng mình. Pho "Tam phân kiếm pháp" đầy uy lực mà Hoắc Thanh Đồng thi triển, thực ra là chứng minh rõ nhất nội tâm phức tạp của sư phụ Quan Minh Mai. “Tam phân" - ấy là Quan Minh Mai chia tình cảm thành ba phần, một phần dành cho chồng là Trần Chính Đức, một phần dành cho người tình cũ là Viên Sĩ Tiêu, phần cuối cùng dành cho bản thân mình. Điều lý thú hơn nữa, Thiên Sơn kiếm pháp mà Hoắc Thanh Đồng thi triển, - pho kiếm pháp này không chỉ bao hàm "Tam phân kiếm pháp" của Quan Minh Mai, mà còn bao hàm cả kiếm pháp của Trần Chính Đức, - trong đó tuyệt chiêu lớn nhất có tên là "Hải thị thần lâu (Xem Thư kiếm ân cừu lục).Tuyệt chiêu này này gọi là yếu quyết của pho kiếm pháp, đúng ra là yếu điểm trong quan hệ vợ chồng của Trần Chính Đức và Quan Minh Mai. Cái chiêu"Hải thị thần lâu” nguyên là Quan Minh Mai dùng để miêu tả cái tình cảm có mà không thành giữa mình với Viên Sĩ Tiêu; song cũng vì cái tình cảm ấy mà hai vợ chồng Quan Minh Mai cãi cọ không ngừng, tình cảm bị chia sẻ thành mấy phần. Cái " Hải thị thần lâu trong tình cảm giữa hai vợ chồng hoàn toàn không phải là định mệnh không thể thay đổi. Kể ra, những khúc mắc tâm lý giữa hai vợ chồng, dĩ nhiên còn liên quan đến tính nết của mỗi người, nói đơn giản là một người tính cách hẹp hòi, một người thì nóng nảy. Quan Minh Mai tính tình nóng nảy, trong sách có đưa một dẫn chứng rất hay, HoắcThanh Đồng chỉ nói một câu : "Y ... y rất tốt với muội tử của đệ tử “, thì Quan Minh Mai đã đứng phắt dậy, giận dữ nói : "Tên đó có mới nới cũ, muội tử của ngươi chẳng nể tình tỷ muội như thế, phải giết cả hai đứa ấy "(Xem Thư kiếm ân cừu lục). Nói sao làm vậy, căn bản cũng chẳng cần biết nguyên do thế nào, không cần nghe Hoắc Thanh Đồng giải thích thêm một lời, chạy ngay đi giết Trần Gia Lạc và Hương Hương công chúa. Điều lý thú là Trần Chính Đức nghe vợ nói sẽ phải giết hai kẻ phụ tình bất nghĩa kia, cũng không chỉ khen phải, mà còn lập tức chạy đi theo, cũng chẳng cần hỏi rõ nguồn cơn, phân biệt phải trái trắng đen gì hết. Một cặp vợ chồng như thế, làm sao có thể hi vọng họ trong đời sống tình cảm chịu bình tĩnh tự xét mình và thông cảm với tâm trạng của người kia cơ chứ ? Giả sử Trần Chính Đức chỉ biểu hiện tình yêu của mình, khắc phục lòng ghen tuông của mình, có lẽ Quan Minh Mai sẽ không nóng nảy, bực dọc như thế, hai người sẽ tìm được cách hoặc có cơ hội thông với nhau. Tương tự như vậy, giả sứ Quan Minh Mai khắc chế được tính nóng nảy của mình, tỏ ra quan tâm hơn một chút tới chồng là Trần Chính Đức, thì chẳng những có thể xua tan mối nghi ngờ trong lòng đối phương, mà đồng thời còn khiến cho chính mình hòa hợp tâm hồn sớm hơn với chồng. Nhưng chúng ta thấy, cả hai người đều không chịu hoặc căn bản không muốn nghĩ đến việc cần thay đổi bản thân, cứ đem phô ra trước mặt đối phương cái tính xấu tệ hại, khiến cho đối phương chỉ càng căm ghét hơn, đồng thời cũng hủy hoại luôn cả tâm trạng dễ chịu của mình. Lâu ngày cái tôi thật sự, chân tình bị mai một dần. Tuy họ võ công ngày càng cao cường, tuổi mỗi năm một nhiều, song tính tình trước sau vẫn cứ nôn nóng, đơn thuần, dễ xúc động, cao ngạo như hồi trẻ. Rõ ràng tâm lý của họ không hề trưởng thành theo võ công và tuổi tác; hoặc có thể nói là lối sống của họ khiến cho tâm lý và tính cách của họ trước sau vẫn không chín tới mức xem xét lại bản thân, cải thiện quan hệ vợ chồng, sáng tạo cuộc sống hạnh phúc. Giống như Viên Sĩ Tiêu, vợ chồng Quan Minh Mai và Trần Chính Đức cũng vừa si tình, vừa si võ. Sinh hoạt hàng ngày của họ, ngoài việc nghiêm chỉnh luyện võ, thì chỉ hoặc cãi nhau vì những chuyện không đâu, hoặc cùng kề vai đối phó với kẻ địch, hoàn toàn không hề có sự nghỉ ngơi nhàn hạ thực sự, bởi thế việc rèn luyện và chiến đấu là không ngưng nghỉ. Cặp "vợ chồng sự nghiệp" này không có thời gian hưởng thụ cuộc sống an nhàn, không có thời gian thanh lý tâm tư của mình, cũng chẳng có dịp nào phát hiện niềm vui của tình yêu vợ chồng và cuộc sống lứa đôi. Mãi đến một đêm bình thường nọ, khi cùng chơi đùa với Hương Hương công chúa, vào thời khắc kỳ diệu ấy, họ mới phát hiện ra một phương diện khác của đối phương, đồng thời cũng phát hiện tính tình thật của mình. Trước tiên là Quan Minh Mai nhớ lại tuần trăngmật với chồng, nếu Viên Sĩ Tiêu không đột nhiên trở về thì hẳn là hai người đã có thể sống suốt đời sung sướng. Những năm vừa qua ta đối xử không tốt với chàng, thường nổi giận một cách vô lý, trong khi chàng đối với ta một mực thâm tình, nhiều lúc ghen tuông gây chuyện, nhưng cũng là vì luyến ái ta mà thôi; lúc này Quan Minh Mai bỗng cảm thấy có lỗi với phu quân bị thiệt thòi mấy chục năm qua. Trong lúc Quan Minh Mai bộc lộ vẻ âu yếm với phu quân, thì Trần Chính Đức lập tức mẫn cảm nhận biết, mắt bỗng mờ đi, trong lòng cảm kích muôn phần. Khi đó Quan Minh Mai lại nghĩ thêm "dạo trước ta đối với chàng quả là quá ư lạnh nhạt", liền mỉm cười, thế là hai người sóng lòng trào dâng, dồn dập hết lớp nọ đến lớp kia, khiến tình ý phu thê cuối cùng tràn ngập (Xem Thư kiếm ân cừu lục). Bây giờ họ mới phát hiện đôi vợ chồng oan gia vốn là một cặp vợ chồng xứng đôi vừa lứa, hạnh phúc trời cho.
III
Từ cái đêm chơi đùa nhàn tản ấy trở đi, quan hệt tình cảm của vợ chồng Thiên Sơn Song ưng đổi mới hoàn toàn. Họ kinh ngạc phát hiện rằng căn bệnh tâm thần không gì chữa trị mấy chục năm qua chỉ sau một đêm không chữa tự khỏi. Quả nhiên tâm bệnh phải trị bằng tâm dược, việc gỡ chuông phải do người treo chuông. Bây giờ Trần Chính Đức đố kỵ thành tính đã hết đố kỵ, có thể thoải mái tự nhiên đối mặt với tình địch Viên Sĩ Tiêu, người mấy chục năm nay Trần Chính Đức không muốn và cũng không dám đối mặt, thậm chí có thể trò chuyện thân ái với Viên Sĩ Tiêu. Hơn thế, còn cùng vợ giúp đỡ Viên Sĩ Tiêu hoàn thành nghĩa cử tiêu diệt bầy sói, thản nhiên ba người đồng hành. Bây giờ Quan Minh Mai nóng nảy cũng đã an tường, có thể trước mặt Viên Sĩ Tiêu phủi bụi trên áo ông chồng Trần Chính Đức; nhìn vầng dương lặn dần xuống đường chân trời, nói rằng mình đã cảm ngộ tại sao "mọi thứ trong đời đều là duyên pháp", hơn nữa còn nói : "Một người ngày ngày hưởng phúc, mà lại không biết đấy là cái phúc, cứ đi tìm với tận chân trời đâu đâu, nào ngờ bảo bối quí giá nhất đang ở ngay bên mình” (Xem Thư kiếm ân cừu lục). Tuy đây chẳng phải là triết lý sống sâu xa gì, nhưngtrong muôn triệu chúng sinh, hiểu được điều này cũng chưa có nhiều người. Quan Minh Mai phải đến cuối đời tóc đã bạc phơ, mới ngộ ra cái chân lý thô thiển, bình phàm này của cuộc sống. Tưởng tượng cái buổi hoàng hôn nhuộm vàng thân hình ba vị lão nhân ấy, tôi thật không biết là tôi nênmừng cho họ, hay là nên thương họ.
BÀN VỀ CÁC NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT KIM DUNG
TRẦN MẶC – TRUNG QUỐC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét