Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

Các dòng tăng chủ lực mạnh nhất thế giới

Các dòng tăng chủ lực mạnh nhất thế giới (kỳ 1)Trong “cuộc chiến tranh 5 ngày” lực lượng tăng – thiết giáp Nga đóng vai trò quan trọng trong việc đánh bật quân đội của Tổng thống Saakashvili ở Nam Ossetia, sau đúng 1 ngày giao tranh.

Đây là hình ảnh dũng mãnh và mới mẻ nhất về “hậu duệ” của lực lượng tăng – thiết giáp hùng mạnh nhất trong chiến tranh thế giới 2 với đỉnh cao là xe tăng T-34.

Ngày nay, vị thế của xe tăng trên chiến trường không còn như trước, nhưng đây vẫn là lực lượng tiến công quan trọng. Vì vậy, trong loạt bài này, Đất Việt mong muốn cung cấp tới độc giả những nét cơ bản và cập nhật về cỗ máy chiến tranh từng được mệnh danh là “vua chiến trường” ở các cường quốc chế tạo xe tăng.

Kỳ 1: Xe tăng Nga – thương hiệu bị thách thức

Ác mộng của phương Tây

Có lẽ, do ánh hào quang của huyền thoại T-34, sau chiến tranh thế giới thứ 2, Liên Xô và ngày nay là Nga vẫn “cưng chiều” và ưu tiên phát triển lực lượng tăng thiết giáp. Có thể nói, trong số các cường quốc quân sự thế giới, Liên Xô có nhiều mẫu thiết kế tăng – thiết giáp nhất. Từ thành công của dòng tăng hạng trung T-34, đầu những năm 1950, xe tăng chiến đẩu chủ lực T-54/55 ra đời, đây là loại xe tăng được sản xuất nhiều nhất trên thế giới (gần 100.000 chiếc).

Năm 1961, Liên Xô cải tiến T-54/55 chế tạo và đưa T-62 vào phục vụ. Điểm nhấn đáng lưu ý trong sự phát triển xe tăng Liên Xô tập trung vào mẫu thiết kế T-64 ra đời khoảng năm 1962-1963, với pháo nòng trơn 125mm, hệ thống nạp đạn tự động (rút kíp lái xuống còn 3 người), vỏ giáp dùng vật liệu tổng hợp... Những đặc điểm này đã trở thành tiêu chuẩn cho xe tăng Liên Xô về sau.

So với những chiếc tăng cùng thời của Phương Tây, T-64 vượt trội về mọi mặt. Nhưng T-64 đã đi ngược lại trường phái thiết kế tăng của Liên Xô, nó là một chiếc xe có giá trị cao, khó sản xuất. Vì vậy, các nhà lãnh đạo Liên Xô nhanh chóng yêu cầu cục thiết kế tăng phát triển thiết kế mới vừa đảm bảo yếu tố rẻ tiền, dễ sản xuất, dễ bảo trì nhưng sức mạnh cũng phải tương đương hoặc hơn T-64.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-72.


Do đó, vào năm 1977, Liên Xô chính thức giới thiệu mẫu tăng mới mang tên T-72. Sự xuất hiện của T-72 biến các đối thủ M60 Patton (Mỹ), Leopard 1 (Đức) thành “đồ bỏ đi”. T-72 thừa hưởng đặc tính ưu việt nhất (giáp, vũ khí, hệ thống điện tử) của T-64 nhưng đạt tiêu chí rẻ, bền, tốt.

T-72 cũng được sản xuất với rất nhiều biến thể khác nhau, được liên tục được cải tiến qua từng giai đoạn và được xuất khẩu rộng rãi tới nhiều quốc gia trên thế giới, và có mặt trong nhiều cuộc xung đột ở Trung Đông, Bắc Phi, vùng lãnh thổ thuộc Liên Xô (cũ).

Cùng thời gian T-72 đi vào phục vụ, T-80 (một biến thể cao cấp của T-64) cũng được đưa vào biên chế. Đây là mẫu tăng đầu tiên của Liên Xô lắp động cơ tuốc bin khí cực khỏe, nhờ đó T-80 được mệnh danh là “xe tăng bay” với tốc độ tối đa lên tới 70km/h. Kế tục T-64, T-80 có hệ thống giáp phòng vệ kiên cố, ngoài lớp giáp chính còn bổ sung thêm giáp phản ứng nổ ERA cùng hệ thống đối phó trả đũa Shtora hoặc hệ thống phòng vệ chủ động Arena (tùy từng biến thể). Sức mạnh hỏa lực trang bị một pháo 125mm tích hợp phóng tên lửa chống tăng qua nòng.

Trong một thời gian dài, T-72 và T-80 là xe tăng chủ lực, niềm tự hào của bộ đội tăng – thiết giáp Xô Viết và là cơn ác mộng đối với xe tăng Phương Tây. Nhưng tới đầu những năm 1990, T-72 và T-80 trong quân đội Nga bắt đầu có những dấu hiệu lạc hậu. Đáng tiếc, người Nga nhận ra điều này từ thực tế phũ phàng trên chiến trường.

Mất mát của xe tăng Nga trên chiến trường

Xe tăng Nga (Liên Xô) dễ chế tạo, sử dụng, sửa chữa và bảo quản, rẻ tiền nhưng bền bỉ, hỏa lực luôn luôn vượt trội so với xe tăng Phương Tây nhưng tính độc lập tác chiến cao, ít dựa vào không quân. Chính điều này lại là điểm yếu chết người.

Gần đây nhất, trong cuộc chiến ở Libya, xe tăng T-72 quân đội trung thành với Tổng thông Gaddafi bị không quân NATO phá hủy không mấy khó khăn sau khi lực lượng này làm chủ bầu trời. Trước đó, “tại sân nhà”, trong cuộc chiến ở Chechnya (1994-1995), T-72 của Nga chịu thiệt hại không ít trước chiến thuật du kích phiến quân. Thảm hại nhất, trong chiến tranh vùng Vịnh 1991 và 2003, Quân đội Iraq mất gần 1.000 chiếc T-72.

Nguyên nhân dẫn tới sự thất bại trên đến từ nhiều lẽ. Trình độ binh sĩ cũng được đánh giá là một nguyên nhân quan trọng. Thế nhưng yếu tố quyết định hơn cả là chiến thuật sử dụng xe tăng.

T-72 của Quân đội Iraq bị phá hủy trong chiến tranh vùng vịnh 1991.


Trong chiến tranh vùng Vịnh và Libya, đối thủ của xe tăng Nga không phải là xe tăng mà là Không quân Mỹ và NATO, chiếm ưu thế áp đảo trên không và T-72 yếu thế hơn hẳn khi đối đầu với máy bay đối phương. Còn trong cuộc chiến Chechnya, xe tăng Nga gặp nhiều khó khăn khi đối mặt với tác chiến phi đối xứng, với đối thủ là các toán du kích Chechnya trang bị súng chống tăng RPG.

Người Nga nhanh chóng nhận ra điểm yếu và bổ sung xe pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 đi kèm hỗ trợ hỏa lực nhưng chỉ hạn chế phần nào. Sau này, Nga phát triển xe hỗ trợ hỏa lực BMPT để đối phó với tác chiến trong đô thị.

Ngoài ra, cũng không thể phủ nhận vũ khí của T-72 trở nên lạc hậu trước M1A1 Abram hay Challenger. Trong chiến tranh vùng Vịnh, đạn 120mm APFSDS của M1A1 tiêu diệt T-72 Iraq ở cự ly 3.000m trong khi đạn pháo 125mm của T-72 Iraq tiêu diệt địch hiệu quả trong cự ly 1.800m. Do đó, lãnh đạo Nga đặt ra yêu cầu phải nhanh chóng có một thiết kế tăng mới cho quân đội.

Những khó khăn kinh tế thời “hậu Xô Viết” không cho phép Nga phát triển tăng mới hoàn toàn. Giải pháp được đưa ra là sử dụng nền tảng có sẵn tiến hành nâng cấp, phương án này vừa tiết kiệm chi phí vừa giảm thời gian.

T-90 - Niềm hy vọng mới

Năm 1995, xe tăng chiến đấu chủ lực mới T-90 – biến thể cao cấp của T-72 chính thức đi vào phục vụ. Tuy không phải là thiết kế hoàn toàn mới, nhưng T-90 ẩn chứa những công nghệ đỉnh cao biến nó trở thành một trong những xe tăng hiện đại nhất thế giới.

T-90 sở hữu một trong những hệ thống phòng vệ tốt nhất trên thế giới. Nó gồm ba lớp: giáp tổng hợp, giáp phản ứng nổ thế hệ ba Kontakt-5 và thiết bị đối phó trả đũa Shtora. Xét về sức mạnh hỏa lực, đây là điểm không bao giờ xe tăng Nga chịu lép vế trước Mỹ và Phương Tây. Pháo 125mm 2A46 của T-90 bắn được hầu hết các loại đạn và nó tích hợp khả năng phóng tên lửa chống tăng dẫn đường laze qua nòng.

Vũ khí chính của T-90 là pháo nòng trơn 2A46M 125mm, cùng súng máy đồng trục, được ổn định bởi hệ thống 2E42-4 “Jasmine”. Pháo được trang bị bộ nạp tự động, có khả năng bắn các tên lửa có điều khiển, dẫn hướng bằng laser. Tầm bắn tối đa bằng đạn xuyên là 4.000m, tên lửa có điều khiển là 5.000m. Việc dẫn hướng tên lửa được thực hiện bằng laser ở chế độ bằng tay hoặc bán tự động.

Để tiến hành ngắm bắn trong điều kiện quan sát kém và ban đêm, xe tăng sử dụng thiết bị ngắm bắn Essa, trong đó tích hợp khí tài ảnh nhiệt Catherine-FC (Pháp). Với sự hỗ trợ của camera, trưởng xe và pháo thủ có thể quan sát thường xuyên địa hình từ các màn hình riêng và tiến hành điều khiển chính xác vũ khí với sự hỗ trợ của hệ thống ngắm bắn chính xác.

Các dòng tăng chủ lực mạnh nhất thế giới (kỳ 2)

Quá trình phát triển của xe tăng Mỹ luôn dựa trên quan điểm ứng dụng công nghệ hiện đại nhất vào thiết kế, tạo ra tiện nghi tối đa cho kíp lái trong vận hành và chiến đấu.

Ngày nay, vị thế của xe tăng trên chiến trường không còn như trước, nhưng đây vẫn là lực lượng tiến công quan trọng. Trong loạt bài này, Đất Việt sẽ giới thiệu những cỗ máy từng được mệnh danh là “vua chiến trường”.

Kỳ 2: Xe tăng Mỹ tìm lại danh dự

Ngôi sao xuất hiện từ những thất bại

Từ trước tới nay, Mỹ luôn ưu tiên phát triển không quân và hải quân, do đó, lực lượng tăng – thiết giáp của nước này không được thực sự coi trọng, đặc biệt từ sau tranh thế giới thứ 2, thời điểm các vũ khí chống tăng phát triển mạnh mẽ. Điều này cũng lý giải cho thất bại của xe tăng Mỹ trước các đối thủ Nga suốt một thời gian dài. Trong cuộc chiến tranh Ấn Độ - Pakistan 1965, Pakistan mất hơn 100 chiếc M-48. Cuộc chiến tranh 6 ngày giữa Israel với khối Arab (năm 1967), M-48 của Jordan đã bị hạ gục đau đớn bởi những chiếc tăng cổ lỗ M-4 Sherman được nâng cấp pháo 105mm.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà lực lượng xe tăng Mỹ không có “ngôi sao”. Đầu những năm 1960, gặp phải “ác mộng” T-62 của Liên Xô, Mỹ bắt tay với Đức phát triển dự án MBT-70.

Kiểu dáng MBT-70 khá thấp (chiều cao khoảng 1,9m) đi ngược lại thiết kế truyền thống của tăng Mỹ. Điểm mới đáng ngạc nhiên ở MBT-70 là nó được trang bị pháo cỡ 152mm tích hợp khả năng phóng tên lửa chống tăng qua nòng, thiết bị nạp đạn tự động… những kỹ thuật chưa bao giờ xuất hiện trên xe tăng Mỹ.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển nhiều vấn đề kỹ thuật phức tạp nảy sinh, chi phí dự án tốn nhiều hơn so với dự tính. Cuối cùng, Mỹ và Đức đã “đường ai nấy đi”. Đức tập trung phát triển dự án mới và cho ra đời xe tăng Leopard 2, còn Mỹ điều phối lại chi phí và phát triển dự án XM815. Sau này được đổi tên thành XM1 – mẫu chế thử của xe tăng chiến đấu chủ lực mang tính cách mạng M1 Abrams.

Tiện nghi và an toàn hơn xe tăng Nga

Nếu như xe tăng Nga thiết kế theo tiêu chí rẻ, bền, tốt, kíp lái được huấn luyện để sửa chữa tăng trong điều kiện cần thì xe tăng Mỹ thiết kế tích hợp thiết bị điện tử công nghệ cao, giá cả đắt đỏ, đi kèm luôn có đội hình hậu cần đông đảo. Đặc biệt, trường phái thiết kế xe tăng của Mỹ luôn đề cao khả năng sống sót của tổ lái lên hàng đầu.

M1 Abrams chính thức đi vào phục vụ trong Lục quân Mỹ từ đầu năm 1980, Xe được ứng công nghệ giáp, điện tử tiên tiến trên thế giới. Toàn thân xe và tháp pháo của M1 được bọc loại giáp phức hợp. Biến thể M1A1 sau này còn được trang bị thêm lớp giáp Uranium nghèo để tăng khả năng phòng vệ trước các vũ khí chống tăng.

Bên trong xe tăng M1 Abrams.


Bên trong xe Abrams, khoang chứa đạn đặt sau tháp pháo cách biệt với khoang chiến đấu bằng lớp cửa thép. Khoang chứa đạn có hai tấm ván trên nóc, trong trường hợp đạn phát nổ thì sức nổ sẽ thổi bay các tấm ván trên nóc giải phóng toàn bộ năng lượng ra ngoài xe mà không gây ảnh hưởng cho tổ lái. Đây cũng là một trong những điểm mà các chuyên gia Phương Tây luôn đưa ra để chê xe tăng Nga (các mẫu T-54/55, T-62, T-72, T-80, T-90 thì khoang chứa đạn nằm chung với khoang chiến đấu). Mỹ cũng đưa vào M1 thiết bị phòng vệ AN/VLQ-8A “soft kill” có khả năng gây nhiễu các loại tên lửa chống tăng.

Tất cả các vị trí trên xe đều lắp các thiết bị chuyên dụng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mỗi người: trưởng xe có 6 kính quan sát bao quát 360 độ quanh xe, thiết bị quan sát hồng ngoại độc lập hoạt động cả ngày/đêm, tự động quét khu vực, tự chuyển thông tin về mục tiêu cho pháo thủ; pháo thủ có kính ngắm chính, khí tài ảnh nhiệt; lái xe quan sát qua màn hình hiển thị tình trạng nhiên liệu, điện năng, thiết bị điện tử và kính quan sát hỗ trợ thiết bị hồng ngoại.

Ngoài ra, cũng như các dòng xe tăng hiện đại, M1 Abrams lắp thiết bị đo xa laser và máy tính điều khiển hỏa lực. Loại máy tính đạn đạo trên M1 sẽ tự động tính toán phần tử bắn dựa trên những thông tin thu được từ các sensor.

Có thể nói, M1 Abram được tích hợp nhiều công nghệ điện tử tiên tiến trợ giúp tối đa cho tổ lái trong cuộc chiến tranh hiện đại cần có độ chính xác cao và tốc độ nhanh.

Từ chối mang tên lửa

Sở hữu nhiều tính năng tiên tiến nhưng M1 Abrams cũng từ chối không ít công nghệ hiện đại. Xét về sức mạnh hỏa lực, trong khi Nga luôn tìm cách phát triển vũ khí cho xe tăng thì Mỹ lại có xu hướng rút gọn. Hỏa lực của M1 Abrams là một pháo nòng trơn 120mm M256 có khả năng bắn được hầu hết các loại đạn nhưng các nhà thiết kế kiên quyết từ chối việc phóng tên lửa qua nòng pháo.

Pháo 120mm thể hiện sức mạnh.


M1 cũng không sử dụng máy nạp đạn tự động, do đó tốc độ nạp đạn sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật và sức khỏe của người nạp đạn, cũng như điều kiện địa hình.

M1 Abrams sử dụng loại động cơ tuốc bin khí đa nhiên liệu cho phép một xe tăng có trọng lượng lên tới gần 70 tấn di chuyển tốc độ 67km/h. Loại động cơ này có một nhược điểm lớn là tiêu tốn quá nhiều nhiên liệu.

“Dòng tăng cuối cùng” của Mỹ?

Người ta thường thấy hình ảnh các loại xe tăng T-80, T-90 của Nga bay lên khỏi mặt đất khi vượt chướng ngại vật. Nhưng đối với M1 Abrams không có chuyện đó, bánh xích vẫn bám sát mặt đường. Tuy nhiên, thao diễn là một chuyện, chiến đấu lại là chuyện khác.

Một trong những cuộc chiến chứng minh hiệu quả của M1 Abrams là cuộc chiến tranh vùng Vịnh 1991. Tại đây, các sư đoàn tăng M1 của Mỹ đối đầu với các xe tăng của Quân đội tăng Iraq trang bị chủ yếu xe tăng do Liên Xô sản xuất (T-54/55, T-62, T-72). Các xe tăng M1 Abrams đã đánh bại hoàn toàn các đơn vị tăng Iraq với con số thiệt hại tối thiểu chưa từng thấy. Theo số liệu do phía Mỹ công bố, tổng kết cuộc chiến tranh vùng Vịnh, chỉ có 18 chiếc M1 Abrams bị phá hủy (9 chiếc có thể khôi phục lại). Đồng thời, cần nhớ rằng T-72 mà Iraq sử dụng chưa hẳn là biến thể tiên tiến của T-72. Vì là biến thể xuất khẩu, T-72 của Iraq vẫn dụng giáp thép truyền thống (không có giáp phản ứng nổ, pháo tăng không có khả năng phóng tên lửa qua nòng, thiết bị ngắm bắn - quan sát có nhiều hạn chế…)

Tuy “tỏa sáng” nhưng M1 Abrams có thể là dòng tăng cuối cùng của Mỹ. Theo đó, Quân đội Mỹ có dự định dừng thiết kế xe tăng mới, chỉ duy trì cải tiến xe tăng M-1 Abrams. Trong chiến tranh hiện đại, vai trò của xe tăng đang có chiều hướng suy giảm. Ngay bản thân nước Nga – quốc gia có truyền thống coi trọng sức mạnh tăng – thiết giáp – số lượng xe tăng bị cắt giảm mạnh mẽ, sau khi Liên bang Xô Viết tan vỡ.

Các dòng tăng chủ lực mạnh nhất thế giới (kỳ 3)
Leopard, Leclerc và Challenger là ba đại diện tiêu biểu của dòng xe tăng Tây Âu, đều đóng góp cho lịch sử xe tăng thế giới những câu chuyện thú vị.



Kỳ 3: Bản sắc xe tăng Tây Âu

"Con báo" làm nóng thị trường

Thất bại trong chiến tranh thế giới thứ 2 nhưng với vị thế của quốc gia có ngành cơ khí đỉnh cao, các cỗ xe tăng của Đức luôn được coi trọng. Thiết kế của những chiếc tăng do Tây Đức chế tạo luôn là khuôn mẫu chuẩn mực, giúp các nhà sản xuất nhận được nhiều lời mời hợp tác từ đồng minh, cũng như các hợp đồng xuất khẩu béo bở.

Trong chiến tranh lạnh, Tây Đức đã có nhiều chương trình hợp tác với Mỹ, Anh, Pháp nhằm chế tạo ra chiếc xe tăng chủ lực mới như các dự án MBT 70 với Mỹ, AMX-30 với Pháp và MBT 80 với Anh. Đa phần các chương trình này đều không cho ra sản phẩm chung. Thế nhưng, điều đáng nói là thông qua quá trình hợp tác, các thiết kế Đức đã gây ảnh hưởng hoặc áp đặt được quan điểm lên đối tác.

Điển hình nhất là đến nay, các xe tăng của Mỹ, Pháp đều sử dụng pháo do Đức chế tạo hoặc chịu ảnh hưởng của thiết kế của pháo tăng Đức. Được coi là bảo thủ như người Anh, đến tháng 1/2004, cũng thay pháo nòng rãnh (L30) bằng loại pháo nòng trơn (L55) giống xe tăng Đức.

Sau 2 lần hợp tác, nhận được sự góp ý của Đức về các thiết kế quá cao, nặng và cồng kềnh, Mỹ đã chế tạo M1 Abrams thấp hơn và có nhiều thành tích trên chiến trường Iraq. Hệ thống treo có góc xoắn lớn, chịu tải tốt, giúp xe hoạt động êm dịu của các xe tăng phương Tây ngày nay cũng mang các dáng dấp từ thiết kế Đức.

Leopard 2A7+, biến thể mới nhất của Leopard 2.


Có lẽ vì vậy, không ngạc nhiên khi mẫu Leopard 1, do hãng Krauss-Maffei Wegmann (KMW) ở Munich thiết kế, được mệnh danh là “tiêu chuẩn của châu Âu”, đã bán được hơn 6.000 chiếc. “Hậu duệ” của nó là Leopard 2, có hơn 3.200 chiếc được chế tạo để xuất sang gần 20 nước như Canada, Đan Mạch, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ, Chile, Singapore…

Đặc biệt, thương vụ Leopard 2A 7+ với Saudi Arabia đã làm nóng chính trường Đức do lo ngại chiếc xe tăng này sẽ gây ra “thảm họa” với chính sách đối ngoại của Berlin khi làm lệch cán cân quân sự tại Trung Đông.

Leopard 2A 7+ là biến thể mới nhất của Leopard 2, được trang bị giáp module có khả năng chống mìn và rocket chống tăng. Các hệ thống quan sát và vũ khí của xe cũng được cải tiến và nâng cao chính xác. Xe được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực với nhiều sensor hiện đại để kíp xe thể nhìn quan sát tốt ở tất cả các hướng, cả ngày lẫn đêm, trong nhiều điều kiện thời tiết phức tạp (sương mù, bão cát…).

Leopard 2 của Đức đã và đang làm nhiệm vụ tại Kosovo và Afghanistan. Trong tương lai, các nhà chế tạo Đức sẽ cho ra mắt những cỗ xe tăng hiện đại, được điện tử hóa cao, với kíp xe chỉ có 2 người, được bố trí ngồi sâu trong xe để đảm bảo an toàn.

Leclerc, “cỗ xe tăng điện tử”

Nếu như xe tăng được điện tử hóa cao độ với kíp xe ít người là tương lai của tăng - thiết giáp Đức thì đây lại là thực tế của lục quân Pháp. Là quốc gia có nền khoa học phát triển, Pháp đã ứng dụng những công nghệ tiến bộ nhất, đặc biệt là công nghệ điện tử, để thiết kế, chế tạo xe tăng. Điển hình là Leclerc thuộc dự án AMX-56, đây có thể coi là “chiếc xe tăng điện tử”, với kíp xe chỉ có 3 người.

Leclerc được trang bị hệ thống kiểm soát chiến trường FINDERS, do hãng Nexter Suystems chế tạo, đảm bảo các nhiệm vụ thông tin, liên lạc, dẫn đường, ra quyết định nhanh. Điểm nhấn của hệ thống là màn hình màu hiển thị vị trí, nhận dạng địch/ta. FINDERS cùng với hệ thống tiếp nhận thông tin Icone, cho phép liên kết đội hình xe tăng thành mạng lưới lên tới 100 chiếc, sẽ giúp kíp xe lên kế hoạch, hiệp đồng tác chiến dễ dàng.

Xe tăng Leclerc thao diễn.


Trong chiến đấu, hệ thống kiểm soát hỏa lực của Leclerc cho phép pháo thủ và trưởng xe bắt bám 6 mục tiêu khác nhau trong khoảng thời gian hơn 30 giây. Hệ thống nạp đạn tự động của xe cho phép vũ khí chính là pháo nòng trơn 120mm bắn khi hành tiến với tốc độ 12 phát/phút.

Để phòng thủ, xe được trang bị hệ thống Galix, với 9 ống phóng cỡ 80mm dùng để phóng lựu đạn khói hoặc mồi bẫy nhiệt chống lại vũ khí chống tăng dẫn hướng bằng laser hoặc ảnh nhiệt. Ngoài ra, để phục vụ tác chiến trong đô thị, nhà sản xuất còn bổ sung thêm cho Leclerc bộ kit AZUR, giúp tăng khả năng chống chịu các đòn tấn công bằng rocket vào sườn và phía sau xe.

Bộ kit AZUR (phần xanh dương).
Ngoài ra, Leclerc còn được trang bị các súng máy 7,62mm và 12,7mm để chống bộ binh và máy bay đối phương.

Rất hiện đại nhưng Leclerc chưa trải qua cuộc chiến nào và cũng không giành được thành công trên thương trường. Tới nay, loại xe tăng chủ lực này của Pháp mới chỉ bán được gần 400 chiếc cho quân đội Pháp và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) với con số tương đương.

UAE còn phàn nàn về việc Leclerc không thích nghi với khí hậu sa mạc, buộc nhà sản xuất phải tìm cách nâng cấp và cải tiến hệ thống điện tử và động cơ.

Nước đầu tiên khai sinh và khai tử xe tăng

Đầu thế kỷ 20, chính người Anh đã mang đến cho từ “tank” một nghĩa mới, không chỉ là “thùng đựng nước”, mà còn là “vũ khí hủy diệt bọc thép có gắn súng máy”, “cỗ xe không cần đường”, hay đơn giản là xe tăng.

Phát huy truyền thống này, ngày nay, lục quân Anh đang sở hữu những chiếc xe tăng đáng nể, mà đại diện là Challenger 2.

Xe tăng Challenger 2 trên sa mạc Oman.


Giống Leopard 2A, Leclerc, Challenger 2 là chiếc tăng thuộc thế hệ 3+. Xe được trang bị pháo nòng rãnh của BAE System (nay đang được thay dần bằng pháo nòng trơn), có thể bắn đạn xuyên giáp thoát vỏ có cánh đuôi ổn định (APFSDS) và đạn xuyên lõm đầu mềm (HESH) và đạn uran nghèo.

Hệ thống điều khiển của Challenger 2 được số hóa trong gói Ứng dụng hệ thống thông tin chiến trường (PBISA) do Công ty Computing Devices của Canada cung cấp, gồm màn hình cho chỉ huy, hệ thống dẫn đường quán tính…

Xe cũng được trang bị các khí tài quan sát laser, ảnh nhiệt, cung cấp khả năng quan sát lập thể cho trưởng xe. Điểm tự hào của người Anh ở chiếc xe tăng này là có lớp giáp phức hợp Chobham, làm từ các lớp gốm đặt trong các lưới kim loại bền và chắc. Hiện trên thế giới, chỉ có xe tăng Challenger và Abrams (Mỹ) sử dụng loại giáp này.

Hiện nay, Challenger 2 đang được sử dụng trong quân đội Anh và Oman (biến thể xuất khẩu Challenger 2E được sa mạc hóa), từng tham gia làm nhiệm vụ tại Bosnia, Kosovo. Đặc biệt, năm 2003, 14 xe tăng Challenger 2 của Anh đã tham gia vào một trận đấu tăng lớn nhất kể từ thế chiến thứ 2, khi các xe tăng của Anh đã tiêu diệt một đoàn xe tăng T-55 của Iraq.

Năm 2009, báo chí đưa tin BAE Systems – nhà sản xuất vũ khí lớn nhất của Anh – chính thức dừng sản xuất các xe tăng Challenger 2 tại nhà máy gần Newcastle, đóng cửa dây chuyền sản xuất các “tuần dương hạm mặt đất” trên xứ sở sương mù.

Như vậy, Anh là nước khai sinh và cũng là nước đầu tiên khai tử hoạt động sản xuất cỗ máy chiến tranh có 94 năm lịch sử, tính từ các cuộc thử nghiệm vào năm 1915 và tham chiến lần đầu tiên vào năm 1916 ở Pháp.

Sự kiện này, phải chăng đã gióng thêm một tiếng chuông, báo hiệu sự cáo chung của vai trò xe tăng trong lịch sử chiến tranh?
Các dòng tăng chủ lực mạnh nhất thế giới (kỳ 4)
Nỗ lực theo đuổi dòng xe tăng của riêng mình,“pháo đài di động”Merkava, đã giúp Israel trụ vững giữa “chảo lửa” Trung Đông.


Kỳ 4: Trụ cột sức mạnh

Công đầu của “ông thiết giáp”

Nếu như các chiến lược gia phương Tây ngày càng xem nhẹ vai trò của xe tăng trong chiến tranh hiện đại thì cuộc đối đầu giữa Nhà nước Israel với khối Arab đang vớt vát phần nào vị thế của cỗ máy chiến tranh này. Một trong những quan điểm cơ bản của học thuyết quân sự Israel là “đảm bảo giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh thông thường, quy mô lớn có sự tham gia của các binh đoàn xe tăng và không quân được trang bị vũ khí hiện đại nhất”.

Thái độ coi trọng sức mạnh tăng – thiết giáp này hình thành từ thực tế chiến trường. Trong đó, lực lượng xe tăng là “xương sống” của các cuộc tiến công đối phó với “chiến tranh bạo loạn”, một hình thái xung đột mà đối phương phân tán, ẩn nấp ở các khu dân cư đông đúc.

Để tự tin vạch ra sách lược trên, Israel dựa hoàn toàn dòng xe tăng Merkava, (trong tiếng Hebrew có nghĩa là “chiến mã xa”), với công đầu thuộc về Thiếu tướng Israel Tal, chỉ huy lực lượng tăng – thiết giáp Israel, từng kinh qua các cuộc chiến giành độc lập, cuộc chiến Sinai, cuộc chiến 6 ngày và cuộc chiến Yom Kippur.

"Ông thiết giáp" Israel Tal.

Xe tăng Merkava III làm nhiệm vụ.

Sau cuộc chiến Yom Kippur (năm 1973) giữa Israel và các nước Ai Cập, Syria, Iraq và Jordan…, giới quân sự Israel nhận thức, không thể chiến thắng trong chiến tranh tiêu hao và đặt ra yêu cầu quân đội phải có loại xe tăng mới đảm bảo khả năng sống còn cao cho kíp xe.

Cùng với yêu cầu đó, bài học cay đắng từ việc bị “đồng minh” chơi khăm thúc đẩy Israel quyết tâm chế tạo loại xe tăng của riêng mình. (Israel từng hợp tác với Anh để chế tạo xe tăng Chieftain nhưng sau đó, vì lý do địa chính trị, Anh đã không bán loại tăng này cho nhà nước Do Thái).

Dưới sự chỉ đạo của của “ông thiết giáp”, biệt danh của tướng Israel Tal, chiếc Merkava đầu tiên đã chính thức biên chế trong quân đội vào năm 1979 và tham chiến lần đầu trong chiến dịch “Hòa bình cho Galilee” (năm 1982).

An toàn, an toàn hơn nữa

Tới nay, dòng xe tăng Merkava đã phát triển tới 4 thế hệ, với nhiều biến thể không phải là xe tăng như pháo tự hành, xe chiến đấu bộ binh, xe cứu kéo… Thế nhưng “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong các thiết kế của gia đình Merkava luôn là tiêu chí đảm bảo sự an toàn cao nhất cho kíp xe.

Điều này có thể dễ dàng nhận ra ở tháp pháo của tất cả các thế hệ xe tăng Merkava với thiết kế hình chỏm cầu nhằm giảm sức phá hủy của các vũ khí chống tăng. Không chỉ vậy, Merkava là một trong những dòng xe tăng hiếm hoi đặt động cơ ở phía trước để làm tăng khả năng sống còn của kíp xe trong trường hợp xe bị bắn trúng.

Thiết kế của dòng xe Merkava tạo khoảng chống tối đa để binh sĩ có thể trú ẩn. Trong ảnh là 1 xe thiết giáp, biến thể của xe tăng Merkava.

Xe được thiết kế các cửa thoát hiểm dành riêng cho trưởng xe, lái xe, người nạp đạn. Còn pháo thủ, có thể chọn bất kỳ các cửa kể trên thoát thân. Nhà sản xuất còn tính toán nếu bớt đi 12 viên đạn pháo có thể đủ chỗ trú ẩn cho 6 binh sĩ nữa. Như vậy, không chỉ kíp xe mà cả lính tùng thiết cũng sẽ được an toàn hơn.
Diềm xích phía sau tháp pháo.

Từ chiếc Merkava II, tháp pháo còn bố trí diềm xích, treo các bi sắt nặng trông diêm dúa nhưng lại có tác dụng giảm tổn thương cho xe khi bị rocket chống tăng bắn từ phía sau.

Ở chiếc Merkava IV, xe được trang bị hệ thống phòng thủ chủ động Rafael Trophy có 4 radar bố trí quanh thân, cung cấp tầm bao quát theo góc cầu 360 độ (thực tế là bán cầu trên), chống lại các mối nguy đến từ các loại tên lửa chống tăng. Hiện nay, trên thế giới cũng mới chỉ có xe tăng T-80 của Nga trang bị hệ thống tương tự là Arena. Trong đó, Trophy được đánh giá là có tính năng vượt trội hơn.

Hệ thống Rafale Trophy thể hiện khả năng bảo vệ Merkava IV.

Thu lời bất chấp lệnh cấm xuất khẩu

Bắt đầu từ năm 2001, Israel đang dần “thay máu” lực lượng tăng – thiết giáp bằng những chiếc Merkava IV, thành viên mới nhất của “gia đình Merkava”. Hiện nay, với tốc độ sản xuất dự kiến khoảng 50-70 chiếc/năm, lục quân Israel sẽ sớm hoành thành mục tiêu có thêm 400 chiếc Merkava IV nữa trong biên chế.

Vì lý do an ninh quốc gia, Merkava IV bị áp đặt lệnh cấm xuất khẩu, nhưng ngành công nghiệp quốc phòng Israel vẫn thu lời nhờ vào việc bán một số bộ phận hoặc hệ thống vũ khí, khí tài.

Merkava IV được trang bị pháo 120mm, bắn các loại đạn (đạn xuyên thoát vỏ có cánh ổn định APFSDS, đạn nổ lõm chốn tăng đa năng HEAT-MP…) mang nhiều quốc tịch (Mỹ, Đức, Pháp). Loại pháo này rất tân tiến vì có khả năng chống cong, vênh dưới tác động nhiệt độ môi trường và hoặc khai hỏa. Ngoài pháo chính, xe còn có súng máy 7,62mm và hệ thống cối 60mm.

Nhờ hệ thống kiểm soát hỏa lực đa kênh (TV, ảnh nhiệt, laser) Merkava IV có thể bắt bắm, bắn các mục tiêu di chuyển trong khi hành tiến, kể cả các mục tiêu trên không như trực thăng.

Xe tăng Merkava thao diễn và bị ngã ngựa.

Để bảo vệ, ngoài những thiết kế đảm bảo an toàn kể trên, Mekava IV còn được trang bị hệ thống cảnh báo laser Amcoram LWS-2. Khi phát hiện đối phương chiếu tia laser dẫn đường cho tên lửa chống tăng, ngay lập tức, hệ thống này sẽ phát lệnh điều khiển các ống phóng bố trí quanh tháp pháo phóng lựu đạn khói để bảo vệ. Các ống phóng này có thể dùng để phóng mồi bẫy nhiệt chống vũ khí chống tăng dẫn hướng bằng ảnh nhiệt. Ngoài ra, lớp vỏ của Mekava IV còn có thiết kế dạng module, cho phép thay thế các lớp giáp phức hợp khác nhau tùy vào từng nhiệm vụ.

Một chiếc Merkava bị "sứt mẻ".
Được Bộ Tổng tham mưu Quân đội Israel kỳ vọng là “khi triển khai hoàn toàn, Mekava IV sẽ đảm bảo an toàn cho kíp xe hơn các loại xe từng có” và được các chuyên gia quân sự xếp vào hạng các xe tăng “an toàn và hiệu quả hàng đầu thế giới” nhưng sự phát triển vũ khí và chiến thuật chống tăng khiến Mekava IV khó ngồi yên ở ngôi “vua chiến trường”.


Trên thực tế, trong các cuộc đối đầu ở Trung Đông, vẫn có những chiếc Merkava bị bắn tung lớp giáp, thậm chí lộn nhào. Và hệ thống phòng thủ chủ động Rafael Trophy dù chính xác đến đâu cũng không cùng lúc ngăn được nhiều rocket chống tăng bắn tới tấp cùng một lúc. Những cỗ xe tăng vẫn rất dễ bị tổn thương trong chiến đấu, những nhà thiết kế xe tăng Israel nói riêng và trên thế giới nói chung vẫn phải giải nhiều bài toán khó để kéo dài thời gian tồn tại cùng lịch sử của loại vũ khí này.

Tuấn Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét