Hội hoạ Phục Hưng thường được phân chia theo các vùng địa lý thời đó có nhiều danh hoạ là ở Ý, ở Hà Lan và xứ Flamand, ở Đức, ở Pháp và ở Anh...
Hội hoạ thời Phục Hưng ở Ý
Thời Phục Hưng ở Ý bắt đầu với thế kỷ XV (người Ý gọi là Quatrocento - 1400), nhưng thực ra nó đã nẩy mầm ngay từ thời Tiền Phục Hưng, với những bức bích hoạ đầu tiên do Giotto thực hiện ở nhà thờ Santa Maria dell’Arena ở Padoue (1305), đem đến một phong cách hoàn toàn mới mẻ, và những ý tưởng nghệ thuật độc đáo, trùng hợp với những ý tưởng đã được Roger Bacon đề xướng và thực hiện ở Assise với Jacopo Torriti (1295).
Masaccio: Adam và Eve bị đuổi khỏi địa đàng (1425)
Vào thời kỳ này, khi khen một hoạ sĩ nào, người ta thường có thói quen nói rằng : tác phẩm của hoạ sĩ đó có thể sánh ngang với "người xưa", người xưa đây là những hoạ sĩ Hy Lạp, La Mã cổ điển.
Khái niệm "phục hưng" ở nơi người Ý đương thời, chính là để nói lên cái ý tưởng "khôi phục" lại ưu thế của La Mã về mặt văn hoá vào thời kỳ oanh liệt nhất, trước khi bị giặc Goth xâm lược ở thế kỷ VI, trong khi đối với người Âu châu, nói chung, thời kỳ Phục Hưng có một ý nghĩa rộng hơn : đó là thời kỳ người ta muốn quay trở lại với những quy tắc nghệ thuật cổ điển Hy-La, sau khi đã trải qua thời kỳ Trung cổ với các nền nghệ thuật rômăng, gôtích, v.v.
Uccello: Thánh George giết rồng (1455)
Giotto là người hoạ sĩ đầu tiên đã đem lại một phong cách hội hoạ Kitô giáo mới mẻ, tuy khác hẳn với phong cách byzantin,nhưng lại vẫn như có một cái gì đó rất khoẻ mạnh trong nét vẽ, như trên các bức tranh thờ của thành Byzance, và các bức tiểu hoạ Kitô giáo ở phương Đông.
Trích phần bên trái diptyque Wilton: Vua Richard II ra mắt Đức Mẹ nhờ thánh đỡ đầu Jean-Baptiste với các thánh Edouard và Edmond, khoảng 1395-1399, 57×29cm. National Gallery, London
Người hoạ sĩ tài hoa nhất sau Giotto, người đã mang đến một phong cách hội hoạ tôn giáo mới mẻ khác, là Masaccio (1401-1428), với bức bích hoạ đầu tiên sử dụng phép vẽ phối cảnh, đó là tác phẩm mang tên "Tam vị Nhất thể, Đức Mẹ, Thánh Jean và các nhà hảo tâm" (1425-1428) ở nhà thờ Santa Maria Novella, Firenze (Ý).
Fra Angelico: Lễ đăng quang Đức Mẹ Đồng Trinh (1434-1435)
Thời Phục Hưng có lẽ là thời kỳ nghệ thuật Kitô giáo đã sản sinh ra nhiều tài năng hội hoạ nhất ở hầu khắp mọi nước Âu châu, nhiều nhất là ở Ý, với : Masaccio, Fra Angelico, Paolo Uccello, Piero della Francesca, Filippo Lippi, Ghirlandaio, Botticelli, Pietro Purigino, Raphael, Leonardo da Vinci, Michelangelo, v.v. ; ở Hà Lan, với : Jan van Eyck, Van der Weyden, Petrus Christus, Hans Memling, Hugo Van der Goes, Gerard David, và cả một trường phái được gọi là "trường phái nguyên khai Flamand" ; ở Pháp, với : Jean Fouquet, Engerrand Quarton, và ba anh em nhà Limbourg ; ở Đức, với : Stefan Lochner, Albrecht Durer ; ở Bồ Đào Nha, với : Nuno Gonçalves, v.v.
Botticelli: Venus ra đời (1485)
Hội hoạ thời Phục Hưng ở Hà Lan và ở Pháp
Người ta thường chỉ hay nói nhiều đến nền hội hoạ "Phục Hưng Ý", nhưng thực ra, cùng trong thời kỳ này, ở Âu châu, còn có ít nhất hai nền hội hoạ khác cũng quan trọng không kém, về mặt nghệ thuật thuần tuý. Đó là nền "hội hoạ nguyên khai Flamand" ở xứ Flamand (Flandre), xưa kia thuộc Hà Lan, nay thuộc Bỉ, mà tính chất hiện thực còn vượt xa hơn cả nền hội hoạ Phục Hưng Ý, và nền "hội hoạ quốc tế" chủ yếu đã phát triển ở Pháp và ở Anh, dưới dạng các tranh tiểu hoạ, dựa trên truyền thống hội hoạ rômăng và gôtích.
Nuno Gonçalves: Thánh Vincent (1495)
Chỉ cần nêu lên ở đây một hai thí dụ tiêu biểu nhất cho những trường phái này.
Jan van Eyck (1390-1441), là một trong những hoạ sĩ xuất sắc nhất của "trường phái nguyên khai Flamand", tác giả của nhiều tác phẩm sơn dầu nổi tiếng, như : "Con cừu huyền thoại - L’Agneau mystique" (1432), "Giovanni Arnolfini và phu nhân" (1434), "Đức Mẹ ở Chanoine Van der Paele" (1436). Chính ông là người đầu tiên đã chế ra chất sơn dầu để thử nghiệm trên các tác phẩm của mình. Ông đã dùng dầu thay thế cho lòng trắng trứng, để cho màu đỡ bị khô, mà lại óng mượt hơn, trong hơn.
Jan van Eyck: Giovanni Arnolfini và phu nhân (1434)
Vào những năm này, lần đầu tiên, người ta thấy xuất hiện những bức hoạ mà nội dung không có tính chất tôn giáo. Bức hoạ "Giovanni Arnolfini và phu nhân" của Jan van Eyck, hoàn toàn không có ý nghĩa tôn giáo, cũng như bức hoạ "Trận chiến San Romano" (1450) của Paolo Uccello, một hoạ sĩ gốc Ý, người tỉnh Firenze.
Chúng ta thấy rằng nghệ thuật hội hoạ thời Phục Hưng rồi ra sẽ phát triển theo hướng này, trải qua các thời kỳ barốc, cổ điển, v.v. cho đến mãi sau này cũng vẫn giữ cái phương châm ấy : đưa những chi tiết hiện thực của đời sống vào hội hoạ, dù là hội hoạ tôn giáo, hay chỉ là những truyện tích thần thoại, lịch sử, hoặc những cảnh sinh hoạt đời thường. Mục đích của nghệ thuật không còn giới hạn vào việc minh hoạ những truyện tích có tính chất tôn giáo nữa, mà người hoạ sĩ còn có sứ mệnh phản ánh cái thế giới xung quanh mà mắt mình nhìn thấy. Phải chăng, lý tưởng nghệ thuật không còn chỉ là đức tin nữa, mà đã trở thành lý tưởng về một cái đẹp tuyệt đối ?
Paul và Jean Limbourg: Sách cầu nguyện của quận công Berry (1410)
Nổi bật nhất trong các tác phẩm của "Trường phái quốc tế" là các bức tiểu hoạ của anh em nhà Limbourg (Pháp), có tựa chung là : "Những giờ bận của hầu tước Berry" (1404-1408), rồi sau đó, "Những giờ rất bận của hầu tước Berry" (1412-1416). Ngoài ra, còn có một bức hoạ vẽ trên nền gỗ, mà người ta thường gọi là "diptyque Wilton", do một ông vua Anh đặt cho một hoạ sĩ, có lẽ cũng là người Pháp, vẽ vào cuối thế kỷ XIV.
Durer: Tự hoạ (1498)
Các tác phẩm này có những màu sắc nhẹ nhàng, tươi mát, nét vẽ tế nhị, cách bố cục trang trọng, và đây đó cũng dùng chất liệu vàng kim, không khỏi làm cho người ta nghĩ đến nền hội hoạ gôtích, mà chắc hẳn nó đã chịu ảnh hưởng trực tiếp, cũng như nó không khỏi làm cho người ta nghĩ đến những bức bích hoạ và một hai bức hoạ vẽ trên nền gỗ của Fra Angelico, cũng với những màu sắc nhẹ nhàng ấy và phong cách ấy vài chục năm sau, tuy rằng Fra Angelico vẫn có những nét độc đáo riêng của mình, không thể nào nhầm lẫn được (ví dụ như tác phẩm "Lễ đăng quang Đức Mẹ Đồng Trinh", 1434-1435).
Văn Ngọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét