Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

ĐỊCH VÂN Không chốn nương thân

Hình tượng nhân vật chính Địch Vân của bộ tiểu thuyết võ hiệp Liên Thành Quyết cho thấy rõ hơn khuynh hướng sáng tạo gần gũi với con người trong đời sống xã hội của tiểu thuyết gia Kim Dung. Địch Vân không giống với nhân vật chính của bất kỳ bộ tiểu thuyết võ hiệp nào trước đó. Cho dù đã tập luyện võ công, đã trải qua những cuộc kỳ ngộ đau thương thảm khốc khó ai có thể tưởng tượng nổi, gã vẫn không giống như nhân vật chính của một câu chuyện truyền kỳ, thay vào đó, lại chỉ giống như một con người tầm thường như bao nhiêu người khác. Trong một số trường hợp, gã lại còn kém thua hơn cả người tầm thường, bởi vì trong đa số người tầm thường ở thế gian cũng không thấy ai là thật thà khờ khạo như gã. Duyên do sự ra đời của nhân vật Địch Vân, theo lời tác giả, là để nhớ về một “ông lão rất thân thiết” trong ký ức tuổi thơ của mình. Nhưng trên thực tế, ông đã mượn câu chuyện về nhân vật này để bày tỏ lòng cảm khái sâu sắc của mình về thế gian và lòng người. Do vậy, có thể xem đây chính là một câu chuyện ngụ ngôn về thế giới nhân gian. I Đặc điểm của nhân vật Địch Vân thật vô cùng đơn giản, đó là không biết trước điều gì, không định trước việc gì, với một bẩm tính là thực thà, trung hậu. Câu chuyện về gã ta kỳ thực cũng đơn giản, chỉ hiềm nỗi là gã liên tục bị lừa lọc dối gian, phải chịu nhiều oan khuất. Lúc còn là một gã nhà quê ngày ngày cày ruộng luyện kim ở quê nhà, Địch Vân đã sống một quãng đời hoàn toàn bình an. Một ngày nọ, gã rời quê vào thành. Có ngờ đâu ma đưa lối quỉ dẫn đường, mỗi bước chân đi là mỗi bước gã rơi vào từng hố bẫy đang chờ sẵn. Từ đó về sau, vận rủi trở thành một cơn ác mộng bén gót theo gã. Đầu tiên gã bị xử oan tội cưỡng hiếp, sau đó lại thêm tội trộm cắp, bị chặt đứt một ngón tay, bị xuyên thấu xương quai xanh, và bị tống vào tử lao. Trong nhà lao, không rõ vì can cớ gì, bạn tù đem lòng oán hận ngày ngày ra sức ức hiếp dày vò gã. Cũng trong nhà lao, cuối cùng gã nhận được tin sư muội tâm ái Thích Phương của gã lại được đem gả cho kẻ thù đang tâm hãm hại gã là Vạn Khuê. Không thể tránh được nỗi hàm oan, không thể tỏ bày niềm oán hận, trên thế gian này, gã không còn một người thân, cũng không còn một tia hy vọng, gã bèn nghĩ đến cái chết, bởi vì có lẽ chỉ có cái chết mới có thể giúp gã chấm dứt khổ đau. Bất ngờ, khi gã định tự sát, lại có một người bạn tù là Đinh Điển cứu sống gã, để rồi trở thành bạn chí thân của gã. Với bản chất thật thà khờ khạo của mình, có lẽ gã sẽ không bao giờ có thể biết được rằng tất cả những oan khiên mà gã phải gánh chịu hoàn toàn không phải do nơi gã, mà chính là do gã có một sư muội quá xinh đẹp, mà sư muội xinh đẹp này lại chung tình với gã, cho nên mới dẫn đến một loạt những âm mưu hãm hại nhắm vào gã, theo một kế hoạch độc ác một mũi tên nhắm ba mục tiêu: thứ nhất là lừa gạt làm cho gã phải ngồi tù; thứ hai là cấu kết với quan phủ giam giữ gã vô thời hạn; thứ ba là mê hoặc Thích Phương, làm cho nàng ta phải cảm động đến nỗi cuối cùng đành cam tâm tình nguyện làm vợ tên Vạn Khuê từ lâu đã ao ước thèm nàng đến nhỏ dãi. Địch Vân cùng Đinh Điển vượt ngục, bất ngờ Đinh Điển bị trúng độc tử vong, Địch Vân một mình suýt chút nữa thì trở thành miếng mồi ngon cho ác tăng Bảo Tượng. May nhờ "Thánh nhân đãi kẻ khù khờ", gã không những không bị Bảo Tượng giết mà còn được Bảo Tượng "ban cho" tấm áo cà sa làm áo khoác. Nhưng cũng không ngờ được chính việc này đã mang lại cho gã một mối hoạn nạn vô vọng mới. Khi gã cứu người bên sông, thì bị con tuấn mã của Linh Kiếm Song Hiệp trứ danh đạp gãy chân, bởi vì gã đang mặc một tấm tăng bào của Huyết Đao Môn. Nhìn qua sắc áo chẳng trách Linh Kiếm Song Hiệp cũng như bao nhiêu người khác đều cho rằng gã Địch Vân thực thà khờ khạo, trong sạch vô tội này chính là tên dâm tăng bạo ngược tội ác dẫy đầy, chất chồng nợ máu. Nguy hại hơn nữa, không những Linh Kiếm Song Hiệp và đám thị dân lòng đầy căm hận cho rằng gã là dâm tăng, mà ngay đến chính Lão Tổ của Huyết đao dâm tăng cũng nhận gã là đồ đệ của Bảo Tượng, là học trò của chính mình. Kết quả là, những người thuộc chính phái đều muốn bắt gã, còn lão tổ của tà môn Huyết đao lại trở thành cứu tinh của gã, đã đưa gã cùng "con mồi" Thủy Sênh từ Giang Nam cùng đào tẩu đến một hang tuyết nơi biên giới Tây Tạng, và gã rốt cuộc chẳng có được một cơ hội nào để biện minh cho chính mình. Từ một gà nhà quê chân chất thiện lương, đột nhiên phải trải qua những bất hạnh cùng cực không rõ nguyên do mà không có cơ hội giãi bày và cũng chẳng có ai chịu lắng nghe chuyện oan ức của gã, cho nên chẳng trách sau khi lão tăng Huyết đao chết, đối diện với hai kẻ thù là Tứ Hiệp Giang Nam Hoa Thiết Cán và Linh Kiếm Song Hiệp Thủy Sênh, gã cuối cùng không chịu đựng được nữa mới khàn giọng thét lên, nghe như một tiếng khóc rằng: "Bọn ác nhân các ngươi sẽ có ác nhân trong thiên hạ trừng trị, Địch Vân ta đây không sợ các ngươi. Các ngươi đã tống ta vào ngục, xuyên thấu xương quai xanh ta, chặt đứt ngón tay ta, cướp sư muội của ta, đạp gãy chân ta, ta đều không sợ, bây giờ cho dù các ngươi có giết ta, ta cũng không sợ!

II

Địch Vân nói "không sợ”, đương nhiên cũng có phần chân thực trong đó, là bởi đến cái chết gã còn không sợ, huống gì những nỗi thống khổ hàm oan? Nhưng nếu chỉ nhìn bề ngoài của thái độ "không sợ" này thôi e chưa đủ. Trên thế gian này, Địch Vân có thể không sợ bọn "ác nhân", nhưng tình nhân biến thành người xa lạ, cho đến người thân biến thành kẻ thù, thì điều này đã làm cho gã kinh sợ đến không nói nên lời. Chính vì vậy khi hay tin Thích Phương xuất giá, gã đã tuyệt vọng đến mức muốn tự sát trong lao tù. Trong khoảnh khắc thét to "không sợ", thái độ của Địch Vân rõ ràng có chút điên cuồng. Thật may mắn cho gã, bởi nếu không có sự điên cuồng này thì hoặc là gã sẽ không thể sống nổi với mối căm hờn oan ức tràn ngập, hoặc là từ đây về sau, tâm lý của gã sẽ hoàn toàn thay đổi, biến gã thành một tay đại ác nhân thực thụ chuyên báo thù một cách điên cuồng cả toàn thế giới. Địch Vân giờ đây đã luyện thành công Tuyệt thế thần công thần chiếu kinh, không bao lâu nữa sẽ luyện thành thục Huyết đao đao pháp, về phương diện võ công e rằng ít có địch thủ nào sánh kịp, nếu như gã có ý định báo thù, từ đây rắp tâm làm ác, thì cả thế giới cũng từ đây cũng khó mong được an lành. Nhưng cũng may là Địch Vân đã không bị cơn điên cuồng ấy đè bẹp, và thái độ của gã cũng không thực sự biến đổi, gã vẫn chỉ là gã nhà quê thực thà trung hậu ngày nào. Chính vì thế mà vận rủi của gã vẫn chưa đến hồi kết thúc. Đợi cho đến lúc băng tuyết tan đi nơi hang tuyết, đại hiệp Hoa Thiết Cán bỗng chốc trở nên anh hùng, trong khi Địch Vân và Thủy Sênh bị vu thành dâm tặc và dâm phụ. Địch Vân muốn biện hộ cho Thủy Sênh nhưng càng nói càng không được gì. Gã vừa thất vọng vừa phẫn nộ. Nếu thực sự trong lòng gã không còn chút hy vọng nào nữa thì không biết chừng gã đã hóa điên vì phẫn nộ. Học được chút hiểu biết từ Đinh Điển, được rèn giũa trong quãng đời phiêu bạt, sau khi rời khỏi hang tuyết, Địch Vân không những võ công cao cường hơn xưa mà tâm trí và kiến thức cũng được mở mang không ít. Ít ra, gã đã có thể hiểu rõ âm mưu của Vạn Khuê đối với gã từ trước cho đến nay. Rời khỏi hang tuyết, Địch Vân có hai khát vọng cháy bỏng: thứ nhất là tìm được sư phụ, tìm lại được cuộc sống tốt đẹp ngày nào; thứ hai là cùng sư phụ gặp lại sư muội mãi mãi chung tình Thích Phương, nói cho nàng biết mối oan khuất của mình, vạch rõ chân tướng của Vạn Khuê, rồi sau đó... Khi những oan khuất của gã được giải tỏa hoàn toàn, thì chân tướng của cha con Vạn Khuê cũng bộc lộ rõ ràng không thể chối cãi. Ở tại sào huyệt của họ Vạn, Địch Vân đã dùng chính đạo lý của chúng để trừng trị chúng. Gã nhốt chúng vào khe giữa hai bức tường, để cho chúng tự chịu lấy hậu quả. Sau đó, khi mà gã và Thích Phương đã lại có thể bên nhau như một đôi bướm lượn, nối lại tình xưa, bắt đầu một đời sống tốt đẹp hạnh phúc, thì biến cố lại xảy ra. Thích Phương yêu cầu gã: “Đợi một chút", mà kết quả là kể từ đây đôi ngả âm dương đành cách biệt. Nguyên là Thích Phương định lén đi thả tên Vạn Khuê chồng nàng ra, có ngờ đâu Vạn Khuê lại nỡ ra tay giết hại cả nàng. Địch Vân lúc này, vừa đau khổ vô cùng trước cái chết của Thích Phương, vừa bội phần căm hận sự độc ác của Vạn Khuê, vừa lại càng đau xót hơn cho chính mình, một lần nữa lại bị Thích Phương lừa dối. Có thể là Thích Phương trước sau vẫn là lương thiện vô tội, nhưng trớ trêu thay cũng chính vị sư muội lương thiện vô tội này đã phản bội và lừa dối gã lần nữa. Với sự hiểu biết của mình, Địch Vân sẽ không bao giờ có thể giải đáp được các câu hỏi: Thích Phương tại sao biết rõ là gã trong sạch mà vẫn chấp nhận làm vợ Vạn Khuê? Tại sao biết rõ cha con Vạn Khuê là độc ác mà vẫn còn có thể nghĩ được đến điều "nhất nhật phu thê bách nhật ân" (vợ chồng một ngày nên nghĩa), để rồi đã lừa gã mà đi thả gã chồng ác độc, để rồi đã phải mất mạng vào tay hắn? Tại sao một kẻ lương thiện và vô tội như Địch Vân lại phải chịu hàm oan và bị chối bỏ? Nếu như Địch Vân không bao giờ có thể hiểu được hành vi và tâm lý của Thích Phương, thì với những gì sư phụ Thích Trường Phát của gã đã làm, gã lại càng không tài nào hiểu được. Thời gian ở trong lao tù, Đinh Điển đã có lần nói với gã, sư phụ Thích Trường Phát ngoại hiệu "Thiết Sách Hoành Giang" của gã văn võ kiêm thông, bác học đa tài, nhất định không thể xem thường. Địch Vân tuy chân thành tín phục Đinh Điển, nhưng khi nghe Đinh Điển đánh giá sư phụ mình như vậy, gã thực sự không có cách gì tin được, nói cho đúng hơn là gã không dám tin, cũng như không muốn tin. Cho đến một lần vô tình dao găm của sư phụ gã đâm một nhát gần sát tim gã, gã mới thực sự biết rõ sư phụ mình là người như thế nào: Thích Trường Phát vì tiền của, có thể giết cả sư phụ mình, giết sư huynh, hoài nghi con gái ruột, thì tại sao lại không thể giết đồ đệ?" (Xem Liên thành quyết). Nhưng gã vẫn còn chưa hiểu: "Một con người trong cuộc đời không cần bất kỳ người thân nào, không cần sư phụ, sư huynh đệ, đồ đệ, đến con gái ruột cũng không quan tâm, thì cho dù có đến một kho của cải vĩ đại nhất phỏng có vui sướng gì?" (Xem Liên thành quyết). Đến đây Địch Vân vừa cảm thấy tuyệt vọng khi hiểu rõ chân tướng sư phụ mình, vừa hoàn toàn u mê không hiểu tại sao sư phụ lại có thể như vậy. Nếu như tất cả những cạm bẫy, những cú đòn của số phận đã từng trải qua trước đây đều do người ác làm hại, do phải chịu oan khuất, thì Địch Vân vẫn còn có thể cắn răng chịu đựng, nhưng những biến cố về sau chính là những cú đánh chí mạng đối với gã. Bởi những cú đánh này không phải đến từ người ác, không phải đến từ kẻ thù không rõ chân tướng, mà lại đến từ tình nhân, từ người thân. Mất đi sư muội Thích Phương khiến cho gã phải chịu một mất mát lớn về mặt tình cảm, làm lung lay đến tận gốc rễ niềm tin và hy vọng của gã về tình người trong nhân gian; sư phụ Thích Trường Phát từ đầu đến cuối lừa gạt gã, làm cho than tâm gã bị tổn thương, làm cho tất cả những quan niệm và tinh thần của gã về bản chất con người, về luân lý tình thân, về đạo đức xã hội v.v..., đều bị hủy hoại nghiêm trọng. III Điểm lại cuộc đời của Địch Vân, có lẽ không ai là không rùng mình run sợ. Trên thế gian này nơi nào là nơi Địch Vân được sống hạnh phúc? Có ba nơi: thứ nhất, khi còn làm ruộng ở quê nhà; thứ hai, chịu án oan nơi nhà lao tử tù; thứ ba, ở nơi hang tuyết gần biên giới Tây Tạng. Tình cảnh của Địch Vân thật là thê lương thảm não. Khi gã muốn về lại quê nhà thì nhà đã mất, không còn sư phụ, cũng không còn sư muội, gã còn biết tìm về cái gì ở đó? Trong nhà lao tử tù thì Đinh Điển - người bạn thiết thân duy nhất của gã, ánh sáng ấm áp duy nhất trong nhân gian dành cho gã, đã nằm sâu dưới ba tấc đất lạnh, bây giờ chỉ còn có thể tưởng niệm mà thôi. Cuối cùng, Địch Vân thực sự không còn có chỗ nào để đi, cho nên, gã đành về lại cái hang tuyết nơi mà gã đã chịu đủ không biết bao nhiêu oan ức dày vò, tuy rằng lạnh lẽo nhưng đó lại chính là nơi duy nhất gã có thể trú thân. Qua câu chuyện của Địch Vân, ai cũng thấy đời sống xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ thật có quá nhiều nghịch lý. Các quan phủ là gương sáng treo cao, vì dân tạo phúc, nhưng chức quan phủ được mua bằng tiền; các hiệp khách hành hiệp trượng nghĩa, minh oan cho người, thì hoặc là bị người xấu giết hại, hoặc như Hoa Thiết Cán biến thành một loại côn trùng tội nghiệp tham sống sợ chết. Một đất nước nổi tiếng có lễ nghi nhưng dân chúng thuần phác lương thiện hoặc phải chịu nhiều oan khuất hoặc không thể phân biệt trắng đen tốt xấu. Lại có cả những chuyện không đáng có, như những bậc tiền bối giả nhân giả nghĩa, những lớp đồ đệ hết sức độc ác hung bạo ỷ mạnh hiếp yếu, hoành hành ngang ngược . Đáng sợ hơn nữa là mối tình nguyên sơ sâu sắc giữa Địch Vân và Thích Phương không rõ vì đâu đã đổi thay, còn vị sư phụ thực thà trung hậu của Địch Vân hóa ra là một đồ đệ hoàn toàn giả dối và tàn nhẫn vô tình. Trong một xã hội mà đại hiệp háo danh, tà đồ háo sắc, từ quan phủ cho đến dân chúng ai ai cũng điên cuồng vì đồng tiền, thì con người thành thực trung hậu chất phác, không háo danh không háo sắc, không hám tiền của là Địch Vân, lại không thể tìm được một chốn dung thân, thật đáng thương thay! Bước ngoặt sống còn của HOA THIẾT CÁN Có thể nói Liên Thành Quyết không phải là một bộ tiểu thuyết võ hiệp như thông lệ, mà là bộ tiểu thuyết "vô hiệp", bởi vì họ của bốn chàng Giang Nam tứ hiệp Lục Thiên Trữ, Hoa Thiết Cán, Lưu Thừa Phong, Thủy Đại hợp lại thì gần giống như "Lạc Hoa Lưu Thủy ' có nghĩa là nước chảy hoa rơi, tên một khúc hát của vùng Giang Nam. Nếu không kể đến yếu tố dí dỏm, hẳn ai cũng có thể hiểu được ngụ ý trong câu nói trên.

I

Lão Tổ Huyết Đao dâm tăng Ma Đầu trứ danh giang hồ bắt cóc con gái Thủy Sênh của Thủy Đại, Giang Nam tứ hiệp không thể không cùng nhau truy diệt. Kết quả là bị Huyết Đao Lão Tổ vô tình đùa trêu, Giang Nam tứ hiệp hai chết một bị thương, không còn đất sống, tan tác như nước chảy hoa rơi, duy chỉ Hoa Thiết Cán là không hề hấn gì cả, nhưng kết quả sau đó thì không ai có thể ngờ được. Nếu như Hoa Thiết Cán cũng sớm tử vong trong cuộc truy diệt thất bại đó, hoặc y cố gắng giết được Huyết Đao Lão Tăng, thì âu đấy chẳng qua cũng chỉ là một kết cục thường thấy. Nhưng trong bộ sách này đã xuất hiện một cảnh hoàn toàn vượt ngoài dự liệu của mọi người, đó là trong khi Thủy Đại bị thương thập tử nhất sinh, Thủy Sênh bị bắt, Huyết Đao Lão Tăng cũng đã đến hồi sức tàn lực kiệt, kẻ duy nhất có khả năng liều chết một phen với đối phương là Hoa Thiết Cán đột nhiên lại đánh mất ý chí chiến đấu, để cuối cùng bị Huyết Đao Lão Tăng thôi miên! "Hắn ta trước sau chỉ muốn rũ bỏ khó khăn tìm con đường sống, tìm xin tha thứ, tuy rằng nhục nhã nhưng vẫn còn tốt hơn bị người ta chém giết. Hắn không nghĩ rằng nếu giơ đao cầu chiến lập tức có thể giết được kẻ thù, ngược lại chỉ thấy trước mắt một Huyết Đao Lão Tăng đáng sợ mà thôi".(Xem Liên thành quyết). Đọc đến đây, ai ai cũng ngao ngán thở dài cho cái chí khí của Hoa Thiết Cán. Đây là lần đầu tiên toàn bộ quá trình Hoa ThiếtCán bị Huyết Đao Tăng thôi miên được mô tả trongquyển sách này. Các nhà tâm lý học, thần kinh học, các nhà thôi miên và các bác sĩ y học lâm sàng nhất định có thể chứng minh phương pháp thôi miên của Huyết Đao Tăng là có hiệu quả, do vậy, những biểu hiện của Hoa Thiết Cán sau đó thực ra cũng không có gì là lạ. Hoa Thiết Cán sở dĩ bị thôi miên cũng chính là do một tình tiết, một bối cảnh tâm lý trong cuộc giáp chiến với Huyết Đao Tăng, khi Hoa Thiết Cán bất cẩn lỡ tay đâm chết huynh đệ kết nghĩa của mình là Lưu Thừa Phong. Sự việc ngoài ý muốn này khiến cho ý chí của y suy sụp, tinh thần hoảng hốt, nhuệ khí bị áp chế, nhất thời lục thần vô chủ. Thêm vào đó y lại còn tận mắt chứng kiến Lục Thiên Trữ rơi đầu, Thủy Đại gãy chân, còn Huyết Đao Tăng bỗng trở nên vô cùng kỳ bí, vô cùng đáng sợ, do vậy mà y dần dần đánh mất ý chí chiến đấu. Huyết Đao Tăng trong cuộc chiến không tốn sức như vậy lại phát huy công phu uy hiếp bằng lời mà có lẽ tự bản thân lão ta cũng không ngờ được rằng đối với Hoa Thiết Cán giờ đây đến lời nói cũng đủ có tác dụng thôi miên, buộc y hạ vũ khí xin hàng. Thế là, tinh thần đại hiệp vào sinh ra tử trong giang hồ của Hoa Thiết Cán trong phút chốc đã hoàn toàn sụp đổ Nhưng chính sự sụp đổ tinh thần này mới là đáng sợ hơn, làm rung động lòng người hơn cả những cuộc đại chiến đầu rơi máu đổ. Hẳn nhiên là mỗi người có thể có những lý giải khác nhau về sự sụp đổ tinh thần của Hoa Thiết Cán. Một trong những lý giải hợp lý đó là, Hoa Thiết Cán cuối cùng hạ vũ khí, thúc thủ qui hàng là do trong sát-na tinh thần thất tán, không làm chủ được chính mình. Lý giải hợp lý thứ hai có thể là, Hoa Thiết Cán trong lúc đối diện với bước ngoặt sống chết lại phải chịu thêm những thách thức tâm lý, cuối cùng đã bộc lộ hoàn toàn bản chất tham sống sợ chết của y. Sở dĩ có lý giải thứ hai là do so sánh với trường hợp của Thủy Đại. Trong cùng một hoàn cảnh, Thủy Đại mặc dù bị gãy cả hai chân, nhưng tinh thần không bị tổn thương, ý chí chiến đấu không lay chuyển, thà chết nhất định không khuất phục. Hoa Thiết Cán thì ngược lại, thân thể toàn vẹn mà ý chí chiến đấu lại tổn thất, ý tưởng ham sống sợ chết hoàn toàn chiếm ngự đầu óc không còn sáng suốt của y. Cử chỉ ham sống của y không những tương phản với thái độ không sợ chết của Thủy Đại mà còn dẫn đến kết quả là, Hoa Thiết Cán tuy đã từng ngang dọc giang hồ, đã từng trải qua đủ loại trận mạc sống chết, nhưng đúng cho đến khi phải trải qua bước ngoặt khảo nghiệm sống chết, cuối cùng y lại để lộ ra chỗ bạc nhược trong ý chí của mình, từ đây làm thay đổi cả cuộc đời và thân phận của mình, tự làm cho bản thân không còn có thể so sánh được với Thủy Đại xưa nay cùng nức tiếng giang hồ như nhau. Với thủ pháp có đổi mới, trong quyển sách này tác giả đã ra công khắc họa sâu sắc thực tế của đời sống. Sự sụp đổ tinh thần của Hoa Thiết Cán nói cho cùng cũng chính là nhược điểm nhân loại, bởi vì trên thế gian này, đã đành là có những người anh hùng xem cái chết nhẹ như lông hồng, nhưng thực tế tuyệt đại đa số nhân loại đều có chung một đặc trưng là vô cùng sợ cái chết. Cho nên, những biểu hiện hèn yếu của Hoa Thiết Cán chẳng qua là để thuyết minh y tuy là đại hiệp nhưng cũng vẫn chỉ là một con người bình thường mà thôi. Điều muốn được nêu bật ở đây là không phải tất cả danh tiếng đều đúng với thực tế, càng không phải tất cả mọi người trong võ lâm đều có thể luôn luôn không bao giờ do dự tiếc nuối mạng sống của mình. Cho dù Hoa Thiết Cán trong bước ngoặt sống chết đã đánh mất ý chí chiến đấu, lộ rõ bản chất phàm nhân tham sống sợ chết của y, nhưng không vì vậy mà tác giả lại cho rằng danh tiếng của đại hiệp Hoa Thiết Cán trước đây đều chỉ là hư giả, cũng như Giang Nam Tứ Hiệp đều chỉ là mượn danh phỉnh đời, mà thân phận của họ giờ đây thực như "nước chảy hoa rơi". Sách có viết "Cho dù trong bản chất của y thực sự cũng có chút tàn nhẫn ngấm ngầm, nhưng suốt một đời hành hiệp trượng nghĩa y chưa từng làm một việc gian ác nào, nếu không sao có thể cùng tam hiệp Lục, Lưu, Thủy tương giao hằng mấy chục năm, tình như huynh đệ?" (XemLiên thành quyết). Điều này trên thực tế cũng cho thấy rằng tứ đại hiệp Lục, Hoa, Lưu, Thủy đã từng là những anh hùng chân chính trong nhân gian, chẳng qua sau cái chết của tam hiệp Lục, Lưu, Thủy, còn lại một mình Hoa Thiết Cán giờ đây chỉ coi như là sống tạm, những năm cuối đời không đáng để nói đến nữa.

II

Kẻ còn ở lại sống tạm cõi nhân gian Hoa Thiết Cán này trong thoáng chốc đã đổi thay tính cách, làm đổi thay luôn cả diện mạo xưa nay. Sách có giải thích: "Hôm nay trong phút giây ngộ sát nghĩa đệ Lưu Thừa Phong, tâm thần y bị chấn động lớn, hào khí bình sinh trong chốc lát tan biến, lại bị Huyết Đao Tăng làm nhục, bao nhiêu ý nghĩ thô bỉ xấu xa bấy nhiêu năm đè nén tận đáy lòng đột nhiên trỗi dậy, chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ đủ biến y thành một người hoàn toàn khác trước (Xem Liên thành quyết). Thế là, Hoa Thiết Cán trượng nghĩa giang hồ ngày nào nay biến thành một kẻ độc ác vô liêm sỉ, và đây mới chính là thủ bút thực sự gây kinh ngạc nhiều nhất trong cuốn sách. Sự thay đổi của Hoa Thiết Cán ở đây thực sự là một sự đột biến, bởi vì sau khi đánh mất ý chí chiến đấu, tự động hạ vũ khí đầu hàng, sau khi bị Huyết Đao Tăng điểm trúng huyệt "Linh Đài" không lâu thì y phát hiện Thủy Đại nói quả không sai, lão ác tăng này quả nhiên chân khí suy kiệt, lúc nãy nếu xuất chiêu thì đã có thể kết liễu mạng sống lão rồi. Sự phát hiện này khiến hối hận không nguôi về những gì mình đã làm, y nghĩ rằng: "Mình đã thành danh Trung Nguyên Đại hiệp suốt mấy chục năm, mà lại quì gối cầu xin kẻ thù gian ác không thể tha thứ như vậy, hạng tham sống sợ chết, độc ác vô sỉ như mình thật không còn chốn dung thân nữa". (Xem Liên thành quyết). Điều thúc đẩy biến đổi tâm lý Hoa Thiết Cán, hủy hoại sức mạnh nơi nhân cách y phút trước là do dục vọng cầu sinh của y trong lúc tâm thần u mê, còn phút sau là do cảm giác không chốn dung thân, sau khi y tỉnh ngộ. Trong phút cầu sinh, y không tự chế ngự được mình; sau khi tỉnh ngộ, y mới vì cảm thấy mình không còn chốn dung thân mà tâm lý thực sự bắt đầu xoay chuyển, nghĩ rằng danh tiếng anh hùng cả đời mình cuối cùng trôi theo nước chảy, y cảm thấy bất an và không có cách nào lấy lại lòng tự tin. Người phương Tây có nói, đường lên thiên đàng thì từng bước gian nan, còn đường xuống địa ngục lại dễ như đi thang trượt. Phút trước không chế ngự được mình, phút sau không thể tự tin vào chính mình, không còn chốn dung thân, Hoa Thiết Cán từ đây chỉ còn cách đã sai cho sai luôn. Thế là những dục vọng và ác niệm kìm nén bấy lâu được dịp bộc phát, làm thay đổi con người y đến tận gốc rễ. Nếu như y biết rằng, nỗi sợ chết của con người kỳ thực không phải là một nhược điểm xấu xa mà chỉ là một đặc điểm thường tình; nếu như bên cạnh y có một bác sĩ tâm lý kịp thời giảng giải, khuyên bảo, nói với y rằng cái lúc y hạ vũ khí cầu xin được sống chẳng qua là vì trong sát na tâm thần thất thường, lại bị Huyết Đao Tăng thừa cơ thôi miên, chứ không phải là do y xấu xa vô liêm sĩ, do vậy y cũng không phải lâm vào cảnh ngộ "không chốn dung thân"; nếu như y biết rằng hành vi của y sẽ được người đời lượng thứ, sẽ không ảnh hưởng đến danh tiếng anh hùng của y, có lẽ tâm lý y đã không bị biến thái, hành vi của y cũng sẽ không đến nỗi bất thường như vậy. Nhưng vấn đề là trong đời sống thì lại không có đủ các giả thiết đó. Trong truyền thống văn hóa và các quan niệm về giá trị nơi HoaThiết Cán từ trước đến nay chưa bao giờ có sự hiểu biết và lòng khoan dung độ lượng thực sự đối với các nhược điểm của con người. Truyền thống văn hóa này xưa nay vẫn xem bản năng ham sống là một minh chứng cho sự sa đọa về mặt đạo đức của con người, thậm chí những trường hợp bất đắc dĩ bị bắt làm tù binh trong chiến tranh cũng bị gọi là phản bội xấu xa. Cho nên càng không thể có việc biện hộ cho hành vi của một kẻ cầu xin được sống vì lý do tâm thần thất thường vừa lại bị thôi miên. Thế là trong cuộc đời này Hoa Thiết Cán chỉ còn có thể thấy rằng mình không còn chốn dung thân. Sau khi bị nỗi sợ chết đánh gục, một lần nữa y lại bị đánh gục bởi cảm giác không chốn dung thân. Sự thoái hóa biến chất nhanh chóng của Hoa Thiết Cán nếu không phải là do bẩm chất trời sinh của y thì chính là do những áp lực nặng nề và gay gắt của đạo đức truyền thống cố hữu nơi y. Nhưng trong khi trải qua bước ngoặt sống chết mà vẫn giữ vững các quan niệm về văn hóa đạo đức cũng là một thách thức cực độ đối với Hoa Thiết Cán, bởi sự giới hạn và khiếm khuyết của các quan niệm này không những không giúp gì được cho y mà lại còn trở nên một trở ngại lớn đối với y. Do vậy, có thể nói sự đột biến về tính cách của Hoa Thiết Cán có bao hàm trong đó ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Chỉ một ý niệm sai lệch trong bước ngoặt sống chết đã biến Hoa Thiết Cán thành một con người khác hẳn, điều này không những cho thấy cốt lõi sâu xa bí ẩn huyền diệu trong tâm lý và tính cách của y mà còn chứng minh sự phức tạp trong tâm lý con người. Giang Nam đại hiệp chính trực Hoa Thiết Cán lại cũng là một tên tiểu nhân hèn hạ, tất cả đều do hoàn cảnh và tâm lý biến đổi mà thành. Hoa Thiết Cán không phải là Thánh nhân cũng không phải là quỷ dữ. Sự biến đổi tính cách nơi y cũng chỉ để nói lên hai mặt cao quý và đớn hèn luôn tồn tại đồng thời trong mỗi con người trên thế gian. Tuy vậy Hoa Thiết Cán không chốn dung thân về mặt tâm lý vẫn không ngừng tìm kiếm nơi trú thân cho mình. Thực ra tất cả những gì y đã làm đều xuất phát từ bản năng của y với hai lý do, thứ nhất là để bảo toàn tính mạng, thứ hai là để bảo toàn danh tiếng. Chính vào lúc y bị điểm huyệt, Huyết Đao Tăng sống chết chưa rõ, Địch Vân bạn thù bất phân, việc quan trọng y phải làm là lấy lòng Địch Vân, khiến cho gã không có lý do làm hại y. Đầu tiên y cho rằng Địch Vân tham hoa háo sắc, định dâng Thủy Sênh cho gã, nhưng sau đó phát hiện Địch Vân dường như không phải loại dâm tăng, y bèn đổi giọng: "Địch đại hiệp lần này đã giết chết Huyết Đao ác tăng, nhất định là vang danh thiên hạ. Sau khi ra khỏi hang tuyết này, việc thứ nhất ta muốn làm là tuyên dương công trạng của đại hiệp ngày hôm nay đã hăng hái quên mình cứu viện Thủy cô nương, giết chết Huyết Đao tăng, thực là một đại sự bậc nhất trong võ lâm vậy." (Xem Liênthành quyết). Dựa theo kinh nghiệm và tham muốn sâu sắc nhất trong nội tâm của y, y cho rằng những lời lẽ như vậy - nhất định có thể làm lay động Địch Vân, bởi phàm đã là con người thì ai lại không háo sắc? Mà nếu như không háo sắc thì nhất định sẽ háo danh! Tiếc một điều là không như y vẫn tưởng, gã Địch Vân này đã không háo sắc lại cũng chẳng háo danh. Giá như Địch Vân háo sắc hoặc háo danh thì Hoa Thiết Cán có lẽ đã có thêm được bạn đồng hành để cùng nương nhờ, che chở và cổ xúy cho nhau, an tâm hành hiệp trong võ lâm. Nhưng không hiểu vì sao Địch Vân cũng chẳng tỏ ra tha thiết gì với lời đề nghị cất nhắc của y. Sau khi các huyệt được thông suốt trở lại, việc đầu tiên y muốn làm là thủ tiêu Địch Vân, thủ tiêu nhân chứng của những việc làm xấu xa đê tiện của mình, cũng như nhờ vậy mà lại được tiếng tốt là một đại hiệp có công thanh trừ dâm tà yêu tăng! Thực không ngờ, một đại hiệp võ công thâm hậu như Hoa Thiết Cán lại không giết nổi tay võ công sơ đẳng Địch Vân. Cho nên y chỉ còn cách thực thi chiêu cuối cùng, đó là vào ngày băng tuyết tan đi nơi hang tuyết, khi mà tất cả anh hùng trong thiên hạ tụ tập đến nơi đây, y bèn tung tin Địch Vân và Thủy Sênh tư thông với nhau, làm ầm ĩ lên như là chuyện có thật, làm cho Địch Vân và Thủy Sênh không còn dám nhìn mặt ai, cũng như mọi người không ai còn tin tưởng vào hai kẻ này nữa. Như vậy chúng sẽ không còn cơ hội tiết lộ bí mật về những việc làm xấu xa của y, vì cho dù có nói, cũng không ai tin. Thế là Hoa Đại Hiệp vẫn là Hoa Đại Hiệp, Tiểu dâm tăng vẫn là Tiểu dâm tăng, chúng sinh thiên hạ chỉ nhìn mọi sự theo bề ngoài, ai lại phí công đi tìm hiểu đâu là thật đâu là giả? Hoa Thiết Cán đường đường là một đại hiệp, có ngờ đâu cuối cùng lại trở nên xấu xa hèn hạ đến như vậy Để bảo toàn mạng sống, y có thể ăn tươi thi thể huynh đệ kết nghĩa. Để bảo toàn danh tiếng, y lại có thể ngang nhiên tung tin xằng bậy làm khuynh đảo trắng đen. Thế mới biết bản năng tính của con người có thể yếu nhược đến như vậy và cũng có thể thay đổi đến như vậy. Giờ đây nhớ lại phong cách diện mạo đạo đức của Giang Nam Tứ hiệp xưa kia, thật không ai không khỏi rùng mình thở dài. Đặc biệt khi xem đến đoạn Hoa Thiết Cán công nhiên gia nhập đội ngũ điên cuồng cướp bóc tài sản của tổ tiên truyền lại người ta thậm chí còn không thể phân biệt được đâu là trạng thái bệnh hoạn đâu chân tướng bản chất.


TRẦN MẶC – TRUNG QUỐC

BÀN VỀ CÁC NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT KIM DUNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét