Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

THẠCH PHÁ THIÊN Kinh động lòng người.


Thạch Phá Thiên không giống một Chân Nhân, mà giống như một tấm gương tác giả dụng công lau chùi để chiếu rọi vô vàn tội ác và sự ngu muội của con người trong giới giang hồ Hiệp khách hành. Có thể nói hình tượng nhân vật này giống như phù hiệu tinh thần của tư tưởng Phật gia, một là vô danh, ba chữ Thạch Phá Thiên chỉ là cái tên đi mượn, nguyên danh của người này chẳng hiểu sao lại là "Cẩu Tạp Chủng"; hai là vô tướng, trong sách này từ đầu chí cuối đều được coi là một người nào đó mượn tên "Thạch Phá Thiên"; chàng là ai, ngay bản thân chàng cũng không thể nói rõ; ba là vô dục, bốn là vô cầu, năm là vô tri, sáu là vô ngã. Ngoài việc muốn tìm ra mẹ mình, người này tựa hồ không có bất cứ ham muốn gì của thường nhân, hết thảy đều thuận theo tự nhiên, như nước chảy mây trôi vậy.

I

Thân phận đích thực của Thạch Phá Thiên có thể là người em trai ruột của Thạch Trung Ngọc, bang chủ bang Trường Lạc, là con thứ hai Thạch Trung Kiên của vợ chồng trang chủ Huyền Tố trang Thạch Thanh và Mẫn Nhu. Rất có thể Mai Phương Cô ngày trước vì yêu Thạch Thanh không thành, nên để báo thù sự "vô tình" của Thạch Thanh, đã bắt cóc đứa con trai của vợ chồng Thạch Thanh và Mẫn Nhu, rồi trả thế vào đó một xác hài nhi, làm cho vợ chồng Thạch Thanh và Mẫn Nhu suốt đời đau đớn khôn nguôi; trong khi đứa con trai của vợ chồng Thạch Thanh và Mẫn Nhu được Mai Phương Cô nuôi dưỡng, đặt tên là "Cẩu Tạp Chủng”, người mẹ nuôi không dạy võ hoặc dạy chữ, lại thường xuyên tự dưng vô cớ nổi giận ra oai, kết quả biến đứa bé thành một người không giống ai trên thế gian. Huyền Tố trang đúng là một trang viện đen trắng, không chỉ vì vợ chồng trang chủ một người mặc đồ màu đen (Huyền), một người mặc đồ màu trắng (Tố), mà còn vì ngoài cổng trang viện có treo một tấm biển lớn đề bốn chữ "Hắc bạch phân minh", nói rõ quan niệm đạo đức và trình độ trí tuệ của vợ chồng trang chủ. Điều châm biếm là tấm biển lớn "Hắc bạch phân minh" cũng như toàn bộ Huyền Tố trang về sau đều bị phái Tuyết Sơn đốt trụi, bởi đứa con trai của họ là Thạch Trung Ngọc phạm tội lớn đối với phái Tuyết Sơn. Càng châm biếm hơn, đôi vợ chồng tự xưng "Hắc bạch phân minh" ấy ngay đến hai đứa con của mình cũng không phân biệt được, cứ nhầm "Cẩu Tạp Chủng" hiền lành nhút nhát với Thạch Trung Ngọc thông minh lanh lợi. Nhưng châm biếm nhất là việc gã Thạch Trung Ngọc luôn ở bên cha mẹ, được cha mẹ nâng niu chiều chuộng, cuối cùng biến thành một gã thiếu niên phạm tội khôn khéo giảo hoạt, vô cùng tệ hại; còn "Cẩu Tạp Chủng”, tức Thạch Phá Thiên, bị bắt cóc từ bé, không được hưởng sự yêu thương bình thường của cha mẹ, thì rất khôn ngoan tử tế, thành một bậc đại anh hùng. Hình tượng nhân vật Thạch Phá Thiên có hiệu quả làm xúc động lòng người: trái với quan điểm giáo dục thông thường và giá trị văn minh, Thạch Trung Ngọc luôn ở bên cha mẹ, được cha mẹ giáo dục đâu ra đó, cuối cùng vẫn chỉ là cục đá thô, còn Thạch Phá Thiên không hề được hưởng bất kỳ sự giáo dục nào thì lại thành tấm gương sáng cho mọi người noi theo. Sở dĩ như vậy, là vì Thạch Trung Ngọc rõ ràng được nuông chiều quá mức, đâm ra hư hỏng, hòn đá chứa ngọc vẫn chỉ là hòn đá cứng; còn Thạch Phá Thiên vô tình được mài giũa, trời đất run rủi, từ cục đá thô lộ ra hòn ngọc lung linh. So sánh hai anh em họ với nhau ở cấp độ sâu xa hơn, thì Thạch Trung Ngọc đại diện cho "người văn minh", còn Thạch Phá Thiên là tượng trưng cho "người tự nhiên"; sự khác nhau giữa hai anh em về phẩm chất đạo đức, trí tuệ và đường đời thể hiện sự nghi ngờ và thất vọng của tác giả đối với nền văn minh và "người văn minh” sự kỳ vọng và tin tưởng đối với tự nhiên và "người tự nhiên”. Cái khuynh hướng so sánh giá trị giữa văn minh và tự nhiên, giữa "người văn minh" với "người tự nhiên" ấy thực tế không chỉ giới hạn giữa hai anh em, mà còn mở rộng ra cả diện mạo xã hội. Trên ý nghĩa đó, có thể nói tiểu thuyết Hiệp khách hành là "cuộc đi thăm thế giới văn minh" của "người tự nhiên". Nhân vật chính xuất hiện với hình ảnh một cậu bé ăn xin, tên là "Cẩu Tạp Chủng” hầu như không biết chút gì về cái thế giới văn minh, nên gây ra nhiều chuyện tức cười, nhưng mỗi câu chuyện tức cười ấy cuối cùng đều khiến người ta không thể cười nổi nữa, mà phải tự nhìn lại mình một cách sâu sắc. Rốt cuộc cậu bé ngớ ngẩn chẳng biết gì kia là kém cỏi, xấu xa, hay cái thế giới này cùng những con người đang sống trong đó là kém cỏi, xấu xa, chúng ta càng lúc càng thấy rõ. Tôi nói Thạch Phá Thiên giống như một tấm gương soi, những gì chàng thấy chàng nghe, cũng là chân tướng của cái thế giới văn minh mà tấm gương kia soi tới. Ở đây ta không thể thuật lại mọi tình tiết trong sách, thực ra cũng không cần làm như vậy Chỉ cần nhìn các nhân sĩ giang hồ bất kể chính phái tà phái, ra sức đánh giết nhau, lừa dối nhau, phản bội nhau, tranh nhau cướp Huyền thiết lệnh của Tạ Ân Khách; chỉ cần nhìn các nhân sĩ võ lâm hoảng sợ, né tránh sứ giả của đảo Hiệp Khách, còn sứ giả của đảo Hiệp Khách thì bóc trần vô số tội ác nhân gian, lại "chế tạo" bao nhiêu tội ác mới, thì sẽ thấy rõ cái thế giới này là như thế nào. Quân sư Bối Hải Thạch của bang Trường Lạc tạo ra vở náo kịch "Thạch Phá Thiên thật giả" - Thạch Phá Thiên thật kỳ thực là bang chủ giả, Thạch Phá Thiên giả đương nhiên là người chịu tội thay, - là ví dụ điển hình nhất. Hơn nữa, chẳng nói gì bang Trường Lạc, ngay cả phái Tuyết Sơn tự cho mình là thanh cao, thậm chí cả vợ chồng trang chủ Huyền Tố trang Thạch Thanh "phân rõ trắng đen", rốt cuộc đều là vì mình hơn là vì người, đều không phân rõ trắng đen. Chỉ có gã tiểu tử "Cẩu Tạp Chủng" Thạch Phá Thiên vô tri là đối với thế giới này cảm thấy đầy sự tân kỳ đáng lo ngại, cũng đầy sự thông cảm và thương hại thật sự vô tư. Có lẽ do vô tri nên không sợ, có thể do hồn nhiên vô tư, chỉ có Thạch Phá Thiên mới không nhớ hiềm khích cũ, không những chủ động thay bang chủ bang Trường Lạc nhận thiếp mời đến đảo Hiệp Khách, giúp bang này thoát một trường kiếp nạn, mà còn chủ động mạo nhận Thạch Trung Ngọc, thay anh ta đến phái Tuyết Sơn chịu tội, cuối cùng còn mở miệng cầu xin Tạ Yên Khách dạy dỗ cho Thạch Trung Ngọc.

II

Đặc điểm thứ hai của hình tượng Thạch Phá Thiên khiến người ta xúc động, là phương diện trí tuệ và triết lý, biểu hiện chân tướng của tri thức loài người: ấy là người có "tri" chưa chắc có "thức", người có "thức" chưa chắc có "tri". Nói cụ thể, Thạch Phá Thiên vô tri cuối cùng lại chứng tỏ là một người thật sự có "thức”, còn trong cái thế giới văn minh vô cùng giàu tri thức này lại đầy rẫy người kẻ "vô thức". Người văn minh có tri vô thức, ví dụ tiêu biểu nhất, ấy là mọi người trước sau vẫn không phân biệt được Thạch Phá Thiên thật giả. Tức cười nhất là hai chữ "mọi người" không phải chỉ chỉ những kẻ xa lạ, hoàn toàn không liên quan đến Thạch Trung Ngọc đổi tên thành Thạch Phá Thiên từ sớm, mà lại là chính những người thân thiết, gần gũi nhất với Thạch Trung Ngọc, như đệ tử phái Tuyết Sơn thù địch với y, cha mẹ đẻ của y là Thạch Thanh và nhân tình của y là Đinh Đương. Chỉ vì nhân vật chính Thạch Phá Thiên và Thạch rung Ngọc quá giống nhau, một số người lại chỉ để ý đến vết sẹo giống nhau trên thân thể hai anh em họ Thạch, nên họ không chút do dự cho rằng Thạch Phá Thiên mà họ nhìn thấy chính là Thạch Trung Ngọc mà họ cần tìm. Điều này không chỉ chứng tỏ sự khiếm khuyết tri thức của họ, mà còn cái "tri thức" của họ về vết sẹo trên người Thạch Trung Ngọc lại chính là trở ngại lớn nhất trong việc phân biệt Thạch Phá Thiên thật giả. Họ chỉ nhận biết vết sẹo mà họ nhìn thấy rành rành, họ hoàn toàn bỏ qua sự khác biệt về khí chất, tính cách và nhân phẩm giữa Thạch Trung Ngọc với Thạch Phá Thiên. Ví dụ thứ hai, hầu như mọi người trong võ lâm đều không biết đảo Hiệp Khách và sứ giả đảo Hiệp Khách là đúng sai thiện ác, không biết việc được mời tới đảo Hiệp Khách là lành dữ thật giả, chỉ căn cứ hai sự thực là: mỗi lần phàm bang phái nào không tiếp nhận thiếp mời đến đảo Hiệp Khách, đều bị hai sứ giả của đảo Hiệp Khách sát hại, và mấy chục năm nay, phàm các cao thủ võ lâm đến đảo Hiệp Khách, đều chỉ có đi không về, nên cho rằng mười năm một lần đảo Hiệp Khách gửi thiếp mời, đều đoán là một "kiếp nạn võ lâm , đẫm máu. Mấy chục năm, cả giới võ lâm đều kinh sợ, nghe nhắc đến là giật mình, nhưng hầu như không một ai thử đi nghiên cứu, điều tra, tìm hiểu xem một số người bị sứ giả đảo Hiệp Khách giết có đáng tội chết hay không, cũng không một ai đi tìm xem cái đảo Hiệp Khách đáng sợ ấy ở phương nào. Đó là cái hạn chế của tri thức người văn minh, trong đó không chỉ có cái hạn chế của tầm nhìn tri thức và cái hạn chế của phương pháp học hỏi, mà còn bao gồm cả cái hạn chế của quyết tâm và niềm tin học hỏi tri thức. Ví dụ thứ ba, các cao thủ võ lâm có mặt trên đảo Hiệp Khách mấy chục năm nay vẫn chưa người nào giải được câu đố về võ công của "Hiệp Khách hành"; họ đều dựa vào ý thơ, ý họa, nghĩa câu, nghĩa chữ để tìm lời giải, đưa ra đủ lời giải mà chẳng cái nào đúng với chân tướng hoặc chân nghĩa. Văn tự, hội họa của thế giới văn minh đã dẫn con người đi vào con đường sai lầm, tri thức vốn có hóa thành trở ngại trên con đường đi tìm chân lý, phương pháp học hỏi tri thức đã có lại cản trở việc nhận thức chân lý. Người văn minh có tri vô thức, ví dụ này là tiêu biểu. Ngược lại, nhân vật chính Thạch Phá Thiên tuy là một tiểu tử vô tri điển hình, trên đường ra đảo đã gây ra không biết bao nhiêu chuyện tức cười, song chàng hoàn toàn không phải là vô tri, cũng chẳng vô thức, trái lại, lại có kiến thức siêu phàm. Cuối cùng chỉ mình chàng có thể giải được sự huyền diệu của võ công “Hiệp Khách hành", trong khi chàng không biết chữ (vô tri), chàng lại đạt tới chân tướng (vô thức). Ngoài ra, trong sách còn một ví dụ rất có ý nghĩa. Đó là Thạch Phá Thiên coi Tạ Yên Khách là một người tốt, bề ngoài tưởng chừng là một điển hình về sự vô thức, không chỉ làm cho mọi người chốn giang hồ cười chảy nước mắt, mà bản thân Tạ Yên Khách cũng dở khóc dở cười. Nhưng sự thực chứng tỏ Tạ Yên Khách không phải hạng người hoàn toàn xấu, hơn nữa sau khi sống một thời gian dài với Thạch Phá Thiên, đúng là gần đèn thì sáng, y đã biểu hiện khá tử tế. Rồi Thạch Phá Thiên kết nghĩa huynh đệ với sứ giả đảo Hiệp Khách, ai ai trong võ lâm cũng cảm thấy việc đó là nguy hiểm và hoang đường, nhưng cuối cùng sự kết nghĩa ấy lại làm giả thành thật, đem đến kết quả diệu kỳ. Rồi chuyện Thạch Phá Thiên nhận Mai Phương Cô là mẹ đẻ, tuy cuối cùng chứng minh là không phải vậy, nhưng Mai Phương Cô tuy không sinh ra chàng, vẫn có công nuôi dưỡng chàng, chàng gọi Mai Phương Cô là mẹ cũng không sai. Càng có ý nghĩa là vợ chồng Thạch Thanh nhận nhầm con, tưởng chàng là Thạch Trung Ngọc; chứ không hề nhận lầm cha mẹ, cái mà chàng căn cứ là tình yêu thật sự của cha mẹ, xác thiết hơn hẳn cái việc cha mẹ chàng chỉ căn cứ vào vết sẹo làm bằng chứng. Ý nghĩa và nguyên nhân cơ bản của sự vô tri có thức của Thạch Phá Thiên là ở chỗ chàng là con người thuần túy tự nhiên, không bị "ô nhiễm tinh thần" theo quan niệm tri thức của xã hội văn minh, trước sau giữ được cái trí khôn tự nhiên và sự hồn nhiên đáng quí nhất. Trong quá trình tiếp xúc qua lại với "người văn minh", nói rằng Thạch Phá Thiên biểu hiện cái trí khôn siêu phàm cũng đúng, nhưng đúng hơn là tấm lòng chân thành và sự hồn nhiên. Cái trí khôn của Thạch Phá Thiên chưa bị ô nhiễm và giáo hóa rõ ràng là đáng quí, nhưng đáng quí hơn chính là tấm lòng chân thành và sự hồn nhiên chưa bị thế tục giảo hoạt làm cho ô nhiễm và biến dạng méo mó.

III

Cần thấy rõ, hình tượng Thạch Phá Thiên tuy giống như tấm gương sáng chiếu rọi bao nhiêu khiếm khuyết của thế giới văn minh, bản thân chàng như một con người thuần túy tự nhiên, làm tấm gương sáng cho người văn minh noi theo, nhưng chàng không phải là điển hình phủ định sạch trơn nền văn minh hoặc không hề "phản văn minh". Thạch Phá Thiên tuy vô danh vô tướng, vô cầu vô ngã, song tác giả không định tả chàng thành hóa thân của Phật, mà chỉ muốn tả thành một "Chân Nhân" truyền kỳ. Bằng chứng là cuối cùng Thạch phá Thiên có tình, mở miệng cầu người, lại còn muốn tìm ra cha mẹ đẻ của mình, muốn xác nhận "ta là ai".


TRẦN MẶC – TRUNG QUỐC

BÀN VỀ CÁC NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT KIM DUNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét