Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

Giải Nobel y sinh học: Nhìn lại quãng đường 100 năm

InEmail
http://upload.wikimedia.org/wikipedia/en/e/ed/Nobel_Prize.pngNgày hôm qua, Hàn lâm viện Thụy Điển, theo thông lệ hàng năm, vừa công bố danh sách các nhà khoa học được trao giải Nobel về sinh lí học hay y học (physiology or medicine), mà trong bài viết này sẽ được đề cập ngắn gọn là “y sinh học”. Giải Nobel y sinh học năm 2011 được trao cho hai khám phá liên quan đến hệ miễn dịch. Gs Beutler (Mĩ) và Hoffmann (Pháp) được ghi nhận vì khám phá liên quan đến sự kích hoạt của hệ thống miễn dịch bẩm sinh hay nội miễn dịch (innate immunity). Phân nửa giải được trao cho Gs Steinmann vì khám phá liên quan đến hệ miễn dịch đáp ứng (adaptive immunity). Những khám phá này được đánh giá là đã mở ra nhiều xu hướng trong việc phát triển các liệu pháp điều trị và phòng chống các bệnh nhiễm, ung thư, và bệnh viêm.

Có vài điều đáng chú ý trong giải thưởng Nobel y sinh học kỳ này. Thứ nhất là khuynh hướng khoa học trong việc chọn và đánh giá công trình nghiên cứu để trao giải Nobel trong những năm gần đây nghiêng về các nghiên cứu tế miễn dịch học và sinh học phân tử (molecular biology). Do đó, có thể nói, giới nghiên cứu miễn dịch học “được mùa” trong thời gian gần đây.

Thứ hai là khuynh hướng trao giải Nobel cho một nhóm nhà khoa học hơn là cho một cá nhân. Năm nay, có ba nhà khoa học được giải. Năm ngoái cũng có ba nhà khoa học được giải. Thực ra, tính từ đầu thập niên 90s cho đến nay, mỗi năm thường có ít nhất là hai nhà khoa học được trao giải, trong khi thời gian trước đó giải thưởng thường chỉ trao cho một nhà khoa học.

Thứ ba là vấn đề trao giải cho người đã qua đời.Theo qui định lâu đời, giải Nobel không được trao cho người đã qua đời. Khi xét duyệt trao giải thì Giáo sư Steinman vẫn còn tại thế, nhưng khi giải thưởng được công bố hôm qua thì ông đã qua đời 3 ngày. Giải thích về tình huống “éo le” này, thư kí của Hội đồng Giải Nobel, Göran Hansson, cho biết rằng Hội đồng không bao giờ báo cho ứng viên hay người được trao giải biết trước quyết định trao giải. Ngoài ra, sau khi công bố ngày hôm qua, Hội đồng liên lạc với ông Steinman (nhưng dĩ nhiên là không được), sau đó họ gửi email và con gái của ông Steinman trả lời thì mới biết ông đã qua đời! Nhưng nếu trao giải cho Steinman thì Ủy ban giải Nobel sẽ khó giải thích quyết định của họ trong quá khứ (một số người đáng lẽ được giải nhưng vì đã qua đời nên không được giải).

Sau cùng, một lần nữa, sự vắng mặt của một nữ khoa học gia trong danh sách những người được giải Nobel chắc sẽ làm nhiều người đấu tranh cho bình đẳng giới tính trong khoa học không hài lòng. Quả vậy, ngày nay có khoảng 40% các nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực y sinh học là phụ nữ, nhưng số lượng nữ khoa học gia được trao giải thưởng cao quí như giải Nobel chỉ đếm đầu ngón tay. Những người tranh đấu cho bình đẳng giới tính phàn nàn rằng có tình trạng kì thị giới tính trong các giải thưởng, nhưng qua nhiều năm tình trạng này vẫn còn là một vấn đề tế nhị.

Để hiểu rõ ý nghĩa của những khía cạnh trên đây, bài viết này sẽ sơ lược về lịch sử và các thủ tục cũng như các tiêu chuẩn trong việc tuyển chọn, bình bầu, và trao giải Nobel trong vòng 100 năm qua.

Ngược dòng lịch sử

Người ký tên dưới đây, Alfred Bernhard Nobel, sau nhiều suy nghĩ và cân nhắc, tuyên bố những điều sau đây như những ý nguyện cuối cùng và như một bản di chúc sau cùng liên quan đến gia tài tôi để lại sau khi qua đời ...,” đó là những dòng chữ mở đầu bản di chúc cuối cùng của Nobel, một nhà khoa học và kỹ nghệ người Thụy Điển. Theo di chúc này, hàng năm, lãi suất của gia sản do Nobel để lại sẽ được chia làm năm phần để tặng cho những người đã có cống hiến lớn cho nhân loại trong năm vừa qua. Ông chọn ra 4 ngành khoa học để trao giải: vật lí, hóa học, văn chương, và các hoạt động cho mục tiêu hòa bình. Cũng theo di chúc đó, một trong những giải thưởng ông có ý dành cho những nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực sinh lí học hoặc y khoa. Sau này, giải thưởng về kinh tế học cũng được đưa vào hệ thống giải Nobel.

Sau khi được công bố, nhiều người phê phán khía cạnh pháp lí của bản di chúc. Có người cho rằng bản di chúc quá đơn giản, quá chung chung. Ngay cả trong gia đình của Nobel cũng có tranh cãi: một số người cháu của Nobel kiện nhau ra tòa và phải mất một thời gian khá lâu mới giải quyết xong cuộc tranh chấp.

Vai trò của Viện Karolinska và Ủy ban Nobel

Như nói rõ trong di chúc của Nobel, ông muốn Viện nghiên cứu Karolinska đứng ra tổ chức trao giải thưởng về y sinh học. Trong những năm đầu thế kỷ, công việc này do một nhóm giáo sư (gồm 19 người) thuộc Viện đảm nhiệm. Nhưng trong thực tế, một nhóm nhỏ gồm chỉ 3 thành viên đứng ra tuyển chọn và bình bầu các ứng viên. Một trong ba người này là Chủ tịch của Viện nghiên cứu Karolinska. Trong vòng 42 năm liền, giải Nobel về y sinh học chỉ do 3 người này tuyển chọn và trao giải. Đến năm 1960, người ta thấy việc tuyển chọn và bình bầu cần được cải cách, và theo đó, một ủy ban mới, gồm 61 giáo sư, ra đời để đảm nhận nhiệm vụ tuyển chọn, bình bầu, và trao giải. Ngoài ra, trong ủy ban này còn có thêm các nhân viên giảng dạy trong các trường đại học mà không nhất thiết phải mang hàm “giáo sư” (Professor), nhưng có thể là “Phó giáo sư” (Associate Professor), hay “Giảng sư” (Senior Lecturer). Do đó, ủy ban này có số nhân sự lên đến 200 thành viên. Với một nhóm người đông đảo như thế, vấn đề bất đồng ý kiến và tranh chấp là chuyện không thể tránh khỏi. Sau đó, một đạo luật ra đời bắt buộc ủy ban này phải công bố tất cả các văn thư liên quan đến việc tuyển chọn và bình bầu ứng cử viên cho công chúng biết, chứ không làm việc trong vòng bí mật như trước đây.

Nhưng sau một thời gian hoạt động, cách công bố này không đem lại hiệu quả như người ta mong muốn, nên đến năm 1977, Hội đồng Nobel (“The Nobel Assembly”) được thành lập và hoạt động cho đến nay. Hội đồng Nobel gồm có 50 đại biểu, tất cả đều mang hàm giáo sư, và không một ai hơn 65 tuổi. Hội đồng Nobel thành lập một Ủy ban Nobel (Nobel Committee), gồm có 5 người được tuyển chọn từ Hội đồng Nobel. Mỗi thành viên trong Ủy ban Nobel chỉ được quyền phục vụ trong vòng 3 năm. Trong thực tế, Hội đồng Nobel chỉ là một cơ quan đại diện, vì tất cả mọi việc tuyển chọn ứng viên đều do Ủy ban Nobel chịu trách nhiệm.

Thời điểm và quá trình tiến cử cũng như bình bầu giải Nobel y sinh học được duy trì trong suốt 100 năm qua. Hàng năm cứ đến tháng Chín, Ủy ban Nobel gửi thư đến khoảng 2500 đến 3000 nhà khoa học trên khắp thế giới để mời họ tiến cử người nên được trao giải Nobel. Thời hạn chót mà các nhà khoa học tiến cử là ngày 31 Tháng Giêng năm sau. Một khi đã lên danh sách những người được tiến cử, Ủy ban Nobel sẽ trao danh sách này cho một nhóm gồm 10 người (trong Hội đồng Nobel) để họ xem xét thêm. Sau đó, nhiều cuộc họp sẽ diễn ra giữa thành viên của Ủy ban Nobel và nhóm 10 người này để bàn thảo, đánh giá các công trình nghiên cứu của các ứng viên được đề cử. Đến tháng 10, Hội đồng Nobel (50 người) mới họp và bỏ phiếu cho từng ứng viên. Cố nhiên, ứng viên nào có nhiều phiếu nhất sẽ được giải năm đó.

Tiêu chuẩn tuyển chọn

Giải Nobel do Viện nghiên cứu y khoa Karolinska thường được gọi là Giải Nobel về y học, nhưng trong bản di chúc của Nobel thì ông chỉ đề cập đến sinh lí học hay y học (physiology or medicine). Sở dĩ có sự khác biệt nhỏ này là vì vào thời ông Nobel còn sống, sinh lí học được dùng để mô tả một bộ môn học mà ngày nay chúng ta có thể gọi chung là sinh vật học (biology). Cách diễn dịch “sinh lí học hay y học” tạo điều kiện dễ dàng cho ủy ban tuyển chọn và phát giải thưởng cho các nhà khoa học làm việc trong các bộ môn như lâm sàng, sinh vật học, công nghệ sinh học, v.v… Cho dù cách phân biệt và định nghĩa thế nào là sinh lí học, hay thế nào là y học sẽ còn trong vòng tranh luận trong vài thế kỷ tới, nhưng nhìn qua lĩnh vực nghiên cứu của các nhà khoa học từng được giải thưởng này trong vòng 100 năm qua cho thấy ủy ban tuyển chọn và trao giải Nobel tỏ ra khá “phóng khoáng” với định nghĩa “sinh lí học hay y học”. Chẳng hạn như giải Nobel năm 1973 được trao cho Karl von Frisch, Konrad Lorenz, và Nikolaas Tinbergen vì có công “phát hiện cơ cấu tổ chức và mối tương tác giữa cá nhân và khuynh hướng xã hội” có thể liệt vào một công trình mang tính xã hội học hay ít ra là tâm lí học. Giải thưởng năm 1979 cho Cormack và Hounsfield về công trình phát triển hệ thống CAT, tức là hệ thống X-ray dùng computer (còn gọi là computer-assisted tomography) có thể được xem là một công trình nghiên cứu vật lí học. Hay giải Nobel năm 1983 cho Barbara McClintock về công trình khám phá các yếu tố di chuyển của di truyền tố có thể được xem là nằm trong bộ môn di truyền thực vật.

Hai chữ quan trọng trong tiêu chuẩn này là “discovery” (khám phá, phát hiện), và “greatest benefit on mankind” (lợi ích lớn nhất cho nhân loại). Thực vậy, những người thừa kế và thi hành bản di chúc Nobel đã từng tranh luận, bàn cãi chi tiết về hai tiêu chuẩn này sau khi Nobel qua đời. Nhưng sau cùng họ không đi đến một tiêu chuẩn nào cụ thể, không đồng ý với nhau một bản chỉ dẫn nào cụ thể. Cuối cùng, họ để quyền quyết định cho Ủy ban Nobel diễn dịch hai cụm từ trên sao cho phù hợp nhất! Một vấn đề phức tạp khác là cách dùng chữ khác nhau của ông Nobel trong di chúc. Đối với ngành vật lí ông dùng chữ “discovery and invention” (khám phá và sáng chế), trong khi trong ngành hóa học ông dùng chữ “discovery or improvement” (khám phá hay cải tiến).

“Discovery” hay khám phá thì dễ định nghĩa trong các ngành khoa học cơ bản, nhưng trong các ngành như khoa học lâm sàng thì định nghĩa thế nào là một “khám phá” không dễ chút nào. Khám phá thường được định nghĩa là những phát hiện mang tính bất ngờ, đem lại kiến thức mới cho nhân loại. Mặt khác, cụm từ “greatest benefit on mankind” thì rất dễ định nghĩa trong khoa học lâm sàng, nhưng đối với khoa học cơ bản thì lại rất khó định nghĩa. Một khám phá về cơ cấu vận hành của một tế bào trong khoa học cơ bản có thể không có ý nghĩa lâm sàng nào trong vòng 20 năm, nhưng lại có thể đem đến lợi ích cho bệnh nhân về lâu về dài. Để dung hòa cái khó khăn này, Ủy ban Nobel thường trao giải thưởng cho những khám phá nào có tính cơ bản nhất, original nhất.

Charle Nicolle được trao giải năm 1928 do công trình nghiên cứu về bệnh sốt Rikettsia, và nhờ vào công trình này mà hàng trăm ngàn người được cứu sống trong thời thế chiến thứ nhất. Paul Hermann Muller nhận giải năm 1948 do công trình nghiên cứu và phát hiện hóa chất dichloro-diphenyl-trichloromethylmethane (DDT), một hóa chất diệt cỏ và sâu bọ. Trong và sau thế chiến thứ hai, DDT không những được dùng để chống lại các bệnh như bệnh sốt Rikettsia, mà còn là một loại vũ khí lợi hại chống lại bệnh sốt rét. Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization) ước tính rằng trong thời gian dùng DDT, hơn 25 triệu người đã được cứu sống. Ngày nay, có người đề nghị tẩy chay DDT vì họ cho rằng nó có thể làm ô nhiễm và độc hại đến môi trường. Nhưng vào lúc mà giải thưởng được trao tặng, lợi ích của DDT cho nhân loại là một điều quá hiển nhiên. (Thực ra, ngay cả ngày nay cũng chưa có bằng chứng đáng tin cậy nào cho thấy DDT độc hại đến môi trường).

Bản di chúc còn nhấn mạnh là giải thưởng chỉ dành cho những công trình nghiên cứu trong năm vừa qua (preceeding year). Nhưng trong thực tế, cái tiêu chí này rất khó mà thực thi. Thứ nhất, những khám phá được công bố trong các tập san khoa học chuyên môn thường tốn hơn một năm. Thứ hai, tất cả những khám phá khoa học đều phải qua sự kiểm tra của giới nghiên cứu khoa học trong ngành thì mới có thể đáng tin cậy được, và quá trình kiểm tra này thường tốn hơn một năm, thậm chí cả 5 năm. Để giải quyết cái khó khăn tế nhị này, Ủy ban Nobel quyết định diễn dịch chữ “preceeding year” là các khám phá mà lợi ích của chúng được chứng minh rõ ràng trong năm qua. Bà Barbara McClintock khám phá các yếu tố di truyền trong thực vật từ năm 1944, tức là trước khi Francis Crick và James Watson khám phá cấu trúc DNA vào năm 1953. Tuy nhiên, mãi đến năm 1983 giải thưởng Nobel tới tay bà McClintock!

Như đề cập trên, một trong những phê bình của bản di chúc Nobel là nó quá chung chung. Do đó, khi soạn thảo các qui định để trao giải thưởng, người ta phải cố làm cho nó cụ thể hơn. Một trong những qui định đó là trong bất cứ trường hợp nào, giải thưởng chỉ được chia xẻ trong vòng 3 người trở lại. Nói một cách khác, số người nhận giải thưởng về một bộ môn chỉ 3 người hay ít hơn. Qui định này cũng có nghĩa là một số người xứng đáng được giải phải bị … loại ra. Trong thực tế, có khi cả một nhóm nghiên cứu bị loại bỏ trong quá trình chọn và trao giải.

Giải Nobel về y sinh học thường được chia sẻ giữa hai người, nhất là trong thời gian sau bán thế kỷ 20, khi mà sự hợp tác nghiên cứu càng ngày càng trở nên phổ thông. Tính từ năm 1901 đến 1950, có 59 nhà khoa học được trao giải Nobel; nhưng từ 1951 đến 2000, có 113 nhà khoa học được trao giải. Điều này cũng dễ hiểu vì trong những công trình nghiên cứu lớn, một cá nhân riêng lẻ không thể nào có đủ khả năng để tiến hành nghiên cứu, mà cần phải có một sự hợp tác - thường là xuyên quốc gia - để hoàn tất công trình nghiên cứu.

Những lằn ranh biên giới khó định

Giải Nobel do Viện Karolinska trao hàng năm trên danh nghĩa là dành cho những công trình nghiên cứu về y sinh học như di chúc của ông Nobel viết, nhưng trong thực tế phân biệt những khác biệt giữa các công trình vật lí học, hóa học, sinh học, và y học không phải lúc nào cũng rõ ràng. Ông Rontgen được trao giải Nobel vật lí, nhưng công trình nghiên cứu của ông lại mang tính ứng dụng trong hóa học và y khoa. Schrodinger (giải Nobel vật lí năm 1933) và Bohr (Vật lí, 1922) là hai nhà khoa học từng thuyết phục giới nghiên cứu sinh học rằng quá trình của sự sống có thể phân tích bằng nguyên tử (atoms) và phân tử (molecules), và qua đó mà môn học sinh học phân tử ra đời và phát triển mạnh như ngày nay. Tương tự, Delbruck (giải Nobel y sinh học, 1969), một nhà vật lí học, nhưng quay sang nghiên cứu về sinh học và đã có nhiều cống hiến trong bộ môn di truyền học.

Có thể nói rằng, một số nhà khoa học được trao giải Nobel hóa học đáng lí ra nên được trao giải về y sinh học. Ông Buternandt (giải Nobel hóa học, 1939) được ghi nhận là có công khám phá kích thích tố dục (sex hormones), một đề tài “rất sinh lí học”; ông Hevesy (Nobel hóa học, 1943) có công giới thiệu các phương pháp hóa học vào nghiên cứu y học; ông Sanger (được 2 giải Nobel về hóa học) cũng do các công trình nghiên cứu liên quan đến công nghệ sinh học (biotechnology) như chúng ta biết ngày nay. Năm 1958, ông nhận giải Nobel hóa học lần đầu về công trình liên quan đến cấu trúc của insulin, rồi đến năm 1980, ông lại nhận một giải Nobel hóa học thứ hai về phương pháp phân tích nucleic acids. Tương tự, Dorothy Hodgkin có công xác định cấu trúc sinh hóa bằng phương pháp quang tuyến X, và được trao giái Nobel hóa học năm 1964; Mitchell (Nobel hóa học, 1978) nghiên cứu quá trình biến chuyển sinh năng lượng (bioenergy) và cho ra đời thuyết chemiosmotic.

Để kết hợp công việc của Ủy ban Nobel trong ngành y sinh học và các Ủy ban Nobel trong các ngành vật lí và hóa học, một hội nghị liên ủy ban được tổ chức hàng năm để đánh giá và phân định ứng viên nên nhận giải Nobel cho ngành nào, và quan trọng hơn là để tránh tình trạng một ứng viên mà nhận hai giải Nobel trong cùng năm! (Trong thực tế, hiện tượng này chưa xảy ra.)

Khuynh hướng

Tính từ năm 1901 đến 2002, có 178 nhà khoa học được trao giải thưởng Nobel về y sinh học. Bảng thống kê sau đây [1] cho thấy lĩnh vực nghiên cứu của các nhà khoa học này.

Truyền nhiễm học và trừ sâu: 12

Miễn dịch học (Immunology) 19

Hóa học trị liệu và dược học 9

Quang tuyến trị liệu (Phototherapy) 2

Ung thư 8

Di truyền học (cổ điển) 3

Tế bào sinh học (cell biology) 7

Phát triển sinh học 4

Sinh học phân tử và di truyền học 29

Nội tiết học 20

Nghiên cứu kích thích tố 11

Nghiên cứu sinh tố (vitamin) 7

Tiêu hóa, tuần hoàn, hô hấp 7

Tâm thần học 24

Giải phẫu 3

Nghiên cứu giác quan 8

Tâm lí y học 3

Nghiên cứu về chẩn đoán 2

Nếu tính theo số lượng nhà khoa học thì giải Nobel có khuynh hướng trao cho các công trình nghiên cứu liên quan đến sinh học phân tử, và kế đó là tâm thần học, nội tiết học và miễn dịch học.

Nhìn qua các công trình khoa học được trao giải này cũng có thể cho người ta một một khái niệm về quá trình tiến bộ của y học. Từ những nghiên cứu có tính lâm sàng (clinical) hay tương đối “sơ sài” (so với trình độ kỹ thuật ngày nay), nghiên cứu y khoa đã tiến sâu vào lĩnh vực cơ bản nhất của con người như di truyền phân tử học (molecular genetics) và sinh học phân tử (molecular biology). Năm 1901, ông Emil Adolf von Behring (người Đức) đoạt giải này vì đã các công trình nghiên cứu và chữa trị bệnh bạch hầu (diphtheria). Hàn lâm viện Thụy Điển đánh giá công trình này rất cao, họ viết: “[qua nghiên cứu này], ông đã mở ra một hướng đi mới trong lĩnh vực y khoa, và bằng cách đó, đã cho các y sĩ một vũ khí hữu hiệu để chinh phục bệnh tật và sự tử vong” (tạm dịch từ "[by which] he has opened a new road in the domain of medical science and thereby placed in the hands of the physician a victorious weapon against illness and deaths.") Năm 1902, giải thưởng được trao cho một nhà khoa học người Anh, ông Ronald Ross (sau này được phong "Sir," tức hiệp sĩ) vì những công trình nghiên cứu liên quan tới bệnh sốt rét (malaria). Những năm sau đó, các khoa học được tặng giải thưởng nhờ vào nghiên cứu liên quan tới bệnh lao (1905; Robert Koch, người Đức), sốt ban (typhus) (1928; Charles Nicolle, người Pháp); phân loại máu (1930; Karl Landsteiner, người Mĩ), bệnh truyền nhiễm (1945; Alexender Fleming, Mĩ; Ernst Boris Chain, Anh; Howard Walter Florey, Úc), sốt vàng (1951; Max Theiler, người Mĩ), chữa trị bệnh lao bằng thuốc streptomycin (1952; Salman Abraham Waksman, Mĩ).

Bắt đầu từ năm 1958, nghiên cứu về di truyền học đã được sự chú ý của Hàn lâm viện Thụy Điển qua việc trao giải thưởng cho ba nhà khoa học người Mĩ, George Wells Beadle, Edward Lawrie Tatum, và Joshua Lederberg, vì đã có công khám phá ra một quy luật quan trọng trong di truyền học (genetic recombinant) trong vi khuẩn.

Các giải Nobel về y khoa và sinh lí học sau này thường được trao cho các công trình nghiên cứu liên quan tới khoa học sinh học phân tử (molecular biology). Năm 1961, giải Nobel về y khoa và sinh lí học được trao cho ba nhà khoa học là Francis Harry Compton Crick (Anh), James Dewey Watson (Mĩ) và Maurice Hugh Frederick Wilkins (Anh) vì đã có khám phá nổi tiếng về DNA, làm tiền đề cho hàng triệu nghiên cứu và tiến bộ về sinh học y khoa sau nàỵ Kể từ đó, giải thưởng nghiên về các công trình mang bản chất sinh học phân tử (molecular biology) và di truyền (genetics). Năm 1978, Hàn lâm viện Thụy Điển trao giải thưởng cho ba nhà khoa học Werner Arber (Thụy sĩ), Daniel Nathans (Mĩ) và Hamilton O. Smith (Mĩ) do đã có công khám phá ra các enzymes và những ứng dụng vào nghiên cứu di truyền học. Sự tiến bộ trong sinh học phân tử và di truyền học những năm gần đây phần lớn nhờ vào các kỹ thuật PCR (polymerase chain reaction) do hai nhà khoa học Mĩ (Kary Mullis) và Gia Nã Đại (Michael Smith) khám phá, và đã được trao giải thưởng Nobel về hóa học vào năm 1993. Kể từ năm 1999 cho đến nay thì giải này vẫn được trao tặng cho một công trình mang nặng tính chất sinh học phân tử, nhất là các công trình liên quan đến tế bào học.

Trong di chúc của Nobel ông có viết cụ thể là các giải thưởng Nobel sẽ được trao cho các nhà khoa học với những công trình nghiên cứu xuất sắc, mà không phân biệt quốc tịch của nhà khoa học. Khi nội dung của bản di chúc được công bố, một số người phê bình là ông Nobel không có lòng yêu nước, thiếu tinh thần quốc gia. Câu hỏi được đặt ra là trong vòng hơn 100 năm qua, giải Nobel có thiên vị về các nhà khoa học người Thụy Điển hay không? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta có thể xét qua bảng thống kê [1] sau đây về số lượng nhà khoa học được trao giải Nobel theo quốc tịch và theo vài thời gian nhất định:

1901-25 1926-50 1951-75 1976-2002

Mĩ 1 13 32 42

Đức 5 3 3 4

Anh 2 7 10 8

Pháp 2 1 3 1

Các nước khác 13 12 9 7

Tổng cộng 23 36 57 62

Trong số 178 nhà khoa học được trao giải Nobel về y sinh học, chỉ có 9 người là công dân Thụy Điển và 4 người Đan Mạch. Thụy Sĩ, một quốc gia có số dân chỉ bằng phân nửa Thụy Điển, nhưng có đến 8 nhà khoa học được giải Nobel. Riêng Úc có 3 nhà khoa học được giải Nobel.

Trong thực tế, tất cả các nhà khoa học được giải Nobel đều làm việc hoặc ở Mĩ, hoặc ở Âu châu. Sau Thế chiến thứ hai, Mĩ đứng đầu danh sách giải Nobel về y sinh học. Vào thập niên 1930s, khi mà Đức quốc xã cầm quyền, nhiều nhà khoa học, phần lớn là gốc Do Thái, di cư sang Mĩ hay Âu châu, và chính họ là những người đã có công làm cho nền khoa học của Mĩ tiến bộ một cách vượt bực. Trong số 32 nhà khoa học Mĩ chiếm giải Nobel về y sinh học từ 1951 đến 1975, có đến 9 người là di dân từ nước ngoài.

Còn các quốc gia Á châu? Ngoại trừ một người Nhật, ông Susumu Tonegawa (giải Nobel năm 1987) thuộc trường MIT (Mĩ) chưa có người Á châu nào được tặng giải Nobel về y sinh học. Điều này cũng đáng ngạc nhiên, vì nói chung, người châu Á, nhất là Trung Quốc và Ấn Độ có mặt hầu như trong mọi bộ môn y khoa. Nhiều người cũng rất xuất sắc, là những nhà khoa học hàng đầu trong chuyên ngành. Ấy thế mà sự hiện diện của người Á châu trong giải Nobel y khoa hầu như không đáng kể. Điều này không có nghĩa là các khoa học gia Á châu không thông minh, hay thiếu sáng tạo, mà có thể phản ánh quá trình chọn lựa và bình bầu người xứng đáng.

Trường đại học hay viện nghiên cứu nào có nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel? Trong ngành y sinh học, chỉ 15 trường đại học (8 ở Mĩ) chiếm khoảng 42% trong số 173 giải cho ngành này. Dẫn đầu là trường đại học Harvard, với 11 giải, kế tiếp là trường đại học Luân Đôn (9 giải). Các trường khác mỗi trường chiếm 5 giải như California Institute of Technology (Mĩ), Max-Planck-Gesellschaft (Đức), University of Oxford (Anh), Massachusetts Institute of Technology (Mĩ), Institut Pasteur Paris (Pháp), Rockefeller Institute for Medical Research (Mĩ). Những trường khác có từ 3 giải trở lên là Rockefeller University (Mĩ), Karolinska Institute Stockholm (Thụy Điển), University of Cambridge (Anh), National Institutes of Health (Mĩ), University of Texas at Dallas (Mĩ), University of Wisconsin, Madison (Mĩ) và Washington University, St. Louis (Mĩ).

Thiếu sót và nhầm lẫn

Cũng như bất cứ cuộc tuyển chọn nào, nhất là trong một thời gian hơn một thế kỷ, mà lại đúng tuyệt đối. Trong thời gian qua, đã có khá nhiều phê bình, và những phê bình này tập trung vào ba điểm chính: thiếu sót, nhầm, và thiên vị đàn ông. Phê bình nào cũng có cơ sở. Về vấn đề thiếu sót thì quả là không thể nào tránh khỏi, vì mỗi năm Ủy ban Nobel chỉ trao giải cho tối đa là ba nhà khoa học; do dó, những người khác, dù có cống hiến xuất sắc, bị “lọt sổ”. Một trường hợp tiêu biểu cho sự thiếu sót là trường hợp của ông Oswald T. Avery. Ông Avery là người đầu tiên khám phá và định nghĩa DNA là một chất liệu di truyền. Ông công bố khám phá này vào năm 1944. Trong thời gian từ 1932 đến 1942, Avery đã được tiến cử nhiều lần như không được trao giải. Kể từ năm 1945, ông được tiến cử hàng năm, nhưng thời gian đó, giới nghiên cứu khoa học chưa chịu nhìn nhận thuyết của Avery vì họ không nghĩ là DNA chỉ đơn giản có 4 mẫu tự mà lại có chức năng “chất liệu di truyền”, họ nghĩ protein mới chính là chất liệu di truyền. Đến khi (sau này) cộng đồng khoa học chấp nhận ý tưởng của Avery thì ông đã qua đời, và Ủy ban Nobel không có lệ trao giải thưởng cho người đã chết!

Về vấn đề nhầm lẫn, có thể lấy ba ví dụ điển hình: Banting và MacLeod (1923), Fibiger (1926), và Moniz (1949). Hai ông Banting và MacLeod được trao giải Nobel nhờ vào công trình nghiên cứu về insulin, và giải thưởng này đã bị chất vấn ngay từ lúc Hội đồng Nobel công bố. MacLeod là giáo sư và trưởng phòng thí nghiệm, nơi mà Banting và một đồng nghiệp trẻ tuổi tên là Charles Best làm việc. Hai người có công khám phá insulin là Banting và Best (vì lúc đó MacLeod không có mặt trong phòng thí nghiệm vì ông đi công tác xa). Thế nhưng trớ trêu thay, chỉ có Banting và MacLeod, mà không phải Banting, là người được trao giải! (Thực ra, sau này Best cũng được tiến cử nhiều lần, nhưng ông không có cơ duyên được trao giải.).

Năm 1926, quyết định trao giải Nobel cho Fibiger về công trình nghiên cứu ung thư spiroptera (hay spiroptera carcinoma) cũng bị chỉ trích gay gắt. Thời đó, ít ai biết về cơ chế gây ra ung thư. Mãi đến 40 năm sau, giải Nobel mới được trao cho một công trình nghiên cứu ung thư khác, và lúc đó, người ta mới hiểu về mã di truyền, đột biến, vi khuẩn, và các cơ chế sinh học khác.

Năm 1949 giải Nobel được trao cho một bác sĩ giải phẫu (Moniz) vì phẫu thuật thùy não, hay lobotomy (hay còn gọi là leucotomy) trong việc chữa trị chứng lọan thần kinh (psychotic). Trước khi phẫu thuật được ứng dụng, bệnh nhân phải chịi nhiều cực hình như “nhốt” trong một lồng sắt (straitjackets), tắm bằng nước lạnh, rồi mới đến giải phẫu và giật điện. Khi thuốc được dùng để chữa trị thì phẫu thuật này đã trở thành một phương pháp của quá khứ. Ngày nay phẫu thuật thùy não được xem là một phẫu thuật phi đạo đức.

Về giới tính, chỉ có 6 trong số 178 vị tú Nobel là phụ nữ: Gery T. Cori (1947), Roslyn Yalow (1977), Barbara McClintock (1983), Rita Levi-Montalcini (1986), Gertrude B. Elion (1988), và Chritiane Nusstein-Volhard (1995). Điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên, vì trong nghiên cứu y sinh học, nam giới đóng vai trò “thống trị” trong vòng một thế kỷ qua.

Vài nhận xét

Các giải Nobel về y sinh học trong thế kỷ qua đánh dấu nhiều tiến bộ trong ngành y sinh lí học. Nhưng những giải thưởng Nobel không thể nào phản ánh đầy đủ quá trình chinh phục bệnh tật và kéo dài tuổi thọ của con người. Như trình bày trong bài viết này, nhầm lẫn và thiếu sót đã từng xảy ra. Nhưng uy tín của giải Nobel không vì thế mà suy giảm; cho đến nay, nó vẫn là một thước đo về tiến bộ y sinh học có độ tin cậy cao nhất. Lí do đơn giản là giải thưởng được cộng đồng khoa học tiến cử, bình bầu, và tuyển chọn một cách công bằng nhất.

Một trong những nguyện vọng của Nobel là phần thưởng tài chính của giải Nobel sẽ tạo điều kiện cho các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu mà không phải canh cánh lo lắng tình trạng tài chính cá nhân (phần lớn các nhà khoa học rất nghèo). Nhưng cái ước nguyện đó xem ra không thành sự thực trong bối cảnh kinh tế ngày nay. Tuổi trung bình của các vị tú Nobel là 55 tuổi, và trong độ tuổi này, phần lớn họ đã có một sự nghiệp ổn định, nếu không muốn nói là khá vững vàng, trên trường khoa học. Ngoài ra, nghiên cứu y học ngày nay, cũng như nghiên cứu vật lí và hóa học, đòi hỏi một ngân sách lớn, với sự cộng tác của nhiều nhà khoa học. Giải Nobel tuy có giá trị tài chính tương đối cao (khoảng 1 triệu Mĩ kim), nhưng không thấm vào đâu cho một ngân sách nghiên cứu y học trong thế kỷ 21.

Dù sao đi nữa, giải Nobel vẫn là một cái đích, một mục tiêu vinh quang, một động cơ đáng kể cho các nhà khoa học muốn vươn tới để góp phần đem lại lợi ích cho nhân loại.

Chú thích:

[1] Số liệu trong bảng thống kê này được trích từ một chương trong cuốn sách “The Nobel Prize: The First 100 Years” (soạn giả Agneta Wallin Levinovitz và Nils Ringertz) của tác giả Jan Lindsten và Nils Ringertz, Nhà xuất bản Imperial College Press và World Scientific Publishing Co. Pte. Ltd., 2001.

Có thể xem bài về dendritic cell ở đây: Steinman RM, Hemmi H. Dendritic cells: translating innate to adaptive immunity.Curr Top Microbiol Immunol 2006;311:17-58.

Về ba nhà khoa học được giải Nobel năm nay:

Bruce A. Beutler là một nhà miễn dịch học và di truyền học. Ông sinh ngày 29/12/1957. Hiện nay, ông là giáo sư và chủ nhiệm bộ môn di truyền học tại Viện nghiên cứu Scripps (San Diego, California). Breutler có một quá trình học tập phi thường. Tốt nghiệp cử nhân năm 18 tuổi, tốt nghiệp bác sĩ năm 23 tuổi. Năm 1986 ông được bổ nhiệm Assistant Professor của Đại học Texas (Dallas); năm 1996 ông được bổ niệm Associate Professor (phó giáo sư); và năm 2000 (tức mới 43 tuổi) trở thành giáo sư thực thụ của Viện nghiên cứu Scripps. Ông xuất thân từ một gia đình “nòi”, với thân phụ của ông cũng là bác sĩ y khoa và là một nhà di truyền học và từng là chủ nhiệm bộ môn di truyền học tại Scripps.

Jules A. Hoffmann là công dân Pháp, sinh ở Luxembourg ngày 2/8/2941. Ông giữ chức vụ giám đốc nghiên cứu của CNRS. Năm 2007, ông được bổ nhiệm làm chủ tịch Viện hàn lâm khoa học Pháp. Ông tốt nghiệp tiến sĩ từ Đại học Strasbourg năm 1969, làm nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ tại Viện nghiên cứu sinh hóa Philipps-Universitat (Đức) từ 1973-1974. Ông là thành viên của Viện hàn lâm khoa học Đức và Nga.

Ralph M. Steinman là người quốc tịch Mĩ, gốc Canada (sinh ở Montréal, ngày 14/1/1943), là một nhà miễn dịch học và sinh học phân tử. Ông tốt nghiệp cử nhân từ Đại học McGill (Canada) năm 1963, tốt nghiệp bác sĩ từ Đại học Harvard năm 1968. Sau đó ông làm nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ tại Đại học Rockefeller vào năm 1970, đến năm 1973 ông khám phá ra và đặt tên Dendritic Cell (tế bào nhành cây). Năm 1972, ông được bổ nhiệm chức danh Assistant Professor (giảng viên); năm 1976 là phó giáo sư; và 1988 trở thành giáo sư thực thụ.


Nguồn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét