Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

Phân tâm học nhập môn ( TT Phần 3 )

( Tiếp theo Phần 3 )

Có thể là đầu đề của cuốn sách này: phân tâm học nhập môn, không phù hợp với phần nói về những bệnh thần kinh. Phân tâm học nhập môn chỉ giải quyết vấn đề những hành vi sai lạc và giấc mơ thôi, còn lý thuyết về bệnh thần kinh chính là phân tâm học rồi còn nhập môn gì nữa. Tôi không tin rằng trong một thời gian ngắn như thế và dưới một hình thức cô đọng như thế tôi đã hiến cho các bạn những điều hiểu biết đủ dùng về thuyết bệnh thần kinh. Tôi chỉ có ý cho các bạn biết một ý niệm toàn thể về ý nghĩa, và tầm quan trọng, sự hoạt động và sự thành lập các triệu chứng bệnh thần kinh thôi. Đó chính là điều mà phân tâm học có thể dạy chúng ta. Có rất nhiều điều cần nói về tình dục và sự phát triển của nó cũng như về sự phát triển của cái tôi. Còn về những điều cần biết trước tiên về kỹ thuật làm việc và những khái niệm về vô thức và dồn nén thì các bạn đã được biết ngay từ buổi đầu của những bài học này rồi. Trong một bài sau, các bạn sẽ thấy công việc nghiên cứu của phân tâm học tiến đến đâu rồi khi tôi trở lại với vấn đề. Tôi không giấu giếm các bạn rằng tất cả những diễn dịch của chúng ta đều tập trung vào một loại bệnh thần kinh; bệnh thần kinh hoán chuyển. Ngay cả khi nghiên cứu sự thành lập triệu chứng tôi chỉ nói đến bệnh náo loạn thần kinh. Cho rằng các bạn chưa tiếp thu được một điều hiểu biết gì vững chắc, không nhớ được những chi tiết chăng nữa thì ít nhất các bạn cũng có một khái niệm về phương tiện hoạt động của môn phân tâm học và những kết quả đã đạt được.

Tôi nghĩ rằng các bạn muốn tôi bắt đầu bằng việc trình bày về bệnh thần kinh bằng cách mô tả thái độ của những người tinh thần bất an về cách họ đau khổ vì bệnh thần kinh và chính họ cho là không bị và không thấy khó chịu. Đó chính là vấn đề thú vị giúp cho ta học hỏi được nhiều, không khó nghiên cứu nhưng nếu bắt đầu bằng vấn đề đó thì kể cũng hơi nguy hiểm. Bắt đầu bằng những bệnh thần kinh tầm thường, quen thuộc, chúng ta sẽ không tìm ra được những điều kiện không biết. Phủ nhận tầm quan trọng của tình dục, bị ảnh hưởng bởi đường lối mà những bệnh này đã dùng để trình diện trước cái tôi của người tinh thần bất an. Tất nhiên cái tôi này còn lâu mới trở thành một vị thẩm phán vô tư và chắc chắn. Trong khi cái tôi có quyền phủ nhận vô thức và dồn ép nó, làm sao chúng ta có thể chờ đợi cái tôi có thể phán đoán công bình về vô thức được? Trong các đối tượng bị dồn ép, chúng ta phải nói trước tiên đến những sự đòi hỏi không được tán thành của tình dục; điều này có nghĩa rằng nếu dựa theo lối cái tôi quan niệm về những sự đòi hỏi này chúng ta không bao giờ biết được độ lớn và tầm quan trọng của chúng. Kể từ khi chúng ta thấy xuất hiện quan điểm của sự dồn ép, chúng ta được báo trước là không thể dùng một trong hai đối thủ trong cuộc xung đột để làm quan toà, nhất là đối thủ xưa nay vẫn giữ phần thắng. Chúng ta biết rằng tất cả điều cái tôi nói cho chúng ta nghe đều chỉ có mục đích đưa chúng ta vào con đường sai lầm. Người ta có thể trông cậy vào cái tôi được nếu người ta biết nó tích cực trong cách phát biểu của nó, biết rằng chính nó đã phát sinh và muốn phát sinh ra các triệu chứng. Nhưng trong nhiều trường hợp cái tôi có vẻ tiêu cực và chính thái độ tiêu cực là điều mà nó tìm cách giấu giếm và trình bày dưới một hình thức không phải của nó. Vả lại cái tôi không dám làm cuộc thí nghiệm đó và bị bắt buộc phải công nhận rằng trong triệu chứng của bệnh bị ám ảnh, nó phải chống đối lại một cách rất khó nhọc đối với những sức mạnh ngoại lai.

Những người nào không chịu nghe lời cảnh báo cho những điều chỉ dẫn sai lầm của cái tôi là những điều có thực sẽ thích thú ghê lắm và tránh khỏi những chướng ngại vật chống lại sự giải thích của phân tâm học và vô thức, về tình dục và tính cách tiêu cực của cái tôi. Nhưng người đó có thể cùng với Alfred Adier khẳng định rằng chính “tính cách tinh thần bất an” mới là nguyên nhân gây ra bệnh thần kinh, chứ không phải là hậu quả của bênh này, nhưng họ sẽ không thể cắt nghĩa bất cứ một chi tiết nào trong việc thành lập triệu chứng và bất cứ một giấc mơ nào dù vô nghĩa lý nhất.

Các bạn sẽ hỏi: “Vậy chúng ta không thể nào quan tâm đến phần đóng góp của cái tôi trong bệnh thần kinh bất an và trong sự thành lập các triệu chứng mà không bỏ qua một cách quá lộ liễu những yếu tố mà do phân tâm học tìm ra sao?. Tôi trả lời: “Việc đó có thể làm được và chắc chắn sẽ làm một ngày nào đó nhưng theo chiều hướng của phân tâm học thì chúng ta có thể biết trước lúc nào làm việc đó được: Chúng ta có thể biết trước lúc nào phân tâm học sẽ phải nghiên cứu vấn đề đó. Có những bệnh thần kinh trong đó cái tôi phát biểu với một cường độ mạnh hơn trong những bệnh chúng ta đã tham gia khảo cứu từ trước tới nay: đó là bệnh “Narcissime” (chứng bệnh của những người mê chính mình). Sự phân tích chứng bệnh này sẽ giúp cho chúng ta hiểu được một cách vô tư và chắc chắn phần đóng góp của cái tôi trong các bệnh thần kinh.

Nhưng có một thái độ của cái tôi đối với bệnh thần kinh của chính mình đáng được chú trọng đến độ đáng lẽ phải được khảo sát ngay từ đầu. Thái độ này có vẻ như không vắng mặt trong bất cứ trường hợp nào, nhưng nổi lên đặc biệt trong một chứng bệnh mà chúng ta chưa biết: đó là bệnh thần kinh do vết thương. Các bạn nên biết rằng, trong sự hoạt động của tất cả các bệnh thần kinh bao giờ chúng ta cũng chỉ thấy sự xuất hiện có chừng ấy yếu tố với sự khác biệt là yếu tố này trở nên quan trọng hơn yếu tố khác trong bệnh này hay bệnh khác y như diễn viên trong một gánh hát: tài tử nào ngoài những vai vẫn đóng xưa nay – vai anh hùng, gian tặc, quân sự, v.v…còn đóng những vai trò khác nữa. Không ở đâu trí tưởng tượng ngông cuồng biến thành triệu chứng lại xuất hiện rõ ràng hơn trong bệnh náo loạn thần kinh; trái lại trong bệnh ám ảnh thì những sự chống đối hay phản ứng lại đứng hàng đầu; ngoài ra điều mà trong giấc mơ chúng ta gọi là công trình xây dựng phụ, lại giữ địa vị quan trọng hàng đầu trong bệnh vọng cuồng, với tính cách sai lầm.

Vì thế nên trong bệnh thần kinh vì vết thương, nhất là những vết thương do chiến tranh gây ra chúng ta thì thấy một lý do thúc đẩy có tính cách cá nhân, ích kỷ, vụ lợi, tự bảo vệ, tự nó không gây nổi bệnh, nhưng sẽ làm cho bệnh phát triển mạnh và tồn tại mãi một khi bệnh đã phát ra rồi. Chính lý do này che chở cho cái tôi chống lại những hiểm nguy mà những sự đe doạ phát hiện chính là nguyên nhân gây bệnh sẽ làm cho bệnh không thể khỏi được một khi người bệnh không được bảo đảm rằng những sự hiểm nguy đó không tái xuất hay khi người bệnh không được đền bù vì đã mắc bệnh.

Nhưng trong những trường hợp tương tự khác, cái tôi quan tâm như nhau đến lúc bắt đầu cũng như sự tồn tại của các bệnh thần kinh. Chúng ta đã biết là cái tôi cũng đóng góp phần mình vào việc thành lập triệu chứng, bởi vì chính triệu chứng này cũng biến cho khuynh hướng của cái tôi đang tìm cách dồn ép một sự thoả mãn nào đó. Vả lại cách giải quyết cuộc xung đột bằng sự thành lập triệu chứng chính là cách giải quyết tiện lợi nhất và hợp với nguyên lý khoái lạc nhất; không ai phủ nhận được rằng cách đó đã khiến cho cái tôi khỏi phải làm bên trong một công việc khó khăn và nặng nhọc. Có những trường hợp chính ông bác sĩ cũng phải công nhận rằng bệnh thần kinh chính là cách giải quyết cuộc xung đột vô hại nhất, có lợi nhất về phương diện xã hội. Các bạn đừng ngạc nhiên khi thấy chính ông bác sĩ lại đứng về phe căn bệnh mà ông ta phải chữa chạy. Ông ta không muốn thu hẹp vai trò của mình như một kẻ cuồng tín trong việc bảo vệ sức khoẻ, ông ta biết rằng ở đời còn có những sự khổ sở khác ngoài những sự khổ sở do bệnh thần kinh gây nên, còn nhiều sự đau khổ thực sự và khó chữa hơn; rằng nhiều khi vì cần thiết một con người phải hi sinh sức khoẻ của mình vì chỉ có sự hi sinh này mới tránh cho những người khác khỏi bị một sự đau khổ to lớn, ghê gớm. Bởi vậy người ta có thể nói rằng, một người bệnh muốn tránh cuộc xung đột không còn cách nào hơn là núp ngay trong căn bệnh của mình, thì người ta cũng phải công nhận rằng trong một vài trường hợp sự trốn tránh đó có thể tự bào chữa được và ông bác sĩ sau khi hiểu rõ tình thế chỉ còn cách rút lui có trật tự không nói năng gì với tất cả mọi điều gượng nhẹ có thể.

Nhưng chúng ta hãy bỏ ra một bên những trường hợp đặc biệt đó. Trong những trường hợp thường, việc trốn tránh trong căn bệnh của mình hiến cho cái tôi một điều lợi có tính cách nội tâm và bệnh hoạn, rồi trong một vài trạng thái lại có thêm một điều lợi bên ngoài mà giá trị thực sự thay đổi từ trường hợp này sang trường hợp khác. Chúng ta hãy lấy một ví dụ hay xảy ra nhất trong loạt này. Một người vợ bị chồng đối xử tàn tệ, khai thác không thương hại có thể trốn lánh vào trong căn bệnh của mình, khi được hướng về đó do chính tính tình của mình, khi vì quá hèn nhát hay quá lương thiện nên không dám ngao du bí mật với người đàn ông khác. Khi không đủ sức mạnh chống lại những quy – ước – xã - hội để có thể xa chồng, khi không có ý định gượng nhẹ đối với mình bằng cách tìm một người chồng khác và trên hết khi chính bản năng của mình vẫn du mình về phía người chồng độc ác đó. Bệnh của người đó trở thành một khí giới trong công việc chống đối lại người chồng mà sức mạnh đã làm bà ta ngã quỵ, một khí giới mà bà ta có thể dùng để tự bảo vệ và báo thù. Người đó có thể phàn nàn về bệnh tật của mình khi không thể phàn nàn về hôn nhân của mình. Tìm được ở ông bác sĩ một người về phe mình, bà ta bắt buộc người chồng lúc thường không chịu nhường nhịn gì phải gượng nhẹ đối với mình, chi tiêu cho mình, cho phép mình vắng nhà thoát khỏi trong một vài giờ sự chèn ép của người chồng. Trong trường hợp sự lợi ích bên ngoài hay tình cờ mà bệnh hiến cho cái tôi trở nên to lớn đến nổi không thể được thay thế bằng một lợi ích gì có thực hơn thì sự chữa chạy có thể không đưa đến kết quả.

Các bạn sẽ cãi lại rằng điều tôi kể cho các bạn nghe về những điều lợi ích do bệnh tật cung cấp chỉ là một lý lẽ đưa ra để bênh vực quan niệm mà tôi đã gạt bỏ, và theo quan niệm đó, thì chính cái tôi muốn tạo ra bệnh thần kinh. Nhưng các bạn hãy yên tâm. Những sự kiện đó chứng tỏ rằng những cái tôi cũng thấy thoải mái trong căn bệnh và chính vì không thể ngăn cản bệnh phát sinh được nên cái tôi định lợi dụng căn bệnh triết để trong trường hợp căn bệnh muốn có sự lợi dụng nó. Khi căn bệnh có những lợi ích đó thì cái tôi cũng lợi dụng chúng dễ dàng nhưng có mấy khi lại có những lợi ích đó. Người ta nhận thấy rằng khi hoà mình vào với bệnh, cái tôi đã làm một công việc bất lợi. Nó phải trả một giá rất đắt cho sự giảm bớt cường độ của sự xung đột và những cảm giác đau đớn đi liền với các triệu chứng, nếu không thể tương đương với những sự day dứt của sự xung đột mà nó thay thế không phải vì thế mà không làm cho bệnh tăng lên. Cái tôi rất muốn gạt bỏ những cái gì khó chịu trong các triệu chứng mà không phải bỏ những điều lợi thu lượm được trong bệnh nhưng bất lực, cái tôi thực ra không tích cực như nó tưởng tượng.

Sau này khi trở thành bác sĩ chữa bệnh cho họ, các bạn sẽ nhận thấy rằng không phải những người bệnh phàn nàn nhiều nhất về bệnh của họ là những người muốn dược chữa chạy và ít chống đối nhất. Trái lại nữa. Nhưng các bạn sẽ hiểu rằng tất cả những điều lợi thu lượm được trong trạng thái bệnh hoạn sẽ làm tăng cường độ chống đối của sự dồn ép và làm khó khăn thêm nhiều cho việc chữa chạy. Ngoài điều lợi do trạng thái bệnh hoạn gây nên, một trạng thái xuất hiện cùng những triệu chứng, chúng ta cần thêm một điều lợi nữa chỉ xuất hiện sau đó thôi. Một khi một tổ chức tinh thần như bệnh thần kinh tồn tại được trong một thời gian thì chẳng bao lâu nó sẽ trở thành một thực thể độc lập, tự phát sinh ra một bản năng tự vệ, thoả hiệp với các tổ chức tinh thần khác, ngay cả với những tổ chức đối nghịch với mình và rất ít khi lại không chứng tỏ là mình cũng giúp ích được và do đó được dành cho một nhiệm vụ mới phụ thuộc có mục đích làm cho cuộc sống của bệnh hoạn kéo dài và tồn tại mãi. Chúng ta lấy thí dụ trong bệnh lý, một trường hợp xảy ra thường ngày. Có một người thợ đang làm việc để sống, đột nhiên bị tật nguyền sau một tai nạn nghề nghiệp và không làm việc được nữa. Anh ta được cấp một món tiền cấp dưỡng hàng tháng, và cũng lợi dụng luôn tật nguyền của mình để đi ăn xin. Tình trạng hiện thời của anh ta trở nên nghiêm trọng hơn do sự kiện đầu tiên đã làm đời anh tan vỡ. Nếu có cách nào bỏ được tật nguyền của anh ta đi, các bạn sẽ cất luôn của anh ta một phương tiện kiếm ăn bởi vì chúng ta sẽ tự hỏi anh còn đủ sức làm việc lại hay không. Điều mà bệnh thần kinh coi như một điều lợi phụ thuộc thu lượm được do tình trạng bệnh hoạn có thể coi như một điều lợi thêm vào điều lợi đầu tiên.

Tôi cần cho các bạn biết rằng dù không đánh giá quá thấp tầm quan trọng thực tế của điều lợi do trạng thái bệnh hoạn gây nên chúng ta không nên loá mắt vì sự kiện đó về phương diện lý thuyết. Ngoài những ngoại lệ được công nhận trong phần trên, điều lợi này làm cho chúng ta nghĩ đến sự thông minh của loài vật nói trong cuốn Fliegende latter. Một người Ả Rập cưỡi một con lạc đà đi trong khe núi. Đến một chỗ rẽ anh ta thấy trước mắt một con sư tử sắp nhảy lên vồ mình. Không có lối thoát nào: một bên là núi cao và dốc, một bên là vực thẳm, không rút lui và cũng không có cách nào trốn thoát. Người Ả Rập tưởng mình sắp chết, nhưng con lạc đà lại không nghĩ thế, nó nhảy vội xuống vực sâu làm cho con sư tử trơ khấc. Sự giúp đỡ mà bệnh thần kinh dành cho người bệnh cũng giống như việc lạc đà nhảy xuống vực. Vì thế cho nên giải pháp thành lập triệu chứng để giải quyết cuộc xung đột chỉ là một cuộc diễn biến máy móc vì người bệnh tỏ ra không đủ khả năng đáp lại sự đòi hỏi của cuộc sống và không chịu dùng những sức mạnh cao nhất và to lớn nhất của mình. Nếu được quyền chọn có lẽ người ta sẽ chọn sự thất bại vẻ vang sau một cuộc giáp chiến lá cà với định mệnh.

Tôi phải cho các bạn rõ những lý do khác đã khiến cho tôi không thể bắt đầu bài học về bệnh thần kinh bằng cách nói đến bệnh tinh thần bất an chung cho mọi người trước. Có bạn cho rằng tôi phải làm thế vì nếu làm khác tôi sẽ gặp nhiều khó khăn khi muốn chứng minh rằng tình dục chính là căn bệnh chính yếu của bệnh thần kinh. Các bạn lầm, trong những bệnh thần kinh hoàn chuyển, muốn đạt tới quan niệm đó chúng ta phải bắt đầu bằng cách giải thích thoả đáng các triệu chứng. Trong các hình thức thông thường của bệnh thần kinh gọi là hiện tại, vai trò gây bệnh của cuộc sống tình dục là một sự kiện hiển nhiên, rất dễ nhận thấy. Cách đây hơn hai mươi năm, một hôm, sau khi tự hỏi tại sao trong khi nghiên cứu những người tinh thần bất an, người ta lại không để ý gì đến đời sống tình dục của họ, tôi vấp phải sự kiện này. Lúc đó tôi đành phải hy sinh cảm tình của thân chủ để nghiên cứu rõ ràng hơn, nhưng cũng phải mất bao nhiêu công trình mới nhận ra rằng đời sống tình dục bình thường không gây bệnh thần knh (tôi muốn nói bệnh thần kinh hiện nay). Tất nhiên đề luận này coi rẻ những sự cá biệt, giữa con người có một cái bất định thường đi liền với hai chữ “bình thường”, nhưng về phương diện chiều hướng nói chung thì cho tới ngày nay nó vẫn giữ nguyên giá trị. Ngay từ dạo đó tôi đã ấn định được liên quan đặc biệt giữa một vài hình thức của sự tinh thần bất an và một vài sự rối loạn trong đời sống tình dục, và tôi tin chắc rằng nếu tôi có những vật liệu và thân chủ giống như ngày xưa thì có lẽ ngày nay tôi cũng đi đến kết luận tương tự. Tôi có dịp nhận thấy rằng khi một người dùng một lối thoả mãn tình dục không đầy đủ, như thủ dâm chẳng hạn, sẽ mắc một chứng bệnh thần kinh hiện tại và chứng bệnh này sẽ đổi sang một hình thức khác khi người này dùng một lối thoả mãn khác lối bình thường. Do đó khi thấy có thay đổi trong người bệnh là tôi đoán ra ngay người đó đã thay đổi phương tiện thoả mãn. Tôi vốn có thói quen là không chịu bỏ rơi những điều dự đoán và nghi ngờ trước khi làm cho người bệnh phải bỏ thái độ không thành thực, bắt họ phải thú nhận những điều họ làm. Vì thế có nhiều người bệnh thích thay đổi bác sĩ hơn là thú nhận những điều bí ẩn về đời sống tình dục.

Tôi không phải là không nhận thấy rằng không phải bất cứ bệnh thần kinh nào cũng bắt nguồn ở đời sống tình dục. Có nguồn trực tiếp ở một sự rối loạn về tình dục, nhưng cũng có bệnh chỉ phát sinh sau khi mất món tiền quan trọng hay sau khi bị một bệnh nặng nào trong cơ thể. Mãi sau này chúng ta mới cắt nghĩa được sự việc này khi bắt đầu nhận thấy liên quan hỗ tương giữa cái tôi và khát dục, rồi khi có được nhiều bằng chứng hơn về sự liên quan này thì điều cắt nghĩa trên càng có giá trị hơn. Một người chỉ bị bệnh thần kinh khi cái tôi của anh ta không thể chế ngự được sự khát dục bằng cách này hay cách khác. Cái tôi càng khoẻ bao nhiêu càng dễ chế ngự khát dục bấy nhiêu. Mỗi khi cái tôi bị yếu đi, bất cứ vì lẽ gì, thì lập tức khát dục mạnh lên theo và mở đường cho bệnh thần kinh phát triển. Giữa cái tôi và khát dục còn có nhiều liên quan mật thiết nữa, nhưng chúng ta không nói đến vì không liên quan gì đến vấn đề của chúng ta hiện nay. Điều cần thiết và có ý nghĩa là trong mọi trường hợp, dù bệnh phát hiện ra cách nào mặc lòng, nhưng triệu chứng bao giờ cũng do khát dục cung cấp, do đó khát dục phải tiêu phí nhiều sinh lực trong trường hợp này.

Bây giờ tôi phải yêu cầu các bạn chú ý đến sự khác biệt cơ bản giữa bệnh thần kinh hiện tại và bệnh thần kinh tâm lý, từ trước tới nay chúng ta chỉ mới để ý đến loại trên, bệnh thần kinh hoán chuyển thôi. Trong khi cả hai trường hợp các triệu chứng đều bắt nguồn ở khát dục. Cả hai đều có sự tiêu phí khác thường về sinh lực của khát dục và trong cả hai trường hợp đều có sự thoả mãn được thay thế. Nhưng những triệu chứng trong bệnh thần kinh hiện tại như: nhức đầu, choáng váng, cảm giác đau đớn, một cơ quan nào đó bị kích động, một cơ năng nào đó bị yếu đi hay thôi hoạt động,v.v…đều không có một ý nghĩa tinh thần nào. Những triệu chứng đó có tính cách thân thể, không những trong các phát hiện (như trong bệnh náo loạn thần kinh chẳng hạn) cũng như trong quá trình phát hiện mà không có sự tham dự của một diễn biến tinh thần nào. Trong tình trạng đó chúng làm sao có thể tương ứng với sự hoạt động của sự khát dục trong khi sự khát dục chính là một động lực tinh thần. Câu trả lời không thể giản dị hơn. Các bạn cho phép tôi nhắc lại một trong những lời chỉ trích môn phân tâm học. Dạo đó người ta nói rằng môn phân tâm học mà muốn ấn định một lý thuyết tâm lý thuần tuý về bệnh thần kinh thì mất thì giờ vô ích vì lý thuyết tâm lý không thể nào hiểu được một căn bệnh. Nhưng khi đưa lý lẽ đó ra người ta quên mất rằng cơ năng tình dục không phải chỉ có tính chất thuần tuý tinh thần cũng như cơ thể. Nếu chúng ta nhận ra trong các triệu chứng của bệnh thần kinh tâm lý những sự phát hiện tinh thần của các sự rối loạn về tình dục, chúng ta không ngạc nhiện khi thấy những kết quả trực tiếp về cơ thể của chúng trong bệnh thần kinh hiện tại.

Khoa chuẩn bệnh cho chúng ta một chỉ dẫn quý báu về cách quan niệm bệnh thần kinh hiện tại. Trong việc phát hiện triệu chứng và trong ảnh hưởng của chúng tới các cơ năng và hoạt động khác của cơ thể, bệnh thần kinh hiện tại rất giống với trạng thái bệnh hoạn do các chất độc từ bên ngoài vào gây nên hay do sự đột nhiên thiếu các chất đó trong cơ thể, nghĩa là do sự nhiễm độc cũng như do sự vắng mặt của các chất độc. Sự giống nhau càng mật thiết hơn nữa khi chất độc không phải do từ bên ngoài đưa vào mà do sự xuất hiện ngay trong cơ thể, ví dụ như trong bệnh Basedow. Theo ý tôi sự giống nhau đó đưa đến kết luận là bệnh thần kinh bắt nguồn ở những sự rối loạn trong việc thay đổi các phân tử tình dục trong cơ thể, hoặc vì những phân tử này phát ra quá nhiều chất độc khiến cho người bệnh không chịu nổi, hoặc vì một vài điều kiện bên trong hay tinh thần làm rối loạn sự hoạt động của các phân tử này. Quần chúng khôn ngoan phát biểu ý kiến về tính chất của nhu cầu tình dục cho rằng ái tình là sự say sưa do một vài thứ đồ uống hay nước ngải gây ra. Trong khi đó những chữ như “thay đổi phân tử tình dục” đối với chúng ta không có nghĩa gì rõ rệt, chúng ta nói rằng có hai chất mà một là chất “đực” và một là chất “cái” hoặc nói rằng chỉ có một chất độc tình dục là nguyên nhân của mọi sự kích động khát dục. Toà lâu đài lý thuyết của phân tâm học mà chúng ta sáng tạo ra thực ra chỉ là một thượng tầng kiến thiết mà chúng ta phải đặt trên một hạ tầng cơ sở lấy trong cơ thể. Nhưng điều đó chúng ta chưa làm được.

Điều biểu thị cho phân tâm học, về phương diện khoa học, không phải là vật chất mà khoa này nghiên cứu, chính là kỹ thuật đem dùng. Người ta có thể đem áp dụng nó vào lịch sử văn minh, khoa học tôn giáo và thần thoại học cũng như lý thuyết bệnh thần kinh. Mục tiêu và sự đóng góp duy nhất của nó là sự khám phá ra vô thức trong đời sống tinh thần. Những vấn đề liên quan đến bệnh thần kinh hiện tại với triệu chứng bắt nguồn ở những vết thương làm độc trực tiếp, không thuộc phạm vi phân tâm học. Môn này vì không thể cung cấp được một điều gì về vấn đề đành phải trông mong vào các công trình nghiên cứu của khoa sinh lý y học. Nếu tôi đã hứa với các bạn là sẽ có những bài học về “thần kinh bệnh học nhập môn” đáng lẽ tôi phải bắt đầu bằng những hình thức giản dị nhất của bệnh thần kinh hiện tại, rồi mới nói đến thần kinh phức tạp hơn hậu quả của những sự rối loạn trong khát dục, và như thế có vẻ tự nhiên hơn. Đối với bệnh thần kinh hiện tại đáng lẽ tôi phải trình bày tất cả những gì học tập được từ mọi phía hay tất cả những điều chúng ta tưởng là mình biết, và một khi đến bệnh thần kinh tâm lý, đáng lẽ tôi phải nói về phân tâm học như một phương tiện kỹ thuật phụ thuộc quan trọng nhất trong tất cả những phương tiện có trong tay chúng ta để hiểu rõ các trạng thái đó. Nhưng tôi chỉ muốn hiến các bạn những bài học về “phân tâm học nhập môn” tôi muốn cho các bạn có một ý niệm về phân tâm học hơn là bệnh thần kinh và điều này không bắt buộc tôi phải bắt đầu bằng bệnh thần kinh hiện tại, một đề tài vô tích sự đối với phân tâm học. Tôi cho rằng chọn lựa như thế có lợi cho các bạn hơn vì phân tâm học là môn đáng cho mọi người có học thức quan tâm đến vì những tiền đề sâu xa và liên quan muôn mặt của nó. Còn thuyết về bệnh thần kinh chỉ là một chương của y khoa giống như các chương khác.

Vậy mà các bạn có quyền chờ đợi chúng ta quan tâm một phần nào đến những bệnh thần kinh hiện tại. Chúng ta bắt buộc phải quan tâm đến vì những liên quan chặt chẽ của bệnh này với bệnh thần kinh tâm lý. Vì thế nên tôi cho các bạn biết là chúng ta phân biệt ba hình thức thuần tuý của bệnh thần kinh hiện tại: thần kinh suy nhược, lo sợ và u uất. Sự phân chia này không phải là không bị chỉ trích. Danh từ thì ai cũng biết rồi. Có những bác sĩ nhất định phản đối mọi sự phân loại trong thế giới hỗn loạn của bệnh thần kinh, mọi sự đồng nhất hoá trong việc chuẩn bệnh, trong mọi cá nhân bệnh hoạn, không công nhận cả sự phân chia thành bệnh thần kinh hiện đại và tâm lý. Tôi cho rằng các vị bác sĩ này đi quá xa, không theo con đường dẫn tới mọi tiến bộ khoa học. Có khi bệnh thần kinh xuất hiện dưới hình thức thuần tuý, nhưng thường chúng liên kết với một vài hình thức khác hay với một bệnh thần kinh tâm lý. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta có thể không chấp nhận sự phân chia nói trên. Các bạn hãy nghĩ đến sự khác biệt giữa các quặng và các sắc đá do khoáng vật đặt ra. Những quặng thường xuất hiện dưới hình thức cá nhân có lẽ vì chúng do các tinh thể hợp thành và tinh thể nào cũng tách riêng ra một chỗ không liên can gì đến tinh thể bên cạnh. Đá tảng do các khoáng chất hợp thành, chất khoáng này liên kết với nhau theo một hình thức nào đó lệ thuộc vào các điều kiện riêng của sự cấu tạo. Chúng ta biết quá ít về khởi điểm cũng như về quá trình phát triển của bệnh thần kinh để có thể thiết lập một lý thuyết tương tự với lý thuyết về đá tảng. Nhưng chúng ta nghĩ đúng khi cho rằng bệnh thần kinh cũng do những thực thể độc lập họp lại chẳng khác gì tinh thể trong quặng.

Giữa những triệu chứng của bênh tinh thần hiện đại và bệnh thần kinh tâm lý có một liên quan rất hay giúp cho chúng ta hiểu được sự thành lập của các triệu chứng trong bệnh thần kinh tâm lý: triệu chứng của bênh thần kinh hiện đại có thể coi như hạt nhân và giai đoạn đầu tiên của bênh thần kinh tâm lý. Liên quan này cũng có giữa bệnh suy nhược thần kinh và bệnh thần kinh hoán chuyển, giữa bệnh lo sợ và bệnh náo loạn thần kinh do sự lo sợ gây ra, giữa bệnh u uất và bệnh loạn thần kinh trẻ con. Chúng ta lấy thí dụ giữa bệnh đau đầu và chứng đau hông trong bệnh náo loạn thần kinh. Phân tích cho thấy rằng bằng sự cô đọng và di chuyển, những sự đau đớn này dược dùng như sự thoả mãn thay thế của một sự kích động khát dục. Chúng ta không chủ trương rằng mọi triệu chứng loạn thần kinh nào đều có một hạt nhân như thế; dù trường hợp này đặc biệt xẩy ra luôn luôn, thường được bệnh náo loạn thần kinh, trong việc thành lập triệu chứng, thích dùng mọi ảnh hưởng, dù có tính cách bình thường hay bệnh hoạn mà sự kích động khát dục có thể có được trên cơ thể. Chúng giữ vai trò của những hạt cát bao trùm trên vỏ xà cừ của các con ốc. Bệnh thần kinh tâm lý cũng dùng những dấu hiệu tạm thời của sự kích động tình dục, thường đi cùng với sự giao hợp như những vật liệu tiện lợi nhất, thích hợp nhất thành lập triệu chứng.

Một sự diễn tiến cùng loại cũng có một điểm đáng quan tâm đặc biệt trong việc chuẩn bệnh và chữa bệnh. Có những người tuy không mắc một bệnh thần kinh nào rõ ràng cả nhưng đột nhiên mắc bệnh này chỉ vì có một sự thay đổi bệnh hoạn nào phát ra trong cơ thể, ví dụ như một vết thương hay một vết bỏng, làm cho công việc hoàn thành triệu chứng bị thức tỉnh làm cho triệu chứng do thực tế cung cấp trở thành đại diện của mọi trí tưởng tượng ngông cuồng vô thức chỉ chờ bất cứ một cơ hội nào để xuất hiện.Trong trường hợp này bác sĩ chữa chạy theo lối này hay lối khác: hoặc tìm cách huỷ bỏ căn bản cơ thể mà không để ý gì đến toà lâu đài bệnh thần kinh đang hoành hành, hoặc tìm cách chữa bệnh thần kinh vừa tình cờ xuất hiện mà không để ý gì đến nguyên nhân do cơ thể đã gây ra bệnh đó. Chỉ cần nhìn vào kết quả thu lượm được là người ta thấy ngay phương pháp nào hiệu nghiệm nhưng muốn có một quy tắc chung cho những sự việc đó quả thực là khó.

25. Sự lo sơ phập phồng

Những điều tôi trình bày trong phần trên về tinh thần bất an chung cho mọi người có thể làm cho bài trình bày trở thành không đầy đủ. Tôi biết thế và điều làm bạn ngạc nhiên hẳn là việc tại sao tôi không nói một câu nào về vấn đề lo sợ phập phồng cả trong khi nó chính là một triệu chứng mà mọi người tinh thần bất an đều phàn nàn cả, có người còn cho là chính sự lo sợ đã làm cho họ đau khổ ghê gớm nhất, có người cho rằng chính nỗi lo sợ đã đạt tới một cường độ ghê gớm nhất thúc đẩy họ làm những hành vi vô lý nhất. Tôi không hề có ý muốn trốn tránh vấn đề, trái lại tôi lại muốn đem mổ xẻ vấn đề tới những chi tiết thực nhỏ.

Tôi không cần giới thiệu với các bạn về sự lo sợ; mỗi người các bạn ít nhất trong đời mình cũng đã một lần cảm thấy cái cảm giác đó hay nói đúng hơn trạng thái tình cảm đó. Có lẽ chưa ai tự hỏi tại sao chính những người tinh thần bất an lại là những người đau khổ vì lo sợ người khác? Người ta thấy sự đó hết sức tự nhiên, người ta chả đã lẫn lộn hai chữ “bất an” và “lo sợ” đấy sao? Có vẻ như hai thứ chỉ là một. Người ta lầm vì có nhiều người lo sợ mà tinh thần không bất an và những người tinh thần bất an có đủ mọi triệu chứng trừ triệu chứng lo sợ.

Dù sao thì vấn đề lo sợ cũng là nơi mà mọi vấn đề quan trọng nhất, linh tinh nhất đều hướng về, một điều bí ẩn nếu được giải ra sẽ đưa lại không biết bao nhiêu ánh sáng soi tỏ đời sống tinh thần. Tôi không bảo rằng tôi sẽ đem lại cho các bạn một giải pháp hoàn hảo, nhưng các bạn cũng thấy trước rằng phân tâm học sẽ nghiên cứu vấn đề đó bằng những phương pháp khác hẳn phương pháp y khoa cổ điển. Y khoa cổ điển quan tâm nhất đến vấn đề xem nỗi lo sợ có căn bản giải phẫu nào trong cơ thể không? Họ cho đó là một sự kích thích tuỷ hành và người bệnh được biết họ bị bệnh thần kinh của mơ hồ. Tuỷ hành hay tuỷ dài là một vấn đề rất đứng đắn, rất đẹp. Tôi nhớ lại là ngày xưa tôi đã tốn bao nhiêu thì giờ và khó nhọc để học cơ quan đó. Nhưng ngày nay tôi đã thú nhận trong sự việc nghiên cứu nỗi lo sợ chả có gì làm cho tôi lơ là hơn là sự tìm hiểu con đường mà sự kích động thần kinh đi từ tuỷ hành xuống theo.

Trước hết chúng ta có thể nói rất lâu đến sự lo sợ mà không cần nói đến bệnh thần kinh bất an nói chung. Các bạn sẽ hiểu mà không cần giải thích gì thêm khi thấy tôi gọi nỗi lo sợ thực sự ngược lại với nỗi lo trong bệnh thần kinh. Nỗi lo sợ thực sự là một cái gì dễ hiểu và hợp lẽ phải. Đó là phản ứng với ý nghĩ là mình sắp gặp một sự nguy hiểm từ bên ngoài, một sự nguy hiểm mà mình chờ đợi, biết trước, liên kết với ý tưởng bỏ trống phải được coi như sự phát triển của bản năng tự bảo vệ. Lo sợ thường xảy ra trước đối tượng và trong tình trạng nào? Điều đó phụ thuộc vào mức độ hiểu biết và quyền lực của mình đối với thế giới bên ngoài. Người mọi rợ sợ một khẩu đại bác để trước mặt hay khi thấy có nhật thực, trong khi một người da trắng biết điều khiển đại bác và biết trước là có nhật thực sẽ không sợ hãi gì. Nhiều khi chính vì hiểu biết quá nhiều mà người ta lo sợ vì biết trước sự nguy hiểm quá sớm. Một người mọi rợ quen sống trong rừng trông thấy một con đường mòn mở ra trước mắt là sợ rồi vì biết đó là đường đi của một dã thú, trong khi người văn minh không quen sống trong rừng không sợ gì cả vì không rõ mình đang ở cạnh một con vật nguy hiểm. Một người thủy thủ đầy kinh nghiệm sợ hãi nhìn một làn mây nhỏ trên trời vì biết rằng đám mây đó báo trước một cơn giông tố sắp tới trong khi người đi trên tàu vẫn thản nhiên vì không biết điều đó.

Suy nghĩ kỹ chúng ta sẽ thấy là chúng ta cần xét lại ý kiến cho rằng nỗi lo sợ thực sự là điều hợp lẽ phải và thích ứng vào một mục đích nào đó. Thái độ hợp lẽ phải nhất khi mình đứng trước một mối nguy hiểm nào là liệu xem sức mình có thể chống lại sự nguy hiểm đó không, rồi sẽ quyết định xem nên chạy trốn, nên chống cự lại hay nên tấn công trước. Nhưng trong thái độ đó không có chỗ cho sự lo sợ: dù có lo sợ cũng không giải quyết được gì, sự gì đến vẫn đến và có khi không lo sợ sự việc sẽ tốt đẹp hơn chưa biết chừng. Như vậy khi nỗi lo sợ lên quá mạnh, nó sẽ làm tê liệt mọi hoạt động và có khi tê liệt cả ý muốn chạy trốn nữa. Thường thường phản ứng chống lại sự nguy hiểm là sự dung hòa lòng lo sợ với hành vi tự vệ. Khi một con vật lo sợ, bỏ chạy, chỉ có thái độ bỏ chạy mới hợp lý còn sự lo sợ không đáp ứng một mục tiêu nào cả.

Vì vậy, người ta có thể cho rằng sự lo sợ không bao giờ hợp lý hết. Nhưng chúng ta nên phân tích thực kỹ càng tình trạng do sự lo sợ tạo nên nếu chúng ta muốn có một ý niệm đúng đắn về điều đó. Trước hết đương sự đã sửa soạn đón nhận nguy hiểm vì thế nên mới tỏ ý lo ngại và tinh thần cùng cảm giác mới căng thẳng. Tình trạng chờ đợi và sửa soạn này là một tình trạng tốt vì nếu không đương sự sẽ gặp nhiều mối nguy hiểm to lớn. Do tình trạng đó mà có hành động cơ năng: hoặc chạy trốn hoặc tự bảo vệ tích cực; rồi sau đó mới có lo ngại. Sự lo sợ càng phát triển giới hạn bao nhiêu, càng tỏ ra là một dấu hiệu bấy nhiêu, và sự diễn tiến biến đổi tình trạng sửa soạn lo ngại phập phồng thành hành vi càng xảy ra càng nhanh và hợp lý bấy nhiêu. Vì thế cho nên trong sự lo sợ phập phồng chỉ có sự sửa soạn đón nhận nguy hiểm mới là yếu tố có ích, còn sự lo sợ có vẻ như trái với mục tiêu.

Tôi bỏ qua vấn đề xem xét trong tiếng nói thường này những chữ lo âu, sợ hãi, kinh hoàng có chỉ dùng một thứ hay nhiều thứ khác nhau không. Tôi cho rằng sự lo sợ đều có liên quan đến trạng thái con người chứ không liên can đến đối tượng trong khi trong sự sợ hãi, đương sự thường chú ý đến đối tượng gây sợ hãi hơn. Sự kinh hoàng đối với tôi có một ý nghĩa đặc biệt chỉ một hành vi chống lại một sự nguy hiểm mà người ta không chờ đợi và không được biết trước. Người ta có thể cho rằng người ta dùng lo sợ để chống lại sự kinh hoàng.

Dù sao các bạn cũng thấy rằng hai chữ lo sợ có rất nhiều nghĩa thành ra chẳng có nghĩa nào thực đúng và do đó hai chữ đó trở nên mơ hồ bất định. Luôn luôn người ta coi sự lo sợ như một trạng thái chủ quan do ý nghĩa lo sợ càng ngày càng tăng gây nên và người ta gọi trạng thái đó là trạng thái tình cảm. Nhưng trạng thái tình cảm là gì về phương diện động lực? Đó là một cái gì rất phức tạp. Một trạng thái tình cảm trước hết gồm có một vài tác dụng thần kinh hay phóng động rồi mới đến một vài cảm giác, và cảm giác này gồm hai loại: một là sự ghi nhận những hành vi cơ năng đã xảy ra rồi đến cảm giác khó chịu hay dễ chịu. Chính cảm giác khó chịu hay dễ chịu cho ta biết rõ về tính cách cơ bản của trạng thái tình cảm nói trên. Tôi không tin rằng nói thế là đã nói hết những điều cần biết về trạng thái tình cảm. Trong một số trạng thái chúng ta có thể vượt qua những yếu tố nói trên và nhận ra rằng cái nhân của trạng thái này chính là sự lặp đi lặp lại nhiều lần của một vài biến cố quan trọng, có ý nghĩa mà đương sự đã sống. Biến cố này có thể chỉ là một cảm giác rất cũ kỹ, có tính cách rất tổng quát có khi thuộc về thời tiền sử không phải của cá nhân mà của nòi giống nữa. Muốn cho dễ hiểu hơn, trạng thái tình cảm cũng được cấu tạo chẳng khác gì bệnh náo loạn thần kinh, nghĩa là gồm có một kỷ niệm ghi vào trong tâm trí người bệnh từ lâu. Vậy cơn náo loạn thần kinh có thể đem so sánh với một trạng thái tình cảm vừa họp thành xong và trạng thái tình cảm có thể được coi như sự phát biểu một bệnh náo loạn thần kinh đã trở thành di truyền.

Các bạn đừng cho rằng điều tôi nói về trạng thái tình cảm đã được công nhận trong tâm lý học bình thường. Trái lại đó chỉ là mầm mống do phân tâm học tạo nên và chỉ đứng trong phạm vi trong phân tâm học thôi. Điều mà tâm lý học cho chúng ta biết về những trạng thái tình cảm như thuyết của Fames Lange chẳng hạn, chẳng làm sao hiểu được đối với những nhà phân tâm học chúng ta, và cũng chẳng thể đem ra thảo luận được. Nhưng chúng ta cũng không cho rằng ý kiến của chúng ta về trạng thái tình cảm đúng hoàn toàn; các bạn chỉ nên coi điều tôi sắp nói về vấn đề này như một bước đầu tiên tới môi trường tối tăm này. Tôi tiếp tục. Tôi tin rằng trạng thái tình cảm do sự lo sợ biểu thị chính là cảm giác thụt lùi mà sự lo sợ sống lại sau khi đã thấy đi, thấy lại nhiều lần. Đó có thể là một sự sinh đẻ, nghĩa là một hành vi có đủ một cảm giác đau buồn, mọi khuynh hướng phóng động, mọi cảm giác trong cơ thể tập trung vào ý tưởng sợ hãi đợi chờ một sự hiểm nguy sắp tới mà chúng ta đã được biết đến nhiều lần rồi, nghĩa là đã có nhiều kinh nghiệm rồi. Chính vì máu trong huyết quản được thay thế quá nhanh làm tăng sự kích động lên nên chúng ta mới cảm thấy lo sợ phập phồng. Vậy sự lo sợ đâu tiên có tính chất nhiễm độc. Như chữ “lo sợ phập phồng” (angoisse gốc ở tiếng La Tinh angustiae có nghĩa là chật hẹp, tiếng Đức là augst) có nghĩa là người ta ngập ngừng khó thở khi đứng trước một tình trạng có thực và bây giờ lại sống lại trong trạng thái tình cảm. Chúng ta sẽ thấy là việc trạng thái lo sợ phập phồng khi lần đầu tiên đứa con phải sống xa người mẹ là một sự việc có ý nghĩa. Chúng tôi cho rằng chính nỗi lo đầu tiên này được sống đi sống lại nhiều lần trong tâm tưởng của con người từ thế hệ này qua thế hệ khác đã in sâu vào tâm tưởng của con người đến nỗi không một cá nhân nào có thể thoát khỏi trạng thái tình cảm ngay cả khi người ta là Macduff, một con người ra đời một cách khác hơn là từ trong bụng mẹ chui ra. Chúng ta không biết đối với những giống vật khác không phải là loài vật có vú sự lo sợ đã xảy ra như thế nào. Vì thế chúng ta không biết sự lo sợ đó có giống sự lo sợ của chúng ta không?

Chắc các bạn tò mò muốn biết tại sao người ta lại có thể đạt tới cái ý niệm là chính sự sinh đẻ đã là nguồn gốc của trạng thái tình cảm mà sự lo sợ là biểu thị. Ý niệm này không lấy trong lý thuyết: tôi có ý đó sau khi nghĩ đến tư tưởng ngây thơ của đại chúng. Một hôm - từ lâu lắm rối mấy bác sĩ chúng tôi ngồi ăn cơm quanh một cái bàn trong một tiệm cơm. Một người trong bọn kể cho nghe một câu chuyện lý thú xảy ra trong kỳ thi nữ hộ sinh vừa qua. Người ta hỏi một nữ thí sinh tại sao trong nước đầu ối lại có cứt xu, thì cô ta trả lời “vì đứa bé lo sợ”. Các giám khảo cười ầm lên và đánh trượt cô thí sinh. Riêng tôi, tôi có cảm tưởng là cô thí sinh đáng thương hại này đã có cảm giác mơ hồ về liên quan giữa hai sự việc nói trên và tôi đứng về phía cô ta.

Bây giờ chúng ta nói đến sự lo sợ của những người tinh thần bất an, sự phát hiện của chúng như thế nào? Chúng có liên quan gì mới không? Có nhiều điều phải nói lắm. Trước hết chúng ta có một trạng thái lo sợ tổng quát, bập bềnh lúc nào cũng sẵn sàng bấu víu vào bất kỳ một hình dung nào hiến được cho nó một nguyên cớ, ảnh hưởng tới sự phán đoán, sẵn sàng chờ đợi thực lâu để gặp được một cơ hội chứng minh hành vi của mìn. Trạng thái này chúng ta gọi là “trạng thái lo sợ trong chờ đợi” hay “trạng thái lo sợ phập phồng”. Những người lo sợ như thế này thường tiên liệu thấy những biến cố thực ghê gớm, trong biến cố tình cờ nào cũng như nhìn thấy báo trước một tai nạn, bao giờ cũng cho là mình sẽ gặp những điều xấu xa nhất khi thấy xảy ra một chuyện gì không rõ ràng. Khuynh hướng chờ đợi tai nạn này là một đặc tính có trong rất nhiều người mà ngoài lỗi lo sợ này ra không có vẻ gì là bị bệnh cả; người ta thường trách họ hay buồn rầu bi quan; nhưng sự lo sợ trong chờ đợi này cũng xảy ra với một mức độ mạnh hơn trong căn bệnh mà tôi gọi là “bệnh thần kinh lo sợ” được xếp vào loại bệnh thần kinh hiện đại.

Một hình thức lo sợ khác trái lại có tính cách tinh thần liên kết với những đối tượng và trạng thái: đó là “chứng sợ”. Nhà tâm lý học Mỹ nổi tiếng Stanley Halt đã đưa ra cả một lô chứng sợ đó với những danh từ Hy Lạp rất kêu. Những chứng sợ này giống như mười vết thương Ai Cập nhưng nhiều hơn nhiều. Các bạn hãy nghe đây tất cả cái gì có thể thành đối tượng của chứng sợ: sợ bóng tối, sợ ngời trời, khoảng không mở rộng, sợ mèo, nhện, sâu, rắn, chuột, giông tố, mũi nhọn, mấu, những chỗ đóng kín, đông người, cô độc, qua cầu, du lịch trên biển hay băng đường xe lửa, v.v… Công trình nghiên cứu đầu tiên phân biệt ba loại: một vài đối tượng hay trạng thái có một vẻ gì ghê sợ ngay cả những người bình thường, vì thế nên những chứng sợ này đối với chúng ta chẳng có gì khó hiểu tuy rằng cường độ sợ hãi hơi quá đáng. Ví dụ như sợ rắn, chứng sợ rắn là chung cho cả nhân loại. Chính Ch.Darwin đã tả cho chúng ta nghe ông ta sợ rắn như thế nào khi trước mặt ông ta có cả một chiếc đĩa bằng thủy tinh che chở. Trong loại thứ hai chúng ta xếp những trường hợp có liên quan đến một vài sự nguy hiểm nhưng mà đó là sự nguy hiểm mà chúng ta không để ý đến. Ví dụ như đi xe lửa có thể bị nguy hiểm hơn là ở nhà: bị xe đâm nhau chẳng hạn; đi tàu có thể bị đắm tàu và bị chết đuối; vậy mà chúng ta vẫn đi xe lửa và đi tàu điện mà không hề lo sợ, không nghĩ đến nguy hiểm. Đi qua cầu cũng có thể bị rơi xuống sông nếu cầu bị gãy, nhưng khi qua cầu chúng ta đâu có nghĩ đến điều đó. Sự cô độc cũng có thể mang lại một vài sự nguy hiểm, có khi chúng ta tìm cách tránh nó nhưng không phải vì thế mà chúng ta không dám chịu đựng một vài lúc cô độc. Tất cả những điều giải thích trên cũng đúng với sự sợ những đám đông, sợ nơi bị đóng kín, sợ giông tố, v.v… Điều làm chúng ta thấy lạ là trong những chứng sợ hãi này không phải là nội dung mà là cường độ của sự sợ. Người ta sợ mà không có cái gì ngăn trở được. Có khi chúng ta có cảm tưởng rằng những người bệnh không sợ như chúng ta cũng sợ trước những trạng thái hay đối tượng mà họ gặp.

Loại thứ ba là những chứng sợ mà chúng ta không hiểu nổi. Khi thấy một người đàn ông khỏe mạnh, đứng tuổi, sợ hãi khi đi qua một con đường phố trong tỉnh nhà mà anh ta biết rất rõ. Hay một người đàn bà bề ngoài trông rất khỏe mạnh mà co rúm người lại khi có một con mèo đụng nhẹ vào áo hay một con chuột chạy qua phòng, làm sao chúng ta có thể biết giữa những cái sợ đó có thể có liên quan nào và thấy được sự nguy hiểm mà chỉ có người sợ mới tin là có thôi? Về chứng sợ giống vật ta thấy rõ đó chỉ là nhiều người quá ghét những giống vật đó thôi vì chúng ta có những bằng cớ trái lại mà có rất nhiều người lại không bao giờ đi qua một con mèo hay một con chó mà không vuốt ve chúng. Còn chuột mà rất nhiều bà sợ đã được dùng để gọi nhau rất âu yếm: có cô gái lấy làm thích thú khi được người yêu gọi là “con chuột nhắt của anh” lại hét lên ghê người khi thấy một con chuột chạy qua. Về những người sợ đường phố chúng ta chẳng còn cách nào khác để cắt nghĩa hơn là cho họ chỉ là những đứa bé con. Chính người lớn đã cho đứa bé biết rằng nếu đi vào chỗ đông người hay ra phố là có thể gặp hiểm nguy và anh chàng bị chứng sợ này hết sợ khi có người đi cùng.

Hai hình thức lo sợ nói trên, hình thức lo sợ trong chờ đợi và chứng sợ không liên quan gì đến nhau cả. Người ta không thể nói rằng sự sợ này là một giai đoạn tiền tiến của sự sợ kia và nếu có người nào có cả hai chứng đó cùng một lúc thì đó chỉ là tình cờ và rất ít khi xảy ra. Trạng thái lo sợ tổng quát nặng nhất cũng không thường kèm theo chứng sợ nói trên; có những người suốt đời sợ cái này đến cái nọ nhưng lại không mắc chứng sợ tổng quát, nguồn gốc của bi quan. Đã có bằng chứng chỉ ra rằng có nhiều chứng sợ như sợ không gian, xe lửa, chỉ xảy đến đối với những người đứng tuổi, còn những chứng khác như sợ bóng tối, giông tố loài vật có vẻ như đã xảy ra ngay trong những năm đầu tiên của cuộc đời. Những bệnh trên có vẻ trở thành bệnh nặng, còn những chứng dưới thì có tính cách đặc biệt thôi. Khi một người bị những chứng sợ loại sau này, chúng ta có đủ lý lẽ để tin rằng họ còn sợ nhiều sự khác nữa, chúng ta xếp tất cả những chứng sợ này vào loại náo loạn thần kinh lo sợ. Nghĩa là coi chúng như một bệnh rất gần với chứng náo loạn thần kinh hoán chuyển (hystérie de conversion).

Loại thứ ba đặt chúng ta trước một điều bí ẩn vì chúng ta không thể biết được giữa sự lo sợ này và sự hiểm nguy đe dọa người bệnh có những liên quan gì. Trong bệnh náo loạn thần kinh chẳng hạn, sự lo sợ đi liền với những triệu chứng náo loạn khác hay xảy ra trong bất cứ điều kiện kích động nào; thành ra trong khi chờ đợi một sự phát hiện tình cảm, chúng ta ngạc nhiên nhiều khi xuất hiện một sự lo sợ mà chúng ta không chờ đợi. Sau cùng lo sợ có thể xuất hiện mà chẳng cần điều kiện gì cả, y như một cơn sợ đột nhiên xuất hiện chẳng có một nguyên nhân gì. Trong những cơn sợ xuất hiện tự nhiên này chúng ta thấy chúng có thể bị phân tích ra được. Cả cơn sợ có thể xuất hiện bằng một triệu chứng duy nhất cường độ rất mạnh như run lẩy bẩy, choáng váng, hồi hộp, nghẹn ngào. Chúng ta không thấy trong sự lo sợ này tình cảm chung cho mọi sự lo sợ khác. Những trạng thái này phải được coi như lo sợ thực sự cả về phương diện chuẩn bị cũng như căn bệnh.

Đến đây có hai câu hỏi đột nhiên xuất hiện. Giữa sự lo sợ trong bệnh thần kinh trong đó sự nguy hiểm không giữ một vai trò nào cả, hay chỉ giữ một vai trò chẳng có nghĩa gì và sự lo sợ thực sự bao giờ cũng là phản ứng đối với một mối nguy thực sự có liên quan gì không? Phải hiểu sự lo sợ thần kinh đó như thế nào? Chúng tôi muốn trước hết không bỏ được nguyên tắc: mỗi khi có sự lo sợ xảy ra tất phải có một điều gì gây ra sự lo sợ đó.

Quan sát trong bệnh viện cho thấy một số yếu tố giúp ta hiểu được bệnh lo sợ thần kinh. Tôi muốn đem vấn đề ra thảo luận với các bạn.

A/Chúng ta không khó gì khi cho rằng sự lo sợ trong chờ đợi hay lo sợ tổng quát lệ thuộc vào một vài hoạt động của đời sống tình dục hay nói cho đúng hơn vào một vài sự áp dụng tính khát dục. Trường hợp giản dị và bổ ích nhất cho sự học hỏi là trường hợp của những người chịu kích động vô bổ, thấy thỏa mãn, như những người đàn ông trong thời kỳ đính hôn hay những người đàn bà có chồng bất lực, hay sợ có mang nên thường rút dương vật ra ngoài âm hộ trước khi xuất tinh. Trong những trường hợp này sự kích động khát dục biến mất nhường chỗ cho lo sợ hoặc lo sợ trong chờ đợi hoặc một cơn lo sợ có mang thường gây bệnh thần kinh lo sợ cho đàn ông và nhất là cho đàn bà và xảy ra nhiều đến nỗi mỗi khi đứng trước một người bệnh các bác sĩ thường bảo nhau nên nghĩ đến căn bệnh đó trước nhất. Làm như thế chúng ta có dịp quan sát rằng bệnh đó biến mất ngay một khi người chồng thôi không ngừng giao hợp trước khi xuất tinh như thế.

Theo chỗ tôi biết thì chính những bác sĩ ở ngoài môn phân tâm học cũng công nhận liên quan giữa sự ngưng giao hợp và bệnh thần kinh lo sợ. Nhưng có nhiều người sẽ cho rằng sở dĩ có những người ngưng giao hợp như thế là vì họ đã có sẵn mầm mống của sự lo sợ trong người từ lâu rồi. Lý luận này được cải chính ngay tức khắc bằng thái độ của người đàn bà mà hoạt động tình dục có tính cách tiêu cực, nghĩa là chịu theo hướng dẫn của đàn ông. Một người đàn bà càng có nhiều khí chất bao nhiêu càng thích giao hợp bấy nhiêu, càng có khả năng hưởng thụ tình dục bấy nhiêu và càng có phản ứng bằng hiện tượng lo sợ đối với sự bất lực và sự ngưng giao hợp của người đàn ông bấy nhiêu.

Sự tiết dục được nhiều bác sĩ khuyên nên dùng tất nhiên chỉ gây ra trạng thái lo sợ trong trường hợp sự khát dục không được thỏa mãn đã tăng lên đến một cường độ nào đó và không bị hủy bỏ vì những cái dùng để thay thế. Sự phát sinh ra trạng thái bệnh hoạn bao giờ cũng lệ thuộc vào những yếu tố chất lượng. Nhưng ngay cả khi không nói đến chuyện bệnh tật nữa mà chỉ nói đến tính tình thôi, những người tiết dục thường là những người tính nết bất định, nay lo sợ, nghi ngờ, còn những người bạo dạn, luôn luôn không bao giờ làm cái trò ngưng giao hợp bao giờ. Dù đời sống văn minh đã thay đổi những liên quan giữa đời sống tình dục và tính nết con người thế nào chăng nữa thì những liên quan đó cũng vẫn mật thiết hơn bao giờ.

Tôi chưa nói cho các bạn nghe về những quan sát xác định những liên quan này giữa khát dục và sự lo sợ. Chúng ta sẽ phải nói đến vai trò của một vài giai đoạn trong đời sống như tuổi dậy thì hay tuổi tắt kinh chẳng hạn trong việc phát sinh ra bệnh lo sợ, những giai đoạn này là thường làm tăng sự khát dục lên rất nhiều. Trong nhiều trường hợp khi bị kích động, người ta còn quan sát thấy sự dung hòa giữa khát dục và bệnh lo sợ và sự thay thế tình dục bằng sự lo sợ nữa. Từ những sự kiện này, chúng ta đưa ra hai kết luận: người ta có cảm tưởng rằng đó chỉ là sự tích lũy của sự khát dục bị ngăn trở không cho hoạt động và tất cả mọi sự diễn biến đã nhận thấy đều có tính cách cơ thể. Người ta không nhìn thấy sự lo sợ đã phát sinh ra như thế nào từ sự khát dục; người ta chỉ nhận thấy rằng khát dục đã vắng mặt và được thay thế bằng lo sợ.

B/Một điểm khác đã được sự phân tích bệnh thần kinh tâm lý nhất là bệnh náo loạn thần kinh cung cấp. Chúng ta đã biết là trong những bệnh này sự lo sợ chỉ xuất hiện cùng với các triệu chứng nhưng cũng có khi có một sự lo sợ không liên quan gì đến triệu chứng cả và xuất hiện dưới hình thức của từng cơn một hay trong một tình trạng thường trực. Người bệnh không biết tại sao họ lại lo sợ như thế và thường gán cho chứng sợ này cho sự lo sợ thông thường nhất: sợ chết, sợ bị điên dại, sợ động kinh. Khi phân tích sự lo sợ hay triệu chứng đi cùng với sự lo sợ người ta thường tìm ra nguyên do chính là vì dòng hoạt động của tinh thần bình thường không lưu thông và đã bị lo sợ thay thế. Hay nói rõ hơn chúng ta coi sự hoạt động của vô thức không chịu một sự dồn ép nào, phát triển bình thường cho tới khi đến ý thức. Sự diễn tiến này thường có một trạng thái tình cảm đi theo và chúng ta ngạc nhiên khi thấy rằng trạng thái tình cảm này trong mọi trường hợp đều bị dồn ép và thay thế bằng sự lo sợ dù đặc tính của trạng thái ấy ra sao mặc lòng.Cho nên khi đứng trước một trạng thái lo sợ náo loạn thần kinh, chúng ta có quyền cho rằng đồng bạn vô thức đi cùng với nó hoặc là một tình cảm cùng tính chất - như lo sợ, xấu hổ, ngượng ngùng - hoặc là sự kích động khát dục hoặc là một tình cảm đối nghịch, hung hăng như sự giận dữ ghê gớm hay bình thường. Vậy sự lo sợ tức là một món tiền thường được dùng để đổi lấy sự kích động tình cảm của nội dung của chúng đã bị sự phát biểu hủy diệt và dồn ép.

C/Một cuộc thí nghiệm thứ ba lấy trong những người bị ám ảnh, những người hầu như không bị lo sợ bao giờ. Khi chúng ta ngăn cản không cho những người bị ám ảnh làm những cử chỉ ám ảnh của họ hay khi chính họ tự ý thôi không làm những cử chỉ đó nữa, họ thường bị lo sợ xâm chiếm và nhiều khi phải làm lại những cử chỉ ám ảnh này. Đến đó chúng ta hiểu rằng lo sợ luôn luôn núp đàng sau những cử chỉ ám ảnh và những cử chỉ này được thực hiện chỉ vì người bệnh muốn tránh khỏi lo sợ. Vì thế nên trong bệnh thần kinh ám ảnh sự lo sợ không xuất hiện ra ngoài vì đã được các triệu chứng thay thế; và nếu chúng ta quay trở lại với bệnh náo loạn thần kinh, chúng ta cũng thấy tình trạng tương tự, kết quả của sự dồn ép: hoặc là một nỗi lo sợ thuần túy, hoặc một sự lo sợ đi kèm các triệu chứng hoặc là toàn thể các triệu chứng đầy đủ không có lo sợ. Như thế chúng ta có thể nói rằng, nếu những triệu chứng xuất hiện thì chỉ là vì chúng muốn ngăn cản không cho lo sợ xuất hiện và nếu không có chúng thì lo sợ thế nào cũng xuất hiện. Quan niệm này làm cho sự lo sợ trở thành trung tâm điểm của sự quan tâm của chúng ta đối với vấn đề có liên quan đến bệnh thần kinh.

Những điều quan sát của chúng ta liên quan đến bệnh lo sợ thần kinh đưa đến kết luận là chính sự di chuyển của khát dục ra ngoài con người thường ngày gây ra sự lo sợ chính là giai đoạn cuối cùng của sự diễn tiến của cơ thể. Phân tích bệnh náo loạn thần kinh và bệnh bị ám ảnh, chúng ta cũng đi đến kết luận như thế vì nó cho ta thấy rõ sự đi sai đường và sự lo sợ đều bắt nguồn ở sự từ chối không chịu can thiệp của các yếu tố tinh thần. Đó là tất cả những điều chúng ta biết về cách phát sinh ra bệnh lo sợ trong bệnh thần kinh; nếu những điều này có thể mơ hồ thì lúc này tôi chưa tìm ra con đường có thể đưa chúng ta đi xa hơn.

Còn một vấn đề khó giải quyết nữa là vấn đề quy định những liên quan về sự lo sợ thần kinh, bắt nguồn từ một sự hoạt động bất bình thường của khát dục và sự lo sợ thực hiện tương ứng với một phản ứng chống lại một mối nguy hiểm. Người ta tưởng rằng đó là những cái gì rời rạc, nhưng thực ra chúng ta không có phương tiện nào để phân biệt được hai loại lo sợ này.

Nhưng dây liên lạc đó hiện ra ngay khi chúng ta xét đến sự trái ngược giữa cái tôi và sự khát dục. Như chúng ta đã biết, lo sợ sở dĩ xuất hiện như một sự phản ứng của cái tôi và là dấu hiệu báo trước sự chạy trốn; trong sự lo ngại bệnh thần kinh chúng ta cũng có thể cho rằng cái tôi tìm cách chạy trốn để thoát khỏi sự đòi hỏi khát dục, coi sự hiểm nguy bên trong ngày càng khác mối nguy hiểm bên ngoài. Quan điểm này dẫn tới một kết luận: mỗi khi có sự lo sợ là phải có một sự kiện gây ra sự lo sợ đó. Nhưng sự giống nhau giữa hai loại còn đi xa hơn nữa. Cũng như gặp một mối nguy hiểm bên ngoài nào đó lo sợ thường tìm cách chạy trốn. Nhưng chính sự mưu toan chạy trốn này lại dẫn đến sự dừng chân lại để tìm cách chống cự, sự phát triển của sự lo sợ cũng bị ngưng lại bởi sự xuất hiện của các triệu chứng để rồi sau cùng nhường chỗ cho chúng.

Điều khó hiểu trong các liên quan giữa sự lo sợ và các triệu chứng nằm chỗ khác. Lo sợ có nghĩa là cái tôi chạy trốn trước khát dục, vậy mà chính sự khát dục lại gây ra lo sợ. Sự kiện này tuy không đập vào mắt người ta, vẫn là một sự kiện có thực; vì thế nên chúng ta đừng quên rằng khát dục của người nào đó cũng là một thành phần trong người đó và không thể chống lại người đó như một sự kiện từ bên ngoài vào. Điều chúng ta chưa hiểu rõ là sự sống động chung cho mọi nỗi lo sợ, là vấn đề tự hỏi xem trong khi hoạt động thì những nghị lực tinh thần đem dùng là những nghị lực nào và nghị lực này từ những hệ thống tinh thần nào đến. Tôi không thể hứa trả lời được các câu hỏi nói trên, nhưng chúng ta sẽ xem xét hai dấu vết khác nhau và đòi hỏi không chỉ nghiên cứu và quan sát trực tiếp hiến cho chúng ta một sự khẳng định cần thiết. Chúng ta sẽ xét đến vấn đề phát sinh ra sự lo sợ đối với trẻ con và vấn đề nguồn gốc của sự lo sợ trong bệnh thần kinh liên kết với các chứng sợ.

Trạng thái lo sợ luôn luôn xảy ra đối với trẻ con và thực khó biết, sự lo sợ của trẻ con có phải là một sự lo sợ thực sự hay chỉ là một sự lo sợ do bệnh thần kinh gây ra không. Chính thái độ của trẻ con cải chính sự khác biệt mà chúng ta dành cho hai loại lo sợ này. Một đằng chúng ta thấy có gì lạ lùng khi thấy đứa trẻ con tỏ ra lo sợ khi đứng trước người lạ mặt, trước những tình thế mới và những đối tượng mới. Chúng ta hiểu phản ứng này của chúng vì chúng yếu ớt và không biết nhiều. Vì vậy chúng ta cho rằng trẻ con lo sơ thực sự và khi ra đời chúng đã mang mầm mống của sự lo sợ này rồi với tính cách di truyền. Trẻ con chỉ lập lại thái độ của người cổ sơ và người mọi rợ, vì không biết rõ và không có cách tự bảo vệ, nên tỏ ra lo sợ trước những cái gì mới, trước những sự việc đối với những con người văn minh thì chẳng có nghĩa lý gì, đã trở thành quen thuộc và không hề làm cho họ lo sợ. Và tất nhiên những chứng sợ của trẻ con cũng có thể được coi như tương tự với những điều chúng ta thường gán cho những giai đoạn cổ sơ trong quá trình phát triển của người lớn .

Dù sao chúng ta không nên bỏ qua sự việc là không phải bất cứ đứa trẻ con nào cũng bày tỏ một nỗi lo sợ giống nhau, cùng một cường độ như nhau và đứa trẻ nào tỏ ra lo sợ trước bất cứ vật gì và tình thế gì đều là những đứa sau này sẽ mắc bệnh thần kinh. Vậy mầm mống bệnh thần kinh có sẵn trong người đứa bé cũng phát hiện dưới hình thức của một tính nết dễ dàng, lo sợ thực sự, trạng thái lo sợ xuất hiện như một trạng thái đầu tiên, và người ta kết luận rằng trẻ con cũng như người lớn đều tỏ ra lo sợ trước sức mạnh của khát dục chính là vì họ sợ bất cứ một cái gì. Quan niệm sự việc như thế chẳng khác gì phủ nhận rằng chính sự khát dục đã sinh ra lo sợ, và khi xét những điều kiện của một sự lo sợ thực sự, chúng ta sẽ tự nhiên đi đến kết luận là chính cái ý thức rằng mình bất lực, yếu ớt, không có giá trị gì cả mà trẻ con cũng như người lớn sau này mắc bệnh thần kinh, nói khác đi, chính ý thức này là nguyên nhân đầu tiên gây ra bệnh thần kinh, khi ý thức thay vì phải chấm dứt khi hết tuổi ấu thơ lại cứ tiếp tục tồn tại trong người lớn.

Lối lý luận này có vẻ giản dị và quyến rũ khiến cho chúng ta chú trọng đến. Nhưng nó lại đưa đến hậu quả là di chuyển điều bí mật về tinh thần bất an sang một chỗ khác. Vì ý tưởng rằng mình không có giá trị gì cả cứ tồn tại mãi được coi như một điều có thực đến nỗi chúng ta phải tự hỏi tại sao những người đó có khi lại có một sức khỏe bình thường. Nhưng trạng thái lo sợ của trẻ con cho ta biết những gì? Đứa bé chỉ tỏ ra lo sợ khi đứng trước những người lạ đi kèm, còn những đồ vật mới gây lo sợ cho trẻ chỉ đến sau người và tình thế nói trên. Nhưng đứa trẻ lo sợ trước một người lạ chỉ vì nó cho rằng người này đối với nó có ý xấu, vì nó cảm thấy mình quá yếu đối với người lạ, người này có thể mang lại cho nó một mối hiểm nguy đối với đời sống, an ninh và sự sung sướng của nó. Thực ra không làm gì có những đứa bé lúc nào cũng nghi ngờ, lúc nào cũng lo sợ mình bị tấn công và những sự tấn công này tràn ngập cả nhân loại.Đúng hơn đứa bé sở dĩ lo sợ khi đứng trước mặt người lạ là vì từ xưa tới nay nó chỉ quen nhìn một người mà nó yêu mến: đó là người mẹ. Sự thất vọng và buồn rầu của nó biến thành lo sợ; vậy sự lo sợ đó chính là sự khát dục không còn dùng được nữa và sự khát dục này vì không dùng được nữa nên phải biến thành lo sợ. Và không phải là ngẫu nhiên nếu chúng ta thấy trong sự lo sợ của đứa trẻ hình ảnh của sự lo sợ đầu tiên xảy ra trong lúc mình mới sinh, sự tách bạch đứa trẻ ra khỏi lòng người mẹ.

Chứng sợ đầu tiên nhận thấy ở đứa trẻ con là chứng sợ bóng tối và cô đơn; chứng đầu tiên còn tồn tại mãi trong suốt cuộc đời và cả hai chứng đều có một nguyên nhân chung nhau, đó là sự vắng mặt của người mẹ yêu dấu và chăm sóc nó. Một đứa bé lo sợ trong bóng tối hét lên nói với người cô ngồi trong phòng bên: “Cô ơi, cô nói cho con nghe đi, con sợ lắm” - “Cô nói lên thì có lợi gì cho con vì con có trông thấy cô đâu”. Đứa bé trả lời: “Khi có tiếng người, cháu cảm thấy như trời sáng hơn”. Vậy sự buồn rầu cảm thấy trong bóng tối biến thành sự lo sợ bóng tối. Vậy khi chúng ta nói rằng sự lo sợ trong bệnh thần kinh là một hiện tượng phụ thuộc và chỉ là một trường hợp đặc biệt của sự lo sợ thực sự thôi, chúng ta đã nói một điều không đúng: ngoài ra đối với đứa trẻ, trong sự lo sợ thực sự và sự lo sợ thần kinh có một điểm chung nhau: đó là ở cả hai nơi đều có một nguyên nhân. Sự khát dục đã không được đem dùng. Còn về nỗi lo sơ thực sự trẻ con có vẻ như chỉ có trong một mức độ không lấy gì làm nặng lắm. Trong tất cả những tình thế sau này có thể trở nên chứng sợ như đứng trên núi cao, đi cầu hẹp trên mặt nước, đi xe lửa hay đi trên tàu biển, trẻ em không tỏ vẻ lo sợ vì nó không biết. Đáng lẽ ra trẻ con phải nhận được bằng di truyền nhiều bản năng tự vệ hơn và như thế nhiệm vụ của những giám thị trông nom cho chúng khỏi bị nguy hiểm sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Nhưng trong thực tế nhiều khi trẻ không có tự lượng sức mình mà làm nhiều điều nguy hiểm, chính vì nó không biết thế nào là nguy hiểm. Nó chạy trên bờ nước, trèo lên cửa sổ, chơi dao kéo, đồ nhọn hay với lửa, nghĩa là tất cả những thứ gì nguy hại cho nó và làm cho mọi người lo sợ. Chính sự giáo dục đã làm cho lo sợ phát sinh bởi vì chúng ta không thể để cho chúng tự học lấy những điều đó bằng kinh nghiệm được.

Nếu có những đứa trẻ chịu ảnh hưởng của sự giáo dục phát sinh ra lo sợ này tới một mức độ làm cho chúng tự mình tìm được những sự nguy hiểm mà người lớn đã nói đến nhưng không bao giờ biết trước là nguy hiểm, chính là vì trong người chúng có một nhu cầu khát dục mạnh hơn hay vì chúng có thói quen thỏa mãn tình dục rất sớm. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy nhiều đứa trẻ sau này sẽ trở nên những kẻ tinh thần bất an bởi lẽ không có gì làm cho bệnh thần kinh dễ phát ra hơn là việc con người không đủ khả năng chịu đựng trong một thời gian dài hay ngắn của sự dồn ép khát dục. Các bạn hãy nhận thấy rằng, ở đây chúng ta chú trọng đến yếu tố cấu thành mà quan trọng chưa hề bị chúng ta phủ nhận. Chúng ta chỉ chống đối lại cái quan niệm, chỉ chú trọng đến yếu tố cấu thành thôi mà không để ý đến những yếu tố khác, rằng cho yếu tố cấu thành một địa vị quan trọng nhất ngay cả trong trường hợp yếu tố này chỉ giữ một vai trò phụ thuộc thôi hay không có liên can gì cả.

Bây giờ các bạn cho phép tôi tóm tắt những kết quả lượm được trong việc quan sát trạng thái lo sợ trong đứa trẻ: sự lo sợ của đứa trẻ con gần như không có gì chung với sự lo sợ thực sự, trái lại rất gần sự lo sợ bệnh thần kinh của người lớn. Nó bắt nguồn từ một sự khát dục không đem dùng, rồi chỉ vì không tìm được đối tượng để tập trung tình ái vào đã thay thế khát dục bằng một vật bên ngoài hay một tình thế mới.

Và bây giờ các bạn hẳn không bực mình khi nghe tôi nói rằng chúng ta chẳng cần gì học các chứng sợ nữa. Trong các chứng sợ này giống y những sự lo sợ của trẻ con: khát dục không được đem dùng luôn luôn biến thành một sự lo sợ thực sự và do đó bất cứ một sự nguy hiểm nào từ bên ngoài vào đều có thể trở thành một cái gì thay thế cho sự đòi hỏi của khát dục. Sự tương đồng các chứng sợ và sự lo sợ trẻ con chẳng có gì đáng cho ta ngạc nhiên cả vì những chứng sợ trẻ con không những chỉ điển hình cho những chứng sợ của người lớn mà còn là điều kiện phát sinh trực tiếp của những chứng này nữa. Bất cứ một chứng sợ nào trong bệnh náo loạn thần kinh của người lớn bao giờ cũng bắt nguồn ở một chứng sợ trẻ con và chỉ tiếp tục chứng sợ này ngay cả khi nó có một nội dung khác hẳn và có một tên khác. Hai chứng bệnh nói trên chỉ khác nhau về cách hoạt động thôi. Trong người lớn, muốn cho sự lo sợ trở thành khát dục, sự việc khát dục không được dùng đến trong một khoảng thời gian nào đó chưa đủ. Người lớn từ lâu đã biết tạm xếp khát dục ra một bên và dùng nó một cách khác. Nhưng khi khát dục là thành phần của một sự hoạt động tinh thần đã bị dồn ép thì người ta lại thấy một tình trạng giống như tình trạng của trẻ con khi chúng không phân biệt được giữa vô thức và ý thức. Chính nhờ sự thụt lùi về chứng sợ trẻ con này mà khát dục tìm được một phương sách tiện lợi để biến thành lo sợ. Chúng ta đã nói nhiều đến sự dồn ép nhưng bao giờ cũng để ý đến số phần của trạng thái tình cảm đi liền với sự biểu thị của sự dồn ép và mãi đến tận bây giờ mới biết được số phận đầu tiên của trạng thái tình cảm này là phải biến thành lo sợ mặc dầu trong trạng thái bình thường đặc tính của nó ra sao. Sự biến đổi của trạng thái tình cảm này là phần quan trọng nhất của sự hoạt động của sự dồn ép. Nói đến nó không phải dễ dàng gì vì chúng ta không thể khẳng định sự có mặt của những trạng thái tình cảm vô thức như chúng ta đã khẳng định sự có mặt của các sự phát biểu vô thức. Dù vô thức hay hữu thức thì bao giờ sự phát biểu cũng vẫn có những tính chất như nhau và chúng ta rất có thể nói đến cái gì đã tương ứng cho một sự phát biểu vô thức. Nhưng một trạng thái tình cảm bao giờ cũng là một sự hoạt động phóng điện và phải được quan niệm khác một sự phát biểu; chưa tìm cách phân tích và vạch rõ những tiền đề liên quan đến những hoạt động tinh thần, chúng ta chưa thể nói trong trạng thái tình cảm sự vô thức tương ứng với cái gì. Vì thế nên chúng ta không làm công việc đó ở đây, nhưng chúng ta muốn giữ nguyên cái cảm tưởng là sự phát triển của lo sợ gắn liền vào hệ thống vô thức.

Tôi đã nói rằng sự biến đổi của khát dục thành lo sợ hay nói cho đúng hơn sự phát hiện của khát dục dưới hình thức lo sợ là số phận đầu tiên dành cho khát dục bị dồn ép. Tôi muốn nói rằng đó không phải là số phận duy nhất và cuối cùng của khát dục. Trong bệnh thần kinh có khi xảy ra sự diễn biến làm ngăn trở sự phát triển của lo sợ và thành công việc này bằng nhiều cách khác nhau. Trong các chứng sợ, chẳng hạn người ta nhận thấy có hai giai đoạn trong sự diễn biến bệnh thần kinh. Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn trong đó khát dục bị dồn ép và biến thành lo sợ trong khi lo sợ gắn liền vào một mối hiểm nguy bên ngoài. Trong giai đoạn thứ hai mọi sự đề phòng và bảo đảm được đưa ra để ngăn trở khát dục không cho tiếp xúc với mối nguy hiểm bên ngoài này. Sự dồn ép được coi như một mưu toan của cái tôi chạy trốn trước sự khát dục mà cái tôi coi như một mối nguy hiểm. Chứng sợ có thể coi như một trốn tránh chống với sự nguy hiểm bên ngoài lúc này đang thay vào chỗ của khát dục. Sự yếu kém của hệ thống phòng thủ đem dùng trong chứng sợ là ở chỗ cái thành trì rất mạnh ở bên ngoài lại không mạnh ở bên trong. Khát dục không thành công hoàn toàn trong việc đẩy lùi sự nguy hiểm ra ngoài. Vì thế cho nên trong các bệnh thần kinh khác mới có hệ thống phòng thủ khác chống lại sự phát triển có thể xảy ra của sự lo sợ. Đó là một chương mới rất hay trong tâm lý bệnh thần kinh, chúng ta không thể đề cập đến vấn đề này ngay được sợ nó sẽ dẫn ta đi rất xa, nhất là muốn hiểu được chúng ta cần có những điều hiểu biết đặc biệt sâu xa. Tôi chỉ cần thêm một vài câu vào những điều vừa nói. Tôi đã nói đến sự phản công của cái tôi để bảo vệ sự dồn ép với mục đích giữ cho sự dồn ép được tồn tại, nghĩa là để chống lại sự phát triển của sự lo sợ thường kèm theo sự dồn ép.

Chúng ta hãy quay trở lại các chứng sợ. Tôi đã trình bày là nếu chỉ tìm cách cắt nghĩa nội dung của các chứng sợ hay chỉ tìm xem đối tượng này hay đối tượng nọ hoặc trạng thái này hay trạng thái nọ sẽ trở thành đối tượng của chứng sợ thôi thì quả là một điều thiếu sót. Đối với chứng sợ thì nội dung của nó chẳng khác gì cái mặt trước của giấc mơ rõ ràng đối với chính giấc mơ. Người ta có thể công nhận rằng trong các nội dung của chứng sợ, có một vài đối tượng, đúng nhưng lời Stanleyfall nói, có thể trở thành đối tượng cho sự lo sợ công việc dự phòng gây ra. Giả thuyết này được xác nhận bằng sự kiện rằng rất nhiều đối tượng lo sợ này chỉ liên quan với sự hiểm nguy một cách tượng trưng thôi.

Như thế chúng ta đã rõ địa vị vô cùng quan trọng của vấn đề lo sợ trong tâm lý của bệnh thần kinh. Chúng ta biết rõ sự liên lạc chặt chẽ của phát triển lo sợ với những sự đổi thay của khát dục và hệ thống vô thức. Quan niệm của chúng ta tuy nhiên vẫn còn một lỗ hổng đó là chúng ta chưa thể xác định xem việc một sự lo sợ thực sự phải được coi như một sự phát biểu của bản năng tự bảo tồn của cái tôi do đâu mà ra.

26. Thuyết khát dục và bệnh thần kinh “narcissisme”

(Bệnh của những người mê say chính sắc đẹp của mình)

Đã nhiều lần và ngay mới đây thôi, chúng ta đã phân biệt khuynh hướng của cái tôi và những khuynh hướng tính dục. Sự dồn ép cho thấy là luôn luôn giữa hai khuynh hướng này có sự phản đối nhau và trong cuộc xung đột đó bao giờ những khuynh hướng tình dục cũng thua và phải tìm cách thoả mãn bằng những phương sách thụt lùi khác: trong thực tế người ta không thể chế ngự được những khuynh hướng tình dục, nhưng những khuynh hướng này tìm thấy trong tính cách không thể chế ngự được này một sự đền bù cho sự thất bại của mình. Chúng ta đã thấy hai loại khuynh hướng này có hai thái độ khác nhau đứng trước nhu cầu của đời sống thực tế và do đó chúng theo hai con đường phát triển khác nhau và liên lạc với thực tế bằng hai cách khác nhau. Chúng ta tưởng rằng những khuynh hướng tình dục liên lạc chặt chẽ với trạng thái tình cảm của cái tôi hơn những khuynh hường của chính cái tôi, nhưng điều này hoàn toàn đầy đủ đối với một vấn đề quan trọng duy nhất. Cho nên để hỗ trợ kết quả này chúng ta phải kể đến sự kiện đáng chú ý là sự không thoả mãn cái đói và cái khát, hai bản năng tự tồn tại sơ đẳng nhất không bao giờ biến những khuynh hướng đó thành những khuynh hướng lo sợ, trong khi việc khát dục không được thoả mãn bao giờ cũng biến thành khuynh hướng lo sợ đã trở thành một hiện tượng luôn luôn xảy ra và được biết đến nhiều nhất.

Vì vậy chúng ta quả có quyền phân biệt những khuynh hướng tình dục và khuynh hướng của cái tôi và không ai phủ nhận quyền đó được. Chính cái quyền phân biệt đó đã phát sinh ra việc có mặt của bản năng tình dục với tính cách một sự hoạt động của con người. Chỉ có điều cần hỏi là chúng ta gán cho sự phân biệt đó một tầm quan trọng, một tính cách sâu xa như thế nào? Chúng ta chỉ có thể trả lời câu hỏi đó một khi ấn định rõ ràng sự khác nhau trong khi hoạt động của những khuynh hướng tình dục trong cách phát hiện về phương diện cơ thể và tinh thần và những khuynh hướng khác trái ngược với chúng, và nhất là khi chúng ta biết rõ được tầm quan trọng của những hậu quả do sự khác nhau này gây ra. Tất nhiên chúng ta không có lý do gì để nói rằng giữa các khuynh hướng này có sự khác nhau gì về thực chất. Cả hai loại đều chỉ là những nguồn nghị lực và tìm hiểu xem có phải thực ra hai loại này chỉ là một hay không, hay giữa chúng có một sự khác nhau về một thực chất nào hay không và nếu trong thực tế chúng chỉ là một thì khi nào chúng tách bạch nhau ra; vấn đề này phải được thảo luận không dựa trên những khái niệm trừu tượng mà phải dựa trên căn bản những sự kiện do sinh lý học cung cấp. Những sự hiểu biết của chúng ta về vấn đề này còn thiếu sót, nhưng dù không thiếu sót chăng nữa thì vấn đề đó cũng chẳng thuộc phạm vi môn phân tâm học.

Chúng ta sẽ không có lợi gì khi chấp nhận ý kiến của Jung về tính duy nhất, căn bản của mọi bản năng và gán cho những nghị lực được phát hiện ra trong các bản năng đó cái danh dự “khát dục”. Vì không thể nào gạt bỏ được cơ năng tình dục ra ngoài đời sống tinh thần, chúng ta bị bắt buộc phải nói đến một sự khát dục có tính chất tình dục và một sự khát dục không có tình chất tình dục. Chúng ta có lí do khi chỉ dùng danh từ khát dục chỉ những khuynh hướng tình dục thôi và từ trước tới nay chúng ta bao giờ vẫn cũng chỉ dùng danh từ khát dục theo nghĩa đó thôi.

Vì thế nên tôi nghĩ rằng vấn đề nên đi xa tới mức nào trong việc phân biệt những khuynh hướng tình dục và các khuynh hướng tự bảo tồn khác không thành vấn đề, không quan trọng đối với phân tâm học. Phân tâm học không có thẩm quyền giải quyết vấn đề đó. Tuy nhiên sinh lý học cho ta vài điều chỉ dẫn chứng tỏ rằng sự phân cách đó có ý nghĩa sâu xa. Tình dục là cơ năng độc nhất trong cơ thể con người vượt ra khỏi cá nhân và ràng buộc con người với dòng giống con người. Sự hoạt động của cơ năng này không có ích cho cá nhân như các cơ năng khác, trái lại còn gây ra biết bao nhiêu nguy hiểm đe dọa đời sống con người, nhiều khi còn làm mất đời sống này nữa, khi cơ năng đạt đến mức khoái lạc cao. Vả lại có thể một phần nào đời sống sau với tính cách di truyền. Sau cùng con người cá nhân thường tự coi như yếu tố cần thiết nhất và coi tình dục như một cách thoả mãn như trăm ngàn cách khác, về phương diện sinh lý chỉ là một giai đoạn trong bao nhiêu thế hệ, một cái bướu trong một nguyên sinh chất bất diệt, một người chiếm lĩnh tạm thời trong một sự giao thác di sản.

Tuy nhiên, sự giải thích bệnh thần kinh về phương diện phân tâm học không cần đến nhận xét có tầm quan trọng quá cao như thế. Sự khảo sát riêng biệt khuynh hướng tình dục và khuynh hướng của cái tôi đã cung cấp cho ta phương sách tìm hiểu bệnh thần kinh hoán chuyển. Bệnh này chính là kết quả của sự xung đột giữa những khuynh hướng tình dục và những khuynh hướng bản năng tự bảo tồn, hay nói về phương diện sinh lý bằng những danh từ mơ hồ hơn, giữa cái tôi được hiểu như cá nhân con người độc lập, với cái tôi coi như một phần tử của một thế hệ. Chúng ta có đủ lý do tin rằng chỉ loài người mới có sự phân biệt giữa hai cái tôi cá nhân và xã hội này; cho nên trong tất cả các giống vật trên mặt đất, con người đã hiến cho chúng ta một môi trường tốt nhất để khảo sát về bệnh thần kinh. Sự phát triển quá mức của khát dục của con người, đời sống tinh thần dồi dào, hậu quả của sự phát triển khát dục có vẻ như đã tạo điều kiện gây ra sự xung đột đó. Tất nhiên chính những điều kiện này cũng là điều kiện phát sinh ra những tiến bộ to lớn của loài người, những điều tiến bộ giúp cho loài người bỏ lại đằng sau tất cả những cái gì có chung với loài vật, thành ra tính di truyền làm cho con người dễ mắc bệnh thần kinh chính là mặt trái của chiếc mề đay, nghĩa là của những năng khiếu có tính chất thuần tuý của con người. Nhưng thôi chúng ta hãy tạm gác lại những điều lý luận chỉ có tác dụng đưa chúng ta đi xa những vấn đề hiện đại.

Từ trước tới nay chúng ta làm việc trên căn bản định đề là có thể phân biệt được những khuynh hướng của cái tôi và những khuynh hướng tình dục dựa theo sự phát hiện của cả hai. Đối với bệnh thần kinh hoán chuyển thì sự phân biệt như thế chẳng gặp khó khăn gì. Chúng ta đã gọi là khát dục những sự hao phí sinh lực mà cái tôi dành cho những đối tượng của các khuynh hướng tình dục và gọi là “lợi ích” những sự hao phí sinh lực bắt nguồn trong các bản năng tự bảo tồn; bằng cách theo dõi mọi định cư của khát dục, những sự biển đổi và số phận sau cùng của nó, chúng ta đã có được một khái niệm đầu tiên về sự hoạt động của các động lực tinh thần. Về phương diện này, bệnh thần kinh hoán chuyển đã hiến cho ta vật liệu được việc nhất. Nhưng về chính cái tôi, về những tổ chức của cái tôi, cách cấu tạo và hoạt động của những tổ chức này ta chưa biết gì hết và chúng ta chỉ có thể đồ chừng là biết đâu sự phân tích các bệnh thần kinh khác chẳng giúp cho ta rọi ánh sáng vào những vấn đề đó.

Chúng ta đã mở rộng quan điểm phân tâm học của chúng ta đến những chứng bệnh khác này. Chính vì thế nên năm 1908 sau một cuộc thảo luận với tôi, K.Abraham đã đưa ra đề luận là đặc tính chính của bệnh điên sớm phát nằm trong sự việc khát dục không định cư trên những đối tượng của căn bệnh này (giữa bệnh náo loạn thần kinh và bệnh điên sớm phát có những sự khác nhau về tâm lý tình dục). Nhưng một khi khát dục của những người điên không định cư trên những đối tượng thì nó đi đâu? Abraham trả lời là khát dục quay trở lại với cái tôi và chính sự quay trở lại này, việc khát dục nhảy vội về với cái tôi chính là nguồn gốc của thói quen kỳ cục thích danh vọng cao sang trong bệng điên phát sớm. Thói quen kỳ cục thích danh vọng cao sang có thể so sánh với sự thái quá về giá trị tình dục của đối tượng mà người ta nhận thấy trong đời sống tình ái. Đây là lần đầu tiên chúng ta nhận thấy một đặc điểm của bệnh tâm lý đứng trước một đời sống tình ái bình thường.

Tôi phải nói ngay với các bạn: những quan niệm đầu tiên của Abraham vẫn còn tồn tại trong phân tâm học và trở thành căn bản trong thái độ của chúng ta đối với bệnh thần kinh. Dần dần người ta quen với ý nghĩ là sự khát dục mà chúng thường thấy định cư trên các đối tượng, sự phát hiện của một khuynh hướng tìm được thoả mãn bằng những đối tượng đó, sự khát dục cũng có thể bỏ rơi các đối tượng đó và thay thế chúng bằng cái tôi. Lúc đó người ta mới tìm cho sự phát hiện này một hình thức hoàn hảo hơn bằng cách đặt những liên lạc chặt chẽ hơn giữa những yếu tố cấu thành của nó. Chữ “narcissisme” mà chúng ta để chỉ sự di chuyển nói trên lấy ở một bệnh mà P.Nacke đã mô tả, trong đó người đứng tuổi đối với thân thể mình có một sự say mê âu yếm thường thấy trong một đối tượng tình dục bên ngoài.

Người ta đã tự nhủ là nếu một khi khát dục có thể định cư ngay trên chính thân thể mình thay vì phải định cư trên một đối tượng khác thì sự việc đó không thể được coi là một sự việc đặc biệt và không có ý nghĩa; mà bệnh “narcissisme” chính là trạng thái nói chung và sơ khởi rồi từ đó mới phát sinh ra tình ái đối với một đối tượng và sự phát sinh này không vì thế mà làm mất đi bệnh “narcissisme”. Theo những điều chúng ta biết về sự phát triển của khát dục đối với đối tượng, rất nhiều khuynh hướng tình dục lúc đầu đã được sự thoả mãn mà người ta gọi là tự thoả mãn này giải thích tại sao tình dục lại chậm trễ trong việc thích ứng với nguyên lý thực tế do giáo dục mang lại. Như vậy, tức là sự tự thoả mãn là hoạt động tình dục trong giai đoạn “nác sít” của sự định cư khát dục.

Tóm lại, chúng ta đã tự tạo ra một hình dung về các liên quan giữa khát dục của cái tôi và khát dục khách quan mà tôi có thể cụ thể hoá bằng một sự so sánh lấy trong động vật học. Các bạn hẳn biết những sinh vật sơ đẳng gồm có một nguyên sinh chất chỉ hơi khác nhau chút ít. Những sinh vật này phóng ra những chân giả để tiêu thoát sức sống của chúng. Nhưng chúng cũng có thể rút những chân giả đó lại và cuốn tròn mình lại như một viên tròn. Chúng ta ví những chân giả đó với sự vươn mình của khát dục tới những đối tượng trong khi khối chính của nó vẫn nằm trong cái tôi, chúng ta cho rằng trong những trường hợp bình thường khát dục của cái tôi có thể biến thành khát dục khách quan và chính khát dục khách quan cũng có thể quay trở lại với cái tôi được.

Nhờ những hình dung này chúng ta có thể giải thích, hay nói một cách khiêm nhường hơn, mô tả một số lớn trạng thái tinh thần phải được coi như nằm trong đời sống bình thường, thái độ tinh thần trong tình ái, trong các chứng bệnh cơ thể, trong giấc ngủ. Về trạng thái giấc ngủ, chúng ta đã nói rằng giấc ngủ chính là sự thoát khỏi ảnh hưởng của đời sống bên ngoài phụ thuộc vào ham muốn được ngủ ngon. Chúng ta đã nói rằng mọi hoạt động tinh thần ban đêm trong giấc mơ đều làm việc cho sự ham muốn này, chịu sự quy định và chế ngự của những lý do ích kỷ. Đứng về phương diện khát dục chúng ta cho rằng giấc ngủ là một trạng thái trong đó mọi sinh lực, khát dục hay ích kỷ, gắn liền vào đối tượng, rời khỏi các đối tượng đó để quay vào cái tôi. Các bạn có thấy rằng quan niệm này chỉ rõ cho ta thấy tính chất sự nghỉ ngơi và sự mệt nhọc trong giấc ngủ không? Quang cảnh được thoát khỏi đời sống bên ngoài một cách sung sướng như thế được bổ túc về phương diện tinh thần. Trạng thái phân phối khát dục cổ xưa lại trở lại trong người ngủ: trong đó khát dục là lợi ích của cái tôi sống, chúng rất hoà hợp, dính liền vào nhau trong một cái tôi không cần đến bất cứ một yếu tố nào khác.

Ở đây chúng ta cần hai nhận xét: Thứ nhất chúng ta làm thế nào phân biệt được “nác xít” và sự ích kỷ? Theo ý tôi, “nác xít” chính là sự bổ túc có tính cách khát dục cho sự ích kỷ. Nói đến ích kỷ chúng ta chỉ nghĩ đến nhiều điều gì có ích cho cá nhân; nhưng nói đến “nác xít” chúng ta nghĩ đến sự thoả mãn khát dục của cá nhân. Về phương diện thực tế, sự khát biệt giữa ích kỷ và “nác xít” có thể đi xa nữa. Người ta có thể rất ích kỷ nhưng vẫn không thôi gán cho một vài đối tượng rất nhiều sinh lực khát dục trong khi sự thoả mãn này tương ứng với những sự đòi hỏi của cái tôi. Sự ích kỷ sẽ làm sao cho sự theo đuổi những đối tượng đó không làm hại đến cái tôi cả. Người ta có thể vừa ích kỷ mà lại vừa có tính “nác xít” rất trầm trọng nữa. Nghĩa là có thể gạt ra ngoài những đối tượng tình dục một cách dễ dàng hoặc về phương diện của thoả mãn tình dục trực tiếp hoặc về phương diện của những khuynh hướng dẫn xuất từ nhu cầu tình dục mà chúng ta thường đối lập với tình dục thuần tuý, điều này chúng ta goị là tình ái. Trong tất cả các trạng thái phỏng đoán nay sự ích kỷ xuất hiện như một yếu tố đặt trên hết mọi điều phản đối, một yếu tố bất biến, trong khi “nác xít” chỉ là yếu tố luôn luôn thay đổi. Sự trái ngược của ích kỷ, sự vị tha không hề trùng hợp với sự phụ thuộc của các đối tượng vào sự khát dục, khác ích kỷ ở chỗ không theo đuổi sự thoả mãn tình dục. Chỉ trong trạng thái tình ái tuyệt đối, lòng vị tha mới trùng hợp với sự tập trung khát dục vào một đối tượng. Đối tượng tình dục thu hút vào cho mình một phần của “nác xít” do đó chúng ta mới có cái mà chúng ta gọi là “sự thái quá giá trị tình dục của đối tượng”. Nếu thêm vào đó chúng ta có tính vị tha của sự ích kỷ truyền vào đối tượng tình dục thì đối tượng này trở nên mạnh vô cùng: người ta có thể cho rằng đối tượng đó đã thu hút cả cái tôi.

Sau bài thuyết trình khô khan và khó nhai của khoa học chắc các bạn sẽ khoan khoái khi nghe một bài ca tả sự trái ngược giữa “nác xít” và trạng thái tình yêu. Tôi lấy bài này trong Westostilicher Divan của Goêth:

SULEIKA

Các dân tộc dù là kẻ nô lệ hay kẻ chiến thắng

Bao giờ cũng đồng ý với nhau ở điểm này:

Hạnh phúc tuyệt đối của trẻ con trong trái đất,

Chỉ thấy trong cá tính con người thôi.

Dù đời sống như thế nào chăng nữa, người ta cũng sống được,

Một khi người ta biết rõ chính mình,

Chả có gì mất đi hết,

Một khi người ta vẫn nguyên như người ta bây giờ,

HATEM

Có thể được lắm. Đó là dự luận thường thường.

Nhưng tôi theo mọt con đường khác.

Tất cả hạnh phúc trên trái đất này,

Tôi chỉ thấy tập trung hết trong người Suleika thôi.

Chỉ trong trường hợp nàng ban cho tôi những đặc ân.

Nếu nàng không thèm nhìn tôi,

Tôi cho rằng,

Tôi sẽ mất hết.

Sẽ không còn thằng Hatem nữa.

Nhưng tôi biết tôi sẽ làm gì.

Tôi sẽ hoà mình vào trong con người sung sướng.

Được nàng ban cho những cái hôn.

Tôi đã có dịp quan sát một trường hợp như thế và khẳng định quan niệm của tôi mặc dù bề ngoài có vẻ mâu thuẫn. Người con gái tưởng tượng rằng mình bị một người đàn ông đã đến chỗ hẹn với nàng hai lần rồi hành hạ, thực ra là nàng đã bắt đầu thù ghét một người đàn bà mà nàng coi là đã thay thế mẹ nàng. Mãi sau khi đến chỗ hẹn lần thứ hai với người đàn ông, nàng mới chuyển sự thù ghét người đàn bà sang người đàn ông. Vậy điều kiện người cùng phái đã được thực hiện trong trường hợp thứ hai này cũng như trong trường hợp thứ nhất. Trong lời phàn nàn của nàng đối với vị luật sự và vị bác sĩ của mình, người bệnh đã không đả động gì đến giai đoạn đầu tiên đó và chính điều này có vẻ như đã cải chính quan niệm của chúng ta về vấn đề người cùng phái.

Trong giai đoạn sơ khai, sự đồng tính luyến ái trong việc chọn lựa đối tượng giống bệnh “nác xít” ở nhiều điểm hơn là giống bệnh luyến ái thường tình. Vì thế cho nên khi muốn tránh một khuynh hướng đồng tính luyến ái quá mạnh, người ta thường quay về bệnh nác xít một cách dễ dàng hơn. Cho tới nay tôi chưa có dịp nói cho các bạn nghe về nền móng của đời sống ái tình nhưng ngay bây giờ tôi cũng chưa thể lấp chỗ trống đó được. Tất cả những điều có thể nói cho các bạn nghe là sự lựa chọn đối tượng, sự tiến bộ trong sự phát triển khát dục sau giai đoạn nác xít có thể tiến hành theo hai giai đoạn khác nhau: hoặc theo loại nác xít, cái tôi của đương sự được thay thế bằng một cái tôi nào đó giống nó nhất; hoặc theo loại mở rộng, những người được chọn làm đối tượng cho khát dục là những người trở nên cần thiết vì giúp vào việc thỏa mãn những nhu cầu khác của đời sống. Khi nào khát dục chọn đối tượng theo loại nác xít, tôi cho rằng khát dục thuộc thành phần những kẻ hướng về đồng tính luyến ái nhiều hơn.

Trong một bài học trước đây tôi có nói chuyện cho các bạn nghe về trường hợp của người đàn bà có thói ghen tuông. Bây giờ sắp đến lúc bài học chấm dứt chắc các bạn tò mò muốn biết tôi giải thích một thói quen như thế nào đứng về phương diện phân tâm học. Tôi tiếc là chỉ có thể nói cho các bạn nghe về điểm này ít hơn những điều bạn chờ đợi ở tôi. Sở dĩ chúng ta không thể dùng lý luận và kinh nghiệm để cắt nghĩa những hình ảnh tương tự trong bệnh ám ảnh là vì có những liên quan của nó với vô thức mà chính ý tưởng ám ảnh và cái thói quen kỳ cục này lại đại diện cho vô thức và chế ngự nó. Hai bệnh này chỉ khác nhau về mặt ngoài và tính cách sống động thôi.

Cũng như trong bệnh vọng tưởng chúng ta cũng tìm thấy trong bệnh buồn rầu u uất một vết rạn giúp cho ta lời trách móc không thương hại mà những kẻ buồn rầu u uất thường đưa ra để tự gán cho mình thực ra áp dụng cho một người khác, đối tượng tình dục mà họ đã mất hay không còn kính phục như trước nữa. Chúng ta đã đi đến kết luận là nếu người buồn rầu u uất đã đánh rơi đối tượng của khát dục thì đối tượng đó sẽ trở vào trong cái tôi sau một diễn biến mà người ta gọi là một sự đồng nhất hóa có tính cách nác xít. Tôi chỉ có thể hiến cho các bạn một hình ảnh của sự đó thôi chứ không thể cho một sự mô tả về bên ngoài cũng như về tính cách sống động. Lúc đó cái tôi được đối xử như một đối tượng bị bỏ rơi, chịu mọi sự tấn công và thù hằn mà nó gán cho đối tượng. Dựa vào quan niệm này chúng ta có thể dễ dàng cắt nghĩa mưu toan tự tử thường thấy ở con người u uất vì người bệnh nhất định huỷ bỏ cùng một lúc chính mình và đối tượng vừa yêu vừa ghét. Trong bệnh u uất cũng như các bệnh nác xít khác, thường phát hiện ra một đặc tính của đời sống tình cảm mà chúng ta gọi là song đường. Đó là sự có mặt của những tình cảm thân thiện và thù nghịch đối với một người khác. Không may là tôi lại không có cơ hội để nói chuyển cho các bạn nghe về sự song đường này.

Cạnh sự đồng nhất nác xít còn có một sự đồng nhất trong náo loạn thần kinh mà chúng ta biết rõ từ lâu. Tôi muốn chỉ rõ cho các bạn xem giữa hai sự đồng nhất này có những khác biệt nhờ vào mấy thí dụ được lựa chọn cẩn thận. Về hình thức định kỳ và chu kì của bệnh u uất, tôi có thể nói cho các bạn nghe một điều mà chắc các bạn rất thích. Nếu có điều kiện thuận lợi chúng ta có thể dùng lối nói chữa chạy theo phân tâm học trong những thời gian giữa khi nổi cơn ngăn cản không cho tình trạng u uất trở lại dù dưới khía cạnh tình cảm nào. Người ta sẽ nhận ra rằng trong bệnh u uất cũng những trong thói quen kỳ cục đều có cách giải quyết một cuộc xung đột có tính cách đặc biệt mà các yếu tố đều giống y như trong các bệnh thần kinh khác. Các bạn thấy ngay là tâm lí học còn có nhiều dữ kiện phải thu lượm được trong phạm vi này.

Tôi cũng đã nói cho các bạn biết rằng, chúng ta có thể nhờ phân tâm học thu lượm được nhiều điều hiểu biết liên quan đến cái tôi, đến những yếu tố cấu thành của nó. Chúng ta cũng đã bắt đầu nhìn thấy sự cấu thành này, những yếu tố này. Khi phân tích thói quen kỳ cục quan sát, chúng ta tưởng đã có thể kết luận được rằng trong cái tôi quả có một cái gì quan sát chỉ trích, so sánh mãi không biết mệt và chống đối lại những phần khác của cái tôi. Vì thế cho nên tôi cho rằng người bệnh đã nói sự thực – một sự thực mà chúng ta không quan tâm đến một cách xứng đáng – khi phàn nàn rằng mỗi bước đi của anh ta đều bị quan sát rình mò, mỗi ý nghĩ đều bị vén màn bí mật và chỉ trích. Điều lầm độc nhất của người bệnh là đặt cái động lực khó chịu đó ở bên ngoài. Người bệnh thấy trong mình có một cái gì đang đo lường cái tôi hiện thời của mình và mỗi sự phát biểu của cái tôi đó theo một cái tôi lý tưởng mà anh ta tự tạo ra trong quá trình phát triển. Tôi nghĩ rằng sự tự tạo đó được thực hiện với ý muốn lập lại sự tự bằng lòng mình, một sự tự bằng lòng mình đi liền với tính cách nác xít lúc sơ khai thời thơ ấu đã bị biết đau biết bao nhiêu rối loạn và đau buồn. Cái gì đang rình mò đó, chúng ta biết rõ: đó chính là con người kiểm duyệt của cái tôi: ý thức con người. Chính ý thức này kiểm duyệt các giấc mơ, đó chính là nơi xuất phát của những sự dồn ép các ham muốn không thể chấp nhận được. Chịu ảnh hưởng của thói quen hay quan sát, ý thức bị tan rã và cho người ta biết rõ nguồn gốc của nó: đó là những ảnh hưởng của cha mẹ, những nhà giáo dục, bầu không khí giáo dục xung quanh; đồng hoá với một vài người mà ta chịu ảnh hưởng.

Đó là một vài kết quả thu lượm được nhờ sự áp dụng phân tâm học cho các bệnh thần kinh nác xít. Tôi công nhận những kết quả này không nhiều lắm, không được rõ ràng lắm tuy sự rõ ràng này chỉ có thể có được khi chúng ta quen dần với phạm vi mới này. Sở dĩ đạt được những kết quả đó là nhờ chúng ta đã dùng đến khái niệm về sự khát dục nác xít và chính khái niệm này đã giúp cho chúng ta mở rộng đến các bệnh nác xít những điều đã khảo sát được trong bệnh thần kinh hoán chuyển. Và bây giờ chắc các bạn tự hỏi không biết chúng ta có thể đạt được một kết quả theo đó thì tất cả mọi sự rối loạn nác xít và các chứng bệnh về tâm lí đều bắt nguồn ở khát dục cả không, và không biết có phải yếu tố khát dục trong đời sống tinh thần chịu trách nhiệm về sự phát triển sinh ra bệnh thần kinh mà không có một sự thay đổi nào trong sự hoạt động của các bản năng tự bảo tồn không? Tôi cho rằng lúc này chưa cần trả lời câu hỏi đó và nó cũng đủ chín để chúng ta đưa ra. Chúng ta hãy chờ đợi cho khoa học tiến triển thêm nữa. Một ngày kia tôi sẽ không ngạc nhiên nếu thấy những khuynh hướng khát dục chiếm độc quyền trong việc phát sinh ra bệnh thần kinh và thấy thuyết về khát dục toàn thắng trong mọi lĩnh vực từ những bệnh thần kinh hiện tại đơn giản nhất cho tới bệnh điên khùng nặng nhất đối với con người. Chúng ta đã chẳng thấy rằng điều biểu thị cho sự khát dục chính là sự từ chối không chịu khuất phục thực tế trong cuộc đời của nó sao? Nhưng tôi có cảm tưởng rằng những khuynh hướng của cái tôi, bị các sự thúc đẩy của khát dục lôi cuốn, cũng cảm thấy những bối rối trong khi hoạt động, Và nếu một ngày kia tôi được tin rằng trong các bệnh tâm lí nặng những khuynh hướng của cái tôi có thể có những công trình khảo cứu của phân tâm học đã đi lạc hướng. Nhưng đó chỉ là vấn đề trong tương lai, ít nhất cũng đối với các bạn. Các bạn hãy cho phép tôi quay trở lại sự lo sợ một chút để rũ bỏ một điểm chưa được rõ ràng. Chúng ta đã nói rằng vì những liên quan rõ ràng giữa sự lo sợ và khát dục, chúng ta không thể chấp nhận được rằng sự lo sợ khi đứng trước một mối nguy hiểm lại là sự phát biểu của những bản năng tự bảo tồn – vậy mà điều đó lại không thể nào chối cãi được. Có thể nào trạng thái tình cảm do sự biểu thị lại không bắt nguồn ở những bản năng ích kỉ của cái tôi mà bắt nguồn ở sự khát dục của cái tôi không? Sự thực là trạng thái lo sợ không hợp lí một chút nào và tính bất hợp lí đó xuất hiện càng rõ hơn khi nó đạt tới mức độ cao hơn. Lo sợ lúc đó làm rối loạn hành vi của con người, hành vi chạy trốn hay hành vi tự bảo vệ, hành vi độc nhất hợp lí để tự bảo tồn. Vì thế cho nên khi chúng ta gán cái phần tình cảm trong sự lo sợ thực sự cho sự khát dục của cái tôi, và gán hành vi phát hiện trong dịp đó cho bản năng tự bao tồn, chúng ta đã gạt bỏ được những khó khăn về lý thuyết. Các bạn không tin một cách đúng đắn rằng – tôi hy vọng như thế – người ta lo sợ và chạy trốn chỉ vì người ta lo sợ chứ? Không, người ta lo sợ và chạy trốn vì một nguyên cớ: đó là vì người ta thấy mối nguy hiểm hiện ra. Những người đã gặp nhiều sự nguy hiểm ghê ghớm kể lại rằng họ không hề lo sợ mà chỉ hành động bằng cách chĩa khí giới về phía con vật. Chẳng hạn, đó quả thực là một phản ứng không gì hợp lí hơn được.

Nhận xét thứ hai của tôi bổ túc cho thuyết về giấc mơ. Chúng ta sẽ không thể cắt nghĩa được sự phát sinh ra giấc mơ nếu chúng ta không công nhận, với tính cách bổ túc, rằng vô thức bị dồn ép trở nên độc lập với cái tôi trong một mức độ nào đó, thành ra nó không chịu sự chế ngự của ham muốn trong giấc ngủ và giữ vững vị trí của nó dù rằng mọi sinh lực khác phụ thuộc vào cái tôi đều bị thu hút để phục vụ giấc ngủ trong mức độ mà chúng gắn liền vào những đối tượng. Đến lúc đó chúng ta mới hiểu tại sao cái vô thức có thể lợi dụng được sự huỷ bỏ hay giảm sút của kiểm duyệt trong đêm để cướp lấy “những cái gì còn sót lại ban ngày” để cùng với các vật liệu do những cái gì còn sót lại cung cấp, hợp thành một ham muốn trong mơ bị cấm đoán. Ngoài ra cũng có thể là “những cái gì còn sót lại ban ngày”, do việc nó giao tiếp với cái vô thức bị dồn ép có đủ khả năng chống lại khát dục bị giấc ngủ xâm chiếm hết. Trong sự kiện này có một đặc tính vô cùng quan trọng có tính cách sống động mà chúng ta phải đưa vào trong quan niệm của chúng ta liên can đến sự thành lập giấc mơ.

Một bệnh trong cơ thể, một cái gì làm cho mình đau đớn; một chứng viêm ở cơ quan nào đó đều tạo ra một trạng thái mà hậu quả là sự tách rời của sự khát dục ra khỏi đối tượng của nó. Khát dục sau khi rời khỏi đối tượng của mình trở vào với cái tôi để bám chặt vào bộ phận đau đớn trong thân thể. Người ta có thể khẳng định rằng trong những điều kiện này sự tách rời của khát dục ra khỏi đối tượng của nó còn mạnh hơn sự tách rời của sự ích kỷ đối với thế giới bên ngoài. Điều này như mở đường cho chúng ta hiểu rõ bệnh uất trong đó, một cơ quan cũng làm cho cái tôi bận tâm rất nhiều nhưng chúng ta không biết rằng cái tôi lúc đó cũng đang bệnh. Nhưng tôi không muốn đi sâu hơn vào con đường này nữa, hay phân tích những trạng thái mà giả thuyết về sự quay trở về trong cái tôi của sự khát dục có thể làm thành dễ hiểu hơn hay cụ thể hơn: lý do là tôi muốn nhanh chóng trả lời hai điểm mà các bạn muốn hỏi. Thứ nhất, các bạn muốn biết tại sao khi nói đến giấc ngủ, đến bệnh tật và các tình trạng khác, tôi lại phân biệt “khát dục” và “lợi ích”, “khuynh hướng tình dục” và “khuynh hướng của cái tôi” trong khi người ta có thể phân tích các sự đó bằng cách chỉ nói đến một sinh lực duy nhất, sinh lực này trong khi hoạt động có thể hoặc bám vào đối tượng, hoặc bám vào cái tôi, phục vụ cho khuynh hướng này hay khuynh hướng khác. Thứ hai các bạn ngạc nhiện khi thấy tôi coi sự tách rời khát dục ra khỏi đối tượng như nguồn gốc của một trạng thái bệnh hoạn trong khi sự biến đổi của khát dục khách quan thành khát dục của cái tôi, cũng thuộc thành phần các hoạt động tinh thần bình thường lặp đi lặp lại hàng ngày, hàng đêm.

Tôi trả lời như sau. Lời bài bác thứ nhất của bạn nghe được. Việc xem xét những trạng thái giấc ngủ, bệnh tật và tình ái có lẽ không bao giờ sẽ dẫn tới sự phân biệt giữa khát dục khách quan và khát dục của cái tôi, giữa khát dục và lợi ích. Nhưng bạn đã quên mất những công trình khảo cứu khởi đầu của chúng ta, những công trình đã rọi ánh sáng vào những trạng thái tinh thần mà chúng ta đã khảo cứu từ trước tới nay. Chỉ vì đã chứng kiến sự xung đột phát sinh ra bệnh thần kinh chuyển hoán mà giữa những bản năng tình dục và bản năng tự bảo tồn. Chúng ta không thể nào bỏ được sự phân biệt đó. Việc khát dục của các đối tượng có thể biến thành khát dục của cái tôi, việc phải xét đến sự có mặt của khát dục của cái tôi là cách giải thích duy nhất có giá trị đối với những điều bí ẩn của bệnh thần kinh mà chúng ta gọi là “nác xít”, ví dụ như bị điên sớm phát, đối với những điều giống nhau và khác nhau giữa bệnh này một đằng và bệnh náo loạn thần kinh cùng bệnh ám ảnh đằng khác. Hiện nay chúng ta áp dụng cho giấc ngủ, bệnh tật và trạng thái tình ái những điều mà chúng ta thấy không thể chối cãi được tại nơi khác. Chúng ta cần tiếp tục sự áp dụng đó để xem chúng sẽ đưa chúng ta tới đâu. Đề luận duy nhất không được rút ra một cách trực tiếp từ sự nghiên cứu phân tâm học là như sau: khát dục vẫn là khát dục, dù đem áp dụng cho các đối tượng hay cho cái tôi của đương sự và không bao giờ nó biến thành lợi ích, ích kỷ cả; đối với lợi ích cũng vậy, nó không bao giờ biến thành khát dục cả. Nhưng đề luận này cũng giống như sự phân biệt giữa khuynh hướng tình dục và khuynh hướng của cái tôi, sự phân biệt mà chúng ta phải giữ lại cho tới khi nó bị phủ nhận vì lý do ích lợi của sự phát minh.

Lời bài bác thứ hai của bạn cũng đúng nhưng đi sai đường hướng. Tất nhiên sự quay trở về với cái tôi của khát dục sau khi tách rời khỏi đối tượng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh; chúng ta chẳng đã thấy hiện tượng này xảy ra trước khi bắt đầu giấc ngủ để rồi lại thụt lùi trở lại sau khi thức dậy sao? Giống vật li ti trong nguyên sinh chất thụt chân giả vào rồi lại thò ra khi gặp cơ hội. Nhưng sự việc xảy ra khác hẳn khi có một sự diễn tiến nào đó rất cương quyết bắt buộc khát dục phải tách rời khỏi đối tượng. Khát dục sau khi trở thành “nác xít” không tìm lại được con đường trở về đối tượng nữa và chính sự giảm sút của tính di động của khát dục mới là nguyên nhân gây bệnh. Người ta có thể nói rằng trong một vài giới hạn nào đó sự tích luỹ của khát dục không chịu đựng được. Nếu khát dục phải bám vào một đối tượng nào đó chính là vì cái tôi gây nên. Nếu chúng ta định đi vào chi tiết của bệnh điên sớm phát, tôi sẽ cho các bạn hay rằng sự diễn tiến làm cho khát dục sau khi tách rời khỏi đối tượng không tìm được quay về với những đối tượng đó nữa - sự diễn tiến đó cũng gần sự dồn ép hay một sự gì giống thế. Nếu tôi nói cho bạn hay rằng những điều kiện của sự dồn ép thì các bạn sẽ có cảm tưởng như đang đi trên con đường quen thuộc. Sự xung đột có vẻ như chỉ là một, và diễn ra bằng những sức mạnh giống nhau. Nếu kết quả của cuộc xung đột đó có khác nhau như trong bệnh náo loạn thần kinh chẳng hạn thì đó chỉ là do sự khác nhau về bản chất. Trong người bệnh của chúng ta, phần yếu trong quá trình phát triển của khát dục, phần gây ra triệu chứng, lại ở chỗ khác. Có lẽ tương ứng với giai đoạn sơ khai của “nác xít” mà bệnh điên sớm phát quay trở lại trong giai đoạn cuối cùng của nó. Điều đáng chú ý là chúng ta bị bắt buộc phải công nhận trong khát dục của tất cả các bệnh thần kinh “nác xit” những điểm định cư tương ứng với những giai đoạn phát triển sớm hơn trong các bệnh náo loạn thần kinh và ám ảnh nhiều. Nhưng các bạn biết rằng những khái niệm chúng ta thu lượm được trong khi khảo sát bệnh thần kinh chuyển hoán cũng giúp cho chúng ta tìm được đường hướng phải theo trong bệnh thần kinh “nác xít” khó tìm hơn nhiều về phương diện thực tế. Những điểm giống nhau rất nhiều và thực ra chỉ có một hiện tượng thôi. Vì thế cho nên bạn hiểu rõ những sự khó khăn, nếu không nói là không thể được đối với những muốn dựa vào thần kinh học để cắt nghĩa những bệnh này mà không biết gì về bệnh thần kinh hoán chuyển phân tâm học.

Bệnh điên sớm phát không phải chỉ có những triệu chứng thoát ra từ sự tách bạch của khát dục khỏi các đối tượng rồi tích luỹ lại bên trong cái tôi, với tính chất của một khát dục “nác xít”. Người ta phải dành chỗ lớn cho những hiện tượng khác gắn liền vào những cố gắng của khát dục đối với các đối tượng, nghĩa là tương ứng với một mưu toan trả lại hay khởi bệnh. Những triệu chứng sau này còn ầm ĩ đáng chú ý hơn nữa. Chúng có nhiều điểm giống nhau với triệu chứng của bệnh náo loạn thần kinh, ít điểm giống nhau hơn với bệnh ám ảnh, tuy nhiên vẫn khác cả hai bệnh này về những điểm khác. Có vẻ như trong sự cố gắng quay trở lại với đối tượng bệnh trong thần kinh sớm phát, khát dục đã thành công trong việc bám vào các đối tượng đó nhưng thực sự chỉ bám vào được bóng của các đối tượng đó thôi, nghĩa là vào sự phát biểu thành lời nói của các đối tượng đó. Tôi không thể nói nhiều hơn nữa nhưng cho rằng thái độ của khát dục trong khi cố gắng quay về với các đối tượng đã giúp cho ta hiểu rõ được sự khác biệt thực sự giữa một sự khác biệt hữu thức và một sự phát biểu vô thức.

Tôi đã đưa các bạn vào một vùng đất trong đó môn phân tâm học sẽ đạt được nhiều tiến bộ. Kể từ khi chúng ta quen với danh từ “khát dục của cái tôi” chúng ta đã tìm hiểu được bệnh thần kinh nác xít; công việc của chúng ta còn là tìm được cách giải thích sinh động về các bệnh này và luôn thể bổ túc những điều hiểu biết của chúng ta về đời sống tinh thần bằng cách đào sâu những điều đã biết về cái tôi. Tâm lý của cái tôi mà chúng ta định xây dựng, không thể dựa trên căn bản của những dữ kiện của sự quan sát nội tâm, mà phải dựa trên căn bản của sự phân tích những điều rối loạn và phân tán của cái tôi như trong sự khát dục. Có thể sau khi xong công việc đó thì giá trị của những điều hiểu biết về bệnh thần kinh hoán chuyển và liên quan đến khát dục sẽ giảm đi. Nhưng công việc này chưa tiến được bao nhiêu. Chúng ta không thể dùng hết kỹ thuật của chúng ta trong việc tìm hiểu bệnh thần kinh nác xít như trong bệnh thần kinh hoán chuyển. Tôi nói cho các bạn nghe tại sao. Một khi tiến lên một bước trong bệnh thần kinh nác xít, chúng ta như cảm thấy một bức tường bắt chúng ta dừng lại trong một lúc. Trong các bệnh thần kinh hoán chuyển tuy có gặp những điểm chống đối nhưng chúng ta đã phá bỏ được từng chướng ngại vật một. Trong bệnh thần kinh nác xít, sự đề kháng có vẻ như không thể nào vượt qua được. Chúng ta chỉ có thể kiễng chân nhìn qua bức tường để rình xem đằng sau có gì không. Vì vậy chúng ta phải thay thế kỹ thuật hiện thời bằng kỹ thuật khác, chúng ta chưa biết sẽ thay thế như thế nào. Tất nhiên vật liệu về các bệnh này không hề thiếu. Bệnh phát hiện bằng nhiều cách, dù không phải bằng những cách hợp ý chúng ta và trong lúc này chúng ta đành phải giải thích những phát hiện đó thôi bằng cách dùng những điều đã thu nhận được trong khi nghiên cứu bệnh thần kinh hoán chuyển. Hai loại bệnh này khá giống nhau đủ để gặt hái được những kết quả xác thực trong bước đầu, dù rằng chúng ta không thể nói chắc là kỹ thuật đó có thể đưa chúng ta đi xa hơn.

Còn nhiều khó khăn nữa xuất hiện làm ngăn trở bước tiến của chúng ta. Bệnh thần kinh nác xít và tâm lý chỉ hé mở những bí ẩn của chúng cho những người đã học qua trường phân tâm học về bệnh thần kinh hoán chuyển thôi. Vậy mà những nhà thần kinh học không hề biết đến phân tâm học trong khi những nhà phân tâm học lại không thấy có nhiều trường hợp thần kinh học. Chúng ta cần một thế hệ những nhà thần kinh học qua một trường phân tâm học như một khoa học sửa soạn. Hiện nay ở Mỹ đã có hai cố gắng loại này, trong đó những nhà thần kinh học nổi tiếng dạy sinh viên về phân tâm học và các nhà giám đốc nhà thương điên công hay tư cũng dùng phân tâm học để quan sát bệnh nhân của họ. Chúng ta cũng đã nhìn qua tường thấy một vài điều về bệnh thần kinh nác xít dưới đây.

Hình thức bệnh hoạn của bệnh vọng tưởng và bệnh điên kinh niên giữa một địa vị mơ hồ trong việc phân loại của bệnh thần kinh học tối tân. Vậy mà những chứng bệnh này rất gần với chứng bệnh điện sớm phát dưới danh từ “paraphrenie” theo nội dung thì bệnh vọng tưởng có thể được mô tả như thói quen kỳ cục thích danh vọng cao sang, có cảm tưởng như mình bị hành hạ, cuồng dục, ghen tuông…Chúng ta không chờ đợi thần kinh học đưa ra những lời giải thích. Tôi lấy một ví dụ (xảy ra từ lâu lắm rồi và có thể mất đi một phần giá trị) đó là sự cố gắng dựa vào một triệu chứng để tìm ra một triệu chứng khác bằng cách dựa vào lý luận tri thức của người bệnh: người bệnh có cảm tưởng rằng mình bị hành hạ chính là vì mình là người quan trọng, do đó mới phát sinh ra chứng bệnh kỳ cục thích danh vọng cao sang là hậu quả ngay tức khắc của sự tích luỹ sắc dục quá nhiều trong cái tôi làm cho cái tôi trở thành quan trọng; đó là bệnh nác xít phụ thuộc, xuất hiện như hậu quả của bệnh nác xít sơ khai, nghĩa là của những ngày đầu tiên của tuổi thơ ấu. Nhưng một quan sát của tôi trong bệnh bị hành hạ đưa tôi đến một dấu vết khác. Tôi nhận thấy rằng trong phần lớn các trường hợp người ta bị hành hạ cũng như kẻ hành hạ đều cùng thuộc một phái (nam hay nữ). Người ta có thể cắt nghĩa sự kiện này bằng nhiều cách, nhưng trong một vài trường hợp được nghiên cứu kỹ người ta nhận thấy rằng chính người cùng phái mà mình yêu mến nhất trước khi mắc bệnh đã trở thành người hành hạ mình trong khi bị bệnh. Tình trạng có thể phát triển bằng sự thay thế người mình yêu mến bằng một người khác, ví dụ như thay thế người cha bằng người gia sư, hay người cao hơn. Từ những kinh nghiệm đó tôi đưa ra nhận xét rằng bệnh bị hành hạ chỉ là hình thức bệnh hoạn trong đó người bệnh chống lại một khuynh hướng đồng tính luyến ái quá mạnh. Sự biến đổi của lòng yêu thành thù hận, một sự biến đổi có thể trở thành một sự đe doạ cho sự sống của con người vừa được yêu, vừa bị thù ghét, trong những trường hợp này tương ứng với sự biến đổi của những khuynh hướng khát dục thành lo sợ, hậu quả của sự dồn ép. Các bạn hãy nghe điều quan sát mới nhất của tôi về vấn đề đó. Một vị bác sĩ trẻ tuổi bị bắt buộc phải rời bỏ thành phố nơi sinh của mình vì đã đe doạ giết chết con trai một vị giáo sự đại học trong thành phố đó, anh con trai này trước đây là bạn thân của anh ta. Vị bác sĩ này cho rằng người bạn cũ của mình có những ý tưởng thật kinh khủng, một sức mạnh của quỷ sứ, cho rằng chính anh đã gây ra một nỗi khổ sở xảy đến cho gia đình mình trong mấy năm qua, gây ra mọi điều không may về gia đình cũng như xã hội. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, anh con trai bạn cũ và cha anh ta, ông giáo sư đại học còn phải chịu trách nhiệm về chiến tranh đã xảy ra vì đã gọi quân Nga đến xâm lăng Tổ quốc của mình. Bệnh nhân của chúng ta cho rằng anh ta đã nhiều lần suýt chết vì ông bạn quý và cho rằng chỉ có cái chết anh này mới làm cho anh ta hết mọi nỗi đau đớn thôi. Vậy mà lòng yêu đối với người bạn cũ còn mạnh đến nỗi một hôm khi có dịp dùng súng lục bắn chết anh này, người bệnh thấy tay mình như tê liệt. Trong cuộc nói chuyện với người bệnh tôi biết là tình bạn giữa hai người khởi đầu từ những năm đầu tiên học trung học. Ít nhất có một lần tình bạn đã vượt quá giới hạn của tình bạn. Một đêm cùng ngủ với nhau một giường họ đã giao cấu với nhau hoàn toàn. Người bệnh không bao giờ cảm thấy một tình cảm đối với đàn bà như những người cùng tuổi và cùng phái. Anh ta đã đính hôn với một cô gái đẹp, nhưng cô này thấy anh chẳng tỏ cảm tình âu yếm gì nên dứt tình luôn. Nhiều năm sau bệnh của anh ta được phát hiện sau khi đã thoả mãn hoàn toàn một người đàn bà. Người này vừa hôn anh xong thì đột nhiên anh thấy đau đớn kỳ lạ, như có người lấy dao bổ óc ra làm đôi. Sau đó anh cho rằng, anh có cảm tưởng như người ta bổ đôi óc anh ta để lòi xương sọ ra như trong phòng giải phẫu hay trong việc mổ sọ; thế rồi vì người bạn thân lại chuyên môn về giải phẫu sọ nên anh cho rằng chính người bạn đã gửi người đàn bà đến cám dỗ anh ta. Đến lúc đó anh mới mở mắt ra và hiểu rằng mọi sự hành hạ khác đều do anh bạn cũ mà ra cả.

27. Sự hoán chuyển

Vì những bài học này sắp đến thời kỳ chấm dứt nên chắc các bạn đang chờ đợi một sự gì mà nó không được phép trở thành một mối thất vọng. Các bạn sẽ tự nhủ là nếu tôi hướng dẫn các bạn đi vào một chi tiết lớn nhỏ trong phân tâm học, chắc không phải để từ biệt các bạn mà không nói gì đến cách trị liệu làm nền tảng cho mọi hoạt động của phân tâm học. Tôi không thể lẩn tránh vấn đề đó bởi lẽ làm như thế tức là không cho các bạn biết về một sự kiện mới giúp cho các bạn bổ túc những điều đã học.

Tất nhiên các bạn không chờ đợi tôi hiến cho các bạn cách áp dụng kỹ thuật, cách phân tích với mục đích trị liệu. Các bạn chỉ muốn biết một cách tổng quát về phương sách hoạt động của môn tinh thần trị liệu trong phân tâm học thôi và kết quả của nó ra sao. Các bạn có quyền đó, không ai phủ nhận được nhưng tôi không muốn nói cho các bạn biết gì hết, muốn để các bạn tự tìm ra phương sách đó và kết quả của nó bằng phương tiện riêng của các bạn.

Các bạn thử nghĩ xem các bạn biết hết nhưng điều cần biết của chứng bệnh, những yếu tố áp dụng phương sách đối với người bệnh. Có vẻ như một phương pháp trị liệu chẳng cần có mặt làm gì nữa. Trước hết đây là sự di truyền, chúng ta không nói đến sự việc này luôn, người khác đã nói đến một cách cương quyết rồi và chúng ta không có gì mới để thêm vào những điều họ nói. Các bạn đừng cho rằng tôi phủ nhận tầm quan trọng của nó! Chúng ta sở dĩ biết đến sức mạnh của tính di truyền chính là với tư cách của một người chuyên trị liệu. Chúng ta chẳng thay đổi được gì vào đó cả: bao giờ sự di truyền này đối với chúng ta cũng như một điều đã có sẵn, như một động lực đưa ra những giới hạn cho sự cố gắng của chúng ta. Rồi những ảnh hưởng của những biến cố trong thời thơ ấu đầu tiên mà chúng ta đã quen dành cho một chỗ ngồi tốt nhất cho việc phân tích; chúng thuộc về quá khứ và chúng ta không thể coi như không có chúng được. Sau cùng chúng ta có tất cả những cái gì mà chúng ta gọi chung là “một sự từ bỏ thực sự” mọi sự đau khổ trên đường đời bắt buộc con người phải từ bỏ tình ái, gây ra biết bao điều đau đớn, bao sự bất hoà trong gia đình, bao cuộc hôn nhân không cân xứng đó là chưa nói đến những điều kiện khó khăn trong xã hội và những sự đòi hỏi khắt khe về luân lý mà ai cũng phải chịu áp lực. Tất nhiên đó cũng là con đường mở rộng để đưa lại một sự trị liệu hữu hiệu, nhưng là trị liệu theo lối của hoàng đế Joseph, theo như một huyền thoại ở thành Vienne; một sự can thiệp của một con người có uy quyền cực mạnh bắt mọi người khuất phục trước ý chí của mình và san bằng mọi khó khăn. Nhưng chúng ta là người như thế nào để có thể đưa ra một phương pháp trị liệu như thế? Chúng ta là những người nghèo không có một uy quyền gì trong xã hội, phải hành nghề mà sống, chúng ta không thể không chữa chạy không công cho những người nghèo trong khi những bác sĩ khác theo lối chữa chạy khác lại đủ phương tiện để giúp đỡ người nghèo trong khi chúng ta không làm được. Lối trị liệu của chúng ta là một lối trị liệu lâu dài, phải mất nhiều thì giờ làm mới có hiệu quả. Có thể khi duyệt lại những yếu tố đã kể các bạn có thể đặc biệt chú trọng đến một yếu tố nào đó và cho rằng yếu tố đó có thể dùng làm địa điểm áp dụng phương pháp trị liệu của chúng ta. Nếu xã hội bắt buộc con người phải ở trước một giới hạn nào đó về luân lý và chính cái giới hạn đó làm cho người bệnh đau khổ, thì tại sao chúng ta lại không chữa chạy bằng cách khuyến khích họ rũ bỏ những sự giới hạn này, tìm cách thoả mãn và lấy lại sức khoẻ mà không thèm để ý gì đến sự theo đuổi một lý tưởng mà xã hội đặt ra trong khi chính xã hội cũng không theo. Điều đó có nghĩa là người bệnh sẽ khỏi bệnh nếu sống hoàn toàn từ đầu đến cuối đời tình dục của mình. Nếu sự chữa chạy phải đi đến chỗ đó thực thì người ta sẽ trách là nó đã đi trái lại con đường luân lý tổng quát của xã hội vì nó đã cho cá nhân con người cái mà nó đã lấy đi của tập thể.

Nhưng các bạn đã lầm. Việc khuyên người ta sống hoàn toàn đầy đủ cuộc đời tình dục của mình không liên can gì hết sự trị liệu trong phân tâm học và dù rằng tôi đã có lần nói rằng trong người bệnh luôn luôn có xung đột giữa khuynh hướng khát dục và sự dồn ép tình dục, giữa khía cạnh tình dục và khía cạnh luân lý của người bệnh. Chúng ta không giải quyết cuộc xung đột bằng cách giúp cho bên nọ thắng bên kia. Đối với những người tinh thần bất an thì là luân lý đã thắng với hậu quả là khuynh hướng tình dục sẽ được đền bù bằng sự xuất hiện triệu chứng bệnh thần kinh. Trái lại, nếu khía cạnh tình dục của con người thắng trận thì khía cạnh luân lý sẽ bị dồn ép và cũng sẽ tìm cách tự đền bù bằng sự xuất hiện của các triệu chứng. Hai giải pháp này đều không thể chấm dứt cuộc xung đột vì thế nào cũng có một bên không thoả mãn. Những trường hợp trong đó cuộc xung đột yếu đến nỗi chỉ cần có sự cam thiệp của bác sĩ là giải quyết được ngay rất hiếm, và nói thực ra những trường hợp như thế thì không cần đến sự chữa chạy của phân tâm học. Những người có thể dễ dàng chịu ảnh hưởng như thế của bác sĩ có thể đạt được kết quả mà không cần đến bác sĩ. Khi một người bị thiếu sót tình dục đi tìm sự thoả mãn bằng đủ mọi cách, họ đâu có cần xin phép ông bác sĩ hay nhà phân tâm học.

Người ta thường không chú trọng đến một điểm quan trọng cần thiết trong vấn đề này, đó là một xung đột gây bệnh thần kinh không thể đem so sánh với sự xung đột thường có giữa các khuynh hướng tinh thần, đối với những người bệnh thần kinh thì sự xung đột xảy ra giữa những động lực trong đó một vài động lực đã tiến đến giai đoạn tiền ý thức và ý thức trong khi những động lực khác chưa ra khỏi giai đoạn vô thức. Chính vì thế nên cuộc xung đột không thể tiếp xúc bằng một giải pháp được. Hai bên đối thủ không dàn mặt nhau như con gấu trắng và con cá voi trong thí dụ mà tất cả các bạn đều biết. Một giải pháp thực sự chỉ có thể đạt được khi cả hai bên đối thủ đều ra mặt trận. Tôi cho rằng phương pháp trị liệu duy nhất là làm sao cho họ dàn mặt ra với nhau để gặp mặt nhau.

Các bạn sẽ lầm nữa nếu tin rằng phân tâm học có thể thành công được bằng cách khuyên bảo và hướng dẫn. Trái lại chúng ta chỉ muốn có một điều là làm sao cho người bệnh tự quyết định lấy. Vì thế cho nên chúng ta khuyên người bệnh hãy chờ đến khi khỏi bệnh hãy quyết định về những vấn đề quan trọng như chọn nghề buôn bán, làm ăn cưới xin hay ly dị. Các bạn phải công nhận rằng các bạn hẳn không nghĩ đến điều đó. Chỉ khi nào người bệnh rất trẻ, không biết tự bảo vệ, chưa chắc chắn, chúng ta mới đóng vai trò của ông bác sĩ hay nhà giáo dục. Nhưng lúc đó chúng ta vì ý thức được trách nhiệm của mình nên càng phải cẩn trọng hơn nhiều.

Khi thấy tôi, trong việc trị liệu, không muốn thúc đẩy người bệnh sống đầy đủ cuộc đời tình dục của họ, các bạn đừng cho rằng tôi bênh vực luân lý xã hội. Công việc này cũng như công việc trên, chúng ta không hề muốn làm. Thực ra chúng ta không phải là những người muốn cải cách mà chỉ là những người biết quan sát thôi. Nhưng cũng không thể chỉ quan sát mà không phê bình chỉ trích: vì thế nên chúng ta không thể bênh vực nền luân lý của xã hội về tình dục, tán thành phương cách mà xã hội đưa ra để giải quyết vấn đề đời sống tình dục. Điều xã hội gọi là luân lý của xã hội đòi hỏi nhiều sự hy sinh không đưa lại những kết quả cân xứng, xã hội thiếu cả không ngoan lẫn thành thực. Chúng ta không ngần ngại gì mà không nói cho người bệnh nghe những điều vừa nói, làm cho họ quen dần với sự suy nghĩ về những sự kiện tình dục mà không có thành kiến cũng như đối với mọi sự kiện khác, để rồi sau khi chữa chạy xong, nếu họ trở nên độc lập và chọn một giải pháp dung hoà giữa một đời sống tình dục buông thả và một đời sống khổ hạnh tuyệt đối thì chúng ta chẳng có gì đáng hổ thẹn trong lương tâm. Kẻ nào, sau khi đã chống lại chính mình, tiến đến sự thực của cuộc đời, kẻ đó sẽ tránh được hết mọi hiểm nguy của mọi sự vô luân và hiến cho mình một bậc thang giá trị về luân lý khác với bậc thang thường áp dụng vai trò của sự kìm hãm tình dục trong việc phát sinh ra bệnh thần kinh. Chỉ trong rất ít trường hợp là chúng ta có thể chấm dứt tình trạng bệnh hoạn do sự thiếu thốn tình dục và tích luỹ khát dục gây nên bằng cách thoả mãn những đòi hỏi tình dục bằng giao cấu.

Vậy các bạn không thể cắt nghĩa tác dụng trị liệu của phân tâm học bằng cách nói rằng phương pháp này cho phép người ta sống hoàn toàn và đầy đủ đời sống tình dục. Các bạn hãy tìm một cách cắt nghĩa khác. Biết đâu khi giải các điều sai lầm của các bạn tôi lại chẳng đã đặt các bạn lên một con đường tốt. Các bạn nghĩ rằng phân tâm học sở dĩ có ích bởi vì đã tìm cách thay thế vô thức bằng hữu thức, diễn tả vô thức bằng hữu thức đúng đắn. Đưa vô thức vào hữu thức chúng ta huỷ bỏ được sự dồn ép, bỏ được những điều kiện phát sinh ra triệu chứng, biến cuộc xung đột gây bệnh thành một cuộc xung đột bình thường dù sao cũng có thể giải quyết được bằng cách này hay cách khác, chúng ta không làm gì hơn là làm cho người bệnh có sự thay đổi trong tinh thần mà khi đạt được kết quả đó thì người bệnh sẽ khỏi. Khi không huỷ bỏ được sự dồn ép hay những diễn biến tinh thần cùng loại thì phương pháp trị liệu của chúng ta thất bại.

Chúng ta có thể diễn tả mục tiêu của chúng ta dưới nhiều hình thức: chúng ta có thể nói chúng ta muốn làm cho vô thức thành hữu thức, hay huỷ bỏ sự dồn ép hay lấp chỗ trống trong bệnh mất trí nhớ, tất cả mọi hình thức này đều có giá trị như nhau. Nhưng lời xác nhận này không làm cho các bạn hài lòng. Các bạn hiểu người bệnh theo một ý khác, có bạn muốn nói rằng sau khi khỏi bệnh họ trở thành một người khác hẳn; vậy mà tôi lại bảo rằng họ sở dĩ khỏi bệnh chỉ vì họ có thêm một vài ý thức, mất đi một vài vô thức hơn trước thôi. Các bạn cho rằng thay đổi như thế chẳng có lợi gì. Người bệnh sau khi khỏi bệnh trở thành một người khác, cố nhiên, nhưng thực ra anh ta vẫn như trước, nghĩa là trước khi bị bệnh với những điều kiện khả quan hơn thôi. Thế là nhiều lắm rồi. Các bạn cho rằng thay đổi chút ít thế thì ăn thua gì nhưng các bạn sẽ không còn nghi ngờ về tầm quan trọng của sự khác nhau chút ít đó trong tinh thần người bệnh một khi thấy chúng ta phải mất bao nhiêu cố gắng, làm biết bao nhiêu chuyện mới đạt được kết quả đó.

Tôi muốn hỏi các bạn có biết gì về một phương pháp mà người ta gọi là trị liệu bằng cách huỷ các nguyên nhân gây bệnh không. Phương pháp này không đánh thẳng vào cách phát sinh của bệnh mà tìm cách huỷ bỏ những nguyên nhân gây ra bệnh. Phương pháp trị liệu trong phân tâm học có tìm cách huỷ bỏ nguyên nhân gây ra bệnh hay không? Câu trả lời không giản đơn tí nào nhưng sẽ giúp chúng ta thấy câu hỏi đó đặt ra thực không đúng lúc. Khi phương pháp trị liệu phân tâm học không đặt cho mình mục tiêu gần nhất là phải huỷ bỏ ngay tức khắc những triệu chứng thì phương pháp này quả có tìm cách huỷ bỏ nguyên nhân gây bệnh nhưng dưới một khía cạnh khác phương pháp này lại không có tính cách đó. Từ lâu chúng ta đã theo dõi sự liên tục của các nguyên nhân từ sự dồn ép đến những tính di truyền và bản năng, từ những cường độ tương đối của chúng trong người bệnh đến những đường đi sai lạc của chúng trong quá trình phát triển bình thường. Bây giờ giả dụ như chúng ta có thể dùng một chất hoá học gì can thiệp vào cấu tạo con người, làm tăng lên hay giảm đi chất lượng khát dục trong một lúc nào đó, tăng cường một bản năng này làm yếu đi một bản năng khác: đó chính là một môn trị liệu tận gốc, đi từ các nguyên nhân theo nghĩa đen của những chữ này, một phương pháp mà phân tâm học đã dùng trong giai đoạn tìm hiểu đầu tiên cần thiết. Vậy mà các bạn hẳn biết rằng lúc này không phải là lúc mình tìm cách ảnh hưởng tới sự hoạt động của khát dục; phương pháp của chúng ta đánh vào một vòng nhỏ trong xâu chuỗi nguyên nhân đó; nếu cái vòng nhỏ này không phải là thành phần của những cội rễ của các hiện tượng mà chúng ta có thể nhìn thấy được, không phải vì thế mà không rất xa vời đối với các triệu chứng và sở dĩ chúng ta biết được chính là nhờ những trường hợp hết sức thuận tiện.

Điều chúng ta biết về vô thức không trùng hợp với điều mà người bệnh biết về vô thức khi ta cho người bệnh biết những điều ta biết, người bệnh không hề thay thế vô thức bằng những điều vừa được cho biết mà chỉ đặt những điều vừa biết cạnh vô thức thôi và như thế là không có thay đổi gì cả. Chúng ta phải gán cho cái vô thức này một hình ảnh cụ thể bên ngoài, tìm vô thức trong những điều nó nhớ lại trong khi nó được thành lập sau khi xảy ra một sự dồn ép. Chúng ta chỉ cần huỷ diệt sự dồn ép là vô thức lập tức được thay thế bằng hữu thức. Nhưng làm thế nào để huỷ diệt được sự dồn ép? Giai đoạn thứ hai trong công việc của chúng ta bắt đầu. Trước hết phải tìm xem có sự dồn ép không rồi sau đó mới tìm cách huỷ diệt sự đề kháng giúp cho sự dồn ép được tồn tại. Làm thế nào huỷ diệt được sự đề kháng? Cũng bằng cách vén màn bí mật đặt nó trước mắt người bệnh, nghĩa là sự đề kháng cũng bắt nguồn ở một sự dồn ép, hoặc sự dồn ép mà ta đang tìm hoặc một sự dồn ép xuất hiện đột ngột trước đó. Sự đề kháng phát sinh ra một hoạt động phản công có mục đích dồn ép khuynh hướng tục tĩu. Vậy trong lúc này chúng ta lại làm công việc lúc đầu: giải thích, khám phá, cho người bệnh biết rõ những điều khám phá này nhưng lần này làm đúng chỗ hơn lần trước. Sự phản công hay sự đề kháng không thuộc vô thức mà thuộc cái tôi, ngay cả khi sự đề kháng không có trong ý thứ. Ở đây thực ra hai chữ “vô thức” có hai nghĩa: vô thức như một hiện tượng, và vô thức như một hệ thống. Điều này có vẻ khó hiểu, không rõ ràng, nhưng thực ra nó không phải là hai thứ giống nhau sao? Chúng ta đã chuẩn bị từ lâu rồi. Chúng ta hi vọng rằng ngay khi đặt trước mắt người bệnh sự đề kháng, sự phản công này thì lập tức cả hai phải biến mất ngay. Trong những trường hợp đó chúng ta làm việc với những động lực nào? Chúng ta trông mong vào chỗ chính người bệnh cũng muốn khỏi bệnh và vì muốn thế nên mới nhờ chúng ta chữa; chúng ta trông mong vào trí thông minh của anh ta trong khi chúng ta can thiệp để nâng đỡ trí thông minh đó. Nếu có chúng ta giúp vào tất nhiên trí thông minh của người bện sẽ nhận ra ngay sự đề kháng và tìm được xem cái gì đã bị dồn ép. Nếu tôi bảo các bạn: “Hãy nhìn lên trời sẽ thấy một cái phi cơ”, tất nhiên bạn sẽ tìm thấy rõ ràng phi cơ đó hơn là nếu tôi chỉ bảo bạn nhìn lên trời không thôi mà không nói rõ phải tìm thấy gì. Người sinh viên lần đầu tiên nhìn vào kính hiển vi sẽ không thấy gì cả nếu không được ông thầy cho biết phải nhìn gì.

Rồi chúng ta lại có những sự kiện trong nhiều bệnh như bệnh náo loạn thần kinh, bệnh lo sợ, bệnh bị ám ảnh, những tiền đề của chúng ta đã được chứng nghiệm. Bằng cách khảo cứu về sự dồn ép, khám phá ra sự đề kháng, tìm ra cái gì đã bị dồn ép, chúng ta đã giải quyết được vấn đề, thắng được sự đề kháng, huỷ diệt được sự dồn ép, biến vô thức thành hữu thức, chúng ta thấy rõ ràng mỗi khi cần thắng một đề kháng, trong tâm hồn người bệnh thường diễn ra một sự tranh đấu ghê gớm, một sự đấu tranh về tinh thần bình thường, trên phương diện tâm lý giữa những động lực trái ngược, một đằng muốn giữ cho sự phản công được tồn tại, một đằng muốn huỷ diệt nó. Những động lực trên là những động lực cũ kỹ gây ra sự dồn ép; những động lực dưới là những động lực đột nhiên xuất hiện mới đây có vẻ như phải quyết định cuộc xung đột theo ý chúng ta muốn vì thế chúng ta đã thành công trong việc đánh thức dậy cuộc xung đột cũ đã gây ra sự dồn ép và xét lại một vấn đề tranh chấp có vẻ như đã giải quyết xong từ lâu. Những sự kiện mới xuất hiện để bênh vực sự xét lại này là chúng ta nhắc cho người bệnh biết rằng trước khi đã có một quyết định nào đó làm cho bệnh phát ra, muốn khỏi bệnh cần có một quyết định khác và từ khi bệnh phát ra cho tới bây giờ, các điều kiện đã thay đổi rất nhiều. Vào thời kỳ bệnh phát ra cái tôi ốm yếu, ấu trĩ và đã có đủ lý do để từ khước những đòi hỏi của khát dục vì sợ xảy ra nguy hiểm. Ngày nay cái tôi khoẻ hơn, có kinh nghiệm hơn và nhất là được bác sĩ hỗ trợ một cách trung thành và tận tâm. Vì thế cho nên chúng ta có quyền chờ đợi cuộc xung đột ngày xưa được đặt lại trên bàn mổ sẽ được giải quyết thoả đáng hơn ngày xưa lúc mới phát sinh và gây ra sự dồn ép, những sự thành công của chúng ta trong lĩnh vực bệnh náo loạn thần kinh, bệnh lo sợ và bệnh bị ám ảnh đã chứng minh sự chờ đợi của chúng ta.

Tuy nhiên có những bệnh tuy cũng có điều kiện giống như bệnh trên mà chúng ta chưa bao giờ thành công cả. Vậy mà trong đó cũng có một sự xung đột sơ khai giữa cái tôi và khát dục, cũng đưa đến một sự dồn ép, mặc dù bề ngoài ra sao chăng nữa; chúng ta cũng tìm thấy trong đời người bệnh những điểm phát khởi sự dồn ép y như trong bệnh khác; chúng ta cũng dùng phương pháp như nhau, cũng hứa hẹn người bệnh những hứa hẹn đó, cũng giúp đỡ họ như thế, nghĩa là cũng hướng dẫn họ bằng những hình dung chờ đợi, và giữa lúc sự dồn ép phát khởi và lúc này có một thời gian thuận tiện cho việc gạt ra ngoài một sự đề kháng cũng như huỷ diệt được sự dồn ép. Những người bệnh này, hoặc vọng tưởng, hoặc uất, hoặc điên sớm phát đều tỏ ra trơ như đá vững như đồng trước lối chữa chạy của phân tâm học. Lý do tại sao nhỉ? Tất nhiên không phải vì người bệnh kém thông minh. Chúng ta thường cho rằng người bệnh có một trình độ trí thức nào đó và trình độ này không phải là không có trong người bệnh vọng tưởng là những người rất khéo léo trong việc xếp đặt sự việc. Cũng không phải là thiếu một yếu tố nào đó. Trái lại với những người vọng tưởng, bọn người uất thường biết rằng mình bị bệnh và đau đớn rất nhiều, nhưng không phải vì thế mà họ có thể khỏi bệnh bằng phân tâm học được. Chúng ta đứng trước một sự kiện mà chúng ta không hiểu nổi, thành ra nhiều khi chúng ta tự hỏi không biết chúng ta đã biết rõ những điều kiện thành công trong những bệnh khác không?

Nếu chỉ kể đến những bệnh náo loạn thần kinh và lo sợ thôi, chúng ta cũng thấy hiện ra một sự kiện mới mà chúng ta không hề biết trước để chuẩn bị. Chỉ một ít lâu là chúng ta thấy những người bệnh này có thái độ rất kỳ lạ đối với chúng ta. Chúng ta tưởng đã duyệt lại hết mọi yếu tố cần thiết cho việc chữa chạy, tưởng đã làm cho lập trường của chúng ta đối với người bệnh thực rõ ràng như một con tính; nhưng không ngờ trong con tính đó nó len lỏi vào một yếu tố mà ta không để ý đến. Yếu tố bất ngờ này xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau nên tôi chỉ mô tả cho các bạn xem những hình thức đẽ hiểu nhất và xảy ra nhiều nhất.

Trước hết người bệnh thường là muốn chóng khỏi bệnh, tất nhiên quan tâm một cách đặc biệt đến ông bác sĩ. Tất cả những điều gì liên quan đến ông này đối với anh ta trở thành quan trọng hơn chính bệnh của anh ta và anh ta không để ý đến bệnh tật nữa. Vì thế nên trong lúc đầu giao thiệp giữa người bệnh và bác sĩ rất dễ chịu; người bệnh luôn luôn tỏ ra biết đón ý bác sĩ, tỏ lòng biết ơn bất cứ lúc nào có cơ hội, đưa ra ánh sáng những điểm tế nhị và những đức tính mà chúng ta không ngờ đến. Rút cục người bệnh làm cho ông bác sĩ có cảm tưởng tốt đối với mình, và ông này cảm ơn sự tình cờ đã đưa đến một cơ hội để giúp đỡ một con người đặc biệt dễ chịu. Rồi bà con của người bệnh sẽ cho ông bác sĩ biết rằng người bệnh mến ông thầy thuốc lắm, luôn luôn nói đến ông ta và càng ngày càng tìm ra những đức tính quý báu khác nơi ông thầy thuốc. “Cháu nó chỉ nghĩ đến ông thôi, tin tưởng nơi ông một cách mù quáng, mỗi lời ông nói nó đều coi như trích trong Thánh kinh. Nó nói đến ông nhiều quá làm chúng tôi nghe mãi chán cả tai”.

Người thầy thuốc tất nhiên cũng đủ khiêm tốn để thấy rằng những lời khen ngợi đó chỉ là sự phát biểu sự thoả mãn của người bệnh trước những hy vọng khỏi bệnh mà ông thầy thuốc đã bày ra trước mắt người bệnh. Vì thế nên công việc chữa chạy tiến hành trong những điều kiện đặc biệt tốt đẹp; người bệnh hiểu những điều chỉ dẫn, đào sâu những vấn đề mới xuất hiện, ý tưởng và kỷ niệm hiện ra dồi dào, những lời phán đoán của người bệnh rất chính xác và chắc chắn đến nỗi làm ông thầy thuốc ngạc nhiên, ông này khoan khoái khi thấy người bệnh chấp nhận những điều tâm lý mới lạ thường gặp nhiều chống đối của những người khoẻ mạnh bình thường. Kèm theo với thái độ dễ chịu của người bệnh, người ta cũng cảm nhận thấy có sự tiến bộ khách quan của trạng thái bệnh hoạn.

Những ngày tươi đẹp như thế thường không kéo dài, và đến một ngày nào đó tình thế sẽ xấu đi. Nhiều khó khăn xuất hiện, người bệnh cho rằng mình không nhớ gì nữa hết, không quan tâm đến công việc chữa chạy nữa và không cần để ý gì đến đề nghị phải nói hết những điều gì hiện ra trong đầu, không thèm để ý gì đến những lời khuyên răn hay phê bình. Người bệnh hành động như không hề có bệnh gì phải chữa chạy cả, và chưa từng ký kết gì với ông thầy thuốc hết; rõ ràng là anh ta đang bận tâm về một điều gì mà không muốn nói ra. Đó là một tình thế nguy hiểm cho việc chữa chạy. Có xảy ra một sự đề kháng mạnh mẽ, có sự gì đã xảy ra?

Nguyên nhân phải tìm trong tấm lòng âu yếm quá mức của người bệnh đối với ông bác sĩ, trong khi không có gì chứng minh được tình cảm đó. Hình thức và mục đích của lòng âu yếm đó tất nhiên phụ thuộc vào sự giao thiệp giữa hai người. Nếu ông bác sĩ là một người còn trẻ và người bệnh là một thiếu nữ thì người bệnh có yêu ông bác sĩ cũng là một sự tự nhiên vì người con gái thương yêu người luôn luôn ở bên cạnh mình nghe được nỗi lòng mình, lại có vẻ cao quý hơn mình, vì là người cứu mình ra khỏi bệnh tật; người ta quên rằng đối với một người bệnh thần kinh thì một tình cảm như thế hẳn là do một sự rối loạn nào đó của bản năng khát dục. Sự giao tiếp giữa người bệnh và ông thầy thuốc càng đi xa giả thuyết bao nhiêu thì chúng ta càng ngạc nhiên bấy nhiêu khi thấy lần nào cũng vậy, sự việc đó cũng diễn lại đúng tăm tắp. Không nói đến trường hợp một người đàn bà vì đau khổ trong gia đình nên đâm ra yêu ông thầy thuốc, bà ta tuyên bố sẵn sàng ly dị để lấy ông ta, và nếu có gặp gì trở ngại trong việc thực hiện ý định này thì cũng không ngập ngừng gì mà không trở thành tình nhân của ông ta. Sự việc đó xảy ra mà không cần có sự can thiệp của phân tâm học. Nhưng trong những trường hợp đang nghiên cứu, người đàn bà hay cô thiếu nữ tuyên bố những điều liên can đến cách chữa chạy: họ cho rằng bao giờ họ cũng biết chỉ có ái tình mới chữa khỏi bệnh họ thôi và ngay trong những buổi đầu chữa chạy họ đã biết rằng sự giao tiếp với ông bác sĩ sẽ đưa lại cho họ điều mà cuộc đời luôn luôn từ chối không đưa cho họ. Chính vì hy vọng như thế nên họ tỏ ra cố gắng và vượt qua được những khó khăn trong việc giãi bày tâm sự. Tôi thêm rằng chính vì hy vọng như thế nên họ mới hiểu được dễ dàng những điều mà người khác hiểu một cách khó khăn, Lời thú nhận như thế làm chúng ta chết đứng vì ngạc nhiên và phá bỏ mọi sự tính toán. Có thể nào là chúng ta đã bỏ qua một yếu tố quan trọng nhất không?

Càng nhiều kinh nghiệm bao nhiêu thì chúng ta càng thấy khó khăn mà chống lại một nhận xét nhục nhã cho những ý tưởng khoa học của chúng ta. Lúc đầu ai cũng cho rằng đó chỉ là một khó khăn nhất thời không liên can gì đến việc chữa chạy cả. Nhưng khi thấy lần nào sự việc cũng xảy ra đều đều như thế ngay cả khi không có những điều kiện thuận tiện, ngay cả khi sự khác biệt giữa thầy thuốc và người bệnh trở nên kì cục, ví dụ như người bệnh là một ông già, và ông thầy thuốc là một người râu tóc bạc phơ, nghĩa là trong những trường hợp không thể có chuyện gì hấp dẫn thì người ta bắt buộc phải gạt bỏ ý kiến cho rằng sự việc xảy ra chỉ vì ngẫu nhiên và phải công nhận rằng đó là một hiện tượng có liên lạc chặt chẽ với thực chất của trạng thái bệnh hoạn.

Sự kiện mới này chẳng là gì khác hơn là sự hoán chuyển. Đó chỉ là một sự hoán chuyển tình cảm từ người bệnh sang ông thầy thuốc vì chúng ta không tin rằng công việc chữa chạy đã làm tình cảm đó nảy nở ra. Sự xảy ra nhanh chóng này hẳn phải có một nguyên nhân khác, và phải có sẵn trong người bệnh dưới trạng thái tiềm tàng và đã chuyển qua người thầy thuốc trong lúc chạy chữa. Sự chuyển hoán có thể phát hiện hoặc dưới hình thức của một sự đòi hỏi tình ái ầm ĩ, hoặc dưới những hình thức nhẹ nhàng hơn. Đứng trước ông thầy thuốc có tuổi, người thiếu nữ bị bệnh có thể nảy ra ý muốn không phải trở thành tình nhân của ông ta, nhưng trở thành con gái của ông ta mà ông ta yêu quí hơn và muốn trở thành một tình bạn lâu dài. Có một vài người đàn bà biết gán cho sự hoán chuyển một hình thức khác, nhào nặn làm cho nó trở thành sống được; người khác, trái lại, để cho nó phát hiện dưới hình thức nguyên trạng, phôi thai và không thể chịu nổi. Nhưng cả hai hình thức đều do một hiện tượng cùng một nguồn gốc.

Trước khi chúng ta tự hỏi nên đặt sự kiện mới này vào nơi nào, các bạn hãy cho phép tôi hoàn tất sự mô tả. Sự việc xảy ra như thế nào nếu người bệnh là đàn ông? Người đàn ông có thể thoát khỏi cái tình thế khó chịu bắt nguồn ở sự khác phái của ông thầy thuốc không? Không, họ cũng không thoát. Họ cũng yêu mến ông thầy như thế, cũng có ý tưởng quá đáng về đức tính của ông ta, cũng để ý đến những cái gì dính dáng đến ông ta và cũng ghen với những người đến gần ông ta chẳng khác gì bệnh nhân đàn bà. Những hình thức thay thế sự hoán chuyển xảy ra luôn luôn những sự đòi hỏi về tình dục trực tiếp ít hơn một khi sự đồng tính luyến ái giữ một vai trò không quan trọng bằng các yếu tố cấu thành bản năng. Trong người bệnh đàn ông, thầy thuốc thường nhận thấy có một sự hoán chuyển mà thoạt nhìn người ta có cảm tưởng trái ngược hẳn với tất cả những cái gì đã được mô tả từ trước tới nay: đó là sự hoán chuyển thù nghịch hay tiêu cực.

Trước hết chúng ta nghĩ rằng sự hoán chuyển phát hiện ra ngay từ lúc bắt đầu đi vào chữa chạy và trong một thời gian đã thành một đối tượng chắc chắn nhất trong công việc đó. Người ta không thấy nó và không chú trọng một khi công việc chữa chạy trôi chảy đều đều. Nhưng khi nó biến thành một sự đề kháng thì người ta phải chú trọng đến và sự liên quan của nó đối với cách chữa chạy có thể thay đổi ở hai điểm khác nhau trái ngược nhau: thứ nhất lòng âu yếm trở nên mạnh mẽ, sự đòi hỏi tình dục trở nên rõ ràng đến nỗi phát sinh ra một sự đề kháng bên trong; thứ hai, những tình cảm âu yếm có thể biến thành tình cảm thù nghịch. Nói chung thì những tình cảm thù nghịch bao giờ cũng nấp sau tình cảm âu yếm và xuất hiện sau nhiều; sự có mặt của hai loại tình cảm trái ngược như thế trong phân lớn sự giao thiệp của chúng ta với người khác. Cũng như những tình cảm âu yếm, những tình cảm thù nghịch cũng là dấu hiệu của một tình cảm yêu dấu y như sự thách thức và sự vâng lời cũng diễn tả một tình cảm lệ thuộc dù với dấu hiệu trái nhau. Tình cảm thù nghịch đối với ông thầy thuốc cũng là một “hoán chuyển” vì tình thế do sự chữa chạy gây nên không thể làm nảy nở được một tình cảm như thế; do đó chúng ta phải chấp nhận sự có mặt của sự hoán chuyển tiêu cực, điều này chứng tỏ rằng chúng ta đã không lầm khi nói đến sự hoán chuyển tích cực hay những tình cảm yêu dấu.

Sự hoán chuyển từ đâu mà ra? Nó đã đưa cho chúng ta những khó khăn gì? Chúng ta làm sao để vượt qua những khó khăn đó? Chúng ta có lợi gì về những khó khăn đó không? Tất cả những vấn đề này chỉ có thể được nghiên cứu vào chi tiết trong một bài về kỹ thuật phân tâm học. Ở đây tôi nói qua cho các bạn nghe thôi. Tất nhiên chúng ta sẽ không nhượng bộ trước sự đòi hỏi của người bệnh do sự hoán chuyển gây nên; nhưng giận dữ gạt bỏ chúng đi là một điều không hợp lí. Chúng ta vượt qua được sự hoán chuyển bằng cách nói cho người bệnh biết là những tình cảm của anh ta không phải do sự giao thiệp với ông bác sĩ gây ra, mà chính là do một tình trạng xảy ra từ lâu nay lại sống lại trong người anh ta thôi. Chúng ta buộc người bệnh phải đi ngược trở lại từ lúc tình cảm này phát sinh ra đến lúc khởi thuỷ còn ghi lại kỉ niệm trong người bệnh. Khi đạt được kết quả này rồi thì sự hoán chuyển, dù âu yếm hay thù nghịch cũng đặt vào tay chúng ta cái chìa khoá để mở được tất cả các cửa thầm kín nhất trong đời sống tinh thần. Tôi muốn nói một vài điều để làm tan sự ngạc nhiên của các bạn về hiện tượng bất ngờ này. Các bạn đừng quên rằng căn bệnh đang nghiên cứu này không phải là hiện tượng đã hoàn tất, cứng rắn mà là hiện tượng luôn luôn phát triển và lớn mạnh như một sinh vật vậy. Lúc đầu việc chữa chạy không chấm dứt được sự phát triển đó, nhưng một khi người bệnh đã tìm hiểu thì những cứ điểm cấu thành mới của căn bệnh được tập trung lại ở một điểm duy nhất: sự giao thiệp giữa người bệnh và ông thầy thuốc. Sự hoán chuyển có thể được đem so sánh với những lớp giữa thân cây và vỏ cây, khởi điểm cho sự cấu thành mới của những mô mới làm cho thân cây ngày càng dầy hơn. Khi sự hoán chuyển trở nên khá quan trọng rồi thì công việc nghiên cứu các kỷ niệm của người bệnh bị chậm trễ rất nhiều. Người ta có thể nói rằng, người ta không phải đang chữa một căn bệnh xảy ra từ trước mà đang chữa một căn bệnh hoàn toàn mới, biến dạng hẳn, thay thế căn bệnh trước. Lớp mới đến thêm vào lớp cũ này chúng ta đã theo dõi ngay từ lúc đầu, đã trông thấy nó phát sinh ra và phát triển, vì chúng ta đứng ở trung tâm điểm nên chúng ta có thể tìm ra chiều hường dễ dàng. Tất cả những triệu chứng đều mấy hết ý nghĩa lúc sơ khởi, có một ý nghĩa mới có liên quan với sự hoán chuyển. Hay chỉ còn những triệu chứng cũ chịu biến đổi với sự xuất hiện của hoán chuyển là còn lại thôi. Chế ngự được căn bệnh thần kinh nhân tạo này tức là huỷ bỏ được căn bệnh do sự chữa chạy gây nên. Hai kết quả này đi liền với nhau và khi đạt được thì công việc chữa chạy của chúng ta chấm dứt. Con người trong sự giao thiệp với ông thầy thuốc đã trở thành bình thường, thoát khỏi được các khuynh hướng bị dồn ép, cũng sẽ vẫn giữ được mức bình thường đó một khi ông thầy thuốc không có mặt nữa.

Chính trong bệnh náo loạn thần kinh, bệnh lo sợ có bệnh ám ảnh mà sự hoán chuyển có tầm quan trọng đặc biệt kỳ lạ đó. Vì thế nên người ta có lý khi gọi những bệnh này là “bệnh thân kinh hoán chuyển”. Người nào khảo cứu về phân tâm học đã có một khái niệm khác đúng về thực chất của sự hoán chuyển hẳn biết rõ không còn gì hồ nghi nữa, rằng những khuynh hướng bị dồn ép và xuất hiện dưới hình thức triệu chứng bệnh thần kinh có đặc tính gì rồi, sẽ không còn đòi hỏi bằng chứng gì nữa về tính chất khát dục của các khuynh hướng đó. Chúng ta có thể nói rằng lòng tin tưởng của chúng về tầm quan trọng của các triệu chứng bắt nguồn ở sự thoả mãn khát dục bằng cách thay thế chúng bằng cách khác chỉ được khẳng định hoàn toàn sau khi nghiên cứu về sự hoán chuyển này.

Và bây giờ chúng ta có hơn một lí do để hoàn bị hoá quan niệm trước đây của chúng ta về cách chữa khỏi bệnh, làm cho quan niệm này ăn khớp với quan niệm mới. Khi người bệnh bắt đầu chống lại sự đề kháng mà chúng ta đã cho anh ta biết rõ, anh ta cần một sự thúc đẩy thực mạnh mẽ để cho sự quyết định nghiêng về phía chúng ta muốn, nghĩa là về phía khỏi bệnh. Nếu không, sự quyết định có thể nghiêng về phía lập lại tình trạng trước và dồn ép trở lại những cái gì mà chúng ta đã được đến gần ý thức. Điều quyết định trong sự việc này không phải sự thông minh của người bệnh - trí thông minh này không đủ mạnh, không đủ tự do để làm việc đó – mà chính là thái độ của người bệnh đối với ông thầy thuốc. Nếu sự hoán chuyển có tính chất tích cực thì người thầy thuốc trở nên có uy tín thực tốt đẹp, biến đổi sự thông cảm thành lòng tin tưởng. Nếu không có sự hoán chuyển đó, hay sự hoán chuyển chỉ có tính cách tiêu cực thì người bệnh sẽ không thèm để ý gì đến lời thầy thuốc. Lòng tin tưởng trong dịp này lặp lại chính lịch sử phát sinh của mình: nó là con đẻ của tình ái và không cần đến lý lẽ nào khác lúc ban đầu. Chỉ mãi về sau này nó mới bị gán cho cái lý lẽ một tầm quan trọng đủ để đem ra nghiên cứu khi những lý lẽ đó do các người yêu dấu đưa ra, không có và không bao giờ có một tác dụng gì trong đời sống của phần lớn mọi người. Vì thế cho nên chúng ta chỉ có thể đánh vào khía cạnh trí thức của con người một khi con người có đủ khả năng tích luỹ được nhiều đối tượng khát dục, chúng ta có nhiều lý do để cho rằng phân tâm học chỉ có ảnh hưởng tới một mức độ nào đó đối với người bệnh và mức độ đó tuỳ thuộc vào mức độ của bệnh nác xít của người bệnh.

Người bình thường nào cũng có khả năng tích luỹ trong người mình một số sinh lực khát dục. Khuynh hướng hoán chuyển nói trên chỉ là sự quá độ kỳ lạ của khả năng tích luỹ này thôi. Có điều kỳ lạ là một đặc tính quan trọng và xảy ra rất nhiều như thế mà không được chú trọng cho đúng giá trị của nó. Vì thế nên nó không lọt qua mắt những nhà quan sát kỹ lưỡng. Vì thế nên Bernheim đã tỏ ra rất sâu sắc khi thành lập thuyết về hiện tượng thôi miên dựa trên đề luận là tất cả mọi người đều có thể “dễ bị ám thị”. Tính cách “dễ bị ám thị” này chẳng là gì khác hơn khuynh hướng hoán chuyển, hiểu theo nghĩa hẹp nghĩa là có hoán chuyển tiêu cực. Tuy nhiên Bernheim chứng minh cho chúng ta biết sự ám thị là một sự kiện cơ bản không cần biết rõ nguồn gốc. Ông ta không nhìn rõ dây liên lạc giữa sự “dễ bị ám thị” và tình dục hay sự hoạt động của khát dục. Chúng ta cần biết rằng nếu trong kỹ thuật của chúng ta, chúng ta đã bỏ rơi thôi miên chính là để lại tìm thấy sự ám thị dưới hình thức của sự hoán chuyển.

Nhưng tôi dừng lại ở đây và nhường lời cho các bạn. Tôi chợt thấy rằng các bạn có một lời bài bác mạnh đến nỗi nếu không cho các bạn nói ra các bạn sẽ không thể nào tiếp tục theo dõi bài trình bày của tôi được. Các bạn sẽ nói: “Vậy tức là rút cục giáo sư cũng công nhận rằng giáo sư đã làm việc với sự trợ giúp của sự ám thị chẳng khác gì các nhà thôi miên học. Chúng tôi chờ đợi điều đó từ lâu rồi. Nếu chỉ có sự ám thị mới là yếu tố duy nhất có hiệu quả thì tất cả những điều đã làm như gợi là kỷ niệm của dĩ vãng, khám phá ra vô thức, giải thích những sự biến dạng, mất bao nhiêu cố gắng, bao nhiêu công của thời giờ dùng được vào việc gì đây? Tại sao ông lại không trực tiếp hoán vị các triệu chứng cũng như những nhà thôi miên học lương thiện khác. Nếu để bào chữa việc đi loanh quanh mãi, ông cho rằng ông đã khám phá ra nhiều điều về phương diện tâm lí quan trọng thì có cái gì đảm bảo giá trị cũng như sự khám phá đó? Nhưng sự khám phá đó không phải là kết quả của sự ám thị sao, những sự ám thị không có ý? Ông không thể dùng phương pháp của ông bắt buộc người bệnh phải theo những điều ông muốn và cho là đúng sao?

Điều các bạn nói đó thực hay và cần được trả lời. Nhưng vì không có thì giờ nên tôi không thể trả lời ngay được. Tôi sẽ chỉ chấm dứt những điều đã bắt đầu. Tôi đã hứa với các bạn là cho các bạn biết tại sao chúng ta lại thất bại trong việc chữa chạy bệnh thần kinh nác xít.

Tôi chỉ cần nói vài điều thôi và các bạn sẽ thấy là những điều đó thực giản dị và phù hợp với mọi điều khác. Quan sát cho thấy rằng những người bệnh nác xít không có khả năng chuyển hoán hay nếu có thì chỉ có rất ít, chẳng có nghĩa lý gì. Họ đẩy ông thầy thuốc ra không phải vì thù nghịch mà vì lơ là. Vì thế nên chúng ta không ảnh hưởng đến họ được: những điều ông thầy thuốc nói chẳng ăn thua gì với họ cả, họ tỏ vẻ lạnh lùng; vì thế cho nên công việc chữa chạy dựa trên việc làm sống lại sự xung đột gây bệnh, vượt qua được sự đề kháng của sự dồn ép, đã tỏ ra rất hiệu quả trong các bệnh khác lại tỏ ra chẳng ăn thua gì trong bệnh này. Người bệnh vẫn như cũ. Chính họ cũng đã cố gắng để lấy lại tình thế nhưng những cố gắng này chỉ đưa đến những hậu quả bệnh hoạn mà thôi. Chúng ta chẳng làm gì để thay đổi tình trạng đó được.

Dựa vào những dữ kiện bệnh lí chúng ta khẳng định rằng đối với người bệnh này khát dục đã tách rời khỏi các đối tượng và biến thành khát dục của cái tôi. Chúng ta tưởng có thể dùng đặc tính này để phân biệt bệnh thần kinh này với loại bệnh thần kinh đầu tiên (náo loạn thần kinh, lo sợ, ám ảnh). Vậy mà thái độ của bệnh này trong việc chữa chạy đã xác nhận quan điểm của chúng ta. Vì không có hiện tượng chuyển hoá nên những người bệnh này thoát khỏi ảnh hưởng của chúng ta và không thể khỏi bệnh bằng những phương sách hiện có của chúng ta.

28. Phương pháp trị liệu phân tâm học

Các bạn hẳn biết đề tài của cuộc nói chuyện hôm nay là gì. Các bạn đã hỏi tại sao trong trị liệu trong phâm tâm học chúng ta lại không dùng lối ám thị trực tiếp, một khi chúng ta công nhận rằng ảnh hưởng của chúng ta chỉ dựa trên sự hoán chuyển nghĩa là sự ám thị? Trước sự có mặt của sự ám thị các bạn hồ nghi về giá trị các khám phá của chúng ta về phương diện tâm lý. Tôi đã hứa là sẽ trả lời bạn từng chi tiết một.

Sự ám thị trực tiếp là sự ám thị chĩa mũi dùi vào sự phát hiện triệu chứng, là cuộc đấu tranh giữa uy quyền của các bạn và những lý do của trạng thái bệnh hoạn. Dùng sự ám thị là các bạn không để ý đến các lí do này, các bạn chỉ buộc người bệnh không được diễn tả những lí do này bằng các triệu chứng. Việc bạn có đặt người bệnh trong trạng thái thôi miên không, không phải là điều quan hệ. Chính Bernheim đã nhận xét rằng sự ám thị là sự kiện cần thiết trong thôi miên, mà thôi miên lại chỉ là hậu quả của sự ám thị trong trạng thái thức vì cho rằng trạng thái thức cũng đưa đến kết quả như trong sự ám thị thôi miên.

Vậy trong vấn đề này các bạn chú trọng đến vấn đề nào hơn: những dữ kiện của thí nghiệm hay những nhận xét về lý thuyết? Chúng ta bắt đầu bằng những dữ kiện của thí nghiệm. Tôi là học trò của Bernheim ở Nancy năm 1899 và đã dịch cuốn sách của ông về sự ám thị ra tiếng Đức. Trong nhiều năm tôi đã dùng thôi miên để chữa bệnh đi kèm với sự ám thị tự bảo vệ, và với sự khảo sát người bệnh theo phương pháp của Bernheim. Vậy tôi có đủ kinh nghiệm để nói về thôi miên hay ám thị. Nếu đúng như một câu phương ngôn về y khoa, phương pháp trị liệu lý tưởng là phương pháp có tác dụng nhanh, đúng và không làm người bệnh khó chịu thì phương pháp của Bernheim ít nhất có được hai trong ba điều kiện này. Phương pháp này có thể đem áp dụng rất nhanh cho người bệnh, nhanh hơn phương pháp phân tâm học nhiều, không làm mệt người bệnh, không đưa lại một sự khó chịu nào. Đối với một ông thầy thuốc mà cứ áp dụng mãi một phương pháp, làm mãi một vài công việc để làm mất đi triệu chứng rất khác nhau mà không hề biết gì về ý nghĩa và tầm quan trọng của những triệu chứng này, quả là một điều chán nản. Đó là công việc của một anh lao công, chả có gì là khoa học, có vẻ như làm phù thuỷ, ảo thuật; tuy vậy người ta vẫn tiếp tục làm công việc đó vì lợi ích của người bệnh. Nhưng phương pháp này thiếu điều kiện thứ ba, nghĩa là không chắc chắn nốt. Chỉ trong ít lâu là bệnh lại tái phát hay được thay thế bằng bệnh khác. Người ta lại dùng thôi miên, nhưng dùng thôi miên mãi đâu có được: theo lời những người có thẩm quyền thìdùng thôi miên mãi, người bị thôi miên sẽ mất hẳn tính độc lập, dần dần quen với thôi miên như quen với thuốc ngủ vậy. Ngay cả trong những trường hợp rất hiếm, người ta thu lượm được một vài kết quả đầy đủ và lâu dài người ta cũng không biết tại sao, theo điều kiện nào, kết quả đó được tiếp tục. Có một lần tôi đã thấy một bệnh rất nặng mà tôi đã chữa khỏi sau khi dùng thôi miên, tái phát đúng vào thời kỳ người bệnh bắt đầu ghét tôi. Tôi lại chữa khỏi, khả năng hơn lần trước và người bệnh lại trở lại có cảm tình với tôi. Nhưng bệnh lại phát lại lần thứ ba khi người bệnh lại ghét tôi. Một nữ bệnh nhân khác được tôi dùng thôi miên chữa khỏi nhiều lần đột nhiện nhảy lên ôm lấy cổ tôi trong khi tôi đang chữa cho nàng đúng vào lúc đang lên cơn thần kinh. Dù muốn dù không, đứng trước sự việc đó, chúng ta cũng phải đặt lại vấn đề về thực chất và nguồn gốc của sự ám thị.

Đó là thí nghiệm. Những cuộc thí nghiệm này cho ta thấy khi bỏ rơi sự ám thị chúng ta không phải đã bỏ rơi một điều gì tối cần thiết. Bây giờ tôi xin phép nói vài điều nữa về vấn đề này. Lối trị liệu bằng thôi miên chỉ đòi hỏi ở người bệnh một cố gắng gần như vô nghĩa lý. Trong y giới lối chữa bệnh này được rất nhiều người bệnh thích. Người thầy thuốc nói với người bệnh: “Bạn không thiếu gì cả. Thực chất của chứng bệnh của bạn là thực chất tinh thần. Tôi có thể dùng vài lời nói và trong vài phút làm cho mọi rắc rối mất đi”. Nhưng chúng ta cho rằng, người ta không thể huy động một khối lớn sinh lực trong người bằng cách đánh thẳng vào nó mà không dùng một dụng cụ đặc biệt nào. Kinh nghiệm cho thấy là lối làm việc này không thành công trong bệnh thần kinh cũng như trong cơ khí. Tuy nhiên tôi biết lý luận này không phải là không thể bị bài bác, nghĩa là cũng có sơ hở.

Những điều hiểu biết thu lượm được trong khi nghiên cứu phân tâm học giúp cho ta nhìn thấy rõ ràng những sự khác biệt giữa sự ám thị thôi miên và sự ám thị phân tâm.Phương pháp thôi miên tìm cách bao trùm giấu giếm một cái gì trong đời sống tinh thần: phương pháp phân tâm trái lại đưa cái đó ra ánh sáng và gạt bỏ ra một bên. Phương pháp trên tác dụng bên ngoài, trong khi phương pháp dưới tác dụng như một cuộc giải phẫu. Phương pháp thôi miên sự ám thị để ngăn chặn triệu chứng không phát ra được, tăng cường sự dồn ép nhưng không động đến những sự hoạt động đưa đến sự phát sinh ra triệu chứng. Trái lại phương pháp phân tâm khi đứng trước những cuộc xung đột phát sinh ra triệu chứng, tìm cách trở về tận nguồn gốc rồi dùng sự ám thị để biến đổi theo ý muốn kết quả của các cuộc xung đột này. Phương pháp thôi miên làm cho người bệnh thụ động, không thay đổi gì cả và như thế tức là không có phản ứng gì trước một nguyên nhân mới phát sinh ra bệnh mới. Phương pháp phân tâm buộc người bệnh cũng như người thầy thuốc có những cố gắng khó nhọc để chế ngự được những sự đề kháng bên trong. Khi những sự đề kháng đó đã thất bại, đời sống tinh thần của người bệnh sẽ thay đổi lâu dài, được nâng lên một trình độ cao hơn và vẫn được bảo vệ chống lại những căn bệnh mới có thể xảy ra. Công việc chống lại mọi sự đề kháng là công việc chính yếu của phân tâm học và chính người bệnh phải làm công việc này, ông thầy thuốc chỉ dùng sự ám thị để giúp đỡ người bệnh bằng cách giáo dục anh ta thôi. Cho nên người ta có lý khi cho rằng việc chữa bệnh theo phân tâm học chính là một lối giáo dục.

Tôi tưởng đã làm cho các bạn hiểu được sự khác biệt giữa hai phương pháp nói trên trong việc dùng sự ám thị. Dựa vào sự biến đổi từ ám thị sang chuyển hoán, hẳn các bạn đã hiểu tại sao lối chữa chạy theo phương pháp thôi miên lại không chắc chắn trong khi lối phân tâm lại có thể giúp cho ta theo dõi từng kết quả một. Khi áp dụng thôi miên học chúng ta lệ thuộc vào khả năng hoán chuyển của ngời bệnh mà không có cách nào tác dụng được đối với khả năng này. Sự hoán chuyển của người bị thôi miên có thể có tính cách tiêu cực hay song đường: người bệnh có thể dùng vài thái độ đặc biệt để tự bảo vệ đối với sự hoán chuyển: chúng ta tác dụng trực tiếp đến sự hoán chuyển, gạt bỏ những cái gì chống đối lại nó và chĩa mũi dùi theo chiều hướng ta muốn. Chúng ta có thể lợi dụng sức mạnh của sự ám thị và sự ám thị trở nên dễ bảo hơn trong mức độ nào mà anh ta chịu nhận sự hướng dẫn đó.

Nhưng các bạn sẽ nói là mình muốn gọi cái động lực nói trên là hoán chuyển hay ám thị cũng được không có gì quan hệ. Không phải vì thế mà ảnh hưởng mà người bệnh phải chịu không làm cho chúng ta hồ nghi giá trị khách quan của những điều ta đưa ra. Điều gì có ích cho phương pháp trị liệu lại có hại cho nghiên cứu. Lời bài bác này luôn được đưa ra để chống lại phân tâm học, nhưng dù có sai lầm đi nữa thì người ta cũng không thể gạt bỏ nó được như một điều gì vô nghĩa lý. Nhưng nếu lời bác bỏ này đúng thì tất cả những đề luận của phân tâm học liên can đến những ảnh hưởng của đời sống, sự sống động tinh thần, đến vô thức đều coi như nước lã ra sông hết, chỉ còn lại một phát hiện trị liệu dùng ám thị đặc biệt công hiệu thôi. Những người đối nghịch với chúng ta nghĩ như thế đó. Họ cho rằng những đề luận của chúng ta về đời sống tình dục, về tầm quan trọng của đời sống này chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng lệch lạc của chúng ta và chính chúng ta đã thúc đẩy người bệnh nói những điều họ đã nói. Chúng ta dễ dàng bác những luận điệu này bằng thí nghiệm hơn là bằng lý thuyết. Người nào đã áp dụng phân tâm học sẽ hiểu rằng người ta không thể nào ám thị người bệnh đến mức đó được. Tất nhiên muốn cho người bệnh theo một lý thuyết nào, tin theo điều sai lầm nào của người thầy thuốc không khỏi là một điều khó. Người bệnh trong trường hợp đó cũng chẳng khác gì người thường, như một người học trò chẳng hạn; chỉ có điều trong một trường hợp này người ta dùng ảnh hưởng tác dụng không phải trên căn bệnh mà là trên trí thông minh của người bệnh. Người ta chỉ có thể giải quyết cuộc xung đột và tiêu huỷ sự đề kháng bằng cách gây ra cho người bệnh những biểu tượng đợi chờ trùng hợp với sự thực. Điều gì trong sự ám thị của người thầy thuốc không phù hợp với sự thực phải được gạt bỏ ngay và thay thế bằng những đề luận đúng hơn. Người ta dùng một kỹ thuật thích hợp và chăm chú để ngăn không cho sự ám thị có những hiệu quả nhất thời, nhưng dù sao những hiệu quả này có xuất hiện chăng nữa thì cũng chẳng sao vì không bao giờ chúng ta ngừng lại ở một kết quả đầu tiên. Sự phân tích sẽ không chấm dứt một khi những điểm tối tăm chưa được đưa ra ánh sáng, những lỗ hổng trong trí nhớ chưa được san bằng, mọi trường hợp dồn dép chưa được điều chỉnh lại. Những kết quả quá nhanh chóng sẽ thành những trở lực hơn là những điều kiện thuận tiện cho công việc phân tích và khi người ta huỷ bỏ sự hoán chuyển đi, người ta sẽ huỷ bỏ luôn sự thành công nói trên. Chính đặc điểm này chứng tỏ sự khác biệt với lối chữa chạy thuần tuý ám thị, giữa những kết quả do phân tâm học và do sự ám thị thu lượm được. Trong lối chữa bằng sự ám thị, khác lối phân tâm học, sự hoán chuyển được nâng niu, gượng nhẹ không ai dám động đến: phân tâm học trái lại tìm cách tác động hẳn vào sự hoán chuyển, lột mặt nạ của nó và phân hoá nó mặc dù nó có thể xuất hiện dưới bất cứ hình thức nào. Sau khi chữa xong bằng phân tâm học, sự hoán chuyển phải bị tiêu diệt, hậu quả sẽ lâu dài, sự thành công không dựa trên sự ám thị giản dị và thuần tuý mà trên các kết quả thu lượm được do sự áp dụng ám thị: huỷ diệt sự đề kháng bên trong, thay đổi các điều kiện nội tâm người bệnh.

Sự ám thị càng theo nhau xuất hiện bao nhiêu chúng ta càng phải chống lại những sự đề kháng luôn luôn đe doạ biến thành hoán chuyển tiêu cực (nghĩa là đối nghịch) bấy nhiêu. Những kết quả do phân tâm học thu lượm được, mà người ta cho là sản phẩm của sự ám thị thực ra bắt nguồn ở một nơi ở trên hết mọi điều nghi ngờ. Những người đảm bảo cho chúng ta chính là những người điên và vọng tưởng: những người này không ai có thể nói là đã chịu ảnh hưởng của sự ám thị được. Điều họ kể ra cho ta nghe phù hợp với kết quả do công trình nghiên cứu về vô thức trong bệnh thần kinh hoán chuyển cung cấp và xác nhận tính đúng đắn và khách quan về các điều giải thích của chúng ta. Các bạn sẽ không sai lầm khi tin tưởng vào phương pháp phân tâm.

Bây giờ chúng ta bổ túc sự trình bày về phương pháp trị liệu về phương diện lý thuyết. Người bệnh thần kinh không có khả năng hưởng thụ và hành động: không hưởng thụ được vì khát dục của anh ta không hướng về một đối tượng nào có thực; không hành động được vì anh ta buộc phải tiêu phí nhiều sinh lực để giữ gìn khát dục trong tình trạng dồn ép và chống đỡ với sự tấn công của khát dục. Bệnh anh ta chỉ khỏi khi không còn xung đột giữa cái tôi và sự khát dục nữa, khi cái tôi đã chế ngự được khát dục. Nhiệm vụ của phương pháp trị liệu là làm cho khát dục thoát khỏi những sự ràng buộc hiện thời không do cái tôi kiểm soát và đặt khát dục trở lại vị trí phụng sự cái tôi như trước. Khát dục của người bệnh thần kinh nấp ở đâu? Câu trả lời rất dễ: nó bị trói buộc vào những triệu chứng vì chỉ có triệu chứng mới cung cấp cho nó sự thoả mãn thay thế duy nhất. Vậy phải tóm lấy các triệu chứng, tiêu huỷ chúng đi, nghĩa là làm công việc mà người bệnh đòi hỏi.

Muốn tiêu huỷ triệu chứng phải quay trở về nguồn gốc của chúng, làm sống lại sự xung đột gây ra các triệu chứng đó, hướng cuộc xung đột này về một hướng khác, lợi dụng những yếu tố không thuộc quyền sử dụng của người bệnh trong thời kỳ phát sinh ra triệu chứng. Sự xét lại diễn biến của sự dồn ép chỉ có thể làm từng phần bằng cách theo dõi những dấu vết mà nó để lại. Điều tối yếu trong công việc chạy chữa là đi từ thái độ đối với ông thầy thuốc, từ sự hoán chuyển tạo ra một ấn bản mới của những cuộc xung đột cũ làm cho người bệnh giống như thời kỳ phát sinh ra bệnh, nhưng lần này phải huy động động lực tinh thần sẵn sàng có để tìm ra một giải pháp khác. Sự hoán chuyển vì vậy trở nên một bãi chiến trường trong đó mọi động lực đấu tranh với nhau đều phải nhập cuộc.

Tất cả khát dục và sự đề kháng với khát dục đều tập trung trong thái độ người bệnh đối với ông thầy thuốc; vào dịp đó nhất dịnh sẽ có sự tách bạch giữa những triệu chứng và khát dục, những triệu chứng sẽ không còn dấu vết gì của khát dục nữa. Thay thế vào bệnh, chúng ta sẽ còn một sự hoán chuyển do chúng ta tạo ra và nếu bạn thích hơn, có một bệnh về sự hoán chuyển thay vào chỗ của những đối tượng vừa phức tạp vừa không thực của khát dục, chúng ta có một đối tượng duy nhất cũng ly kỳ không kém: đó là ông thầy thuốc. Những sự ám thị do ông thầy thuốc đưa ra sẽ làm cho sự tranh đấu chung quanh đối tượng này tiến đến giai đoạn tinh thần cao nhất, thành ra chúng ta chỉ còn đứng trước một cuộc xung đột tinh thần bình thường. Chống lại một sự dồn ép mới không cho nó xuất hiện ra, chúng ta chấm dứt sự tách đôi cái tôi và khát dục, tái lập tính cách duy nhất của tinh thần. Khi khát dục rời khỏi đối tượng nhất thời là ông thầy thuốc, nó không thể quay trở lại với các đối tượng ngày xưa nữa; nó sẵn sàng phục vụ cái tôi lại. Những sức mạnh mà người ta phải chống lại trong công việc trị liệu này là: một đằng là sự chống đối lại một vài chiều hướng của khát dục, phát hiện dưới hình thức khuynh hướng dồn ép; một đằng sự dai dẳng bám riết của khát dục vào những đối tượng của nó mà nó không sẵn lòng rời bỏ.

Công cuộc trị liệu vì thế chia làm hai giai đoạn: trong giai đoạn thứ nhất khát dục tách rời khỏi các triệu chứng để định cư trên sự hoán chuyển, trong giai đoạn thứ hai sự tranh đấu diễn tiến chung quanh đối tượng mới để sau cùng làm cho khát dục thoát khỏi đối tượng này. Kết quả thuận lợi này chỉ có thể có được khi trong cuộc xung đột mới này, người ta thành công trong việc ngăn cản sự xuất hiện của một sự dồn ép mới, nếu không khát dục sẽ lấp vào trong vô thức và lại thoát khỏi sự kiểm soát của cái tôi. Nhờ có ảnh hưởng của sự ám thị cái tôi sẽ biến đổi đi và sự biến đổi này sẽ giúp chúng ta đạt được kết quả thuận lợi nói trên. Nhờ phân tâm học biến vô thức thành hữu thức nên cái tôi mới lớn mạnh hơn, nhờ những lời khuyên bảo của thầy thuốc, cái tôi sẽ tỏ ra khoan dung hơn đối với khát dục dành cho khát dục một vài sự thoả mãn và do đó người bệnh sẽ bớt e dè khát dục hơn, vì người bệnh có thể thoát khỏi được khát dục nhờ sự hoán chuyển. Sự diễn tiến như trên càng đến gần tình trạng lý tưởng vừa được mô tả bao nhiêu thì sự thành công trong công việc chữa chạy càng chắc chắn bấy nhiêu. Điều làm cho sự thành công bị hạn chế là một đàng sự khát dục không đủ mềm mỏng để có thể rời khỏi dễ dàng những đối tượng mà nó bám vào; đằng khác là sự cứng rắn của bệnh nác xít chỉ chịu sự hoán chuyển từ đối tượng này sang đối tượng khác trong một giới hạn nào đó thôi. Điều làm cho các bạn hiểu rõ tính cách sống động của lối chữa bệnh, hơn nữa là việc chúng ta có thể nắm trong tay tất cả sự khát dục đang tìm cách thoát khỏi cái tôi bằng cách kéo một phần sự khát dục về với chúng ta bằng sự hoán chuyển.

Sự định cư của khát dục trong lúc chữa chạy và sau khi chữa xong, không hề cho ta biết gì về điểm định cư của nó trong thời kỳ bệnh nặng. Giả dụ như trong khi chữa bệnh, chúng ta nhận thấy có sự hoán chuyển khát dục đến người cha và chúng ta đã tách rời được nó ra khỏi người cha để hướng dẫn về ông thầy thuốc chẳng hạn: chúng ta sẽ lầm lớn nếu cho rằng người bệnh đau khổ vì khát dục của mình đã định cư trên người cha một cách vô thức. Sự hoán chuyển của người cha chỉ là bãi chiến trường trên đó chúng ta tóm được khát dục, nhưng không phải khát dục có mặt trên chiến trường ngay từ lúc đầu, nguồn gốc của nó ở chỗ khác. Bãi chiến trường chưa hẳn đã là một vị trí quan trọng của địch quân. Sự bảo vệ kinh đô của địch quân không nhất thiết phải được tổ chức ngay cửa ngõ kinh đô đó chỉ sau khi huỷ diệt được sự hoán chuyển cuối cùng, chúng ta mới biết được khát dục đã định cư ở đâu trong thời kỳ chữa bệnh.

Đứng về phương diện lý thuyết của khát dục, chúng ta có thể thêm một vài điều liên quan đến giấc mơ. Giấc mơ của người bệnh thần kinh cũng như những hành vi sai lạc về những kỷ niệm của họ giúp cho chúng ta biết rõ được ý nghĩa của các triệu chứng và tìm được nơi định cư của khát dục. Dưới hình thức thoả mãn mong muốn vào những đối tượng nào mà khát dục đã bám vào để thoát khỏi sự kiểm soát của cái tôi. Vì thế cho nên sự giải thích giấc mơ giữ một vai trò quan trọng trong phân tâm học và trong nhiều trường hợp trở thành phương sách chính trong việc nghiên cứu. Chúng ta biết rằng giấc ngủ có kết quả là thả lỏng một phần nào cho sự dồn ép. Vì sự kìm hãm nhẹ hơn nên sự ham muốn trong giấc mơ có thể có một hình thức rõ ràng hơn sự ham muốn xuất hiện dưới hình thức triệu chứng trong khi thức. Vì thế cho nên việc nghiên cứu giấc mơ mở đường cho chúng ta hiểu rõ vô thức bị dồn ép mà trong vô thức đó lại có mặt sự khát dục thoát khỏi được sự kiềm chế của cái tôi.

Giấc mơ của những người bệnh thần kinh không khác giấc mơ của người thường một điểm nào cả; không những thế chúng ta khó mà phân biệt được rõ ràng hai loại giấc mơ đó. Chúng ta sẽ vô lý khi việc tìm trong giấc mơ của người bệnh thần kinh một sự giải thích không có giá trị đối với giấc mơ của người thường. Vì thế nên chúng ta phải nói rằng sự khác biệt giữa tình trạng của trạng thái bị bệnh thần kinh và trạng thái bình thường chỉ có trong tình trạng thức của hai trạng thái đó và sự khác biệt này biến mất trong giấc mơ ban đêm. Chúng ta bắt buộc phải áp dụng cho người bình thường một số các dữ kiện dẫn xuất từ những liên quan giữa giấc mơ và triệu chứng của bệnh thần kinh. Chúng ta phải thừa nhận rằng người bình thường trong đời sống tinh thần cũng có một cái gì khiến cho giấc mơ và triệu chứng có thể phát sinh ra được và người bình thường cũng phải tranh đấu với sự dồn ép, cũng phải đem sinh lực ra để ngăn chặn những dồn ép đó. Hệ thống vô thức của người bình thường cũng chứa đựng những sự ham muốn bị chế ngự và một phần của sự khát dục cũng thoát khỏi sự kiềm chế của cái tôi. Vậy người bình thường cũng là người bệnh thần kinh tiên tiến nhưng hình như chỉ có giấc mơ là triệu chứng duy nhất có thể thành lập được. Nhưng đó chỉ là bề ngoài vì khi đem đời sống trong khi thức của một người bình thường ra nghiên cứu thực kỹ, chúng ta cũng thấy là đời sống mà ta tưởng bình thường này cũng chứa đựng rất nhiều triệu chứng thực ra không có nghĩa lý gì và không quan trọng gì trong thực tế.

Vậy sự khác biệt giữa sức khoẻ bình thường và bệnh thần kinh chỉ là một sự khác biệt về đời sống thực tế và phụ thuộc vào mức hưởng thụ và hoạt động mà người đó còn làm được. Sự khác biệt này rút lại chỉ là khác biệt giữa những số lượng sinh lực còn được tự do và số lượng sinh lực bị ngưng hoạt động vì sự có mặt của dồn ép. Vậy sự khác biệt không phải về phẩm mà về lượng. Tôi không cần nhắc lại là quan điểm trên đây hiến cho ta một căn bản để tin tưởng bệnh thần kinh có thể chữa khỏi dù chúng có tính di truyền.

Đó là điều mà sự đồng nhất giữa giấc mơ của người bình thường và giấc mơ của người bệnh thần kinh giúp cho ta kết luận về đặc tính của sức khoẻ bình thường. Nhưng về phương diện giấc mơ, chúng ta còn rút từ sự đồng nhất này ra một kết luận nữa đó là việc chúng ta không được tách rời giấc mơ ra khỏi những liên quan của nó đối với những triệu chứng bệnh thần kinh, rằng ta không nên tin rằng chúng ta đã mô tả được thực chất của giấc mơ khi nói rằng nó chẳng là gì khác hơn sự phát biểu sơ khai cổ lỗ của một vài ý tưởng hay tư tưởng, rằng chúng ta phải chấp nhận giấc mơ có thể cho chúng ta biết những nơi toạ lạc và định cư của khát dục có thực.

Tôi sắp chấm dứt những bài học này. Các bạn có lẽ thất vọng khi thấy tôi chỉ nói đến vấn đề về lý thuyết trong chương nói về cách chữa bệnh trong phân tâm học, mà không nói gì đến những điều kiện phải có khi bắt đầu dùng phương pháp trị liệu đó và những hiệu quả cần phải đạt dược. Tôi chỉ nói đến lý thuyết vì không hề có ý hiến các bạn một kim chỉ nam thực hành phân tâm học, tôi có lý do để không nói đến những cách làm việc và kết quả của phân tâm học. Tôi đã nói ngay trong những buổi đầu là nếu gặp điều kiện thuận tiện chúng ta đã thu lượm thực sự thành công rực rỡ trong công việc chữa chạy không kém gì những sự thành công huy hoàng nhất của môn nội thương trong y học, tôi có thể thêm rằng,những sự thành công mà phân tâm học đã thu lượm được, không một môn nào khác có thể đạt được. Nếu nói nhiều nữa sợ các bạn nghi ngờ là tôi muốn đem quảng cáo ầm ỹ để che lấp những tiếng reo hò của những kẻ thù nghịch phân tâm học. Có nhiều bạn đồng nghiệp đe doạ các nhà phân tâm học trong những buổi họp công cộng là họ sẽ mở mắt cho công chúng xem sự nghèo nàn của lối chữa của chúng ta bằng cách công bố danh sách những thất bại tai hại mà phân tâm học đã phạm phải. Không nói gì đến tính chất bỉ ổi của một hành động như thế, một hành động chỉ có tính chất thù hận, cho dù người ta có công bố thực những điều nói trên chăng nữa thì sự công bố này cũng chẳng giúp gì cho công việc phán đoán đúng đắn về hiệu quả của công việc chữa chạy thay lối phân tâm. Phương pháp trị liệu phân tâm mới ra đời đây thôi, cần có nhiều thời gian mới ổn định được kỹ thuật mà công việc này lại chỉ làm được trong khi nghiên cứu và nhờ phản ứng đối với kinh nghiệm trực tiếp. Vì gặp nhiều khó khăn trong việc giảng dạy phân tâm học nên người thầy thuốc trẻ tuổi bắt đầu vào nghề phân tâm thường phải tự mình trông cậy vào mình để hoàn bị nghệ thuật, thành ra những kết quả thu lượm được không thể nói là có lợi hay có hại cho công việc chứng tỏ là lối chữa chạy của phân tâm học có hiệu quả hay không.

Nhiều công việc chữa chạy đã thất bại trong buổi đầu của phân tâm học vì đã được thực hiện trong những trường hợp không thuộc phạm vi môn học và hiện nay chúng ta gạt bỏ rất nhiều điều chỉ dẫn của những trường hợp đó. Nhưng chính vì có những cuộc chữa thử đó nên ngày nay chúng ta mới tiến được. Trước kia người ta đâu có biết bệnh điên sớm phát và bệnh vọng tưởng không thể chữa được bằng phân tâm học, vậy mà người ta vẫn có quyền dùng phương pháp đó để chữa nhiều bệnh khác nhau nữa. Tuy nhiên ta phải công bằng mà nói rằng, nếu trong những năm đầu tiên phân tâm học đã gặp nhiều thất bại thì đó không phải do thầy thuốc thiếu kinh nghiệm mà chính vì những điều kiện không thuận tiện. Từ trước đến nay chúng ta chỉ nói đến những sự đề kháng bên trong; những sự đề kháng này do người bệnh đưa ra rất cần thiết và không thể khắc phục được. Nhưng còn những chướng ngại vật bên ngoài, xung quanh người bệnh, do người xung quanh tạo ra, tuy không có lợi ích gì về lý thuyết, nhưng lại rất quan trọng trong thực tế. Phương pháp trị liệu phân tâm học giống như một cuộc giải phẫu, nghĩa là phải được thực hiện trong những điều kiện khiến cho những cơ hội thất bại phải được rút đến mức tối thiểu. Các bạn hẳn biết người giải phẫu phải cẩn trọng như thế nào: có phòng thích hợp, ánh sáng đầy đủ, người phụ tá có kinh nghiệm nghề nghiệp, cấm người thân bệnh nhân có mặt trong phòng…Có bao nhiêu cuộc giải phẫu thành công nếu được diễn ra trước mặt đông đủ người thân của bệnh nhân kêu la rên xiết mỗi khi thấy lưỡi dao lướt qua người bệnh. Trong công cuộc chữa chạy của phân tâm học, sự có mặt của người thân người bệnh là một điều nguy hiểm, nhưng làm sao cho họ không có mặt bây giờ? Chúng ta đủ cách đề phòng chống lại những sự đề kháng bên trong, chúng ta lại biết rằng những sự đề kháng đó rất cần thiết; nhưng làm sao chống lại những sự đề kháng từ bên ngoài? Không có cách nào thuyết phục người thân bệnh nhân đứng ngoài cuộc chữa chạy; ngoài ra không bao giờ nên tỏ vẻ hoà đồng với người thân bệnh nhân vì người bệnh sẽ không còn tin tưởng ở ông thầy thuốc nữa, vì người bệnh bắt buộc rằng người mà anh ta tin cậy đến độ nói cho nghe hết những điều bí ẩn của lòng mình phải đứng về phía mình trong mọi trường hợp. Người nào quen với những sự cãi cọ trong gia đình thường hiểu rằng nhiều khi một người trong gia đình người bệnh có lợi khi để cho người bệnh cứ tiếp tục bị bệnh mãi chứ không muốn cho người bệnh khỏi. Trong những trường hợp luôn luôn xảy ra khi có bệnh thần kinh chính là hậu quả của quyền lợi tương phản giữa những người trong gia đình thì người thân của bệnh nhân thường không có gì phải chọn lựa giữa quyền lợi của chính mình và sự khỏi bệnh của người bệnh. Cho nên chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy một người chồng không thích cho thầy thuốc biết tội lỗi của mình. Vì thế nên những nhà phân tâm học chúng tôi không ngạc nhiên và chúng tôi không chấp nhận những điều trách móc khi công cuộc chữa chạy thất bại hay phải dừng lưng chừng vì có sự đề kháng của người chồng đến phụ lực cho sự đề kháng của người bệnh. Chúng ta đã làm một công việc không thể thành công được trong những điều kiện như thế. Tôi chỉ kể cho các bạn nghe trong một trường hợp thôi trong đó tôi trở thành nạn nhân mà không dám nói ra chỉ vì những điều nhận xét thuần tuý y học. Cách đây vài năm, tôi chữa bệnh cho một thiếu nữ bị bệnh thần kinh lo sợ đến nỗi không dám đi ra ngoài hay ở nhà một mình. Dần dần cô ta cho tôi biết sở dĩ như thế là vì chính mắt cô đã được chứng kiến cuộc giao du tình ái giữa mẹ cô và một người bạn giàu có của gia đình. Cô ta đã vụng về hay quá tế nhị để cho mẹ biết những việc gì đã xảy ra trong những buổi chữa bệnh bằng phân tâm học: để tránh khỏi phải ngồi một mình cô bám chặt lấy mẹ, không cho mẹ đi đâu hết. Người mẹ trước kia cũng bị bệnh thần kinh và đã được chữa khỏi trong một bệnh viện chữa bằng nước. Trong thời kỳ nằm viện, bà ta quen biết một ông sau đó đã giao du thân mật với bà ta và làm cho bà ta rất hài lòng về mọi phương diện. Thấy con đòi hỏi mạnh mẽ như thế, bà đột nhiên hiểu rõ tại sao con gái mình lại lo sợ như thế, rằng con gái mình làm ra vẻ bị bệnh để ngăn cấm không cho mẹ đi ra ngoài và có cơ hội gặp lại người yêu. Bà bất thần chấm dứt mọi sự chữa chạy. Người con gái được đưa vào một bệnh viện thần kinh và trong bao nhiêu năm người ta rêu rao là cô ta là một nạn nhân đáng thương của môn phân tâm học. Người ta đã trách móc tôi nhiều về kết quả thảm hại của việc chữa chạy. Tôi phải giữ im lặng vì bí mật nghề nghiệp. Mãi nhiều năm về sau, một người bạn thường đi lại trong bệnh viện của cô gái cho tôi biết rằng cuộc giao du tình ái giữa bà mẹ và người bạn giàu, với sự đồng loã của người chồng vỡ lở khiến cho ai cũng biết. Vậy người ta đã nhân danh điều “bí mật” này để chấm dứt sự chữa chạy bằng phân tâm.

Trong những năm trước khi xảy ra chiến tranh (Đại chiến lần thứ nhất (1914), vì có nhiều người ngoại quốc nên tôi không để ý đến sự hoan nghênh hay không của thành phố quê hương tôi nữa, tôi đã tự đặt cho mình quy tắc là không chữa cho bất cứ người nào nếu người đó không độc lập với người thân. Đó là một quy tắc mà không phải bất cứ một nhà phân tâm học nào cũng theo được. Nhưng vì tôi bảo các bạn nên đề phòng với thân nhân của người bệnh, các bạn sẽ cho rằng những người bệnh được chữa bằng phân tâm học phải sống xa gia đình và người quen biết và lối chữa chạy này chỉ có thể áp dụng cho những người nằm trong bệnh viện thần kinh. Không phải thế đâu: nếu không bị bệnh quá nặng, người bệnh sẽ có lợi vô cùng nếu được chữa chạy trong bầu không khí quen thuộc, trong đó họ có thể giải quyết được những vấn đề của họ. Bà con của họ chỉ cần đừng có thái độ thù nghịch với ông thầy thuốc và can thiệp vào sự chữa chạy của ông ta thôi. Nhưng những điều đó sao mà khó làm thế! Tất nhiên bạn sẽ dễ dàng nhận thấy rằng chữa bệnh có thành công hay không là tuỳ thuộc vào bầu không khí xã hội chung quanh người bệnh và trình độ học thức của gia đình người bệnh.

Tất cả những điều đó không đủ cho ta có một ý niệm cao cả về sự công hiệu của phương pháp trị liệu phân tâm học, dù rằng phần lớn những sự thất bại của chúng ta là do những điều kiện bên ngoài. Nhiều bạn của phân tâm học thúc giục tôi công bố danh sách những sự thành công của môn này để đáp lại danh sách của những sự thất bại. Tôi không chấp nhận lời khuyên này. Để bênh vực ý kiến này, tôi cho rằng một sự thống kê chẳng có giá trị gì khi những con số đưa ra không giống nhau, mà những bệnh do phân tâm học chữa chạy lại khác nhau rất nhiều và rất xa. Vả lại thời gian chưa đủ để khẳng định rằng người bệnh đã khỏi hoàn toàn, có nhiều trường hợp chưa lấy gì làm chắc chắn. Những trường hợp này là trường hợp của những người giấu không muốn cho người khác biết mình bị bệnh và đã được chữa khỏi. Nhưng trên tất cả các điều khác, điều tôi đưa ra để bênh vực quan điểm của tôi trong vấn đề này là thái độ không hợp lý của mọi người đối với mọi phương pháp trị liệu, không thể dùng những lý lẽ hợp lý đưa vào thí nghiệm cũng như để thuyết phục họ. Một điều mới lạ trong phương pháp trị liệu thường được đón tiếp hoặc bằng một thái độ hoan nghênh ầm ĩ như độc tố lao đầu tiên của Koch chẳng hạn, hoặc bị nghi ngờ một cách làm nản lòng người như phương pháp phòng ngừa của Jenner chẳng hạn mà cho mãi tận bây giờ vẫn còn nhiều người chỉ trích. Phân tâm học vấp phải một thái độ thiên vị rõ ràng. Khi nói về một sự thành công của phân tâm học, người ta thường nói: “Điều đó chẳng nói lên gì cả, vì giả dụ như không được ông chữa thì ngày nay người bệnh vẫn khỏi như thường”. Rồi một khi người bệnh sau bốn chu kỳ buồn rầu và có thói quen kỳ cục, được chữa chạy trong một khoảng thời gian tạm khỏi, ba tuần sau lại thấy bệnh tái phát là mọi người trong gia đình đó có cả một y sĩ thượng thặng kêu la lên rằng sự tái phát này là hậu quả tất nhiên của lối chữa hạy trong phân tâm. Đối với những thành kiến đó, chúng ta chỉ có việc khoanh tay. Cần để cho thời gian qua đi mới xoá nhoà được những thành kiến đó. Một ngày kia những người này sẽ nghĩ lại, khác với những điều họ nghĩ trước kia. Nhưng tại sao hôm trước họ không nghĩ như hôm nay? Đó là một điều bí mật đối với họ cũng như đối với chúng ta.

Cũng có thể là những thành kiến này đã đi thụt lùi vì ngày nay phân tâm học đã được phổ biến và nhiều y sĩ trẻ tuổi cũng đã dùng phân tâm học để chữa bệnh. Khi còn là một thầy thuốc trẻ tuổi tôi đã được chứng kiến người ta la ó giận dữ ra sao trong giới y học để đó tiếp phương pháp trị liệu bằng thôi miên y như ngày nay người ta la ó trước phương pháp trị liệu bằng phân tâm học. Nhưng về tính chất trị liệu thôi miên học đã không giữ được lời đã hứa trong buổi đầu; những nhà phân tâm học như chúng ta, chúng ta biết đã chịu ơn thôi miên học như thế nào và đã coi mình như những người thừa kế của môn này. Những điều người ta chỉ trích phân tâm học bắt nguồn ở chỗ có những hiện tượng nhất thời gây nên bởi một vài sự áp dụng vụng về và bị ngừng lại bất thần của một vài cuộc chữa chạy. Bây giờ vào lúc các bạn đã biết thái độ của chúng ta đối với người bệnh ra sao rồi thì bạn hẳn biết thái độ đó có gây cho người bệnh điều thiệt hại gì lâu dài hay không. Tất nhiên phân tâm học có thể đưa đến nhiều sự lạm dụng và sự hoán chuyển đặc biệt là một phương sách nguy hiểm trong tay một nhà phân tâm học không tận tâm. Nhưng có phương pháp trị liệu nào mà không bị lạm dụng? Muốn chữa khỏi bệnh, lưỡi dao giải phẫu phải cắt chứ làm sao bây giớ?

Tôi đã chấm dứt những bài học này và tiếc rằng trong những bài học này còn có những thiếu sót và lỗ hổng. Tôi tiếc là đã hứa với các bạn quay trở lại một vài vấn đề nhưng rồi lại chỉ nói phớt qua thôi và đã không thể giữ lời hứa vì chiều hướng của những bài học này. Tôi đã làm công việc mở đường cho các bạn đi vào một môn học đang phát triển, còn thiếu sót nhiều và vì muốn tóm tắt lại tôi đã đưa ra một bài trình bày còn thiếu sót. Hơn một lần tôi đã tập trung những vật liệu để đưa ra một kết luận mà rồi sau tôi không đưa ra. Tôi không có tham vọng làm cho các bạn trở thành những nhà chuyên môn. Tôi chỉ muốn mở đường cho các bạn và thúc đẩy các bạn thôi.

Hết

Nguồn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét