Kỳ 2: Mạnh mẽ “dòng chảy” võ Bình Định | |
Trải qua bao thăng trầm, võ Bình Định đã hòa vào tâm hồn người Bình Định để tồn tại và phát triển linh hoạt, đa dạng tùy theo tình hình thực tế của đời sống xã hội. “Dòng chảy” võ Bình Định vẫn còn mạnh mẽ tại nhiều địa phương trong tỉnh. * Khẳng định tiếng thơm đất Võ Trong quá trình đi khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy tại các địa phương có phong trào luyện tập võ cổ truyền phát triển mạnh như An Nhơn, Tây Sơn, Tuy Phước, Hoài Nhơn, TP Quy Nhơn đều có trên dưới 10 võ đường, CLB đang hoạt động. Tuy không mạnh như các địa phương vừa kể đến, nhưng các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân vẫn còn một số võ đường hoạt động. Tại Giải võ cổ truyền các CLB tỉnh Bình Định năm 2010, có đến gần 300 VĐV của 39 CLB, võ đường tham dự. Tại các giải thi đấu quốc gia trong nhiều năm qua, các VĐV võ cổ truyền Bình Định luôn giữ vững được thành tích cao. Ngoài ra, tại các giải thi trẻ toàn quốc diễn ra hàng năm, các VĐV trẻ của võ cổ truyền Bình Định cũng đem về hàng trăm huy chương các loại, góp phần khẳng định danh tiếng miền đất Võ. Trong suốt 20 năm qua, các đoàn võ cổ truyền Bình Định cũng đã thường xuyên tham dự các cuộc liên hoan, thi đấu quốc tế tại các nước Nga, Thụy Sỹ, Angiêri, Hàn Quốc, Rumani, Ý. Ngoài thi đấu biểu diễn, một số nước còn mời các võ sư Bình Định sang truyền dạy. Đến nay, võ Bình Định đã được phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. * Các lão võ sư một đời “giữ lửa” Từ sau ngày miền Tìm đến nhà võ sư Phan Thọ (86 tuổi, huyện Tây Sơn) vào một buổi sáng trời mưa lạnh, thật ngạc nhiên khi thấy ông đang hăng say hướng dẫn học trò trong căn phòng tập đơn sơ trống hoác gió lùa. Ngay tại nhà lão võ sư Phan Thọ, hiện có gần chục học trò ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh đang rèn luyện. Anh Võ Minh Trí (21 tuổi, quê ở Đồng Nai), cho biết: “Tôi nghe danh tiếng lão võ sư Phan Thọ và tìm tới xin học đã hơn hai năm. Tôi được thầy truyền dạy liên tục mỗi ngày ba buổi, nên đã luyện đánh được gần hết 18 món binh khí tiêu biểu của võ Bình Định… Ở cạnh thầy, tôi còn học được cách đối nhân xử thế nữa!”.
Khoảng sân nhỏ trước nhà lão võ sư Phi Long Vịnh (74 tuổi, huyện Tuy Phước) đã in dấu bao thế hệ học trò trong suốt bao nhiêu năm qua. Võ sư Phi Long Vịnh vẫn còn đủ sức biểu diễn những đòn thế, bài võ đầy uy lực, nên thường xuyên được mời tham gia các sự kiện võ thuật lớn của tỉnh. Thỉnh thoảng, ông còn nhận lời sang châu Âu quảng bá võ Bình Định. Năm 2007, ông được Hiệp hội Quán Khí Đạo quốc tế tại Ý trân trọng trao tặng bằng Đại danh sư võ thuật. Võ sư Lý Xuân Hỷ (71 tuổi, huyện An Nhơn) là người có nhiều cống hiến cho sự nghiệp phát triển võ Bình Định. Khi chúng tôi đến, ông đang bận rộn với việc xây nhà mới, nhưng mỗi buổi chiều vẫn dành thời gian dạy học trò ở khoảnh sân rộng phía sau nhà. “Mùa mưa thì ít, chứ mùa hè các em đến học kín cả sân. Chỉ cần các bạn trẻ hôm nay đam mê, các võ sư lớn tuổi như tôi luôn phấn khởi truyền dạy hết lòng…”- võ sư Hỷ bộc bạch. Võ sư Lê Xuân Cảnh (71 tuổi, huyện An Nhơn) không chỉ đào tạo võ thuật, mà còn hướng học trò tham gia các hoạt động phục vụ cộng đồng như múa lân, thi đấu cờ người nên thu hút đông đảo bạn trẻ… * Tiếp nối truyền thống Trong 5 năm gần đây, Hoài Nhơn luôn là một trong những đơn vị mạnh ở các giải võ cổ truyền toàn tỉnh, đặc biệt là ở nội dung đối kháng. Hiện nay, môn phái Bình Nhơn đạo (do cố võ sư Thanh Tú sáng lập) đóng góp tích cực cho phong trào võ cổ truyền. Võ sư Thanh Hùng (con trai võ sư Thanh Tú) cùng hai người chú ruột là các võ sư Thanh Ca, Thanh Lương trong những năm qua đã đào tạo nhiều võ sinh xuất sắc. Hiện, võ sư Thanh Hùng cố gắng duy trì nhiều lớp học với tổng cộng chừng 200 võ sinh. Ông cũng là võ sư duy nhất còn dạy nội dung biểu diễn ở Hoài Nhơn. Cách đây 3 năm, được phép thầy, một đệ tử của võ sư Thanh Lương là Phan Huỳnh Thi cũng mở CLB riêng mang tên Thanh Thiên. Đây là CLB có sự đầu tư bài bản nhất về cơ sở vật chất, thiết bị tập luyện. Và CLB Thanh Thiên đã đoạt được nhiều thành tích ấn tượng. Tại huyện Tây Sơn, CLB Hồ Bé xứng đáng là cánh chim đầu đàn khi đã đoạt cúp vô địch đối kháng tại các Giải võ cổ truyền các CLB tỉnh năm 2006, 2007, 2010. Riêng tại giải năm 2010, CLB Hồ Bé còn đoạt cờ CLB xuất sắc nhất. Võ sư Hồ Bé cho biết: “Võ đường chúng tôi phát triển vững mạnh là nhờ hoạt động ở làng võ Thuận Truyền, người dân có truyền thống luyện tập võ thuật. Từ số lượng võ sinh tập luyện khá đông, chúng tôi phát hiện, tuyển chọn các em có năng khiếu đưa vào luyện tập thường xuyên tại các lớp riêng, chuyên luyện thi đối kháng, biểu diễn…”. Tại TP Quy Nhơn, CLB Nguyễn Thanh Vũ ở Nhà văn hóa Lao động tỉnh khẳng định thế mạnh dẫn đầu ở nội dung hội thi biểu diễn tại các giải tỉnh, mới đây nhất là Cúp vô địch hội thi tại Giải võ cổ truyền các CLB toàn tỉnh năm 2010. CLB Nguyễn Thanh Vũ cũng là địa chỉ đào tạo võ cổ truyền thu hút đông người học nhất tại TP Quy Nhơn. Ở huyện An Nhơn, ngoài một số võ đường đã khẳng định thế mạnh về nội dung đối kháng như Lý Xuân Hảo, Đỗ Văn Tuấn, còn xuất hiện thêm võ đường Lý Xuân Vân, Đỗ Văn Út… đoạt thành tích cao khi tham gia Giải võ cổ truyền các CLB toàn tỉnh năm 2010, nhờ vậy đã giành được giải nhất toàn đoàn. Tại huyện Tuy Phước, phong trào luyện tập võ cổ truyền cũng phát triển mạnh, đi đầu là các điểm tập luyện của võ sư Phi Long Vinh, HLV Kim Huệ… Còn ở huyện miền núi, trung du như Hoài Ân, phong trào luyện tập võ cổ truyền tuy còn nhiều khó khăn nhưng vẫn tương đối sôi nổi và gặt hái được khá nhiều thành tích nhờ hoạt động của hai võ đường do các hậu duệ của võ sư Trần Học là võ sư Trần Quý Ba, Trần Quý Trị dẫn dắt. Tiếp nối truyền thống, các thế hệ võ sư, huấn luyện viên trẻ tuổi đã nỗ lực đưa phong trào luyện tập võ cổ truyền phát triển sâu rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh. “Dòng chảy” võ Bình Định vì thế hiện vẫn còn đang rất mạnh mẽ trong lòng nhân dân… |
Kỳ 3: Nhìn lại công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV | ||
Kế tục truyền thống của các võ sư, võ sĩ thời trước, các thế hệ nối tiếp của võ Bình Định đã làm rạng danh miền đất Võ với nhiều thành tích xuất sắc ở những đấu trường lớn. Nhưng công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên (VĐV) đỉnh cao vẫn chưa được chú trọng đúng mức… * Bất cập công tác tuyển chọn Một thời gian dài, võ Bình Định luôn giữ vị trí hàng đầu trong cả nước tại nhiều giải đấu. Tuy nhiên, cũng có thời điểm đất Võ “trắng tay” ở những giải đấu quan trọng. Đại hội TDTT toàn quốc năm 2002 là một ký ức buồn với làng võ Bình Định, khi chỉ giành được 2 HCB và 2 HCĐ đều ở nội dung đối kháng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại. Nhưng then chốt là do VĐV Bình Định không kịp thích nghi với thể thức thi đấu mới ở nội dung đối kháng: chuyển từ võ đài xuống sàn đài. Mãi đến Đại hội TDTT toàn quốc năm 2006, các thành viên đội tuyển võ cổ truyền mới xuất sắc đem về 5 HCV, 7 HCB và 8 HCĐ (trong cả hai môn võ cổ truyền và tán thủ wushu), là đội tuyển duy nhất đem HCV về cho đoàn Bình Định. Tuy vậy, việc các VĐV nội dung biểu diễn không đoạt được HCV nào đã chỉ ra sự hụt hẫng ở tuyến kế thừa, bởi những VĐV kỳ cựu như: Trần Duy Linh, Võ Văn Tính, Nguyễn Văn Cảnh… đã bước qua thời kỳ đỉnh cao phong độ. Hiện nay, việc xây dựng tuyến kế thừa đã được thực hiện tương đối liên tục. Tuy nhiên, công tác tuyển chọn VĐV năng khiếu còn nhiều hạn chế, chủ yếu chỉ thông qua các giải đấu, chưa có tiêu chí, chưa thành hệ thống bài bản, chưa mang tính khoa học. Việc tuyển chọn chuyên sâu chưa thành nguyên tắc, chưa tiến hành tuyển chọn ở diện rộng, chỉ dựa vào một vài huyện có phong trào mạnh như: An Nhơn, Tuy Phước, Tây Sơn, Hoài Nhơn… nên số lượng VĐV tham gia tuyển chọn chưa được nhiều. Việc kiểm tra sàng lọc các VĐV không đáp ứng được chuyên môn, và kế hoạch tuyển chọn bổ sung chưa rõ ràng, cụ thể. Trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho công tác tuyển chọn VĐV còn quá đơn giản, nhất là những dụng cụ về y sinh học. Kinh phí đầu tư cho công tác tuyển chọn ở diện rộng còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, chế độ cho VĐV năng khiếu hiện nay quá thấp, không đủ kích thích các gia đình gửi con em mình theo tập luyện. Mức hỗ trợ phong trào còn thấp nên chưa tạo được động lực cho các võ đường chuyên tâm tìm kiếm và đào tạo những “mầm non” để chuyển lên “tuyến trên”. Việc hỗ trợ trong công tác tập huấn chuyên môn cho các CLB ở cơ sở đến nay vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Võ sư Trần Duy Linh, HLV nội dung biểu diễn đội tuyển võ cổ truyền tỉnh, cho biết: “Tìm một VĐV trẻ có năng khiếu, tố chất vào thời điểm này là điều không hề dễ dàng. Cùng một thế võ, nhưng tùy theo sự nhìn nhận, cảm thụ mà mỗi võ sư, HLV ở phong trào truyền dạy những động tác khác nhau. Do đó, để chỉnh sửa, đào tạo các em thành một VĐV đủ khả năng thi đấu ở các giải quốc gia mất rất nhiều thời gian và công sức”.
* Đầu tư chưa tương xứng Đội ngũ Ban huấn luyện võ Bình Định hiện nay gồm những võ sư, HLV trẻ, tâm huyết, tài năng, nhanh chóng nắm bắt, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào huấn luyện. Điều đó đã giúp chúng ta giành được những thành công lớn ở đấu trường quốc gia trong khoảng gần 10 năm trở lại đây. Nhưng với mức đầu tư còn hạn chế, việc duy trì những thành tích đó là điều rất khó khăn, khi nhiều địa phương khác đã triển khai những chiến lược phát triển lâu dài bộ môn này. Những năm gần đây, Ban huấn luyện đội tuyển võ cổ truyền Bình Định thường xuyên xây dựng kế hoạch đào tạo theo từng giai đoạn cụ thể, nhưng vì ngân sách dành cho bộ môn còn hạn hẹp, trang thiết bị dụng cụ, sân bãi tập luyện chưa được đầu tư thỏa đáng, nên không thể thực hiện theo kế hoạch đã đề ra. Từ đó, việc nâng cao thành tích cho VĐV đẳng cấp, nâng cao chỉ số chuyên môn cho VĐV dự bị cũng bị ảnh hưởng. Với việc giá cả thị trường có biến động mạnh trong thời gian qua, mức chi tiền ăn cho mỗi VĐV 45.000 đồng/ngày không đủ để họ duy trì tập luyện ở khối lượng cao. Mức tiền công khoảng 1,1 triệu đồng/người/tháng (22 ngày tập x 50.000 đồng/ngày) không đủ để VĐV trang trải những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống. Đầu ra của những VĐV hết độ tuổi sung mãn không rõ ràng, đa số họ thường xuất thân từ gia đình khó khăn, nên sau khi giải nghệ không đủ điều kiện để học đại học hoặc tìm một nghề để mưu sinh. Do đó, tư tưởng các VĐV không ổn định, dễ bị ảnh hưởng tiêu cực từ sự lôi kéo, tác động của đơn vị khác với những hứa hẹn về chế độ, lương, thưởng… Thành tích mà thể thao Bình Định giành được trong những năm qua có đóng góp quan trọng của võ cổ truyền. Nhưng nếu không có những giải pháp mang tính chiến lược, những sự đầu tư bài bản với kế hoạch lâu dài để xây dựng và củng cố từ phong trào đến đỉnh cao, việc duy trì những thành tích đó là điều không dễ dàng. |
Kỳ cuối: Nguy cơ mai một truyền thống | ||
Những người đang gắn bó với sự nghiệp gìn giữ và phát triển võ Bình Định hay nói đùa “không thực vẫn vực được võ”. Đùa là đùa thế, nhưng sau thế hệ võ sư, huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) tâm huyết hiện có, những người quan tâm tới võ Bình Định đang mỏi mắt tìm kiếm lứa kế thừa. Có thể săn được VĐV giỏi nhưng rất khó tìm ra những VĐV giàu đam mê, có tố chất dẫn dắt. Phải chăng võ Bình Định đứng trước nguy cơ “đứt mạch” truyền thống?
* Gian khó giữ nghiệp Hiện trong số các võ sư hiện đang sống ở tỉnh Bình Định, chỉ có 3 võ sư - Phan Thọ, Phi Long Vịnh, Phan Thanh Sơn được ngân sách hỗ trợ mỗi người 300 ngàn đồng/tháng. Và cũng chỉ có 10 võ đường ở các huyện: Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước, Hoài Nhơn, Hoài Ân được chọn làm vệ tinh, cung cấp VĐV năng khiếu cho đội tuyển tỉnh, hàng tháng mỗi võ đường được hỗ trợ 450 ngàn đồng. Không nói ra thì ai cũng biết, mức hỗ trợ là rất ít ỏi so với cống hiến của các võ sư, võ đường. |
Những người đang gắn bó với sự nghiệp gìn giữ và phát triển nghiệp võ hiện nay chủ yếu là vì giàu tâm huyết, chứ chưa ai sống dựa hẳn vào nghề võ. Võ sư Phan Thọ (Tây Sơn) tâm sự: “Nếu có kinh phí hỗ trợ, tôi sẵn sàng dạy miễn phí cho học trò. Nhưng ngặt nỗi gia cảnh cũng nghèo, không có cách gì xoay xở, nên đành phải thu phí chút ít để trang trải cuộc sống thường nhật…”.
Võ sư Trần Quý Ba (Hoài Ân) cho biết: “Ở một huyện miền núi, mức học phí 50.000 đồng/tháng để luyện tập hàng ngày vẫn được xem là nặng với nhiều gia đình. Có võ sinh khi nghĩ đến học phí đã… nghỉ luôn. Do đó, để duy trì phong trào, chúng luôn có chế độ miễn giảm cho các võ sinh có hoàn cảnh khó khăn”.
Còn võ sư Thanh Hùng (Hoài Nhơn) thì cho rằng: “Võ sinh theo học đông cũng là điều đáng mừng, nhưng không thể nói nhờ nguồn thu nhập từ học phí mà kinh tế của mình khá lên được. Bên cạnh đó, những lần đi dự giải tốn kém đủ bề nhưng hầu như chỉ có mình tôi gánh vác. Đã trót theo đuổi niềm đam mê thì phải thế thôi, chứ không lẽ bỏ ngang di sản tổ tiên mình để lại…”.
Nguồn thu từ việc dạy võ không bao nhiêu, cuộc sống khó khăn là thế, nhưng khi tỉnh tổ chức giải đấu, nhiều võ sư, HLV vẫn cố gắng gom góp tiền bạc hoặc vận động các gia đình VĐV đóng góp để dẫn học trò đi thi đấu, cọ xát, kiểm nghiệm trình độ. Theo quy định của Ban tổ chức, Giải Võ cổ truyền các CLB tỉnh, tính từ vòng loại mỗi VĐV thi đấu đối kháng cứ mỗi trận thắng sẽ nhận được khoản tiền hỗ trợ là 50.000 đồng; riêng các VĐV tham gia nội dung hội thi biểu diễn thì được khoán gọn mức hỗ trợ 100 ngàn đồng/người.
* Nguy cơ “đứt mạch” truyền thống
Phong trào luyện tập võ Bình Định trên địa bàn tỉnh hiện đang phát triển rộng, nhưng chủ yếu tập trung ở một số địa phương có bề dày truyền thống. Và ngay tại các địa phương này, việc phát triển tuy rộng nhưng lại chưa thực sự vững chắc.
Huyện Tây Sơn có truyền thống võ cổ truyền trăm năm lừng lẫy là thế, nhưng hiện chỉ còn khoảng chục võ đường. Phần lớn hoạt động theo kiểu “lai rai”, chỉ có hai võ đường thường xuyên đào tạo VĐV tham gia thi đấu giải tỉnh là võ đường Phan Thọ và võ đường Hồ Bé. Võ sư Phan Thọ đã cao tuổi nên việc đào tạo hạn chế, gánh nặng gìn giữ phong trào vì vậy đều dồn hết vào võ đường của gia đình võ sư Hồ Bé.
Huyện An Nhơn tuy số võ đường hoạt động mạnh, khá đồng đều, nhưng đáng tiếc là phong trào ở làng võ An Thái vang bóng một thời, nay coi như đã lụi tàn vì không còn hạt nhân ở địa phương để truyền dạy.
Hoài Nhơn luôn là một trong những đơn vị mạnh ở các giải võ cổ truyền toàn tỉnh, đặc biệt là ở nội dung đối kháng. Song số lượng võ đường, CLB tham gia giải ngày càng “teo tóp”, hiện chỉ còn vài cái tên như võ đường Thanh Lương, Thanh Hùng, Thanh Thiên…
Một phần lý do của sự teo tóp là các võ sư, HLV phải mưu sinh. Võ sư Thanh Lương vẫn sống bằng nguồn thu nhập chính từ nghề rèn. Võ sư Thanh Hùng thì trông cậy vào suất tiền lương vệ sĩ ở một chi nhánh ngân hàng. Những võ đường khác chỉ hoạt động cầm chừng, ít tham gia các giải đấu.
Phong trào tập luyện võ cổ truyền ở huyện Hoài Ân sau thời kỳ “cực thịnh” những năm 80 của thế kỷ trước, hiện chỉ còn hai võ đường Trần Quý Ba, Trần Quý Trị là tương đối sôi nổi. Nguồn thu nhập chính của võ sư Trần Quý Ba nằm ở… tiệm thuốc Bắc, còn cháu trai Trần Quý Trị là khoản lương giáo viên thể dục. Nhiều gương mặt gạo cội khác ở Hoài Ân đã giải nghệ như: võ sư Phi Long Tĩnh “quy ẩn” chăm lo ruộng vườn, võ sư Kim Minh Công giờ lo trồng rừng, võ sư Thanh Sơn lại đi trồng cà phê trên Tây Nguyên…
Võ sư Trần Quý Ba (bên phải) người đóng góp rất nhiều cho việc duy trì và phát triển phong trào võ cổ truyền ở huyện Hoài Ân. Ông sống chủ yếu bằng nghề thầy thuốc.
|
* Thương cho trò và thương cả cho mình
Có thể thấy nguy cơ “đứt mạch” truyền thống võ Bình Định khi các võ sư lớn tuổi làm chỗ dựa cho phong trào đã ra đi vì tuổi cao sức yếu. Võ Bình Định sẽ ra sao nếu thế hệ những võ sư hiện đang ở tuổi thất thập trở lên ra đi? Chắc chắn sẽ là một khoảnh trống mênh mông. Và điều khiến những người mộ võ lo lắng là những võ sư, HLV sáng giá ở lứa tuổi U50, U60 ở ta hiện cũng không nhiều.
Thế hệ võ sư, HLV trẻ làm nòng cốt hiện tại chưa biết có kiên trì theo đuổi nghề hay không, trước những sức ép của cuộc mưu sinh. Điều này đòi hỏi ngay bây giờ cần phải gầy dựng được một lực lượng mới truyền dạy võ cổ truyền có chất lượng để giữ vững phong trào. Lực lượng giảng dạy này trước mắt có thể được bồi đắp dần, từ việc lựa chọn hạt nhân là các VĐV đội tuyển võ cổ truyền tỉnh giàu nhiệt huyết.
Võ sư HÀM HỮU NGHĨA, Chủ tịch Hội Võ thuật huyện Tuy Phước: “Để góp phần thúc đẩy phát triển phong trào luyện tập võ cổ truyền, cần tổ chức thêm nhiều những giải thi đấu giao hữu nội dung đối kháng. Sau ngày giải phóng miền Nam (1975), nhiều huyện, xã đứng ra tổ chức những đêm võ đài với sự tham gia rất nhiệt tình của đông đảo võ đường, kể cả từ các tỉnh bạn. Vì nhiều lý do những đêm võ đài như thế thưa vắng dần. Hiện nay, những đêm võ đài thường chỉ xuất hiện vào dịp Tết âm lịch. Các võ sĩ trong tỉnh ít có cơ hội cọ xát trong các giải đấu giao hữu ở cơ sở để tích lũy kinh nghiệm, hoàn thiện kỹ thuật. Dịp Tết năm vừa rồi, khi tổ chức thi đấu võ đài ở xã Phước Nghĩa, chúng tôi đã thử nghiệm trước khi thi đấu cho biểu diễn văn nghệ, binh khí nên thu hút rất đông khán giả mua vé vào xem hơn hẳn các năm trước…”. |
- Hoài Thu - Lê CườngNguồn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét