Chính sử chỉ có vài dòng ngắn về nơi yên nghỉ của vua như sau: “Rước linh cữu Tiên Hoàng Đế về táng ở sơn lăng Trường Yên” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Lăng mộ thực của Đinh Tiên Hoàng ở đâu?
Nếu xét về mặt đơn vị hành chính thì với ghi chép ngắn gọn nói trên rất khó xác định lăng mộ Đinh Tiên Hoàng được đặt ở đâu, vì Trường Yên (hay còn gọi là Tràng An) vốn là tên một phủ dưới thời Đinh, tương đương với địa phận tỉnh Ninh Bình ngày nay. Tuy nhiên xét theo một số sách địa chí thì Trường Yên còn là tên một xã, gồm Trường Yên Thượng và Trường Yên Hạ, nằm ở gần kinh thành Hoa Lư xưa và lăng vua Đinh được xây dựng ở đây, cụ thể là trên núi Mã Yên (núi Yên Ngựa), thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Theo Từ điển bách khoa Việt Nam thì: “Lăng Đinh Tiên Hoàng được xây dựng trên đỉnh núi Mã Yên ở Hoa Lư, Ninh Bình. Lăng được xây dựng năm Minh Mạng thứ 21 (1841) và được trùng tu năm Hàm Nghi thứ nhất (1885). Mã Yên ở bên phải đền vua Đinh là ngọn núi đá có 2 đỉnh nhô cao, giữa võng xuống như hình yên ngựa. Tương truyền, nơi đây được vua Đinh chọn làm án cho kinh đô Hoa Lư (theo thuyết phong thuỷ). Lăng đặt chính giữa nơi võng xuống của hai đỉnh núi trên thế đất bằng phẳng, rộng vài trăm mét vuông. Lăng xây dựng bằng đá, quy mô kiến trúc nhỏ và đơn giản, phía trước dựng bia đá có đề dòng chữ: Đinh triều - Tiên Hoàng đế chi lăng".
Tượng vua Đinh Tiên Hoàng. |
Ghi chép trên dễ gây hiểu lầm là đến đời Minh Mạng nhà Nguyễn lăng Đinh Tiên Hoàng mới được xây dựng, thực ra lăng vua đã có một quy mô kiến trúc nhất định chứ không có lý nào triều đình nhà Đinh lại để nơi yên nghỉ của vị hoàng đế nổi danh chỉ như một ngôi mộ đắp đất giống bao ngôi mộ của người dân thường và gọi đó là lăng được. Có lẽ trải qua binh lửa chiến tranh, nắng mưa thời gian nên lăng Đinh Tiên Hoàng không còn giữ được hình dáng ban đầu, đến đời Nguyễn đã cho xây dựng lại với kiến trúc như ngày nay còn thấy.
Lăng Đinh Tiên Hoàng còn gọi là “sơn lăng” (lăng vua ở trên núi) và nơi đặt lăng cũng rất đặc biệt, đó là một thung lũng đá vôi hơi trũng, rộng và bằng phẳng hình như yên ngựa nên gọi là Mã Yên, ở đây bốn mùa cây lá xanh rờn che phủ. Ngoài quan niệm phong thủy, người xưa còn có hàm ý rằng lăng đặt ở đó để đề cao tinh thần thượng võ của vua Đinh, tuy đã về nơi chín suối hay ở nơi thiên giới nhưng Đinh Tiên Hoàng lúc nào cũng ở trên yên ngựa, gợi nhớ lại võ công oanh liệt một thời của Ngài.
Ngày nay, du khách tới cố đô Hoa Lư, không nên quên tới viếng thăm lăng mộ vua Đinh ở núi Yên Ngựa sau khi vượt qua 265 bậc đá. Lăng Đinh Tiên Hoàng được xây lại vào thời Nguyễn, không to lớn cầu kỳ mà nhỏ bé giản đơn; lăng được xây bằng đá, có bệ thờ trên đặt lư hương đá, bên lăng dựng một tấm bia đá mặt trước khắc dòng chữ: “Đinh triều Tiên Hoàng đế chi lăng. Minh Mạng nhị thập nhất niên, ngũ nguyệt, sơ nhị nhật, phụng sắc kiến” (Lăng Đinh Tiên Hoàng đế. Ngày mồng 2 tháng 5 năm Minh Mạng thứ 21 (1840) phụng chỉ xây dựng). Mặt sau của bia có hàng chữ: “Hàm Nghi nguyên niên, cửu nguyệt, nhị thập tứ nhật trùng tu tiên đế lăng” (Hàm Nghi năm đầu (1885), ngày 24 tháng 9, trùng tu lăng tiên đế).
Vào năm 1925, một văn nhân là Đông Châu đến cố đô Hoa Lư, khi lên núi Mã Yên viếng lăng vua Đinh đã làm bài thơ cảm hoài: “Yên ngựa chon von ngất đỉnh đèo/Sơn lăng dấu cũ đá cheo leo/Đìu hiu ngọn gió cờ lau phất/Văng vẳng sườn non tiếng mục reo/Nền miếu Tràng An còn vững đá/Tấm bia Tiên đế chửa mờ rêu/Non sông Cồ Việt nào đâu đó?Bảng lảng thành Hoa bóng ác chiều”.
Những tưởng lăng mộ Đinh Tiên Hoàng ở đâu đã rõ ràng nhưng thực ra đây chỉ là lăng tưởng niệm mà thôi. Từ bao đời nay người dân Hoa Lư vẫn lưu truyền nhiều câu chuyện có liên quan đến lăng mộ vua Đinh, có thuyết kể rằng sau khi vua bị hại, triều đình đã làm 99 chiếc quan tài vua Đinh đưa vào chôn trong khắp vùng núi Hoa Lư, lăng trên Mã Yên Sơn là nơi chôn một trong 99 quan tài đó.
Có thuyết thì cho hay, vì sợ phe cánh, đồ đảng của Đỗ Thích chưa lộ diện, hoặc con cháu các sứ quân trước đây bị đánh bại sẽ báo thù, mà tìm cách cướp xác, đốt phá lăng vua Đinh nên hai đại thần đứng đầu triều đình và cũng là bạn kết nghĩa thuở nhỏ của vua là Đinh Điền và Nguyễn Bặc đã bí mật làm hai cỗ quan tài giả của Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn đặt ở lầu Đại Vân để các triều thần và dân chúng đến điếu phúng tế lễ. Còn quan tài có đặt xác vua và con trai được quàn tại một hang lớn trong hoàng thành, có lính canh nghiêm mật (Hang này đời sau gọi là Hang Quàn, nay thuộc địa phận xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình).
Tới ngày an táng vua, có 10 cỗ xe ngựa chạm rồng, bên trong đều chở quan tài, từ hoàng cung chạy đi 10 hướng nên không ai biết nơi chôn cất cha con vua Đinh ở đâu, chỉ Đinh Điền và Nguyễn Bặc biết rõ nhưng không lâu sau khi vua Đinh mất, hai ông đã dấy binh đánh Lê Hoàn vì sợ họ Lê cướp ngôi, nhưng thua trận đều bị giết cả. Còn các toán quân đi mai táng, không thấy ai trở về; người ta kể rằng tất cả họ vì lòng tận trung đã cùng nhau tuẫn tiễn để bảo toàn bí mật thiêng liêng ấy. Chính vì vậy, đâu mới là nơi an nghỉ vĩnh hằng của vị Hoàng đế vĩ đại trong điệp trùng non nước Hoa Lư vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải đáp.
Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng tại Ninh Bình. |
Vị hoàng đế “bách thắng” và nghi án cung đình
Đinh Tiên Hoàng tên húy là Đinh Bộ Lĩnh, người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng (nay là huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), sau khi đánh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, ông đã lên ngôi lập ra triều đại nhà Đinh, lấy quốc hiệu là Đại Cồ Việt và trở thành vị hoàng đế đầu tiên của nước ta trong thời đại độc lập, tự chủ. Chữ Tiên Hoàng có nghĩa là vị hoàng đế mở nền chính thống đầu tiên của nước Việt thống nhất.
Sử sách ca ngợi “vua bình được 12 sứ quân, trời cho người theo, thống nhất bờ cõi,… sáng chế triều nghi, định lập quân đội, vua chính thống của nước Việt ta, thực bắt đầu từ đấy, kể về mặt dẹp giặc phá địch thì công to lắm” (Việt giám thông khảo tổng luận).
Từ nhỏ Đinh Bộ Lĩnh đã thể hiện tài năng và trí tuệ kiệt xuất hơn người, các phụ lão ở Hoa Lư đã từng nói với nhau rằng: “Đứa bé này khí lượng như thế ắt làm nên sự nghiệp, bọn ta nếu không theo về, ngày sau hối thì đã muộn”. Khi trưởng thành, phất cờ dấy nghĩa bình định các thế lực cát cứ, Đinh Bộ Lĩnh đi đến đâu cũng được dân chúng ủng hộ nhiệt liệt nên đánh đâu thắng đó, được tôn xưng là Vạn Thắng Vương.
Năm Mậu Thìn (968), đất nước yên bình, non sông thống nhất, Đinh Bộ Lĩnh “lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời Kinh ấp về động Hoa Lư, bắt đầu dựng đô mới, đắp thành đào hào, xây cung điện, đặt triều nghi. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Trong bộ quốc sử đầu tiên được soạn thời Trần là “Đại Việt sử ký”, nhà sử học Lê Văn Hưu đã viết “Tiên Hoàng nhờ có tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, đương lúc nước Việt ta không có chủ, các hùng trưởng cát cứ, một phen cất quân mà mười hai sứ quân phục hết. Vua mở nước dựng đô, đổi xưng hoàng đế, đặt trăm quan, lập sáu quân, chế độ gần đầy đủ, có lẽ ý trời vì nước Việt ta mà lại sinh bậc thánh triết để tiếp nối quốc thống”. Những công tích của vị vua mở đầu nền chính thống đến nay vẫn còn được người dân Hoa Lư lưu truyền trong câu ca: “Đặt ra có ngũ có dinh/Có quân túc vệ, có thành tứ vi/Trên thì bảo điện uy nghi/Bên ngoài lại sẵn đan trì, nghi môn”.
Đinh Tiên Hoàng ở ngôi 12 năm (từ đầu năm 968 đến cuối năm 979), đến tháng 10 năm Kỷ Mão (979) bị kẻ bề tôi phản nghịch là Đỗ Thích giết, thọ 55 tuổi, con trai ông là Đinh Liễn cũng bị hại cùng vua cha. Theo chính sử, Đỗ Thích giết vua là để cướp ngôi, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” cho biết như sau: “Trước đó Đỗ Thích làm chức lại ở Đồng Quan, đêm nằm trên cầu, bỗng thấy sao sa rơi vào miệng, Thích cho là điềm tốt, bèn nảy ra ý định giết vua. Đến đây, nhân lúc vua ăn yến ban đêm, say rượu nằm trong sân, Thích bèn giết chết”.
Sau này có nhiều giả thuyết khác nhau về vụ án cung đình triều Đinh, ý kiến cho rằng Đỗ Thích chỉ tay sai của một thế lực nào đó bởi vì ông ta là một viên quan nhỏ, không hề có uy tín hay vây cánh, lực lượng, dù có giết vua cũng không thể lên ngôi được. Thuyết khác dựa trên câu sấm “Đỗ Thích thí Đinh Đinh, Lê gia xuất thánh minh…”, xuất hiện vào năm Giáp Tuất (974) và sự kiện sau khi lên ngôi, Lê Hoàn đã sai cấm cố những người trong hoàng tộc họ Đinh, coi đây có thể là biểu hiện cho thấy mưu đồ thoán đoạt của Lê Hoàn. Có giả thuyết còn nói, thực ra Đỗ Thích giết vua chỉ mang mục đích trả thù cá nhân vì ông ta chính là con của Đỗ Cảnh Thạc, một sứ quân thời loạn đã bị chết khi Đinh Bộ Lĩnh đem quân đánh dẹp…
Sử sách đã viết rõ thủ phạm giết vua là Đỗ Thích, nhưng sự thực có đúng như thế không hay còn có những mưu đồ, toan tính nào trong vụ án này, nếu có thì ai là chủ mưu?... Tất cả vẫn còn là một nghi án của lịch sử chưa được giải đáp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét