Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

TRẦN GIA LẠC - “Dở lại hóa hay”

TRẦN GIA LẠC

“Dở lại hóa hay”

Trần Gia Lạc là nhân vật chính trong bộ tiểu thuyết đầu tiên của Kim Dung, đủ biết tác giả tốn bao tâm huyết cho nhân vật này. Kim Dung để cho Trần Gia Lạc là con trai thứ ba của Trần Thế Quan, một danh nhân lịch sử ở miền quê Hải Ninh, Triết Giang của tác giả, sau đó lại lợi dụng truyền thuyết dân gian ở Hải Ninh, nói Trần Gia Lạc là anh em cùng mẹ với Hoàng đế Càn Long nhà Thanh, từ đó mà cải biên cuộc đấu tranh giữa hai dân tộc Mãn, Hán thành xung đột mâu thuẫn phức tạp giữa anh em với nhau về mặt tình cảm, lễ giáo, dục vọng, pháp lý v...v...Xét từ góc độ kể chuyện mà nói, thật là tài tình. Rõ ràng tác giả muốn miêu tả nhân vật Trần Gia Lạc thành hiện thân của một thứ lý tưởng hiệp nghĩa, cho nên Trần Gia Lạc không chỉ có lập trường đúng đắn, tư tưởng tiên tiến, mà còn tài mạo tuyệt, vời văn võ toàn tài. Trong bản in lần đầu, Trần Gia Lạc có công danh giải nguyên, chỉ vì tác giả cảm thấy mấy bài thơ mà tác giả làm cho Trần Gia Lạc có trình độ chưa đủ cao “thơ của một vị giải nguyên không thể kém cỏi như thế, cho nên khi sửa chữa lại, tôi đã bỏ đi danh hiệu giải nguyên” (Xem phần “Viết thêm” ở cuối sách Thư Kiếm ân cừu lục, Bắc Kinh, Tam Liên thư điếm, bản in tháng năm, năm 1994). Sự sửa đổi này thật ra không làm lu mờ chút nào vầng hào quang bao quanh nhân vật này. Nói thẳng ra thì nếu loại bỏ vầng hào quang bao quanh nhân vật này đi, sẽ lập tức phát hiện hình tượng nhân vật này thực chất nhạt nhẽo, tự thân chẳng có tính cách hoặc đặc điểm gì đặc sắc làm xúc động lòng người. Tôi sở dĩ nhắc đến nhân vật này, bởi vì trong tâm lý và cá tính của Trần Gia Lạc có một phương diện khác không hiện rõ, tôi thiết nghĩ, rất có thể là tác giả tả lệch mà trúng, hoặc nói là tình cờ “dở lại hóa hay”.

I

Căn cứ để tôi nói vậy là kết cục đầy bi kịch của bộ tiểu thuyết Thư Kiếm ân cừu lục. Đối với nhân vật chính Trần Gia Lạc mà nói, đấy là một thứ bi kịch kép. Về phương diện sự nghiệp, Trần Gia Lạc chẳng những không thành công trong việc “phản Thanh phục Minh”, hoặc “phản Mãn phục Hán”, mà suýt nữa còn bị Hoàng đế Càn Long tiêu diệt sạch các thủ lĩnh Hồng Hoa hội.Về mặt tình cảm cá nhân, Trần Gia Lạc còn bị “thiệt lớn”, trước là làm cho Hoắc Thanh Đồng lâm vào cảnh thà chết còn hơn sống; rồi sau lại phải đem Hương Hương công chúa tiến cống cho Hoàng đế Càn Long, đẩy nàng vào tử lộ. Đương nhiên, bi kịch của nhân vật chính trong Thư Kiếm ân cừu lục có một phần là thuộc bi kịch của số phận, nghĩa là sức người hữu hạn không chống nổi vận mệnh lịch sử, ví dụ như một bộ lạc nhỏ bé của dân tộc thiểu số Hồi Cương do anh hùng Mộc Trác Luân chỉ huy, cuối cùng khó bề chống chọi lại với đại quân hằng mấy chục vạn người của triều đình nhà Thanh, bị tiêu diệt sạch. Trong bi kịch cá nhân của Trần Gia Lạc cũng có sẵn nhiều nhân tố của một số phận khó lòng thay đổi. Cuộc hôn nhân của cha mẹ Trần Gia Lạc là một trường bi kịch, mà kết cuộc của trường bi kịch đó là số phận của Trần Gia Lạc ắt phải mang tính bi kịch hết sức rõ ràng. Nếu theo ý muốn của người cha là đi học làm quan, thì sẽ trái với ước muốn của người mẹ; còn nếu theo ý muốn của người mẹ là hành tẩu giang hồ thì sẽ trái với ước muốn của người cha. Điều quan trọng hơn là, Trần Gia Lạc được nghĩa phụ là Vu Vạn Đình, cũng là người cha tinh thần của chàng, chọn làm Thiếu Tổng đà chủ của Hồng Hoa hội lý do thực ra không phải vì chàng tài cán hơn người, mà chỉ vì chàng có thân phận đặc biệt – chàng là anh em cùng một mẹ với Hoàng đế Càn Long, thân phận này rất có lợi cho đại nghiệp “phản Mãn phục Hán” của Hồng Hoa hội. Chức vụ tuy quan trọng, nhưng mình không được làm chủ. Đó là một sức mạnh của số phận mà mỗi người không thể làm chủ, cái sức mạnh ấy thiếu chút nữa đã làm cho Trần Gia Lạc tan xương nát thịt. Bài này không bàn về bi kịch của số phận, nên không nói nhiều. Điều quan trọng chúng tôi muốn nói là bi kịch tính cách của nhân vật chính Trần Gia Lạc được thể hiện tập trung trong hai mối tình giữa chàng với Hoắc Thanh Đồng và Hương Hương công chúa. Mối tình bi thương thứ nhất của Trần Gia Lạc là thế này: Trần Gia Lạc dẫn anh hùng của Hồng Hoa hội đi giúp bộ lạc của Hoắc Thanh Đồng đoạt lại Thánh vật tôn giáo của họ là “Kinh Khả Lan”. Hai người không thể nói là vừa gặp hau đã chung tình, nhưng rõ ràng cả hai đều thích nhau: ánh mắt chăm chú của Trần Gia Lạc nhìn Hoắc Thanh Đồng thế nào, hầu như hết thẩy mọi người có mặt đều hiểu; Hoắc Thanh Đồng hào sảng ngay trước mặt mọi người đã đem thanh kiếm tổ truyền của nàng tặng Trần Gia Lạc là vật “kỷ niệm”. Trần Gia Lạc cũng đã nhận kỷ vật đó. Cũng tức là nói rằng hai người do việc lấy sách kinh tặng bảo kiếm – nhan đề Thư Kiếm ân cừu lục là từ đấy mà ra – đã đính lập với nhau minh ước tình riêng. Nhưng chính lúc hai người đang tình ý dạt dào như thế, thì cô gái Lý Nguyên Chỉ cải nam trang lại có cử chỉ “thân thiết” với Hoắc Thanh Đồng, lòng Trần Gia Lạc lập tức đanh lại. Chàng vốn đã bảo cho Hoắc Thanh Đồng cùng đi giúp Hồng Hoa hội, nhưng bây giờ liền đổi giọng, kiên quyết không đồng ý cho Hoắc Thanh Đồng đi cùng. Lúc chia tay, Hoắc Thanh Đồng thông minh sớm đã biết lý do tại sao, lựa lời nói khéo với Trần Gia Lạc, nhưng chàng không hề nghĩ cách xác minh chân tướng. Trong thực tế, tình cảm của chàng đối với Hoắc Thanh Đồng đã bị sự hiểu lầm nhỏ mọn kia bẻ cong đi. Chuyện thứ hai là Trần Gia Lạc đến báo tin cho Mộc Trác Luân người Hồi Cương, dọc đường chàng gặp Hương Hương công chúa vừa xinh đẹp, vừa hồn nhiên, hai người cùng đi một đường, thật là quá đẹp. Hương Hương công chúa hồn nhiên mau chóng có thiện cảm với “Bạch mã vương tử” – Trần Gia Lạc quả thực có cỡi con ngựa trắng – chàng trai tuấn tú ăn mặc như người Hồi Cương này. Sau đó tại “Đại hội ôi lang” truyềng thống của bộ lạc này, Hương Hương công chúa xinh đẹp đã chủ động tựa vào người tình lang, công khai biểu thị tình yêu với Trần Gia Lạc, còn Trần Gia Lạc thì sau giây lát do dự, đã thích thú nhảy múa với Hương Hương công chúa. Hương Hương công chúa đẹp nhất bộ lạc đã có ý trung nhân, tất nhiên là đại hỷ sực của tất cả bộ lạc, không ngờ anh hùng Mộc Trác Luân lại ngấm ngầm khổ tâm, còn nàng Hoắc Thanh Đồng thì tưởng như sét đánh ngang tai, cơ hồ hộc máu mà chết! thì ra Hương Hương công chúa không phải ai xa lạ, chính là con gái út của Mộc Trác Luân, cũng là em gái cùng mẹ của Hoắc Thanh Đồng. Phần lớn độc giả đọc đến đây đều nuối tiếc cho số phận của Hoắc Thanh Đồng. Xem ra trong bi kịch ái

tình này, Trần Gia Lạc tựa hồ không chịu trách nhiệm gì, bởi vì chàng không hề biết Lý Nguyên Chỉ là gái giả trai, không biết rốt cuộc Hoắc Thanh Đồng có quan hệ thế nào với Lý Nguyên Chỉ, cũng không biết tại sao Hương Hương công chúa lại nhanh chóng và cả gan công khai biểu thị tình ý với chàng như thế, càng không biết Hương Hương công chúa lại là em ruột của Hoắc Thanh Đồng. Cũng tức là nói rằng bi kịch ấy là một thứ “bi kịch của số phận”.

II

Tuy nhiên, nếu ta xem xét từ một góc độ khác, suy nghĩ sâu hơn một chút, thì sẽ phát hiện trong chuyện này sự khiếm khuyết hiển nhiên hoặc không lộ rõ về tính cách và tâm lý của nhân vật chính Trần Gia Lạc, mới là nguyên nhân chính dẫn tới “bi kịch của số phận”. Trước hết, chúng ta thấy dù là trong quan hệ tình yêu giữa chàng với Hoắc Thanh Đồng, hay là với Hương Hương công chúa, thì người chủ động đều là bên nữ. Hoắc Thanh Đồng là người đem bảo kiếm tặng chàng làm kỷ vật định tình trước, Hương Hương công chúa càng táo bạo tung giải lụa ái tình trước để quấn lấy Trần Gia Lạc, còn Trần Gia Lạc thì đều giữ vai trò thụ động. Điều này đương nhiên có thể giải thích do sự khác biệt về tập quán và quan niệm sinh hoạt giữa dân tộc Hán và đân tộc thiểu số Hồi Cương. Thiếu nữ dân tộc thiểu số nói chung tính cách hào sảng; trong khi nam giới dân tộc Hán chịu ảnh hưởng nặng nề của truyền thống lễ giáo nên ở thế bị động. Nhưng đồng thời điều này cũng chưa đủ để giải thích tính chất khiếp nhược của Trần Gia Lạc là chàng không dám, cũng không biết cách biểu đạt tình cảm của mình, đương nhiên càng không dám chủ động biểu đạt một cách công khai. Cách giải thích hợp lý hơn, phải xét đến ảnh hưởng và sự chế ước của truyền thống văn hóa lịch sử dân tộc Hán đối với tâm lý thư sinh của Trần Gia Lạc, khiến cho chàng ta trở thành một gã trai không dám biểu đạt tình cảm của mình. Thứ hai, ta lưu ý rằng sau khi phát hiện Hoắc Thanh Đồng và Lý Nguyên Chỉ có “cử chỉ” thân thiết với nhau, Trần Gia Lạc lập tức không cho huynh muội Hoắc Thanh Đồng đi theo, khiến cho đối phương mất đi cơ hội giải thích thanh minh. Dĩ nhiên có thể coi đây là sự mẫn cảm và đố kỵ của người yêu, dẫn đến quyết định sai lầm; nghiã là bảo rằng đây là biểu hiện tâm lý tình cảm có tính chất phổ biến. Nhưng chúng ta qua đó có thể thấy nhiều hơn: Trần Gia Lạc thì tự cho mình là đúng, tâm lý thì yếu đuối, và điều quan trọng hơn là chàng ta bụng dạ hẹp hòi. Thứ ba, Hoắc Thanh Đồng lúc chia tay thực ra đã giải thích, nhắc nhở rất khéo và rõ, bảo Trần Gia Lạc hãy đi hỏi xem Lý Nguyên Chỉ là nam hay nữ, nhưng lạ thay Trần Gia Lạc từ đầu đến cuôí không hề hỏi dò bất cứ ai về tình hình của Lý Nguyên Chỉ. Nếu Trần Gia Lạc không nhận ra được Lý Nguyên Chỉ là nữ giả nam trang, thì chàng chưa đủ kinh nghiệm giang hồ. Nếu bảo chàng không dò hỏi Lục Phỉ Thanh, người của Hồng Hoa hội, về đồ đệ Lý Nguyên Chỉ của họ Lục, là vì chàng tuổi trẻ e thẹn, thì tại sao chàng không dò hỏi qua Dư Ngư Đồng? Dư Ngư Đồng là sư điệt của Lục Phỉ Thanh, cũng là sư huynh đồng môn của Lý Nguyên Chỉ, đồng thời còn là huynh đệ trong Hồng Hoa hội. Hỏi dò họ Dư về tình hình Lý Nguyên Chỉ là một việc hết sức dễ dàng. Nhưng Trần Gia Lạc trước sau không hỏi, chẳng những không hỏi, mà chàng còn không muốn nghe bất cứ lời giải thích nào về Lý Nguyên Chỉ - trong đêm thành hôn của Từ Thiên Hoằng với Chu Khởi, Lý Nguyên Chỉ lẻn vào phòng của Dư Ngư Đồng, bấy giờ Lục Phỉ Thanh, Dư Ngư Đồng, lần lượt tới chỗ Trần Gia Lạc muốn giải thích rõ về vụ việc Lý Nguyên Chỉ, song Trần Gia Lạc không dành cho họ bất cứ một cơ hội nào để giải thích! Điều đó chứng tỏ Trần Gia Lạc là một người hết sức cố chấp, chẳng “đàng hoàng” chút nào. Hơn nữa cũng không phải là một thứ “ưa thể diện”, mà thực chất là trò tự khép mình rất đáng sợ. Mà cái tính cố chấp tự khép mình kiểu này, một nửa là do di truyền về tính cách và tâm lý , một nửa là do địa vị và thân phận hiện tại của chàng – chàng đang là Tổng đà chủ Hồng Hoa hội, là minh tinh và anh hùng trẻ tuổi, dĩ nhiên không thể biểu hiện tình riêng, cho nên căn bệnh trong nội tâm càng thêm trầm trọng. Cuối cùng, Trần Gia Lạc “quên biến” Hoắc Thanh Đồng mà tiếp nhận Hương Hương công chúa , rõ ràng không phải vì chàng không yêu Hoắc Thanh Đồng, thực ra cũng chẳng phải là vì sự hiểu lầm đơn giản về quan hệ giữa Hoắc Thanh Đồng với Lý Nguyên Chỉ, mà là do nguyên nhân tâm lý sâu xa hơn nhiều. Chúng ta thậm chí có thể nghĩ rằng, dẫu không có sự hiểu lầm về Hoắc Thanh Đồng, thì Trần Gia Lạc khi được Lý Nguyên Chỉ ném “quả còn” ái tình, chàng cũng sẽ quên ngay Hoắc Thanh Đồng để coi Hương Hương công chúa là người tình thật sự của mình. Toàn bộ bí ẩn là ở chỗ, Thúy Vũ hoàng tụ Hoắc Thanh Đồng về mọi mặt, võ công, trí tuệ, hay ý chí, tính nết, phong thái đều thực sự là bậc nữ lưu hào kiệt, không thua gì đấng mày râu anh hùng. Vấn đề là ở đây, Hoắc Thanh Đồng càng xứng đáng, thì Trần Gia Lạc đối với nàng sẽ càng kính nhi viễn chi; Hoắc Thanh Đồng càng có khí phách, thì Trần Gia Lạc lại càng lùi xa.

III

Vì sao như vậy? Nguyên nhân thật ra hết sức đơn giản. Trần Gia Lạc về thân phận, không chỉ là một nam tử hán đại trượng phu, mà còn là một vị Tổng đà chủ, đại anh hùng, cả thiên hạ đều phải kính nể; song về mặt tâm lý chàng chỉ là một chàng trai bình thường, thậm chí còn là một gã thiếu niên chưa trưởng thành thực sự, còn là một “tiểu nam nhân” non nớt về mặt tâm lý. Xem ra chàng võ công càng cao, quyền lực càng lớn hơn người khác, thì tính cách trong thực tế và trong thâm tâm lại càng tự ti và yếu đuối hơn cả người bình thường. Trần Gia Lạc đã quen như con công đứng giữa bầy gà luôn ở trong trạng thái tâm lý hơn hẳn người khác, làm sao chàng có thể chấp nhận một người nhận ra sự non kém của chàng như Hoắc Thanh Đồng? Để che dấu cái chân tướng của một “tiểu nam nhân”, cách tốt nhất là tránh tiếp xúc với một nữ anh hào. Trong thực tế, một “tiểu nam nhân”, nhất là một “tiểu nam nhân” về phương diện tâm lý không sao có thể tiếp nhận một nữ anh hào, giống như người mặt mày xấu xí không chấp nhận cái gương vậy. Hương Hương công chúa thì hoàn toàn khác. Nàng không chỉ trẻ hơn, có dung mạo xinh đẹp tuyệt trần, mà điều quan trọng nàng đã không biết võ công, lại không hiểu mưu lược. chỉ có mỗi sự hồn nhiên vô tri vô thức. Dưới con mắt của Hương Hương công chúa, Trần Gia Lạc gần như là một nhân vật chỉ xuất hiện trong chuyện thần thoại, một vị anh hùng toàn năng. Mặc dù Trần Gia Lạc cũng thừa biết ấn tượng của Hương Hương công chúa về chàng có mấy phần ảo tưởng, vượt xa chân tướng, song cái cảm giác được anh hùng hóa ấy làm thỏa mãn cái tâm hư vinh của một “tiểu nam nhân”. Đây mới là bí mật lớn nhất về tính cách và tâm lý của Trần Gia Lạc. Cuối cùng, Hoàng đế Càn Long thèm muốn sắc đẹp của Hương Hương công chúa, muốn lấy Hương Hương công chúa làm điều kiện trao đổi để phục hồi thân phận Hán tộc của mình, thì Trần Gia Lạc liền đồng ý ngay, hơn nữa còn đích thân nài nỉ Hương Hương công chúa, cô gái rất mực thâm tình với chàng, hãy đến với Càn Long, lý do là ưu tiên cho đại cục, vì đại sự quốc gia, sự nghiệp của dân tộc mà hy sinh tình cảm cá nhân. Không riêng chàng phải hy sinh, mà còn muốn Hương Hương công chúa cũng hy sinh bằng cách hiến thân cho Càn Long. Thứ đại đạo lý này của người Hán đã khiến Hương Hương công chúa không còn gì để nói, cuối cùng đành lấy cái chết để tuẫn tình. Có thể nói Trần Gia Lạc đã chính tay đẩy Hương Hương công chúa vào chỗ chết. Cái lý do mà Trần Gia Lạc đưa ra nghe rất đường hoàng, một số đọc giả còn xúc động, tưởng rằng Trần Gia Lạc là một đại anh hùng chân chính. Thực ra, đấy còn bắt nguồn từ căn bệnh tâm lý. Có điều nó không chỉ là một căn bệnh tâm lý của một cá nhân Trần Gia Lạc, mà còn là cố tật tâm lý của truyền thống văn hóa dân tộc Hán. Nguyên nhân của căn bệnh này, thứ nhất, dân tộc Hán luôn có một truyền thống dân gian, coi “người vợ như cái áo, anh em như thể chân tay”. Ngụ ý rất rõ ràng, quần áo có thể thay đổi tùy ý, còn anh em thì không thể chia cắt. Càn Long chính là anh em, chân tay của Trần Gia Lạc, còn Hương Hương công chúa thì chưa phải là vợ chàng, nên còn chưa bằng cái áo, chỉ như làn gió thoảng. Thứ hai, dân tộc Hán luôn có một truyềng thống chính thức, coi “việc giang sơn” lớn, “việc cá nhân” nhỏ, ngụ ý cũng rất rõ ràng. Tức là vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, thiên hạ, tất nhiên có thể hy sinh nguyện vọng cá nhân. Cái giá trị quan này có một hình thức biểu thuật cực đoan là “Tồn thiên lý, diệt nhân dục” ( để lại cái lý của trời, hủy diệt ý muốn con người). Trần Gia Lạc đã là thư sinh của dân tộc Hán, lại là lãnh tụ của Hồng Hoa hội, dĩ nhiên đã nhiễm cả hai thứ “vi khuẩn gây bệnh” nói trên, rõ ràng khó bề chạy chữa. Nếu chúng ta đi sâu hơn nữa, còn có thể phát hiện, hành động này của Trần Gia Lạc thực ra còn có nguyên nhân thứ ba, ấy là chàng muốn phô diễn vai trò “đại trượng phu” của mình đến cùng, đem Hương Hương công chúa hiến thân cho Hoàng đế Càn Long, nàng sẽ vĩnh viễn không phát hiện được bí mật “tiểu nam nhân” của chàng, thế chẳng phải là bắn một mũi tên trúng ba con chim hay sao? Đương nhiên, chúng ta biết, cái gọi là bắn một mũi tên trúng ba con chim của Trần Gia Lạc thực chất chỉ là căn bệnh tâm lý hết phương cứu chữa. Căn bệnh tâm lý của Trần Gia Lạc, suy cho cùng còn là do chàng ta hoàn toàn mù tịt về tâm lý, tình cảm và tình người. Thân phận anh hùng, địa vị lãnh tụ, vòng hào quang ngôi sao sáng, khiến Trần Gia Lạc cứ phải diễn mãi cái vai nam tử hán, đại trượng phu, thế giới tâm lý của chàng cứ bị áp chế và bóp méo trong sự cô độc và trong bóng tối. Nếu sớm đi khám bác sĩ tâm thần, hoặc tìm được phép cứu chữa sớm hơn một chút, thì may ra có cơ hội khỏi bệnh. Có người sẽ hỏi, thời đại Trần Gia Lạc có bác sĩ tâm thần chưa? Câu hỏi rất hay. Điều tôi suy nghĩ là giả dụ thời ấy đã có bác sĩ tâm thần, thì anh hùng đại trượng phu Trần Gia Lạc của chúng ta có đi khám bệnh hay không?

BÀN VỀ CÁC NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT KIM DUNG

TRẦN MẶC – TRUNG QUỐC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét