Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

CHU CHỈ NHUỢC Hoài bão cao xa

Bốn cô nương bên cạnh Trương Vô Kỵ, hai cô nương Hán tộc, hai cô nương dị tộc, vừa hay hợp thành cặp so sánh, kết quả là cô nương Hán tộc không đáng yêu bằng cô nương dị tộc. Cô nương Hán tộc Ân Ly không đáng yêu bằng cô nương dị tộc lai Ba Tư với Cao Li Tiểu Chiêu. Cô nương Hán tộc Chu Chỉ Nhược rõ ràng không đáng yêu bằng cô nương Mông Cổ Triệu Mẫn. Nếu không, Trương Vô Kỵ đã chẳng bỏ dở hôn lễ với Chu Chỉ Nhược mà đi theo Triệu Mẫn, cuối cùng còn nói thẳng với Chu Chỉ Nhược rằng Triệu Mẫn mới là người chàng yêu nhất. Có điều nếu chọn đối tượng bàn luận, thì hai cô nương Hán tộc tâm lý vô cùng phức tạp sẽ có nhiều điều để nói hơn hẳn hai cô nương dị tộc tương đối đơn giản. Có thể là do Kim Dung tiên sinh hiểu rõ về cô nương Hán tộc, nên miêu tả phong phú hơn; cũng có thể do bản thân hai cô nương Hán tộc khổ lắm buồn nhiều, tâm tư rắc rối đa biến, nên hàm chứa thông tin văn hóa phong phú hơn. Ở đây chỉ bàn về Chu Chỉ Nhược. Và cũng chỉ bàn về tâm lý cá tính, chứ không nghiên cứu tính cách dân tộc gì cả. Lý do rất đơn giản, tính cách cá nhân với tính cách dân tộc là hai cái khác nhau. Không phải cô gái Mông Cổ nào cũng giống Triệu Mẫn, tương tự các cô gái Hán tộc khác cũng không giống như Chu Chỉ Nhược.

I

Đối với Chu Chỉ Nhược, chắc chắn có hai ấn tượng và cách đánh giá trái ngược nhau, một là yêu thích nàng, đương nhiên cũng thông cảm với nhiều cái bất đắc dĩ của nàng; hai là không thích nàng, không tha thứ cho nhiều hành động của nàng, nhất là cách nàng đối xử với Trương Vô Kỵ. Tôi nghĩ rằng hay nhất là hãy gác sang một bên ấn tượng và cách đánh giá chủ quan, xem cái nào ở Chu Chỉ Nhược là bất đắc dĩ, cái nào là không thể tha thứ. Chu Chỉ Nhược là cô nương cùng lứa mà Trương Vô Kỵ gặp lần đầu tiên trong đời, tuy không thể coi là bạn thanh mai trúc mã, nhưng cũng quen biết nhau từ niên thiếu. Lần đầu tiên hai người gặp nhau trong thuyền trên sông Hán Thủy, khi ấy Chu Chỉ Nhược chừng mười tuổi, song đã để lại ấn tượng sâu sắc. Cụ thể, thứ nhất, là một cô bé hết sức xinh xắn, thứ hai, là một cô bé mồ côi vô cùng đáng thương, thứ ba, là một cô bé rất am hiểu, cha nàng vừa mất, đang rất đau đớn, nhưng thấy Trương Vô Kỵ bị nguy đến tính mệnh, thì lại chủ động săn sóc, bón cơm cho ăn. Khi Trương Vô Kỵ không chịu ăn, nàng nói : "Tiểu tướng công không chịu ăn, lão đạo trưởng sẽ buồn lòng, cũng bỏ cơm, chẳng hóa ra để người bị đói hay sao?" (Xem Ý thiên Đồ long ký). Một cô bé đã hiểu sự lý như thế, chủ động nghĩ thay người khác, không thể không khiến người ta có cảm tình. Đến khi Chu Chỉ Nhược xuất hiện lần thứ hai trong đời Trương Vô Kỵ, thì đã là nhiều năm sau, cả hai đều thành người lớn. Trương Vô Kỵ đã luyện xong Cửu dương thần công lại bị gãy chân; Chu Chỉ Nhược thì trở thành một đệ tử xuất sắc phái Nga Mỹ; Đinh Mẫn Quân bị đòn của Ân Ly, dẫn Chu Chỉ Nhược đến đánh lại. Trương Vô Kỵ thấy Chu Chỉ Nhược càng xinh đẹp hơn năm nào, nhã nhặn giữ lễ, đồng thời lòng dạ lương thiện. Ân Ly phát hiện ra sự lợi hại của Chu Chỉ Nhược : "Không nói võ công của nàng ta, mà nói nàng còn nhỏ tuổi, tâm địađã khôn ngoan như thế”. (Xem Y thiên Đồ long ký). Ta đoán rằng Chu Chỉ Nhược biết sư tỷ Đinh Mẫn Quân là người như thế nào, không dám đắc tội với sư tỷ, song cũng không muốn tùy tiện đả thương người vô tội, cho nên sau khi đấu hơn hai chục chiêu với Ân Ly, Chu Chỉ Nhược bèn giả vờ bị trọng thương, để Đinh Mẫn Quân dìu đi, khôn khéo biến một trận đánh sinh tử thành vô hình. Lúc ấy bạn đọc tinh ý một chút, sẽ thấy Chu Chỉ Nhược vốn khôn ngoan lanh lợi, nay thêm công phu biểu diễn giả bộ đã gần đạt tới mức lô hỏa thuần thanh. Do đó chúng ta không thể coi thường Chu Chỉ Nhược. Công phu biểu diễn cao siêu của Chu Chỉ Nhược trên đỉnh Quang Minh sau đó càng khiến chúng ta kính nể. Trương Vô Kỵ hóa giải tranh chấp, đấu với cao thủ các đại môn phái, do không thông Dịch lý, nên gặp Lưỡng Nghi kiếm pháp của phái Côn Luân và Lưỡng Nghi đao pháp của phái phái Hoa Sơn thì chân tay luống cuống. Chu Chỉ Nhược thấy thế, trong bụng rất lo, vừa vặn Diệt Tuyệt sư thái đang thuyết pháp tại chỗ, nàng liền tương kế tựu kế, mượn việc thỉnh giáo sư phụ để giảng giải cho Trương Vô Kỵ nghe thường thức, dịch lý mà chỉ điểm cho chàng. Tuy giọng nói của nàng càng lúc càng to, song những người có mặt tại hiện trường không ai nghi ngờ , cứ tưởng nàng chỉ là một cô bé hồn nhiên, ấu trĩ mà thôi. Nếu không phải là tài biểu diễn xuất chúng siêu quần, làm sao có thể che mắt được anh hùng thiên hạ ? Tài biểu diễn của Chu Chỉ Nhược thể hiện hay nhất dĩ nhiên là trên hoang đảo. Sau khi vâng lệnhTạ Tốn làm lễ đính hôn với Trương Vô Kỵ, Chu Chỉ Nhược nói với chàng : "Thiếp chỉ là đứa con gái vô dụng, yếu đuối, lại ngu xuẩn. Đừng nói gì thiếp thua xa Triệu cô nương thông minh tuyệt đỉnh, mà ngay so với người có tâm cơ sâu sắc như Tiểu Chiêu, thiếp cũng chẳng bằng cái móng tay nàng ta. Chỉ Nhược của chàng chỉ là một con bé khờ khạo, thật thà, chẳng lẽ đến giờ chàng cũng chưa biết hay sao?" (Xem Ỷ thiên Đồ long ký). Tưởng tượng tình hình lúc ấy, đừng nói Trương Vô Kỵ thật thà trung hậu bị lừa đã đành, chắc rằng quá nửa nam tử thiên hạ nghe lời nói “chân tình" ấy cũng đều bị lừa hết. Rất lâu sau chúng ta mới biết trước khi nói mấy cấu ấy, nàng Chu Chỉ Nhược “thật thà hiền thục" ấy đã đánh thuốc mê cả nhóm mười cùng đi, mưu giết Ân Ly, đuổi Triệu Mẫn, lấy cắp thanh đao Đồ Long và kiếm Ỷ Thiên, bắt đầu luyện tập công phu "Cửu âm chân kinh" giấu trong đao kiếm; Trương Vô Kỵ đã như con chim trong lồng của nàng ta! Vậy mà Chu Chỉ Nhược vẫn nằm trong lòng Trương Vô Kỵ thỏ thẻ những lời đáng thương, khiêm nhường, trung thành như thế! Tiếp đó, ở lữ quán tại Đại Đô, ta thấy cảnh Chu Chỉ Nhược biểu diễn trò treo cổ tự sát thương tâm đối với Hàn Lâm Nhi, người coi Chu Chỉ Nhược như thiên thần, thì sẽ không cảm thấy quá kinh ngạc nữa. Sở dĩ bảo cuộc tự sát ấy đơn thuần là một cuộc biểu diễn, là vì trước khi treo cổ, Chu Chỉ Nhược đã sang phòng Hàn Lâm Nhi, ngồi rất lâu ở đó không nói một lời, khiến Hàn Lâm Nhi không biết đằng nào mà lần, rồi mới trở về phòng mình động thủ, Hàn Lâm Nhi há có thể không quan tâm để ý đến động tĩnh trongt phòng nàng? (Xem Ỷ thiên Đồ long ký). Thực ra, nàng ngồi đó chờ đến khi Trương Vô Kỵ sắp về tới mới hành động. Hơn nữa, phải đánh động cho Hàn Lâm Nhi chú ý đã, rồi mới biểu diễn việc treo cổ tự sát, để Hàn Lâm Nhi kịp thời cứu chữa, trước lúc Trương Vô Kỵ về tới. Nhiều người rất giỏi biểu diễn "sống”, người Trung quốc càng có sở trường về mặt này, song cũng phải tôn Chu Chỉ Nhược là quán quân biểu diễn. Điều này dĩ nhiên có liên quan đến văn hóa truyền thống, đến thiên tư tài phú, đồng thời cũng liên quan đến hoàn cảnh sống và vốn sống của mỗi cá nhân. Chu Chỉ Nhược thông minh dĩnh ngộ hơn người từ nhỏ, đương nhiên cũng có tài biểu diễn khôn khéo từ nhỏ. Tôi không dám nói rằng ngay trên sông Hán Thủy, cô bé Chu Chỉ Nhược bón cơm cho Trương Vô Kỵ cốt để lấy lòng Trương Tam Phong, nhưng cảnh ngộ bất hạnh từ bé đã mồ côi cha mẹ, hiển nhiên càng khiến cô bé trở nên khôn khéo biết lấy lòng người. Mà người Hán trên đời thì rất thích những đứa bé khôn khéo. Muốn cuộc sống sung sướng, phải tìm cách làm cho người ta thích mình, muốn được người ta thích mình, thì phải biết biểu diễn sự khôn khéo của mình. Chu Chỉ Nhược tựa hồ hiểu điều đó từ rất sớm. Đương nhiên cũng có thể nói rằng cuộc sống đã rèn luyện dần cho Chu Chỉ Nhược cái tài biểu diễn đó. Nếu không, làm sao mới nhập môn chưa lâu, Chu Chỉ Nhược đã nhanh chóng giành được cảm tình của Diệt Tuyệt sư thái, được bà ta truyền thụ nguyên lý Kinh Dịch?

II

Chu Chỉ Nhược thông minh lanh lợi, giỏi biểu diễn, chuyện đó là hiển nhiên, có điều không nên phán xét đạo đức một cách giản đơn, bảo nàng hoàn toàn giả dối, thậm chí từ bé đã giỏi lừa người. Cần thấy rằng trong cuộc sống và biểu diễn của Chu Chỉ Nhược, có nhiều cái bất đắc dĩ nàng phải làm thế, có lúc trong thật có giả, lắm khi trong giả có thật. Nói trong cuộc sống của Chu Chỉ Nhược có nhiều cái bất đắc dĩ, bởi vì cuộc sống không phải lúc nào cũng như ý, ngược lại phải thuận theo trào lưu, thích nghi với hoàn cảnh, lắm khi việc muốn làm không được làm, việc không muốn làm vẫn cứ phải làm. Mà cái chuyện làm hay không làm, thì đều là vì phải “làm người", nghĩa là phải phù hợp một truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, hoàn cảnh xã hội và quan niệm giá trị nhất định. Ví dụ, Trương Vô Kỵ thỉnh cầu Diệt Tuyệt sư thái đừng lạm sát giáo chúng Nhuệ kim kỳ của Minh giáo, chàng liều mạng chịu đựng ba chưởng của Diệt Tuyệt sư thái, kết quả bị đánh gục xuống, không bò dậy nổi. Thù Nhi (Ân Ly) cầu khẩn Chu Chỉ Nhược tới xem Trương Vô Kỵ bị thương ra sao và hãy khuyên chàng đừng có làm anh hùng mà chết mất mạng, Chu Chỉ Nhược "vốn cũng định tới xem chàng bị thương thế nào, nhưng trước hàng trăm con mắt chăm chú dồn vào đó, một thiếu nữ mười tám mười chín tuổi làm sao dám xem thương thế của một chàng trai? Huống hồ người đánh chàng bị thương lại chính là sư phụ của nàng, nếu nàng tới xem, tuy chưa phải là công khai phản bội sư môn, song cũng là đại bất kính với sư phụ, cho nên đã dợm bước, nàng lại thôi". (Xem Ỷ thiên Đồ long ký). Còn việc nàng không muốn làm, nhưng không thể không làm, ví dụ tiêu biểu là trên đỉnh Quang Minh, Chu Chỉ Nhược phải vâng lệnh Diệt Tuyệt sư thái, dùng kiếm Ỷ Thiên đâm Trương Vô Kỵ, chút nữa thì làm cho Trương Vô Kỵ mất mạng. Tôi tin rằng việc đó hoàn toàn trái với ý muốn của Chu Chỉ Nhược, song quả thực nàng không dám trái lệnh sư phụ, trong lúc bị thúc giục, không kịp suy nghĩ, lúc đó tay run run, nên mũi kiếm chệch đi, không trúng vào tim Trương Vô Kỵ. Dĩ nhiên, chúng ta có thể giả sử rằng nếu đó là Triều Mẫn hoặc Ân Ly, thì họ thà chết chứ không đời nào đâm người yêu của mình như vậy. Huống hồ trước lúc đó Trương Vô Kỵ rõ ràng hết sức bênh vực Chu Chỉ Nhược, rồi còn trao kiếm vào tay nàng để nàng trả lại cho sư phụ. Hơn nữa, nếu bảo Chu Chỉ Nhược căn bản không kịp suy nghĩ, thì không đúng, bởi vì trước đó trong giây lát nàng đã chuyển qua bao nhiêu ý nghĩ : "Cục diện hôm nay tuy thật là đáng xấu hổ, Trương công tử đãi ta như thế, sư phụ thể nào chẳng cho là ta có tình ý với chàng, từ nay ta sẽ là phản đồ của phái Nga My, thành một kẻ phản bội vô sỉ trong võ lâm. Trời đất mênh mang, ta biết đi đâu dung thân bây giờ ? Trương công từ đãi ta tốt như thế, song ta quyết không thể vì chàng mà phản bội sư môn". (Xem Ỷ thiên Đồ long ký). Rõ ràng hành vi của Chu Chỉ Nhược trước hết là nghĩ đến mình, dùng hành động của mình để chứng minh giữa nàng và Trương Vô Kỵ hoàn toàn không có tư tình. Vào thời khắc sống chết hệ trọng này, không phải là lúc biểu diễn, Chu Chỉ Nhược đành cắn răng đâm Trương Vô Kỵ một kiếm, khiến chàng cũng phải bất ngờ. Ví dụ càng điển hình hơn, ấy là ở chùa Vạn An thành Đại Đô. Diệt Tuyệt sư thái trước lúc quyết định tự sát, để cho Chu Chỉ Nhược thay bà tiếp nhiệm chức chưởng môn phái Nga My, bắt nàng phải thề độc, nhất định phải lợi dụng sắc đẹp của mình và thiện cảm của Trương Vô Kỵ đối với nàng, tìm cách đoạt lấy thanh đao Đồ Long và kiếm Ỷ Thiên, tuyệt đối không được có chân tình đối với Trương Vô Kỵ, càng không được kết làm vợ chồng. Diệt Tuyệt sư thái làm cho Chu Chỉ Nhược nhất thời không biết nên làm thế nào, "thần trí bấn loạn, nàng lập tức mụ người đi, không còn biết gì nữa". (Xem Ỷ thiên đồ long ký). Trong chuyện này có phần biểu diễn hay không, tôi không dám chắc. Chu Chỉ Nhược cảm thấy khó khăn, song không thể không đáp ứng, cũng là thật tình. Chu Chỉ Nhược dầu sao cũng còn là một thiếu nữ, làm sao có thể đứng vững trước Diệt Tuyệt sư thái vừa cứng vừa mềm? Sau đó trên hoang đảo, Chu Chỉ Nhược biểu diễn trò lừa dối Trương Vô Kỵ, rõ ràng có liên quan đến sứ mệnh của nàng ta, đến mệnh lệnh của sư phụ nàng và lời thề do bị ép buộc của nàng.

III

Nếu bảo Chu Chỉ Nhược lừa dối Trương Vô Kỵ, chỉ là vì không dám trái lệnh sư phụ, không dám làm trái lời thề của nàng, thì đã coi cô nương Chu Chỉ Nhược quá giản đơn. Tuy từ trước đến giờ Chu Chỉ Nhược đều tuân lệnh sư phụ, nhưng thực ra không phải lần nào cũng nghiêm chỉnh cả. Chứng cứ rõ nhất là sau đó nàng tìm cách, kể cả biểu diễn trò treo cổ tự tử, để Trương Vô Kỵ phải lập tức tổ chức cưới nàng. Bấy giờ lời dặn dò của sư phụ, lời thề của mình, nàng để đâu? Huống hồ, nghĩa phụ Tạ Tốn của Trương Vô Kỵ chưa có tin tức gì, điều đó chứng tỏ nàng Chu Chỉ Nhược vốn tự nhận mình "yếu đuối, ngu xuẩn, không có bản lĩnh, không có chủ kiến", thực ra là một người ngoài mềm trong cứng, có mục đích rõ ràng, đầu óc tỉnh táo, có chủ kiến đâu ra đấy. Chỉ vì nàng có tài biểu diễn, nên không để lộ ra mà thôi. Do đó, chẳng riêng Trương Vô Kỵ bị nàng ta dắt mũi, mà ngay cả sư phụ của nàng là Diệt Tuyệt sư thái cũng mắc lừa nàng. Diệt Tuyệt sư thái hùng tâm vạn trượng, hi vọng phái Nga My trở thành lãnh tụ võ lâm, nhưng bà ta không ngờ rằng đệ từ nhỏ bé của bà không những có hoài bão chính trị lớn hơn hẳn bà, mà tính năng động chủ quan cũng cao hơn hẳn bà. Nếu bảo Diệt Tuyệt sư thái coi Chu Chỉ Nhược như một quân cờ quan trọng làm rạng rỡ bản môn, thì Trương Vô Kỵ ắt là một quân cờ quan trọng trong tay Chu Chỉ Nhược; việc kết hôn với chàng là một bước đi cực kỳ hệ trọng trong ván cờ cuộc đời Chu Chỉ Nhược. Thực tế, Chu Chỉ Nhược căn bản không phải là một quân cờ bị động, mà nàng chính là kỳ thủ hoàn toàn chủ động. Tôi nói thế là có căn cứ. Hoài bão chính trị của Chu Chỉ Nhược quá lớn, thoạt đầu tựa hồ không thấy, nhưng càng về sau càng lộ rõ. Trương Vô Kỵ từng nói với nàng : "Sau khi đuổi bọn Thát tử đi rồi, hai ta sẽ ẩn cư trong rừng sâu, cùng hưởng hạnh phúc thanh bạch, không lý đến thế sự bên ngoài nữa". Thì Chu Chỉ Nhược đáp :"Chàng là giáo chủ Minh giáo, nếu trời cho được như nguyện, quả giúp cho ta đánh đuổi được bọn Hồ lỗ, bấy giờ đại sự của thiên hạ đều nằm trong tay chàng, ai để cho chàng đi ẩn cư hưởng hạnh phúc riêng? ... Hơn nữa, thiếp là chưởng môn phái Nga My, vai gánh trọng nhiệm. Khi sư phụ trao chiếc nhẫn của vị chưởng môn cho thiếp, có dặn thiếp phải làm rạng rỡ bản môn, nếu chàng ẩn cư trong rừng sâu, hóa ra thiếp không được hưởng phúc với chàng ư? (Xem Ỷ thiên Đồ long ký). Nếu chưa đủ rõ, thì sau khi đi xem cảnh hoàng đế du hoàng thành trở về, trước mặt Bành hòa thượng và Hàn Lâm Nhi, Chu Chỉ Nhược nói với Trương Vô Kỵ như sau : "Sao chàng lại có thể dễ dàng mạo hiểm đến thế? Nên nhớ, một khi đại sự của chúng ta thành công, thì người sẽ ngồi chiếc ghế rồng ở lầu hoa đó chính là Trương giáo chủ". HànLâm Nhi vỗ tay reo lên, bảo Trương giáo chủ sẽ làm hoàng đế, Chu cô nương sẽ là hoàng hậu nương nương, chỉ thấy Chu Chỉ Nhược hai má đỏ bừng, thẹn thùng cúi đầu, nhưng ánh mắt long lanh không giấu được vẻ sung sướng. (Xem Ỷ thiên Đồ long ký).

IV

Như vậy, hoài bão chính trị của Chu Chỉ Nhược đã rõ , tính cách và tâm lý nàng vì thế mà thay đổi càng phức tạp. Riêng thái độ tình cảm của nàng đối với Trương Vô Kỵ cũng đã khó nói rõ bằng vài câu. Bảo là nàng yêu chàng, thì sao lại đả thương chàng, lừa dối chàng? Bảo là nàng không yêu chàng, thế sao còn chạy theo chàng, cầu khẩn chàng, hận chàng mà vẫn không quên chàng? Cái bí ẩn ở đây là Chu Chỉ Nhược không chỉ có hoài bão chính trị quá lớn, mà còn nhất mực tin rằng sẽ thành công cả về sự nghiệp lẫn về tình yêu. Lúc nãy có nói đến ván cờ cuộc đời của Chu Chỉ Nhược, đối với nàng mà nói, cách hay nhất là trước tiên lừa được chưởng môn phái Nga Mỹ, luyện thành "Cửu âm chân kinh", làm rạng danh môn phái; sau đó kết hôn với Trương Vô Kỵ, không những ái tình mỹ mãn, mà quan trọng hơn, là sẽ có ngày thiên hạ nằm trong tay Minh giáo, Minh giáo nằm trong tay giáo chủ Trương Vô Kỵ, còn Trương Vô Kỵ thì nằm trong tay nàng! Đã là một ván cờ, thì cứ đi từng nước một. Đánh cờ, phải tính trước năm nước đi. Lại phải tùy cục diện bàn cờ mà biến chiêu. Trương Vô Kỵ chỉ là một quân cờ trong bàn cờ của Chu Chỉ Nhược, dù đối với chàng trước sau nàng có thiện cảm, thậm chí có tình yêu, song đối xử cụ thể thế nào, phải tùy cục diện cả bàn cờ mà định. Ví dụ, ban đầu Trương Vô Kỵ mới chỉ là một tên tiểu tử vô danh, vì chàng mà phải đắc tội với sư môn thì rõ ràng không đáng, cho nên sư phụ bảo giết chàng, thì nàng ra tay; sư phụ bảo đánh lừa chàng, thì nàng tìm cách đánh lừa. Sau này, khi thanh thế của Minh giáo lớn mạnh, giá "cổ phiếu” của Trương Vô Kỵ tăng vọt, đương nhiên phải mê chàng, cầu chàng, buộc chàng kết hôn với mình. Lệnh của sư phụ, lời thề năm nào, đâu có đáng gì! Sau đó, khi đang làm lễ cưới, Trương Vô Kỵ lại bỏ nàng mà đi không chỉ làm nàng mất thể diện, mà cái chính là làm tan vỡ giấc mộng đẹp của nàng. Triệu Mẫn làm rối loạn bàn cờ, Chu Chỉ Nhược đương nhiên phải hạ độc thủ. Không lấy được Trương Vô Kỵ, nàng bèn tìm Tống Thanh Thư thế chân, nói là để chọc tức Trương Vô Kỵ, cũng là để gỡ thể diện, song thực ra đấy là một thứ đầu tư chính trị. Tống Thanh Thư là người đứng đầu đám đệ tử đời thứ ba phái Võ Đang, chức chưởng môn phái này chắc chắn trong tay y. Tuy không thể làm bá chủ thiên hạ, nhưng phái Nga My liên thủ với phái Võ Đang, thì cũng có thể nên nghiệp bá. Có điều Tống Thanh Thư bị sư thúc của y đánh cho tàn phế, không còn giá trị gì để lợi dụng, nên Chu Chỉ Nhược cũng chả cần phải khách sáo với y nữa. Lại quay về với Trương Vô Kỵ, chỉ cần chàng chưa kết hôn với Triệu Mẫn, thì nàng vẫn còn hi vọng Huống hồ Triệu Mẫn là quận chúa Mông Cổ, Trương Vô Kỵ là lãnh tụ chống Mông Cổ, triển vọng quan hệ giữa hai người đó như thế nào, khó mà nói trước. Dĩ nhiên suy luận nói trên chỉ dựa trên tính cách ván cờ của Chu Chỉ Nhược. Cần phải chứng minh, rằng các nước cờ của nàng, một nửa là nỗ lực của nàng, một nửa là sự sắp đặt của số phận. Bởi vậy, chúng ta phải nhìn Chu Chỉ Nhược bằng con mắt phát triển, chỉ có theo dõi quá trình phát triển tâm lý của nàng, mới có thể phán đoán và đánh giá đúng. Đấy là một thiếu nữ xuất thân mồ côi, xinh xắn, tài trí bất phàm, ôm hoài bão chính trị rõ ràng và có dã tâm lớn. Thoạt tiên cũng chỉ định tìm một chốn an thân, sau đó khổ luyện võ công, rồi đương nhiên muốn nổi bật lên trong số đồng môn. Sau lừa được chưởng môn, lại có cơ hội luyện thành võ công cao siêu, Chu Chỉ Nhược ắt không bỏ qua, tiện thể dụ con chim phi phàm Trương Vô Kỵ chui vào lồng, dã tâm của nàng càng bành trướng thêm. Dã tâm của nàng sở dĩ không thể bành trướng nữa, là có liên quan mật thiết với xuất thân và thiên phú. Vì từ nhỏ tay trắng, nên hễ có dịp là muốn có cả thế giới Nhờ dịp may, nhờ xinh đẹp, tài trí, lanh lợi, chịu khó, cộng với xử sự khôn khéo, ý chí mạnh mẽ, biểu diễn giả dối v. v..., chỉ sau một thời gian ngắn, Chu Chỉ Nhược đã đạt thành tựu đáng kinh ngạc. Thu hoạch càng nhiều, kích thích càng mạnh; kích thích càng mạnh, thu hoạch càng nhiều, cứ thế xoay vòng. Giả sử nàng thành vợ của Trương Vô Kỵ, Trương Vô Kỵ trở thành hoàng đế, thì chắc chắn sẽ có ngày Chu hoàng hậu trở thành một Võ Tắc Thiên lừng danh trong lịch sử. Ngược lại, muốn biết sự phát triển của Võ Tắc Thiên, cũng có thể tham khảo quá trình phát triển cuộc đời của hình tượng nhân vật Chu Chỉ Nhược. Tiếc rằng nàng Chu Chỉ Nhược thông minh xinh xắn cuối cùng chẳng những thất bại cả trong sự nghiệp lẫn tình yêu, mà còn bị ma ám, chút nữa phát điên. Đương nhiên có thể nói số phận bất công với nàng, nhưng cũng là đo nàng tự làm tự chịu. Càng tham vọng lắm thì càng thất vọng nhiều.


TRẦN MẶC – TRUNG QUỐC

BÀN VỀ CÁC NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT KIM DUNG

3 nhận xét:

  1. ôi trời, suy diễn. Bạn nên công tâm một chút, giấc mộng vương phi, tình yêu giả dối. Bạn phân tích có phần quá xa rồi đấy. Tình yêu của Chu Chỉ Nhược là thật, bạn đừng bóp méo. Vì muốn làm hoàng hậu mà lợi dụng TVK và Tống Thanh Thư? Mình cũng không rãnh để phản bác lại bạn nhưng mà "bạn đã phân tích những tiểu tiết nhỏ và làm nó lớn ra theo cách của bạn."

    Trả lờiXóa
  2. Trong số những bài phân tích mình đã từng được đọc về nhân vật Chu Chỉ Nhược, bài này là bài phân tích đầy đủ và công bằng nhất. Thật sự khâm phục cách diễn đạt rất tuyệt vời đã lột tả được toàn bộ tích cách và hành động của một nhân vật có tâm tư phức tạp như Chu Chỉ Nhược.

    Trả lờiXóa
  3. như là nhìn thấu tâm hồn của nhân vật vậy

    Trả lờiXóa