Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

Sông côn - dòng sông võ học

Sông Côn - dòng sông võ học - Nguồn TTonline

TT - Sông Côn - “dòng sông võ học” với nhiều giai thoại cùng hình ảnh hằng đêm ven đôi bờ những nam thanh nữ tú thắp đèn say mê luyện võ, tạo nên những cao thủ vang danh trong làng võ thuật xa gần.

PV Tuổi Trẻ ngược dòng sông này tìm gặp những chứng nhân, vùng đất hình thành cái nôi võ học tinh hoa cổ truyền Bình Định.

Kỳ 1: Bóng võ trên dòng sông xưa

Ký ức của bờ sông Côn tịch lặng đến nỗi bây giờ khi đến huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, người ta không thể tưởng tượng đã có thời những cái tên như An Vinh, An Thái là cả huyền thoại trong làng võ thuật gần xa.

Nhiều người già trong làng miệng móm mém vẫn còn kể: “Ngày xưa, người học võ là để bảo vệ của cải trong nhà. An Vinh, An Thái toàn người buôn giàu có nên đua nhau học võ. Hai làng ở hai bên bờ sông như hai dòng hoa văn trên bức gấm thêu lụa là của dải nước sông Côn”.

Dòng sông muôn năm cũ...

Sông Côn là dòng sông lớn nhất của tỉnh Bình Định (dài 35km), chảy qua thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) và các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Vân Canh, An Nhơn và Tuy Phước (Bình Định). Trên hành trình của dòng nước đó, một dòng lịch sử hào hùng của võ cổ truyền Tây Sơn Bình Định đã được bồi đắp, bắt nguồn từ những người lữ hành chọn biên ải Bình Định xưa kia làm chốn tụ hội.

Võ cổ truyền phát triển mạnh mẽ vào nửa cuối thế kỷ 15, sau khi nhà Lê mở rộng nước Đại Việt về phía Nam, trong cuộc sống những ngôi làng ven sông Côn. Người học võ để giữ nhà, giữ đất, chống thú dữ ở đất hoang. Đỉnh cao của võ cổ truyền là cuộc khởi nghĩa của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và vương triều Quang Trung của những nông dân yêu nước.

Với vị trí địa lý chảy qua nhiều huyện của tỉnh Bình Định, bờ sông Côn trở thành nơi chứng kiến và gìn giữ ký ức võ cổ truyền với nhiều làng võ nổi tiếng ven bờ sông như An Vinh, An Thái, Thuận Truyền, Cây Bông, Cảnh Hàn, Nước Mặn, Háo Lễ...

Lão võ sư Trần Dần, nhà ở phía thôn An Vinh, sát ngay bờ sông Côn nhìn qua bờ An Thái. Ông đã già hơn rất nhiều so với những ngày còn xuất hiện trong những buổi lễ khai mạc võ thuật hoặc thi đấu của tỉnh.

Ông nheo nheo mắt, kể: “Ngày trước ở thôn chỗ nào có đất trống là có chỗ tập võ. Ban ngày người ta ra đồng, tối đến thắp đèn đuốc rồi tập say mê đến khuya. Sông Côn mùa nước cạn cũng là bãi tập”. Ông nhớ lại, mỉm cười như thấy được cả một thời huy hoàng của võ cổ truyền Bình Định bên dòng sông trước cửa nhà mình.

Nhà nghiên cứu Phạm Đình Phong cũng không khỏi say mê khi nhắc đến “dòng sông võ học”: “Hai làng võ An Vinh - An Thái cũng... kình nhau ghê lắm. Không bên nào thua bên nào. Trai làng này, gái làng kia, cứ thế đua nhau học võ mà thi thố, nhiều buổi so tài diễn ra ngay bãi cát giữa lòng sông Côn mùa nước cạn”. Trong những ngày đi sưu tầm, nghiên cứu về võ cổ truyền Bình Định, ông Phạm Đình Phong bắt gặp những tưởng nhớ xa xôi và đầy sự lấp lánh đẹp đẽ như vậy.

Trong đề tài nghiên cứu khoa học “Bước đầu nghiên cứu nguồn gốc - đặc trưng võ cổ truyền Bình Định” của ông và các đồng nghiệp, cũng chính ở hai ngôi làng đối diện nhau nhìn xuống dòng sông Côn đang cạn nước mùa tháng 8 này là nơi anh em vua Quang Trung - Nguyễn Huệ gặp người thầy võ đầu tiên của mình.

Thầy giáo Trương Văn Hiến, người đầu tiên dạy võ cho vua Quang Trung, vốn là người gốc gác hoàng tộc phải di trú từ phương Bắc vào dải đất Bình Định biên ải bấy giờ. Ngôi trường vừa dạy chữ, vừa dạy võ của ông ra đời giữa thôn An Thái như một cơ duyên để đón chàng trai Nguyễn Nhạc trong buổi đi buôn trầu đưa thuyền ghé vào.

Uy danh “thầy giáo Hiến” đã khiến cả ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ quy tụ vào những ngày rèn luyện ước mơ đại cuộc tại ngôi làng nhỏ bé này.

Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn sống tại TP Quy Nhơn cho rằng: “Không thể chỉ gọi đó là cuộc khởi nghĩa nông dân mà đó là thời đại của những hiệp sĩ. Ở đó những người nông dân bình thường, với khát vọng tự do, không phải cho mình mà là cho những người dân nghèo khổ xung quanh đã đứng dậy chiến đấu”. Thấp thoáng đâu đó trong những câu chuyện “hiệp sĩ” của nhà vua áo vải Quang Trung mà nhà nghiên cứu này đề cập, võ cổ truyền Bình Định đã là một trong những nhân tố rất cơ bản cho những đổi thay lịch sử bất ngờ ấy.

Lão võ sư Trần Dần không còn khỏe như trước đây, hiện ông chỉ cố gắng tập luyện để giữ gìn sức khỏe. Con trai ông đã thay ông đứng võ đường ở thôn An Vinh - Ảnh: L.P.

...Dòng chảy võ thuật xa xăm

Tháng 8, sông Côn chưa đầy nước, bãi cát giữa lòng sông vẫn óng ánh cạnh một lạch nước nhỏ. Nhưng bây giờ hai làng An Thái, An Vinh tịch lặng. Không còn những chàng trai cô gái giăng thân mình ra bãi tập luyện và say mê những đòn thế nữa. Không khí tập luyện võ cổ truyền trong các làng vẫn còn ít nhiều sôi động, nhưng không còn như xưa.

Lão võ sư Trần Dần cũng đã nghỉ dạy võ từ lâu. Người con trai út theo nghiệp ông cũng học võ và giờ mở lớp dạy ở nhà. Anh kể: “Giờ học trò theo học chữ cả, chỉ tập võ vào mùa hè. Các em đều con nhà nghèo, mình chỉ lấy 20.000-30.000 đồng/em mỗi tháng thôi. Không ai theo nghiệp võ nữa. Ai cũng muốn con theo cái chữ đến cùng để có tương lai tốt hơn”.

Chúng tôi ghé nhà ông Bảy - Nguyễn Văn Tấn, người học trò nổi tiếng của võ sư Diệp Trường Phát - Tàu Sáu, từ Trung Quốc đến Bình Định lập nghiệp và có công dạy cả văn lẫn võ cho bà con địa phương ở làng từ xưa. Trong nhà ông Bảy treo đầy hình ảnh môn phái Bình Thái Đạo do người cháu nội Diệp Lệ Bích của ông Tàu Sáu từ Anh về mở tại An Thái. Dù thích thú theo dõi không khí võ thuật diễn ra tại làng, nhưng chính ông từ lâu không theo con đường võ nghệ nữa. Ông buôn bán ở nhà trước thay cho cái sân tập trước đây.

Ông Bảy chậm rãi kể: “Hồi xưa lúc nào tôi cũng nghĩ học võ ở chỗ sư phụ chỉ để rèn luyện thôi chứ không về làm thầy, học để rèn luyện bản thân”. Võ đường của võ sư Diệp Lệ Bích khi được đánh tiếng mở tại địa phương đã làm khao khát võ thuật trong ông như cháy lên.

Võ đường của bà Bích không thành công và phải ngừng hoạt động ngay giữa trung tâm võ thuật của huyện Tây Sơn, trong ngôi làng của những “trai An Thái - gái An Vinh”. Hiện ông Bảy lúc nào cũng gìn giữ những bức ảnh đầu tiên khi võ đường ấy được thành lập, với những môn sinh mặc đồng phục đen sôi nổi, hứa hẹn một ước mơ làm sống lại không khí võ thuật cổ truyền tại địa phương. Bây giờ, cảm giác của một dòng sông võ học cổ truyền man mác trong những ký ức rất buồn của một mùa võ thuật đã qua...

LAN PHƯƠNG

______________________

An Vinh - An Thái giờ đây không sôi nổi võ thuật như xưa. Nhưng ký ức về lễ hội Đổ Giàn nổi tiếng trong lịch sử võ thuật cổ truyền Bình Định vẫn là một trang sử không thể nào quên...


Kỳ 2: Hội “đổ giàn” trong miền ký ức


TT - Đến tận bây giờ, những người say mê võ thuật ở làng An Thái, An Vinh vẫn còn có thể tả lại nguyên vẹn ngày hội “Đổ giàn” trước đây. Hội “đổ giàn” là nơi hào kiệt trong vùng gặp gỡ, so tài để tôn vinh ngôi làng và võ phái của mình.

Tại võ đường của lão võ sư Phan Thọ, các võ sĩ vẫn kể nhau nghe giai thoại về hội “đổ giàn”. Tuy vậy, vẻ đẹp của ngày hội đó giờ đây chỉ còn là những kỷ niệm - Ảnh: L.P.


Hội xưa bên dòng sông

Cứ bốn năm một lần vào ngày rằm tháng bảy, khi những lễ cúng quan trọng của người làng được cử hành, làng An Thái, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định còn tổ chức thêm phần hội ngay sau đó. Là một trong những trung tâm võ thuật nổi tiếng, An Thái dễ dàng quy tụ những gương mặt lớn như làng võ An Vinh, Thuận Truyền, có khi cả các võ đường từ Quảng Ngãi hay Phú Yên... về tham dự.

Bên dòng sông Côn mùa nước chưa kịp lên, làng dựng hẳn một rạp cao lêu khêu bằng cây gỗ, có khi đến 10m, được dựng trước ngôi chùa Bà, sát tả ngạn con sông. Trên đỉnh cùng của giàn là cờ phướn và heo quay. Ngay sau ngày giờ cúng lễ nghiêm trang, những làng võ lớn ở An Nhơn, Tây Sơn, Tuy Phước... tụ lại giàn, có khi mang theo gần 30 võ sĩ của lò mình.

Từ chân cột lên đến đỉnh cao, các cuộc tỉ thí tranh tài khắc nghiệt ào ào diễn ra. Võ sĩ lao mình lên từng nấc của giàn, chiến đấu chống lại những võ sĩ của lò khác cho đến khi chạm được lá cờ và cướp được con heo cúng trên đỉnh giàn. Giàn gỗ được xô ngã ngay sau đó. Có lẽ vì thế hội tên là “đổ giàn”.

Các võ sĩ tham gia cuộc chơi ngoài tài nghệ cao và khả năng chiến đấu tốt, còn phải biết phối hợp với những đồng môn của mình. Những nhóm chuyên leo giàn để cướp cờ và thịt heo phải giỏi phi thân, nhảy nhót. Có nhóm chuyên song đấu cản đối thủ không cho đuổi theo người lấy cờ. Trong lễ hội “đổ giàn”, người học võ ở các làng đem hết mọi ngón nghề ra thi thố cốt giành phần thắng về mình.

Nhà nghiên cứu Phạm Đình Phong:

Sinh hoạt võ thuật đặc sắc

Hội “đổ giàn” là một trong những hoạt động đặc sắc nhất của sinh hoạt võ thuật bên dòng sông Côn của các làng võ ngày xưa. Những ngày diễn ra hội là những ngày sôi động nhất của mùa rằm tháng bảy.

Hội “đổ giàn” thường bắt đầu sau những ngày hoàn tất nghi thức cúng lễ tổ tiên, trời đất. Hội “đổ giàn” thể hiện giai đoạn võ thuật phát triển cực kỳ sôi động ở nơi này. Sau 60 năm bị gián đoạn, năm 2006 lần đầu tiên hội được tổ chức lại nhưng không còn nguyên vẹn các nghi lễ như xưa. Dù vậy người dân tập trung về chiêm ngưỡng lễ hội vẫn rất sôi động.

Cờ trong tay, heo trong tay, các võ sĩ lại phải tiếp tục chiến đấu để đưa được vật phẩm về làng mình, đánh thắng được những bạn bè võ thuật ở làng khác đang tìm cách đoạt chiến thắng từ tay mình. Làng nào có được cả cờ và thịt heo thì làng ấy năm đó nổi danh, người ta nườm nượp tới xin đăng ký học võ ở lò, tha hồ kiếm tiền.

Mỗi khi lễ hội “đổ giàn” diễn ra, cả khu làng võ An Vinh, An Thái sôi sục lên đêm ngày. Các cuộc so tài võ thuật diễn ra khắp nơi, trên mái nhà tranh, trong sân đình, thậm chí trong vườn nhà của bà con. Có những cuộc tranh tài kéo dài qua cả đêm chưa nghỉ. Làng nào giành được cờ và heo thì vui như tết. Thịt heo được chia ra cho mọi người cùng ăn lấy may. Lá cờ giành được cũng là vinh danh sự tài hoa của ông thầy nào đã đào tạo nên đám học trò giỏi, thắng cuộc ngày hôm ấy.

Hội nay trong ký ức

Lão võ sư Phan Thọ, người ở thôn Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, nhớ lại: “Người ta cúng rồi làm cái giàn cao. Lúc cúng chẩn đưa sẵn con heo lên giàn cao. Khi bánh đổ, giàn đổ là mọi người lao vào giành heo. Có bánh đấy nhưng không ai dám giành vì nguy hiểm quá. Làng nào cũng có mấy chục võ sĩ. Ai đánh cứ đánh. Ai dắt heo đi cứ dắt. Lúc đó, tôi chỉ được giao nhiệm vụ dắt heo vì mình bé quá. Các cuộc đấu ghê lắm”.

Khi đó, ông Phan Thọ còn trẻ và vẫn đang miệt mài theo từng ông thầy cóp nhặt từng bài võ. Cũng thời điểm đó, ông chứng kiến huyền thoại về một nữ võ sĩ nổi danh của Bình Định: bà Tám Cản. Bà là em gái thứ tám trong gia đình hương mục Ngạt (cũng là thầy dạy võ nổi tiếng mà võ sư Phan Thọ từng theo học). Bà luôn nằm trong nhóm các võ sĩ cản người muốn đuổi theo lá cờ và con heo mà làng mình cướp được. Một mình bà có lúc chống lại cả mười anh trai trẻ đang hăm he xông tới.

Ông Thọ nhớ lại: “Bà to con, đứng giữa sông chờ sẵn, ai qua bà đánh cản, có khi đánh cùng lúc cả 10 người”. Có lẽ vì vậy ít người biết tên thật nhưng lại không hề xa lạ với cái danh Tám Cản mà người đời đặt cho bà.

Vào thời điểm ấy, thế hệ võ sĩ như ông Phan Thọ mới là những thanh niên còn rất trẻ và tập tành bước vào nghề võ. Việc “dắt heo” mà các đàn anh dành cho ông cũng thể hiện những vai trò đầu tiên mà người học võ tham gia đảm nhiệm để cùng xây dựng danh tiếng cho võ đường. Ngày đó, làng võ An Thái nổi danh dũng mãnh, giành chiến thắng trong rất nhiều phen tranh tài mùa hội như thế này trên sông Côn.

Lão võ sư Trương Văn Vịnh của võ đường Phi Long Vịnh cho biết: “Hồi đó đánh ghê lắm. Bao nhiêu ngón nghề là mấy lò võ đem ra hết. Thời Pháp người ta chơi để biểu dương lực lượng võ thuật. Các phái tranh tài với nhau. Người ta làm một cây cột cao, cúng heo với bò sống trên cao rồi đánh để giành con heo, con bò ấy. Anh ôm con bò lách sao, đánh sao để đem được về đến nhà mình.

Giàn cao chừng 12-15m. Thầy đến cúng rồi đặt cờ và thịt trên cao nhất. Bên tả, bên hữu đánh mà mình vẫn phải về được làng mình. Có đến hai, ba chục anh em chờ sẵn để yểm trợ mình về làng. Ở dưới An Thái, An Vinh gọi lễ là đổ giàn. Ở khu võ nhà chùa này người ta chơi trò giật phướn cũng để so tài cao thấp như bên đó. Trên sông Côn, người đánh võ phải chạy sang bên kia thì may ra thoát, chứ còn đứng giữa sông thì phe kia truy đuổi tới cùng”.

Năm 2006, tại tỉnh Bình Định hội “đổ giàn” được phục dựng với mong muốn tạo lại không gian võ thuật trong những ngày sôi nổi nhất của lịch sử xa xưa.

Lão võ sư Phan Thọ trầm ngâm: “Có lẽ cũng không nên chơi như vậy nữa. Các cuộc tranh tài quá nguy hiểm. Mà nếu làm như năm 2006, cấm các đòn nguy hiểm thì quả thật cuộc so tài không thú vị”.

Trong lễ hội này ba làng võ tham dự là An Thái, An Vinh, Thuận Truyền đều được... phân công sẵn giành con heo nào trên giàn cao. Hơn thế, giàn không dựng cao như trong câu chuyện ngày trước mà người lớn tuổi vẫn kể. Hấp dẫn nhất và cũng là nghiệt ngã nhất của võ cổ truyền Bình Định, qua hội “đổ giàn”, chính là ở vẻ đẹp quá nhiều sát thương mà các thế võ gây ra...

LAN PHƯƠNG

________________________

Võ cổ truyền Bình Định gắn với những giai thoại về các võ sư nổi danh đánh bại nhiều cao thủ võ thuật nổi tiếng trong và ngoài nước. Khởi đầu của nhiều tượng đài võ thuật ấy là con đường học võ đầy cơ duyên và cả không ít nhọc nhằn.


Kỳ 3: Tầm sư học đạo


TT - Võ cổ truyền Bình Định gắn liền với các giai thoại về những võ sư nổi danh đánh bại nhiều cây đại thụ võ thuật nổi tiếng trong và ngoài nước. Nhưng ít ai biết khởi đầu của nhiều tượng đài võ thuật ấy là con đường tìm võ đầy cơ duyên và cả không ít nhọc nhằn.



Lão võ sư Phan Thọ truyền lại học trò mình những tuyệt chiêu mà thời trai trẻ ông phải dày công tầm sư học đạo - Ảnh: L.P.


Bán bò... theo thầy võ

Lão võ sư Phan Thọ nổi tiếng một thời cùng “hùm xám miền Trung” Hà Trọng Sơn đem vinh quang về cho võ cổ truyền Bình Định trong những lần thượng đài. Ông cũng là người rất am hiểu 18 bài binh khí và nhiều tuyệt chiêu của môn phái Tây Sơn. Có thời ông Phan Thọ nổi danh với những “võ thế”, “võ vườn” như võ đòn sóc, võ bồ cào... ít được người học bài bản sử dụng.

Ít người biết ông Phan Thọ đã đi hết cuộc đời tầm sư học đạo của mình bằng cả cơ duyên và tình yêu của người vợ hiền quê mùa của ông. Người thầy đầu tiên của ông là Cai Bảy, một võ sư nổi tiếng, con trai của thầy hương mục Ngạt vang danh thời trước. Ông học thầy Cai Bảy cho đến tinh thông các bài bản thầy tận tâm truyền dạy.

Năm 24 tuổi đi đánh đài bị thua một lần, ông nói với vợ: “Bà còn đôi bò nào xấu xấu cho tôi bán lấy tiền đi học võ”. Ông nói xin thế là quá đáng rồi vậy mà vợ ông bảo: “Học võ thì ông cứ lấy, bao nhiêu cũng được”.

Cũng vì cái tình đó của vợ mà ông Phan Thọ tiếp tục con đường tầm sư học đạo và đến được với những cây đại thụ lớn nhất của làng võ cổ truyền Bình Định thời bấy giờ. Ông học với thầy Diệp Trường Phát (võ sư Tàu Sáu) một năm rưỡi cho đến khi thầy mất. Ông tiếp tục theo học bài bản với võ sư hương kiểm Mỹ sáu năm sau đó.

Đó có lẽ cũng là lý do căn bản khiến võ sư Phan Thọ hiện thời am hiểu hầu hết các bài binh khí, các thảo thức ít gặp và cả các bài “võ vườn” rất ít người sử dụng.

Có lần ông đi đánh đài bị thua. Ông bảo cả người sưng bầm đau nhức nhưng không dám về nhà mà đến nhà thầy Cai Bảy. “Bà vợ thầy cũng thương tui như con, lấy thuốc xức cho mà chảy nước mắt. Tôi về nhà sợ vợ thấy lại đau lòng mà khóc”.

Lòng say mê võ học đó của ông sớm được đền đáp bởi cả tình yêu của vợ và những ưu ái mà thầy dạy dành cho ông. Võ sư Cai Bảy trước khi mất chỉ dặn dò ông mấy câu: “Thầy coi trò cũng như con. Con cầm quyển sách, đau chỗ nào uống đúng chỗ ấy, thầy có ghi hết các bài dùng vào chỗ nào”.

Ít người biết chính những bài võ y từ thời bôn ba đánh đài phải chịu từng cơn đau và cả bài học thầy Cai Bảy cho, ông võ sư Phan Thọ già nua giờ là ông thầy lang vườn cố gắng chữa đủ thứ bệnh đơn giản cho bà con xung quanh mà ít khi lấy xu tiền nào.

Năm nay 84 tuổi, lão võ sư vẫn mải mê dạy võ. Chỉ khác là bây giờ ông dành nhiều thời gian hơn để phụ vợ bưng mâm cơm hoặc xây cái nhà tắm phía sau cho gọn gàng...

Chén cơm chan thế võ

Một võ sư tuổi đời còn rất trẻ, một thời từng nổi danh ở ngôi chùa Long Phước, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, cũng đến với võ thuật bằng một cơ duyên thầy - trò đầy ngạc nhiên. Cậu bé Nguyễn Đông Hải được mẹ cho đi học võ từ khá sớm với một ông thầy tên Năm Chấn.

Mẹ bảo học võ để phòng thân. Nhưng lúc đó Hải bé quá, đi học chỉ nhảy chồm chồm, đánh mấy thế thầy dạy cho theo ý thích.

Có một vị sư tên Thích Tịnh Quang ở chùa Lộc Sơn chiều nào cũng ra nhìn Hải tập. Đông Hải còn nhớ cậu gặp thầy như thế đến mấy tháng sau ông mới hỏi: “Con thích học võ không thì thầy truyền!”. Đông Hải lúc đó đã xuất gia nên về chùa Lộc Sơn ở hẳn với thầy.

Võ sư Đông Hải kể: “Nhiều buổi tối cầm cây côn ra ngoài, trời mưa vẫn đứng tập, có hôm từ 11g đêm đến 3g sáng. Phải tập để hôm sau thầy hỏi có thuộc mới dạy cái mới. Có khi đang ngồi ăn cơm vẫn nghĩ trước trong tuần mình tập cái gì. Trước khi đi ngủ cũng ngồi nghĩ mình tập cái gì, thầy dạy có cần lướt chân hay không, lúc nghĩ xong đứng dậy ra xách gậy làm thử liền. Thầy nói được mới đi ngủ. Ngay cả trong lúc ngủ cũng suy nghĩ động tác có được hay không”.

Cứ thế, Đông Hải tập võ bất kể thời gian nào, công việc nào. Cậu ở bên thầy đến năm 19 tuổi, cố gắng lĩnh hội tất cả bài học quan trọng mà thầy Tịnh Quang truyền cho mình. Hai năm sau thầy Tịnh Quang qua đời.

Vì muốn học thêm võ ở thầy Thích Hạnh Hòa ở chùa Long Phước, Đông Hải chuyển về đây sống. Cũng trong thời gian này, phong trào võ thuật Bình Định được chấn hưng và giới thiệu trên thế giới bởi những người tâm huyết thời đó như võ sư Kim Dũng, nhà báo Đỗ Hóa..., Đông Hải lần đầu tiên xuất hiện trong một phóng sự về võ Tây Sơn - Bình Định trên đài truyền hình.

Năm 1987, lần đầu tiên võ sư Đông Hải bắt đầu đứng lớp dạy võ tại chùa Long Phước với những võ sinh đầu tiên là người xem tivi thấy ông biểu diễn quyền thế trên đó. Phong trào võ thuật ở chùa Long Phước phát triển sôi động đến gần chục năm sau. Sân chùa như thiên đường của võ cổ truyền, có thời điểm chùa đón đến hơn 500 võ sinh về học.

Thầy Thích Hạnh Hòa, võ sư Đông Hải và vài học trò gần nhất sau ông trở thành những người gối đầu cho một thế hệ võ sinh trẻ yêu truyền thống. Ông Hải bảo muốn tầm sư học đạo và theo con đường võ học lâu dài, thì phải là những người biết dành cả trái tim để đón nhận những giá trị võ học cổ xưa và quý giá nhất mà thầy dạy đã dành cho mình...

“Công phu”

Ông Trương Văn Vịnh (võ đường Phi Long Vịnh), gia đình có truyền thống bốn đời làm võ sư, kể về cái “lắm công phu” của cơ duyên thầy trò trong võ thuật ngày xưa: “Khi đứa con muốn nhập môn võ đường nào phải xin cha má cho con mua ba con gà, mục đích là để trừ hao sẽ chết còn một con. Khi vô ngủ nhấp nước miếng cho con gà ngủ. Sáng lại nhấp nước miếng cho nó thức. Khi con gà lớn cất tiếng gáy, thành hình rồi, cũng như tượng trưng mình đã lớn, đã thành hình. Khi đó thằng con mới rót chén rượu cho cha má là con đã thành hình, xin cho con đi học võ. Sau đó, thằng bé mới đến nhà lễ thầy. Khi cúng xong, tên tuổi của võ sinh đều được ghi hết rồi, cha mẹ giao đứa con cho thầy, mong được tiếp thu nhanh, học giỏi. Cha mẹ đứa trẻ bái lạy thầy, đốt tàn cây nhang rồi là đứa con thành võ sinh”.

Nhưng ông thầy dạy võ không phải thế là đã nhận trò ngay. Ba tháng đầu học trò chỉ học ngũ hành và đứng bộ ngựa cho vững. Cũng thời gian đó ông thầy quan sát học trò từ dáng ngủ, tướng đi, câu chuyện... để biết trò là người thế nào.

Ông Vịnh nói: “Người thầy võ hồi đó xem kỹ cả cha mẹ của trò. Sách luật của tổ pháp ghi rất rõ ràng phải xem người ta muốn học võ làm gì, vì cái gì mà học, là thành phần lương thiện hay trộm cướp, làm gian”.

LAN PHƯƠNG

____________________

Tại huyện Tây Sơn, trung tâm phát tiết và đỉnh cao của võ học Bình Định, có một gia đình nông dân đã năm đời gìn giữ võ thuật cổ truyền bằng tình yêu rất giản dị và thiêng liêng như máu thịt của cuộc sống gia đình mình...


Kỳ cuối: Gia đình võ học


TT - Mỗi buổi sáng tại Bảo tàng Quang Trung ở trung tâm huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, khách du lịch có thể dễ dàng nhận ra võ sư Hồ Sĩ trẻ măng trong bộ đồ biểu diễn màu đỏ chói, chuẩn bị những tiết mục võ thuật khi khách đến tham quan bảo tàng.


Sân bảo tàng ngoài giờ cũng là sàn tập của võ sư Hồ Sĩ (bìa trái) và học trò - Ảnh: L.Phương

Hồ Sĩ được coi là một trong những võ sư trẻ rất thành công ở Bình Định bây giờ vì anh... có thể sống bằng nghề võ.

Sống với võ

Võ sư Hồ Sĩ bắt đầu công việc tại bảo tàng từ năm 1999, khi bảo tàng có một chương trình biểu diễn tinh hoa võ thuật Tây Sơn - Bình Định cho khách phương xa xem.

Trong chương trình võ thuật, anh vừa làm một võ sĩ biểu diễn bài quyền với roi, vừa là người biểu diễn kèn, vừa biểu diễn cả song đấu với hai võ sĩ khác. Đó là công việc hằng ngày của anh.

Buổi chiều, vừa xong việc công, Hồ Sĩ thay bộ đồ biểu diễn sặc sỡ bằng chiếc áo thun thể thao, chiếc quần võ màu đen và đôi giày vải. Anh bắt đầu buổi dạy võ ngay trong sân bảo tàng cho những học trò mới tập tành những thế đầu tiên của võ cổ truyền Bình Định.

Hồ Sĩ kể: “Bọn trẻ bây giờ tập khác ngày xưa lắm. Hồi xưa cha tui cứ dạy cả 10 động tác mới, rồi ngày nào tụi tui cũng tập lại. Bây giờ mình dạy vậy tụi nhỏ chán, bỏ hết. Mình phải chia ra, mỗi ngày dạy một động tác mới. Ngày nào cũng có cái mới để tập thì tụi nó mới thích”.

Đó là một trong những bước chuyển mình trong phương pháp giảng dạy mà gia đình anh đã thay đổi, khi những yêu cầu khác biệt của cuộc sống mới len vào môn võ cổ truyền lâu đời của đất Bình Định.

Vào mỗi tối thứ ba, sau khi xong hết việc ở bảo tàng, Hồ Sĩ đi xe gắn máy 12km về nhà mình ở thôn Hòa Mỹ, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn, bắt đầu một buổi tập võ với gia đình. Gia đình anh đã năm đời sống cùng võ cổ truyền.

Chuyện năm đời ở một võ đường

Buổi tối thứ ba là khoảng thời gian hiếm hoi võ sư Hồ Sĩ có thể cùng các anh trai, cha và đứa cháu trai của mình hòa vào không khí của những buổi tập võ tại gia đình, vốn được duy trì từ những ngày các con của lão võ sư Hồ Sừng còn rất bé.

Gia đình võ sư Hồ Sừng là thế hệ tiếp theo của võ sư Hồ Ngạnh đã biến roi trở thành “thương hiệu” của làng võ Thuận Truyền ngày xưa. Những anh tài võ thuật thời trước đều ngạc nhiên trước sức mạnh của món roi nhà họ Hồ và sự đặc sắc trong các sáng tạo của võ sư Hồ Ngạnh với loại binh khí này.

Không giống với các võ sư và võ đường khác, ở trung tâm của sự sôi nổi võ thuật dưới những thôn làng nổi tiếng như An Thái, An Vinh, gia đình lão võ sư Hồ Sừng sống lặng lẽ và khá biệt lập với những cuộc giao lưu võ thuật ngoài kia.

Ông Hồ Sừng sống với người vợ trong một ngôi nhà có ba cái sân tập võ bao quanh. Ông điểm: “Buổi tối về chỉ võ có thằng con thứ năm, thứ tám, thứ chín, thứ 10, thằng Dư và một thằng cháu nội nữa”. Sân tập nhà ông đầy đủ các loại bao cát, roi, ngựa, xà đơn... và rộng thênh thang. Cả gia đình họ Hồ đã nuôi dưỡng nghề võ cổ truyền không biết từ bao lâu nơi những cái sân như thế.

Ngày trước cũng ba cái sân ấy nhưng chưa có điện đóm gì, võ đường nhà họ Hồ đêm nào cũng thắp đèn tạ đăng, đốt bằng dầu phộng để có ánh sáng mà tập. Người tập võ chỉ đi tập mùa hè, mùa mưa chẳng có chỗ nào che chắn mà tập. Mỗi buổi tối như thế bốn chiếc đèn được thắp lên và thanh niên trong làng tập miệt mài đến khuya. Hôm nào sáng trăng là món quà quý cho võ đường, mọi người có thể nhìn rõ mặt nhau trong lúc tập luyện.

Giờ đây, giữ cái nếp cũ của một võ đường chuyên nghiệp, thời gian tập luyện ở nhà ông Hồ Sừng vẫn từ 7g-10g tối. Ông lão cười xòa: “Hồi đó tập vui thế. Bây giờ lỡ cúp điện thì có sáng trăng mấy tụi nhỏ cũng không tập được. Tối thui”.

Ông Hồ Sừng nhìn đám thanh niên bây giờ đi học võ mà nhớ cái thời của mình. Thanh niên hồi đó ban ngày phải lên núi chặt cây, phải trốn lính, gọi là “đi lính ma” mà sao tối nào cũng chăm chỉ đến tập. Làng sau chiến tranh như bãi sa mạc, bị đốt cháy sạch, thế mà cứ vừa dựng nhà vừa chăm chỉ đến tối đi tập võ. Bản thân ông Hồ Sừng cũng có thời chạy khắp nơi vì trốn lính, đi tới đâu cũng mở võ đường kiếm thêm chút ít mưu sinh.

Từ Quy Nhơn đến Gia Lai, Kon Tum, từ những cuộc chạy trốn đó mà ông có thêm biết bao nhiêu học trò.

Khi mùa hè đến, cái võ đường khuất trên con đường cát hẹp vào nhà ông là nơi tụ tập của cả trăm võ sinh đến tập luyện. Ông lão Hồ Sừng tinh anh so sánh: “Bữa nay học võ dễ hơn ngày xưa nhiều. Hồi mới hòa bình về phải 15 tuổi mới đi học võ được. Tập cực lắm. Ngựa xe (tấn) hồi đó là ngựa chôn. Tập đòi hỏi nội công nhiều. Phách, lạc, trụ, ngựa gì cũng phải tập thật vững rồi thầy mới chỉ thảo (bài quyền). Giờ mà đưa vô dạy vậy tụi nó bứt hết chứ còn gì nữa mà dạy”.

Võ đường Hồ Sừng của gia đình ông cũng là trường năng khiếu võ thuật của tỉnh. Chu kỳ ba tháng một lần tỉnh cho người xuống kiểm tra, những em có năng khiếu sẽ nhanh chóng được rút về tập ở sở sau khi xin phép gia đình các em.

****

Lão võ sư Hồ Sừng tự hào nói về đứa cháu nhỏ của mình tên Hồ Đức Hạnh. Cậu bé mới 13 tuổi nhưng đã theo cha và các chú tập võ từ khi còn rất bé. Khi cha mất, cậu bé càng bám lấy chú Hồ Sĩ. Nhiều năm liên tiếp Hạnh đoạt nhiều giải cao trong các kỳ thi võ thuật của tỉnh. Mùa hè Hạnh lên bảo tàng theo chú biểu diễn võ thuật cho khách nước ngoài xem.

Trong gia đình võ sư Hồ Sừng còn có hai đứa cháu là Hồ Thảo và Hồ Thứ cũng sớm bộc lộ khả năng và niềm say mê với môn võ cổ truyền của dòng họ.

Những gì mà các con các cháu đang làm, lão võ sư Hồ Ngạnh vang tiếng một thời với “roi Thuận Truyền” hoàn toàn có thể mỉm cười kiêu hãnh như trong bức ảnh nhỏ mà cháu nội Hồ Sừng của ông vẫn giữ gìn bên mình.

Võ sư Hồ Ngạnh tên thật là Hồ Nhu (1891-1976). Ông là người gốc thôn Háo Ngãi, huyện Bình Khê, sinh sống ở Thuận Truyền. Từ nhỏ ông đã học võ theo cha mẹ truyền dạy vì cha là một quan võ của triều Nguyễn.

Theo nhà nghiên cứu Phạm Đình Phong, dòng họ Hồ nổi bật là Hồ Triêm và Lê Thị Quỳnh Hà, là song thân của võ sư huyền thoại Hồ Nhu, đã kỳ công nghiên cứu, chuyển hóa võ roi dân tộc thành roi tề mi (cây roi cao đến chân mày võ sĩ) hay còn gọi là roi trận, roi chiến. Đặc điểm: lấy “nghịch” chế thuận (chuyên dùng tuyệt kỹ roi đánh ngược để tạo khoảng trống, dùng thế đâm “so đũa” và thế “lạc côn” để nhanh chóng hạ thủ.

Sau này ông còn sáng tạo thêm một loại roi nữa là roi “cộng lực”, khi xuất chiêu thường áp sát roi của mình vào binh khí đối phương để mượn lực truyền dẫn của địch thủ, tăng lực và vận tốc hạ thủ đối phương nhanh nhất.

Khoảng năm 1932, tiếng tăm võ sư Hồ Ngạnh đã vang dội khắp bốn tỉnh Nam, Ngãi, Bình, Phú. Nghe danh, học trò đến thọ giáo rất đông. Con trai chết sớm, ông truyền nghề cho cháu nội là võ sư Hồ Sừng hiện nay.



LAN PHƯƠNG





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét