Sau khi đưa Dmitri Medvedev ra tranh cử Tổng thống, năm 2008, ông Vladimir Putin lui về làm Thủ tướng để tuân thủ quy định của Hiến pháp. Không ai làm Tổng thống quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Trong nhiệm kỳ Tổng thống của Medvedev, đã có sự phân công lao động giữa hai người: bộ mặt ôn hoà và cải cách của Liên bang Nga là phần vụ của Tổng thống Medvedev; củng cố thế lực của nước Nga là trách nhiệm của Thủ tướng Putin, người thực sự lãnh đạo nước Nga từ bên trong hậu trường.
Qua mấy năm liền, bên trong hệ thống chính trị Nga đã có những tranh giành ảnh hưởng giữa hai ba thế lực kinh tế và chính trị, nhưng chẳng đe dọa được cái thế phân công giữa Tổng thống và Thủ tướng. Cũng vậy, người ta đã có lúc nêu câu hỏi là liệu Medvedev có say đòn mà lộng giả thành chân, tức là đòi ra tái tranh cử Tổng thống hay không?
Chuyện ấy không xảy ra.
Tháng trước, Putin quyết định sẽ ra tranh cử Tổng thống vào Tháng Ba tới. Nhiều phần thì Medvedev lui về lãnh đạo đảng Nga Thống nhất và trở về làm Thủ tướng. Sự chọn lựa ấy cho thấy một tín hiệu với thế giới bên ngoài: dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin, Liên bang Nga sẽ tìm lại vị trí siêu cường, trên thế mạnh.
Mùng ba vừa qua, trong một bài xã luận trên tờ Izvestia, Vladimir Putin xác nhận điều ấy.
Ông đề nghị thành lập một Liên hiệp Âu-Á, một Eurasian Union, để hội nhập các nước Cộng hoà từ Âu qua Á. Tất nhiên là bài xã luận đã gây chú ý cho dư luận bên ngoài Hoa Kỳ, dư luận bên trong thì còn tập trung vào cuộc bầu cử 2012 của Mỹ.
***
Khi tìm hiểu, ta thấy Putin nói ra trình tự của sự hội nhập trên đại lục địa Âu-Á:
Bước đầu là một Liên hiệp Quan thuế giữa Liên bang Nga và Cộng hoà Belarus cùng Cộng hoà Kazahkstan, để lập ra "Không gian Kinh tế Thống nhất" kể từ Tháng Giêng năm 2012 tới đây. Bước kế tiếp, việc hội nhập kinh tế sẽ là tăng cường phối hợp chánh sách kinh tế và tiền tệ và mở ra cho các thành viên Trung Á là Cộng hoà Kyrgyzstan và Tajikistan. Rồi đến các nước trong hệ thống "Commonwealth of Independent States" CIS. Khối Thịnh vượng chung của các Quốc gia Độc lập. Đó là một tập thể 11 quốc gia trong Liên bang Xô viết cũ, thành hình một cách tạm bợ vào cuối năm 1991 khi Liên Xô bắt đầu tan rã.
Ngoài năm nước kể trên, tập thể CIS này có thêm Armenia, Azerbaijan, Moldovia, Turkmenistan, Ukraina và Uzbekistan. Riêng Georgia thì đã vào rồi ra, và nay đang bị Liên bang Nga khống chế bằng quân sự.
Nhìn từ bên ngoài, tất nhiên dư luận thế giới cho rằng từ hội nhập kinh tế qua thống nhất về ngoại giao và an ninh, Vladimir Putin đang gom lại các mảnh vụn của Liên Xô cũ. Để hình thành một Liên Xô mới, may là hết còn đặc tính Xô viết! Tất nhiên là Putin cũng hiểu cách suy diễn đầy lo ngại đó, nên đã trấn an ngay trong bài xã luận:
Liên bang Nga không muốn dựng lại Liên bang Xô viết cũ và thực tế sẽ không can thiệp vào tình hình nội chính của các thành viên Liên hiệp Âu-Á. Thứ hai, Liên hiệp Âu Á này sẽ mở rộng hợp tác với Liên hiệp Âu châu và Trung Quốc, trở thành cây cầu giao tiếp giữa Liên Âu với Á châu Thái bình dương.
Nghĩa là các nước Âu châu có thêm một ngả hợp tác với Á châu qua sự môi giới và hỗ trợ của Nga? Một bài học về địa dư và lịch sử hơi khôi hài!
Nhưng vấn đề không nằm ở đó nếu ta nhớ ra cuộc khủng hoảng Euro hiện nay....
***
Sau Thế chiến II, các nước Âu châu muốn giải trừ nguy cơ chiến tranh với nhau bằng hợp tác kinh tế, từ chuyện than thép qua xây dựng Thị trường chung Âu châu. Nửa thế kỷ sau thì tiến tới thống nhất quan thuế và kinh tế. Khi Liên Xô tan rã năm 1991, các nước Âu châu phía Tây và phía Bắc đã đón nhận và hội nhập các nước Đông Âu và Trung Âu vừa thoát khỏi hệ thống Xô viết. Trên đà lạc quan hồ hởi, họ cũng thống nhất tiền tệ, lập ra khối Euro gồm có 17 nước trong 27 nước của Liên Âu.
Và đang đụng vào một thực tế cứng đầu: không thể thống nhất tiền tệ và kinh tế mà không có một cơ chế lãnh đạo thống nhất về chính trị, một loại Cộng hoà Liên bang Âu châu như Hoa Kỳ chẳng hạn. Có thống nhất chính trị thì mới có thẩm quyến quyết định về ngân sách, thuế khóa, hầu tránh được những tai họa như Hy Lạp hay các nước phía Nam Âu châu đang gặp.
Mâu thuẫn ấy của Âu châu xuất phát từ một thực tế là các nước Âu châu đều theo chế độ dân chủ và lãnh đạo từng nước có bổn phận bảo vệ quyền lợi của quốc gia, quốc dân hay nôm na là cử tri!
Họ bèn xoay trở trong vòng kiềm toả co giãn của cơ chế thống nhất về tiền tệ, quan thuế và chính sách của Liên Âu, Hội đồng Âu châu, Ngân hàng Trung ương Âu châu, v.v... Đấy là một nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng tài chánh, nhưng chẳng vì vậy mà khối Euro tan rã hoặc Liên Âu sẽ xoay ra... nội chiến! (Xin đọc lại bài "Bao Giờ Cho... Hết Tháng Mười" đã được yết trên Dainamax Magazine ngày 20111004).
Từ Moscow, một nhân vật tinh tế và tinh quái như Vladimir Putin không thể không hiểu điều ấy.
***
Kế hoạch hay chiến lược của ông sẽ không rơi vào vết xe đổ của Liên Âu vì Liên bang Nga có sức nặng và thế lực vĩ đại hơn Cộng hoà Liên bang Đức, xương sống của hệ thống kinh tế Âu châu.
Mặt nổi của dự án Liên hiệp Âu-Á chỉ là một cộng đồng kinh tế thống nhất - rất hiền lành.
Nhưng phần âm nhu của chiến lược Putin bao trùm lên – y như tại Âu châu - việc thống nhất tiền tệ. Nghĩa là các nước sẽ dùng chung một đồng tiền... Nga. Và việc xây dựng một bộ máy kiểm soát luồng giao dịch xuyên bang, từ nước này qua nước khác sẽ do nước Nga đảm nhận. Hệ thống Quan thuế thống nhất cho phép điều ấy. Chẳng xứ Âu châu nào chấp nhận cho Quan thuế Đức xẻt hỏi hàng hóa ở, thí dụ, giữa biên giới Ba Lan với Hòa Lan, chứ bộ máy công quyền Nga có thừa sức đăng cai việc đó.
Chính ban tham mưu của Putin xác định như vậy khi được hỏi về bài xã luận của ông: "trong sáu năm tới, thống nhất quan thuế là ưu tiên hàng đầu của ông Putin".
Nhân tiện kiểm soát luôn về an ninh!
Cho nên, dù Putin có phân trần để trấn an, thực chất của chiến lược xây dựng Liên hiệp Âu-Á chính là tái lập hệ thống quyền lực của nước Nga như dưới thời Xô viết. "Thiên nhiên vốn rất ghét khoảng trống", Liên bang Nga sẽ lấp đầy khoảng trống đó. Đấy là lý do vì sao Valimir Putin ra tái tranh cử Tổng thống và như vậy việc tái tranh cử này đã được ông quyết định từ lâu.
Khi Hoa Kỳ còn tối tăm mặt mũi với những tai họa kinh tế lồng trong một chu kỳ bầu cử, Liên bang Nga đang tái xuất hiện với một kế hoạch đầy tham vọng, đó là giành lại ngôi vị siêu cường đã mất và củng cố ảnh hưởng của Nga trong các nước thuộc quỹ đạo Xô viết cũ.
Nhưng, lại một chữ nhưng, người ta không bao giờ uống lại hụm nước cũ trên dòng sông thuở trước. Thế giới đã đổi thay và hình như đổi thay rất mạnh từ năm 1991, khi Liên Xô tan rã.
***
Thế giới đổi thay vì một khối quốc gia Đông Âu và Trung Âu đã ngả về Tây.
Họ tham gia hệ thống kinh tế chính trị tự do và dân chủ của Âu châu. Dù có tèm lem bất trắc thì vẫn khá hơn thời kỳ gọi là "ổn định Xô viết". Trong số này, nhiều nước còn tiến xa hơn nữa, gia nhập Minh ước Phòng thủ Bắc Đại Tây dương NATO, không để tham chiến tại... A Phú Hãn mà để được bảo vệ. Để khỏi bị nước Nga xâm lấn hay uy hiếp như đã từng bị nhiều lần trong lịch sử.
Sức hút đó khiến Georgia và Ukraine - quê hương của Stalin và Krushchev - cũng nhìn về hướng Tây. Dù lãnh thổ có bị Putin xâm lăng hay lãnh đạo bị khuynh đảo, người dân nơi đây vẫn không muốn trôi về chốn cũ.
Dưới sự lãnh đạo của một Tổng thống "thân Nga" - người đã vừa đẩy lui cuộc Cách mạng màu Da cam của phong trào dân chủ - là Viktor Yanukovych, Cộng hoà Ukraine vẫn từ chối gia nhập Liên hiệp Quan thuế của Nga. Lại còn muốn ký kết hiệp định tự do thương mại với Âu châu. Bước sau đó có khi là xin gia nhập Liên Âu!
Còn lãnh đạo của Georgia thì thẳng tay cự tuyệt.
Hôm mùng năm vừa qua, Tổng thống Mikhail Saakashvili phê phán dự án của Putin là "một biểu hiện điên khùng nhất của chủ nghĩa dân tộc Nga!". Còn nhắc thêm rằng khi nước Nga mà gợi ý như vậy thì, theo kinh nghiệm, họ sẽ tiến hành cho bằng được! Nghĩa là Hoa Kỳ chưa tỏ vẻ quan tâm thì nhiều nước đã thất thanh báo động.
Mà vấn đề không thu gọn vào Trung Âu với sức hút của Tây Âu.
Tại Trung Á, không phải là ngần ấy nước Cộng hoà theo Hồi giáo đều mau mắn quay về quỹ đạo Xô viết với màu sắc lạnh lùng của Putin. Họ không quên số phận của nhiều nước Hồi giáo trong Liên bang Nga!
Mặt khác, các quốc gia này có rất nhiều tài nguyên khoáng sản. Họ đã chứng kiến việc Liên bang Nga phải mở cửa tiếp nhận đầu tư và kỹ thuật của Tây phương qua nụ cười hiền lành nhuốm mùi khờ khạo của Tổng thống Medvedev. Họ nhìn ra nhiều chân trời khác, nguồn đầu tư có thể là từ Tây phương, Âu châu hay Hoa Kỳ, chứ việc gì phải qua một cai thầu ở Moscow?
Mà ở đầu ra lại có một đại gia chờ đợi. Trung Quốc!
Là một xứ đói ăn khát dầu có tham vọng vĩ đại không kém Liên bang Nga, Trung Quốc cũng ngó vào Trung Á và mạng lưới dẫn dầu lẫn con đường tơ lụa đi qua Âu châu.
Thành lập năm 1996 giữa Liên bang Nga và Trung Quốc, nhóm "Hợp tác Thượng Hải" bao gồm hai đại gia và ba nước Cộng hoà Trung Á tiếp cận là Kazahkstan, Kyrgyzstan và Tajikistan đã nhận thêm Uzbekistan từ năm 2001, thành "Tổ chức Hợp Tác Thượng Hải". Mục tiêu nguyên thủy của lục quốc là bảo vệ an ninh trong khu vực mà thật ra là thành lập một lực đối trọng với siêu cường độc bá còn lại là Hoa Kỳ.
Nhưng thời thế thay đổi vì nguồn lợi khoáng sản đã khiến cả hai đại gia đều nhìn vào một ao cá.
Bắc Kinh cũng chẳng quên Tây Bá Lợi Á, một vùng đất không người. Thiên nhiên vốn ghét khoảng trống nên Thiên triều đất chật người đông đã ra sức trám vào khoảng trống đó. Và chưa chắc đã an tâm khi thấy một Liên hiệp Âu-Á lơ lửng trên đầu, từ Tân Cương đến bán đảo Triều Tiên!
***
Hoa Kỳ đang ngập đầu vào cuộc bầu cử nên có vẻ thả nổi thiên hạ sự.
Nhưng nước Mỹ ba đầu sáu tay vẫn không thể quên vị trí độc bá của mình, một siêu cường toàn cầu. Một người có vẻ nhún nhường kinh niên là Tổng thống Obama đã dùng lại một chữ hiền khô của mọi vị tiền nhiệm: "Hoa Kỳ lãnh đạo thế giới!" Ông sẽ nhắc lại chuyện này tại Thượng đỉnh Đông Á vào tháng tới.
Trước hai thế lực đang lên là Liên bang Nga và Trung Quốc, lãnh đạo Hoa Kỳ không thể không được bộ máy công quyền nhắc nhở về những thách đố kinh tế, ngoại thương, ngoại giao và an ninh trong tương lai trước mắt.
Trong một bài xã luận thẳng thừng trên tờ Foreign Policy mới xuất hiện hôm mùng 10, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã nhẹ nhàng viết ra "Thế kỷ Á châu của Hoa Kỳ" và nói đến những mục tiêu của nước Mỹ trong 10 năm tới! Không thể nào rõ ràng hơn.
Dù chẳng đề cập gì đến sáng kiến Âu-Á của Putin hay đến Liên bang Nga, bài viết hơn 5.600 chữ của Ngoại trưởng Mỹ đã trả lời chung cho cả thế giới, bạn và thù, về vai trò của Hoa Kỳ tại châu Á.
Cho nên, chúng ta rất nên theo dõi những đòn phép sắp tới của Tổng thống Vladimir Putin, hay của lãnh đạo Bắc Kinh sau Đại hội đảng khóa 18 - ngay sau bầu cử của Hoa Kỳ. Để xem Nga Hoa xoay trở ra sao và Hoa Kỳ sẽ làm gì trong trò chơi ngoạn mục đó, với những đồng minh như Ấn Độ, Nhật Bản, Úc.... Toàn là quốc gia bán đảo hay hải đảo liên hệ đến hai cường quốc đại lục đang muốn bung ra là Nga và Trung Quốc.
Năm 2012 này quả là một năm ly kỳ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét