Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

MỘ DUNG PHỤC Cuộc đời như mộng

Trong bộ tiểu thuyết Thiên long bát bộ , Mộ Dung Phục không phải là kẻ xấu, cũng không phải là ác nhân, càng không thể coi là anh hùng hiệp sĩ. Nhưng kết cục của y lại không bằng đa số kẻ xấu và ác nhân. Đệ nhất đại ác nhân trong thiên hạ Đoàn Diên Khánh tuy cuối cùng không được lên ngôi hoàng đế nước Đại Lý, nhưng phát hiện mình có một đứa con trai, hơn nữa, vì đứa con ấy mà hắn rút chân khỏi chốn giang hồ, là một việc tốt cho nhân gian, coi như kết thúc tốt đẹp. Đệ nhị đại ác nhân Diệp Nhị Nương cuối cùng cũng tìm thấy đứa con trai của mình, rồi tự sát mà chết, một mặt để tạ tội với thiên hạ, từ đây mụ không hành ác; mặt khác, đấy là Diệp Nhị Nương chủ động lựa chọn cái chết, để sang thế giới bên kia đoàn tụ với người yêu, giành được sự thông cảm và kính trọng của mọi người. Phụ thân của Mộ Dung Phục là Mộ Dung Bác và phụ thân của Tiêu Phong là Tiêu Viễn Sơn cùng buông đao đồ tể, lập tức thành Phật, đương nhiên là một kết cục tốt đẹp. Đôi oan gia Thiên Sơn Đồng Lão và Lý Thu Thủy tuy cuối cùng không đi đến tình yêu tốt đẹp, nhưng trước lúc chết ít ra cũng nhận biết chân tướng và hư ảo, có thể yên tâm nhắm mắt.

Mộ Dung Phục trong phim Thiên Long Bát Bộ

I

Tìm hiểu kỹ bình sinh của Mộ Dung Phục, một người với ngoại hiệu "Nam Mộ Dung" từng sánh ngang với "Bắc Kiều Phong", cuối cùng hóa điên vì chấp mê bất ngộ, độc giả không khỏi thở dài. Mộ Dung Phục ngoại hình anh tuấn, đầu óc thông minh, võ công cao cường, tư chất ưu tú. Dưới con mắt của biểu muội y là Vương Ngữ Yên và rất nhiều độc giả, y là một con chim phượng hoàng hiếm có trên thế gian, lẽ ra phải được hưởng một cuộc đời sung sướng, vì dầu sao y cùng xuất thân trong thế gia Mộ Dung, có trọng nhiệm lịch sử phục hồi ngai vàng Đại Yên, tái lập vương triều Mộ Dung. Huống hồ cha y là Mộ Dung Bác cả đời không làm nên sự nghiệp, chỉ sinh được mình y là con, đặt tên y là Phục, để từ khi ra đời đã gánh vác trách nhiệm không ai thay nổi. Mộ Dung Phục tính cách ngang ngạnh cố chấp, tâm cao khí ngạo, tự cho mình là người phi thường, muốn làm những việc phi thường, điều này đã quyết định vận mệnh khác thường của công tử Mộ Dung lừng lẫy tiếng tăm. Ở nước Trung Quốc thời trước, có thể nói giấc mơ cao nhất, ham muốn mạnh mẽ nhất của rất nhiều người là được làm hoàng đế. Hoàng đế là "con trời”, "đất đai khắp thiên hạ, đâu cũng là đất của hoàng đế, khách của mọi nhà, ai cung là bầy tôi của hoàng đế". Làm hoàng đế mới là cực điểm vinh hoa phú quí thật sự, bởi lấy của công khắp thiên hạ làm của riêng một nhà, một người, muốn làm gì tùy thích, đã vậy còn được gọi là "Thiên tử thánh minh", không một ai dám hoài nghi. Bởi thế, trong lịch sử Trung Quốc, có vô số đại trượng phu hoặc hỗn thế ma vương hoặc đục nước béo cò, hoặc giết người cướp của, sử dụng sinh mạng của mình và của người khác để ngoi lên, "vốn chỉ định thử làm vua một chỗ, không ngờ được làm vua cả nước". Thì gã lưu manh vô lại Lưu Bang về sau chẳng thành Hán Cao Tổ đó sao? Tôi nói thế chỉ là để lý giải mộng tưởng tổ truyền của gia tộc Mộ Dung. Nếu là một gia tộc bình thường thì khỏi nói, nhưng gia tộc Mộ Dung thì khác, chảy trong máu họ là huyết thống hoàng tộc Đại Yên, nếu không "bác" (thu lấy), không “phục" (phục hồi), thì sẽ có lỗi với tổ tiên mình. Mộ Dung Bác đã cố thu lấy cả đời, Mộ Dung Phục đương nhiên cũng phải tận lực phục hồi. Có điều là trời không giúp Mộ Dung: bấy giờ xung quanh Trung Nguyên các nước tuy phân tranh, phía bắc có Đại Liêu, phía tây có Tây Hạ, tây nam có Đại Lý, Thổ Phiên, nhưng nước nào cũng ra sức củng cố cơ nghiệp, không dễ làm cho họ lung lay. Ở bản thân Trung Nguyên, vương triều Bắc Tống tuy suy yếu nhưng vẫn chưa chịu chết. Hơn nữa, quân thần Bắc Tống còn tiến hành nhiều cải cách, dân chúng ấm no, đương nhiên không ai muốn thiên hạ rối loạn. Trong tình hình đó, gia tộc Mộ Dung muốn khởi sự, tạo phản đoạt quyền, thật không có cơ hội. Mộ Dung Bác dày công suy tính, muốn tạo ra xung đột ngoại giao và quân sự giữa vương triều Bắc Tống với vương triều Đại Liêu, kết quả trừ việc thay đổi số phận cha con Tiêu Viễn Sơn, Tiêu Phong và một số người thiểu số ra, chẳng có ảnh hưởng gì đến quan hệ giữa hai nước ấy. Đến đời Mộ Dung Phục, tình hình vẫn thế. Song Mộ Dung Phục lại không bằng cha về bất cứ điểm gì. Thời thế lịch sử không tạo ra anh hùng, mà cứ muốn anh hùng tạo ra thời thế, cố nghịch thiên hành sự, kết quả ra sao cũng đủ biết. Mộ Dung Phục không có nhãn quan chính trị, không có tài năng quân sự, không có tài ngoại giao, nói đến chuyện phục quốc chỉ là nằm mơ. Vậy mà Mộ Dung Phục không nhận ra điều đó, hoặc giả nhận ra mà không công nhận, còn cố dốc sức sáng tạo kỳ tích, kết quả không đâu vào đâu, ai ai cũng thấy rõ, chỉ riêng y dường như không thấy. Như vậy, Mộ Dung Phục tuy thông minh lanh lợi, võ công cao cường, nhưng không phải là người đại trí đại tuệ, không hiểu sự lý thế gian.

II

Mộ Dung Phục không hiểu sự lý, nghịch thiên hành sự, không phải do thiên tư kém cỏi, mà là y quá mơ tưởng phú quí, cá tính cao ngạo, cố chấp. Trong sách có một tình tiết rất quan trọng, "Y muốn làm người Hồ, không muốn làm người Trung Quốc, ngay chữ Trung Quốc y cũng không muốn biết, sách Trung Quốc y cũng không thiết đọc". (Xem Thiên long bát bộ). Đó là bằng chứng Mộ Dung Phục cố chấp, cũng là nguyên nhân khiến y không hiểu sự lý. Muốn phục hồi vương triều Đại Yên, lẽ ra phải tận dụng mọi nguồn vốn có thể để làm giàu cho mình, để khi giấc mộng trở thành hiện thực còn biết cách quản lý quốc gia. Đằng này lại cố chấp, không muốn biết chữ Trung Quốc, không đọc sách Trung Quốc. Giá như y biết chữ Trung Quốc, đọc sách Trung Quốc, thì y đã có thể hiểu ra sự lý, hiểu rõ cuộc sống, không chấp mê bất ngộ đối với sự nghiệp phục quốc như thế. Mộ Dung Phục cố chấp như thế cũng không có gì lạ. Đừng nói y là người Hồ, ngay người Trung Quốc cũng khối người không biết chữ Trung Quốc, không đọc sách Trung Quốc. Thậm chí họ còn cho rằng càng đọc sách nhiều càng có hại, càng nhiều tri thức càng ngu xuẩn. Lại nói Mộ Dung Phục, cũng may y có một người từ nhỏ đã yêu kính y là biểu muội Vương Ngữ Yên. Mộ Dung Phục không đọc sách, đã có Vương Ngữ Yên đọc giúp y, kể lại cho y nghe. Dĩ nhiên không phải là đọc sách văn học nghệ thuật, mà là đọc các bí kíp võ công, quyền kinh kiếm phổ. Không đọc chúng, Mộ Dung Phục làm sao có thể thông hiểu tuyệt kỹ trăm nhà ở Trung Nguyên để "dùng gậy ông đập lưng ông", trở thành nổi tiếng trên giang hồ? Đã muốn học tinh túy võ công của Trung Nguyên, lại không chịu đọc điển tích văn hóa Trung Quốc; khinh người cũng chính là khinh mình, tính cách tâm lý của Mộ Dung Phục là vậy. Nói đến Vương Ngữ Yên, đương nhiên không thể không nói đến tình yêu sâu sắc của nàng đối với Mộ Dung Phục. Cơ hồ cả thiên hạ đều biết tình yêu đó, Mộ Dung Phục đương nhiên cũng biết. Nhưng đối với y, ngoài đại nghiệp phục quốc, không có gì đáng kể. Tình yêu ấy chỉ chiếm chỗ rất nhỏ trong lòng Mộ Dung Phục. Nếu một ngày nào đó y có kết hôn với Vương Ngữ Yên, thì cũng không phải vì tình yêu, mà chỉ là để thực hiện nhiệm vụ duy trì dòng giống theo tập quán mà thôi. Mộ Dung Phục không có tình yêu, không hiểu tình yêu, thậm chí hết sức coi thường tình yêu. Bằng chứng : khi quốc vương Tây Hạ treo bảng kén phò mã, Mộ Dung Phục đương nhiên không bỏ qua cơ hội ngàn năm có một này, lập tức quyết định buộc Vương Ngữ Yên, người luôn ở bên chàng trên bước đường giang hồ hiểm ác, phải trở về nhà. Đoàn Dự khuyên y đừng rời bỏ Vương Ngữ Yên, nói : "Vương cô nương thanh lệ tuyệt tục, thế gian hiếm có, hiền hậu dịu dàng, tìm khắp thiên hạ không ra người thứ hai".(Xem Thiên long bát bộ). Song Mộ Dung Phục mặc kệ, đối với y, không gì quan trọng hơn lý tưởng chính trị, sứ mạng phục quốc, đại kế kiến quốc. Chính vì thế, trong hoàng cung Tây Hạ, khi ứng thí, gặp câu hỏi "Người bình sinh công từ yêu quí nhất tên là gì?" Tuy câu hỏi này đã có mấy người trả lời trước y đến lượt Mộ Dung Phục, y nghe xong vẫn ngây ra, rồi mới thở dài, đáp : "Tạ không yêu nhất người nào cả”. (Xem Thiên long bát bộ). Mộ Dung Phục trả lời thế không phải để lấy lòng công chúa Tây Hạ, mà là nói thật, trong đời y, y chẳng yêu ai nhất cả. Điều đó không chỉ là vô tình vô nghĩa với nàng Vương Ngữ Yên, mà còn không có chút tình thân đối với chính cha đẻ của y. Có một chi tiết nói rõ vấn đề này. Tại Thiếu Lâm tự, khi lão tăng vô danh chỉ chỗ nội thương của Tiêu Viễn Sơn, thì Tiêu Phong là con lập tức quì xuống xin lão tăng cứu chữa cho cha mình. Còn khi lão tăng vô danh chỉ chỗ nội thương của Mộ Dung Bác, thì phản ứng của Mộ Dung Phục là "Y biết phụ thân tranh cường hiếu thắng, thà chết cũng không chịu nhục cầu xin, nên y không muốn làm như Tiêu Phong, không quì xuống xin lão tăng cứu chữa". Nếu lão tăng kia không chủ động cứu chữa,thì cha y bị thương có nguy hiểm ra sao, Mộ Dung Phục chắc là cũng mặc kệ.Trên thế gian ai ai cũng có tình, Mộ Dung Phục lại không hề có, chẳng qua là do ý đồ vương bá của y quá lớn, đã ức chế, đè bẹp, triệt tiêu tình cảm thông thường của con người. Lâu dần, Mộ Dung Phục biến thành một kẻ "phi nhân" vô tình.

III

Đối với một kẻ mê muội với "sứ mệnh thần thánh" của mình, chỉ cần đạt mục đích, thì hắn sẽ bất chấp thủ đoạn. Vì thế, một kẻ không xấu, cũng không ác như Mộ Dung Phục, khi mất đi tình cảm thông thường và nhân tính, sẽ còn đáng sợ hơn mọi kẻ xấu và kẻ ác. Cha y, Mộ Dung Bác, để xúi giục hai nước Tống, Liêu phân tranh, căn bản không nghĩ đến trăm họ bị thảm sát hoặc đau khổ, là một ví dụ điển hình. Mộ Dung Phục suy tính chán chê, cuối cùng lợi dụng người mợ của y là Vương phu nhân làm mồi nhử, bắt Đoàn Chính Thuần, giết Đoàn Dự, rồi chủ động câu kết với đệ nhất ác nhân trong thiên hạ Đoàn Diên Khánh để tiện sau này lên ngôi vua nước Đại Lý, phát triển thêm một bước. Để thực hiện mưu đồ ấy, y giết Nguyễn Tinh Trúc, giết Tần Hồng Cẩm, giết Cam Bảo Bảo. Cuối cùng Vương phu nhân cũng chết dưới mũi kiếm của y, y không hề chớp mắt. Song điều bất ngờ nhất là Mộ Dung Phục thẳng tay đâm chết viên gia tướng rất mực trung thành Bao Bất Đồng, chỉ vì Bao Bất Đồng không tán thành thủ đoạn của y, nói lộ bí mật của y, sợ y biến thành "kẻ bất trung, bất hiếu, bất nhân, bất nghĩa, khó tránh khỏi hổ thẹn với lương tâm".(Xem Thiên long bát bộ). Mộ Dung Phục giết Bao Bất Đồng, bọn Lưu Bách Xuyên bỏ đi, Mộ Dung Phục không hề nuối tiếc. Để thực hiện mưu đồ phục quốc, còn việc gì Mộ Dung Phục không làm? Y nhận ác nhân làm cha, đổi sang họ của người khác, giết người vô tội, giết thân nhân, giết thuộc hạ trung thành. Tiếc rằng sau mọi hành động vô sỉ, tàn bạo, đẫm máu ấy, y vẫn chưa đạt được mục đích; chính là vì khi tính người của Mộ Dung Phục bị tuyệt diệt, thì tính người ở đệ nhất ác nhân trong thiên hạ Đoàn Diên Khánh lại bắt đầu phục hồi. Sự so sánh này thật nhiều ý nghĩa. Bắt đầu từ đây, Mộ Dung Phục bước vào thời kỳ phát điên, cuộc sống con người coi như chấm dứt. Về điểm này, trong sách sớm đã nói đến. Trong hoàng cung Tây Hạ, trước câu hỏi Mộ Dung Phục cảm thấy sung sướng nhất đời là lúc ở đâu, y cứng lưỡi. Sách viết : "Y một đời lúc nào cũng tất bật nay đây mai đó, chỉ lo phục hưng nước Yên, chưa từng lúc nào cảm thấy sung sướng. Người khác tưởng y anh tuấn, võ công cao cường, lừng danh thiên hạ, giang hồ ai ai cũng kinh sợ, thì hẳn phải đắc chí mãn ý lắm lắm. Nhưng trong lòng y quả thực chưa từng cảm thấy sung sướng thật sự. Y ngẩn người một hồi, rồi trả lời: “Nếu bảo cảm thấy sung sướng, thì đó sẽ là trong tương lai, chứ không phải quá khứ” - Niềm sung sướng sẽ là trong tương lai, song không phải ngụ ý việc thành hôn với công chúa Tây Hạ, - Mộ Dung Phục cảm thấy sung sướng, ấy là khi nào y làm chúa nước Đại Yên". (Xem Thiên long bát bộ). Thành hôn với công chúa Tây Hạ chỉ là một thủ đoạn để đạt tới mục đích, Mộ Dung Phục thực tế đã không còn biết thưởng thức ý vị của tình yêu và hôn nhân như một con người bình thường. Cuộc đời Mộ Dung Phục hoàn toàn uổng phí, y chỉ tái lập vương triều Mộ Dung trong mộng tưởng. Mộng tưởng ẩy đã làm cho y phát điên; khi điên, mộng tưởng ấy càng mạnh thêm, thế là mộng tưởng và điên rồ, điên rồ và mộng tưởng là mục đích và phương thức tồn tại duy nhất của y. Đọc phần kết bộ tiểu thuyết Thiên long bát bộ, nhìn cảnh Mộ Dung Phục ở nước Đại Lý, ngồi bên nấm mộ vương triều Mộ Dung, đầu đội chiếc mũ miện làm bằng giấy, dùng kẹo bột dụ bọn trẻ con trong làng ra làm quần thần bái kiến, tung hô vạn tuế, vạn vạn tuế, người ta không khỏi tức cười và thương hại. Nghĩ một lát, chợt cảm thấy không lạnh mà run. Không biết đến bao giờ người ta mới thôi chìm đắm, mê muội trong giấc mộng bá vương, phú quí vạn tuế

ĐINH XUÂN THU Đòi soạn "Xuân Thu”

Tôi suy nghĩ một thời gian dài, rồi mới quyết định bàn về Tinh Tú lão quái Đinh Xuân Thu. Sở dĩ phải suy nghĩ lâu, vì câu chuyện về nhân vật châm biếm này được tác giả viết bằng bút pháp khoa trương giản lược, một khi "hoàn nguyên", thì hầu như không còn gì đáng nói. Nhưng cuối cùng tôi vẫn quyết định nói, bởi trong cuộc sống của chúng ta, những kẻ như Đinh Xuân Thu có quá nhiều.

Đinh Xuân Thu trong phim Thiên Long Bát Bộ

I

Trước khi Đinh Xuân Thu xuất hiện, trong giang hồ đã có nhiều lời đồn đại về nhân vật này. Tinh Tú lão quái và môn "Hóa công đại pháp" của lão, làm cho các nhân vật hai phái chính tà trong võ lâm đều phải cau mày, đúng là tiếng dữ đồn xa. Nữ đệ tử A Tử của lão vừa xuất hiện đã làm cho người ta cảm thấy tà khí bức nhân, da đầu ngứa ngáy; các đệ tử phái Tinh Tú, như Trích Tinh Tử, Thiên Lang Tử còn tàn bạo độc ác đáng ghét, thì có thể suy ra sư phụ của chúng, Tinh Tú lão quái Đinh Xuân Thu chắc không ra gì. Độc giả đoán rằng Tinh Tú lão quái Đinh Xuân Thu lánh nạn lâu năm ở Tây Vực, làm bạn với các loại độc vật, hẳn phải là kẻ đầu trâu mặt ngựa kỳ hình quái trạng. Đến khi ta thấy Đinh Xuân Thu xuất hiện :"Đấy là một lão ông tay cầm cây quạt lông ngỗng, ánh nắng chiếu vào mặt, thấy da mặt lão hồng nhuận, mái tóc bạc phơ, râu dài ba thước cũng bạc trắng, thật như một vị tiên ông trong tranh", (Xem Thiên long bát bộ), thì ai cũng cảm thấy bất ngờ. Ở con người này, nội dung và hình thức chênh nhau quá xa, khiến những ai quen "trông mặt mà đặt hình dong" phải kinh ngạc. Chúng ta không thể ngờ tên ma đầu của Tây Vực này lại không chỉ là đệ tử đích truyền của phái Tiêu Dao, mà còn sinh trưởng tại Khúc phụ, Sơn Đông, quê hương của hai vị thánh Nho Khổng, Mạnh. Cuối cùng Tinh Tú lão quái Đinh Xuân Thu bị nhốt vào chùa Thiếu Lâm, sẽ chết ở đó. Cuộc đời Đinh XuânThu, sinh trưởng ở đất Nho học, chết ở thánh địa Phật giáo, quãng giữa là năm tháng tiêu dao theo Đạo gia. Cũng có nghĩa là Đinh Xuân Thu rốt cuộc có mối quan hệ thần bí với tam giáo Nho, Đạo, Phật. Trên ý nghĩa đó, nhân vật này được coi là một điển hình con đẻ của văn hóa Trung Quốc, đương nhiên là một điển hình không ngờ. Nói nôm na, lão không phải là thứ "chính quả" của nền văn hóa, mà là một kẻ phản nghịch. Cái "ác quả" phản nghịch này rõ ràng chưa được nền văn hóa Trung Quốc cải hóa, nhưng liệu nó có phải là sản phẩm tất nhiên của nền văn hóa ấy hay không, cần được phân tích cụ thể. Đinh Xuân Thu tuy sinh trưởng ở đất Nho học, nhưng ngoài cái tên còn giữ lại kinh điển Nho gia và ngoại hình nho nhã mô phạm, nội tâm của lão không hề tiếp thụ sự dạy dỗ của thánh nhân Nho học. Bằng chứng là Đinh Xuân Thu không chỉ chui vào phái Tiêu Dao của Đạo gia làm đệ tử, mà cuối cùng trở thành tên phản nghịch sư môn. Để tranh đoạt chức chưởng môn phái Tiêu Dao, Đinh Xuân Thu đã đẩy sư phụ của mình xuống vực, bức sư huynh phải làm kẻ câm điếc mấy chục năm. Như vậy, Đinh Xuân Thu phút chốc thành tên phản đồ của Nho giáo và Phật giáo. Là đệ tử phái Tiêu Dao, song cuộc sống của Đinh Xuân Thu chẳng có chút gì là tiêu dao cả. Bảo Đinh Xuân Thu là một kẻ xấu, đương nhiênkhông sai. Kẻ này khi sư diệt tổ, tàn hại đồng môn, hành vi độc ác, thủ đoạn xấu xa, vô tình vô nghĩa, ai ai cũng biết. Nhưng nếu đi sâu hơn, thấy mọi hành động của Đinh Xuân Thu đều là do dục vọng sai khiến, sự thoái hóa biến chất của lão đều là vì xung đột giữa dục vọng cá nhân với qui tắc sư môn, thì chúng ta sẽ thấy hình tượng nhân vật này mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc. Suy cho cùng, Đinh Xuân Thu chẳng qua chỉ là tượng trưng cho "dục vọng cá nhân". Thời đại Đinh Xuân Thu, ngoài nỗi lo thù trong giặc ngoài theo nghĩa thông thường, còn có sự băng hoại lễ nhạc về mặt văn hóa, tương ứng với nó lại là sự manh nha và hưng thịnh của Lý học; những Chu Đôn Di, Trình Hao, Trình Di lần lượt xuất hiện giảng học, hoàng dương Nho giáo, sáng lập Lý học, sử gọi là "dĩ lý sát nhân”. Trong vòng văn hóa chủ lưu, hiển nhiên không thể có tự do và tiêu dao. Trong bối cảnh đó Đinh Xuân Thu quay lưng lại Lý học, né tránh Nho giáo, chui vào làm môn hạ phái Tiêu Dao Đạo gia, là hành động bị bắt buộc, đáng được thông cảm. Đạo gia luôn được coi là một thứ đối lập và bổ sung quan trọng đối với lễ giáo Nho gia, có khi thậm chí trở thành nơi ẩn náu tinh thần của nhiều phạm nhân Nho giáo. Lý tưởng của Đạo gia là bắt chước tự nhiên, là tự do. Trong sách, Đạo gia được mang tên phái Tiêu Dao trong võ lâm, có sức hấp dẫn rất lớn đối với một kẻ không muốn đè nén dục vọng cá nhân như Đinh Xuân Thu. Nhưng Nho gia đã không hợp, thì Đạo gia liệu có thể dung nạp? Ở trong phái Tiêu Dao không hề có sự tiêu dao, chính là nội dung quan trọng được miêu tả trong bộ tiểu thuyết này. Đạo gia cùng phái Tiêu Dao của nó không hề thật sự vì con người, vì cá nhân, vì dục vọng và giá trị của cá nhân mà tìm cái "đạo” tiêu dao chân chính. Đinh Xuân Thu rõ ràng chỉ có hứng thú với võ công, nhưng sư phụ của Đinh Xuân Thu, ngoài võ công, còn muốn học cầm kỳ thư họa, y công. Đinh Xuân Thu thèm muốn chức chưởng môn, nhưng sư phụ lại bảo chỉ có người nào đạt kết quả ưu tú các môn mới được tiếp nhiệm chức vị đó. Thấy chức vị chưởng môn là vô vọng, Đinh Xuân Thu mới tính cách ra tay trước, đoạt lấy chiếc nhẫn chưởng môn từ tay sư phụ.

II

Về bất cứ phương diện nào, cũng không thể coi Đinh Xuân Thu là một vị anh hùng, nhưng cũng không nên vì thế mà bảo dục vọng cá nhân và việc lão ta truy cầu thực hiện giá trị tự thân là sai, là xấu. Đinh Xuân Thu rời bỏ Trung Nguyên, đi xa tìm chân trời mới, sáng lập phái Tinh Tú, kể cũng là một nhân vật xuất chúng. Vấn đề là sau khi rời bỏ dòng chủ lưu Nho gia, rồi lại từ bỏ chính thống Đạo gia, Đinh Xuân Thu đã sáng lập ra hệ thống giá trị như thế nào? Có thể "tự soạn ra bộ Xuân Thu mới" hay chăng? Nói nôm na, ngoài dục vọng cá nhân của mình và nhận định giá trị tự thân ra, Đinh Xuân Thu chẳng tìm ra được tài nguyên văn hóa gì mới - ở Tây Vực, giữa đại tự nhiên rộng lớn, lão chỉ tìm thấy độc vật, chỉ dấn sâu vào con đường hắc ám. Chúng ta thấy Đinh Xuân Thu tìm ra một lối đấu tranh trần trụi, tức là để cho đệ tử môn hạ ngay từ lúc nhập môn đã học cách cạnh tranh tàn khốc giữa người này với người kia, ai có bản lĩnh cao hơn thì người ấy được làm đại đệ tử, cứ vậy mà xếp hạng trở xuống. Cuộc chiến xếp hạng không chỉ quyết định ngôi thứ cao thấp, mà còn quyết định sự sống chết mất còn của cá nhân. Cuộc đấu giữa Trích Tinh Tử với A Tử là một ví dụ điển hình. Triết lý của sự tranh giành cố nhiên có thể kích thích dục vọng sinh tồn và bản năng đấu tranh, nhưng cũng vì thế mà biến con người thành dã thú, hướng nền văn minh nhân loại sang đấu trường dã man. Đinh Xuân Thu sở dĩ làm như vậy, bởi vì hồi còn ở phái Tiêu Dao, lão đã bị văn hóa văn minh dày vò, làm nhục, khiến lão chán ghét hết thảy. Lão cho rằng ai có bản lĩnh võ công cao hơn, thì sẽ làm đại đệ tử là lẽ đương nhiên. Kẻ có vũ lực mạnh làm chủ thiên hạ, từ cổ đã thế. Lão không nghĩ rằng cái chủ nghĩa mới ấy, cái tư tưởng mới, lý luận mới, trật tự mới ấy chẳng qua chỉ tái diễn thứ chính trị cường quyền bá đạo cổ lỗ. Trong triết lý tranh đấu một mất một còn và thực tiễn bá đạo ấy, Đinh Xuân Thu không chỉ bồi dưỡng những tài năng kế tục lão, mà còn bồi dưỡng nên những kẻ tham sống sợ chết đê hèn vô sỉ. Trong đám đệ tử của mình, Đinh Xuân Thu thích nhất, quí nhất A Tử. Song chính A Tử là kẻ phản bội sư phụ sớm nhất, lấy cắp vật quí nhất của Đinh Xuân Thu, sau lại dựa thế của bang chủ Cái Bang Du Thản Chi, công khai trước mặt anh hùng thiên hạ giương ngọn cờ đả kích "chưởng môn phái Tinh Tú”, cuối cùng làm cho vị tông sư sáng lập môn phái thân bại danh liệt, đau khổ phát điên. Đương nhiên, làm cho Đinh Xuân Thu đau khổ phát điên thực ra không phải A Tử, thậm chí cũng không phải là phù chú sinh tử của Hư Trúc, mà chính là cái triết lý tàn khốc của Đinh Xuân Thu. Rất đơn giản, khi Đinh Xuân Thu gặp kẻ võ công cao hơn lão, lão sẽ được nếm mùi vị tàn khốc của cái triết lý kia. Võ công của Đinh Xuân Thu dĩ nhiên cũng có ngụ ý văn hóa nhất định. Tuy xuất thân từ phái Tiêu Dao, song võ công của Đinh Xuân Thu là do lão tự sáng tạo nên. Đinh Xuân Thu có hai môn võ công lợi hại nhất, một là môn "Hóa công đại pháp" được cải biến từ "Bắc Minh thần công” của phái Tiêu Dao mà ra; hai là môn "Hủ thi công” đầy độc tính do lão sáng tạo ra. Cải biến, sáng tạo võ công, một mặt chứng tỏ Đinh Xuân Thu quả có thiên tài võ học, mặt khác chứng tỏ giới hạn nhân cách và bản tính văn hóa của Đinh Xuân Thu. "Bắc Minh thần công” bắt nguồn từ ý của Trang Tử, muốn người ta nhìn thấy sự nhỏ bé của cá nhân, đồng thời thấy cái đạo tự nhiên là trăm sông đổ ra biển Bắc Minh. Còn từ đó cải biến thành "Hủ thi công”, nghĩa là sẽ "hóa" hết thảy, phủ định, quét sạch, hủy diệt toàn bộ nội lực của kẻ khác, ta gọi là "vũ khí phê phán" tuyệt đối. "Hủ thi công” của Đinh Xuân Thu làm cho người ta ghê sợ, chẳng qua chỉ là một thứ văn hóa lịch sử thối tha, mang hơi độc của xác chết mà thôi. Suy cho cùng, Đinh Xuân Thu tuy sáng lập phái Tinh Tú, nhưng kỳ thực chẳng sáng tạo ra được sự vật mới mẻ nào vượt qua hạn chế văn hóa lịch sử. Hùng tâm đại chí cải thiên hoán địa, viết bộ Xuân Thu mới của lão chỉ là lời nói mê sảng mà thôi.

III

Thế nhưng cái kẻ sống lâu năm ở Tây Vực, ếch ngồi đáy giếng này, không biết trời đất bao la, anh hùng thiên hạ đông đảo, sau khi lật đổ sư phụ, cứ tự cho mình là người kiệt xuất nhất thế gian. Tức cười nhất là lão không chỉ nghĩ thế, mà còn thích mọi người nói như thế. Mọi người không chịu nói, thì lão sai đồ đệ của mình dán biểu ngữ, hô khẩu hiệu diễu hành tứ xứ mà tuyên cáo. Cho nên, Đinh Xuân Thu đi đến đâu, đều có đám đông đệ tử khua chiêng gióng trống, phất cờ, trên cờ viết nào là "Tinh Tú Lão Tiên", nào là "Thần thông quảng đại, nào là "Pháp lực vô biên", nào là "Uy chấn thiên hạ"; đồng thời hô to tán tụng mọi lời nói, việc làm của Đinh Xuân Thu, coi lão như một đại kỳ quan trong võ lâm vậy. Thế rồi khi Đinh Xuân Thu ở chùa Thiếu Lâm bị Hư Trúc đánh bại, thì rất nhiều đệ tử phái Tinh Tú lâu nay nhất mực trung thành, ca tụng công đức Đinh Xuân Thu, giờ đây không chút do dự chạy sang đầu hàng Hư Trúc, dùng những lời lẽ xấu xa nhất mà chửi rủa Đinh Xuân Thu, rồi dùng những lời trước đây ca ngợi Đinh Xuân Thu, nay ca ngợi Hư Trúc, khiến cho Hư Trúc "không khỏi cảm thấy lâng lâng khó tả".(Xem Thiên long bát bộ). Nghĩ một chút, ta thấy chuyện ấy có cái lý của nó. Về môn phong kỳ quặc của phái Tinh Tú, Bao Bất Đồng từng nói trắng ra như sau : muốn có được thành công ở môn phái này, chí ít phải luyện thành thạo ba thần công. Một là Nịnh bợ công. Không luyện thành môn này, e rằng không sống nổi ở quí môn nửa ngày. Hai là Khoác lác công, nếu không thổi phồng võ công và đức hạnh của quí môn, thì sẽ bị cả sư phụ lẫn đồng môn khinh rẻ, không có chỗ đứng. Ba là công phu mặt dày. Nếu không xóa sạch lương tâm, mặt dày mày dạn, thì không thể luyện thành hai đại kỳ công Nịnh bợ và Khoác lác". (Xem Thiên long bát bộ). Bao Bất Đồng nói toạc ra như tế, mà lạ thay, các đệ tử phái Tinh Tú chẳng những không tức giận, lại còn gật gù, thậm chí khen phải. Tác giả dùng bút pháp châm biếm, khoa trương, ngụ ngôn miêu tả Đinh Xuân Thu và các đệ tử phái Tinh Tú, thậm chí trực tiếp nói thẳng ra điều đó khỏi cần bàn thêm. Đinh Xuân Thu muốn viết nên lịch sử vinh quang của lão, song lão chỉ trở thành trò cười của lịch sử. Lý do rất đơn giản. Một lãnh tụ vô đức vô hạnh, dĩ nhiên có thể dùng võ lực cường quyền khi thế đạo danh, tụ tập và bồi dưỡng đám đồ đệ đê hèn; còn đám đồ đệ đê hèn thì tất nhiên là "nước có thể đẩy thuyền, cũng có thể lật thuyền". Có lẽ Đinh Xuân Thu không biết, rằng ngay từ lần xuất hiện "lóe sáng đầu tiên", lão đã được lịch sử dành cho một vai hề. Đinh Xuân Thu càng không biết, vở hài kịch mà lão sắm vai, chẳng có gì mới lạ cả. Suy cho cùng, Đinh Xuân Thu cũng chỉ là một thứ nhọt độc trên cái xác truyền thống đang thối nát mà thôi.


TRẦN MẶC – TRUNG QUỐC

BÀN VỀ CÁC NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT KIM DUNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét