Con gái tôi trước khi tốt nghiệp tiểu học, cháu có đọc tiểu thuyết của Kim Dung, hết bậc trung học cơ sở, cháu đã có cách nhìn nhận riêng của mình, hơn nữa còn khác hẳn so với tôi. Ví dụ, trong tiểu thuyết của Kim Dung, nhân vật mà cháu yêu thích nhất là Lão Ngoan đồng! Hỏi cháu vì sao không thích một vài nhân vật anh hùng khác, lại thích Lão Ngoan đồng, thì cháu vặn lại: Lão Ngoan đồng có gì không tốt nào? Tôi hỏi, thế Lão Ngoan đồng có gì mà thích? Thì cháu đáp: tối thiểu thì Lão Ngoan đồng biết đùa giỡn!
I
Kể cũng phải, dưới ngòi bút Kim Dung, Lão Ngoan đồng quả thực rất biết vui đùa, trong hai bộ tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu và Thần điêu hiệp lữ, mỗi khi Lão Ngoan đồng xuất hiện, là lại có chuyện đùa giỡn. Hồi nhỏ Hoàng Dung thường len lén đến đùa giỡn với Lão Ngoan đồng; Quách Tĩnh vừa đặt chân lên Đào Hoa đảo, Lão Ngoan đồng đã muốn kết nghĩa huynh đệ với chàng trai đáng tuổi cháu mình. Rồi khi gặp Dương Quá đáng tuổi cháu mình, Lão Ngoan đồng cũng muốn kết nghĩa huynh đệ! Quách Tĩnh không đồng ý kết nghĩa huynh đệ với lão, nem nép gọi lão là "Chu lão tiền bối", thì Lão Ngoan đồng lại khóc tướng lên, cho rằng Quách Tĩnh coi khinh lão, hoặc nghĩ rằng lão đã quá già. Lão không thích người khác gọi lão là "Chu lão tiền bối", mà chỉ thích được gọi là Lão Ngoan đồng. Cái tính thích đùa giỡn của Lão Ngoan đồng thật là đa dạng, trò chơi càng tân kỳ, lão đùa giỡn càng say sưa. Khi không có người cùng đùa giỡn, thì lão tự nghĩ ra cách dùng hai tay đấu quyền, đấu chưởng với nhau. Trẻ con thích Lão Ngoan đồng là lẽ đương nhiên. Thích đùa giỡn là bản tính của trẻ con, mà Lão Ngoan đồng thì là tổ sư của các trò đùa giỡn. Lão có thể nghĩ ra đủ thứ trò chơi, và chơi trò nào lão cũng say mê. Xem Lão Ngoan đồng đùa giỡn, thì không chỉ trẻ con thích thú, mà ngay cả người lớn, người già cũng muốn cải lão hoàn đồng. Cho nên con gái tôi nó bảo nó thích nhất Lão Ngoan đồng, xem ra cũng là chuyện hết sức bình thường. Trừ sự yêu thích mang tính trực giác hoặc bản năng, về mặt lý tính, cũng có thể tìm ra mấy lý do để yêu thích Lão Ngoan đồng. Thứ nhất, người khác khổ luyện võ công, còn Lão Ngoan đồng thì đùa giỡn võ công, cho nên sau khi sư huynh của lão là Trung Thần Thông Vương Trùng Dương qua đời, lão mới đạt tới cảnh giới võ công cao nhất. Trừ các đệ nhất cao thủ đương thời, như Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái, trở đi, thực ra không một ai là đối thủ của lão. Sở dĩ như vậy, nguyên nhân quan trọng nhất, như Không Tử từng nói: "Biết nó không bằng thích nó; thích nó không bằng say mê nó". Đối với võ công, Lão Ngoan đồng đúng là thích nó, mê nó, vô hình trung đạt tới cảnh giới võ công cao nhất mà người khác phải khổ luyện mới được. Chỉ có lão mới nghĩ ra trò hai tay đấu với nhau; cũng chỉ có lão mới lý giải được cái cốt lõi của "Không Minh quyền"; cũng chỉ có lão mới có thể sẵn sàng bái Dương Quá, một kẻ đáng tuổi cháu mình; thậm chí bái cả đại ma đầu Kim Luân pháp vương, làm thầy, để học một môn võ công mới lạ! Chỉ có lão mới có thể biến việc luyện võ công thành mục đích tự thân, tìm ra lạc thú trong khi luyện võ. Võ công trớ thành một phương thức chơi đùa của lão, thành một thứ nội dung chủ yếu của cuộc sống, nhờ vậy lão mới đạt được thành tựu lớn. Võ công như thế, việc học tập, nghiên cứu cũng thế mà thôi. Thứ hai, tâm tính của Lão Ngoan đồng đôn hậu, lương thiện, không ham hố vinh nhục được mất, càng không nuôi lòng báo cừu rửa hận. Bằng chứng hiển nhiên nhất, là Đông Tà Hoàng Dược Sư đánh lừa lấy "Cửu âm chân kinh" của lão, đánh gãy hai chân lão, nhốt lão mười lăm năm trên đảo Đào Hoa, song lão không hề có ý định báo thù, vẫn không có tà niệm đối với Hoàng Dược Sư. Lão coi cái trường nguy nan nhân sinh ấy như là trò đùa giỡn giữa lão với Hoàng Dược Sư, trước sau lão cứ theo đúng "luật chơi". Cuối cùng, khi dựa vào bản lĩnh của mình để thoát ra khỏi hang, lão cũng chỉ cười một tràng, để lại hai bãi cứt mới và một bãi nước đái "tặng” Đông Tà, Tây Độc mà thôi. Tây Độc Âu Dương Phong tìm cách buộc lão phải chạy ra biển, lão cũng chỉ coi đó là một trò đánh cuộc sống chết, không ngờ nhờ đó mà có được cái thú cưỡi lên lưng cá mập. Gặp lại Âu Dương Phong, lão cũng chẳng căm hận, chẳng tìm cách báo thù, thậm chí sợ Âu Dương Phong chạy ra biển cũng được cái thú cưỡi cá mập, nên chỉ bắt Âu Dương Phong phải đánh rắm ở chỗ mọi người mà thôi. Thứ ba, thiên hạ chỉ vất vả tất bật vì lợi, vì danh. Trong khi đó Lão Ngoan đồng cứ việc hồn nhiên, trong sáng, không bị nằm trong vòng cương tỏa của danh lợi, cho nên mới được tự do thực sự, thể nghiệm lối sống thật của mình. Ở hồi cuối cùng của bộ tiểu thuyết Thần điêu hiệp lữ, anh hùng thiên hạ lại kéo lên đỉnh Hoa Sơn luận kiếm phân ngôi thứ, người một đời tự phụ cao minh là Đông Tà Hoàng Dược Sư cũng phải thán phục nói với Lão Ngoan đồng, đại ý : "Ta coi danh tiếng là vô vật, Nhất Đăng đại sư coi danh tiếng là Không, chỉ có Lão Ngoan đồng ngươi trong tâm vốn không có gì cản ngại. Bởi vậy, ta tiến cử ngươi là người số một trong thiên hạ?" Xem ra các nhân vật siêu hạng khác về nhân phẩm đều thấp hơn "tiên phẩm" của Lão Ngoan đồng. Cuối cùng, hình tượng Lão Ngoan đồng còn có một giá trị quan trọng, đó là nó căn bản lật đổ truyền thống văn hóa lễ giáo Nho gia Trung Quốc. Lễ giáo Nho gia giảng khắc kỷ phục lễ, đặt lý tưởng xã hội cao hơn hẳn ước vọng nhân tính, sở dĩ có "Tồn thiên lý, diệt nhân dục" của chính thống đạo Nho, hậu nhân phê phán rằng "lễ giáo giết người" và "truyền thống ăn thịt người", ngụ ý rằng truyền thống trói buộc tâm linh và tinh thần con người. Đông Tà Hoàng Dược Sư một đời chê bai Chu, Khổng, châm biếm lễ giáo truyền thống đấy, song còn kém xa Lão Ngoan đồng. Mẫu mực truyền thống của người Trung Quốc là "thiếu niên lão thành", tức là có đạo đức, giữ cương thường, nhưng lại thiếu tính ngây thơ hồn nhiên, ức chế tình người. Lão Ngoan đồng vừa vặn tương phản với thứ mẫu mực đó. Mọi lễ giáo truyền thống đều không tồn tại đối với Lão Ngoan đồng, lão chỉ cần cười ha ha một tiếng là mọi thuyết giáo đều trở nên vô nghĩa.
II
Nhưng vấn đề còn có một mặt khác, Lão Ngoan đồng cũng có lúc đùa giỡn không hay, song cũng không thể bắt lão chịu trách nhiệm được. Ví dụ nhỏ là, Quách Tĩnh, Hoàng Dung nhờ lão bảo vệ Hồng Thất Công đang bị thương trong hoàng cung Nam Tống, Lão Ngoan đồng lại bỏ Hồng Thất Công đó, khiến Quách Tĩnh, Hoàng Dung sợ toát mồ hôi hột. Đáng sợ hơn là lão không rút kinh nghiệm, lúc nổi hứng đùa giỡn liền quên hết trách nhiệm. Bọn Linh Trí thượng nhân giúp Hoàn Nhan Hồng Liệt nắm được thóp Lão Ngoan đồng ham đùa giỡn, bèn một mặt sai người chơi trò đánh cuộc tĩnh tọa với lão, mặt khác sai người sát hại HồngThất Công. Nếu Quách Tĩnh không đến kịp, thì Hồng Thất Công và Kha Trấn Ác đều đã bị bọn địch lấy mạng vì cái thói ham đùa giỡn của Lão Ngoan đồng. Ví dụ lớn hơn, là chuyện Lão Ngoan đồng tư tình với Anh Cô, vương phi nước Đại Lý, đúng là "Mở đầu đã sai, kết thúc càng sai". Năm xưa Lão Ngoan đồng cùng sư huynh Vương Trùng Dương sang thăm nước Đại Lý, trong khi Vương Trùng Dương bàn chính sự với quốc vương nước Đại Lý là Nam Đế Đoàn Hưng Trí, - sau là Nhất Đăng đại sư; thì Lão Ngoan đồng ở trong hoàng cung chơi trò "Tà môn", muốn dạy võ công, phép điểm huyệt cho vương phi Anh Cô. Ngày này sang ngày khác, đôi bên sinh tình, Lão Ngoan đồng làm cho Anh Cô mang thai. Vương Trùng Dương giao Lão Ngoan đồng cho Nam Đế xừ lý, Nam Đế không nỡ xử tội, cho Lão Ngoan đồng mang Anh Cô đi. Anh Cô cả mừng, ai ngờ Lão Ngoan đồng lại nhất quyết không chịu, thà để Nam Đế hoặc sư huynh xử tử, cũng không chịu mang Anh Cô đi theo. Lý do của Lão Ngoan đồng đưa ra là : chàng không biết việc đó là sai, bây giờ biết là sai rồi, thì không thể sai thêm nữa! Lão Ngoan đồng đâu ngờ lão làm như vậy khiến cho Anh Cô vốn tha thiết yêu chàng, đau đớn chỉ muốn chết, còn Nam Đế chí tình chí nghĩa đối với chàng thì chán nản tuyệt vọng, cuối cùng không chịu nổi đành xuất gia đi tu. Từ đấy trở đi, Lão Ngoan đồng không biết sợ trời sợ đất chỉ sợ Anh Cô, càng sợ Nam Đế, mỗi khi nghe nhắc đến hai người ấy lão đã chạy trốn, nghe ai hát bài tình ca "Đôi uyên ương” mà Anh Cô từng hát, thì Lão Ngoan đồng lại hồn xiêu phách lạc. Mấy chục năm Lão Ngoan đồng né tránh Anh Cô, Nam Đế hoặc Nhất Đăng đại sư. Về chuyện này, có người lý giải rằng Lão Ngoan đồng quả là vốn không biết sai, biết sai thì sửa, không dám tái phạm. Như thế là chỉ biết một, không biết hai: Lão Ngoan đồng chạy trốn Anh Cô, cảm giác đạo đức chỉ là phụ, bề ngoài; thực chất là Lão Ngoan đồng chạy trốn tình cảm nam nữ, hoặc chạy trốn hậu quả trách nhiệm mà tình cảm nam nữ dẫn đến, chạy trốn trách nhiệm một người tình, người chồng, người cha; chạy trốn việc trở thành "người lớn" ? Nguyên nhân căn bản là Lão Ngoan đồng không muốn trở thành người lớn, chỉ muốn mãi mãi làm "Lão Ngoan đồng”, tha hồ chơi đùa hồn nhiên, không phải đối mặt với thực tế và trách nhiệm. Thế là Thần toán tử Anh Cô suốt đời khổ sở truy tìm Lão Ngoan đồng, còn Lão Ngoan đồng thì cứ chạy trốn Anh Cô, tạo nên cái cảnh khiến cho độc giả hết sức lý thú. Độc giả chưa thành niên vốn yêu thích Lão Ngoan đồng, cho đây là trò chơi "quan binh đuổi bắt cường đạo"; nhưng độc giá có kinh nghiệm sống và chút kiến thức tâm lý học, thì cảm thấy cái khổ ghê gớm của "trò chơi" này. Đối với Anh Cô, hiển nhiên đó là một thứ sỉ nhục và tai họa, cuộc đời của nàng, tình cảm, nhân phẩm của nàng, đứa con trai của nàng và bản thân nàng đều bị sỉ nhục, biến dạng, hủy hoại. Việc nàng truy tìm Lão Ngoan đồng là mục đích, là "bằng chứng sống còn" cuối cùng và duy nhất của Anh Cô, trong khi người ta lại không thể trách cứ Lão Ngoan đồng về mặt tình cảm cũng như phán xét về mặt đạo đức. Lão Ngoan đồng không chỉ từng yêu Anh Cô, mà thực ra trong tâm khảm vẫn lưu giữ tình yêu đó, thậm chí khi lão khuyên Quách Tĩnh không nên yêu và kết hôn với Hoàng Dung, vẫn thoáng lộ tình yêu Anh Cô mà lão cố quên đi song vẫn không quên được Vấn đề là lão không thể thừa nhận tình yêu đó, bởi vì lão không thể và cũng không muốn gánh trách nhiệm và nghĩa vụ mà tình yêu đó đem lại. Lão khôngthể tưởng tượng mình lại là một "người lớn", không còn là Lão Ngoan đồng nữa. Nếu không còn là Lão Ngoan đồng, tất lão sẽ thành một người bình thường như tất cả mọi người, hoặc chẳng là cái gì cả.
III
Nói đúng ra, Lão Ngoan đồng có thân xác của người lớn, đồng thời lại có tâm trí của nhi đồng. Sự cố chấp về tâm lý, hoặc sự tưởng tượng và nhận thức tự ngã này là một thứ bệnh tâm lý, chứng người lùn trong lĩnh vực tâm thần. Chúng ta có thể gọi đó là "chứng tổng hợp Lão Ngoan đồng". Về ý nghĩa, đó không phải là sự cải lão hoàn đồng, cũng không phải là trường hợp người già tính như trẻ con ta vẫn gặp mà là suốt đời không có sự trưởng thành, đồng thời cố chấp cự tuyệt sự trưởng thành. Về mặt này mà nói, Lão Ngoan đồng không chỉ đùa ác, mà còn đáng thương, thậm chí bị thương, bởi vì không chỉ trái với tính người, mà còn trái với đạo sinh trưởng căn bản của Tự nhiên. Tại sao sản sinh ra Lão Ngoan đồng, nguyên nhân cần được nghiên cứu, thuộc lĩnh vực tâm lý học hiện đại. Trong tiểu thuyết của Kim Dung, không cung cấp đủ tư liệu về bối cảnh ra đời của Lão Ngoan đồng. Chúng ta chỉ biết, thứ nhất, Lão Ngoan đồng là một cô nhi từ nhỏ , nên thiếu sự dạy dỗ bình thường; thứ hai, Lão Ngoan đồng nói là sư đệ của Vương Trùng Dương, nhưng võ công do Vương Trùng Dương truyền thụ, vậy Vương Trùng Dương thực tế là sư phụ, hơn nữa còn là người cha tinh thần của Lão Ngoan đồng. Có thể nói rằng Vương Trùng Dương quá nuông chiều Lão Ngoan đồng, tự mình gánh lấy trách nhiệm làm sư huynh, sư phụ, phụ thân, để Lão Ngoan đồng tha hồ "đùa giỡn", không phải gánh vác trách nhiệm, mãi mãi chỉ là Lão Ngoan đồng. Thứ ba, như đã nói, sự tồn tại của Lão Ngoan đồng là một thách thức đối với lễ giáo Nho gia truyền thống, song Lão Ngoan đồng cũng là sản phẩm tất yếu của "thuyết giáo "truyền thống, nói khác đi, "hiện tượng Lão Ngoan đồng” và sự tồn tại của Lão Ngoan đồng là hoàn toàn phù hợp với phép biện chứng văn hóa hoặc lịch sử. Điều lý thú là cuối bộ tiểu thuyết Thần điêu hiệp lữ, năm Lão Ngoan đồng một trăm tuổi, tóc lão từ đen bị bạc trắng, rồi lại đen trở lại, nghe lời nài nỉ của Thần điêu hiệp lữ Dương Quá, cuối cùng Lão Ngoan đồng mới quyết tâm đi gặp người yêu mà lão đã trốn tránh hơn nửa thế kỷ, sống với Anh Cô và làm láng giềng của Nhất Đăng đại sư. Tôi không rõ có phải tác giả muốn kết thúc "vụ án" kéo dài hơn nửa thế kỷ, hay là muốn chứng minh Lão Ngoan đồng hơn trăm tuổi mới thành "người lớn"; dẫu thế nào, thì hình tượng Lão Ngoan đồng cũng không còn đúng với hai chữ "thích đùa" nữa.
TRẦN MẶC – TRUNG QUỐC
BÀN VỀ CÁC NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT KIM DUNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét