Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

HẠ TUYẾT NCHI Âm hồn không tán


Kim Xà Lang Quân Hạ Tuyết Nghi là cha của Hạ Thanh Thanh, nếu không chết, thì Viên Thừa Chí phải gọi ông ta là nhạc phụ; dẫu chết rồi, cũng coi như là một nửa sư phụ của Viên Thừa Chí. Lý thú là ở chỗ, trong bộ tiểu thuyết Bích huyết kiếm của Kim Dung, nhân vật từ đầu chí cuối không xuất hiện chính diện, lại cứ thấp thoáng hình bóng ở khắp mọi nơi, không tách rời vận mệnh của nhiều nhân vật quan trọng trong sách. Tôi đoán Kim Dung tiên sinh từn gmê tiểu thuyết "Jane Eyre" của nữ văn sĩ người Anh Charlot Bronti, nếu không trong mấy cuốn tiểu thuyết như Bích huyết kiếm, Tuyết sơn phí hồ đã chẳng chuyên chọn người đã chết làm nhân vật chính, tức là thử nghiệm tự thuật đối với "người vắng mặt". Lối thử nghiệm này có một đặc điểm nổi bật, là trong hồi ức của các nhân vật khác nhau, hình tượng Kim Xà Lang Quân hiện ra dưới nhiều góc độ khác nhau. Trong ký ức của bang chủ bang Kim Long Tiêu Công Lễ Ở Nam Kinh, Kim Xà Lang Quân là một bậc đại hiệp, luôn cứu người, chủ trì lẽ công bằng. Còn theo lời kể của con em nhà họ Ôn ở Thạch Lương, Chiết Giang, thì Hạ Tuyết Nghi là một tên đại ma vương tàn ác, giết người như ngóe. Trong đáy lòng Ôn Nghi, mẹ của Hạ Thanh Thanh, thì Hạ Tuyết Nghi là người yêu có tình có nghĩa, đáng mãi mãi thương nhớ. Từ lời Hà Hồng Dược của Ngũ độc giáo Ở Vân Nam, thì Kim Xà Lang Quân rõ ràng là một tên đại bịp vô tình vô nghĩa. Theo lời đồn trên giang hồ, chưởng môn phái Hoa Sơn Mục Nhân Thanh cho rằng Hạ Tuyết Nghi là một nhân vật tà môn tùy hứng; còn trong tưởng tượng của đám hậu bối Hạ Thanh Thanh, Viên Thừa Chí, thì Hạ Tuyết Nghi chủ yếu là một anh hùng cái thế cô đơn hiệp nghĩa. Hình ảnh Hạ Tuyết Nghi giống như một cái gương bị đập vỡ thành nhiều mảnh, trong ký ức vàấn tượng của nhiều người trên thế gian, các mảnh gương ấy có góc độ khác nhau, quang tuyến khác nhau, tầng nấc khác nhau, nên hình ảnh rất khác nhau.

I

Độc giả đọc bộ sách này nếu đứng trên lập trường tương đối khách quan, chịu khó thu nhặt và gắn lại các mảnh gương vỡ ấy, thì sẽ có được hình tượng khá hoàn chỉnh nhưng đầy mâu thuẫn về Hạ Tuyết Nghi. Người này quả là một nhân vật mâu thuẫn điển hình, vừachính vừa tà, chợt chính chợt tà; đã làm những việc rất tốt, lại cũng làm những việc rất xấu, có lúc lý tính sáng suốt, có khi cảm tính xốc nổi. Tác giả dành cho nhân vật này ngoại hiệu "Kim Xà Lang Quân" là đã phần nào cung cấp tư liệu để ta hiểu nhân vật này: ông ta vừa là "Kim Xà", loại rắn độc đáng sợ, vừa là “Lang Quân", - hào hoa hiệp nghĩa. Trong tiểu thuyết của Kim Dung, đây là sự xuất hiện sớm nhất một nhân vật đặc biệt, vượt lên trên quan niệm truyền thống về chính tà, cũng vượt lên trên hệ thống bang phái, vượt cả loại hình tính cách của nhân vật võ hiệp, hành sự đơn thuần theo lập trường yêu ghét của cá nhân. Vì là hình ảnh trong mảnh gương vỡ, nên đối với mâu thuẫn cá tính của nhân vật này, chúng ta phải dùng lý trí của mình để điều giải và bù đắp, đối với hình tượng nhân vật thiếu trọn vẹn này, ta phải dùng trí tưởng tượng bổ sung và kích hoạt. Mà để đi sâu lý giải nhân vật, ta còn phải thay đổi góc độ quan sát của mình, đồng thời điều chỉnh tiêu chuẩn đánh giá của mình nữa. Chúng ta hãy hình dung, dưới con mắt một vị cao tăng đắc đạo thời xưa, Kim Xà Lang Quân Hạ Tuyết Nghi là một đối tượng chưa đáng được thông cảm và thương xót; còn dưới con mắt một chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần hiện đại, thì Hạ Tuyết Nghi rõ ràng là một bệnh nhân tâm thần do bị kích động mạnh về tinh thần mà tâm lý thất thường. Cũng chỉ xem xét từ góc độ ấy, chúng ta mới có thể nhận thức hoặc lý giải thật sự Hạ Tuyết Nghi là một người như thế nào. Ngoại hiệu Kim Xà Lang Quân nhiều năm về sau mới có, Hạ Tuyết Nghi hoàn toàn không phải sinh ra đã tàn bạo như rắn độc, dĩ nhiên cũng không phải sinh ra đã là người hiệp nghĩa. Điều quyết định tính cách và số phận Hạ Tuyết Nghi là biến cố khủng khiếp một đêm nọ, khi toàn bộ thân nhân của Hạ Tuyết Nghi bị giết hại thê thảm. Kẻ sát nhân là lục đệ Ôn Phương Lộc, một trong Ngũ lão nhà họ Ôn. Nguyên nhân sát hại là Ôn Phương Lộc cưỡng dâm người chị gái của Hạ Tuyết Nghi, bị gia đình nhà này phát hiện, hắn bèn giết luôn một lúc cha mẹ anh chị em cả thảy năm người ! Vụ này do người cháu của Ôn Phương Lộc là Ôn Nam Dương kể lại, tính chân thực không có gì phải nghi ngờ, bởi vì Ôn Nam Dương chỉ có thể đứng về phía nhà họ Ôn khi thuật lại chuyện kia. Ôn Nam Dương không kể Hạ Tuyết Nghi vì sao lại thoát chết, cũng không nói lúc ấy Hạ Tuyết Nghi có mặt tại chỗ và chứng kiến thảm cảnh đó hay không. Ôn Nam Dương dĩ nhiên không thể tưởng tượng, nếu Hạ Tuyết Nghi nhìn thấy cảnh đó thì sẽ kinh hoàng như thế nào, cũng không thể tưởng tượng thảm cảnh đó có ảnh hưởng ghê gớm thế nào tới tâm linh của Hạ Tuyết Nghi. Là người ngoài quan sát, chúng ta dễ hình dung rằng bắt đầu từ thời khắc đó, nỗi kinh hoàng và sự thù hận đã khiến cho chàng thiếu niên Hạ Tuyết Nghi rơi vào trạng thái tinh thần thất thường như thế nào. Cái kế hoạch báo thù ăn miếng trả miếng, lấy máu trả nợ máu gấp mười lần hơn của Hạ Tuyết Nghi và việc thực hiện cụ thể kế hoạch ấy hiển nhiên là sản phẩm của việc mất lý trí và điên cuồng về tinh thần. Trong tâm trạng điên cuồng đó, Hạ Tuyết Nghi không từ bất cứ thủ đoạn nào miễn là có thể báo thù, từ đó chàng dần dần trở thành kẻ lạnh lùng vô tình. Để đạt mục đích báo thù, dĩ nhiên chàng sẽ gắng sức vượt qua mọi gian khổ sẵn sàng hi sinh tất cả, tất nhiên cũng sẵn sàng liên minh ma quỉ với bất cứ ai. Khi đó sắc đẹp hơn hớn của Hà Hồng Dược, em gái của giáo chủ Ngũ độc giáo Vân Nam, chẳng có ý nghĩa gì đối với chàng, tình yêu nồng cháy của của Hà Hồng Dược cũng không thể hóa giải hận thù đang nung nấu trong lòng chàng. Khi chàng phát hiện Hà Hồng Dược có chìa khóa mở cửa nhà bảo tàng của Ngũ độc giáo, có thể giúp chàng lấy được báu vật Kim Xà kiếm của Ngũ độc giáo để hoàn thành kế hoạch báo thù của chàng, đương nhiên chàng sẽ lợi dụng tình cảm của đối phương, đáp ứng ý muốn của đối phương, để đạt tới mục đích của mình. Lúc này ý nghĩ duy nhất của Hạ Tuyết Nghi là báo thù, thậm chí báo thù là mục đích và động lực duy nhất của cuộc sống qua ngày đoạn tháng bây giờ. Ngoài việc báo thù ra, chàng không còn muốn gì khác; cũng chính vì thế chúng tôi nói, Hạ Tuyết Nghi hoàn toàn rơi vào trạng thái tâm lý không bình thường. Lúc này chàng không thể nghĩ rằng chàng mắc nợ Hà Hồng Dược một món nợ gì hết. Con người bất chấp hết thảy để báo thù này về sau lại trở thành đối tượng báo thù của Hà Hồng Dược.

II

Nhìn bề ngoài, chuyện báo thù của Hạ Tuyết Nghi là một câu chuyện võ hiệp điển hình: máu đỏ khắp nhà, chỉ còn một người sống sót, quyết tâm học võ nghệ, nuôi chí báo thù. Nhưng dưới ngòi bút Kim Dung, chuyện báo thù của Hạ Tuyết Nghi có mấy điểm khác hẳn chuyện báo thù trong tiểu thuyết võ hiệp. Thứ nhất, tác giả không hề đơn giản hóa chuyện báo thù của Hạ Tuyết Nghi, không coi hành vi báo thù của Hạ Tuyết Nghi là hành vi chính nghĩa, càng không coi người báo thù (HạTuyết Nghi) là hiện thân của chính nghĩa. Ngược lại, thông qua hồi ức và tự thuật của Ôn Nam Dương, chúng ta thấy hành động của Ôn Phương Lộc sát hại cả nhà Hạ Tuyết Nghi cố nhiên là tàn bạo bất nhân, song việc Hạ Tuyết Nghi bất chấp đổ máu nhân mạng đế báo thù cũng làm cho người ta lên án. Điều Hạ Tuyết Nghi thực hiện không phải là câu chuyện huyền thoại về sự báo thù, mà rõ ràng là một tội ác; bản thân Hạ Tuyết Nghi cũng không phải là một anh hùng báo thù với bất kỳ ý nghĩa nào cả, mà chỉ là một kẻ báo thù điên cuồng. Cái khác thứ hai là, tác giả cũng không đơn giản hóa hình tượng Hạ Tuyết Nghi thành một hình tượng phản diện, mà vô tình hay cố ý miêu tả hành động báo thù của Hạ Tuyết Nghi là trạng thái tâm lý không bình thường. Nói cách khác, tác giả đã dứt khoát phê phán đạo đức đối với hành động báo thù của Hạ Tuyết Nghi,song không diễn dịch đạo đức một cách đơn giản đối với toàn bộ hình tượng cá nhân này..Chứng cứ là, sau khi thực hiện hành động báo thù tàn khốc ở nhà họ Ôn, Hạ Tuyết Nghi lại xuất hiện trên giang hồ với một hình ảnh khác hẳn. Trong quá trình xử lý vụ xung đột giữa Tiêu Công Lễ với Mẫn Tử Diệp, hành động của Hạ Tuyết Nghi lại quả thực là của một bậc đại hiệp cao cả bậc nhất. Nói cách khác, hình tượng Hạ Tuyết Nghi trong việc báo thù thì tỏ ra là tà hành, còn trong việc khác thì lại là chính phái. Hơn nữa, hễ là chuyện báo thù, thì Hạ Tuyết Nghi rõ ràng ớ tâm trạng bệnh hoạn điên cuồng; ngoài ra thì tâm trí chẳng những bình thường, mà còn chủ động hành hiệp trượng nghĩa. Ta dễ suy ra rằng giả dụ không có mối huyết hải thâm cừu, thì tính cách, tâm linh và số phận của Hạ Tuyết Nghi đã khác hẳn. Điểm khác nhau thứ ba, việc báo thù chỉ dừng lại đối với nhà họ Ôn, báo thù xong, tính cách và số phận của Hạ Tuyết Nghi có bước chuyển biến rất mạnh. Điều này chứng tỏ Hạ Tuyết Nghi chưa điên cuồng đến mức hết bề cứu vãn. Sự điên cuồng của chàng là có giới hạn. Nguyên nhân ngừng việc báo thù rất đơn giản : chàng cướp được Ôn Nghi là con gái của Ôn Phương Sơn, theo kế hoạch là cưỡng dâm rồi sẽ giết, song cuối cùng lại không nỡ hạ thủ. Chẳng những không nỡ hạ thủ, mà còn thương xót cho nàng, tìm cách làm cho nàng hết kinh hoàng và oán hận. Chàng từ bỏ ý định ban đầu, tìm quần áo, đồ trang sức, tìm gà con, mèo con, rùa con mang đến cho nàng, cuối cùng giành được cảm tình của mỹ nhân lúc nào không biết. Ngược lại, một chút quan hoài hiền dịu của Ôn Nghi đối với chàng đủ khiến cho tâm hồn nguội lạnh của chàng bắt đầu chuyển biến, cuối cùng thành tình yêu đằm thắm giữa đôi bên với nhau. Cái nhân duyên kỳ dị này có thể nói là do số phận, đúng hơn thì nói là nàng Ôn Nghi dịu hiền thuần khiết đã hóa giải bệnh điên rồ của chàng; đúng hơn nữa thì nói là trong lòng Hạ Tuyết Nghi vốn có cái gốc lương tri hoặc có hạt giống lòng nhân đạo, được tưới nước mắt và được sưởi ấm bằng nụ cười của Ôn Nghi, hạt giống ấy đã nảy mầm. Tâm linh của chàng bị chí báo thù làm vỡ thành nhiều mảnh, nay nhờ tình yêu của Ôn Nghi bắt đầu gắn kết lành trở lại, từ đây Hạ Tuyết Nghi đổi mới thành một người khác hẳn. Song tuy nói tính cách là số phận, nhưng tính cách của một cá nhân rốt cuộc không thể quyết định toàn bộ số phận của người đó. Tuy Hạ Tuyết Nghi đã thành tâm vứt bỏ thanh đao sát nhân, dập tắt lửa báo thù nung náu tâm can, nhưng chàng lại không thể xóa được lòng oán hận vô tận của Ngũ lão họ Ôn. Ngũ lão họ Ôn không thể dùng đao kiếm đánh bại nổi Hạ Tuyết Nghi, họ bèn đổi sang dùng âm mưu quỉ kế, không chỉ bắt sống Hạ Tuyết Nghi, mà còn cắt gân tay, gân chân của chàng, biến chàng thành một kẻ tàn phế. Đây không chỉ là sự hành hạ Hạ Tuyết Nghi về mặt thể xác, mà còn khoét sâu vết thương tâm linh của chàng, khiến không bao giờ lành được nữa. Hạ Tuyết Nghi trở thành kẻ tàn phế cả về thể xác, lẫn tinh thần. Tuy cuối cùng Hạ Tuyết Nghi cũng thoát khỏi tay Ngũ lão họ Ôn, nhưng đúng như Ôn Nghi nhận xét : "Chàng là người tâm cao khí ngạo, không đau mà chết thì cũng tức mà chết ...". (Xem Bích huyết kiếm). Hà Hồng Dược đến cứu Hạ Tuyết Nghi thoát khỏi tay Ngũ lão họ Ôn, nhưng không lâu sau phát hiện Hạ Tuyết Nghi có tình duyên khác, bèn tiến hành trừng phạt chàng khiến chàng thà chết đi còn hơn. Sau khi thoát khỏi tay Ngũ lão họ Ôn, cuộc sống của Hạ Tuyết Nghi có một khoảng trống dài. Cái chết của chàng cũng chỉ lưu lại không gian rộng lớn cho người ta dự đoán và tưởng tượng. Tác giả không nói, Ôn Nghi, Hà Hồng Dược cũng không thể nói, vào giai đoạn cuối cùng của cuộc đời của Hạ Tuyết Nghi có vết thương tâm linh như thế nào, bị tâm thần phân liệt và tâm trạng đau khổ ra sao. Chỉ có Viên Thừa Chí phát hiện trong nhà mộ của Hạ Tuyết Nghi dấu vết cuối cùng của tâm linh ông. Qua chiếc hộp giấu kinh và bí kíp được bố trí cực kỳ tinh vi, chúng ta có thể thấy Hạ Tuyết Nghi nghi ngờ và hi vọng gì ở người đến sau; còn qua cách mai táng hài cốt và tự hạ độc hài cốt của mình, chúng ta lại thấy Hạ Tuyết Nghi vừa kinh sợ vừa phẫn uất, vừa nguyền rủa vừa lưu luyến thế gian như thế nào. Thông tin cuối cùng mà Hạ Tuyết Nghi để lại chứa đầy mâu thuẫn, phân liệt, thác loạn. Môn võ công tà môn âm độc, cực kỳ xảo trí, vô cùng kỳ dị; lưu lại trong Kim Xà bí kíp có thể coi là mảnh vỡ tinh thần cuối cùng hoặc di ngôn của Hạ Tuyết Nghi.

III

Nói đến di ngôn của Hạ Tuyết Nghi, chúng ta không thể không nói đến mấy dòng chữ ghi phía sau "Trọng bảo chi đồ". Một dòng viết : "Người có được vật này, nhờ mang đến Thạch Lương, Cù Châu, Chiết Giang, tìm nữ tử Ôn Nghi, tặng người ấy mười vạn lạng vàng ‘'.Dòng khác viết : "Lúc này thu thập hết báu vật trong thiên hạ cũng không đổi được nửa ngày chụm đầu bên nhau. Coi trọng của cải mà coi nhẹ sự biệt ly là ngu hết chỗ nói, hối cũng chẳng kịp!" (Xem Bích huyết kiếm). Dòng trên rõ ràng chứng minh hùng hồn tình yêu sâu nặng của Hạ Tuyết Nghi đối với Ôn Nghi. Dòng dưới, rõ ràng là cảm ngộ nhân sinh vào giây phút cuối cùng cuộc đời chàng, cũng là niềm ân hận, nuối tiếc cuối cùng của đời chàng. Nếu nói số phận của Hạ Tuyết Nghi bị hành động tàn ác của Ôn Phương Lộc và sự tham tàn của Ngũ lão họ Ôn viết lại hai lần thì tính cách và quá trình tâm lý của chàng bị ý muốn báo thù và ham muốn giàu có bẻ quẹo đi hai phen. Lần thứ nhất, Hạ Tuyết Nghi được Ôn Nghi cứu ra; lần thứ hai thì được cái chết làm cho tỉnh ngộ. Đáng chú ý là, tuy được cái chết làm cho tỉnh ngộ, rằng thu thập hết báu vật trong thiên hạ cũng không đổi được nửa ngày sống chân tình bên nhau, vậy mà Hạ Tuyết Nghi vẫn cứ nhờ người tìm nữ tử Ôn Nghi, tặng nàng mười vạn lạng vàng! Điều này chứng tỏ đến giờ phút cuối cùng quan niệm giá trị của Kim Xà Lang Quân Hạ Tuyết Nghi vẫn đầy mâu thuẫn : một mặt nhận thức báu vật trong thiên hạ cũng không bằng nửa ngày sống có tình; mặt khác lại hi vọng dùng mười vạn lạng vàng bày tỏ sự chung tình của mình với nàng Ôn Nghi. Có lẽ hoàn toàn không phải Hạ Tuyết Nghi không hiểu được rằng không có chàng, cuộc sống của Ôn Nghi sẽ vĩnh viễn tàn khuyết; mà là lúc gần đất xa trời, chàng không thể nghĩ ra cách gì biểu đạt thâm tình. Cũng may là cuối cùng Ôn Nghi không nhận được mười vạn lạng vàng, song dù có nhận được, thì số vàng ấy cũng không có giá trị bằng bản thân một lời nhắn gửi cuối cùng ấy của Hạ Tuyết Nghi. Tóm lại, cuộc sống và tâm linh của Hạ Tuyết Nghi bị viết lại một cách sai trái mấy lần, mỗi lần viết sai đều truyền đạt ý tưởng về sự cứu rỗi và sự sống mới. Hai lần thế giới tâm linh của Hạ Tuyết Nghi bị đập vỡ, song mỗi mảnh vỡ đều có giá trị mỹ học và triết học còn hơn cả chỉnh thể. Kể ra thì trước sau con người này cũng chỉ là một hình bóng thấp thoáng, thực tế thì Hạ Thanh Thanh và Viên Thừa Chí mới chính là truyền nhân về huyết thống và võ nghệ của Hạ Tuyết Nghi. Mỗi mảnh vỡ tinh thần của Hạ Tuyết Nghi đều được hậu nhân của chàng thâu tàng, có điều đấy là chuyện mới, cần phải được tìm hiểu riêng.

BÀN VỀ CÁC NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT KIM DUNG

TRẦN MẶC – TRUNG QUỐC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét