Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Tự ngẫm

Chiếc xương sống oằn lưng gánh nặng
Là dáng hình của đất nước tôi
Xưa Thánh Gióng sau vỗ yên bờ cõi
Người an nhiên quay ngựa về trời

Nước mắt mẹ cạn khô thời binh lửa
Những nấm mồ khép lại tuổi hai mươi
Tàn chiến cuộc tướng không về trời nữa
Biết ai người sẽ vỗ yên dân

Sài Gòn 15/10/2013 NĐL
( Ảnh sưu tầm trên Internet )

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

Thần tượng

Việc ngưỡng mộ thần tượng thuộc về sở thích cá nhân, thiết nghĩ nó cần được xã hội tôn trọng.Mà đã là sở thích thì không nên tranh luận và cưỡng ép.

Theo giòng lịch sử, thời đại nào cũng sản sinh ra những con người ưu việt, với những phẩm chất thật nổi bật, có những đóng góp tích cực cho xã hội, họ là thần tượng ngự trị trong trái tim của nhiều người.
Ở chừng mực nào đó,việc ngưỡng mộ thần tượng góp phần thúc đẩy xã hội tiến bộ.

Một thần tượng mới xuất hiện hôm nay,nó có thể lấy bớt chỗ trong ký ức của những thần tượng hôm qua.Đó là chuyện bình thường ở một xã hội văn minh,miễn sao đừng biến nó thành tệ sùng bái cá nhân và cuồng tín.
Một xã hội thiếu vắng những thần tượng mới là biểu hiện của một xã hội trì trệ thiếu sức sống

Sẽ là không bình thường nếu bạn cố cưỡng ép người khác nhường một chỗ trong trái tim của họ để giành chỗ cho thần tượng của bạn.

Sẽ là không bình thường nếu bạn đánh mất lòng tự trọng của mình trong quá trình ngưỡng mộ thần tượng của bạn.

Sẽ là không bình thường nếu bạn sẵn sàng " format" bản thân mình theo những phẩm chất của thần tượng mà bạn không hề có.

Khi thần tượng của bạn bị trói hai tay, bạn có quyền hôn đôi chân của họ nếu muốn.
Bạn có quyền cầu nguyện,bày tỏ niềm tiếc thương,ngưỡng mộ thần tượng của bạn, nhưng đừng quên, khoa học đã chứng minh rằng, tâm của vũ trụ không nằm ở nơi mà thần tượng của bạn,của tôi,hay của ai đó ngự trị.
Nếu một ngày nào đó thần tượng trong bạn có sụp đổ đi chăng nữa, thì đó cũng không phải là ngày tận thế.

Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

Nhìn từ một góc khác về câu chuyện hiển thánh

Góc nhìn dân gian

"Trời đánh Thánh đâm" là câu tục ngữ quen thuộc của người Việt.
Khi người dân bị mất niềm tin vào ánh sáng của công lý,còn "đèn trời" ở quá xa không thể chiếu rọi và lắng nghe tiếng kêu thống khổ của dân,Phật thì từ bi hỷ sả, khó lòng thỏa mãn ước muốn trừ gian,diệt ác, trừng trị đám cường quyền phản nước hại dân.Dân họ gửi gắm ước muốn ấy vào Thánh.

Thánh khác Phật. Họ là nhữn...g vĩ nhân cũng có lòng bác ái,độ lượng nhưng không phải là bậc chân tu giữ giới.
Những vị tướng hiển thánh khi xưa như Quan Công của Trung Quốc,Đức Thánh Trần cuả Việt Nam, trong cuộc đời trận mạc họ đã sát hại biết bao người, phạm giới sát sanh nên không thể thành Bồ Tát, càng không thể thành Phật được.
Phật thì đã đạt được chánh quả, và việc cứu nhân độ thế của họ nhằm vào công việc vĩ đại cứu vớt con người ra khỏi bể trầm luân khổ ải.
Còn các vị Thánh, thì có lẽ đến khi chết các Ngài vẫn chưa toại ý nguyện quá lớn lao lúc sinh tiền, vì vậy anh linh hiển hách của các Ngài còn vương vấn nơi trần thế,còn nặng tình với nhân loại đau khổ, cho nên các Ngài có thể đáp ứng những lời cầu nguyện van xin, cứu giúp trong trường hợp cần thiết.
Thánh có cấp dưới là Thần, các vị Thần thường ở nơi miếu,đình rất gần dân nên thấu hiểu nỗi lòng của dân.
Những người lính, xông pha nơi mũi tên hòn đạn, trong những giờ phút hiểm nguy sinh mạng ngàn cân treo sợi tóc,những người bệnh tật hiểm nghèo, những ngư dân đang lênh đênh trên biển cả mịt mờ, những người dân đang oằn mình chống chọi với những cơn cuồng nộ của thiên nhiên ,những người bị ức hiếp chà đạp....đều thành kính gửi gắm ước vọng của mình vào Thánh Thần để được giúp đỡ,chở che.

Có lẽ không ít người cầu mong cho đại tướng Võ hiển Thánh để gửi gắm hy vọng rằng ông sẽ trừng phạt đích đáng những kẻ huênh hoang láo toét,chúng mượn danh ông để kiếm chác.Trị tội bọn cường hào ác bá và vật cổ cái đám sâu mọt, phản nước hại dân chăng ?
Hay chí ít thì cũng có thể bảo bọc chở che họ trên hành trình tự mình đi tìm công đạo.
 
Sài Gòn 12/10/2013

Chuyện phiếm ngày mưa

Từ xa xưa,quân đội các nước đã biết dùng tâm lý chiến như một thứ vũ khí rất hữu hiệu để tác chiến.
Khiêu khích,chửi mắng,sỉ nhục,chọc giận đối phương là một trong những cách ấy.Đội quân chuyên trách việc này tạm gọi là "mạ binh",nơi tập hợp những tay "to mồm" rất có năng khiếu chửi rủa là các "mạ thủ".


Tác phẩm Tam Quốc Chí có nhiều đoạn mô tả rất thú vị.
Bị mạ binh của Trương Phi chửi mắng suốt 50 ngày đêm,nênTrương Cáp "giận quá mất khôn" đã xua quân vào cái bẫy của Trương Phi giăng sẵn, kết quả là ải Ngọa Khẩu bị thất thủ.
Quan Tư Đồ Vương Lãng vì uất ức trước lời mắng của Khổng Minh nên bị đột quỵ chết giữa trận tiền.
Binh sỹ của Tào Tháo phải dời trại ra xa sau nhiều đêm mất ngủ vì sự nhiễu động của đám mạ binh của quân Thục.
Tư Mã Ý từng đau khổ vì ngấm đòn sỉ nhục khi nhận được "tặng phẩm" là những bộ quần áo đàn bà do Khổng Minh gửi đến để khiêu khích giao chiến.
Còn Viên Thiệu thì sai Trần Lâm thảo một bài hịch  tên là “Kiến An thất tử” để chửi Tào Tháo.Bài hịch ấy,chửi hay đến mức Tào Tháo khi xem đã toát mồ hôi hột, lạnh cả xương sống và suýt nữa bị ngất xỉu.
Trong tác phẩm Thiên Long Bát Bộ,độc giả không khỏi phì cười khi tác giả Kim Dung đã nâng cấp đội mạ binh của phái Tinh Tú do Đinh Xuân Thu sáng lập,ngoài chức năng chửi mắng,sỉ nhục đối phương nó còn kiêm thêm nhiệm vụ tung hô khẩu hiệu và bốc thơm một cách trơ trẽn.
Chuyện xưa đại khái thế.

Còn chuyện nay ?
Khi không gian mạng ngày càng phát triển, nó đã trở thành mảnh đất màu mỡ để mạ binh bàn phím sinh sôi nảy nở .Lực lượng này thật đông đảo, có vẻ như rất có tổ chức,kỷ luật.
Các mạ thủ hiện diện khắp mọi nơi.Có mặt ở hầu hết các "điểm nóng" để "tham chiến".
Đầu tiên là tuyên truyền.Vũ khí là các khẩu hiệu, lời tụng xưng, kể lể công trạng bắt mọi người phải mang ơn ai đó và điều gì đó.Những mỹ từ đã được gọt dũa, tô vẽ làm cho mọi người ảo tưởng về một viễn cảnh tươi đẹp đang hân hoan đón chờ.
Khi không thể tranh luận,họ sẵn sàng dùng các ngôn từ tục tĩu, đê tiện để biến cuộc tranh luận thành nơi để mạt sát sỉ nhục đối thủ.Hăm dọa cũng là một biện pháp hữu hiệu mà các mạ thủ hay dùng để trấn áp tinh thần của đối thủ.

Có người nói việc tranh luận cũng như đánh cờ, sẽ rất hứng thú khi gặp các đối thủ xứng tầm.
Người ta sẵn sàng lắng nghe nếu bạn chửi hay,chửi đúng.Đó là lý do mà các mạ thủ thời nay cũng nên thường xuyên trau dồi ngón nghề để chửi tốt hơn.
Bài hịch của Trần Lâm chửi hay đến mức Tào Tháo cũng phải khen ngợi và nung nấu quyết tâm hưng binh đại nghiệp trở thành Ngụy Vương cũng là một điều không kém phần thú vị đó sao.
Sài gòn ngày mưa 09/10/2013

Thứ Tư, 5 tháng 6, 2013

Đi học thời xưa

=Đóng vai người Việt cổ đi học thời xưa
Cùng khám phá xem vào thời xa xưa, người Việt học hành như thế nào...
“Tôn sư trọng đạo” là một trong những truyền thống vô cùng đáng quý của Việt Nam từ ngàn đời nay., hãy cùng nhìn lại đôi điều thú vị về hệ thống giáo dục thời xưa trên đất nước ta nhé.
Đóng vai người Việt cổ đi học thời xưa 1

Trong suốt thời kỳ từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX, nền giáo dục của nước ta đã chịu ảnh hưởng của văn hóa Nho học từ Trung Quốc. Chữ Nho được dùng như loại chữ chính thống trong nhà trường, thi cử cho tới khi Pháp đô hộ nước ta.

Đóng vai người Việt cổ đi học thời xưa 2

Vào thời kì này, chỉ có duy nhất đàn ông được trở thành thầy giáo và được gọi là thầy đồ. Họ là những nhà Nho có học vấn uyên thâm, có thể đỗ đạt hoặc không, nhưng đều yêu thích nghiệp “gõ đầu trẻ”. 
Yêu cầu đối với một thầy đồ là vô cùng khắt khe, quy củ: Họ phải là người phải có cuộc sống đạo đức, gương mẫu, được môn sinh và dân chúng địa phương kính trọng hết mực. 

Đóng vai người Việt cổ đi học thời xưa 3

Có điều đặc biệt là mỗi môn sinh vào thời đó chỉ có duy nhất một thầy mà thôi. Thầy đồ đóng vai trò rất lớn trong việc nuôi dạy một con người, cả về học thức lẫn lễ giáo. 
Có lẽ vì thế mà người xưa đã từng tổng kết: “Quân”, “Sư”, “Phụ”, có nghĩa là trước phải kính vua, sau là thầy và thứ ba là cha.

Đóng vai người Việt cổ đi học thời xưa 4

Cha mẹ muốn con mình theo học thầy đồ đều chuẩn bị, sắm sửa lễ vật cho đúng với lễ giáo, quy tắc của đạo Nho. Lễ vật bao gồm: cau, trầu, rượu, hương, đèn, xôi, gà để làm lễ trước bàn thờ Khổng Tử rồi mới được nhận vào học.

Đóng vai người Việt cổ đi học thời xưa 5

Trường học thời xưa cũng vô cùng khác so với hiện nay. Trường không do triều đình mở ra mà được dựng ngay trong khuôn viên nhà thầy giáo hoặc trong các đình làng, tùy vào hoàn cảnh mỗi nơi.

Đóng vai người Việt cổ đi học thời xưa 6

Thông thường, trường là một ngôi nhà lớn, bề ngang độ chín, mười thước, bề dọc độ ba bốn mươi thước. 
Trong trường được đặt những phản gỗ hay giường tre cao khoản bốn, năm tấc, sắp xếp gần nhau để học sinh cùng một lớp ngồi cạnh nhau học bài hoặc tập viết. Một trường có từ 30 cho đến trên 100 học trò. 

Đóng vai người Việt cổ đi học thời xưa 7

Trong một lớp học, học sinh học cùng với nhau được gọi là đồng môn. Mỗi lớp đều có một người gọi là trưởng tràng, thường là người có địa vị trong làng do thầy chỉ định hoặc do các học trò cùng bầu ra để lo sinh hoạt của lớp. 

Đóng vai người Việt cổ đi học thời xưa 8

Chương trình học tập được chia làm 4 cấp Ấu học, Sơ học, Trung học, Cao học. Đối với học sinh thời đó: Tam tự kinh, Tứ thư, Ngũ kinh được coi là những cuốn sách gối đầu giường từ thuở còn tấm bé cho tới khi trưởng thành. 

Đóng vai người Việt cổ đi học thời xưa 9

Tam tự kinh là cuốn sách dạy vỡ lòng cho trẻ con mới bắt đầu đi học. Sách gồm tập hợp những câu ngắn gọn đơn giản, chỉ có 3 chữ để dễ học.
Nội dung sách bao trùm khá nhiều lĩnh vực, từ đạo đức, cuộc sống cho tới địa lý, lịch sử được nhà Nho - Vương Ứng Lân người Trung Quốc biên soạn vào đời nhà Tống (năm 960 - 1279).

Đóng vai người Việt cổ đi học thời xưa 10

Chế độ thi cử cũng rất tập trung và nghiêm ngặt. Không tồn tại những kì thi học kì, hay kiểm tra một tiết như ngày nay, mà các cuộc thi đều được diễn ra từ cấp vùng cho tới cả nước. 
Cụ thể,  từ thời Lê sơ (1428 – 1528), người xưa đã đặt ra ba kì thi theo mức độ tăng tiến dần để tuyển chọn người tài phục vụ đất nước là thi Hương, thi Hội, thi Đình.

Đóng vai người Việt cổ đi học thời xưa 11

Các kì thi diễn ra định kì 3 năm một lần và đồng loạt trên cả nước. Thí sinh thi tập trung tại trường thi, thường là ở các tỉnh lớn, trong một khu đất rộng, bằng phẳng rộng hàng trăm mẫu. 
Số lượng thí sinh thường rất đông, ví như kì thi Hương năm 1894, có tới 11.000 học trò từ khắp nơi tới dự thi trường thi ở Nam Định.

Đóng vai người Việt cổ đi học thời xưa 12

Trường đại học đầu tiên của nước ta chính là Quốc Tử Giám ở Hà Nội,  được xây dựng vào năm 1076, thuộc đời nhà Lý. Người đầu tiên giữ chức Tu nghiệp Quốc Tử Giám (tương đường hiệu trưởng trường đại học ngày nay) chính là thầy đồ, nhà nho nổi tiếng Chu Văn An.

* Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: AsiaFinest, Wikipedia, Advite...

Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

6.000 bậc thang tình yêu



Cụ bà 87 tuổi Từ Triều Thanh trong câu chuyện “6.000 bậc thang tình yêu” này sẽ được hợp táng với cụ ông Lưu Quốc Giang vào ngày 10-11, đúng theo di nguyện của hai cụ lúc sinh thời. Cụ đã qua đời ngày 30-10 vừa qua trong vòng tay của những người thân yêu.
Một cuộc tình kết thúc ngọt ngào, nhưng câu chuyện từng lay động hàng triệu con tim này như vẫn còn mãi... Không phải là một chuyện tình trong tiểu thuyết hay điện ảnh lãng mạn, đây là chuyện thật ở vùng núi Bán Pha Đầu tại thôn Cao Than, thị trấn cổ Trung Sơn, quận Giang Tân, thành phố Trùng Khánh.
6.000 bậc thang tình yêu
"Tình yêu không phải là cái để phô diễn. Nó cần sự vị tha và hi sinh. Chuyện “sống vì nhau” khó hơn rất nhiều so với chuyện các bạn trẻ cứ nằng nặc đòi “chết vì nhau”"
Ngày đôi tình nhân này lần đầu gặp nhau cũng chính là lúc cô dâu họ Từ được gả cho một người đàn ông trong thôn. Cụ ông khi ấy vẫn còn là một cậu bé nghịch ngợm đến gãy cả răng cửa. Theo tập tục địa phương, đứa trẻ bị gãy răng cửa chỉ cần được “tân nương” sờ vào miệng thì răng sẽ mau mọc. Lúc được cô dâu Từ Triều Thanh sờ vào miệng, cậu bé họ Lưu ngày ấy như đã mơ hồ cảm thấy cú chạm đầu đời ấy như một định mệnh: “Tớ sẽ cưới một người giống hệt cô Từ làm vợ!” - cậu bé Lưu thường nói với bạn bè. Ngày ấy, ông chỉ mới 6 tuổi.
Cô Từ góa bụa sau khi chồng qua đời vì bệnh. Từ lúc ấy, có một chàng trai mới lớn cứ ngày ngày đến gánh nước, chẻ củi, đỡ đần cho cô. Không ít những lời xì xầm, những cái tắc lưỡi trong thôn.
Thế rồi một buổi sớm tháng 8-1956, người trong thôn phát hiện cô góa phụ họ Từ, khi ấy đã 29 tuổi, cùng bốn đứa con nhỏ bỗng mất tích. Chàng trai Lưu Quốc Giang, lúc này 19 tuổi, cũng bỏ thôn ra đi không lời từ biệt. Họ trốn vào một khu rừng sâu cao hơn 1.500m so với mực nước biển và sống ẩn dật trên đó hơn nửa thế kỷ.
Cho đến năm 2001, một đoàn du lịch thám hiểm vô tình phát hiện hơn 6.000 bậc thang kỳ lạ dẫn lên ngọn núi cao hẻo lánh do một người đàn ông đục đẽo để giúp vợ lên xuống núi an toàn dù chẳng mấy khi bà xuống núi. Suốt 57 năm liền, ngày nào ông cũng lần mò bên những bậc thang và lau dọn sạch sẽ để bà không bị trơn trượt khi lên xuống. Họ sống hơn nửa thế kỷ mà chưa từng rời nhau. Cho đến một ngày cuối năm 2007, người đàn ông bất ngờ qua đời sau cơn bạo bệnh.
Khúc hát dang dở...
Năm 2006, câu chuyện “6.000 bậc thang tình yêu” được bình chọn là “một trong 10 câu chuyện tình yêu kinh điển của Trung Quốc” và được dựng thành phim điện ảnh và truyền hình. Cụ ông Lưu Quốc Giang trở thành “một trong 10 nhân vật gây xúc động nhất Trùng Khánh năm 2006”.
Theo Thương Báo Thành Đô, chính quyền địa phương đang lên kế hoạch xây dựng bảo tàng tình yêu lưu giữ những món đồ kỷ niệm của hai ông bà.
Những ngày sống trên núi cao, mỗi lúc rảnh rỗi ông bà thường cùng nhau nhâm nhi ly rượu và đối đáp với nhau bài Thất thập vọng lang. Nhưng khi ông qua đời, khúc hát ấy chỉ vang lên từ một phía và rơi vào im lặng. “Kể từ khi cha qua đời, mẹ khóc nhiều hơn” - người con trai thứ ba Lưu Minh Sinh nói. Không biết đã bao năm tháng anh nhìn thấy nỗi đau đớn hiện lên trên khuôn mặt đã khô cả nước mắt của mẹ mình. “Có đôi lần mẹ vô tình buông những lời trách móc khiến người khác nghe thấy mà nhói cả lòng. “Ông nói ông khỏe, ông trẻ hơn tôi, ông hứa sẽ ở bên cạnh khi tôi qua đời. Nhưng ông nói mà không giữ lời...”.
Đoạn ghi hình cuộc trò chuyện giữa cụ bà và một phóng viên  báo Trùng Khánh Buổi Chiều khiến nhiều người không cầm được nước mắt. “Ngày nào tôi cũng mắng ông ấy sao ông ấy lại ra đi một mình, chẳng thèm để tâm đến tôi. Tôi muốn ông ấy mang tôi theo”. Nói xong bà đưa tay áo quệt những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt nhăn nheo.
Ông mất, bà xuống núi với người con trai Lưu Minh Sinh, rời xa cái tổ ấm gắn bó hơn 50 năm trời. Anh Lưu cho biết có hai nơi anh thường hay tìm đến mỗi khi phát hiện mẹ mình “mất tích”. Đó là căn nhà bằng đất nơi ông bà sinh sống hơn nửa thế kỷ. “Cứ mỗi ba hôm, cụ bà lại leo hơn 6.000 bậc thang và ngồi thẫn thờ trong căn nhà cũ trên núi. Có lần mưa to gió lớn, cụ cứ nằng nặc đòi lên núi thăm nhà. Cụ khóc rưng rức khi lôi ra những mảnh chén vỡ và tấm vải cũ từ căn nhà đã bị sập hết một nửa do bão to”. Nơi thứ hai là phía cuối bậc thang dưới chân núi. Cụ bà thường hay đến đó với hai ly rượu, một ly cầm trên tay, ly còn lại rưới lên mộ cụ ông.
Có lần trò chuyện với báo Bắc Kinh Buổi Sáng, cụ bà nói: “Mỗi lúc thấy tôi xót lòng xót dạ vì nhìn thấy “cậu nhóc” lần mò đục đẽo các bậc thang, ông ấy lại bảo bậc thang xây xong rồi tôi có thể xuống núi dễ dàng, và cứ thế lặng lẽ làm tiếp”. Bà vẫn gọi ông bằng cái tên “cậu nhóc” hệt như lần đầu tiên hai người gặp mặt.
Ai cũng có thể xây “bậc thang tình yêu”
Tuy lúc nào cũng đau đáu nhớ cụ ông nhưng cụ bà luôn tỏ ra vui vẻ trước con cháu, đặc biệt là với những cặp tình nhân lặn lội lên núi để được cụ chúc phúc. Ngày qua ngày, số lượng các cặp tình nhân tìm đến ngày càng tăng. “Cụ vui vẻ với mọi người và luôn khuyên những người trẻ tuổi hãy yêu thương nhau chân thành” - tờ Thương Báo Trùng Khánh dẫn lời một bạn trẻ tên Bàng Du từng đến thăm cụ bà cách đây ba năm.
Người ta nói tình yêu của ông bà có sức lay động lòng người, bởi lẽ đây là câu chuyện thật của những con người có thật. “Họ chỉ là những nông dân bình dị với một tình yêu hết sức đời thường. Trên núi không có hoa hồng, cũng chẳng có những bữa tối lãng mạn với ánh nến lung linh, chỉ có những chiếc áo cộc chống chọi với giá lạnh khắc nghiệt và cuộc sống vô cùng gian nan chốn thâm sâu cùng cốc. 6.000 bậc thang tình yêu là biểu hiện của sự hi sinh và lòng vị tha cao cả của hai con người yêu thương nhau chân thành, lặng lẽ, không màu mè, không ồn ào mà họ dành cho nhau” - Báo Chiều Dương Châu viết.
Một bạn trẻ có biệt danh “@it’s my life” viết: “Tình yêu thật sự không phải là yêu sâu đậm bao nhiêu, mà là anh có thể yêu người đó trong bao lâu!”. Báo Tứ Xuyên Online cũng viết: “Tình yêu không phải là việc tặng 999 đóa hoa hồng cho người mình yêu, mà phải được thể hiện trong những năm tháng đời thường bên cạnh người vợ, người chồng của mình”. “Với yêu thương chân thành, bạn cũng có thể tạo được những bậc thang tình yêu trong chính cuộc sống bình thường của gia đình mình” - Báo Chiều Dương Châu viết.

Kì lạ vị tướng giỏi ngoại ngữ “siêu đẳng” của nhà Trần


Bên cạnh tài quân sự kiệt xuất, danh tướng Trần Nhật Duật còn được sử sách ghi nhận với tài ngoại ngữ có một không hai của mình.

Trần Nhật Duật là… kiếp sau của giống Phiên, Nam

Từ thuở niên thiếu, Trần Nhật Duật đã bộc lộ tư chất thông minh của một thiên tài. Sau này, ông không chỉ nổi tiếng vì sự am hiểu kinh sử, giỏi chính trị, quân sự mà còn rất thông thạo ngôn ngữ và phong tục tập quán của các các quốc gia lân bang và tộc người thiểu số trong nước.

Đã có nhiều câu chuyện khác nhau về biệt tài này của Trần Nhật Duật.

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, vào thời của vua Trần Nhân Tông, có một lần sứ thần nước Sách Mã Tích (tên cổ của Singapore) sang cống, nhưng triều đình không tìm được người phiên dịch.

Vua triệu tập các phiên dịch viên giỏi nhất của thành Thăng Long lại để nói chuyện với sứ thần, nhưng không một ai nói được tiếng Sách Ma Tích. Trần Nhật Duật biết chuyện liền đến gặp sứ thần và nói chuyện trôi chảy bằng thứ ngôn ngữ lạ trong sự thán phục của những người có mặt.

Sau chuyện này, có người hỏi Trần Nhật Duật vì sao biết được tiếng nước Sách Ma Tích. Ông trả lời: “Thời vua Thái Tông, sứ nước ấy sang, nhân có giao du với họ, nên hiểu được đôi chút tiếng nước họ”.

Trong các ngoại ngữ thì tiếng Chăm là thế mạnh của Trần Nhật Duật. Từ thành Thăng Long, ông thường cưỡi voi đến chơi thôn Bà Già (phía Tây Hà Nội ngày nay), nơi sinh sống của các cư dân có nguồn gốc từ tù binh Champa. Ông rất say mê trò chuyện, tìm hiểu ngôn ngữ, văn hóa của người Chăm và thường ở lại cùng họ mấy ngày mới về.

Tài ngoại ngữ của Trần Nhật Duật khiến vua rất thán phuc. Có lần vua còn nói đùa: “Chiêu Văn Vương có lẽ không phải người Việt mà là kiếp sau của giống Phiên, Nam (chỉ các dân tộc lân bang ở vùng Đông Nam Á thời đó)”.

Nói tiếng dân tộc, uống rượu bằng mũi

Năm 1280, Trịnh Giác Mật - tù trưởng địa phương ở Đà Giang (Tây Bắc ngày nay) là nổi lên chống lại triều đình giữa lúc nhà Nguyên chuẩn bị đưa quân sang xâm lược Đại Việt lần thứ hai. Trần Nhật Duật được lệnh đem quân dẹp loạn.

Khi Trần Nhật Duật đến Đà Giang, Giác Mật sai người đưa thư nói: “Giác Mật không dám trái lệnh triều đình, nếu ân chúa dám một mình một ngựa mà đi đến thì Giác Mật xin hàng ngay”.

Bất chấp các tướng can ngăn, Trần Nhật Duật nhận lời rồi đem các tiểu đồng cùng đi. Tới đại bản doanh của những kẻ nổi loạn, ông thản nhiên đi giữa hàng lính mặc sắc phục kì dị, lăm lăm gươm giáo được bày ra để dọa dẫm.

Trần Nhật Duật nói với Giác Mật bằng chính ngôn ngữ và theo đúng phong tục của dân tộc vùng Đà Giang: “Lũ tiểu đồng của ta đi đường thì nóng tai trái, đến đây thì nóng tai phải”, khiến vị tù trưởng và các đầu mục kinh ngạc.

Người Đà Giang có tục “ăn bằng tay, uống bằng mũi”. Khi mâm rượu được bưng lên, chỉ có quả bầu cắt đôi sóng sánh rượu và đĩa thịt nai muối. Trần Nhật Duật rất tự nhiên lấy tay cầm thịt ăn rồi vừa nhai vừa ngẩng mặt, cầm bầu rượu từ từ dốc vào lỗ mũi đầy điêu luyện.

Trịnh Giác Mật kinh ngạc thốt lên: “Chiêu Văn Vương là anh em với ta”. Trần Nhật Duật đáp lại: “Chúng ta xưa nay vẫn là anh em”, rồi gọi tiểu đồng đến, tự tay mở tráp, lấy ra những chiếc vòng bạc sáng lấp lánh, trao tận tay cho tù trưởng Đà Giang và các từng đầu mục.

Sau buổi gặp gỡ, Trịnh Giác Mật đã đem cả gia thuộc đến doanh trại Trần Nhật Duật xin hàng phục triều đình. Như vâỵ, cả miền Đà Giang đã được Trần Nhật Duật thu phục chỉ bằng sự tinh thông ngôn ngữ và văn hóa dân tộc, không phải đổ một giọt máu nào.

Sứ nhà Nguyên quả quyết Trần Nhật Duật là người Hán

Về tiếng Hán - ngoại ngữ thông dụng trong giới quan lại quý tộc nhà Trần - Trần Nhật Duật cũng tỏ ra xuất sắc hơn người.

Theo thông lệ, khi sứ phương Bắc sang thì triều đình phải sai phiên dịch viên làm trung gian, tể tướng không được người trực tiếp đối thoại, đề phòng việc xảy ra sai sót gì thì còn có thể đổ lỗi cho người phiên dịch.

Nhưng tể tướng Trần Nhật Duật lại là ngoại lệ. Khi tiếp sứ nhà Nguyên ông thường nói chuyện trực tiếp với họ. Khi sứ về nơi nghỉ thì dắt tay cùng vào, ngồi uống rượu vui vẻ như bạn vẫn quen biết.

Chính tiếng Hán lưu loát và sự am hiểu văn hóa Hán đã khiến sứ nhà Nguyên tưởng Trần Nhật Duật là người Hán di cư sang Đại Việt, đặt câu hỏi: “Ông là người vùng Chân Định (một huyện ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) đến làm quan ở đây chứ gì?”.

Trần Nhật Duật ra sức giải thích, nhưng sứ Nguyên vẫn không tin vì người nước Việt không thể giỏi tiếng Hán như vậy được.

Kỹ năng tiếng Hán đặc biệt của Trần Nhật Duật có thể lý giải bằng việc ông có mối quan hệ thân mật với những người Hán ở kinh thành Thăng Long.

Theo các sử liệu, Trần Nhật Duật thường hay qua nhà của Trần Đạo Chiêu là người Tống, ngồi bên nhau nói chuyện phiếm hàng giờ không thôi. Ông cũng hay đến thăm chùa Tường Phù, ở lại qua đêm để đàm đạo với nhà sư người Tống. Khách người Hán đến Thăng Long thường được ông mời đến chơi nhà, vừa thưởng trà, vừa bàn đủ thứ chuyện…

Hoàng Phương
Nguồn Kiến thức