Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011

Tả quân Lê Văn Duyệt thân thái giám... làm nên nghiệp lớn

(ĐVO) Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, tuy là người để vua sai vặt nhưng trong lịch sử phong kiến Việt Nam có những thái giám được triều đình trọng dụng nhờ tài năng và đức độ. Một trong số đó là Tả quân Lê Văn Duyệt.

Theo Wikipedia, Tả quân Lê Văn Duyệt (1764-1832) là công thần trụ cột của triều Nguyễn, nhà quân sự tài ba, không những giữ vững bờ cõi miền Nam mà còn phát huy uy lực với các nước láng giềng, tạo quan hệ buôn bán với người Tây ở Gia Định.

"Ngũ hổ tướng"Gia Định cứu chúa tiến cung

Tả quân Lê Văn Duyệt sinh năm Giáp Thân (1764) tại Cù Lao Hổ, cạnh Vàm Trà Lọt nay thuộc làng Hòa Khánh, tỉnh Định Tường. Ông nội của ông là Lê Văn Hiếu từ làng Bồ Đề, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) vào đây sinh sống. Sau khi Lê Văn Hiếu qua đời, cha ông là Lê Văn Toại, rời vùng Trà Lọt đến ở tại vùng Rạch Gầm, làng Long Hưng (nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Lê Văn Toại có tất cả 4 người con trai trong đó, Lê Văn Duyệt là con trưởng. Sử cũ mô tả ông là người thấp bé, nhưng lại có sức mạnh hơn người, từng được coi là một trong "ngũ hổ tướng" ở Gia Định.

Tả quân Lê Văn Duyệt nhiều người kính phục gọi ông là "Ông Lớn Thượng", hay “ Đức Thượng Công”... Ảnh: Wikipedia.

Tả quân Lê Văn Duyệt sinh ra đã mang tật kín (ái nam) nên tính khí cũng khác người thường. Thuở nhỏ thường không chịu đi học mà chỉ thích làm bẩy, làm giỏ, bắt chim, đánh cá, nhất là đá gà và tụ tập các trẻ trong làng, chia phe tập trận đánh giặc. Rất khỏe mạnh, rất thông minh, giỏi võ thuật, tuy không có đi học nhiều, nhưng biết rất nhiều về truyện Tàu cùng các anh hùng hảo hán cũng như tư cách, tài năng và cách xử sự của họ ở trong đời. Ông được lịch sử đánh giá là người có chí lớn, mới 15 tuổi đã có câu nói: “Sinh ở đời loạn, không hay dựng cờ trống đại tướng, chép công danh vào sử sách không phải là trượng phu”.

Năm 17 tuổi, ông có dịp cứu Chúa Nguyễn Ánh cùng vài người tùy tùng khỏi tử thần. Đêm hôm đó, Nguyễn Ánh bị quân Nguyễn Lữ đuổi gắp. Nhờ mưa to gió lớn thuyền của quân Nguyễn Lữ không đuổi theo được thuyền Nguyễn Ánh. Nhưng khi đến Vàm Trà Lọt thì thuyền chở Nguyễn Ánh và đoàn tùy tùng bị sóng lớn làm cho suýt bị chìm. Lê Văn Duyệt xuất hiện kịp lúc, đỡ thuyền Nguyễn Ánh đưa vào bờ, giúp Nguyễn Ánh thoát nạn.

Biết Nguyễn Ánh là dòng dõi chúa Nguyễn, cụ Lê Văn Toại hết sức cung kính, lo lắng cho Nguyễn Ánh và đoàn tùy tùng cho họ tạm trú ở đây mấy hôm. Sau đó Nguyễn Ánh lại phải tiếp tục tìm đường lẩn trốn đoàn quân Nguyễn Lữ đang lục soát các nơi lùng bắt. Lúc chia tay Nguyễn Ánh cám ơn ông bà Lê Văn Toại với lời hứa là sau này sẽ trở lại đem Lê Văn Duyệt theo.

Giữ đúng lời hứa, năm 1786, sau khi lên ngôi Chúa ở Gia Định, Nguyễn Ánh trở lại Vàm Trà Lọt cám ơn vợ chồng ông Lê Văn Toại đã giúp ông trong cơn hoạn nạn và tuyển dụng Lê Văn Duyệt làm thái giám.

Đánh Nam dẹp Bắc lập chiến công

Từ khi được tuyển dụng vào cung, Lê Văn Duyệt xả thân phò Chúa Nguyễn Ánh, cùng với Nguyễn Văn Thành đánh Nam dẹp Bắc, lập nhiều công trận lớn lao, được phong đến tước Quận Công.

Theo sử sách ghi chép lại, tháng 3 (âm lịch) năm 1803, Lê Văn Duyệt phá tan cuộc nổi dậy của người dân thiểu số ở Vách Đá (Quảng Nghĩa, nay là Quảng Ngãi), được vua khen thưởng. Tháng 8 (âm lịch) năm đó, cha ông Duyệt là Lê Văn Toại được vua cho mời ra Huế ban khăn áo.

Năm 1808, Lê Văn Duyệt lại mang quân đến Đá Vách. Thấy Phó quản cơ Lê Quốc Huy, vì nhiễu hại quá, nên dân mới nổi dậy. Ông Duyệt bèn xin lệnh chém chết viên quan này, từ đó Quảng Nghĩa lại được yên.

Tháng 6 (âm lịch) năm 1812, nhà vua cho triệu Tổng trấn Gia Định Thành Nguyễn Văn Nhơn về, cử Lê Văn Duyệt vào thay, và cho Trương Tấn Bửu làm Phó tổng trấn, Ngô Nhân Tịnh làm Hiệp trấn.

Tháng 2 (âm lịch) năm 1813, nhận lệnh vua, Lê Văn Duyệt và Hiệp trấn Ngô Nhân Tĩnh đem 13.000 quân thủy đưa Nặc Chân về nước Chân Lạp (Campuchia ngày nay). Tại đây, ông thấy quân Xiêm dòm ngó Chân Lạp, bèn xin vua Gia Long cho đắp thành Nam Vang cho vua nước này ở (trước đó ở thành La Bích), đắp thành Lô Yêm để trữ lương, đồng thời lưu binh ở lại bảo hộ.

Sang tháng 5 (âm lịch) năm 1816, dân thiểu số ở Vách Đá lại nổi dậy, Trấn thủ Phan Tấn Hoàng đánh bị thua. Vua Gia Long lại phải sai Lê Văn Duyệt đem quân tới đàn áp.

Tháng Giêng (âm lịch) năm 1819, Lê Văn Duyệt nhận mệnh đi kinh lược các vùng: Thanh Hóa, Nghệ An và Thanh Bình (nay đổi là Ninh Bình) vì các nơi ấy thường mất mùa, sinh ra nhiều trộm cướp, quan sở tại không kiềm chế được.

Tháng 9 (âm lịch), triệu Lê Văn Duyệt về triều. Sang tháng 12 (âm lịch), vua Gia Long cho đòi ông và Phạm Đăng Hưng vào cung lãnh di chiếu, tôn Nguyễn Phúc Đảm lên ngôi (tức vua Minh Mạng). Đồng thời nhà vua cho ông Duyệt cai quản quân 5 dinh Thần sách.

Cũng trong năm này, theo Vũ Man tạp lục của tướng Nguyễn Tấn và Viêm Giao trưng cổ ký của Cao Xuân Dục, thuận theo lời tâu của Lê Văn Duyệt, nhà vua cho xây Trường lũy (Tĩnh Man trường lũy), dài xấp xỉ 200 km, bắt đầu từ huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) đến huyện An Lão (Bình Định), để phòng ngự các cuộc nổi dậy của người thiểu số ở đây.

Sau này, dưới triều Minh Mạng, năm 1820, ông được cử vào Nam làm Tổng trấn Gia Định Thành lần thứ hai, thay cho Nguyễn Huỳnh Đức vừa mất hồi tháng 9 (âm lịch) năm 1819.

Lúc bấy giờ, ở nước Chân Lạp có thầy tu tên Kế vận động dân nổi dậy, cướp phá nhiều nơi thuộc trấn Phiên An. Quan trấn là Đào Văn Lý cản ngăn không được. Khi ông Duyệt đến, bèn cử Phó tổng trấn Huỳnh Công Lý đem quân đi đánh, đuổi quân Sư Kế chay về Chân Lạp. Tháng 9 (âm lịch) năm ấy, Sư Kế xua quân vây hãm thành Nam Vang, làm vua nước ấy phải đưa thư sang cáo cấp. Xem thư, Tổng trấn Lê Văn Duyệt liền sai Thống chế Nguyễn Văn Trí đem quân sang cứu viện, đến tháng 10 (âm lịch) thì giết được Sư Kế và đánh tan quân nổi dậy.

Cũng vào tháng 9 (âm lịch) năm đó, Phó tổng trấn Huỳnh Công Lý tham lam trái phép, bị quân nhân tố cáo hơn mười việc. Lê Văn Duyệt đem việc ấy tâu lên. Sau khi tra án, Huỳnh Công Lý bị kép vào vào tội chết (1821).

Tháng 10 (âm lịch) năm 1822, nhà vua sai Lê Văn Duyệt điều động quân và dân (được hơn 39 .000 người) để tiếp tục đào kênh Vĩnh Tế (đến tháng 5 âm lịch năm 1824 thì xong).

Tháng 8 (âm lịch) năm 1823, Lê Văn Duyệt về kinh chầu, Phó tổng trấn là Huỳnh Văn Năng coi thay. Sau đó, ông về ở luôn Gia Định cho đến chết.

Lịch sử đánh giá ông không chỉ có tài quân sự mà còn là một nhà chính trị. Làm Tổng trấn Gia Định Thành hai lần ông đã thực hiện chính sách trị an tốt và có công lớn trong việc giữ gìn an ninh cho xứ sở. Ông cho đắp đường, đào kênh, củng cố thành lũy, lập hai cơ quan từ thiện là "Anh hài" và Giáo dưỡng... Đồng thời, ông cũng có cách ứng xử khéo léo, rộng rãi đối với những người phương Tây đến buôn bán ở Sài Gòn. Bấy giờ, nhiều người kính phục, gọi ông là "Ông Lớn Thượng", hay “ Đức Thượng Công”... Một vài nước lân cận cũng tỏ ra kiêng nể ông

Nguồn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét