Tác giả: Sigmund FreudDịch giả: Nguyễn Xuân HiếnNhà xuất bản đại học quốc gia Hà Nội, năm 2002.
MỤC LỤC
4. Những hành vi sai lạc (tiếp theo)
|
Sigmund Freud - Tâm lý gia của cõi vô thức
Trong tất cả các ngành khoa học, người ta thường thừa nhận tâm lý học là một môn khoa học bí hiểm và tối tăm nhất, và khó có thể chứng minh bằng khoa học hơn bất cứ bộ môn nào khác. Bản chất của những sự vật ở đây luôn luôn có sự hư hư thực thực và sự bất ngờ, vì nhà tâm lý học phải nghiên cứu về một hiện tượng tự nhiên bí mật nhất, đó là cuộc sống tâm lý của con người. Một lý thuyết hóa học hay vật lý có thể được chứng minh hay bác bỏ những phương pháp kỹ thuật trong phòng thí nghiệm, nhưng đối với giá trị của một lý thuyết tâm lý học, rất có thể không sao chứng minh được một cách minh bạch, cho nên nhiều cuộc tranh luận bão táp đã nổi lên xung quanh Sigmund Freud và khoa phân tâm học suốt sáu chục năm ròng.
Dầu sao, có thể chứng minh được hay không thì học thuyết của Sigmund Freud cũng đã có một ảnh hưởng vô song đối với tư duy hiện đại. Ngay Einstein cũng không kích thích trí tưởng tượng hay thâm nhập vào đời sống của người đương thời bằng Sigmund Freud. Nhờ tìm tòi nghiên cứu những thứ chưa bao giờ ai hiểu biết về trí não con người mà Sigmund Freud đã đưa ra được những ý tưởng và những từ ngữ mà ngày nay đã chan hòa vào cuộc sống thường nhật của chúng ta. Thực vậy, tất cả mọi lĩnh vực tri thức của con người như văn chương, nghệ thuật, tôn giáo, nhân chủng học, giáo dục, luật pháp, xã hội học, luật học, sử học và những môn học về xã hội hay cá nhân khác đều chịu ảnh hưởng của học thuyết Sigmund Freud.
Tuy nhiên, học thuyết này lại quá khô khan và ít sáng sủa. Một nhà phê bình khá hài hước đã nhận xét rằng:
“Đối với người đời thì do sự phổ biến học thuyết này, Freud đã nổi bật lên như một kẻ phá bĩnh vĩ đại nhất trong lịch sử tư tưởng nhân loại. Ông đã biến đổi sự giễu cợt và những niềm vui nhẹ nhàng của con người thành những hiện tượng dồn nén, bí hiểm và sầu thảm, đã tìm thấy sự hằn thù trong nguồn gốc yếu thương, ác ý ngay trong lòng sự âu yếm, loạn luân trong tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái, tội lỗi trong thái độ đại lượng và trạng thái của sự căm uất bị “dồn nén” của mọi người cha như là một thứ được lưu truyền của nhân loại”.
Tuy nhiên nhờ Freud mà ngày nay người ta đã có những ý nghĩ rất khác nhau về chính mình. Họ chấp nhận các khái niệm của Freud như: ảnh hưởng của tiềm thức đối với ý thức, nguồn gốc tính dục của bệnh thần kinh, sự hiện hữu và tầm quan trọng của tính dục trẻ thơ, tác dụng mặc cảm Ơ-đip" vào các giấc mộng, tình trạng "dồn nén"… Những khuyết điểm của con người như lỡ lời, nhớ mặt quên tên và quên lời hứa đều mang một ý nghĩa mới xét theo quan điểm của Freud. Hiện nay khó mà xác định được hết những định kiến mà Freud phải chống lại để truyền bá học thuyết của ông. Những định kiến này còn cố chấp hơn cả những định kiến mà Copernicus và Darwin đã vấp phải.
Khi Freud chào đời ở Freiberg thuộc miền Moravia, tác phẩm Nguồn gốc các chủng loài chưa xuất hiện. Năm đó là năm 1985. Cũng như Karl Marx, tổ tiên Freud có nhiều người là pháp sư đạo Do Thái. Ông được đưa tới thành Vienna thủ đô nước Áo vào năm lên bốn tuổi và đã sống gần suốt cả tuổi trưởng thành tại đây. Theo Ernest Jones, người viết tiểu sử chính của Freud thì ông đã được thừa hưởng của cha ông là một nhà buôn len, "tính hoài nghi sâu sắc về những tai biến bất thường của cuộc đời, thói quen dùng giai thoại Do Thái để châm biếm các quan điểm đạo đức, không tín ngưỡng những vấn đề tôn giáo". Bà mẹ Freud sống tới năm 59 tuổi, bản tính năng động và nhanh nhẹn. Sigmund Freud là đứa con cưng đầu lòng của bà. Sau này Freud đã viết "một người đã từng là con yêu đặc biệt của một bà mẹ thì suốt đời người ấy có cái cảm giác là một kẻ đi chinh phục, và chính cái lòng tin chiến thắng ấy luôn đem lại thành công thực sự".
Vào những năm đầu của cuộc đời, Freud rất tin vào thuyết của Darwin vì ông thấy rằng "Những thuyết ấy làm cho người ta có thể hy vọng vào những bước tiến phi thường trong việc tìm hiểu thế giới". Dự định sẽ trở thành thầy thuốc, ông đã theo học trường Đại học Y khoa thành Vienna. Và ông đã đỗ bác sĩ năm 1881. Là một thầy thuốc trẻ tuổi của bệnh viện đa khoa, chữa trị đủ mọi loại bệnh, ông tiếp tục nghiên cứu môn thần kinh bệnh học và giải phẫu thần kinh. Ít năm sau, số mệnh xoay chiều và bất thần làm tên tuổi của ông nổi tiếng khắp thế giới. Một bạn đồng nghiệp của ông đã đi Paris và ông bèn đi theo sang thành phố này. Tại đây, ông cùng làm việc với Jean Charcot, lúc ấy đã là một nhà bệnh lý học và thần kinh học người Pháp nổi tiếng. Ở đây, lần đầu tiên ông được tiếp xúc với công trình của Charcot về bệnh loạn thần kinh và cách dùng phương pháp thôi miên để điều trị bệnh này. Freud đã thoả mãn khi thấy Charcot chứng minh được "bệnh loạn thần kinh thật mà và loạn thần kinh giả do dùng thôi miên tạo ra.
Nhưng khi trở lại thành Vienna, Freud không làm thế nào để thuyết phục được các bác sĩ đồng nghiệp: họ không tin là phương pháp chữa bệnh loạn thần kinh bằng thôi miên lại có cơ sở khoa học. Và người ta còn trừng phạt những ý nghĩ quá tạo bạo của ông bằng cách đuổi ông ra khỏi phòng thí nghiệm giải phẫu thần kinh. Từ đấy Freud tách khỏi môi trường đại học và không còn tiếp tục tham gia những buổi họp của giới trí thức ở Vienne nữa. Trong lúc hành nghề bác sĩ tư, ông tiếp tục dùng phương pháp thôi miên để thí nghiệm trong nhiều năm nữa, nhưng dần dần ông đã bỏ phương pháp điều trị này chỉ vì ít người hợp với lối chữa bằng thôi miên và cũng vì đôi khi thôi miên có những hiệu quả không hay với nhân cách người bệnh. Thay vào đó, Freud bắt đầu phát triển một phương pháp mới, ông đặt tên là "tự do liên tưởng", về sau kỹ thuật này đã trở thành một tiêu chuẩn thực hành của khoa học phân tâm học.
Freud hẳn là người sáng lập ra môn thần kinh bệnh học, điều đó không còn nghi ngờ gì nữa. Trước ông, các nhà thần kinh bệnh học chỉ quan tâm đến những triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt (schizophrenia) và chứng tâm thần suy giảm (lẩm cẩm), cần phải giam lại trong bệnh viện. Ngay từ khi chữa chứng dồn nén và chứng thần kinh tương khắc, Freud đã đi tới kết luận là không phải chỉ riêng con bệnh mà cả những người lành mạnh bình thường cũng mang trong mình những xung khắc tâm thần tương tự. Đi xa hơn nữa, bệnh tâm thần không phải là bệnh theo nghĩa thông thường được chấp nhận mà là trạng thái tâm lý của trí não. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để điều trị những chứng rối loạn tâm thần đang lan tràn rộng rãi ấy. Căn cứ vào những quan sát, thí nghiệm và kinh nghiệm thực hành khi điều trị cho nhiều người bệnh ở Vienna, Freud đã xây dựng cơ sở cho khoa phân tâm học vào khoảng cuối thế kỷ 19.
Freud là một trong những nhà khoa học đã sáng tác nhiều hơn hết trong thời đại chúng ta. Sự phong phú về những đề tài mới mẻ cùng những phần đóng góp về tâm lý do ngòi bút của ông đem lại không thể thu gọn trong bất cứ một cuốn sách hay tờ báo nào. Theo ông, thì chắc chắn cuốn sách quan trọng ra đời sớm nhất của ông mà cũng được ông yêu thích nhất là cuốn Đoán Mộng xuất bản năm 1900. Sách này gồm hầu hết những quan sát cơ bản và những suy luận của ông. Trong cuốn Nghiên cứu về chứng loạn thần kinh xuất bản sớm hơn (tức là vào năm 1895), ông đã bộc lộ niềm tin rằng "yếu tố chính trong sự rối loạn về tính dục là sự suy yếu gây ra cả bệnh tâm thần (neuros) lẫn bệnh tâm thần suy nhược (psychoneuroses)". Đó là nền tảng của thuyết phân tâm. Vài năm sau đó, Freud hoàn chỉnh được lý thuyết của ông về sức đối kháng, hiện tượng chuyển biến tính dục tuổi thơ, mối tương quan giữa những ký ức bất mãn và ảo tưởng, giữa cơ chế tự vệ (defense mechanism) và sự dồn nén.
Một bản tóm lược những luận đề chính sẽ cho ta thấy được phần nào tính phức tạp của thuyết phân tâm. Trước hết, thần kinh bệnh học và phân tâm học không phải là hai từ đồng nghĩa. Phân tâm học có thể được coi như một ngành của thần kinh bệnh học và chỉ áp dụng cho những trường hợp khó khăn nhất là rối loạn nhân cách. Cho nên, phân tâm học có thể được định nghĩa như một phương pháp dùng để trị những bệnh rối loạn tâm lý và thần kinh. Theo một bản tường trình mới đây thì ở Mỹ chỉ có 300 trên 4.000 các bác sĩ thần kinh được tín nhiệm là những nhà phân tâm học mà thôi.
Họa hoằn lắm Freud mới chú ý tới việc điều trị cá nhân. Những trường hợp cá nhân không bình thường chỉ được coi là những triệu chứng xáo trộn về kinh tế, xã hội và văn hoá của thế giới ngày nay. Mục đích của ông là trị bệnh tận gốc.
Nhiều nhà phê bình đã đồng ý là thành tựu mà Freud đã đạt được dựa chủ yếu trên công trình phát giác và khảo sát về lĩnh vực vô thức của con người.
So sánh tâm linh con người với một tảng băng, mà tới tám chín phần mười tảng băng này chìm dưới nước biển, Freud cho rằng phần chính tâm lý con người cũng được ẩn giấu trong cõi vô thức. Bên dưới lớp vỏ ngoài, vì những lý do nào đó, những cảm giác và những mục đích mà một cá nhân đã không những giấu kín người khác mà còn tự giấu ngay chính bản thân mình nữa. Trong tâm lý học của Freud, cõi vô thức là tối thượng và mọi hoạt động ý thức chỉ có một vị trí phụ thuộc. Nếu hiểu được cái thầm kín bí mật sâu xa của cõi vô thức ắt chúng ta hiểu được bản chất nội tâm của con người. Freud tuyên bố là chúng ta thường suy nghĩ một cách vô thức và chỉ thỉnh thoảng suy tư của chúng ta mới có tính chất ý thức. Tâm linh vô thức chính là nguồn gốc gây bệnh tâm thần, vì bệnh nhân thường cố gắng gạt ra ngoài cõi ý thức mọi ký ức khó chịu, mọi ước vọng bị "dồn nén" vô hiệu, nhưng kết quả là anh ta tích tụ ngày càng nhiều ký ức, những ước vọng, để dồn thành bệnh.
Freud phân loại mọi hoạt động tinh thần của mỗi nhân con người được thể hiện thành ba cấp độ được ông gọi là Tự Ngã, (Id. Soi); Bản Ngã (ego moi) và Siêu Ngã (superego Surmoi). Quan trọng số một là cái Id, Freud bảo: Phạm vi của Id là phần nhân cách tối tăm và không thể đi đến được của chúng ta. Bản thân ta chỉ biết chút ít về cái Id qua nghiên cứu các giấc mộng và qua sự biểu hiện các triệu chứng bên ngoài của bệnh tâm thần, Id là nơi trú ngụ các bản năng nguyên thuỷ và các xúc cảm đi ngược lên tới cái quá khứ xa xưa khi mà con người còn là một con thú, Id có tính chất thú vậy và bản chất của nó là thuộc về dục tính (sexual in nature), nó vốn vô thức. Freud viết tiếp: Cái Id bao gồm tất cả những gì do di truyền, có ngay từ lúc sinh ra được kết tụ lại trong sự cấu thành. Id mù quáng và độc ác. Mục đích độc nhất của nó là thoả mãn các ham muốn bản năng và các khoái cảm, không cần biết đến các hậu quả. Nói theo Thomas Mann thì: "Nó không biết gì đến giá trị, thiện hay ác, và cả đạo đức nữa".
Đứa bé sơ sinh là Id được nhân cách hóa. Dần dần cái Id phát triển lên thành cái Ego (bản ngã Moi). Khi đứa bé lớn lên. Thay vì được hoàn toàn dẫn dắt bằng nguyên lý khoái lạc, cái Ego bị chi phối bởi nguyên lý “thích ứng với thực tại”. Ego biết được thế giới xung quanh, nhận ra rằng phải kìm hãm những khuynh hướng phạm pháp của cái Id để ngăn ngừa mọi xung đột với luật lệ của xã hội. Như Freud viết, cái Ego là “viên trọng tài giữa những đòi hỏi bạt mạng của cái Id và sự kiểm soát của thế giới bên ngoài”. Vì vậy Ego thực sự hành động như một nhân viên kiểm duyệt, cắt xén, sửa đổi những thúc giục của cái Id làm cho những thúc giục này phù hợp với tình hình thực tế, biết rằng việc tránh khỏi bị xã hội trừng phạt và cả để tự bảo toàn hay là ngay cả đến sự bảo tồn, đều phải tùy thuộc vào những “dồn nén”. Tuy nhiên cuộc đấu tranh giữa cái Ego và Id có thể gây ra những bệnh tâm thần, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhân cách cá nhân.
Sau hết, còn một thứ yếu tố thứ ba trong quá trình sinh hoạt tinh thần gọi là Superego (Siêu ngã). Siêu ngã này có thể được định nghĩa một cách đại khái là “lương tâm”. Học trò chính của Freud ở Hoa Kỳ là A.A Brill đã viết:
“Cái Superego là sự phát triển tinh thần cao hơn cả mà con người có thể đạt tới được và bao gồm lẫn lộn mọi sự cấm đoán, mọi quy tắc cư xử do cha mẹ tạo ra nơi đứa trẻ. Tri giác lương tâm hoàn toàn tùy thuộc vào sự phát triển của cái Superego.
Cũng như cái Id, cái Superego cũng nằm trong vô thức và cả hai cùng luôn ở thế tương tranh, trong khi cái Ego luôn hoạt động ở giữa như một trọng tài. Lý tưởng đạo đức và quy tắc cư xử đều nằm trong Superego. Khi ba cái Id và Superego tương đối hòa hợp thì cá nhân lúc ấy ở trạng thái điều hòa và hạnh phúc. Nếu cái Ego để cho cái Id vi phạm các luật lệ, cái Superego sẽ gây ra lo lắng, cảm giác có tội và mọi biểu lộ của lương tâm.
Lý thuyết tính dục hay còn gọi là nhục dục (Libido) là một khái niệm khác được ghép chung với Id và do Freud tạo ra. Ông dạy rằng tất cả những xúc cảm của Id đều là hình thức thể hiện của “năng lượng tính dục” (sexual). Thuyết tính dục đã từng được gọi là “cái lõi của phân tâm học”. Mọi sáng tạo văn hóa của con người: nghệ thuật, luật pháp, tôn giáo, vân vân.. đều được coi là sự phát triển của tính dục. Khi nói “năng lực của tính dục” (sexual energy), thì ở đây chữ “tính” (sexual) được dùng theo nghĩa rộng. Ở đứa trẻ bản năng tính dục bộc lộ qua những hành động như mút tay, bú sữa chai và bài tiết. Những năm sau đó năng lượng tính dục có thể được truyền cho người khác qua hôn nhân, mang hình thức một hư hỏng thuộc về “tính” hay được thể hiện qua hoạt động sáng tạo nghệ thuật, văn chương hay âm nhạc - đó là phương pháp được gọi là “dịch chuyển”. Theo Freud thì bản năng tính dục (sex instinct) là nguồn gốc của mọi công trình sáng tạo vĩ đại nhất.
Thật vậy, Freud đã tuyên bố: “Các bênh tâm thần, không chừa một bệnh nào, đều là những rối loạn của đời sống sinh lý”. Nếu luận thêm, không thể cho rằng bệnh tâm thần là do những cuộc hôn nhân thất bại hay những mối tình lỡ làng gây ra; trái lại có thể tìm thấy dấu vết tất cả những bệnh này ở thời kỳ ấu thơ với các mặc cảm tính dục. Freud đã áp dụng lý thuyết của ông sang lĩnh vực nhân chủng học trong tác phẩm Vật tổ và cấm kỵ. Ông tin rằng ngay tôn giáo cũng chỉ là biểu hiện của mặc cảm tính dục. Sau khi phân tích kỹ lưỡng từng chi tiết hàng trăm trường hợp bệnh nhân đến chữa bệnh, Freud đã nâng bản năng tính dục và thèm khát nhục dục lên thành yếu tố đầu tiên và mạnh mẽ nhất trong việc tạo thành nhân cách con người, đồng thời là nguyên nhân sâu xa của mọi bệnh tâm thần. Đó là một phán đoán mà một số các nhà phân tâm học nổi tiếng khác đã bác bỏ như sẽ nói sau đây.
Vì xã hội buộc mỗi con người phải kiềm chế nhiều ham muốn, theo cách nói của Freud thì mỗi cá nhân đã vô tình tích trữ nhiều “dồn nén”. Bình thường thì ý thức con người vẫn thành công trong việc ngăn trở, không cho “những sức mạnh vô thức đen tối” bị dồn nén kia xuất hiện. Nhưng sự kiểm soát ấy có thể làm cho những con bệnh tâm thần trải qua những giai đoạn xúc cảm bị rối loạn sâu xa. Freud cho công việc chữa bệnh của nhà phân tâm học là “làm bộc lộ và thay thế những dồn nén bằng những hành động phán đoán có thể đưa đến, hoặc sự chấp nhận hoặc sự loại bỏ những gì đã bị khước từ từ trước”. Vì bản chất của sự dồn nén là gây ra sự đau khổ, nên người bệnh thường cố tìm cách ngăn không cho những dồn nén ấy bộc lộ ra ngoài. Sự cố gắng che đậy ấy Freud gọi là “sức đối kháng”. Nhiệm vụ của thầy thuốc là loại bỏ sức đối kháng này, để người bệnh bộc lộ ra cái “dồn nén” kia.
Kỹ thuật do Freud phát minh ra để giải tỏa với mọi “dồn nén” và loại bỏ mọi đối kháng là phương pháp “gợi tự do liên tưởng”: Những lời nói thao thao bất tuyệt có ý thức của người bệnh khi nằm trên cái giường của nhà phân tâm học trong cảnh đèn sáng mờ mờ, nhà phân tâm học kích thích, khêu gợi để người bệnh không nghĩ một cách có ý thức về bất cứ chiều hướng nào, Freud cho rằng phương pháp “kích thích tự do liên tưởng” là phương pháp duy nhất hữu hiệu để chữa bệnh tâm thần. Ông cũng chủ trương là phương pháp ấy “hoàn thành được điều mà người ta trông đợi, nghĩa là đưa những mong muốn bị sức đối kháng dồn nén từ xưa ta lĩnh vực ý thức”. Brill đã mô tả cách Freud chữa bệnh như sau: “Ông thuyết phục con bệnh gạt mọi suy nghĩ có ý thức, tự buông thả mình vào một trạng thái tập trung bình thản, tự phó mặc theo những cảm xúc và suy nghĩ nảy sinh, rồi thuật lại tất cả những điều đó cho ông biết. Nhờ phương pháp ấy, ông đưa dần bệnh nhân tới trạng thái “tự do liên tưởng”; và nhờ nghe người bệnh tự do liên tưởng, mà thầy thuốc có thể tìm ra được nguồn gốc sâu xa của các triệu chứng”. Sự việc đã quên rồi nay lại được người bệnh kéo ra khỏi cõi vô thức, có khi phải sau hàng tháng trời điều trị bằng phương pháp phân tâm. Nguồn gốc thường là một sự việc nào đó đau đớn, khó chịu, đáng sợ hay nói cách khác đáng ghét, từ trong quá khứ của bệnh nhân. Đó chính là những “kỷ niệm” mà người bệnh hoàn toàn không muốn nhớ lại một cách có ý thức.
Trong quá trình tự do liên tưởng, những hồi tưởng lông bông ấy không tránh khỏi tạo ra một mớ lộn xộn, rối rắm những sự kiện lờ mờ không rõ, và tưởng như vô ích. Vì vậy, người thầy thuốc như nhiều nhà phê bình cho biết, gần như có vô vàn cách giải thích những dữ kiện ấy. Vì thế nhà phân tâm học phải hết sức sáng suốt và có tài khéo léo.
Trong khi chữa bệnh bằng phương pháp phân tâm, Freud phát hiện ra cái mà ông gọi là “một yếu tố quan trọng khó thể nào lường được”, một giây liên lạc tình cảm nồng nhiệt giữa con bệnh và nhà phân tâm học. Cái đó gọi là “chuyển dịch”.
“Bệnh nhân không thỏa mãn nếu chỉ coi nhà phân tâm học như là người giúp đỡ và cố vấn cho họ.. Ngược lại con bệnh lại nhìn thấy qua nhà phân tâm học một hình ảnh quan trọng trong thời thơ ấu hay quá khứ của họ hiện lại. Và vì thế mà họ sẵn sàng bộc lộ mọi tình cảm và phản ứng mà chắc chắn là đã được dành cho hình ảnh ấy “dịch chuyển” sang phía nhà phân tâm học”.
Sự dịch chuyển “có thể thay đổi giữa hai thái cực, từ một tình yêu hoàn toàn xác thịt và cuồng nhiệt tới một thái độ nghi ngờ chua chát và oán hờn không kìm chế được.”
Trong tình trạng ấy, nhà phân tâm học “như được đặt vào địa vị của cha mẹ người bệnh”. Freud coi sự kiện dịch chuyển như “công cụ tốt hơn hết để chữa bệnh theo phương pháp phân tâm” nhưng ông cũng cho biết “tuy nhiên việc sử dụng phương pháp này là phần khó khăn và quan trọng hơn hết trong kỹ thuật phân tâm”. Freud xác nhận là việc này “được thực hiện bằng cách thuyết phục con bệnh là họ đang sống lại những mối liên hệ tình cảm phát sinh từ thời ấu thơ”.
Một phương pháp hữu hiệu khác để nghiên cứu những xung đột và cảm xúc nội tâm được Freud khai triển thêm là phân tích những giấc mộng. Trong lĩnh vực này, Freud cũng lại là một nhà tiên phong. Trước ông, người ta coi giấc mộng là vô nghĩa hoặc không có mục tiêu. Tác phẩm Đoán mộng của ông là công trình khoa học đầu tiên nghiên cứu về hiện tượng nằm mộng. Ba mươi mốt năm sau khi tác phẩm này được ấn hành, Freud nhận ra rằng: “Theo nhận xét của tôi ngày nay thì tác phẩm này chứa đựng tất cả những phát kiến giá trị nhất mà tôi đã may mắn tìm ra”. Theo Freud thì “chúng ta đã có lý khi cho rằng giấc mộng là sự biến dạng của một ước vọng khi bị dồn nén”. Mỗi một giấc mộng đều biểu hiện một bi kịch trong thế giới nội tâm của con người. Freud xác nhận rằng: “Giấc mộng bao giờ cũng là sản phẩm của một cuộc tranh chấp” và “mộng bảo vệ cho giấc ngủ”. Nhiệm vụ của giấc mộng là trợ giúp chứ không phải là phá rối giấc ngủ. Giấc mộng làm tan đi cảm giác căng thẳng do những ước mong không đạt được gây ra.
Theo quan điểm của Freud thì giấc mộng thuộc phạm vi chi phối của vô thức, của Id và mộng rất quan trọng đối với nhà phân tâm học vì nhờ nó mà phân tâm học đi được vào cõi vô thức của con bệnh. Trong cõi vô thức có tất cả những ước vọng đầu tiên và những ham muốn thuộc cảm xúc đã bị hai cái Ego và Superego gạt ra khỏi ý thức. Những ham muốn thú tính luôn luôn nằm ngay bên dưới cái vỏ ngoài ý thức, và tự thúc đẩy tiến vào thế giới mộng mị. Tuy nhiên, ngay trong giấc mộng, Ego và Superego vẫn có mặt để canh chừng, kiểm duyệt. Vì lẽ đó, ý nghĩa của giấc mộng không luôn rõ ràng, những ý nghĩa này được biểu lộ bằng những hiện tượng và thầy thuốc cần biểu lộ chúng một cách lão luyện. Vì mang tính kí hiệu cho nên ý nghĩa của giấc mộng ta không thể hiểu được theo nghĩa đen, ngoại trừ những giấc mộng đơn giản của trẻ thơ. Trong tác phẩmĐoán mộng có nhiều ví dụ được Freud dùng phương pháp phân tâm phân tích.
Đọc nhầm, nói lỡ lời và những biểu hiện đãng trí lặt vặt khác đều là những dấu hiệu cho biết hoạt động ngầm của vô thức. Freud viết: “Đã biết dùng phép đoán mộng để đi vào cõi vô thức thì phân tâm học cũng sử dụng những lầm lỡ của con người nhằm mục đích đó. Những lầm lỡ ấy nhà phân tâm học gọi là triệu chứng hoạt động”. Vấn đề này còn được Freud nghiên cứu vào năm 1904 trong cuốn Tâm thần bệnh lý học của đời sống thường ngày (The psychopathology of everyday life). Trong tác phẩm này, ông vẫn chủ trương “những hiện tượng đó không phải ngẫu nhiên... chúng có một ý nghĩa và ý nghĩa đó có thể diễn giải ra được. Và người ta có lý khi từ những hiện tượng đó suy ra sự hiện hữu của những xúc động và mong muốn bị dồn nén, ngăn cấm”. Quên tên ai có thể có nghĩa là mình không ưa gì người mang tên ấy. Một người lỡ tầu vì nhầm lẫn bảng tầu chạy, có thể có nghĩa là người ấy không muốn đi chuyến tầu ấy. Một người chồng đánh mất hay quên chìa khóa nhà có thể vì người ấy cảm thấy đã phải sống khổ sở trong gia đình và không muốn về nhà. Nghiên cứu những lầm lẫn như vậy có thể đưa nhà phân tâm học đi vào cõi vô thức đầy rối rắm của con người.
Người ta còn tự giải thoát được những gì bị dồn nén nhờ biết giễu cợt. Giễu cợt đã được Freud mệnh danh là “cái nắp xả hơi tối tân và an toàn nhất mà con người đã dần tạo ra được” vì chính nhờ giễu cợt mà chúng ta tạm thời thoát ra khỏi những dồn nén mà cái xã hội lễ giáo này đòi hỏi chúng ta phải che giấu đi.
Có thể vì những phản ứng chung quanh hoặc vì càng ngày càng bất mãn hay bi quan, khi về già Freud tỏ ra lo lắng về cái chết (bản năng đi đến cái chết). Có lần ông quan niệm “bản năng chết” này quan trọng ngang với bản năng tính dục. Freud cho rằng có một “bản năng đi đến cái chết” thúc đẩy tất cả những thứ đang sống trở về trạng thái vô cơ (không sống). Bản năng này cũng làm biến dạng mọi vật. Theo quan điểm ấy con người luôn luôn bị xâu xé giữa nhu cầu tức bản năng sinh lý và một sức mạnh đối kháng, sự thôi thúc của hủy diệt, hay là bản năng tử vong. Lẽ dĩ nhiên thì cuối cùng bản năng tử vong đã chiến thắng. Bản năng này gây ra chiến tranh và những thú đê hèn đồi bại như gây tổn hại cho dòng giống và giai cấp, gây ra niềm thích thú hạ đẳng khi xem những vụ xử tội phạm, đấu bò rừng, và xử lăng trì tùng xẻo.
Tóm lại, những điều vừa nói trên là những khía cạnh của học thuyết Freud. Các nhà phân tâm học ngày nay cũng chia ra làm hai hay hơn nữa, phe phái chống đối nhau, một phe chống lại và một phe hùa theo Freud. Alfried Adler, một trong những học trò đi theo Freud ngay từ đầu đã tách ra khỏi nhóm Freud vì ông tin rằng Freud đã quá quan trọng hóa bản năng tính dục. Và đây là học thuyết của Adler đối lại Freud. Theo Adler thì niềm mong muốn tỏ ra mình hơn đồng loại là động lực chính lối cư xử của con người. Ông đã mở rộng ý tưởng về “mặc cảm tự ti”. Mặc cảm này thúc giục mỗi cá nhân con người cố gắng có một hoạt động để người khác thừa nhận mình. Một nhà ly khai nổi danh khác là Karl Jung ở Zurich cũng đã cố gắng làm giảm bớt tầm quan trọng của vai trò tính dục (sex). Jung chia nhân loại ra làm hai loại tâm lý: loại hướng ngoại và loại hướng nội, mặc dù ông vẫn thừa nhận rằng mỗi cá nhân đều là một hỗn hợp của hai loại tâm lý đó. Khác với Freud, Jung nhấn mạnh vào yếu tố di truyền trong sự phát triển nhân cách.
Nói chung những người phê phán Freud đã tách rời khỏi Freud vì những bất đồng như: Freud quá nhấn mạnh vào ý nghĩa khởi đầu của bệnh tâm thần thơ ấu, Freud tin rằng chính những bản năng dữ dội, tối sơ đã giám sát con người. Cũng có một số người đã không đồng ý với Freud tin rằng “tự do liên tưởng” là một kỹ thuật không thể sai lầm trong việc thám hiểm cõi vô thức của con người. Họ đặc biệt nêu ra những khó khăn trong việc giải thích những dữ kiện do phương pháp ấy đem lại.
Tuy nhiên, một nhà tâm thần học, đã nhận xét lại:
“Những biến đổi và phát triển trong sáu chục năm qua đã không hề làm giảm giá trị tinh thần hay ảnh hưởng của Freud. Ông đã phát hiện ra cõi vô thức. Ông đã cho biết vô thức ấy giúp tạo thành cái “tôi” như thế nào và ta phải làm thế nào để đạt tới nó. Các nhà phân tâm học sau đó đã thay đổi nội dung nhiều ý tưởng và khái niệm của Freud dưới ánh sáng của những kinh nghiệm sâu xa hơn. Quý độc giả có thể bảo rằng các nhà phân tâm học này đã viết được một cuốn Tân ước về tâm thần bệnh học, còn Freud thì viết cuốn Cựu ước. Tác phẩm của Freud sẽ vẫn là tác phẩm nền móng”.
Đa số thái độ hiện nay của chúng ta đối với bệnh điên đều do Freud mà có. Hiện nay có khuynh hướng cho rằng “Bệnh nhân tâm thần đều giống y như chúng ta, chỉ khác là họ đã giống nhiều hơn mà thôi”. Alexander Reid Martin nhấn mạnh: “Dù thừa nhận hay chối bỏ học thuyết Freud thì hiện nay tất cả những bệnh viện tâm thần đều sử dụng những yếu tố và những nguyên lý cơ bản trong khoa tâm lý học của Freud. Cái mà trước đây được coi như một thế giới bí hiểm, cấm ngăn, kỳ cục, không đâu vào đâu, vô nghĩa thì qua Freud, đã trở thành sáng sủa đầy ý nghĩa, không những được y học mà còn được tất cả các khoa học xã hội thừa nhận và chú ý tới”.
Ảnh hưởng của học thuyết Freud đối với văn học và nghệ thuật cũng đáng chú ý không kém. Trong tiểu thuyết, thơ, kịch và các hình thức văn chương khác, những ý tưởng chính của Freud đã được phát triển trong ít năm gần đây. Bernard Dana Evans Voto đã miêu tả quan niệm là “chưa có một nhà khoa học nào khác có một ảnh hưởng mạnh mẽ và rộng rãi đến văn học như Freud”. Ảnh hưởng của Freud trong hội họa, điêu khắc và thế giới nghệ thuật nói chung cũng sâu xa không kém.
Tóm tắt lại, đánh giá sự đóng góp phức tạp của thiên tài Freud là việc vô cùng khó khăn vì phạm vi ông quan tâm quá rộng và vì tính chất mâu thuẫn trong những khám phá của ông. Một nhà văn Anh, Robert Hamilton đã cố gắng làm công việc ấy, ông đánh giá như sau:
“Freud đã vẽ bản đồ khoa học tâm lý học. Ông là một nhà tiên phong vĩ đại và phần lớn những thành công của ông là nhờ ở cái mới lạ cùng bút pháp của ông. Mặc dù phương pháp này có mặt đáng hoài nghi, nhưng chưa bao giờ có một phương pháp nào lý thú hơn và mới lạ hơn, ngay cả về mặt bút pháp nếu không kể loại thuần túy văn chương, cũng chưa bao giờ có một bút pháp nào quyến rũ hơn của Freud. Ông đã buộc thế giới phải suy tư theo kiểu tâm lý học, đó là một nhu cầu cốt yếu của thời đại chúng ta. Ông cũng đã buộc con người phải tự đặt cho mình những câu hỏi liên quan đến hạnh phúc của loài người. Đánh đổ luận thuyết tâm lý khô khan, cầu kỳ của thế kỷ mười chín, Freud đã đưa ra phản luận “phân tâm” chứa đầy rối ren”.
Một nhà tâm thần học Hoa kỳ nổi tiếng là Frederic Wertham đã đứng trên một quan điểm khác để nhận định về trường hợp của Freud như sau:
“Phải thừa nhận rằng ngoài một số lớn sự kiện bệnh lý của các bệnh nhân mà ông quan sát được, Freud đã đem lại ba thay đổi cơ bản trên con đường nghiên cứu về nhân cách và tâm thần bệnh lý. Điều thứ nhất là ít ra ông đã nói về những phương pháp tâm lý và đã suy từ những phương pháp ấy với cách lý luận của khoa học tự nhiên. Điều đó chỉ thực hiện được khi mà Freud đưa ra khái niệm thực tế về cõi vô thức và những phương pháp thực tiễn để khảo sát nó. Điều thứ hai là Freud đã tìm ra một khía cạnh mới cho môn tâm thần bệnh lý học. Đó là tuổi thơ. Trước Freud, khoa tâm thần bệnh học đã chữa trị theo cách coi mỗi bệnh nhân như một Adam, con người chưa bao giờ sống qua tuổi thơ. Điều thứ ba, ông đã mở đầu sự hiểu biết về sự di truyền của tính dục. Phát hiện thực sự của ông ở đây là bản năng tính dục ở dạng tiềm ẩn nhiều hơn là trẻ con có đời sống tính dục”.
Một sự đánh giá tương tự đã được A.G.Tansley diễn tả trong bài kỷ niệm Freud viết cho Hội Khoa học Hoàng gia Luân đôn:
“Tính cách mạng trong những kết luận của Freud sẽ trở thành dễ hiểu nếu chúng ta nhớ lại rằng ông đã thám hiểm một lĩnh vực hoàn toàn chưa ai thám hiểm, lĩnh vực của trí não con người mà trước ông chưa ai bước vào. Những hiện tượng rõ rệt của lĩnh vực trí não này, vốn bị coi là không thể giải thích đựơc hay bị coi như là những thác loạn thần kinh, hoặc bị bỏ qua vì những hiện tượng này thuộc về những cấm kỵ nghiêm khắc nhất của con người. Sự tồn tại của lĩnh vực này trước kia không được thừa nhận. Freud buộc lòng phải khẳng định cõi vô thức của trí não là có thực để rồi cố gắng thám hiểm, khám phá miền đất đó ”.
Sau đó, Winfred Overholser đã nhận định: “Có nhiều lý do để nói rằng từ một năm nay Freud được đặt ngang hàng với Copernicus và Newton và là một trong những vĩ nhân đã mở ra những chân trời mới cho tư tưởng con người. Một điều chắc chắn là ở thời đại chúng ta chưa ai lại đem nhiều ánh sáng dọi vào sự hoạt động trí não của con người nhiều bằng Freud”.
Những tháng cuối cùng trong cuộc đời dài dằng dặc của Freud đã diễn ra trong tình trạng lưu đày. Sau khi Đức quốc xã chiếm đóng nước áo, ông buộc phải rời Vienna vào năm 1938. Nước Anh chấp nhận ông cư ngụ, nhưng chưa được một năm sau thì ông đã mất vì bệnh ung thư miệng, vào khoảng tháng chín năm 1939.
Theo Jostein Gaarder
(Những luận thuyết nổi tiếng thế giới - NXB Grasset - Paris)
(Những luận thuyết nổi tiếng thế giới - NXB Grasset - Paris)
hần thứ nhất
NHỮNG HÀNH VI SAI LẠC
Không biết bao nhiêu người trong các bạn đã đọc sách hay nghe nói đến môn phân tâm học. Nhưng vì đầu đề của những bài học này là “Nhập môn phân tâm học” nên tôi bị bó buộc phải cho rằng các bạn chưa hề biết gì về vấn đề đó và cần được hướng dẫn trong những bước đi chập chững lúc đầu.
Nhưng chắc chắn bạn cũng biết môn phân tâm học là một phương pháp y học chữa trị những bệnh thần kinh. Nhưng tôi muốn chứng tỏ bằng một thí dụ là ở đây sự việc không những không xảy ra như ở các ngành khác trong y học mà còn xảy ra theo một đường lối khác hẳn. Thông thường mỗi khi đem một phương pháp mới trị cho người bệnh, chúng ta hãy cố gắng giấu không cho người bênh biết những bất tiện của phương pháp đó và thuyết phục là chúng ta có nhiều may mắn để thành công. Nhưng khi đem phương pháp phân tâm học ra điều trị, chúng ta phải làm khác hẳn. Chúng ta phải cho người bệnh biết những nỗi khó khăn, thời gian chữa chạy lâu dài, và những sự cố gắng và hi sinh mà chúng ta đòi hỏi ở họ; về kết quả cuối cùng mà chúng ta không thể nào hứa trước với họ là phương pháp có kiến hiệu hay không một phần lớn nhờ vào thái độ, sự thông minh, sự vâng lời và lòng kiên nhẫn của người bệnh. Tất nhiên chúng ta có nhiều lý do để giải thích thái độ bất thường đó mà sau này các bạn sẽ hiểu hết tầm quan trọng của nó.
Chắc hẳn các bạn sẽ không phật lòng với tôi khi tôi bắt đầu bằng cách coi ngay các bạn là những người mắc bệnh thần kinh. Tôi không khuyên các bạn trở lại giảng đường này một lần thứ hai nữa. Tôi sẽ phải làm cho các bạn quen với những điều còn khiếm khuyết trong việc giảng dạy môn phân tâm học, với những khó khăn sẽ gặp nếu muốn có một ý niệm các nhân về môn học đó. Tất cả những điều bạn đã học được từ trước, tất cả những thói quen suy nghĩ của bạn sẽ làm cho bạn trở thành người thù địch môn phân tâm học. Bạn sẽ biết là bạn phải làm gì để vượt qua ý tưởng chống đối tự nhiên đó. Tất nhiên tôi không thể nói trước rằng bạn sẽ biết những gì về môn phân tâm học khi tham dự vào những buổi diễn giảng này, nhưng có điều chắc chắn là việc đến để học hỏi không thôi chưa đủ để các bạn có thể khảo cứu hay điều trị theo phương pháp phân tâm. Nếu trong các bạn có người nào không muốn dừng lại ở những bước đầu mà muốn đi xa hơn nữa, tôi sẽ khuyên họ không nên làm thế. Bởi vì, trong tình trạng hiện thời, người nào chọn môn phân tâm học làm sự nghiệp của đời mình thì sẽ không bao giờ nổi tiếng trong trường Đại học và khi ra trường để hành nghề. Người đó sẽ gặp ngay trong xã hội chung quanh mình những người vì không hiểu mô tê gì về vấn đề, sẽ nhìn họ bằng con mắt nghi ngờ, thù địch, sẵn sàng làm đủ mọi điều để phá phách họ. Chỉ cần nghĩ đến những điều để xảy đến cùng với những cuộc chiến tranh, bạn sẽ hiểu số người lòng ma dạ quỷ đó đông như thế nào.
Nhưng dù sao cũng có những người bị lôi cuốn bởi những ý tưởng mới mẻ, bất chấp những sự bất tiện vừa được trình bày. Nếu có những bạn nào thuộc dạng người đó và muốn trở lại đây một lần thứ hai nữa bất chấp những lời báo trước của tôi thì họ sẽ được hoan nghênh. Nhưng dù sao các bạn cũng cần biết đến những khó khăn đó là những khó khăn nào và đấy là những điều mà tôi sắp nói cho các bạn nghe.
Khó khăn thứ nhất gắn liền ngay vào việc giảng dạy môn phân tâm học. Trong khi học y khoa, các bạn đã quen được nhìn thấy, ví dụ như những chuẩn bị về cơ thể học, những chất hiện ra sau một phản ứng hóa học, sự co rút của một bắp thịt khi gân bị kích thích. Sau này bạn sẽ được quan sát người bệnh, những dấu hiệu bệnh hoạn của người này, và trong nhiều trường hợp bạn còn được tận mắt nhìn thấy vi trùng bệnh nữa. Về môn giải phẫu, bạn sẽ tham dự vào những lần mổ xẻ, và có khi chính bạn cũng làm những công việc đó. Và ngay cả trong các bệnh về tinh thần các bạn cũng đứng trước một người bệnh, theo dõi sự thay đổi trên nét mặt của họ, và bạn sẽ có dịp quan sát thật nhiều điều làm cho bạn xúc động và ghi nhớ mãi mãi. Vì thế, một vị giáo sư đại học chỉ giữ địa vị một người hướng dẫn, một thông dịch viên theo bạn để giải thích như dẫn bạn vào trong viện bảo tàng của ông ta, trong khi bạn trực tiếp với những sự việc mà bạn cho là mới mẻ.
Khổ một điều là trong môn phân tâm học sự việc xảy ra khác hẳn. Khi điều trị một người bệnh trong môn này, người thầy thuốc chẳng làm gì khác hơn là trò chuyện với người bệnh. Người bệnh nói, kể cho bạn nghe những biến cố xảy ra trong đời họ, những cảm tưởng hiện thời, những ý muốn, những sự cảm động trong đời họ. Người thầy thuốc để ý hướng dẫn những tư tưởng của người bệnh, nhắc nhở cho anh ta nhớ lại, hướng sự chú ý của anh ta về một hướng nào đó, giải thích cho anh ta nghe, quan sát xem anh ta có hiểu hay không những phản ứng gây cho anh ta. Vì những người bệnh thường thường là vô học, chỉ quen với những điều mắt thấy tai nghe, hay sờ mó được, y như xem chiếu bóng nên không bao giờ ngần ngại gì mà không tỏ vẻ nghi ngờ sự kiến hiệu của một lối trị bệnh chỉ bằng những lời nói có vẻ như đầu Ngô mình Sở. Sự nghi ngờ chỉ trích này không hợp lý chút nào. Không phải rằng chính những người bệnh đó cũng biết rằng có những người bệnh lúc nào cũng tưởng rằng mình có những triệu chứng này hay triệu chứng khác ư? Trong thời cổ xưa những lời nói được coi như những trò phù thủy và bây giờ cũng vẫn còn giữ được những quyền lực như ngày xưa. Chỉ cần nói một tiếng là một người có thể làm cho một người khác sung sướng hay đẩy họ vào chỗ tuyệt vọng. Vị giáo sư dùng tiếng nói để truyền những hiểu biết cho học trò, nhờ những tiếng nói mà một diễn giả đã lôi cuốn được thính giả. Chính những tiếng nói đã gây ra những xúc động và là những phương sách mà loài người thường dùng để gây ảnh hưởng với đồng loại. Vì những lẽ đó chúng ta không nên tìm cách giảm bớt giá trị của những lời nói trong môn trị liệu về tinh thần, và chúng ta chỉ nên tham dự với tính cách bàng thính vào những cuộc nói chuyện giữa người thầy thuốc và người bệnh trong phân tâm học.
Nhưng dù chỉ muốn tham dự với tính cách bàng thính thôi cũng không được. Câu chuyện giữa những người bệnh và thầy thuốc không thể để cho người ngoài nghe và không thể dùng để biểu diễn. Tất nhiên trong những giờ giảng dạy, người ta có thể đưa ra trước các sinh viên một người bệnh thần kinh để họ nói cho nghe những điều đáng phàn nàn và những triệu chứng bệnh hoạn của họ. Nhưng chỉ có thế thôi. Chỉ khi nào giữa người bệnh và người thầy thuốc có một sự thông cảm đặc biệt thì người bệnh mới cho người thầy thuốc biết những điều người này cần biết. Mỗi khi thấy một người lạ, dù chỉ là một người không tỏ ra tò mò, người bệnh cũng im ngay không nói gì nữa. Bởi vì những điều cần biết là những điều thầm kín trong đời người bệnh, những điều họ cần giấu không cho người khác biết và sau là những điều mà họ cũng không thú với chính họ nữa.
Vì vậy, dù chỉ muốn tham dự như một bàng thính thôi vào một lần trị bệnh về phân tâm, bạn cũng không làm được. Bạn chỉ có thể nghe nói về phương pháp đó thôi và muốn nói cho thật đúng thì bạn chỉ có thể nghe người khác nói lại thôi. Chính vì chỉ được nghe qua một người thứ hai mà bạn khó lòng phán đoán được cho chính xác. Tất cả đều phụ thuộc vào chỗ bạn có thể tin cậy vào người nói cho bạn nghe những điều đó tới mức nào.
Ví dụ: không phải bạn đang ngồi nghe một bài học về môn phân tâm học mà là một bài học sử ký về đời sống và sự nghiệp của Đại đế Alexandre. Bạn có những lý do gì để tin rằng những điều giáo sư sử học đang giảng dạy là đúng với sự thực? Mới nghe ra thì có vẻ như ông giáo sư sử còn đang ở trong một tình trạng không đáng tin bằng ông giáo sư phân tâm học, bởi lẽ ông giáo sư sử học chưa từng được tham dự vào sự nghiệp của Đại đế Alexandre trong khi ông giáo sư phân tâm học ít nhất cũng nói cho bạn nghe những điều do chính ông ta nhận thấy. Nhưng có một sự việc làm cho chúng ta có thể tin cậy nơi ông giáo sư sử học được. Ông giáo sư sử học có thể yêu cầu bạn đọc những bài của các nhà văn đồng thời với những việc xảy ra trong lịch sử hoặc cũng khá gần với những sự việc đó, nghĩa là những cuốn sách của Plutarque, Diodore, Artien... Nhà sử học cũng có thể đưa cho các bạn xem những bản chụp các đồng tiền, những pho tượng các vị vua hay một bức hình thời Popée họa trận đánh Issos. Nói thực ra tất cả những tài liệu đó chỉ chứng tỏ rằng có nhiều thế hệ trước đã tin tưởng là có Đại đế Alexandre thực và những chiến công của ngài cũng có thực luôn, và những nhận xét này có thể mở đường cho bạn trong công việc phê bình sử liệu. Bạn có thể kết luận là những điều mà người ta nói về Đại đế Alexandre không đáng tin cho lắm và nhất là không thể được kể lại với mọi chi tiết cần thiết; vậy mà tôi không tin rằng bạn có thể rời phòng diễn thuyết ra về mà vẫn nghi ngờ rằng có lẽ Đại đế Alexandre không có thực. Sự lý luận của bạn dựa trên hai điểm chính sau đây: điểm thứ nhất: diễn giả không có lý do gì để khuyến khích bạn tin vào những điều mà chính ông ta không cho là đáng tin; điểm thứ hai: tất cả những sách về sử học mà chúng ta có trong tay đều giống nhau hay gần giống nhau về những điều diễn giả đã trình bày. Nếu bạn khảo cứu đến những nguồn gốc cũ kỹ hơn nữa, bạn cũng sẽ để ý đến những yếu tố vừa kể nghĩa là những lý do đã thúc đẩy những nhà sử học và phù hợp giữa những lời chứng nhận của họ. Trong trường hợp Đại đế Alexandre thì kết quả làm bạn yên tâm hơn hẳn trường hợp của Moise hay Nemrod chẳng hạn. Còn về những điểm nghi ngờ và tự hỏi xem những phúc trình của một nhà phân tâm học đáng tin cậy đến mức nào thì sau đây bạn sẽ có nhiều dịp để phán đoán.
Bây giờ bạn có quyền hỏi tôi là nếu không có tiêu chuẩn nào để xét đoán về giá trị của môn phân tâm học, nếu chúng ta không có cách nào để biểu diễn một trường hợp phân tâm học thì chúng ta làm thế nào để học môn đó được và nhất là để xác nhận giá trị của những điều mà môn này khẳng định. Việc học hỏi tất nhiên không phải là điều dễ, có rất ít người theo học môn này một cách có hệ thống nhưng dù sao chúng ta vẫn có những cửa ngõ để đi vào sự học hỏi đó. Trước hết chúng ta học môn phân tâm học bằng cách khảo cứu ngay chính bản thân mình. Không hẳn rằng đó là một sự tự quan sát, nhưng nếu cần đến thì chúng ta sẽ phải làm việc đó. Có cả một số hiện tượng tinh thần xảy ra luôn luôn được nhiều người biết đến, chúng ta có thể khảo cứu ngay trong người mình nếu được chỉ dẫn về phương tiện chuyên môn. Làm như thế chúng ta sẽ tiến được tới lòng tin tưởng là sự việc diễn ra trong môn phân tâm học là đúng và những điều mà môn này quan niệm không phải là sai. Tôi phải nói rằng chúng ta không thể chờ đợi ở phương pháp tự khảo cứu những tiến bộ sâu xa về môn học. Chúng ta sẽ tiến bộ mau hơn nhiều bằng cách cho một nhà chuyên môn về phân tâm học phân tích mình, rồi lợi dụng cơ hội để thấu hiểu rõ ràng về phương diện chuyên môn. Khỏi cần phải nói rằng cách học hoàn hảo này bao giờ cũng chỉ dùng cho một người thôi chứ không thể dùng trong những cuộc hội họp nhiều người.
Ngoài ra, lúc mới bước chân vào môn này, bạn còn gặp lại một khó khăn nữa, khó khăn này không gắn liền vào chính môn học đó, chính bạn là nguồn gốc của sự khó khăn đó do những điều bạn đã học trong những ngày trước khi học về y khoa. Những điều đã học từ trước tới nay đã in sâu vào trí óc bạn một chiều hướng tư tưởng làm cho bạn xa rời môn phân tâm học. Bạn đã quen lối gán cho những sự hoạt động của cơ thể và những sự rối loạn trong cơ thể này những nguyên nhân thuộc về giải phẫu, bạn đã quen đứng về phương diện hóa học hay vật lý học để cắt nghĩa, quen quan niệm sự việc theo sinh lý học trong khi chưa bao giờ bạn chú ý tới đời sống tinh thần dạt dào trong cơ thể được cấu tạo một cách thực là hoàn hảo. Vì thế cho nên bạn xa lạ hẳn với lối tư tưởng về tinh thần, có thói quen nhìn những tư tưởng này bằng con mắt nghi ngờ, không chịu cho rằng những tư tưởng đó có thể có tính cách khoa học chỉ đáng dành riêng cho những con người phàm tục không hiểu biết, những nhà thi sĩ, những triết gia của thiên nhiên của môn thần bí học. Tất cả những giới hạn đó chắc chắn có hại cho sự hoạt động của bạn trong môn phân tâm học bởi vì theo lệ thường trong tất cả những sự giao thiệp giữa người với người, người bệnh bao giờ cũng bắt đầu bằng cách trình bày cho bạn xem phương diện tinh thần của anh ta. Tôi chỉ sợ bạn sẽ bị buộc phải bỏ ra một bên những phương pháp trị liệu vẫn thường dùng cho những anh chàng phàm tục hay thần bí.
Tôi không phải là không biết giá trị của những điều người ta đưa ra để bào chữa cho những thiếu sót trong công việc giáo dục bạn về phương diện y khoa. Chúng ta hãy còn thiếu cái khoa học có tính cách triết học phụ thuộc có thể dùng vào những mục tiêu do những hoạt động y khoa đặt ra. Môn học Triết lý học thuần túy cũng như môn Tâm lý mô tả hay Tâm lý học thực nghiệm liên quan đến môn sinh lý học về các giác quan. Không môn nào theo lối mà người ta dạy các bạn ở trường có ích về những liên quan giữa thể xác và tâm hồn cũng như giúp cho bạn hiểu được bất cứ một sự rối loạn thần kinh nào. Ngay trong khuôn khổ của y học, môn chữa bệnh tinh thần quả cũng có mô tả những sự rối loạn và tinh thần quan sát được và tập trung chúng lại trong những lúc dễ chịu nhất, các nhà chuyên môn về tinh thần chắc cũng tự hỏi không biết những sự thu xếp của họ quả có xứng đáng được gọi là có tính cách khoa học hay không? Chúng ta không hề biết nguồn gốc, sự diễn biến cũng như những dây liên lạc hỗ tương của các triệu chứng ghi được trong các bản phân loại về bệnh lý: người ta chưa từng chứng minh được rằng những triệu chứng đó với linh hồn có một sự tương ứng nào không, và nếu có một sự thay đổi nào trong linh hồn thì những sự thay đổi này không cắt nghĩa được gì về những triệu chứng nhận thấy. Những rối loạn thần kinh này chỉ có thể được trị liệu như những biến chứng phụ thuộc của một bệnh nào đó trong cơ thể.
Sự thiếu sót, môn phân tâm học nhất định san bằng. Phân tâm học muốn hiến cho một bệnh lý về tinh thần cái căn bản mà môn này thiếu sót, hy vọng tìm ra được một môi trường hoạt động chung cho sự gặp gỡ giữa một sự rối loạn cơ thể và sự rối loạn tinh thần và làm cho sự gặp gỡ này trở lên dễ hiểu. Muốn đạt được mục đích đó, môn phân tâm học phải bỏ rơi hết mọi tiên kiến về cơ thể học, hóa học hay sinh lý học, mà chỉ chăm chú vào những khái niệm tâm lý thuần túy thôi: tôi sợ rằng bạn sẽ cho điều này là kì lạ.
Còn một khó khăn thứ ba nữa là kẻ chịu trách nhiệm không phải là bạn cũng như nhiều điều bạn học từ trước. Trong những điều kiện tiên quyết của môn phân tâm học có hai điều làm cho mọi người khó chịu và bị hầu hết mọi người bác bỏ. Một điều là do thành kiến về tri thức, một điều là do thành kiến về luân lý và nghệ thuật. Chúng ta đừng coi thường những thành kiến đó; đó là những cái có nhiều quyền lực lắm, những cái còn sống sót lại qua những giai đoạn phát triển rất có lợi, có khi cần thiết nữa của nhân loại. Những thành kiến này được bảo tồn bằng những sức mạnh về tình cảm và rất khó đánh bại.
Theo điều tiên thuyết thứ nhất thì những hoạt động tinh thần thường thường là vô thức, khi có một hoạt động nào có ý thức thì đó chỉ là những hoạt động lẻ loi, một phần nhỏ nào đó của đời sống tinh thần nói chung thôi. Về điểm này, bạn hãy nhớ lại là chúng ta, trái lại, coi những hoạt động này là có ý thức, coi ý thức như một cái gì đặc biệt biểu thị, như một định nghĩa của tinh thần và tâm lý học chính là môn học về những chứa đựng trong ý thức. Sự đồng hóa giữa tinh thần và ý thức có vẻ tự nhiên đến nỗi nếu có người tỏ vẻ nghi ngờ là chúng ta phản đối ngay. Vậy mà môn phân tâm học không thể nào không nghi ngờ về sự đồng hóa này được. Phân tâm học định nghĩa tinh thần như một cái gì gồm có những diễn biến chung cho cả tình cảm, tư tưởng và ý chí. Phân tâm học còn khẳng định một tư tưởng và một ý chí vô thức. Nhưng định nghĩa và khẳng định như thế, môn học này sẽ làm mất cảm tình của những người bạn, làm cho họ nghi ngờ rằng có lẽ đó chỉ là một khoa học thần bí, quái đản, muốn xây dựng trong bóng tối và thả câu nhờ nước đục. Tất nhiên bạn chưa hiểu tại sao tôi có thể coi là thành kiến một lời nói trừu tượng như câu khẳng định rằng: “tinh thần tức là có ý thức”. Nhưng bạn cũng chưa thể hiểu được là sự tiến triển của môn học đã đưa ra quan điểm rằng làm gì có vô thức (cứ cho rằng vô thức có thực đi) cũng như bạn chưa hiểu được khi quan niệm như chúng ta có lợi những gì. Thảo luận về vấn đề tìm hiểu xem có nên đồng tính hóa tinh thần và ý thức không, hay nên mở rộng tinh thần ra khỏi giới hạn của ý thức có vẻ như chỉ muốn chơi chữ, nhưng tôi có thể quả quyết với bạn rằng, sự công nhận rằng có những sự hoạt động tinh thần vô thức sẽ mở cho khoa học một hướng đi mới có tính chất quyết định.
Cũng thế, bạn không thể ngờ rằng những điều tôi vừa nói trên với những điều tôi sắp nói lại có thể có một dây liên lạc chặt chẽ đến thế. Điều phát minh thứ hai của môn phân tâm học là khẳng định rằng, những rạo rặc về tình dục, dù hiểu theo nghĩa hẹp hay nghĩa rộng, cũng giữ một địa vị vô cùng quan trọng mà cho đến nay người ta vẫn chưa hiểu rõ đúng mức trong đời sống tinh thần, chúng chính là nguyên nhân của nhiều bệnh về thần kinh và tinh thần. Hơn thế nữa, phân tâm học còn khẳng định rằng, những rạo rực về tình dục tham dự một phần không nhỏ vào công việc sáng tạo của trí óc loài người, về phương diện văn hóa nghệ thuật và đời sống xã hội.
Theo kinh nghiệm của tôi thì sự thù ghét do sự phát minh này của môn phân tâm học gây nên chính là lý do quan trọng nhất làm cho mọi người không chịu chấp nhận môn học đó. Bạn có muốn tôi cắt nghĩa sự kiện đó như thế nào không? Chúng tôi tin rằng văn hóa đã được sáng tạo dưới sự thúc đẩy của sự cần thiết trong cuộc sống và nhiều khi lấn át cả các sự đòi hỏi của bản năng, và rồi hết đời nọ đến đời kia văn hóa cứ được sáng tạo như thế mãi vì mỗi cá nhân nào khi vào đời đều phải vì những lợi ích chung mà hy sinh bản năng của mình. Trong những bản năng bị kìm hãm không được thỏa mãn đó, những sự rạo rực về tình dục chiếm một vị trí vô cùng quan trọng: Những bản năng tình dục không bị chế ngự hẳn hoi và mỗi cá nhân nào tham dự vào công việc sáng tạo văn hóa cũng có thể gặp sự hiểm nguy là bản năng của mình sẽ chống trả lại sự kìm hãm đó. Nền văn hóa của một xã hội không có sự đe dọa nào nặng nề hơn là nhìn thấy sự xa đọa của văn hóa trước sự phóng túng của bản năng muốn quay trở về tình trạng bán khai cổ xưa. Vì thế cho nên xã hội không muốn nhắc nhở cho mình biết là mình đang đứng dựa trên những nền móng không có gì là vững chắc; xã hội không có lợi gì trong việc phải công nhận sức mạnh của các bản năng tình dục, sự quan trọng của đời sống tình dục: Xã hội đã theo một phương pháp giáo dục có mục đích làm cho mọi người không để ý đến những vấn đề đó. Vì thế xã hội không chịu đựng được những kết quả mà môn phân tâm học đã đạt được; xã hội sẵn sàng xua đuổi những thành quả đó và cho rằng chúng đáng kinh tởm về mọi phương diện. Nhưng người ta không thể dùng những lời trách móc loại đó để tiêu hủy một kết quả khách quan có tính khoa học. Những người chống đối nếu muốn người khác tán thành mình thì phải đứng về phương diện trí thức. Nhưng trí óc loài người thường sẵn sàng coi những gì mình không thích là bất công, vì thế nên họ có chống đối mình cũng là điều dễ hiểu. Do đó, xã hội biến những điều họ không thích thành những điều bất công, chống đối môn phân tâm học không phải bằng những lý lẽ hợp lý và cụ thể mà toàn bằng những lý lẽ tình cảm, dùng thành kiến của mình mà bo bo giữ những ý kiến chống đối không thèm nghe những lời biện bác.
Nhưng tôi cần nói rằng, khi đưa ra vấn đề nói trên tôi không muốn trình bày một khuynh hướng nào cả. Mục đích duy nhất của chúng tôi là trình bày một sự việc nhận thấy sau bao nhiêu công trình khảo cứu đầy khó khăn. Một lần nữa chúng tôi phản đối đưa những nhận xét trong đời sống thường ngày vào trong công việc khảo cứu khoa học, không cần xem xét những điều người ta lo sợ có hợp lý hay không.
Đó là một vài khó khăn mà bạn sẽ gặp nếu bạn theo học môn phân tâm học. Bắt đầu như thế quả cũng là quá nhiều rồi. Nếu bạn không thấy ngại ngùng thì chúng ta có thể tiếp tục.
Chúng ta không bắt đầu bằng những giả dụ mà bằng một sự tìm tòi khảo cứu về những sự kiện được nhiều người biết nhưng không được hiểu đến nơi đến chốn, những sự kiện không liên quan gì đến tình trạng đau ốm bởi lẽ người ta có thể quan sát được nơi những người khoẻ mạnh. Những hiện tượng này chúng ta gọi bằng một cái tên là “những hành vi sai lạc ”. Những hành vi này là của người nói hay người viết, dù có biết như thế hay không, một chữ hay một tiếng khác hẳn tiếng định dùng (nói lỡ lời); của những người đọc sách lại đọc lầm chữ khác (đọc sai); của những người nghe người khác nói mà lại nghe lầm sang tiếng khác trong khi các cơ quan về thính giác không hề bị trục trặc (nghe sai).
Một loại hiện tượng nữa có liên quan đến sự “quên” quý hồ như một sự quên kéo dài, sự quên trong chốc lát, ví dụ như trong trường hợp có một người không thể nhớ được cái tên mà người ta nhớ rất rõ, mà chỉ ít lâu sau lại nhớ lại ngay, hay trong trường hợp quên làm một điều dự định sẵn từ trước nhưng về sau lại nhớ lại, nghĩa là chỉ quên trong chốc lát thôi. Loại hiện tượng thứ ba là loại mất cái điều kiện nhất thời, ví dụ như lúc người ta không tìm ra được một vật gì mà người ta thường xếp sẵn một chỗ; cũng thuộc vào loại này, trường hợp bị mất tương tự như thế. Đó là những sự quên lãng mà người ta coi là khác những sự quên khác, làm cho người ta ngạc nhiên, bực mình trong khi đáng lẽ phải coi là tự nhiên mới phải.
Cũng được sắp xếp vào loại này là những sự “lầm lẫn” trong đó điều kiện nhất thời lại xuất hiện, ví dụ như khi người ta tin tưởng vào một điều gì biết rõ nhưng sau này mới biết là không đúng như điều mình tưởng. Cùng những trường hợp này, người ta thêm vào rất nhiều điều khác nữa tương tự được gọi bằng nhiều tên khác nhau.
Đó là những sự bất bình có liên lạc chặt chẽ với nhau, với đặc biệt là tất cả những tiếng hay chữ dùng để chỉ những hiện tượng đó đều bắt đầu bằng vần ver (trong tiếng Đức) (1), những sự kiện xảy ra bất thường chẳng có ý nghĩa gì hết, phần lớn chỉ thoáng qua trong chốc lát và cũng chẳng có gì quan trọng trong đời sống con người. Trong rất ít trường hợp, ví dụ như mất vật dụng, những việc này có tính chất quan trọng trong thực tế. Vì thế cho nên không ai để ý đến, không ai làm ai xúc động cả.
Tôi muốn nói chuyện với các bạn về vấn đề đó nhưng tôi tưởng như các bạn lầu nhầu: “Trong đời sống mênh mông bên ngoài cũng như trong đời sống tinh thần chật hẹp có nhiều điều bí ẩn to tát , trong đời sống tinh thần rối loạn còn có bao nhiêu sự việc kỳ lạ đang chờ giải thích và đáng được giải thích mà không làm, lại đi làm những chuyện chẳng có ý nghĩa gì, như thế chẳng mất thời giờ vô ích sao? Nếu giáo sư có thể cắt nghĩa cho chúng tôi nghe tại sao một người có đôi mắt và đôi tai hoàn hảo vào ban ngày ban mặt lại trông thấy những điều thực ra không có, tại sao những người này tự nhiên lại có cảm tưởng rằng đột nhiên bị những người thân yêu khác hành hạ, hay theo đuổi những mơ màng mà một đứa trẻ cũng cho là vô lý thì lúc đó khoa phân tâm học mới đáng theo đuổi. Nhưng nếu môn phân tâm học không thể làm gì khác hơn là tìm hiểu xem tại sao vào một hôm nào đó, một diễn giả trong một bữa tiệc lại nói một câu hay một chữ đáng lẽ không định nói hay tại sao một bà chủ gia đình không tìm thấy chìa khoá, hay những điều vô tích sự tương tự thì chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi cần để thì giờ làm những việc khác quan trọng hơn”.
Tôi sẽ trả lời: “Khoan đã. Bạn chỉ trích sai rồi. Đúng thế, môn phân tâm học chỉ để ý đến những trường hợp vô tích sự đó thôi. Nhưng thực ra những sự quan sát của môn này dựa trên những sự kiện không rõ rệt mà các khoa học khác coi là vô nghĩa lý. Nhưng trong khi chỉ trích bạn đừng lầm sự quan trọng của các vấn đề với bề ngoài của các dấu hiệu. Bạn không thấy là có nhiều điều rất quan trọng mà chỉ xuất hiện dưới những hình thức hay dấu hiệu rất lờ mờ trong một vài điều kiện và trong một vài lúc đó sao? Tôi có thể dễ dàng kể cho bạn nghe một vài ví dụ. Hỡi các bạn thanh niên, có phải nhiều khi chỉ bằng một vài dấu hiệu không nhận thấy được rõ ràng mà bạn dự đoán được mình đã chiếm được tình cảm của một người con gái không? Bạn có chờ đợi là cô gái đó sẽ tỏ tình với bạn hay nhẩy xổ lên ôm lấy cổ bạn không? Có phải là bạn chỉ chờ đợi một cái nhìn rất nhanh, một cử chỉ phác hoạ, một cái bắt tay hơi lâu một chút không? Rồi khi làm nhiệm vụ thẩm phán điều tra về một vụ án mạng, bạn có nên chờ tên sát nhân để lại tại nơi xảy ra vụ án bức hình hay địa chỉ của nó không? Hay là bạn chỉ mong chờ những dấu hiệu rất lờ mờ nhỏ nhoi để tìm ra căn cước của nó? Vậy bạn đừng nên coi thường những dấu hiệu nhỏ bé. Những dấu hiệu tầm thường này thường dẫn chúng ta đến những con đường cực kỳ quan trọng. Tôi cũng nghĩ như các bạn là các bạn phải để ý đến những vấn đề quan trọng của thế giới và của khoa học. Nhưng chỉ khi mới dự định bắt tay vào một việc nào quan trọng và to tát thôi thì cũng chẳng có ích gì vì bạn chưa hề biết mình sẽ phải đi về những hướng nào. Trong công việc khảo cứu khoa học nhiều khi hợp lý hơn nếu chúng ta bắt tay ngay vào công việc có trước mặt mình, vào những công việc tự nhiên đến cho chúng ta tìm tòi. Nếu chúng ta làm việc đó với tinh thần đúng đắn, không có thành kiến, không có hy vọng hão huyền, và nếu may mắn ra nhờ có sự liên quan của những việc lớn nhỏ, những ảnh hưởng hỗ tương, công việc làm đó có thể dẫn chúng ta đến công việc to tát hơn nào đó”.
Đó là những điều tôi muốn nói với các bạn để làm cho các bạn chú ý đến khi tôi nói đến những hành vi sai lạc, bề ngoài thực vô nghĩa lý của những con người khoẻ mạnh bình thường. Bây giờ chúng ta nói đến một người hoàn toàn xa lạ với môn phân tâm học và hỏi xem họ cắt nghĩa ra sao với những sự việc trên vừa kể.
Chắc chắn là thế nào ông ta cũng trả lời: “Chả cần cắt nghĩa gì cả bởi vì đó là những việc chẳng có nghĩa lý gì”. Ông ta định nói gì vậy? Có phải ông ta cho rằng có những sự việc không nghĩa lý gì, ở ngoài hẳn mọi sinh hoạt của thế giới và nếu không xảy ra thì cũng chẳng sao hay không? Nhưng ngay cả khi người ta phá bỏ thuyết tiền định được mọi người công nhận dù chỉ ở một điểm thôi, người ta cũng làm đảo lộn hết quan niệm khoa học về thế giới. Chúng ta sẽ chứng tỏ cho ông ta thấy rằng một quan niệm tôn giáo về thế giới sẽ hợp lý với chính mình hơn khi cho rằng một con chim sẻ không thể rơi từ trên trời xuống mà không có sự can thiệp đặc biệt của ý chí Thượng đế.
Tôi đồ rằng người bạn của chúng ta đáng lẽ phải đưa ra hậu quả của lời giải thích thứ nhất của mình sẽ nói lại rằng ông ta có thể dễ dàng tìm thấy câu trả lời. Đó là một sự lệch lạc trong một cơ quan nào đó, sự sai lạc hoạt động của một cơ quan tinh thần, việc tìm ra sự lêch lạc đó không có gì là khó khăn. Một người lúc thường ăn nói thận trọng có thể nhầm lẫn khi: 1) ông ta bị mệt mỏi; 2) bị xúc động quá mức; 3) quá chú trọng đến một việc khác. Những lời xác định này rất dễ được công nhận. Người ta thường nói lỡ lời khi trong người bị mệt, nhức đầu hay sốt nóng lạnh. Những trường hợp quên tên cũng thế. Có những người mỗi khi thấy mình quên như thế là biết ngay mình sắp bị nhức đầu. Cũng như thế, khi bị xúc động người ta thường nhầm điều này với điều nọ, tiếng này với tiếng nọ.
Khi người ta đãng trí, nghĩa là lúc người ta tập trung vào những điều khác thì người ta rất dễ quên những điều người ta dự định, hay làm những công việc không cố ý. Một trường hợp rất quen thuộc là trường hợp một vị giáo sư quên mang ô và đội mũ của người khác bởi vì trí óc ông ta đang tập trung vào những vấn đề sắp được đem ra trình bày trong cuốn sách của ông ta. Còn những thí dụ về những điều dự định hay những lời hứa bị quên lãng xảy ra khi có những biến cố làm cho người ta phải chú ý đến những sự việc khác thì các bạn có thể tìm thấy ngay nơi mình.
Những điều vừa nói có vẻ như dễ hiểu và không thể bác bỏ được. Có lẽ cũng chẳng hay ho gì, hay ít nhất cũng chẳng hay ho như người ta tưởng. Chúng ta hãy xem xét thực kỹ những lời giải thích trên về những hành vi sai lạc. Những điều kiện mà người ta cho là có tính cách quyết định để cho những sự đó xảy ra không phải đều có tính chất giống nhau. Những sự khó chịu trong việc tuần hoàn xảy ra là vì sự rối loạn trong một sự hoạt động thường thường, những sự rối loạn trong sinh lý. Những xúc động quá mức, mệt mỏi đãng trí đều là những yếu tố có tính cách khác hẳn, vừa về tâm lý vừa về sinh lý. Những yếu tố này người ta có thể dễ dàng viết thành những lý thuyết. Sự mệt mỏi, đãng trí làm cho người ta hoang mang không còn tập trung tư tưởng được nữa, như thế có nghĩa rằng cơ quan tập trung tư tưởng không còn nhận được một sự chú ý đủ dùng nữa nên bị rối loạn và không còn hoạt động với một mức độ chính xác đủ dùng nữa. Một sự khó chịu, những sự thay đổi trong việc tuần hoàn diễn ra trong cơ quan trung ương về tinh thần cũng có những kết quả tương tự có ảnh hưởng đến một yếu tố quan trọng là sự tập trung tư tưởng. Vậy tất cả những trường hợp này đều thuộc trường hợp theo sau ngay những sự rối loạn trong việc chú ý, dù rằng những sự rối loạn này có thể có những nguyên nhân trong cơ thể hay tinh thần.
Tất cả những điều nói trên cũng không kích thích được sự chú ý của chúng ta về môn phân tâm học và chúng ta vẫn có thể có ý tưởng bỏ rơi môn học này. Tuy nhiên khi xem xét một cách chăm chú hơn những hiện tượng hành vi sai lạc, chúng ta sẽ thấy rằng không phải mọi sự đều phù hợp với cái thuyết nói trên về sự chú ý, hay ít nhất cũng không phải là từ đó mà phát sinh ra. Chúng ta sẽ thấy những hành vi sai lạc này, những sự quên lãng này cũng xảy ra với những người không hề mệt mỏi, đãng trí hay bị xúc động quá mức chút nào, trái lại còn tỏ ra bình thường về mọi phương diện, và chỉ về sau này khi sự việc xảy ra xong rồi chúng ta mới gán cho họ những sự rối loạn nói trên mà chính họ cũng không công nhận. Thực là một sự khẳng định quá giản dị khi cho rằng khi nào người ta chú ý nhiều thì một cơ quan mới hoạt động đầy đủ, còn khi người ta kém chú ý đi thì cơ quan đó hoạt động không điều hoà. Có rất nhiều hành vi mà người ta làm như máy, hay lơ đãng không hề bớt chính xác đi tí nào. Người đi dạo tuy không hề để ý đến con đường mình đi mà vẫn đến nơi đến chốn như thường. Một nhạc sỹ dương cầm dù không để ý đến vẫn đánh được những nốt nhạc chính xác. Người này cũng có khi lầm, nhưng nếu khi cho rằng lối chơi đàn như máy là lối chơi hay đưa đến nhầm lẫn nhất thì những tay danh cầm chuyên luyện đến nỗi đã trở thành hoàn toàn máy móc lại là người hay lầm lẫn nhất. Trái lại chúng ta thấy rằng có rất nhiều hành vi thành công đặc biệt khi người ta không chú ý đến và chính lúc người ta chú ý đến chúng nhất, nghĩa là lúc sự chú ý được đưa đến tột độ thì lại xảy ra nhiều lầm lỡ nhất. Chúng ta có thể cho rằng sự nhầm lẫn chính là kết quả của sự náo nức. Nhưng tại sao sự náo nức lại không làm giảm sự chú ý với một hành vi mà người ta chăm chú để ý đến như thế? Khi trong một bài diễn văn hay trong một cuộc nói chuyện thường có người nói lỡ lời, nói những điều không định nói hay nói trái hẳn ý mình thì người đó đã có một nhầm lẫn rất khó cắt nghĩa bằng thuyết tâm sinh lý hay thuyết về sự chú ý.
Chính ngay những hành vi sai lạc cũng kèm theo những hành vi phụ thuộc mà không ai hiểu nổi dù đã cố cắt nghĩa. Ví dụ như chúng ta quên một chữ, chúng ta tỏ vẻ khó chịu, tìm hết cách để nhớ lại và đứng ngồi không yên cho tới khi nhớ lại được mới thôi. Tại sao con người lại bực mình như thế rất ít khi tìm lại được chữ quên, không làm sao nhớ lại một chữ mà anh ta thường cho là ở ngay trên đầu lưỡi mình đến nỗi nếu có người nào khác nói đến chữ đó là anh ta nhớ lại liền. Ngoài ra còn những trường hợp trong đó những hành vi sai lạc chồng chất lên nhau, quấn chặt vào nhau, thay chỗ cho nhau. Lần đầu tiên chúng ta quên một buổi hẹn. Lần sau đó nhất định chúng ta không quên nữa, nhưng không may là chúng ta ghi nhầm giờ hẹn. Trong khi người ta dùng đủ mọi cách để nhớ lại một chữ bị quên thì người ta lại quên luôn một chữ thứ hai trong khi chữ này có thể giúp mình nhớ lại chữ kia; rồi trong khi người ta cố tìm lại chữ thứ hai này thì người ta lại quên một chữ thứ ba và cứ như thế tiếp diễn. Những sự rối loạn này thường xảy ra cho những người thợ sắp chữ có thể coi như những hành vi sai lạc. Một sự nhầm lẫn thuộc loại này cứ xảy đi xảy lại mãi trong một tờ báo của đảng xã hội dân chủ. Trong báo đó, khi tường thuật lại buổi biểu tình, người ta đọc thấy như sau: “Trong số những người tham dự có cả ông Kronrprinz (đáng lẽ phải là ông Kronprinz- Đông cung thái tử)”. Hôm sau tờ báo cải chính, xin lỗi độc giả và viết: “Chúng tôi định viết ông Knorprinz (chứ không phải là ông Kronrprinz) ”. Người ta nói trong những chuyện như thế hình như có ma hay có quỷ trong việc xếp chữ. Dù là ma hay là quỷ thì những chữ này cũng vượt quá giới hạn của một thuyết tâm lý sinh lý của những sự nhầm lẫn trong việc xếp chữ.
Chắc bạn cũng biết là chúng ta có thể dùng cách ám thị để làm cho người ta lỡ lời. Về điều này có câu chuyện như sau: Một diễn viên mới vào nghề một hôm phải đóng một vai trong vở Pucelle d’ Ocléans, anh ta có phận sự báo cho vua là ông Connétable đưa trả lại thanh kiếm (shwert). Nhưng trong lúc tập, một người nhắc vở đùa anh ta bằng cách nhắc cho anh ta nói là: Ông Confortable trả lại con ngựa (pferd). Và anh chàng hay đùa nghịch đó đạt được mục đích: anh diễn viên khốn khổ này của chúng ta quả nhiên nói lỡ lời ngay theo câu nói nhắc sai và rồi cứ nhầm như thế mãi mặc dù đã được cảnh báo bao nhiêu lần, có khi lại càng lầm vì những lời cảnh báo đó.
Tất cả những điểm đặc biệt về những hành vi sai lạc vừa được trình bày không thể cắt nghĩa được bằng thuyết cho rằng sự chú ý đã bị đánh lạc. Điều đó không có nghĩa là thuyết này sai. Nói cho đúng ra thì thuyết này phải được bổ túc. Nhưng ngoài ra nhiều khi có những hành vi sai lạc cần được hiểu theo một phương diện khác.
Ví dụ như những hành vi sai lạc thường được chúng ta chú ý đến nhất: đó là những sự lỡ lời (lapsus). Chúng ta có thể chọn những sự sai lầm về đọc sách hay viết cũng được. Chúng ta cần chú ý những điểm sau đây: là từ trước đến nay chúng ta chỉ tự đặt mỗi một câu hỏi là chúng ta đã lỡ lời trong những điều kiện nào và khi nào. Chúng ta mới chỉ trả lời có một câu hỏi đó. Nhưng chúng ta có thể xét đến hình thức một sự lỡ lời và hậu quả của sự lỡ lời đó. Chắc các bạn đoán ra rằng, một khi chúng ta chưa trả lời được câu hỏi này, một khi chưa cắt nghĩa được hậu quả của sự lỡ lời thì về phương diện tâm lý hiện tượng này vẫn chỉ còn là tai nạn bất thường ngay cả khi người ta đã cắt nghĩa được về phương diện sinh lý. Tất nhiên khi tôi lỡ lời, tôi có thể lỡ lời bằng hàng ngàn cách; tôi có thể thay thế tiếng nói đúng bằng ngàn cách khác hay nói một tiếng đó mà thay đổi đi bằng ngàn cách khác. Và khi tôi hỏi tại sao trong bao nhiêu tiếng có thể lỡ lời được tôi lại chỉ lỡ lời đặc biệt với một tiếng thôi? Trong trường hợp đó thì sự lỡ lời đó có nguyên nhân gì quyết định không hay là chỉ là do sự tình cờ, một vấn đề không sao giải đáp hợp lý được?
Hai tác giả, ông Maringer và ông Mayer (người trên là một triết gia trong khi người dưới là một nhà trị bệnh tinh thần) năm 1985 đã khảo cứu về những sự lỡ lời. Hai ông đã tập trung được nhiều trường hợp trong đó hai ông chỉ đứng về phương diện mô tả thôi. Hai ông không tìm cách cắt nghĩa nhưng trong thực tế đã mở đường cho người sau cắt nghĩa. Những sự lỡ lời được xếp loại như sau:
a) nói lộn ngược;
b) nói lẫn lộn chữ nọ với chữ kia (Vorlang)
c) nói một chữ dài ra mà không có lợi gì cả (Nachklang)
d) nói lầm chữ nọ với chữ kia (chữ nọ giây ra chữ kia);
e) thay chữ nọ vào chữ kia.
Tôi kể cho các bạn nghe những thí dụ của mỗi loại. Có lộn ngược khi người ta nói Milô Vệ nữ trong khi phải nói Thần vệ nữ ở Milô. Có chữ nọ đè lên chữ kia khi nói: Es war mir anf der Schwest.. auf der Brust so scbwer (Có nghĩa là tôi thấy cái gì cũng đè nặng lên ngực. Chữ Schwer (nặng) đè lên một phần chữ Brust (ngực). Có nói kéo dài vô ích hay nhắc lại vô ích trong câu chúc tụng sau đây: “ Ich fordere sie auf, auf das Wohl unseres Chefs aufzustossen ” (Xin các ngài hãy ợ lên để chúc mừng ông Chủ được thịnh vượng, trong khi đáng nhẽ phải nói uống để chúc cho ông Chủ v.v.. ). Ba hình thức lỡ lời trên không thường xảy ra. Nhưng trường hợp lỡ lời vì một sự liên tưởng hay một sự rút ngắn lời nói thì thấy dễ hơn. Ví dụ như một ông gặp một bà ngoài phố và nói: “Nếu cô cho phép tôi xin thất lễ với cô”. Sự thực thì ông ta muốn nói “Nếu cô cho phép tôi sẽ đi cùng cô” nhưng ông ta đã lầm chữ begleiten (đi cùng) với beleidigen (thất lễ) nghĩa là đã rút ngắn chữ nọ thành chữ kia. Tôi cần nói là có lẽ anh chàng này không được cô kia hoan nghênh thì phải. Về lối nói thay chữ nọ vào chữ kia thì có thí dụ sau đây: Meringer và Mayer nói: “Tôi cho những thứ thuốc này vào thùng thư (Briefkasten) thay vì trong lò hấp (Brutkasten)”.
Hai nhà khảo cứu trên đã tìm cách cắt nghĩa những thí dụ này, nhưng theo tôi thì những cách đó còn thiếu sót nhiều. Họ cho rằng những thanh âm và những vần trong chữ có những giá trị khác nhau, và khi người ta nghĩ đến một vần hay một thanh âm nào có giá trị cao hơn thì sự suy nghĩ này có ảnh hưởng rối loạn đến những vần hay những thanh âm có giá trị ít hơn. Điều nhận xét này cùng lắm chỉ có giá trị đối với những trường hợp ít xảy ra thuộc loại thứ hai hoặc thứ ba: trong những trường hợp dù cho rằng có những yếu tố này có giá trị hơn yếu tố khác chăng nữa thì sự quan trọng hơn hay kém của những thanh âm hay vần không đóng vai trò gì cả. Những sự lỡ lời hay xảy ra hơn cả là trường hợp thay chữ này bằng chữ khác hao hao giống và sự giống hao hao này đủ để cắt nghĩa rồi. Ví dụ như một vị giáo sư trong một bài học khai mạc nói: “Tôi không sẵn sàng (geneigt) phán đoán về giá trị của vị giáo sư dạy trước tôi một cách đúng mức” trong khi muốn nói : “Tôi không dám cho mình một sự hiểu biết đủ để dùng để phán đoán v.v.v.. (geeignet)”. Hay một vị giáo sư khác: “Về bộ phận sinh dục của đàn bà mặc dù những sự cám dỗ (tentions, versuchungen), xin lỗi những mưu toan (tentatives, versuche)”.
Nhưng sự lỡ lời hay xảy ra nhất, làm cho người ta chú ý đến nhiều nhất là trường hợp nói ra những điều hoàn toàn trái với điều định nói. Tất nhiên trong trường hợp này, những liên quan về thanh âm cũng như những sự giống nhau chỉ đóng một vai trò rất nhỏ; để thay vào những yếu tố này người ta có thể cho rằng giữa những tiếng trái ngược nhau có một sự phù hợp rất gần trong sự liên tưởng về tâm lý. Chúng ta có những ví dụ lấy trong lịch sử loại này. Một ông chủ tịch hạ nghị viện đã khai mạc buổi họp bằng câu sau đây: “Thưa các ngài, tôi thấy có sự hiện diện của... nghị sĩ và tuyên bố bế mạc buổi họp ”.
Bất cứ một liên tưởng nào có khả năng xuất hiện một cách bất chợt như thế cũng có thể đưa đến kết quả tương tự. Ví dụ như người ta kể lại rằng trong một bữa tiệc cưới của hai con nhà Helmholtz và Siemens, nhà sinh lý học nổi tiếng đã kết thúc bài diễn từ của ông bằng câu sau đây: “Hoan hô sự kết hợp mới mẻ giữa Siemens và Halske”. Tất nhiên khi nói câu đó ông ta đã nghĩ đến Halske vì sự liên tưởng giữa hai nhà Siemens và Halske rất quen thuộc với người dân thành Berlin.
Vì những lẽ đó ngoài những liên quan về thanh âm và sự giống nhau của các tiếng, chúng ta phải thêm vào sự liên tưởng giữa các tiếng nữa. Nhưng như thế cũng chưa đủ. Có nhiều trường hợp mà muốn cắt nghĩa một sự lỡ lời chúng ta phải để ý đến những lời đã nói hay đã nghĩ đến từ trước. Đó là những trường hợp tác dụng từ xa cũng thuộc loại do Meringer kể lại nhưng có phạm vi rộng lớn hơn. Nhưng đến đây tôi phải thú thực với các bạn là ngay lúc này hơn lúc nào chúng ta càng ngày càng thấy các sự lầm lẫn trong việc nói năng càng khó hiểu.
Nhưng tôi có thể nói là mình không lầm khi cho rằng các công trình khảo cứu nói trên đã gây ra một cảm giác mới đáng cho chúng ta chú ý đến. Trước hết chúng ta xét tới những điều kiện phát sinh ra một sự lỡ lời , rồi sau đó xét đến những ảnh hưởng làm cho tiếng nói bị sai lạc đi. Nhưng chúng ta chưa nói đến những hậu quả của những sự lỡ lời. Nếu định xét đến vấn đề đó thì chúng ta phải có đủ can đảm nói rằng: Trong tất cả những sự lỡ lời đó, sự sai lạc của tiếng nói có một ý nghĩa. Ta hiểu câu có một ý nghĩa như thế nào? Biết đâu hậu quả của một sự lỡ lời lại chẳng có quyền được coi như một hành vi hoàn hảo của tinh thần có mục đích nhất định, như một phát biểu với một nội dung và ý nghĩa đặc biệt. Từ trước tới nay chúng ta nói đến những hành vi sai lạc nhưng có vẻ như những hành vi sai lạc này lại là những hành vi hoàn toàn đúng đắn, chỉ xuất hiện ra với mục đích thay thế cho hành vi người ta muốn làm hay đang chờ đợi.
Ý nghĩa đen của hành vi sai lạc này trong một vài trường hợp có vẻ như không thể nào chối cãi được. Nếu ngay trong những tiếng đầu tiên mà ông chủ tịch đã nói ngay đến hai chữ “bế mạc” trong khi ý ông là muốn nói đến hai chữ “khai mạc” thì chúng ta là người biết rõ những điều kiện phát sinh của sự lỡ lời này, chúng ta có thể gán cho hành vi sai lạc này một ý nghĩa. Ông chủ tịch thực ra không chờ đợi viện dân biểu làm được một việc gì hay ho nên muốn cho nó bế mạc luôn đi. Chúng ta có thể dễ dàng tìm ra ý nghĩa của sự lỡ lời này. Khi một bà, được biết là người có nhiều nghị lực, kể cho chúng ta nghe rằng: “Chồng tôi vừa đi khám bác sĩ để cho bác sĩ chỉ cho phải ăn uống như thế nào thì bác sĩ bảo anh chẳng phải kiêng gì cả, anh cứ việc ăn những gì tôi muốn” thì chúng ta thấy nghe rằng đó là một sự lỡ lời, nhưng cũng thấy ngay rằng bà ta đã nói ra những điều bà ta dự định sẽ làm, nghĩa là bắt ông chồng ăn theo ý kiến của bà ta.
Nếu chúng ta cho rằng những sự lỡ lời có một ý nghĩa không phải là một ngoại lệ và trái lại, lại luôn luôn xảy ra thì ý nghĩa này của chúng ta có thể gạt bỏ mọi thứ khác vào trong hậu trường. Bây giờ chúng ta có thể gạt bỏ tất cả những yếu tố sinh lý, hay vừa tâm lý vừa tâm sinh lý mà chỉ để ý đến những yếu tố tâm lý thôi để tìm hiểu xem những hành vi sai lạc có ý nghĩa gì và nói lên những gì về ý nghĩa của người lỡ lời. Vì thế cho nên chúng ta sẽ xét nhiều trường hợp nữa.
Nhưng trước khi đi vào con đường đó, tôi mời các bạn đi vào một con đường khác hẳn. Có nhiều nhà thi sĩ đã từng sử dụng một sự lỡ lời hay hành vi sai lạc nào khác để diễn tả ý thơ của mình. Sự kiện này tự nó cũng đủ chứng tỏ cho chúng ta biết rằng nhà thi sĩ coi những hành vi sai lạc và đặc biệt sự lỡ lời không phải là không có ý nghĩa vì ông ta đã cố ý làm những hành vi sai lạc đó. Không ai tin rằng nhà thi sĩ lầm lẫn trong khi viết rồi cứ để nguyên không sửa chữa sự sai lầm của mình , và sự sai lầm này sẽ trở thành một sự lỡ lời từ miệng một người nào đó. Bằng sự lỡ lời này nhà thi sĩ muốn diễn tả một ý nghĩa gì có vẻ như ông ta muốn báo cho ta biết về con người đó đãng trí, mệt mỏi hay sắp bị nhức đầu. Nhưng nếu nhà thi sĩ dùng một sự lỡ lời như một tiếng có ý nghĩa thì chúng ta trái lại không nên gán cho sự việc đó một mức quá đáng. Sự thực, một sự lỡ lời có thể không có ý nghĩa gì hết, có thể chỉ là một tai nạn bất thần của tinh thần hay nếu có một ý nghĩa gì thì chỉ trong trường hợp thực đặc biệt thôi. Tuy nhiên, chúng ta không thể cấm nhà thi sĩ gán cho chúng một ý nghĩa để dùng vào tác phẩm của ông ta. Vì thế các bạn sẽ không ngạc nhiên khi thấy tôi nói rằng các bạn muốn tìm hiểu về vấn đề này nên khảo cứu các nhà thi sĩ hơn là các nhà ngôn ngữ học và chữa bệnh thần kinh.
Trong vở Wallenstein (Piccolomini, Hồi thứ nhất) ta thấy có một loại lỡ lời như thế. Trong cảnh trước Piccolomini đã hăng say bênh vực ông quận công bằng cách ca tụng những lợi ích của hoà bình, những lợi ích mà anh ta đã biết trong cuộc du hành cùng cô con gái Wallenstein. Sự bênh vực này làm cho cha anh và sứ giả của nhà vua sửng sốt. Cảnh đó tiếp diễn như sau:
Questenberg - Nguy quá chúng ta hiện đi đến đâu đây? Chúng ta có nên để cho nó đi với ý tưởng điên rồ đó mà không cảnh cáo nó và mở mắt nó ra không?
Octavio (đang suy nghĩ giật mình): Mắt tôi mở to lắm rồi và điều tôi trông thấy không làm tôi vui thích tí nào.
Questenberg - Điều gì vậy bạn?
Octavio - Cuộc du hành đó thực bất lợi quá.
Questenberg - Tại sao? Có gì vậy?
Octavio - Đi cùng tôi đi, tôi phải theo gót nó ngay, phải chính mắt tôi nhìn thấy.. Nào đi đi.
(Anh muốn kéo Questenberg đi cùng)
Questenberg - Bạn làm sao thế? Bạn muốn tôi đi đâu?
Octavio - Đến gặp nàng.
Questenberg -Gặp ai?
Octavio (Sực nhớ lại) - Gặp quận công. Nào ta đi...
Octavio muốn nói đến gặp ông quận công nhưng anh đã lỡ lời và nói gặp nàng, do đó chúng ta hiểu rằng anh chàng này đã hiểu rõ những ảnh hưởng nào đã làm cho chàng chiến sĩ trẻ tuổi mơ đến những lợi ích của hoà bình.
O. Rank cũng đã tìm ra ở Shakespeare một thí dụ cùng loại. Đó là trong vở “Người lái buôn thành Vơnidơ” trong cảnh mà anh chàng si tình phải chọn giữa ba hộp đồ. Tôi muốn đọc cho các bạn nghe đoạn anh ta viết về điểm đó.
“Trong vở “Người lái buôn thành Vơnidơ” của Shakespeare (Hồi III cảnh II) có một sự lỡ lời rất đáng chú ý về phương diện văn chương và kỹ thuật; cũng như thí dụ do Freud kể lại trong Wallenstein, điều đó chứng tỏ rằng các nhà thi sĩ hiểu rõ về những sự lỡ lời và cho rằng khán giả cũng hiểu rõ. Bị cha bắt buộc rút thăm để chọn một người chồng, nàng Portia từ trước tới nay vẫn thoát khỏi tay những anh chàng mà nàng không thích do một sự ngẫu nhiên may mắn. Đến khi thấy anh chàng Bansanio hợp ý mình, nàng chỉ sợ anh chàng rút phải một lá thăm tồi thôi. Nàng muốn nói cho anh nghe là dù có rút phải một lá thăm tồi đi chăng nữa, anh cũng nên tin chắc rằng nàng yêu anh nhưng vì đã trót hứa nên không dám nói ra. Trong khi đang tan nát cả cõi lòng, nàng được nhà thi sĩ làm cho nói những câu sau đây với người yêu:
“Em xin anh! Anh ở lại đi, ở lại một hai ngày đi, trước khi rút thăm, bởi lẽ nếu anh rút không trúng lá thăm cần rút thì em sẽ không được gặp anh nữa. Anh hãy chờ ít lâu đã. Có một điều gì (điều đó không phải là tình yêu đâu) làm cho em thấy rằng em sẽ hối tiếc nếu em mất anh. Em có thể hướng dẫn anh, chỉ cho anh biết chọn như thế nào, nhưng em sẽ lỗi lời thề và em không muốn lỗi lời thề. Anh có thể không lấy được em; anh sẽ làm cho em hối hận vì đã không chịu lỗi lời thề. Chao ôi, những ánh mắt đã làm em nôn nao cả cõi lòng chia em làm hai người: một người thuộc về anh, một thuộc về anh.. ồ không phải thế, em muốn nói thuộc về em. Nhưng nếu người đó thuộc về em thì cũng thuộc về anh luôn, như thế có nghĩa là cả người em thuộc về anh”
“Điều nàng chỉ muốn ám chỉ đến thôi bởi vì đáng lẽ nàng không được nói ra , nghĩa là nàng muốn cho chàng biết là ngay trước khi bốc thăm nàng đã thuộc về anh rồi và nàng yêu anh. Tác giả đã rất sành tâm lý đã làm cho nàng lỡ lời nói cho người yêu biết để cho chàng yên tâm và luôn thể cất cho khán giả một nỗi lo ngại trong việc dự đoán nàng sẽ chọn ai”.
Chúng ta hãy để ý việc nàng Portia đã khéo léo như thế nào để dung hoà hai lời thú nhận của nàng trong sự lỡ lời đó bằng cách xoá bỏ sự mâu thuẫn giữa hai tình trạng, tuy vẫn giữ được lời thề mà vẫn nói lên đựơc những điều mình nghĩ: “Nhưng nếu nó thuộc về em thì nó cũng thuộc về anh, nghĩa là cả người em đều thuộc về anh”.
Chỉ bằng một nhận xét giản dị như thế, một người không hiểu biết gì về y khoa, do một sự ngẫu nhiên may mắn đã tìm được ý nghĩa của một sự lỡ lời, một hành vi sai lạc mà không cắt nghĩa gì khác nữa. Chắc các bạn cũng biết nhà trào phúng tài ba Licktenberg (1742-1799) mà mỗi lời nói đều chứa đựng cả một vấn đề (theo lời Goethe). Licktenberg kể lại rằng vì đọc nhiều Homere quá nên bất cứ ở chỗ nào có viết chữ “angenommen” (nghĩa là chấp nhận) ông đều đọc thành Agamemnon. Đó chính là thuyết về sự lỡ lời.
Trong bài học sau chúng ta sẽ xét đến vấn đề chúng ta có thể đồng ý với các nhà thi sĩ về quan niệm của họ về các hành vi sai lạc không?
3. Những hành vi sai lạc (tiếp theo)
Lần trước chúng ta đã xét đến hành vi sai lạc không phải về phương diện liên quan giữa chúng với cơ năng ý muốn, mà về phương diện với chính hành vi đó thôi. Có vẻ như hành vi sai lạc trong vài trường hợp có mang vài ý nghĩa đặc biệt. Chúng ta đã tự nhủ là nếu có thể khẳng định được điều đó trên một quy mô rộng lớn hơn thì ý nghĩa của những hành vi này đối với chúng ta sẽ có ý nghĩa hơn là những trường hợp phát sinh ra những hành vi đó.
Một lần nữa chúng ta phải đồng ý với nhau về những điều chúng ta hiểu khi ta nói đến ý nghĩa của một sự hoạt động tinh thần. Đối với chúng ta, “ý nghĩa” đó không có gì khác hơn là diễn tả một ý muốn và địa vị của nó trong đời sống tinh thần. Trong các công trình khảo cứu của chúng ta, chúng ta có thể thay chữ “ý nghĩa” bằng chữ “ý muốn” hay “khuynh hướng”. Nay thì ta tự hỏi không biết cái “ý muốn” đó có phải chỉ là một bề ngoài lừa dối hay một điều quá đáng có tính cách thi văn hay không?
Vậy chúng ta hãy xét những trường hợp lỡ lời và khảo cứu những sự quan sát liên can đến những trường hợp đó. Chúng ta sẽ tìm ra hàng loạt những sự lỡ lời có ý nghĩa. Thoạt tiên là những sự lỡ lời trong đó người ta nói ra những điều trái hẳn với những điều muốn nói. Ông chủ tịch nói trong diễn văn khai mạc: “Tôi tuyên bố bế mạc buổi họp”. Chả còn có gì để người khác hiểu nhầm được. Lời nói đó chứng tỏ rằng ông chủ tịch trong thâm tâm muốn bế mạc buổi họp. Thì chính ông nói ra miệng mà, chúng ta cứ việc tin lời ông nói. Đến đây các bạn đừng làm tôi lúng túng bằng cách cãi lại rằng sự thực không thể nào như thế được bởi vì chúng ta biết rằng ông ta muốn khai mạc chứ không phải là bế mạc, nhất là khi hỏi lại thì chính ông ta muốn khai mạc. Chúng ta đừng quên rằng chúng ta đã quyết định là chỉ khảo cứu hành vi sai lạc với tính chất của nó thôi, còn chuyện nó có liên quan thế nào với ý muốn mà nó đã làm rối loạn hay không thì đó là một chuyện khác sẽ được nói đến sau. Làm khác đi, chúng ta sẽ phạm một lỗi lầm bất hợp lý, làm sai lạc hẳn vấn đề đang khảo cứu.
Trong trường hợp khác trong đó người ta không nói hẳn những điều trái với ý muốn nhưng sự lỡ lời vẫn diễn tả một ý nghĩa trái ngược. Ich bin nicht die Verdienste meines Vorgagers zu wurdigen. Chữ Geneigt không phản nghĩa với chữ geegnets (sẵn sàng và được quyền); nhưng đó là một lời thú nhận trước công chúng trái hẳn với địa vị của diễn giả.
Trong những trường hợp khác sự lỡ lời thêm một ý nghĩa mới vào ý nghĩa định nói. Mệnh đề đó xuất hiện như một sự co rút, rút ngắn hay dung hoà nhiều mệnh đề lại. Đó là trường hợp của con người giàu nghị lực nói trong những dòng trên “chồng tôi có thể ăn uống những món gì tôi muốn”. Có vẻ như bà ta muốn nói: “Chồng tôi muốn ăn gì tuỳ ý anh muốn. Nhưng anh cần gì phải muốn. Chính tôi muốn thay anh!”. Nhưng sự lỡ lời luôn luôn cho người ta cái cảm tưởng rút ngắn thuộc loại sau đây. Ví dụ: Một giáo sư về cơ thể học sau khi giảng xong một bài về lỗ mũi, hỏi các sinh viên là họ có hiểu không. Sau khi họ trả lời là họ hiểu, giáo sư hỏi tiếp: “Tôi không tin như thế vì số người hiểu được sự cấu tạo của lỗ mũi, trong một thành phố một triệu người có thể đếm trên đầu một ngón tay... chết nỗi, trên các đầu ngón tay”. Câu nói rút ngắn này có ý nghĩa : giáo sư muốn nói chỉ có mỗi một người hiểu được sự cấu tạo của lỗ mũi thôi.
Cạnh những trường hợp vừa kể, trong đó ý nghĩa của sự lỡ lời hiện ra rõ ràng, còn có những trường hợp lỡ lời không có ý nghĩa gì cả và do đó trái hẳn với những điều chúng ta chờ đợi. Khi một người nói sai một danh từ riêng hay phát ra những âm thanh chẳng có nghĩa gì hết cả thì tất nhiên tất cả những hành vi sai lạc này chẳng có nghĩa gì hết. Nhưng khi xét kỹ người ta sẽ thấy những tiếng hay những câu ngay cả khi sự khác biệt giữa những trường hợp còn nghi ngờ với những trường hợp thực rõ ràng không to tát như người ta đã tưởng.
Có người hỏi thăm sức khoẻ của con ngựa của một người, người này trả lời: “Jan das draut.. das dauert.. ” ông ta muốn nói: “Bệnh nó có thể kéo dài một tháng”. Hỏi ông nói draut nghĩa là gì (mà ông suýt nữa đã dùng thay chữ dauert) ông trả lời là, vì cho rằng việc con ngựa ốm đối với ông là điều rất buồn (traurig) ông đã dùng lầm hai chữ dauert và traurig và ông lỡ nói ra chữ draut.
Một người khác nói về một vài lối làm việc làm cho ông phẫn nộ đã nói: “Dann aber dind Tatsachen zum Vorwwchein gekommen” (người ta tìm ra những sự việc..) Nhưng vì trong thâm tâm ông cho các lối làm việc như vậy là đồ con heo (cochonneries, Schweinerrein) nên vô tình lẫn hai chữ Vorschein và Schweinerrein. Do đó ông nói lỡ lời ra Vorschein (Meringer và Mayer).
Bạn hẳn còn nhớ trường hợp anh chàng muốn đi cùng với một bà chưa quen biết bằng chữ begleigt- digen. Chúng ta đã phân chữ đó thành hai chữ begleinten (đi cùng) và beleidigen (kính trọng). Chúng ta cho là cách giải thích như thế là đúng lắm rồi nên chúng ta không thấy cần kiểm lại. Các bạn thấy rõ là ngay cả những trường hợp lỡ lời không được rõ ràng lắm cũng có thể cắt nghĩa được bằng sự trùng phùng của những phát biểu của hai ý muốn. Sự khác biệt độc nhất giữa các trường hợp đó là ở chỗ đối với một số trường hợp như trong các sự lỡ lời bằng sự trái ngược thì một ý muốn này được thay hẳn bằng một ý muốn khác, còn trong một số trường hợp nữa thì một ý muốn chỉ thay đổi một ý muốn khác thôi. Do đó, có một số chữ có hai hay nhiều nghĩa.
Chúng ta tưởng như đã vén được bức màn bí mật với một số lượng lớn sự lỡ lời. Và bây giờ vẫn bằng lối lý luận đó chúng ta có thể hiểu được nhiều loại còn bí mật hơn nhiều. Ví dụ như trong trường hợp đọc sai các tên riêng, chúng ta không thể cho rằng nguyên nhân của chúng là sự có mặt của hai tiếng vừa khác nhau lại vừa giống nhau. Nhiều khi sự sai lầm diễn ra không liên can gì đến sự lỡ lời cả. Bằng cách đó người ta tìm cách nói lên một danh từ kêu sai hay gán cho nó một thanh âm làm cho người ta nhớ lại một vật gì rất tầm thường. Đó là một lối chửi rủa rất quen thuộc mà những người lịch sự không dám dùng tuy nhiều khi trong thâm tâm họ cũng muốn dùng lắm. Lời chửi bới này thường làm cho người ta có vẻ thông minh nhưng là cái thông minh hạ cấp. Vậy chúng ta có thể cho rằng sở dĩ có sự lỡ lời là vì trong thâm tâm người ta muốn chửi bới bằng cách nói sai chữ dùng. Nói rộng thêm ra, chúng ta có thể dùng cách giải thích đó với những trường hợp lỡ lời rất buồn cười hay khó hiểu: “Xin mời các ngài ợ lên để chúc thọ ông chủ của chúng ta” (trong khi muốn nói: uống mừng aufstossen và anstossen). ở đây quang cảnh trang nghiêm bị phá rối bằng một tiếng gợi lên một cảm giác khó chịu. Trong trường hợp này quả có một khuynh hướng xuất hiện trái hẳn với dáng điệu cung kính bề ngoài của diễn giả. Thực ra diễn giả muốn nói: các bạn đừng tin lời tôi, tôi không muốn nói như thế đâu, tôi chỉ muốn nhạo ông chủ thôi vvv.. Đó cũng là trường hợp của sự lỡ lời trong đó những tiếng rất thường biến thành những tiếng thô tục.
Khuynh hướng biến đổi hay đọc sai này thường thấy có ở những người muốn đùa chơi hay muốn tỏ ra mình thông minh. Và mỗi khi gặp trường hợp này thì chúng ta thường phải tìm hiểu xem có phải là người nói câu đó muốn pha trò hay không hay chính đó là một sự lỡ lời thực sự.
Như vậy tức là chúng ta đã giải quyết được một cách tương đối dễ dàng những điều bí mật của những hành vi sai lạc. Đó không phải là một sự bất thường mà là những hành vi tinh thần đúng đắn, có ý nghĩa phát sinh ra do sự trùng hợp hay nói đúng hơn sự phải trái giữa hai ý muốn khác nhau. Nhưng tôi đoán trước rằng nhiều bạn sẽ nghi ngờ và sẽ hỏi nhiều câu mà tôi sẽ phải trả lời trước khi có thể hài lòng về kết quả đầu tiên này. Tôi không hề có ý đưa bạn đến chỗ quyết định hấp tấp.Chúng ta hãy thảo luận từng điểm theo một thứ tự một cách bình tĩnh.
Bạn sẽ hỏi gì tôi? Tôi cho rằng những lời giải thích nói trên có giá trị đối với mọi trường hợp hay chỉ đối với một số trường hợp không thôi? Một quan niệm như thế có đúng với mọi hành vi sai lạc không như: đọc sai, viết sai, quên, lầm, không tìm lại được một vật mà mình đã cất.. Trước tính chất tinh thần của những hành vi sai lạc này thì sự mệt nhọc, sự kích động, sự đãng trí, sự rối loạn trong sự chú ý giữa những vai trò nào? Người ta nhận thấy rằng trong hai khuynh hướng kình địch nhau, có một khuynh hướng là hiển nhiên còn khuynh hướng kia thì không. Làm thế nào cho khuynh hướng này rõ rệt ra và trong trường hợp là được thì làm sao chứng tỏ được khuynh hướng sau này, dù không xác thực là thái độ độc nhất phát sinh ra được? Các bạn còn hỏi gì tôi nữa không? Nếu không thì chính tôi cũng còn nhiều câu đặt ra nữa. Tôi nhắc lại rằng những hành vi sai lạc tự chúng đối với chúng ta chẳng có lợi lộc gì nhưng chúng ta chỉ muốn dựa vào đó để tìm ra được những kết quả có thể áp dụng vào môn phân tâm học thôi. Vì thế nên tôi đặt câu hỏi như sau: những ý muốn, những khuynh hướng có thể làm rộn những ý muốn và khuynh hướng khác là thế nào và giữa một khuynh hướng bị gây rối và một khuynh hướng gây rối có liên quan gì? Như thế tức là chỉ sau khi giải đáp tất cả những câu hỏi này thì công việc thực sự của chúng ta mới bắt đầu.
Vậy: sự giải thích của chúng ta có giá trị với mọi trường hợp lỡ lời hay không? Tôi tin là có vì mỗi lần xét đến một sự lỡ lời chúng ta lại quay trở lại lối giải thích đó. Nhưng không có gì chứng tỏ rằng không có những sự lỡ lời phát sinh từ những lối khác. Có thể được. Nhưng đứng về phương diện lý thuyết thì dù có những sự đó nữa thì cũng chẳng quan hệ gì mấy, bởi lẽ những điều kết luận của chúng ta trong những dòng trên vẫn còn nguyên giá trị ngay cả khi những sự lỡ lời phù hợp với quan niệm của chúng ta chỉ là số ít, nhưng thực sự không phải như thế. Còn về câu hỏi sau đó là chúng ta có nên đem những kết quả thu lượm được về những sự lỡ lời áp dụng vào những hành vi sai lạc khác không, câu trả lời của tôi là có. Các bạn sẽ thấy tôi làm thế là phải khi chúng ta xét đến những thí dụ về viết sai, tôi đề nghị cùng các bạn hãy tạm gác vấn đề đó lại cho đến khi xét xong vấn đề lỡ lời.
Và bây giờ đến các sự mệt mỏi, kích động, đãng trí, rối loạn trong sự chú ý và tuần hoàn đóng những vai trò gì trong sự hoạt động tinh thần? Vấn đề này cần được xem xét cẩn thận. Chúng ta không hề phủ nhận những điều các môn khác khẳng định; thường thường môn này chỉ đưa thêm vào những điều khẳng định đó những yếu tố mới, và trong nhiều trường hợp những điều đưa thêm vào này lại là những điều cần thiết. Ảnh hưởng của các sự kiện sinh lý do những khó chịu, những sự rối loạn trong bộ máy tuần hoàn, những tình trạng cơ thể suy đồi gây ra đối với sự phát sinh các lỡ lời phải được công nhận hoàn toàn không dè dặt. Những kinh nghiệm bản thân của bạn đủ để bạn công nhận ảnh hưởng đó. Nhưng giải thích như thế là giải thích quá ít. Trước hết, những trạng thái vừa kể không phải là những điều kiện cần thiết cho những hành vi sai lạc. Ngay cả những người khoẻ mạnh bình thường cũng lỡ lời. Những yếu tố cơ thể này chỉ có giá trị khi chúng làm dễ dàng cho sự phát sinh của những sự lỡ lời.
Để chứng minh sự có liên quan đó, có một lần tôi đã dùng một sự so sánh và ngày nay lại phải đem dùng lại vì không còn sự gì tốt hơn. Ví dụ như một hôm đi chơi ban đêm trong một nơi vắng vẻ tôi bị kẻ gian chặn lại trấn lột đồng hồ và túi tiền, tôi đến đồn cảnh sát trình rằng sự vắng vẻ và bóng tối đã trấn lột đồng hồ và tiền bạc của tôi thì chắc chắn ông cảnh sát sẽ trả lời rằng: “Ông không thể cắt nghĩa một cách máy móc như thế được. Nếu ông muốn, tôi sẽ giải thích như sau: vì được bóng tối và sự vắng vẻ che chở, một tên cướp vô danh đã cướp của ông những vật đáng giá. Theo ý tôi điều cần đối với ông là tìm được tên cướp; và chỉ lúc đó chúng ta mới có hy vọng tìm thấy những đồ đã mất”.
Những yếu tố vừa tâm lý vừa sinh lý như sự kích động, sự đãng trí, sự rối loạn trong sự chú ý, tất nhiên không có ích gì trong việc cắt nghĩa những hành vi sai lạc . Đó chỉ là một cách nói, những bình phong không làm cho chúng ta không nhìn được. Người ta có thể tự hỏi: trong một trường hợp đặc biệt nào đó, nguyên nhân của sự kích động, của sự lệch lạc trong sự chú ý là gì? Ngoài ra những ảnh hưởng của thanh âm, giống nhau của lời nói, những sự liên tưởng quen thuộc của tiếng nói cũng có một vài phần quan trọng. Tất cả những yếu tố đó làm dễ dàng cho sự phát sinh của sự lỡ lời bằng cách chỉ đường cho hươu chạy. Nhưng có phải trước mắt tôi có sẵn một con đường là chắc chắn tôi phải theo con đường đó không? Cần phải có một lý do gì, một động lực nào thúc đẩy tôi. Vậy những liên quan về âm thanh, những sự giống nhau về chữ dùng, cũng như những yếu tố về cơ thể chỉ phụ họa vào sự phát minh ra các sự lỡ lời thôi chứ không cắt nghĩa được.
Ngay khi tôi đang nói chuyện với các bạn, trong đa số các trường hợp, bài nói chuyện của tôi không hề bị rối loạn bởi sự kiện là các chữ tôi dùng có thể giống các chữ khác về âm thanh hay liên lạc chặt chẽ với các tiếng phản nghĩa hay gây ra những sự liên tưởng thường dùng. Cần đến người ta có thể nói như Wundt rằng sự lỡ lời xảy ra khi sau một cơn suy đồi cơ thể, khuynh hướng liên tưởng át hẳn các khuynh hướng khác trong việc nói năng. Lời giải thích này sẽ hoàn toàn đúng nếu không có những thí nghiệm trái lại cho rằng nhiều khi trong những sự lỡ lời không hề có bóng dáng của những yếu tố cơ thể hay sự liên tưởng.
Nhưng tôi thấy câu hỏi của bạn về phương sách người ta nhận thấy hai khuynh hướng có liên quan đến nhau. Có lẽ các bạn không ngờ rằng tuỳ theo câu trả lời như thế nào mà câu hỏi đó sẽ đưa đến những kết quả vô cùng quan trọng có thể xảy ra được.Về khuynh hướng bị rối loạn thì không còn nghi ngờ gì nữa: người nào có hành vi sai lạc thường cho rằng mình bị rối loạn thực. Những điều nghi ngờ chỉ có thể xảy ra đối với những khuynh hướng gây ra rối loạn mà thôi. Tôi đã trình bày và hẳn các bạn cũng chưa quên: có rất nhiều trường hợp trong đó những khuynh hướng này rất rõ ràng. Sự có mặt của khuynh hướng này tỏ rõ với kết quả của sự lỡ lời. Ông viện trưởng đã nói những điều trái hẳn với những điều mà ông ta muốn nói. Ông muốn khai mạc hội nghị, nhưng điều rõ ràng là nếu có thể bế mạc được thì ông cũng không lấy gì mà khó chịu. Điều này quá rõ ràng đến nỗi không cần lời giải thích nào khác nữa. Nhưng trong trường hợp khuynh hướng gây ra sự rối loạn chỉ làm sai lạc đi một chút khuynh hướng sơ khởi thì chúng ta làm thế nào để cho nó thoát khỏi sự lệch lạc đó được?
Trong một loại thứ nhất chúng ta có thể làm công việc đó một cách dễ dàng y như đối với những khuynh hướng bị rối loạn. Ví dụ như trong trường hợp đã kể với người có con ngựa đau sau khi lỡ lời đã nói lại chữ đáng lẽ được đem dùng. Khi được hỏi tại sao lại dùng chữ draut thì người đó trả lời: người đó định nói câu chuyện đó là câu chuyện buồn (trauring) nhưng ông ta vô tình đã liên tưởng đến những chữ Traurig và draut, do đó lỡ lời nói ra chữ draut. Đó là trường hợp mà khuynh hướng làm rối loạn được chính người lỡ lời nói ra. Trường hợp chữ Voschwein (xem chương 2) cũng thế. Trong trường hợp này chính khuynh hướng gây quan trọng chẳng kém gì khuynh hướng bị rối.
Tôi đem các trường hợp nói trên ra dẫn chứng, tuy rằng không phải do tôi hay các đệ tử của tôi tìm ra, không phải là không có ý. Trong cả hai trường hợp muốn giải thích được dễ dàng phải có sự can thịêp nào đó. Chúng ta đã phải hỏi những đương sự tại sao họ lại lỡ lời như thế và ý kiến của họ về vấn đề này ra sao? Nếu không hỏi có lẽ họ sẽ bỏ qua không để ý gì đến những sự lỡ lời đó. Khi được hỏi họ đã trả lời bằng ý kiến đầu tiên hiện ra trong óc họ. Các bạn thấy chưa: sự can thiệp và kết quả lượm được chính là môn phân tâm học đó, đó chính là môn phân tâm học thu nhỏ.
Có phải là tôi quá đa nghi không khi cho rằng ngay trong lúc môn phân tâm học xuất hiện ra trước mặt các bạn thì sự chống đối của các bạn lại càng trở lên mạnh mẽ hơn. Biết đâu các bạn lại chẳng muốn nói rằng những bằng chứng do các người nói trên đưa ra không có gì chắc chắn. Các bạn nghĩ rằng những người đó cố nhiên sẽ giải thích theo lời mời của nhà phân tâm học và nói lên ý tưởng đầu tiên hiện ra trong óc họ nếu họ cho rằng ý đó cắt nghĩa được sự lỡ lời. Điều đó không chứng tỏ rằng sự lỡ lời thực sự có ý nghĩa như thế. Có thể có nghĩa như thế nhưng có thể có nghĩa khác. Họ cũng có thể có trong đầu họ những ý khác.
Tôi ngạc nhiên khi thấy các bạn không hề dành cho các sự kiện tinh thần những kính trọng cần thiết. Các bạn có tưởng tượng rằng có một người làm một phân tích hóa học về một chất nào đó ra một số lượng nào nhất định, ví dụ như mấy miligam. Từ một số lượng đó người ta có thể đưa ra một số kết luận . Có nhà hoá học nào lại dám phủ nhận những kết luận đó bằng cách nói rằng biết đâu số lượng đó lại không đúng không? Mọi người đều công nhận rằng số lượng lấy ra chính là số lượng thực mà người ta không hề ngần ngừ một giây để dựa vào đó mà đưa ra những kết luận. Vậy mà đứng trước một sự kiện về tinh thần gây nên do một ý tưởng nhất định của một người được hỏi đến, người ta không áp dụng quy luật đó nữa và cho rằng người được hỏi có thể có ý kiến khác. Các bạn có ảo tưởng là mình tự do và không muốn rời bỏ tự do đó. Tôi tiếc là không thể đồng ý với bạn về vấn đề đó.
Cũng có thể là các bạn nhượng bộ về điểm này nhưng lại chống đối điểm khác. Các bạn sẽ nói: “Chúng tôi hiểu rằng kỹ thuật của môn phân tâm học là làm sao tìm được giải đáp cho các vấn đề bằng cách hỏi ngay những người đem ra thí nghiệm. Nhưng ta thử xét lại trường hợp của người diễn giả trong bữa tiệc mời mọi người ợ lên để chúc mừng ông chủ. Ông cho rằng trong trường hợp này khuynh hướng gây rối là một khuynh hướng chửi rủa, phản đối lại khuynh hướng kính trọng. Nhưng đó chỉ là lối giải thích riêng của ông thôi, lối giải thích này dựa trên những dấu hiệu bề ngoài của sự lỡ lời. Ông hãy hỏi người đã nói ra những lời lỡ lời đó xem, không đời nào người đó lại thú nhận là có ý muốn chửi bới, trái lại ông ta sẽ từ chối và chối một cách cương quyết. Trước những lý luận chính xác như thế tại sao ông ta lại cứ giữ mãi lối giải thích của mình khi không có gì chứng minh được”.
Lần này thì lý lẽ của bạn có vẻ vững chắc. Tôi hình dung ra con người đó, biết đâu anh chàng chẳng là phụ tá được quý mến của ông chủ, đó là một anh chàng trẻ tuổi có nhiều hứa hẹn về tương lai. Tôi sẽ hỏi anh xem anh có khó chịu khi người ta nói những lời cung kính đối với ông chủ không? Nhưng tất nhiên tôi không được đón tiếp nồng hậu. Anh sẽ tỏ vẻ khó chịu và giận dữ: “Xin ông đi đi, ông đừng hỏi lôi thôi nữa. Tôi bắt đầu bực mình rồi, vì những câu hỏi của ông sẽ làm tiêu tan sự nghiệp của tôi. Tôi đã dùng chữ aufstossen (ợ) thay vì anstossen (uống) là vì trong một câu tôi đã hai lần dùng tiếp đầu ngữ auf rồi. Đó là điều mà Meriger gọi là Nachklang và không cần giải thích gì hơn nữa. Ông đã hiểu chưa? Tôi tưởng như thế là quá đủ rồi”. Trời ơi, sao mà ông này lại nổi giận ghê vậy? Tôi thấy là chả có thể khai thác gì hơn được và anh chàng này có vẻ cũng muốn cho người ta đừng gắn cho sự lỡ lời của anh một ý nghĩa gì cả. Có lẽ các bạn sẽ nghĩ rằng anh chàng này đã tỏ ra thô lỗ trước một sự tìm hiểu lý thuyết thuần tuý nhưng chắc là anh ta biết mình định nói gì và không muốn nói gì. Đúng vậy hả? Đó là điều còn cần phải xét.
Lần này chắc là bạn cho là tôi đã chịu thua rồi. Tôi như nghe tiếng bạn nói: đó, kỹ thuật của ông như thế đó. Khi một người nói lỡ lời, nói một vài lời gì hợp ý ông thì lập tức ông tuyên bố rằng sự phán đoán của người đó có tính cách quyết định, bởi vì chính mồm ông nói ra mà. Nhưng nếu lời nói không hợp ý ông thì ông bảo là cách giải thích của người đó không có giá trị gì cả, không đáng tin tý nào.
Sự việc tất nhiên xảy ra theo thứ tự đó. Nhưng tôi trình bày một trường hợp tương tự trong đó sự việc xảy ra cũng kỳ lạ như thế. Khi một người ra trước toà thú thực tội trạng của mình, ông quan toà tin ngay, nhưng khi anh ta chối tội thì ông quan toà không tin. Nếu sự việc không xảy ra như thế thì làm sao xử kiện được, cho nên dù có nhiều sự nhầm lẫn người ta vẫn bị bó buộc phải theo cách đó.
Nhưng bạn có phải là ông quan toà không? Và người nói lỡ lời có phải là người ra toà không? Sự lỡ lời có phải là một tội không?
Có lẽ chúng ta không thể không nói tới sự so sánh này được. Nhưng bạn có thấy là ngay khi đi sâu vào những vấn đề có vẻ như không có gì quan trọng của những hành vi sai lạc là lập tức thấy ngay sự khác biệt giữa hai lối lý luận trên không, những khác biệt mà chúng ta chưa khắc phục được. Tôi đề nghị bạn hãy tạm giữ nguyên sự so sánh giữa môn phân tâm học và việc xử án. Bạn phải công nhận với tôi rằng khi chính người làm một hành vi sai lạc mà nói ra thì chúng ta không còn điều gì nghi ngờ về ý nghĩa của sự sai lạc đó nữa. Trái lại tôi công nhận rằng, khi người làm hành vi sai lạc không chịu nói chuyện hay khi người đó không có mặt để nói chuyện thì chúng ta không thể có bằng chứng trực tiếp về ý nghĩa của hành vi đó được. Chúng ta đành phải làm như trong một cuộc điều tra về vụ án, nghĩa là tìm ra các dấu hiệu làm cho sự quyết định của chúng ta có vẻ sát sự thực tuỳ theo trường hợp. Vì lý do thực tế, một toà án phải tuyên bố một người bị đưa ra toà là có tội tuy chỉ có những bằng chứng dự đoán mà thôi. Chúng ta không cần phải làm điều đó, nhưng không phải vì thế mà chúng ta không dùng các dấu hiệu. Thực là một điều sai lầm khi cho rằng một khoa học chỉ gồm toàn những luận đề đã được chứng minh và chúng ta sai lầm khi bắt buộc như thế. Đòi hỏi như thế là sự đòi hỏi của những người muốn có uy quyền, muốn thay những giáo điều tôn giáo bằng những giáo điều khác dù là giáo điều khoa học. Giáo điều khoa học chỉ gồm có một số rất ít vấn đề có tính chất giáo điều: phần lớn những sự khẳng định của khoa học đều có tính cách không hoàn toàn xác thực tới một mức nào đó, điểm đặc biệt của khoa học là hoàn toàn có thể tiếp tục công cuộc tìm kiếm được dù nhiều khi thiếu những bằng chứng quyết định.
Nhưng trong trường hợp chúng ta không có được những lời xác nhận của người có hành vi sai lạc thì chúng ta dựa vào đâu mà giải thích và tìm đâu những dấu hiệu này để chứng minh. Những điểm tựa và những dấu hiệu này đến từ nhiều nguồn lắm. Trước hết bằng cách so sánh với những hiện tượng không liên quan gì đến các hành vi sai lạc, ví dụ như việc nói sai một danh từ trong một hành vi sai lạc cũng có tính chất chửi bới như trong việc cố ý nói sai. Sau nữa bằng cách xét tình trạng tinh thần phát sinh ra hành vi sai lạc, hiểu rõ tính nết của người làm hành vi này, khảo sát những cảm tưởng của người đó trước khi hành vi xảy ra và phản ứng của người này sau khi có hành vi sai lạc. Trước hết chúng ta đưa ra những phương thức giải thích hành vi sai lạc bằng cách dựa vào những nguyên tắc có tính chất chung. Điều thu lượm được trong trường hợp này chỉ là điều ước đoán, một dự định thích hợp cần được khẳng định bằng cách xét tình trạng tinh thần. Nhiều khi chúng ta phải chờ đợi những sự diễn biến tiếp theo của hành vi sai lạc mới có thể khẳng định được.
Không phải là tôi có thể dễ dàng cung hiến các bạn những bằng chứng về những điều nói trên nếu tôi cứ trì trệ mãi trong phạm vi những sự lỡ lời, dù rằng ngay trong phạm vi này cũng có nhiều thí dụ rất tốt. Anh chàng trai trẻ đề nghị với một bà để “begleitdigen” (liên hợp giữa hai chữ begleiten (đi cùng) và belidigen (thất lễ) bà ta, quả là một anh chàng nhút nhát). Người đàn bà muốn chồng ăn uống những thứ mình muốn chính là một người đầy nghị lực biết nắm quyền cai quản trong nhà. Còn trường hợp này nữa: một hội viên trẻ tuổi của hội Concordia đọc một bài diễn văn giọng rất mạnh mẽ, trong đó anh ta gọi ban giám đốc là ban “cho vay” (Vorschuss) trong khi đáng lẽ phải gọi là “ban chỉ huy” (Vorstand) hay uỷ ban (ausschuss). Anh chàng đã vô tình liên kết giữa hai chữ Vor- stand và Aus- schuss. Người ta có thể ước đoán rằng sự phản đối của anh ta là do một khuynh hướng gây rối có dính dáng tới một chuyện vay mượn. Sau này chúng tôi biết rằng anh ta cần tiền ghê lắm và đã nạp đơn xin vay tiền. Chúng ta có thể thấy nguyên nhân của khuynh hướng gây rối là ở chỗ: mày cần phải thận trọng trong việc phản đối vì mày đang nói chuyện với những người có thể quyết định cho mày vay tiền hay không?
Tôi sẽ hiến cho bạn nhiều thí dụ về những dấu hiệu bằng chứng này khi nói đến những hành vi sai lạc khác.
Khi một người quên một người nào đó và mặc dù đã cố gắng hết sức cũng không nhớ lại được cái tên rất quen, ta có quyền dự đoán rằng người đó có điều gì khó chịu với người có tên đó cho nên không nghĩ đến anh ta. Bây giờ chúng ta hãy suy nghĩ về những điều dưới đây về một trạng thái tinh thần trong một hành vi sai lạc.
Ông Y yêu một bà nhưng không được yêu lại. Bà này lấy ông X. Dù ông Y rất quen ông X từ lâu và đã giao dịch buôn bán với ông này nhiều lần, vậy mà không bao giờ ông Y nhớ được tên ông X, lúc nào cần viết thư cho ông này, ông Y vẫn phải hỏi các người quen rồi mới nhớ ra.
Rõ ràng là ông Y không muốn biết gì về người đã thắng ông trên phương diện ái tình. Đúng như Heine đã viết trong câu thơ: “Ta hãy xoá hẳn đi trong trí nhớ của chúng ta ”.
Hay trong trường hợp này nữa: một bà nói chuyện với một bà bác sỹ về một người bạn gái mà hai người quen nhưng bao giờ cũng chỉ gọi bạn bằng tên thời con gái, còn tên chồng bạn thì bà quên mất từ lâu. Hỏi bà thì bà trả lời rằng bà ta rất khó chịu về chuyện lấy chồng của bạn và không chịu được ông chồng của bạn.
Chúng ta còn nhiều điều muốn nói nữa về sự quên tên. Điều quan trọng đối với chúng ta ở đây là trạng thái tinh thần trong lúc người ta quên.
Thường thường người ta hay quên những điều dự định vì có một làn sóng gì trái lại làm cho những điều dự định không thực hiện được. Đó không những là ý kiến của các nhà phân tâm học mà là của cả mọi người trong đời sống thường ngày kể cả những người không công nhận môn phân tâm học.
Người giám hộ xin lỗi người con đỡ đầu của mình vì quên không thoả mãn lời yêu cầu, không phải vì thế mà được người này tha thứ ngay vì hắn nghĩ: ông ta nói không thực đâu, ông chỉ không muốn giữ lời hứa với mình thôi. Vì thế cho nên trong đời sống thường ngày người ta không được phép quên, và về điểm này giữa quan niệm của mọi người và quan niệm của các nhà phân tâm học không còn khác nhau nữa. Bạn cứ tưởng tượng xem một bà chủ nhà nói với người khách mình mời đến ăn cơm như sau: “Thế nào, tôi mời anh hôm nay sao? Tôi quên mất là đã mời anh đến xơi cơm hôm nay”. Liệu có được không? Một thí dụ nữa: một anh chàng đang yêu mà quên không đến chỗ hẹn với người yêu: anh ta sẽ không nhận rằng mình đã quên mà sẽ bịa đặt ra hàng bao nhiêu lý do chứng tỏ rằng anh ta không đến được và anh ta cũng không có cách nào khác báo cho người yêu biết. Trong đời sống nhà binh người ta không có quyền quên và dù có quên thực cũng vẫn bị phạt như thường: đó là điều ai cũng biết , và cho là làm thế là phải vì ai cũng nhận là trong đời sống nhà binh, một vài hành vi sai lạc có ý nghĩa và trong đa số trường hợp chúng ta biết rõ ý nghĩa đó là thế nào. Vậy tại sao người ta lại không đem áp dụng lối lý luận đó cho mọi hành vi sai lạc khác để công nhận các hành vi đó không còn dè dặt gì nữa. Tất nhiên về vấn đề này thì người ta vẫn trả lời được.
Nếu ý nghĩa của sự quên các điều dự định không còn gì đáng gì đáng nghi ngờ đối với những người ngoài phố nữa thì các bạn sẽ càng ngạc nhiên hơn khi thấy các nhà thơ nhà văn thường dùng những hành vi sai lạc đó trong thơ văn của mình. Trong các bạn nếu đã có người nào xem trình diễn vở kịch César và Cléopâtre của B.Shaw chắc hẳn còn nhớ cái cảnh cuối cùng trong đó César trước khi ra đi bị ray rứt về một điều gì mà ông ta không nhớ ra được. Sau đó chúng ta thấy dự định của ông ta là từ biệt Cléopâtre. Bằng xảo thuật nhỏ bé đó kịch sĩ muốn gán cho César một tấm lòng cao thượng mà ông không có và không hề muốn có. Bạn hẳn biết rõ là theo các tài liệu lịch sử thì César đã cho đưa Cléopâtre về La Mã và nàng ở đó với con trai César cho tới khi César bị ám sát, rồi sau đó mới trốn khỏi thành phố.
Những trường hợp quên các điều dự định rõ ràng đến nỗi chúng ta không thể dùng vào mục đích của chúng ta được, nghĩa là không thể tìm ra trong trạng thái tinh thần những dấu hiệu gì có dính dáng đến ý nghĩa của hành vi sai lạc. Vì thế nên chúng ta sẽ đi tìm một hành vi không rõ ràng một tý nào, không thể hiểu lầm được: đó là sự mất đồ vật, không thể nào tìm lại được những đồ vật đã được sắp xếp có thứ tự. Điều mà bạn sẽ không thể nào cho là có thực là ý muốn của chúng ta lại có thể đóng một vai trò gì trong công việc đánh mất một đồ vật làm cho chúng ta bực mình hết sức. Nhưng có rất nhiều điều được nhận thấy thuộc loại sau đây: một anh chàng trẻ tuổi đánh mất một cái bút chì mà anh ta rất thích, ngay chiều hôm trước anh ta nhận được bức thư của người anh rể trong đó có viết: “Tôi không có thì giờ và cũng chẳng muốn khuyến khích sự nhẹ dạ và sự lười biếng của cậu”. Thế mà cái bút chì bị mất lại chính là cái bút chì do ông anh rể biếu. Nếu không biết rõ trường hợp này tất nhiên chúng ta không thể cho rằng ý muốn vứt bỏ một đồ vật nào đó lại có thể đóng vai trò gì trong việc đánh mất đồ đó. Sự đánh mất loại này xảy ra luôn. Chúng ta đánh mất đồ đạc khi chúng ta có bất hoà với người đã cho chúng ta đồ vật đó, và khi chúng ta không muốn nghĩ đến chúng nữa. Tất nhiên khi chúng ta không thích thì chúng ta có thể có ý muốn vứt bỏ, bẻ gãy đồ vật đó đi. Ví dụ như một cậu học sinh đánh mất đồ đạc của mình, hay tìm cách huỷ bỏ chúng trước ngày sinh nhật của mình, hành động này có phải là ngẫu nhiên không?
Những người thấy bực mình hết sức khi đánh mất không tìm lại được một món đồ do chính tay mình đã cất không bao giờ chịu công nhận là trong công việc mất mát đó có ý muốn của anh ta tham dự vào. Vậy mà những trường hợp mất đồ trong một lúc hay mãi mãi không phải là hiếm. Tôi thuật lại với các bạn một câu chuyện sau đây được coi là trường hợp tốt đẹp nhất từ trước tới nay.
Một hôm, có một anh chàng còn trẻ kể cho tôi nghe rằng cách đây vài năm vợ chồng anh ta hiểu lầm nhau tai hại: “Tôi thấy vợ tôi lạnh lùng quá, chúng tôi sống bên nhau mà chẳng có gì nồng nàn, những điều đó không ngăn cản tôi công nhận rằng nàng có nhiều đức tính. Một hôm nàng đi chơi về đưa cho tôi một cuốn sách nàng mua cho tôi vì tưởng tôi rất thích. Tôi cảm ơn nàng và bảo là tôi sẽ đọc cuốn sách đó nhưng rồi để đâu quên mất. Tôi đã cố tìm trong nhiều tháng nhưng không tìm ra được. Sáu tháng sau, mẹ tôi mà tôi rất quý mến đã bị ốm, nàng rời nhà đi chăm sóc mẹ chồng. Bệnh của mẹ tôi khá nặng và đó là dịp để nàng chứng tỏ rằng nàng có nhiều đức tính đáng quý. Một hôm tôi trở về nhà lòng rộn ràng vì biết ơn về những điều mà nàng làm cho mẹ tôi. Tôi lơ đãng mở một cái ngăn kéo, chẳng có mục đích gì nhất định và điều đầu tiên trông thấy trong ngăn kéo là một cuốn sách đã bị mất từ lâu”.
Khi không còn lý do gì nữa thì đồ vật đó sẽ không còn là một thứ không tìm thấy nữa.
Tôi có thể kể mãi không hết những trường hợp như thế này nhưng tôi không làm. Trong cuốn Tâm lý đời sống thường ngày của tôi, các bạn sẽ tìm thấy rất nhiều trường hợp để khảo sát hành vi sai lạc. Kết luận chung cho tất cả các trường hợp đó là như sau: Những hành vi sai lạc bao giờ cũng có một ý nghĩa gì, và chỉ cho chúng ta biết cách dựa vào ý nghĩa đó để tìm hiếu xem các hành vi đó đã xảy ra trong trường hợp nào? Hôm nay tôi sẽ nói ngắn hơn vì chúng ta chỉ có ý muốn tìm thấy trong việc khảo sát này những yếu tố để sửa soạn đưa các bạn vào con đường của phân tâm học. Vì thế nên tôi chỉ nói cho các bạn nghe về hai loại quan sát thôi: những quan sát về hành vi sai lạc chồng chất lên nhau và kết hợp vào nhau, và sự xác nhận các điều giải thích của chúng ta bằng các biến cố xảy ra sau đó.
Những hành vi sai lạc chồng chất và kết quả thực là những trường hợp dồi dào nhất trong loại này. Nếu chỉ cần chứng tỏ rằng những hành vi sai lạc có ý nghĩa thôi thì có thể từ lúc đầu chúng ta chỉ cần nói đến chúng ta là đủ rồi bởi vì ý nghĩa đó quá rõ ràng ngay cả đối với những bộ óc ương ngạnh nhất, ưa phê phán nhất, việc có nhiều hành vi sai lạc liên tiếp xảy ra chứng tỏ đó không phải là những sự ngẫu nhiên mà chính là có ý muốn hẳn hoi. Sau cùng sự thay thế một hành vi sai lạc này bằng một hành vi sai lạc khác chứng tỏ rằng điều quan trọng và cần thiết trong các hành vi này không phải là hình thức cũng như những phương cách đem dùng mà chính là ở trong ý muốn của những hành vi này muốn thoả mãn, và ý muốn này có thể được thực hiện bằng những phương cách khác nhau.
Tôi thuật lại cho các bạn nghe trường hợp quên liên tiếp: E. Jones kể lại rằng một hôm, vì lý do gì ông không biết, đã để lại trên bàn trong một vài ngày một bức thư viết xong. Rồi một hôm ông gửi bức thư đó đi nhưng bị gửi trả lại vì quên không viết địa chỉ trên phong bì. Viết xong địa chỉ, ông lại gửi đi nhưng lần này quên không dán tem. Mãi lúc đó ông mới chịu thú nhận với mình là ông không hề muốn gửi bức thư đó đi.
Trong một trường hợp khác chúng ta có sự liên kết giữa việc cầm nhầm một đồ vật rồi không sao tìm ra được nữa. Có một bà đi du lịch cùng ông em chồng sang La Mã, ông này là một nhà danh hoạ. Ông này được các người Đức ở La Mã mời ăn uống tiệc tùng luôn và được biếu một cái huy chương cổ bằng vàng. Bà bực mình khi thấy em chồng không biết rõ giá trị của món đồ biếu đó. Lúc người em gái đến thay mình ở La Mã, bà ta về nhà và lúc mở rương ra thấy cái huy chương nằm trong đó mà chẳng hiểu tại sao. Bà báo ngay cho ông em và nói rằng ngay ngày hôm sau sẽ gửi trả lại cái huy chương đó. Nhưng hôm sau cái huy chương được cất kỹ đến nỗi không sao tìm được và do đó không thể gửi đi được. Đúng lúc đó bà ta mối hiểu tại sao bà ta lại đãng trí như thế: thì ra bà ta muốn giữ cái huy chương đó làm của riêng.
Trong những dòng trên, tôi đã kể cho bạn nghe trường hợp trong đó có sự kết hợp giữa một sự lầm lẫn và một sự quên: đó là một trường hợp của một người đã trót lỡ hẹn một lần, nhất định không lỡ hẹn lần thứ hai nữa, nhưng trong lần thứ hai này lại đến sai giờ. Một người bạn tôi vừa khảo cứu khoa học vừa viết văn kể cho tôi nghe về một trường hợp tương tự của chính bản thân ông. Ông kể: “ Cách đây vài năm tôi nhận gia nhập hội văn chương vì tin rằng hội có thể giúp tôi trong việc trình diễn một vở kịch của tôi. Thứ sáu nào tôi cũng tham dự vào các cuộc hội họp của uỷ ban mà chẳng lấy gì làm thích lắm. Cách đây vài tháng tôi được người ta cho biết là một vở kịch của tôi sẽ được đem diễn và ngay sau đó tôi quên phắt không dự các phiên họp nữa. Nhưng khi đọc các bài của anh viết về vấn đề đó tôi thấy xấu hổ tự trách rằng mình đã không thèm đi dự các phiên họp khi không cần đến họ nữa, và tự nhủ là thế nào cũng phải quay trở lại cuộc họp như trước. Tôi suy nghĩ mãi về vấn đề cho đến khi đến trước phòng họp và ngạc nhiên thấy phòng họp đóng cửa chẳng có ma nào cả. Thì ra phiên họp đã khai diễn từ hôm qua là thứ sáu ngày họp thường lệ. Tôi đã lầm ngày họp và đến vào hôm thứ bảy”.
Nếu có thêm nhiều quan sát nữa, có lẽ cũng hay nhưng thôi. Tôi muốn trình bày thêm cùng các bạn một loại trường hợp khác trong đó muốn xem mình giải thích có đúng không, chúng ta phải chờ đến biến cố sau đó xác nhận.
Khỏi phải nói là điều kiện cần thiết của những trường hợp này là chúng ta không hề biết đến tình trạng tinh thần trong lúc này hay tình trạng đó ở ngoài tầm khảo sát của chúng ta. Sự giải thích của chúng ta vì thế chỉ có giá trị một sự dự đoán mà chúng ta không cho là quan trọng. Nhưng sau đó có một sự việc xảy ra chứng tỏ rằng cách giải thích đầu tiên của chúng ta là đúng. Một hôm, trong một cuộc đi thăm một cặp vợ chồng, tôi được người vợ vừa cười vừa kể cho nghe rằng ngay sau hôm đi trăng mật về, nàng dẫn người em gái đi mua sắm, người em gái này chưa có chồng. Trong khi đó chồng nàng đi việc riêng. Hai chị em đang đi đột nhiên trông thấy một người đàn ông đi bên kia đường, nàng bảo em gái: “Kìa ông X..”.. Nàng không hề thấy rằng người đàn ông đó chẳng phải ai khác hơn là chồng nàng vừa mới cưới chừng vài tuần. Câu chuyện đó gây cho tôi một cảm giác khó chịu, nhưng tôi không muốn tin vào điều mà mình nghĩ về vấn đề. Chỉ vài năm sau tôi mới nhớ lại câu chuyện vì tin rằng cuộc hôn nhân giữa hai người đã đưa đến kết quả tai hại.
A.Maeder kể chuyện một bà trước hôm cưới quên không đi thử áo cưới và mãi đến tối mới nhớ lại. Ông ta cho rằng việc này và sự ly dị của hai người sau đó có liên quan đến nhau. Tôi biết có một bà tuy đã có chồng nhưng vẫn ký những tài liệu về quản trị tài sản bằng tên thời con gái, rồi sau đó ly dị với chồng. Tôi biết một bà đã đánh mất nhẫn cưới trong thời kỳ trăng mật, những biến cố sau đó chứng tỏ là sự việc đó có một ý nghĩa đặc biệt không sao lầm được. Lại còn trường hợp một hoá học gia danh tiếng người Đức quên cả giờ cử hành hôn lễ của mình và đáng lẽ phải ra nhà thờ thì lại đi thẳng vào phòng thí nghiệm. Sau đó ông ta đổi ý và chết già trong cảnh độc thân.
Chắc các bạn cũng muốn rằng, trong tất cả các trường hợp đó những hành vi sai lạc thay thế cho linh tính người xưa. Mà đúng thế, nhiều khi những linh tính đó chỉ là những hành vi sai lạc, ví dụ như khi người ta vấp ngã. Nhiều trường hợp khác có tính chất khách quan chứ không chủ quan. Nhưng bạn không thể tưởng tượng được rằng thực rất khó phân biệt xem một biến cố thuộc vào loại nào. Nhiều khi hành vi sai lạc lại đeo cái mặt nạ của một biến cố có tính cách tiêu diệt.
Những người nào trong các bạn có ít nhiều kinh nghiệm đủ dùng có lẽ cũng tự nhủ là mình sẽ tránh cho mình được nhiều điều thất vọng và ngạc nhiên đau đớn, và nếu có can đảm nhìn vào sự thực giải thích những hành vi sai lạc trong sự giao thiệp giữa loài người như là những linh tính báo trước, dùng những linh tính này để tìm hiểu những ý muốn còn nằm trong vòng bí mật. Nhiều khi người ta không dám làm điều đó. Người ta sợ rằng mình quay trở lại tin dự đoán, vượt qua mặt khoa học. Không phải là linh tính nào cũng thành sự thực và khi các bạn hiểu rõ những thuyết của chúng ta hơn, bạn sẽ thấy là không cần gì các linh tính đó phải thực hiện hết.
Những hành vi sai lạc là những hành vi có ý nghĩa: đó là kết quả của những sự phân tích của những dòng trên và là điều chúng ta dùng làm căn bản cho những cuộc khảo sát sắp tới. Chúng ta cần xác nhận lại một lần nữa: chúng ta không hề khẳng định là một việc luôn luôn xảy ra. Chúng ta chỉ cần cho rằng phần nhiều những hành vi này có ý nghĩa là đủ rồi. Vả lại ngay về phường diện này cũng có nhiều sự khác biệt khi chúng ta đi từ hành vi này qua hành vi khác. Những sự lỡ lời , viết sai v.v..v đều có một văn bản thuần tuý sinh lý. Điều này không được chắc chắn trong các hình thức khác nhau của sự quên lãng (quên tên, quên dự định, không tìm được những đồ vật mà mình đã cất..) trong khi sự đánh mất đồ đạc thì có lẽ không có một ý mưốn nào dính dáng vào đó. Chúng ta cần thêm rằng những sự nhầm lẫn trong đời sống thường ngày cũng chỉ dính dáng vào môn phân tâm học về một vài khía cạnh nào đó thôi. Lúc này cũng nên nhớ luôn luôn đến những sự giới hạn đó bởi vì từ nay trở đi chúng ta bắt đầu từ ý niệm cho rằng hành vi sai lạc là những hành vi tinh thần, kết quả của sự liên kết giữa hai ý muốn.
Đó là kết quả thứ nhất của môn phân tâm học. Tâm lý học chưa bao giờ để ý đến những hiện tượng theo sau đó. Vì vậy chúng ta đã mở rộng biên giới của thế giới tinh thần ra rất nhiều và thêm vào môn tâm lý học nhiều hiện tượng trước kia không có trong đó.
Chúng ta hãy dừng lại một chút trước sự khẳng định rằng những hành vi sai lạc là những hành vi tinh thần. Khẳng định như thế có phải là chúng ta cho rằng những hành vi tinh thần là những hành vi có ý nghĩa hay không? Hay chúng ta còn ngụ một ý gì khác nữa. Tôi không nghĩ rằng chúng ta nên mở rộng phạm vi của những hành vi này ra.
Tất cả những điều gì quan sát được trong đời sống tinh thần sẽ gọi là những hiện tượng tinh thần. Vấn đề chỉ là xét xem một sự phát biểu tinh thần nào đó có phải là kết quả trực tiếp của những hình ảnh về cơ thể, của các cơ năng hay có tính chất thể xác và trong trường hợp này chúng không thuộc phạm vi môn Tâm lý học; hay nó là hậu quả trực tiếp của những hoạt động tinh thần. Chúng tôi nghĩ đến điều sau này mỗi khi nói đến những hoạt động tinh thần. Vì thế cho nên chúng ta sẽ hợp lý hơn nếu phát biểu ý nghĩa dưới hình thức sau đây: hiện tượng có ý nghĩa, nghĩa là cho ta biết nó có một ý muốn hay một khuynh hướng và giữ một địa vị nào trong những hoạt động tinh thần.
Cũng có những hiện tượng khác rất gần với những hành vi sai lạc nhưng không thể gọi như thế được. Chúng ta gọi những hiện tượng đó là những hành vi bất thường hay là triệu chứng. Tất cả những hành vi này đều có đủ những tính cách của một hành vi không có lý do, vô nghĩa lý, không quan trọng và nhất là chẳng có lợi ích gì. Nhưng điều làm cho hành vi này khác với những hành vi sai lạc là trong những hành vi này không có sự tham dự của một ý muốn đối nghịch, làm rối loạn trái với ý muốn nguyên thuỷ. Những hành vi sai lạc này lại thường nhập vào những cử chỉ và dáng điệu dùng để diễn tả sự cảm động. Thuộc vào loại hành vi sai lạc đặc biệt này là những cử chỉ bề ngoài chẳng có mục đích gì như vân vê tà áo, lấy tay sờ soạng vào chân tay hay mình mẩy, hay những đồ vật để gần tay mình; những bài hát chúng ta hát nho nhỏ, chúng ta bắt đầu hát hay thôi hát vào những lúc bất thần mà chúng ta không để ý, chẳng có lý do gì rõ ràng cả. Vậy mà tôi không ngần ngại gì không khẳng định rằng những hành vi đó đều có ý nghĩa, cũng có thể giải thích như những hành vi sai lạc khác, đó là những dấu hiệu chứng tỏ một tình trạng tinh thần khác. Quan trọng hơn đó là những hành vi tinh thần đầy đủ nhất. Nhưng tôi không có ý nói nhiều về sự mở rộng phạm vi của những hành vi tinh thần này: tôi thích tiếp tục những sự phân tích các hành vi sai lạc đặt ra trước mắt chúng ta những vấn đề quan trọng nhất của môn phân tâm học.
Những vấn đề thích thú nhất mà chúng ta đã đặt ra và chưa được trả lời là những vấn đề sau: chúng ta đã nói rằng những hành vi sai lạc là kết quả của sự liên kết giữa hai ý muốn khác nhau, một ý muốn bị rối loạn. Ý muốn kia gây rối; nhưng nếu với các ý muốn bị rối không có vấn đề gì đặt ra cả thì trái lại, đối với những ý muốn gây rối loạn chúng ta cần tự hỏi xem những ý muốn có thể gây rắc rối các ý muốn khác là những ý muốn nào và liên quan giữa hai loại nói trên ra sao?
Tôi xin phép dùng những sự lỡ lời để trả lời câu hỏi thứ hai trước.
Trước hết giữa những ý muốn bị rối loạn, và những ý muốn gây rối có một sự liên quan về nội dung. Trong trường hợp này ý muốn gây rối phản trái với ý muốn bị rối, thay đổi ý đó hay bổ túc cho nó. Hay là giữa hai loại ý muốn đó không hề có một sự liên quan nào về nội dung, trường hợp này trở thành tăm tối hơn nhưng cũng thú vị hơn.
Những trường hợp chúng ta xét đến từ trước tới nay và những trường hợp tương tự làm chúng ta hiểu dễ dàng liên quan thứ nhất về nội dung. Gần như trong mọi trường hợp trong đó người ta nói ra những điều trái lại với điều định nói thì bao giờ cũng có một ý muốn gây rối diễn tả một sự chống đối với ý kiến bị rối và hành vi sai lạc là hình ảnh của sự xung đột giữa hai ý muốn này. “Tôi tuyên bố khai mạc buổi họp nhưng trong thâm tâm tôi muốn bế mạc buổi họp đó”. Đó là ý nghĩa của sự lỡ lời của ông chủ tịch. Một tờ báo chính trị bị tố cáo là tham nhũng đã viết để tự bào chữa những dòng sau đây: “Độc giả làm chứng cho chúng tôi là bao giờ chúng tôi cũng bênh vực lợi ích chung một cách bất vụ lợi”. Theo ý tôi điều này đã vạch trần ý thầm kín của ông ta: “ Tôi bị bắt buộc phải viết một điều nhưng tôi biết rằng tôi nghĩa khác”. Một vị dân biểu định nói rằng chúng ta phải nói cho Hoàng đế biết sự thực mà không cần dè dặt gì cả (ruckhaltlos) đột nhiên nhận thây mình quá táo bạo thành ra lỡ lời thay chữ không dè dặt bằng chữcòng lưng xuống (ruckgratlos).
Trong những trường hợp làm cho người ta cảm tưởng rằng đó là một sự thu ngắn hay vắn tắt thì thực ra đó là những sự sửa đổi, thêm thắt, hay tiếp tục, trong đó một khuynh hướng thứ hai xuất hiện bên cạnh khuynh hướng thứ nhất. “Có những sự việc xảy ra ( zum Vorchein gekommen): tôi muốn nói những trò con heo (Schweinerrein); kết quả: “Zum yorschein gekommen” “Những người hiểu được điều đó có thể đếm trên đầu ngón tay. Nhưng không, thực ra chỉ có một người có thể hiểu được thôi: vì thế nhiều người hiểu được có thể đếm được trên đầu một ngón tay thôi”. Hay “Chồng tôi có thể ăn uống những gì anh ta muốn: nhưng tôi không thể để cho anh ta muốn bất cứ một thứ gì: vậy anh ta phải ăn, uống những thứ gì tôi muốn”. Trong tất cả những trường hợp này, sự lỡ lời thoát ra từ trong nội dung ý muốn bị rối hay bị gắn liền vào đó”.
Liên quan khác giữa hai ý muốn có vẻ lạ kỳ. Nếu giữa hai ý muốn đó không có một liên quan gì về nội dung thì ý muốn gây rối do đâu mà ra và làm sao có thể gây rối tại một địa điểm rất chính xác nào đó? Chỉ có quan sát mới có thể hiến cho ta một câu trả lời thôi và người ta quan sát thấy rằng sự rối loạn phát sinh ra từ một dòng tư tưởng làm bận tâm đương sự trong một khoảng thời gian trước đó, và nếu nó can thiệp vào trong lời nói một cách đặc biệt như thế, nó cũng có thể được diễn tả dưới một hình thức khác (nhưng điều này không phải là cần thiết). Đó là một tiếng vang thực sự nhưng tiếng vang đó không cần thiết phải bắt nguồn từ những tiếng đã nói ra. Ở đây, một lần nữa chúng ta có một sự liên tưởng giữa yếu tố bị rối và yếu tố gây rối nhưng sự liên tưởng này, đáng lẽ phải nằm trong nội dung thì lại chỉ có tính cách nhân tạo thuần tuý và do các sự liên tưởng ép buộc tạo thành.
Đây là một thí dụ rất giản dị do chính tôi quan sát thấy. Một hôm tôi gặp hai bà người thành Viên (nước Áo) ăn mặc như du khách. Tôi đi cùng với hai bà đó một đoạn đường và chúng tôi nói chuyện về những sự tiện lợi và bất tiện trong đời sống du khách. Một trong hai bà thú nhận rằng, một ngày của người du khách không phải là không có những cái khó chịu. Bà ta nói “Thực ra quả là không khoái một chút nào khi chúng tôi suốt ngày phải đi dưới ánh nắng mặt trời và bị ướt hết cả áo trong áo ngoài..”. Nói đến đây thì bà ta ngập ngừng rồi lại nói: “ Nhưng khi về đến nhà (đáng lẽ là nói như thế : nach Hause- về đến nhà) bà ta lại nói nach Hose (nghĩa là cái quần ) thay quần áo...”. Chúng ta chưa phân tích sự lỡ lời này nhưng tôi cho là không cần thiết lắm. Trong câu trước bà du khách định kể một thôi những thứ bị ướt: áo trong, áo ngoài, quần (hose). Nhưng vì lịch sự bà không dám nói đến cái quần. Nhưng trong câu sau mà nội dung khác hẳn câu trước, chữ Hose không được nói lúc nãy bây giờ lại xuất hiện như một hình thức biến hoá của chữ Hause (về nhà).
Bây giờ chúng ta mới xét đến vấn đề chính: những ý muốn được phát triển ra một cách kỳ lạ như thế là những ý muốn nào mà lại có thể gây rối những ý muốn khác? Tất nhiên đó là những ý muốn khác nhau nhưng chúng tôi muốn tìm ra những đặc tính chung. Chúng có thể được phân thành ba loại. Loại thứ nhất gồm những trường hợp trong đó người nói lỡ lời biết trước khuynh hướng nói sai của mình nhưng không ngăn được. Loại thứ hai gồm những trường hợp trong đó người nói lỡ lời tuy biết mình thường có khuynh hướng nói sai như thế nhưng trước khi nói không biết rằng khuynh hướng đó bắt đầu ở nơi mình từ lâu rồi. Người đó chấp nhận những lời giải thích của chúng ta nhưng không thể nào không ngạc nhiên. Những thí dụ trong trường hợp này có thể tìm thấy những hành vi sai lạc khác những sự lỡ lời. Loại thứ ba gồm những trường hợp trong đó đương sự phản đối kịch liệt lối giải thích của chúng ta: không những không chịu nhận là mình có khuynh hướng đó, người này còn cho rằng mình không hề bao giờ có khuynh hướng đó cả. Các bạn hãy nhớ lại câu chuyện mời mọi người ợ lên để chúc mừng ông chủ và thái độ phản đối kịch liệt của người đó khi tôi nói đến khuynh hướng gây rối của anh ta. Các bạn biết là chúng ta chưa đồng ý với nhau về quan niệm những trường hợp đó sao? Sự phản đối của đương sự không hề làm tôi bối rối và tôi giữ nguyên ý kiến, nhưng các bạn thì không thế: thấy anh chàng chối bay biến chắc các bạn cho rằng có lẽ chúng ta không nên tìm cách giải thích thì hơn, chỉ nên coi đó như một hành vi thuần tuý sinh lý theo nghĩa tiền phân tâm của chữ đó. Tôi cũng chờ đợi thái độ của các bạn. Tôi giải thích rằng nhiều khi chính đương sự có thể phát hiện những ý muốn mà chính y cũng không biết nhưng tôi có thể dựa vào một vài dấu hiệu để đưa ra ánh sáng được. Vậy mà các bạn ngập ngừng không dám chấp nhận sự giả dụ kỳ khôi và đầy hiệu quả như thế. Vậy mà nếu hợp lý với chính mình về những điều đã biết về hành vi sai lạc, sau khi đã được biết bao nhiêu trường hợp rồi đáng lẽ các bạn phải chấp nhận ý kiến của tôi mói phải chứ dù rằng các bạn cũng thấy hơi khó chịu. Nếu bạn không thể nào chấp nhận sự giải thích đó thì chỉ còn cách thôi không theo học về những hành vi sai lạc nữa.
Bây giờ chúng ta dừng lại một chút về ba loại nói trên và xem chúng có những tính cách chung nào? Đúng lúc này may mắn cho chúng ta là có một sự kiện không còn ai chối cãi được. Trong hai loại, thứ nhất khuynh hướng gây rối được ngay chính đương sự công nhận; ngoài ra trong loại thứ nhất khuynh hướng này xuất hiện ngay sau khi nói lỡ lời. Nhưng trong loại thứ nhất cũng như trong loại thứ hai, khuynh hướng gây rối kìm hãm, dồn ép vào trong. Vì đương sự quyết định không cho nó xuất hiện nên mới lỡ lời, nghĩa là khuynh hướng bị dồn ép cứ xuất hiện mặc dầu đương sự không muốn bằng cách hoặc thay đổi ý muốn được diễn tả hoặc chiếm hẳn chỗ ý muốn được diễn tả hoặc chiếm hẳn chỗ của ý muốn đó. Đó là cách hoạt động của sự lỡ lời.
Xem tiếp Phần 3 ở đây
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét