Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Tự ngẫm

Chiếc xương sống oằn lưng gánh nặng
Là dáng hình của đất nước tôi
Xưa Thánh Gióng sau vỗ yên bờ cõi
Người an nhiên quay ngựa về trời

Nước mắt mẹ cạn khô thời binh lửa
Những nấm mồ khép lại tuổi hai mươi
Tàn chiến cuộc tướng không về trời nữa
Biết ai người sẽ vỗ yên dân

Sài Gòn 15/10/2013 NĐL
( Ảnh sưu tầm trên Internet )

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

Thần tượng

Việc ngưỡng mộ thần tượng thuộc về sở thích cá nhân, thiết nghĩ nó cần được xã hội tôn trọng.Mà đã là sở thích thì không nên tranh luận và cưỡng ép.

Theo giòng lịch sử, thời đại nào cũng sản sinh ra những con người ưu việt, với những phẩm chất thật nổi bật, có những đóng góp tích cực cho xã hội, họ là thần tượng ngự trị trong trái tim của nhiều người.
Ở chừng mực nào đó,việc ngưỡng mộ thần tượng góp phần thúc đẩy xã hội tiến bộ.

Một thần tượng mới xuất hiện hôm nay,nó có thể lấy bớt chỗ trong ký ức của những thần tượng hôm qua.Đó là chuyện bình thường ở một xã hội văn minh,miễn sao đừng biến nó thành tệ sùng bái cá nhân và cuồng tín.
Một xã hội thiếu vắng những thần tượng mới là biểu hiện của một xã hội trì trệ thiếu sức sống

Sẽ là không bình thường nếu bạn cố cưỡng ép người khác nhường một chỗ trong trái tim của họ để giành chỗ cho thần tượng của bạn.

Sẽ là không bình thường nếu bạn đánh mất lòng tự trọng của mình trong quá trình ngưỡng mộ thần tượng của bạn.

Sẽ là không bình thường nếu bạn sẵn sàng " format" bản thân mình theo những phẩm chất của thần tượng mà bạn không hề có.

Khi thần tượng của bạn bị trói hai tay, bạn có quyền hôn đôi chân của họ nếu muốn.
Bạn có quyền cầu nguyện,bày tỏ niềm tiếc thương,ngưỡng mộ thần tượng của bạn, nhưng đừng quên, khoa học đã chứng minh rằng, tâm của vũ trụ không nằm ở nơi mà thần tượng của bạn,của tôi,hay của ai đó ngự trị.
Nếu một ngày nào đó thần tượng trong bạn có sụp đổ đi chăng nữa, thì đó cũng không phải là ngày tận thế.

Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

Nhìn từ một góc khác về câu chuyện hiển thánh

Góc nhìn dân gian

"Trời đánh Thánh đâm" là câu tục ngữ quen thuộc của người Việt.
Khi người dân bị mất niềm tin vào ánh sáng của công lý,còn "đèn trời" ở quá xa không thể chiếu rọi và lắng nghe tiếng kêu thống khổ của dân,Phật thì từ bi hỷ sả, khó lòng thỏa mãn ước muốn trừ gian,diệt ác, trừng trị đám cường quyền phản nước hại dân.Dân họ gửi gắm ước muốn ấy vào Thánh.

Thánh khác Phật. Họ là nhữn...g vĩ nhân cũng có lòng bác ái,độ lượng nhưng không phải là bậc chân tu giữ giới.
Những vị tướng hiển thánh khi xưa như Quan Công của Trung Quốc,Đức Thánh Trần cuả Việt Nam, trong cuộc đời trận mạc họ đã sát hại biết bao người, phạm giới sát sanh nên không thể thành Bồ Tát, càng không thể thành Phật được.
Phật thì đã đạt được chánh quả, và việc cứu nhân độ thế của họ nhằm vào công việc vĩ đại cứu vớt con người ra khỏi bể trầm luân khổ ải.
Còn các vị Thánh, thì có lẽ đến khi chết các Ngài vẫn chưa toại ý nguyện quá lớn lao lúc sinh tiền, vì vậy anh linh hiển hách của các Ngài còn vương vấn nơi trần thế,còn nặng tình với nhân loại đau khổ, cho nên các Ngài có thể đáp ứng những lời cầu nguyện van xin, cứu giúp trong trường hợp cần thiết.
Thánh có cấp dưới là Thần, các vị Thần thường ở nơi miếu,đình rất gần dân nên thấu hiểu nỗi lòng của dân.
Những người lính, xông pha nơi mũi tên hòn đạn, trong những giờ phút hiểm nguy sinh mạng ngàn cân treo sợi tóc,những người bệnh tật hiểm nghèo, những ngư dân đang lênh đênh trên biển cả mịt mờ, những người dân đang oằn mình chống chọi với những cơn cuồng nộ của thiên nhiên ,những người bị ức hiếp chà đạp....đều thành kính gửi gắm ước vọng của mình vào Thánh Thần để được giúp đỡ,chở che.

Có lẽ không ít người cầu mong cho đại tướng Võ hiển Thánh để gửi gắm hy vọng rằng ông sẽ trừng phạt đích đáng những kẻ huênh hoang láo toét,chúng mượn danh ông để kiếm chác.Trị tội bọn cường hào ác bá và vật cổ cái đám sâu mọt, phản nước hại dân chăng ?
Hay chí ít thì cũng có thể bảo bọc chở che họ trên hành trình tự mình đi tìm công đạo.
 
Sài Gòn 12/10/2013