Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

Những chiến sĩ Ngự Lâm Quân của tôi: Tôi xin chào chia tay – Napoleon Bonaparte

Các diễn văn làm thay đổi thế giới – Những chiến sĩ Ngự Lâm Quân của tôi: Tôi xin chào chia tay – Napoleon Bonaparte

Napoleon Bonaparte (1769-1821) là một nhà lãnh đạo quân sự và chính trị nổi tiếng trong lịch sử. Ông là Hoàng đế của Pháp 9 năm (1804-1814) và 100 ngày (1915) với danh hiệu Napoleon I. Napoleon được biết đến cho sự cải cách pháp lý qua Bộ luật Napoleon (Napoleonic code). Đây là một bộ luật có ảnh hưởng lớn đến pháp luật dân sự (civil law) nhiều nơi trên thế giới, cho đến ngày nay.

Ông cũng được nhớ đến cho các cuộc chiến tranh ông đã lãnh đạo, “Chiến tranh Napoleon”, để chống lại một loạt liên minh (Coalitions) nhằm thiết lập quyền bá chủ trên lãnh thổ Châu Âu.

Napoleon sinh ra ở Ajaccio, Corsica năm 1769, một năm sau khi hòn đảo được trao cho Pháp từ Cộng hòa Genoa. Là người con thứ hai trong gia đình quý tộc gốc Ý, gồm 8 người con, cha của Napoleon là một luật sư. Năm 1779, Napoleon được nhận vào trường quân sự, Brienne-le-Château, Pháp. Một người chấm thi nhận thấy Napoleon luôn nổi bật với toán học lại rất quen thuộc với lịch sử và địa lý, ông nghĩ rằng Napoleon sẽ là người thủy thủ xuất sắc. Nhưng sau khi ra trường năm 1784, Napoleon được nhận vào trường ưu tú Militaire Ecole tại Paris để thành sĩ quan pháo binh. Khi cha ông chết, thu nhập gia đình bị giảm, ông buộc phải hoàn tất chương trình 2 năm trong vòng 1 năm. Ông là người Corsican đầu tiên được tốt nghiệp từ Militaire Ecole và được kiểm tra bởi nhà khoa học nổi tiếng Pierre -Simon Laplace.

Năm 1785 Bonaparte được ủy nhiệm chức Thiếu úy thứ 2 trong pháo binh (2nd Lieutenant in artillery) và năm 1793 được quốc gia công nhận và thăng chức chuẩn úy sau khi chiến thắng Anh ở trận Toulon. Bonaparte trở nên nổi bật dưới Cộng hòa Pháp Thứ nhất (French First Republic) và đã chỉ huy các chiến dịch thành công chống lại Liên minh Thứ nhất và Thứ hai (First and Second Coalitions). Năm 1799, ông nắm quyền chính trị trong cuộc lật đổ Hội đồng Chính đốc (Directory) và được vinh danh Lãnh sự thứ nhất (First Consul) với quyền lực tối cao như là lãnh tụ của chế độ độc tài quân sự.

Napoleon đã thiết lập nhiều cải cách chính phủ và giáo dục, cho ra đời Bộ luật Dân sự vào tháng 3 năm 1804. Bộ luật cấm đặc quyền dựa trên lý lịch, cho phép tự do tôn giáo, và quy định việc làm chánh phủ thuộc về người có đủ tiêu chuẩn nhất. Đây là một bộ luật hiện đại đầu tiên được thông qua trong phạm vi toàn Châu Âu và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến pháp luật của nhiều quốc gia được hình thành trong và sau chiến tranh Napoleon. Bộ luật nhấn mạnh pháp luật rõ ràng bằng văn bản, dễ truy cập, là một bước tiến lớn trong việc thay thế các chắp vá trước đây của pháp luật phong kiến.

Tháng 5 năm 1804, Thượng viện Pháp tuyên phong ông địa vị Hoàng đế.

Trong thập niên đầu của thế kỷ 19, đế quốc Pháp dưới quyền Napoleon đã tham gia vào một loạt xung đột (Napoleonic Wars). Sau nhiều cuộc chiến thắng, Pháp bảo đảm vị trí thống trị lục địa châu Âu. Napoleon duy trì phạm vi ảnh hưởng của Pháp, hình thành nhiều khối liên minh và bổ nhiệm bạn bè cũng như thành viên gia đình để cai trị các nước Châu Âu khác.

Thừa thắng với cuộc chiến vẻ vang nhất, trận Austerlitz, chống lại các lực lượng kết hợp của Áo và Nga; ông quyết tâm đánh bại Anh. Napoleon dự định làm tắt nghẻn nền kinh tế Anh, nhưng khi bị Nga từ chối hợp tác, ông bắt đầu cuộc vận động năm 1812 chống lại Nga. Dù đã thắng Nga ở trận Borodino, toàn quân ông chiếm được Moscow, nhưng Nga đã ra lệnh đốt cháy Moscow. Thiếu lương thực cộng với mùa đông khắc nghiệt ở Nga, quân đội của Napoleon với 500.000 binh lính đã phải rút lui, hàng ngũ trở nên hỗn loạn và tan rã chỉ còn 20.000 binh sĩ. Chế độ Napoleon, gồm có 3 vua là anh em của ông ngự trị ở Châu Âu cũng đồng thời sụp đổ.

Năm 1813 Napoleon bị Liên minh thứ sáu đánh bại ở trận Leipzig và năm sau Paris thất thủ cho liên minh chống Pháp. Napoleon nói bài diễn văn “Tôi xin chào chia tay” với Cựu Quân trước khi đi lưu vong ở Elba, một hòn đảo được cho ông như là lãnh địa của một ông Hoàng. Ông được giữ danh hiệu Hoàng đế. Napoleon sau đó cầm cự được quyền lực lần cuối. Lo ngại cho sự an toàn của vợ và con trai ở Pháp, sau khi chế độ quân chủ được phục hồi, ông trốn từ lưu vong và trở về đất liền vào ngày 1 tháng 3 năm 1815. Binh lính sai đi bắt ông trở lại hợp tác với ông và ông lấy lại chức đế vương một lần nữa. Nhưng sự thống lãnh của ông chỉ kéo dài 100 ngày và kết thúc với trận chiến bại ở Waterloo. Sau lần thoái vị thứ hai, Napoleon bị giam tại St. Helena ở Đại Tây Dương ngoài khơi biển Châu phi. Ông chết lúc 52 tuổi vì ung thư dạ dày, nhưng Sten Forshufvud và nhiều nhà khoa học khác cho rằng ông bị đầu độc bởi chất arsen.

Bài diễn văn Napoleon chia tay đoàn Nhự Lâm Quân của ông được nổi tiếng vì bài này rất ngắn gọn nhưng rõ ràng, mạch lạc, mạnh mẽ, có sức thuyết phục và đầy truyền cảm. Đây là một chứng minh hùng hồn cho tài lãnh đạo của Napoleon. Ngự Lâm Quân (lính của vua, Vieille Garde, Old Guards) là đoàn lính riêng do chính Napoleon tuyển chọn, từ các chiến binh lỗi lạc nhất của Pháp, cùng sát cánh với Napolen ngày đêm, tại cung điện hoặc trên mọi chiến tuyến.

Đối với Napolen, “con đường dẫn đến danh dự và vinh quang” là cai trị Châu Âu. Nhưng cái giá của con đường này là hàng ngàn sinh mạng dân Pháp. Cuối cùng, sự thống lãnh Châu Âu cũng không được duy trì. Nhưng ông luôn nghĩ đến “hạnh phúc của nước Pháp”, điển hình qua Bộ luật Dân sự mà Napoleon đã từng tuyên bố: “Vinh quang thực sự của tôi không phải để thắng 40 trận…Waterloo sẽ xóa nhòa ký ức về rất nhiều chiến thắng. …Nhưng… điều sẽ sống mãi, là Bộ luật Dân sự của tôi.” (“My true glory is not to have won 40 battles…Waterloo will erase the memory of so many victories. … But…what will live forever, is my Civil Code.”) Napoleon là một nhà chính trị đại tài trước khi là một vị tướng đại tài.

    Những chiến sĩ Ngự Lâm Quân của tôi: Tôi xin chào chia tay. Suốt 20 năm qua tôi đã luôn sát cánh với các bạn trên con đường dẫn đến danh dự và vinh quang. Trong những lần sau này, cũng như những ngày thịnh vượng của chúng ta, các bạn luôn luôn là tấm gương của lòng can đảm và trung thành. Với những người như các bạn, chính nghĩa của chúng ta không thể thất bại; nhưng chiến tranh có thể sẽ không bao giờ chấm dứt; nó sẽ trở thành nội chiến, và điều đó sẽ đưa đến những bất hạnh sâu thẳm hơn cho nước Pháp.

    Tôi đã hy sinh tất cả quyền lợi của tôi cho quyền lợi của đất nước.

    Tôi đi, nhưng các bạn, những người bạn của tôi, sẽ tiếp tục phục vụ nước Pháp. Hạnh phúc của nước Pháp là ý nghĩ duy nhất của tôi. Nó sẽ vẫn là đối tượng mong ước của tôi. Đừng tiếc nuối cho số phận của tôi; nếu tôi chấp nhận để sống sót đó là để phục vụ cho vinh quang của các bạn. Tôi dự định sẽ viết sử về những thành tích vĩ đại mà chúng ta đã cùng nhau hoàn thành. Vĩnh biệt, những người bạn của tôi. Xin khắc ghi tất cả vào tim tôi.

    (Diệu Sương dịch)

    Soldiers of my Old Guard: I bid you farewell. For twenty years I have constantly accompanied you on the road to honor and glory. In these latter times, as in the days of our prosperity, you have invariably been models of courage and fidelity. With men such as you our cause could not be lost; but the war would have been interminable; it would have been civil war, and that would have entailed deeper misfortunes on France.
    I have sacrificed all of my interests to those of the country.
    I go, but you, my friends, will continue to serve France. Her happiness was my only thought. It will still be the object of my wishes. Do not regret my fate; if I have consented to survive, it is to serve your glory. I intend to write the history of the great achievements we have performed together. Adieu, my friends. Would I could press you all to my heart.

    Napoleon Bonaparte – 20 Tháng 4, 1814

Tài liệu tham khảo:

http://en.wikipedia.org/wiki/Napoleon_I

http://en.wikipedia.org/wiki/Napoleonic_Code

http://www.historyplace.com/speeches/napoleon.htm

http://www.famous-speeches-and-speech-topics.info/famous-short-speeches/napoleon-bonaparte-speech-farewell-to-the-old-guard.htm

Nguồn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét