Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

Tình người chợt lóe ở HƯ TRÚC TỬ

Trong ba nhân vật chính của bộ tiểu thuyết Thiên long bát bộ, Hư Trúc xuất hiện muộn nhất, chiếm số trang ít nhất, và xem ra tính cách cũng kém phần đặc sắc, cho nên thường bị một số độc giả coi nhẹ không chú ý tới và bỏ sót. Thảng hoặc có nhắc tới nhân vật này thì cũng chỉ là cảm giác về một vị tiểu hòa thượng tướng mạo xấu xí khó coi, tính cách cổ hủ, đã không có khí khái anh hùng, lại cũng không được trí tuệ phong lưu, đã không hợp quy tắc trào lưu, lại cũng không thể tự chủ tự quyết, và tất cả những việc làm của vị tiểu hòa thượng này thường trở thành trò cười trong cả bộ sách. Một vị tiểu hòa thượng của Phật gia Thiền môn, cuối cùng lại trở thành chủ nhân cung Linh Thứu thuộc phái Tiêu Dao của Đạo gia, suốt ngày bị bao vây bởi một đám con gái, há không phải là kỳ lạ hay sao? Thế nhưng nhân vật Hư Trúc, hay còn gọi là Hư Trúc Tử này, lại là một nhân vật điển hình không thể thiếu được của bộ sách. Qua câu chuyện và tính cách của y, có thể thấy được hàm ý chủ đề của tác giả. Câu chuyện của y có tầng thứ phân minh: tầng thứ nhất là số mệnh quyết định tính cách, tầng thứ hai là tính cách quyết định số mệnh, tầng thứ ba là tính cách và số mệnh xung đột, tầng thứ tư là số mệnh và tính cách hài hòa. Nói tóm lại, nhân vật và cũng là hình tượng văn học này ẩn chứa bên trong mình một triết lý sâu xa về sự phong phú của đời sống nhân sinh.

Ba nhân vật chính trong phim Thiên Long Bát Bộ: TIÊU PHONG,ĐOÀN DỰ ,HƯ TRÚC


I

Một con người được sinh ra trong thế giới ta bà này, xem ra cũng chỉ là một chuyện bình thường, nhưng sự thực thì không biết cần phải có bao nhiêu nhân duyên kết hợp. Từ xưa đến nay, việc bàn luận về số mệnh con người đã luôn kích thích sự suy tư cũng như mê hoặc tâm trí của nhân loại, bởi vì bộ não người đã có sẵn khả năng tính toán, nhưng rốt cuộc vẫn không thể tính được trong cuộc đời của một con người có tất cả bao nhiêu loại cơ duyên ngẫu nhiên. Ví dụ như Hư Trúc, ai có thể ngờ được, cái con người không ai biết rõ lai lịch này, thuở nhỏ là cô nhi xuất gia tại Thiếu Lâm tự, lại là con ruột của Chưởng môn đạo cao đức trọng Huyền Từ, trụ trì chùa Thiếu Lâm? Và rồi ai cũng có thể ngờ được, tình nhân của Huyền Từ, mẹ của Hư Trúc, lại là Diệp Nhị Nương nổi danh Thiên hạ đệ nhị ác nhân? Ai có thể ngờ được Đại sư chưởng môn tổ đình Thiền tông lại đã từng vì dục tình thúc đẩy, đại phạm dâm giới; còn Đại ma đầu Diệp Nhị Nương khét tiếng tàn hại anh nhi, chỉ vì con mình bị người bắt mất, quá đau lòng phẫn chí mà hóa ra điên khùng chuyên bắt và hại chết con người khác. Do sự hấp dẫn của giới tính, kết tinh tình ái của Đại hòa thượng xuất gia và Đại ma đầu thế gian, đã "trung hòa" thành một con người đặc biệt là Hư Trúc Tử. Một điều không thể ngờ được nữa là, khi gia tộc Mộ Dung ở Cô Tô nhất định khôi phục vương triều Đại Yên, hòng xúi giục mối tranh chấp xung đột giữa hai nước Tống, Liêu, kết quả đã làm ảnh hưởng đến vận mệnh cả cuộc đời của đứa trẻ vô tội Hư Trúc. Huyền Từ đại sư khi dẫn đầu đạo quân hào kiệt Trung nguyên tiến thẳng đến Nhạn Môn Quan để ngăn chặn nhóm võ sĩ Khiết Đan có ý định xâm chiếm Thiếu Lâm tự, đã giết chết vợ và tôi tớ của Tiêu Viễn Sơn, bắt con của hắn là Tiêu Phong đem về gửi nuôi ở nhà nông phu Kiều Tam Hòe bên ngoài Thiếu Lâm tự. Cậu bé Tiêu Phong này cũng được học võ công với cao tăng Thiếu Lâm Huyền Khổ đại sư. Tiêu Viễn Sơn thất chí phục thù bèn ăn miếng trả miếng, bí mật điều tra ra mối tư tình giữa Huyền Từ và Diệp Nhị Nương, thế là hắn cũng bắt luôn đứa con của Huyền Từ và Diệp Nhị Nương, đưa vào trong Thiếu Lâm tự, làm cho nó trở thành một đứa trẻ mồ côi không biết cha mẹ mình là ai. Như vậy, số mệnh của đứa trẻ này đã được định sẵn như sau : nó được "sinh ra" Ở Thiếu Lâm tự, lớn lên ở Thiếu Lâm tự, Thiếu Lâm tự là Phật quốc Thiền môn, đứa trẻ mồ côi "không cha không mẹ" này đương nhiên chỉ có thể do tăng nhân trong chùa dưỡng dục, tự nhiên mà thành tiểu tăng nhân, rồi chiếu theo thứ tự các thế hệ Huyền, Tuệ , Hư, Không của Thiếu Lâm tự mà được mệnh danh là Hư Trúc. Vấn đề là từ nhỏ Hư Trúc không biết gì về lai lịch thực sự của mình, từ nhỏ đã quen nhìn thanh đăng hoàng quyển, đã quen nghe trống sớm chuông chiều, quen nói A di đà Phật, quen sớm công phu tối thời khóa, tự nhiên sẽ cho rằng mình từ nhỏ đã là một tăng nhân. Hơn nữa trên người y vẫn còn vết sẹo do chính tay mẹ y Diệp Nhị Nương đốt, y đương nhiên không thể nào ngờ được đây là kỷ niệm tình yêu của mẹ y, chỉ nghĩ rằng đấy là cái bớt bẩm sinh trong cuộc đời xuất gia lễ Phật. Tóm lại, Hư Trúc từ nhỏ đã tuyệt đối chấp nhận thân phận tăng nhân của mình không chút nghi ngờ. Hơn nữa từ nhỏ sinh trưởng ở Thiếu Lâm tự, không biết nhân gian tục thế, cho nên cho dù là nghi thì cũng không biết lối nào mà nghi. Nếu y không là tăng nhân, không chấp nhận thân phận tăng nhân thì còn có thể là loại người gì, còn có thể chấp nhận loại thân phận gì khác được đây? Thế là, số mệnh này không những quyết định hoàn cảnh và phương thức sinh sống của Hư Trúc, đồng thời còn quyết định tính cách và toàn bộ thế giới tinh thần của y nữa. Thế gian có câu "Tiểu hòa thượng niệm kinh, hữu khẩu vô tâm", nhưng tiểu hòa thượng Hư Trúc này thì không như vậy. Y do không biết gì về tục thế nhân gian, cho nên tâm không bao giờ xao động, tự nhiên là thành kính tin tưởng và tôn thờ giới luật thiền môn và kinh điển nhà Phật. Cho nên Hư Trúc là một tiểu hòa thượng thành kính chân chính. Cũng chính vì vậy mà khi y rời khỏi sơn môn, trong lần đầu tiên tiếp xúc với thế nhân đa sự, thực không khỏi tỏ ra hẹp hòi ngốc nghếch, thậm chí cổ hủ đến không chịu nổi.

II

Giả sử không bao giờ rời khỏi Thiếu Lâm tự, thì số mệnh của Hư Trúc không khó đoán, chẳng qua chỉ là một tăng nhân Thiếu Lâm tự thông thường, sống một cuộc đời tu hành bình thường, không ai hay, không ai biết, như hư như không. Vấn đề là, trưởng bối trong chùa phái y xuống núi đưa thư, lần đi này, y lóng nga lóng ngóng, đầu váng mắt hoa, lại đúng vào thời điểm của vận hạn, không thể kháng cự được. Đối với Hư Trúc, thế giới bên ngoài không những xa lạ mà còn khiến cho y không biết phải làm sao. Cơ hồ như có một luồng sức mạnh không rõ từ đâu kéo lôi y xuống vực sâu; cơ hồ như trong thế tục giang hồ đó , người người đều gây khó khăn cho y, thậm chí luôn luôn chống đối y. Hư Trúc lần đầu tiên hạ sơn xuất đầu lộ diện, liền gặp ngay Phong Ba Ác và Bao Bất Đồng, hai kẻ này đã làm cho y đến một ngụm nước cũng uống không xong. Trước khi uống nước, theo lệ thường y niệm ẩm thủy chú, đủ thấy cho dù đã xuống núi rời chùa, Hư Trúc vẫn tự giác tuân thủ giới luật, giữ vững tác phong tăng nhân. Nhưng Phong Ba Ác bỗng hỏi một câu "Sau khi thầy niệm ẩm thủy chú, rồi uống cả tám mươi bốn ngàn con vi trùng vào bụng, như thế không phải những con vi trùng đó cũng đã chết rồi sao?" (Xem Thiên long bát bộ). Bởi vì sư phụ chưa từng dạy qua, cho nên câu hỏi này khiến cho Hư Trúc vô cùng lo sợ nghi ngờ. Thêm nữa, Bao Bất Đồng thì lại cứ khăng khăng, nói rằng trong nước đó không phải có tám mươi bốn ngàn vi trùng, mà chỉ có tám mươi ba ngàn chín trăm chín mươi chín thôi; lại nói Hư Trúc có thiên nhãn thông, "nếu không thì làm sao thầy chỉ nhìn tôi một lượt thì biết tôi là phàm phu tục tử, chứ không phải là Bồ Tát giáng trần?" Lần này thì Hư Trúc vô cùng hoảng sợ, nhìn trước ngó sau, hoang mang không biết phải nói gì nữa cả. Trong khi câu hỏi này còn chưa trả lời xong thì Phong Ba Ác lại tìm y để đấu võ, làm cho y lại càng lóng nga lóng ngóng, chỉ còn cách rút lui khỏi quán nước bên đường. Người dưới núi đón tiếp y bằng một lễ “ra mắt" như vậy, y cảm thấy thật khó nuốt, có biết đâu đây mới chỉ là tiếng trống mở đầu, không thấm tháp gì so với số mệnh của y sau này. Tiếp đó, y và sư thúc Huyền Nạn cùng Phong Ba Ác, Bao Bất Đồng bị Đinh Xuân Thu bắt, đưa tới hang Lung Á ở núi Lôi Cổ, không cách thoát thân. Lần này thì khác, vì muốn cứu người, y bị bắt chơi cờ. Chơi xong ván cờ thì y bị buộc phải từ bỏ bổn sư bổn môn, theo môn phái khác, bất kể thế nào, trước hết là hóa giải toàn bộ nội công Thiếu Lâm chính tông của y, truyền cho y nội công của Tiêu Dao tà môn phái, rõ ràng là người ta muốn biến y thành Chưởng môn của phái Tiêu Dao? Thử nghĩ xem, một vị tiểu hòa thượng từ trước đến nay chưa từng biết qua thế giới phàm tục, sao có thể làm một chưởng môn? Hơn nữa lại còn làm trái với tâm nguyện của y, ép bức, dụ dỗ, ràng buộc, làm cho y mắc lừa, mắc câu, là phải bước lên thuyền gian. Không dễ mà thoát được mối ràng buộc này, y vội vàng trốn về Thiếu Lâm tự, có ngờ đâu lại gặp thêm một tai nạn vô vọng mới. Trên đường đi y gặp tiểu ma nữ A Tử, vốn không quen biết, không thù oán, và y đối với cô ta cũng vô cùng đúng mực, nhưng cô ta lại vô duyên vô cớ lừa y uống canh gà, ăn thịt mỡ, làm cho Hư Trúc trì giới nghiêm mật "hai mươi ba năm chưa hề biết ăn mặn là gì" (Xem Thiên long bát bộ) vô tình lại phá giới vậy? Cảnh ngộ kế tiếp mới là quan trọng, y hảo tâm cứu một đứa bé gái, không ngờ đó lại là Thiên Sơn Đồng Lão. Vướng vào mối ràng buộc này, y thật khó có hy vọng thoát thân. Bà ta không tỏ chút lòng cảm kích nào đối với y, lại còn buộc y luyện võ công giết người, phạm giới sát, phạm giới ăn chay, lại còn dụ dỗ y trong lúc mơ hồ bất cẩn phạm cả giới dâm, làm cho y trong cơn đau buồn tuyệt vọng lại phạm thêm giới tự hủy tính mạng, một đại giới của Phật môn! Tóm lại là làm cho Hư Trúc không còn có thể làm hòa thượng, không thể tu thành Phật. Cuối cùng, khi Thiên Sơn Đồng Lão và Lý Thu Thủy theo nhau chết đi, thì y không hiểu sao lại trở thành chủ nhân mới của cung Linh Thứu. Một vị tiểu hòa thượng xuất gia trở thành lãnh đạo tối cao của một vương quốc phụ nữ, đến nỗi những khi tâm tình mâu thuẫn bối rối, đến các giới nhà Phật như giới tửu, vọng ngôn v.v..., đều phạm hết. Tóm lại, Hư Trúc một lòng thành kính hướng Phật, thật thà chất phác, hạ sơn không được mấy tháng thì đã bị cưỡng bức dụ dỗ làm cho ngũ giới bát giới đều phạm, đánh mất nội công bổn môn, thâm nhập bàng môn tả đạo Tất cả những điều này vốn không phải là ý nguyện của Hư Trúc, nhưng từ đầu đến cuối y hoàn toàn bất lực không thể kháng cự, cứ thế mà đánh mất cả bản thân mình, thật đau xót thay! Xem ra, rõ ràng là có một sức mạnh thần kỳ chống đối lại Hư Trúc, làm cho y luôn gặp vận xui, ác mộng không dứt, tránh không khỏi, chạy không thoát. Cuối cùng, y chủ trương không làm chủ nhân cung Linh Thứu nữa, thà rằng làm tiểu hòa thượng Thiếu Lâm tự. Nhưng sau khi về tới Thiếu Lâm tự, cho dù thành tâm nhận lỗi, thành tâm hối cải, cam tâm chịu phạt, cuối cùng vẫn bị đuổi khỏi Thiếu Lâm tự! Thêm nữa vừa biết được thân phận cha mẹ của chính mình, thì phải tận mắt chứng kiến cha mẹ theo nhau tự sát trong cuộc tao ngộ bi thảm, từ đây, Hư Trúc trở nên một loại cô hồn được cái mà mình không muốn, không được cái mà mình muốn. Xem ra, số mệnh của Hư Trúc, thật là khổ không có cách gì tả được.

III

Số mệnh của Hư Trúc tuy là bị một sức mạnh thần kỳ xô đẩy, nhưng sau đó thế nào thì không thấy nói đến nữa. Một mặt là số mệnh quyết định tính cách, nhưng mặt khác là tính cách quyết định số mệnh. Thường là do số mệnh của Hư Trúc đã được định sẵn, không có chọn lựa nào khác; nhưng trong tất cả những chọn lựa của y lại biểu hiện tính cách và bản năng của y. Hãy bắt đầu từ lúc y làm chưởng môn phái Tiêu Dao. Trong hang Lung Á, thông biện tiên sinh Tô Tinh Hà bày ra thế cờ Trân Lung, giống như một bài thi trắc nghiệm tính cách. Đoàn Dự, Mộ Dung Phúc, Đoàn Diên Khánh đã bộc lộ đầy đủ tính cách và đặc trưng tâm lý của họ trong khi chơi cờ, thậm chí còn để lộ ra tâm bệnh của từng người nữa. Đoàn Diên Khánh trong lúc say mê chơi cờ bị Đinh Xuân Thu thôi miên đến lúc sắp sửa tự sát, thì tâm từ bi của tiểu hòa thượng xúc động. Trong khoảnh khắc thấy sự sống đang gặp nguy cơ, Hư Trúc bèn nảy ra một ý: "Ta giải không ra thế cờ này, nhưng phá một nước thì dễ, chỉ cần làm cho hắn ta tỉnh lại thì đã cứu được hắn rồi; còn thế cờ này giải còn không xong, mong chi thắng bại?" Thế là y nhắm mắt nhấc một quân cờ đặt lên bàn cờ. Có ngờ đâu đây lại chính là nước cờ quyết định, không những cứu được Đoàn Diên Khánh mà còn giải được thế cờ mấy chục năm không ai giải được. Thế là chàng tiểu hòa thượng Thiếu Lâm tự Hư Trúc được lão chưởng môn phái Tiêu Dao Vô Nhai Tử chọn làm đệ tử, làm người kế tục, truyền cho Hư Trúc toàn bộ công lực của mình, đeo cho Hư Trúc chiếc nhẫn chưởng môn, làm cho Hư Trúc không biết làm sao, không thể không nhận. Xem ra có vẻ như số mệnh không công bằng với Hư Trúc, nhưng vấn đề không đơn giản như vậy. Tiểu hòa thượng Hư Trúc vốn rõ ràng là một người bàng quan, không ngờ cuối cùng lại đánh thắng ván cờ, lại trở thành nhân vật chính của màn kịch, xem ra hoàn toàn do ngẫu nhiên mà thành, nhưng thực tế lại chính là biểu hiện tự nhiên và kết quả tất nhiên của tính cách và bản năng của y, cụ thể là, thứ nhất, tâm từ bi cứu người chính là bản tính của một tiểu hòa thượng thuần thành,chứ nếu như thấy chết không cứu thì hẳn không phải là Hư Trúc. Thứ hai, những người khác phần nhiều nhìn ván cờ chú tâm ở thắng bại, nhưng Hư Trúc lại vô tâm chơi cờ với ánh mắt bàng quan của một người ngoài cuộc, do vậy ngoài Hư Trúc ra không ai có thể nghĩ được đến điều "đã không phải là chơi cờ thì cần chi đến thắng bại", lại còn dám nhắm mắt đi quân cờ. Thứ ba, chỗ mà Hư Trúc nhắm mắt thả quân cờ lại chính là chỗ then chốt quan trọng của ván cờ, xem ra có vẻ như ngẫu nhiên, nhưng kỳ thực cũng chứa đựng trong đó lẽ huyền diệu của đời sống nhân sinh, đó chính là phép "Đảo hoa ủng" trong cờ vây và đạo lý "có thất bại mới có thành công” trong đời sống con người. Đạo lý này không những vừa hợp với tính cách và thân phận của Hư Trúc, đồng thời cũng ám chỉ việc y sẽ phải mất đi chút công phu Thiếu Lâm mà nhận lấy công lực suốt một đời tu luyện của Vô Nhai Tử. Thứ tư, ý muốn làm hòa thượng của Hư Trúc tuy rằng kiên định, nhưng trước nay vốn không phải là ý định của y, tính cách y trước nay vốn dễ bảo, nghe lời, cho nên y không thể không nghe lời những bậc tiền bối như Tô Tinh Hà, Vô Nhai Tử, huống hồ là sư thúc Huyền Nạn còn luôn dặn dò y là phải biết nghe lời. Hư Trúc là "xưa nay phục tùng đã quen rồi. Là đệ tử Phật môn thì phải luôn luôn khiêm hạ, nghe lão nhân ấy bảo lạy, cho dù không hiểu cái lạy ấy có nghĩa là gì, nhưng nghe người này là tiền bối võ lâm, lạy ông ta vài cái cũng là lẽ đương nhiên vậy." (Xem Thiên long bát bộ) . Có ngờ đâu đây chính là lạy bái sư. Người khác đương nhiên là biết, nhưng Hư Trúc đương nhiên không biết. Thứ năm, Hư Trúc tuy niệm kinh thuần thục, nhưng trước nay không có tài ăn nói, cho nên về phương diện biện tài y không phải là đối thủ của thông biện tiên sinh Tô Tinh Hà, huống chi gặp phải sư phụ của Tô Tinh Hà là Vô Nhai Tử! Cho nên, cho dù trong lòng y cảm thấy rõ ràng chỗ đó là không thích hợp với y, nhưng cũng không biết nói như thế nào, muốn thuyết phục Vô Nhai Tử nhưng thực sự là cũng chẳng có cách gì. Hơn nữa Vô Nhai Tử chẳng bao lâu sẽ nhắm mắt xuôi tay, y có muốn nói cũng chẳng thể nào nói được; Tô Tinh Hà vừa gặp nguy hiểm, không thể không cứu. Có làm cách gì đi chăng nữa, cái thân phận chưởng môn của y cũng càng lúc càng "chắc chắn". Tóm lại, tính cách của Hư Trúc trên thực tế đã quyết định số mệnh của y, làm cho y không thể không trở thành chưởng môn phái Tiêu Dao. Tuy Hư Trúc đã có chủ ý "ba mươi sáu kế chạy trốn là hơn" , muốn chạy về Thiếu Lâm tự bẩm báo sư phụ, sư tổ, hòng thoát khỏi những ràng buộc vương vấn với Tiêu Dao phái, an tâm làm một tiểu hòa thượng, tiếc rằng lại gặp phải Vạn tiên đại hội, nhìn thấy ba mươi sáu động chủ và bảy mươi hai đảo chủ đang hè nhau giết một đứa bé gái. Việc này y làm sao mà không can thiệp? Theo tính cách của tiểu hòa thượng Hư Trúc, làm sao có thế thấy chết không cứu? Thế là y bất ngờ xông ra, cướp đứa bé dưới tay đồ đao toan chạy. Không ngờ cử chỉ cứu người này khiến y bị cuốn sâu hơn vào những mâu thuẫn của Tiêu Dao phái, nguyên đứa bé gái này không phải ai khác, chính là Thiên Sơn Đồng Lão, đồng môn của sư tổ Vô Nhai Tử, người mà chỉ nghe đến tên đã khiến đám giang hồ quần hùng biến sắc mặt. Do vậy Hư Trúc càng dấn sâu vào mối xung đột mâu thuẫn giữa đôi sư tỷ muội phái Tiêu Dao Thiên Sơn Đồng Lão và Lý Thu Thủy, cuối cùng không thể tự thoát ra được. Tóm lại, tất cả những hành động y đã làm đều xuất phát từ tính cách của y, từ lòng từ bi, từ tâm niệm cứu người của y. Hoàn cảnh của Hư Trúc là như thế này: muốn cứu người cho đến cùng, cho nên phải cõng Thiên Sơn Đồng Lão chạy trốn khỏi sự truy giết của Lý Thu Thủy, và còn phải học võ công thâm hậu với Thiên Sơn Đồng Lão, nếu không sẽ không có cách nào đối phó với kẻ thù truy giết, nguy hiểm luôn luôn rình rập, thậm chí mạng sống bị đe dọa. Đầu óc đơn giản của Hư Trúc không thể giải quyết được mối mâu thuẫn này, nhưng dù vậy trên thực tế cuối cùng y vẫn chọn cứu người, và điều này cũng chính là bước lựa chọn then chốt nhất trong số mệnh của Hư Trúc. Bởi vì tính cách của Đồng Lão là vô cùng ngang ngạnh cố chấp, không những luôn nghĩ cách để lưu giữ Hư Trúc mà còn dụng tâm "cải tạo" Hư Trúc. Hư Trúc thà chết đói nhất định không phạm giới ăn mặn nữa, làm cho Đồng Lão nổi điên lên, cách này không được lại bày cách khác. Giới ăn chay cố giữ, thế còn giới sắc thì sao? Lần này thì Đồng Lão đã tìm ra được cách "rèn luyện" Hư Trúc: trong cái hang đất tối tăm lạnh lẽo, khi mà Đồng Lão đưa một thiếu nữ khỏa thân vào lòng Hư Trúc, "trước sự dụ dỗ mê hoặc nhất trần đời này, chàng trai chưa từng biết thế tục bỗng không chút kháng cự, càng lúc càng ôm chặt thiếu nữ, trong khoảnh khắc tâm hồn bay bổng, cuối cùng không còn biết mình đang ở đâu nữa". Sau sự việc này Hư Trúc cảm thấy hối hận, cho rằng mình đã sai rồi, thậm chí còn muốn tự sát để chuộc tội. Vậy mà khi đồng lão lần thứ hai đưa thiếu nữ vô danh tới, Hư Trúc lại vừa vui thích vừa sợ hãi, kìm lòng không được lại thân mật nồng nhiệt, lại còn đặt biệt hiệu cho nhau là "Mộng Lang" và "Mộng Cô". Ngày thứ ba cũng như vậy: "Ba ngày ân ái triền miên làm cho Hư Trúc cảm thấy cái hang đất lạnh lẽo tối tăm này chính là thế giới cực lạc, hà tất phải quy y Phật, biệt cầu giải thoát?" (XemThiên long bát bộ). Thế là cho đến ngày thứ tư, bắt đầu chủ động chờ đợi cuộc vui, đợi mãi không thấy, Hư Trúc như kiến bò trong chảo nóng, cuối cùng chịu không được phải mở miệng hỏi Đồng Lão. Rõ ràng, y không thể nào quên được "Mộng Cô" của y rồi! Đây cũng chính là ý chí trì giới của Hư Trúc cuối cùng không thắng được xung động bản năng của y. Việc hoan hợp cùng Mộng Cô, tuy là kế hoạch của Đồng Lão, nhưng cuối cùng lại là hành vi chủ động của chính Hư Trúc, là lựa chọn theo bản năng nhân tính của y. Rốt cuộc, nguồn gốc của sự thay đổi xuất phát từ bên trong bản thân y, chứ không phải là do các điều kiện bên ngoài.

IV

Dưới đây, cần phải phán đoán: những gì Hư Trúc đã trải qua là do số mệnh đã dày vò làm khổ y hay khẳng khái ban thưởng cho y? Trong vô vàn tao ngộ của Hư Trúc, rốt cuộc là hạnh phúc hay bất hạnh? Thực không dễ mà phán đoán. Cổ nhân có câu: "Người không phải là cá, sao biết được những an vui của cá?" Nhìn trên bề mặt, Hư Trúc rõ ràng cảm thấy không hạnh phúc lắm. Tất cả những gì y đã trải qua, đã có được đều không phải là ý nguyện chủ quan của chính y, mà đều do số mệnh đã đem tất cả tròng vào đầu y. Được cái mình không muốn, không được cái mình muốn, số mệnh quả là không ân sủng gì với HưTrúc, ngược lại còn quá tàn nhẫn với y. Thấy Đinh Xuân Thu được giao cai quản giới luật viện của Thiếu lâm tự, Hư Trúc trong lòng vô cùng thất vọng, nghĩ mãi không ra: "Ta muốn sống đời sống xuất gia ở Thiếu lâm tự, nhưng thầy tổ đều đuổi ta ra. Đinh Xuân Thu coi trời bằng vung, làm bao nhiêu việc ác, lại được an tu ở chùa, nghiệp báo khổ lạc của ta và hắn sao không giống nhau vậy?" Đây là một câu nói cho thấy Hư Trúc không vui với sự an bài của số mệnh y vậy. Nhưng mà, vẫn có thể thấy về sau Hư Trúc lại có một câu nói hoàn toàn trái với câu nói trên. Đó là khi y phát hiện công chúa Tây Hạ công khai chiêu phò mã không phải ai khác mà chính là "Mộng Cô" của y, rồi sau khi nhận diện và gặp gỡ cô ta xong, y viết một bức thư cho Đoàn Dự, nói rằng: "Ta rất vui, cực vui không thể nói ra được niềm vui sướng. Làm cho huynh mất công một chuyến, ta thật có lỗi với huynh, lại càng có lỗi với Bác Đoàn, nhưng ta không còn cách nào khác." (Xem Thiên long bát bộ). Trong bức thư này, có thể thấy hạnh phúc đầy ắp trong tâm đã tràn ra ngôn từ. Có thể nói rằng, trước đó y kỳ thực hoàn toàn không biết thế nào là hạnh phúc nhân sinh; chỉ khi gặp lại Mộng Cô, y mới bắt đầu hiểu ra. Thực ra Hư Trúc chưa hẳn không biết hạnh phúc nhân sinh là gì, chỉ vì y không dám trực tiếp đối diện với những dục vọng nội tâm của y mà thôi. Nếu không, làm sao khi cung nữ Tây Hạ hỏi "Tiên sinh bình sinh ở nơi nào là hạnh phúc nhất?" Hư Trúc lại không nói kinh đường, thiền phòng, sân luyện công ở Thiếu Lâm tự là hạnh phúc nhất, lại nói "ở trong một hang đất tối tăm lạnh lẽo"? Làm sao khi cung nữ hỏi "người mà tiên sinh bình sinh yêu nhất tên là gì” y không nói yêu nhất sư phụ Tuệ Luân, phụ thân Huyền Từ, mẫu thân Diệp nhị Nương, mà lại thở dài một hơi rồi nói "Ta..., ta không biết cô gái đó tên là gì ? Hư Trúc xưa nay không hề nói dối, trong thời khắc này, Hư Trúc lại không thể không nói ra bí mật sâu thẳm nhất trong lòng mình, đủ biết y thương nhớ Mộng Cô nhiều đến mức nào. Nếu không phải như vậy thì Mộng Cô sẽ không biết Hư Trúc chính là Mộng Lang của cô, mà Hư Trúc cũng không thể gặp lại được Mộng Cô của y, mà như thế thì y sẽ thực sự vĩnh viễn không thể biết được hương vị hạnh phúc của đời sống.Trước đó ở đỉnh núi Phiêu Miễu cung Linh Thứu, Hư Trúc và Đoàn Dự ngồi nhìn nhau thở dài, rồi lại cùng uống rượu tâm sự, bởi vì cùng hiểu lòng nhau, cả hai đều cùng nói về người yêu của mình. Đoàn Dự thì nói về Vương Ngữ Yên, còn Hư Trúc thì nói về "Mộng Cô" mà y không biết họ tên là gì cũng không biết dung mạo ra sao. Hai người vừa trích dẫn kinh Phật vừa nói chuyện tình ái, rồi kết nghĩa huynh đệ, Hư Trúc lại còn kết nghĩa luôn với Tiêu Phong, người mà y chưa từng gặp mặt. Lúc này, bọn họ uống rượu, ăn thịt, nói chuyện tình ái, vọng ngữ, tưởng nhớ người yêu trong lòng mình, rồi sau đó say sưa, cái hương vị trần tục này chẳng lẽ Hư Trúc thực sự có thể quên? Mà việc này lại là chẳng có ai ép buộc y cả. Tuy sau lần uống rượu đó Hư Trúc đã tự sám hối, rồi quyết định trở lại Thiếu Lâm, tự sửa đổi mình, quên hết những gì đã xảy ra, bắt đầu lại cuộc đời tăng lữ, nhưng chính lúc đó Tiêu Phong ở bên ngoài Thiếu Lâm tự bị hào kiệt Trung Nguyên vây đuổi, đang cùng Đoàn Dự đối ẩm chuẩn bị giết nhau để tự cứu, Hư Trúc nghĩ :"Hôm kết nghĩa với Đoàn Dự, mình cũng đã kết nghĩa với Tiêu Phong, đại trượng phu một lời đã nói sống chết không thay đổi, lập tức bỏ hết sau lưng những gì là an nguy sống chết, thanh quy giới luật". (Xem Thiên long bát bộ). Thế là không chút do dự, như các bậc tiền bối Thiếu Lâm và các anh hùng trong thiên hạ, Hư Trúc cùng Tiêu Phong, Đoàn Dự uống rượu, rồi sau đó lại cùng kề vai chiến đấu. Hành vi này, há không phải là lựa chọn chủ động tự nguyện của Hư Trúc ư ? Như vậy, tâm lý và hành vi của Hư Trúc thường mâu thuẫn nhau, nguyên nhân của sự mâu thuẫn này, nói thẳng ra chính là mâu thuẫn nữa bản năng của con người và giới luật của nhà Phật, cũng là mâu thuẫn giữa ý thức, sự chấp nhận thân phận và dục vọng bản năng, tình cảm cá nhân của con người. Hư Trúc từ nhỏ đã lớn lên ở Thiếu Lâm tự, đã sớm quen với đời sống tăng lữ, đã quen với việc chấp nhận thân phận xuất gia của mình, vì thế mà không hề biết là còn một lối sống khác trong đời sống thế tục. Thế nhưng, đời sống tăng lữ là do vận mệnh an bài, chứ không phải là do sự lựa chọn của Hư Trúc, do vậy sự chấp nhận thân phận và những quan niệm về giá trị liên quan cũng không phải xuất phát từ sự chọn lựa của Hư Trúc. Chẳng qua, trước khi rời khỏi Thiếu Lâm tự, y không biết rằng còn có một loại đời sống khác, rồi tự nhiên mà sợ hãi cái đời sống khác đó, tự nhiên mà bài xích và cự tuyệt bất kỳ hệ thống quan niệm về giá trị nào khác. Những tao ngộ của Hư Trúc sau khi xuống núi, xem ra không ngừng bị số mệnh thao túng, nhưng đồng thời cũng bày ra cho y phương thức sống mà trước nay y chưa từng thấy biết, để cho y tự lựa chọn cách sống, cho y cơ hội tự nhìn lại chính mình. Những đau khổ của Hư Trúc chẳng qua đến từ nỗi sợ hãi đối với đời sống mới, từ sự bài xích tính bản năng của thân phận mới và sự lưu luyến đối với thân phận cũ. Trong quá trình chuyển hóa thân phận và chấp nhận chính mình của Hư Trúc, không đủ làm nên minh chứng duy nhất về quan niệm nhân sinh của y. Bởi vì trước khi gặp lại Mộng Cô, y căn bản không biết được cái gì là "niềm vui sướng không thể nói ra được" trong đời sống con người. Trước đây y vẫn chưa biết thế nào là hạnh phúc nhân sinh, bởi vì trong tâm của một tiểu hòa thượng thì không có cái quan niệm hạnh phúc, nói chi đến thể nghiệm hạnh phúc.

V

Chúng ta đã bàn đến cốt lõi sâu sắc nhất trong chủ đề của bộ tiểu thuyết Thiên long bát bộ. Phần đông độc giả thường cho rằng đây là bộ tiểu thuyết diễn dịch tư tưởng nhà Phật, điều này cũng không phải là sai , bởi vì tên của bộ tiểu thuyết là lấy từ kinh Phật, và ở phần chú danh đầu sách, tác giả cũng có nêu rằng bộ sách này “muốn mượn danh từ nhà Phật để tượng trưng cho một số nhân vật hiện tại". Những nhân vật chủ yếu tương tự trong bộ sách Thiên long bát bộ cuối cùng đều quy y cửa Phật, như Tiêu Viễn Sơn, Mộ Dung Bác, Đinh Xuân Thu. Thiên hạ đệ nhị ác nhân Diệp Nhị Nương tự sát tại Thiếu Lâm tự, Thiếu Lâm phương trượng Huyền Từ trước khi chết còn đọc câu kệ : "Nhân sinh ư thế, hữu dục hữu ái, phiền não đa khổ, giải thoát vi lạc!" (Con người sống trên thế gian, có ước muốn, có yêu thương, nhiều đau khổ phiền não, chết là được giải thoát) (Xem Thiên long bát bộ). Nhưng chính Hư Trúc, đứa con "nghiệt tử" của Diệp Nhị Nương và Huyền Từ, thì lại không giống như những nhân vật trên, y không phải là từ tục thế quy y của Phật, mà lại từ cửa Phật đi vào tục thế. Đây chính là cốt lõi sâu sắc của chủ đề tư tưởng hàm chứa trong bộ tiểu thuyết, trên cả Thiên long bát bộ, cho dù không đi tới bỉ ngạn Phật quốc, nhưng lòng hy vọng của con người được đặt nơi các biểu hiện bình thường của nhân tính. Lối sống mới và hạnh phúc của Hư Trúc chính là một loại mẫu mực hay có thể nói là một minh chứng xác thực nhất của đời sống nhân sinh. Chủ đề của bộ sách như luôn muốn nói đến kết quả phiền não và oan nghiệt của ái dục, nhưng câu chuyện của Hư Trúc lại cho thấy sự say mê và vui sướng do ái dục mang lại. Cho nên cái hang đất băng giá vừa tối tăm vừa lạnh lẽo lại là nơi vui sướng tốt đẹp nhất đối với Hư Trúc, bởi vì nơi đây có cuộc hội ngộ kỳ lạ giữa "Mộng Cô" và "Mộng Lang". Xã hội hiện tại có thể cảm thấy lạ lùng trước câu chuyện tình ái kỳ lạ làm xúc động lòng người này. Người ta có thể khó mà lý giải được tại sao trong bong tối, hai người không những trước giờ chưa từng gặp mặt, không biết hình dạng người kia ra sao, thậm chí không biết tên nhau, mà trong lần gặp đầu tiên đã nảy sinh quan hệ ân ái, rồi từ đóvề sau mãi mãi không thể nào quên nhau được, đây há chẳng phải là chuyện kỳ lạ ư? Thực ra thì ở đây Kim Dung tiên sinh không phải muốn viết về một câu chuyện tình ái thông thường, mà là một câu chuyện ngụ ngôn võ hiệp . Cơ sở của câu chuyện ngụ ngôn này thực ra vô cùng đơn giản, đó chính là "Háo sắc là bản chất của con người. Hư Trúc tuy nghiêm trì giới luật, nhưng gặp khi ngày xuân hoa nở cũng không tránh xao động tâm trí vậy". (Xem Thiên long bát bộ). "Mộng Lang" đã như vậy thì "Mộng Cô" cũng như vậy Cả hai tuy rằng không biết mặt nhau, nhưng giống nhau về mặt bản năng nhân tính, cho nên họ cũng hấp dẫn và yêu nhau như bất kỳ đôi trai gái nào khác. Họ chính là bản chất của ái tình, cũng là bản chất của con người. Câu chuyện của Hư Trúc muốn nói lên rằng, nước có thể chở thuyền, cũng có thể lật đổ, nhận chìm thuyền. Bản chất con người cũng giống như nước, cần phải có phương cách khai thông. Một ngày nào đó nếu để nước tràn thành họa thì có thể tạo nên một thế giới như Thiên long bát bộ, trong đó con người ta đau khổ không thể tả nổi. Nhưng điều này cũng không có nghĩa rằng vì đề phòng sự quá đà thành họa của bản năng mà phủ nhận hoàn toàn các hành vi thuộc bản năng của con người. Bản năng là cội nguồn đau khổ nhưng cũng chính là cội nguồn hạnh phúc của kiếp người, cũng là niềm hy vọng của con người trong tương lai. Sự hy sinh của Tiêu Phong là một ví dụ rõ nét, nhưng Hư Trúc từ nơi tự viện bước ra thế giới phàm tục lại là một ví dụ khác còn sống động hơn.


TRẦN MẶC – TRUNG QUỐC

BÀN VỀ CÁC NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT KIM DUNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét