Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

DƯƠNG QUÁ Tan nát cõi lòng

Linh cảm xây dựng hình tượng Dương Quá về cơ bản là xuất phát từ việc so sánh với hình tượng đại hiệp Quách Tĩnh mà ra. Quảch Tĩnh chậm chạp ngốc nghếch, Dương Quá thì thông minh lanh lợi; Quách Tĩnh chính trực đôn hậu, Dương Quá thì mẫn cảm thiên kiến; Quách Tĩnh trầm tĩnh vụng nói, Dương Quá thì nhiệt tình giỏi biện luận; Quách Tĩnh chuyên nhất cố chấp, Dương Quá thì giảo hoạt đa biến; Quách Tĩnh xuất thân trong sạch, Dương Quá thì thân thế có bí ẩn và vết nhơ. Nếu ví tính cách của Quách Tĩnh như một khối đá vững chắc, không lay chuyển; thì tính cách của Dương Quá giống như một chất lỏng nóng chảy, mẫn cảm, lưu động, có lúc sưởi ấm lòng người, làm tan băng giá, nhưng có lúc lại đốt cháy người khác, thậm chí dẫn đến hủy diệt họ. Tóm lại, hình tượng Quách Tĩnh là mẫu mực chính tông của thế giới võ hiệp, còn hình tượng Dương Quá là một thứ khác hẳn, trái với mẫu mực của thế giới võ hiệp.

I

Cho nên Dương Quá vừa xuất hiện đã là một thằng bé lưu manh nhanh nhẹn. Quách Tĩnh hỏi nó tên gì, nó liền trả lời "Bồ Mi Đầy" (tức Bố mi đây), chẳng trách Hoàng Dung vừa gặp đã không thích nó. Dương Quá vừa gặp Tây Độc Âu Dương Phong, tuy không thân ngay, nhưng nhanh chóng ý hợp tâm đầu, chân thành bái lão ta làm nghĩa phụ, đúng là ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Dương Quá là con của Dương Khang, thế thì làm sao tử tế được ? Quả nhiên, khi theo vợ chồng Quách Tĩnh, Hoàng Dung ra đảo Đào Hoa không lâu, Dương Quá đã gây sự. Cậu ta với huynh đệ họ Võ dường như sinh ra đã là kẻ thù, đối với tiểu công chúa Quách Phù của đảo Đào Hoa, cậu ta cũng chẳng nhường nhịn gì hết, chẳng những tát tai Quách Phù, còn dùng "Cáp Mô công” đánh trọng thương Võ Tu Văn. Càng hỗn hào, khi sư tổ Kha Trấn Ác hỏi cậu ta lai lịch võ công, Dương Quá chẳng những không trả lời, còn gọi lão là "lão già mù khốn kiếp". Hỗn láo với sư tổ như thế, đương nhiên đảo Đào Hoa không phải là nơi dung thân của cậu ta. Quách Tĩnh có hảo ý đưa Dương Quá lên núi Chung Nam làm môn hạ phái Toàn Chân, hi vọng cậu ta chịu khó học nghệ, lập chí thành tài, không ngờ ngay hôm đầu tiên cậu đã hất một chậu cứt đái xuống đầu đệ tử phái Toàn Chân Lộc Thanh Đốc. Tiếp đó, Dương Quá đắc tội với sư phụ Triệu Chí Kính, khiến sư phụ không muốn dạy võ cho cậu. Võ công của cậu không tiến triển chút nào, lần thứ hai cậu lại đánh trọng thương sư huynh Lộc Thanh Đốc. Rồi cậu còn nhiếc sư phụ là "lão tạp mao, đồ mũi trâu”, công khai nhục mạ sư tôn, phản xuất sư môn, chạy sang làm môn hạ phái Cổ Mộ. Đủ thấy Dương Quá bẩm tính phản bội, khó tìm được chỗ đứng trong danh môn chính phái, chỉ có thể an thân trong tòa cổ mộ tối tăm. Mấy năm sau, Dương Quá vừa ra khỏi tòa cổ mộ, chàng lại lập tức gây nhiều chuyện rắc rối. Do Tiểu Long Nữ tự dưng bỏ chàng đi mất, anh chàng Dương Quá phong lưu bèn coi bạch y thiếu nữ Lục Vô Song tạm thời thay thế Tiểu Long Nữ, tuy nói là cứu sống nàng ta, nhưng lại khiến nàng ta thần hồn điên đảo, sa vào tình yêu vô vọng. Tiếp đó chàng dẫn dụ Hoàn Nhan Bình, rồi lại khêu gợi Trình Anh, sau đó tại Tuyệt Tình cốc lại làm cho Công Tôn Lục Đài chết mệt. Giả sử chàng ta thực bụng yêu một hai thiếu nữ đó còn được, đàng này thủy chung chàng chỉ lấy họ làm người thế chỗ Tiểu Long Nữ, nói trắng ra, chàng coi họ như món đồ chơi vậy. Rời đỉnh Hoa Sơn, tại đại hội quần hùng chàng từng cùng với Tiểu Long Nữ đánh đuổi sư đồ Kim Luân pháp vương, lập công với Võ lâm Trung nguyên. Điều đó khiến Quách Tĩnh sung sướng, ai ngờ liền sau đó chàng lại công khai cự tuyệt việc trở thành con rể Quách Tĩnh, ngay trước mặt anh hùng thiên hạ tuyên bố sẽ lấy sư phụ Tiểu Long Nữ của mình làm vợ ! Điều này có nghĩa, đối với thời bấy giờ, chàng không chỉ trở thành tên phản đồ của phái Cổ Mộ, mà còn đối lập với toàn xã hội. Dương Quá vi phạm lễ giáo rất nặng, song khôngchịu nghe lời khuyên chí tình của Quách Tĩnh, cứ khăng khăng thà chết quyết giữ lập trường của mình. Càng nghiêm trọng hơn, do Dương Quá không biết sự thật về cái chết của phụ thân, cứ ngỡ cha mình là một vị anh hùng, nên nuôi ý định báo thù; trước sau cứ ngờ vợ chồng Quách Tĩnh là thủ phạm, thường thườngl ấy oán báo đức. Cuối cùng Dương Quá thậm chí gia nhập hàng ngũ kẻ thù dân tộc là Hốt Tất Liệt, làm đồng bọn với đại ma đầu Kim Luân pháp vương, định kế hoạch mưu sát Quách Tĩnh, chút nữa thì đắc thủ. Giả sử Dương Quá đắc thủ, thì chàng không chỉ là kẻ phản nghịch luân lý, mà còn trở thành tội phạm đối với cả dân tộc Hán, vạn kiếp không tha. May mà tác giả chẳng những không để Dương Quá đắc thủ vào giây phút quyết định, mà còn để cho chàng thay đổi đầy kịch tính, chuyển sang một tính cách và số phận khác hẳn.

II

Phần nói trên thực ra chỉ là một mặt của tính cách Dương Quá, thậm chí chỉ là hiện tượng bên ngoài. Dương Quá cuối cùng không hạ thủ đối với Quách Tĩnh, cố nhiên có thể nói là chưa tìm được cơ hội thuận tiện, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do mâu thuẫn nội tâm của chàng. Khi chàng thật sự biết khí phách anh hùng, quang minh lỗi lạc, vì nước vì dân của bậc đại hiệp, thì chàng mới tìm thấy mẫu mực cho niềm tin và hành động của mình. Cho nên chàng một lần nữa "nói không giữ lời", chẳng những không giết Quách Tĩnh, mà còn tình nguyện hi sinh thân mình để bảo vệ Quách Tĩnh. Khác với lần "nói không giữ lời" trước kia, lần nàyniềm tin của Dương Quá là hoàn toàn kiên định, đồng thời từ nay sẽ không thay đổi nữa. Lúc này sự thật về cái chết của cha vẫn chưa rõ ràng, có nghĩa là Quách Tĩnh vẫn có thể là kẻ đã giết cha chàng; lại nghĩ đến việc Dương Quá sẵn sàng hi sinh thân mình để bảo vệ Quách Tĩnh, ta càng kính trọng chàng thêm mấy phần. Bề ngoài cứ tưởng Dương Quá lòng dạ hẹp hòi, hay để bụng trả thù; nhưng thật ra vào những thời điểm quyết định, chàng bao giờ cũng xả thân cứu người. Vợ chồng Quách Tĩnh với chàng có "mối thù giết cha", con gái Quách Phù của họ từ nhỏ với chàng đã như nước với lửa, khi trưởng thành lại còn chặt tay chàng, làm trọng thương Tiểu Long Nữ vợ chàng; nhưng Dương Quá đáp lại thế nào ? Chàng cứu Hoàng Dung, cứu Quách Phù, cứu Quách Tĩnh, còn cứu cả Quách Tương (con gái út của vợ chồng Quách Tĩnh). Huynh đệ họ Võ trước sau bất hòa với Dương Quá, đôi bên hằn thù nhau, nhưng khi hai anh em nhà họ vì Quách Phù mà tàn sát lẫn nhau, lại chính Dương Quá là người tìm cách cứu, thậm chí xả thân hút chất độc. Cái giá phải trả cho lần cứu người này là Tiểu Long Nữ hiểu lầm chàng, lại bỏ đi, Quách Phù thì càng tức giận, chặt đứt cánh tay chàng. Quách Phù chặt đứt cánh tay chàng, còn phóng độc châm làm cho Tiểu Long Nữ độc nhập cao hoang, Dương Quá vẫn không hề trả thù Quách Phù đã đành, lúc nguy cấp còn cứu nàng ta khỏi bể lửa. Về điều này, chàng suy xét, nhớ lại và rút ra kết luận: "Tính nết nóng nảy, hay thay đổi, đối với mình chẳngnhững không kiềm chế được, mà chính mình cũng không hiểu rõ". (Xem Thần điêu hiệp lữ). Bản thân Dương Quá không rõ, song chúng ta thì cần biết rõ, ấy là năm nọ trên đỉnh Hoa Sơn chàng chứng kiến đại hiệp Hồng Thất Công và đại ma đầu Âu Dương Phong sau mấy ngày ác chiến đã ôm nhau cả cười mà chết. Đó là một thời điểm bước ngoặt trọng yếu đối với tính cách và số phận Dương Quá, đồng thời cũng là tượng trưng sâu sắc tính cách và số phận chàng : bản thân chàng là sự hợp nhất chính tà vượt lên trên quan niệm thế tục. Điều đó khiến mâu thuẫn tâm lý và hành vi của chàng càng phức tạp đa biến, song cũng làm cho tinh thần của chàng có không gian phát triển rộng lớn hơn, tính cách của chàng càng có trương lực nội tại mạnh hơn người bình thường. Hạt nhân của hình tượng Dương Quá là ánh sáng của sức sống mãnh liệt và tình cảm nồng nàn đối với nhân gian. Lục Vô Song, Trình Anh, Công Tôn Lục Đài cho đến cô bé Quách Tương đều bị ánh sáng kỳ diệu kia cuốn hút. Trái tim băng giá của Tiểu Long Nữ trở nên ấm áp bởi tình yêu nóng bỏng của chàng. Tòa cổ mộ tăm tối và Tuyệt Tình cốc tĩnh lặng vốn là nơi khắc chế tình cảm, đè nén ham muốn, bẻ cong tính người, nhưng Dương Quá vừa đến đấy, thì ở đó lập tức thay đổi hẳn. Là chàng làm cho trái tim băng giá của Tiểu Long Nữ ấm lại, khiến truyền nhân của phái Cổ Mộ thay đổi triệt để tâm lý "hoạt tử nhân" và lối sống. Là chàng làm cho chúng sinh trong Tuyệt Tình cốc không tuyệt tình nữa, thế gian sẽ không còn người bị thương vì thứ gai độc "hoa Tình" nữa. Tiểu Long Nữ bỏ đi, xa cách Dương Quá lần này đằng đẵng mười sáu năm, tình yêu của Dương Quá đối với nàng chẳng những không giảm, mà chàng còn đem ánh sáng ấm áp của sinh mạng và tình yêu tỏa rộng cõi nhân gian lắm tai nạn. “Thần điêu hiệp lữ" đi tới đâu là nơi đó có chuyện thần kỳ lưu truyền. Tại bến đò Phong Lăng sông Hoàng Hà gió rét căm căm, tuyết rơi dày đặc, chính hình tượng và câu chuyện "Thần điêu hiệp lữ” sưởi ấm lòng mỗi lữ khách thế gian.

III

Rất lâu sau đó, người ta mới dần dần hiểu nổi Dương Quá. Nếu chúng ta không mang kính đen như Hoàng Dung, ngay từ đầu nhìn Dương Quá, thì sẽ phát hiện gã lãng từ phản bội, tâm tư thay đổi bất định, hành vi xấu không sửa, nhân phẩm khó phân thiện ác ấy, có tính cách kỳ thực vô cùng đơn giản. Chỗ dựa cho hành vi của chàng chẳng qua chỉ là ai đối xử chân tình với chàng, thì chàng báo đáp gấp bội; ai không tốt với chàng, dĩ nhiên chàng sẽ không chút khách khí. Mà khát vọng tâm lý của chàng chỉ là được người quan tâm yêu mến thật tình. Dương Quá chẳng qua là một đứa trẻ mồ côi thiếu sự quan tâm của người đời, nên mong mỏi được quan tâm. Hãy nhìn lại quãng đời Dương Quá, ta sẽ hiểu, sở dĩ Dương Quá thủy chung chân tâm thành ý yêu quí, ngưỡng mộ Âu Dương Phong, hoàn toàn không phải là "ngưu tầm ngưu, mã tầm mã", mà vì đàng sau những lời lẽ bá đạo, điên điên khùng khùng của đối phương, Dương Quá cảm nhận tình cảm yêu thương chân thành của một người cha. Một chút quan tâm của Âu Dương Phong đối với Dương Quá, sẽ được phóng đại lên gấp trăm lần trong tấm lòng Dương Quá là kẻ chưa từng thấy mặt cha. Đối với một người dành cho chàng sự quan tâm yêu thương của một người cha như thế, khoan nói Dương Quá chưa biết y là người thế nào, cho dù biết Âu Dương Phong là một đại ma đầu bị mọi người trong võ lâm căm ghét, chàng cũng sẽ yêu quý và bảo vệ y hệt như thế. Cũng vậy, ngay lần đầu gặp Tôn bà bà của phái Cổ Mộ, Dương Quá đã không chút do dự hoàn toàn tin cậy bà, bởi vì chàng nhận ra ánh mắt hiền từ đầy tình yêu thương trên bộ mặt xấu xí của bà! Tôn bà bà chết đi, khác với thái độ thản nhiên của Tiểu Long Nữ, Dương Quá khóc rống lên, đau đớn vô cùng. Thậm chí chàng không nỡ đóng ngay nắp quan tài, vì muốn được ngắm bà lâu hơn lần cuối, khiến Tiểu Long Nữ chẳng hiểu vì sao, thật ra chỉ vì người chết nằm kia là người vào phút cuối cùng trên thế gian còn dành cho chàng tấm lòng của người mẹ. Quan hệ với Tiểu Long Nữ càng mang tính điển hình. Dương Quá sở dĩ nhanh chóng coi Tiểu Long Nữ là người thân của mình, hoàn toàn không phải vì chàng không còn biết đi đâu nương nhờ, mà vì chàng nhanh chóng phát hiện cái con người mặt lạnh, tim càng lạnh hơn kia, khi đánh chàng càng về sau càng nhẹ dần ! Tiểu Long Nữ lần đầu đánh người, có ý thương tình hay không, thật khó tìm ra bằng chứng, cũng chẳng thể nói đó là sự quan tâm gì cả, song cậu bé mồ côi Dương Quá mẫn cảm và thông minh cảm nhận được tín hiệu quan tâm ấm áp. Thế nhưng trên thế gian, người quan tâm yêu quí Dương Quá hơn cả, rõ ràng là Quách Tĩnh, mà Quách Tĩnh đúng là dành cho Dương Quá tình cảm của một người cha thật sự. Tại sao hồi đầu Dương Quá không cảm nhận, thậm chí nhiều năm sau mới hiểu và cảm kích ? Nguyên nhân bề ngoài, tựa hồ là do Dương Quá nghi ngờ vợ chồng Quách Tĩnh gây ra cái chết của cha chàng, dĩ nhiên không thể thân thiết được. Thực ra nguyên nhân sâu xa không phải ở đó, mà là ở chỗ, thứ nhất, vợ chồng Quách Tĩnh vừa gặp Dương Quá đã thể hiện một sự quan tâm rất không bình thường, khiến cậu bé Dương Quá lưu lạc giang hồ khó tin, trên thế gian lại có người coi cậu như con đẻ được sao? Thứ hai, điều quan trọng là Hoàng Dung vừa gặp cậu đã nhìn bằng ánh mắt nghi ngờ, căm ghét; từ đó đưa về đảo Đào Hoa, cho đến khi nhận cậu làm đệ tử, xem ra đối với cậu không tệ, nhưng vẫn luôn luôn nghi ngờ và cảnh giác đối với cậu. Một người mẫn cảm như Dương Quá lẽ nào không nhận biết? Hoàng Dung không cho cậu làm đệ tử của Quách Tĩnh, mà muốn tự mình dạy cậu; không dạy cậu võ công, chỉ dạy đọc viết, Dương Quá làm sao tin Hoàng Dung thật bụng quan tâm tới cậu ? Nói ra e có người không tin, nhưng trong lòng Dương Quá, điều quan trọng nhất lại chính là thái độ của vợ chồng Quách Tĩnh. Trong tiềm thức của mình, Dương Quá coi vợ chồng Quách Tĩnh như cha mẹ mình, suốt quá trình trưởng thành chỉ mong mình có thể làm con của họ, chỉ mong họ nhìn cậu bằng ánh mắt của cha mẹ. Càng mong mỏi, cậu càng mẫn cảm; càng mong mỏi nhiều, càng đòi hỏi khắc nghiệt hơn. Tôi nói, trong tiềm thức của mình, Dương Quá coi vợ chồng Quách Tĩnh như cha mẹ, bằng chứng là sau khi Dương Quá đã trưởng thành, từ núi Hoa Sơn trở về, chàng cố ý xé quần áo rách thêm, đánh vào mặt cho có vết thâm tím, cải trang thành một kẻ ăn mày thiểu não, tìm tới chỗ vợ chồng Quách Tĩnh, để xem thái độ của vợ chồng họ đối với chàng như thế nào. Nếu Dương Quá không coi trọng thái độ của họ, thì cần gì chàng phải làm như thế? Sau đó, khi Hoàng Dung lần đầu tiên vui vẻ với chàng, nói với chàng những lời đúng như của một người mẹ, thì Dương Quá đã trưởng thành tại sao lại cảm động rưng rưng nước mắt, khóc không thành tiếng, hận không được gọi Hoàng Dung hai tiếng "Mẹ ơi" ? Qua đó đủ thấy, giả sử năm xưa Hoàng Dung không có định kiến đối với Dương Quá, coi chàng như con,thì đã có thể làm thay đổi lập trường và đường đời của Dương Quá. Cũng vậy, giả sử Kha Trấn Ác không hùng hổ thét lác đối với cậu bé, thì Dương Quá đâu có hỗn láo với sư tổ để bị đuổi ra khỏi đảo ? Giả sử đạo sĩ phái Toàn Chân Triệu Chí Kính yêu đệ tử như con, thì Dương Quá đâu có phản xuất sư môn ? Hoàng Dung bảo Dương Quá tâm tư phức tạp, nàng bao lâu nay không thể đoán biết tâm sự của Dương Quá, nguyên nhân thật ra hoàn toàn không phải tại cậu bé Dương Quá có tâm sự rắc rối gì, mà chỉ là do Hoàng Dung chưa hề nhìn Dương Quá bằng ánh mắt hiền từ và tín nhiệm, cho nên không thể nhận biết tâm tư cậu bé kỳ thực hết sức đơn giản. Hãy yêu nó như một người mẹ, nó sẽ là đứa con có tấm lòng son với nàng. Tiếc rằng họ không yêu Dương Quá, nên không thể hiểu được nó. Đó là nỗi ân hận trong cuộc đời Hoàng Dung, cũng là nỗi bất hạnh của cuộc đời Dương Quá.

IV

Có lẽ đấy là số phận. Tôi không định nói đến cái gọi là "mệnh trời" thần bí không thể đoán biết, mà muốn nói đến quan hệ phức tạp, xung đột, mâu thuẫn giữa cá nhân với xã hội, tình cảm với đạo đức, cá tínhđột xuất với quan niệm truyền thống. Là con trai của Dương Khang, mồ côi mẹ, điều đó ở mức độ rất lớn đã quyết định số phận bất hạnh của Dương Quá. Thân thế đó không chỉ quyết định tính cách và tâm trạng của Dương Quá, đồng thời còn khiến chàng mang theo một thứ gen đường truyền “tội lỗi", bởi lẽ chàng là con của Dương Khang. Hoàng Dung trước sau không ưa, không tin cậy Dương Quá, một nửa là do bản thân tính cách của Dương Quá, một nửa kia là vì phụ thân của chàng. Ngược lại, Dương Quá chính vì không thể quên cái chết của phụ thân, không thể gạt bỏ mối thù giết cha, không biết rõ chân tướng cuộc sống của cha và gia đình, cho nên đối với vợ chồng Quách Tĩnh trước sau cứ nuôi hiềm khích, thậm chí dự tính giết họ để báo thù. Do nguyên nhân lịch sử đó, Dương Quá trước sau không thể thực sự hòa nhập vào gia đình Hoàng Dung, khiến cuộc đời chàng phải bơ vơ lênh đênh. Ở tầng ý nghĩa sâu hơn, số phận Dương Quá là do xung đột giữa khí chất cá tính của chàng với qui phạm xã hội tạo nên. Ở đây cũng tồn tại hai mặt của một vấn đề : một là Dương Quá phải học cách hòa mình vào dòng chủ lưu của xã hội; mặt khác quan trọng hơn, là xã hội phải làm sao khoan dung, tiếp nhận một thanh niên có cá tính nổi bật, tình cảm sôi sục, tâm lý mẫn cảm, hành vi xốc nổi như Dương Quá. Đây là vấn đề phổ biến của Trung Quốc : truyền thống văn hóa lễ giáo xung đột với tính người của một cá thể. Xung đột giữa Dương Quá với Quách Tĩnh, Hoàng Dung đại diện cho dòng chủ lưu của xã hội, kỳ thực không chỉ dừng ở việc chàng yêu và muốn kết hôn với sư phụ Tiểu Long Nữ của mình; thực ra, mỗi lần Dương Quá phản bội sư môn, đối kháng với qui phạm truyền thống của xã hội, đều là một xung đột điển hình giữa văn hóa với tính người, xã hội với cá nhân. Trong bối cảnh lịch sử của thời Dương Quá sống, các xung đột ấy đương nhiên không thể hóa giải; lễ giáo truyền thống và quan điểm giá trị là không thể hồ nghi, càng không được dao động, cá nhân nhỏ bé và yếu ớt chống lại truyền thống lễ giáo ấy đương nhiên là kẻ có tội và bị trừng phạt. Tôi đoán Kim Dung tiên sinh khi viết chuyện Dương Quá nhất định có dựa trên sự thể nghiệm thống khổ của bản thân tiên sinh. Bản thân tác giả hồi học trung học và đại học từng hai lần vi phạm nội qui của nhà trường, "phản xuất sư môn", hai phen bị các sư môn của ông "khuyên hãy rút lui", rất giống với những gì Dương Quá trải qua. Chứng tỏ vấn đề mà Dương Quá vấp phải đến giữa thế kỷ hai mươi vẫn tồn tại, bạn đọc hôm nay sẽ có cách lý giải chính xác về vụ này. Dương Quá khổ sở một đời vì cá tính của chàng quá nổi bật, có điểm giống thanh niên phong trào "Ngũ tứ” , đánh giá lại hết thảy các giá trị văn hóa, tình cảm, lý tính và nhân tính. Một người như thế, đương nhiên sẽ không được dòng chủ lưu của xã hội tiếp nhận, càng không được hoan nghênh nhiệt liệt. Cho nên dù có trở thành Thần điêu đại hiệp được dân gian ngưỡng vọng, chàng cũng chỉ là một kẻ "ngoài lề" ẩn hiện giữa sơn lâm, cách xa trần thế giang hồ. Đương nhiên, lại chính vì cá tính nổi bật, lại hiên ngang tung hoành, nên tuy bị đau khổ ngoài sức tưởng tượng, song cuối cùng trên đỉnh Hoa Sơn tượng trưng lịch sử chính tông, tên chàng được xếp trong "Càn khôn ngũ tuyệt" tối cao, ngang với đại hiệp Quách Tĩnh. Hơn nữa, trong số các nhân vật chính của tiểu thuyết Kim Dung, người thực sự đi con đường riêng, có thể tự mình sáng tạo ra môn võ công mới, chỉ có Dương Quá mà thôi. Có điều là tên môn võ công do Dương Quá sáng tạo mang tên "Ảm nhiên tiêu hồn chưởng". Lúc ấy "chàng chỉ còn một cánh tay, không thể thủ thắng bằng cách biến hóa chiêu số, nên cố ý làm cho môn võ công của mình trái ngược với đạo lý võ học". (XemThần điêu hiệp lữ). Một pho võ công có thể nói tổng kết và phản ánh rõ nhất tâm lý, tính cách và chuyện cuộc đời Dương Quá. “Bồi hồi không cốc" (quanh quẩn hẻm núi), "Lực bất tòng tâm", "Hành thi tẩu nhục" (Cái xác biết đi), "Phế tẩm vong thực" (Quên ăn quên ngủ), "Cô hình chích ảnh" (vò võ một mình), "Lục thần bất an", "Cùng đồ mạt lộ", "Diện vô nhân sắc" v.v... là tên các chiêu thức võ công, đúng ra là nhận xét của Dương Quá về những gì chàng phải trải nghiệm trong đời. Đến đây, tin rằng những độc giả có tình sẽ giống như Quách Tương, thoạt tiên cảm thấy buồn cười, sau đó nước mắt giàn giụa. "Cố ý trái ngược với đạo lý võ học" không chỉ là điểm mấu chốt của pho võ công mới, cũng là điểm mấu chốt của tính cách Dương Quá, hoặc nói là điểm mấu chốt của hình tượng Dương Quá do tác giả tạo nên. Dương Quá đã cống hiến tất cả cho cái thế giới ấy, có được kinh nghiệm đau đớn "ảm nhiên tiêu hồn", "đời người bất như ý chiếm đến tám, chín phần". Viết đến đây bất giác tự hỏi, để xảy ra chuyện đó rốt cuộc là bản thân Dương Quá, hay là cái thế giới sinh ra chàng?


TRẦN MẶC – TRUNG QUỐC

BÀN VỀ CÁC NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT KIM DUNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét