Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

Mông Cổ - 'rốn' mới của trái đất?

Trữ lượng tài nguyên khoáng sản khổng lồ đang biến Mông Cổ thành “cục nam châm” hút sự chú ý cũng như nguồn vốn đầu tư từ các nước lớn.
Lãnh đạo thế giới ùn ùn kéo đến

Quan hệ đối ngoại của Mông Cổ gần đây trở thành một hiện tượng quốc tế đáng chú ý với hàng loạt chuyến thăm nối tiếp nhau tới quốc gia Đông Bắc Á này của lãnh đạo các nước lớn.

Mới đây nhất là chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tuyên bố với giới báo chí khi tới Ulan Bato, ông Biden đánh giá “Mông Cổ “là một nước bạn, là một đối tác của Mỹ”, theo đó, Mỹ ủng hộ một nước Mông Cổ phồn vinh và tích cực tham gia giải quyết các vấn đề khu vực. Phó Tổng thống Mỹ cũng khẳng định, Washington cam kết giúp người dân Ulan Bato xây dựng tương lai tốt đẹp hơn và nhấn mạnh rằng, Tổng thống Obama cũng đặc biệt quan tâm tới sự tiến bộ của Mông Cổ.

Lãnh đạo thế giới kéo nhau đến Mông Cổ.

Ngay sát chuyến thăm của ông Biden, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak cũng đến Mông Cổ đầu tiên trong chuyến công du ba nước Trung Á của mình. Tại đây, ông Lee nhấn mạnh, Hàn Quốc và Mông Cổ nuôi dưỡng tình bạn thực sự từ khi quan hệ ngoại giao giữa hai nước được thiết lập năm 1990 và từ năm 2006, hai nước duy trì “quan hệ đối tác hợp tác và thân thiện”.

Vì vậy, trong chuyến thăm lần này, lãnh đạo hai nước nhất trí nâng quan hệ song phương từ “hợp tác hữu nghị” lên thành “đối tác toàn diện”. Hai bên cũng ký biên bản nghi nhớ về hợp tác tài nguyên và năng lượng, kéo theo đó là những kỳ vọng về việc phát triển tài nguyên chiến lược như đất hiếm.

Ngoài ra, hai nước cũng ký thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực y tế và kế hoạch hành động trung hạn Hàn – Mông, theo đó, Hàn Quốc cam kết cung cấp cho Mông Cổ những công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế và xây dựng hạ tầng xã hội.

Trước đó, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà S. Batbold tại Mông Cổ, Zhou Yongkang, một quan chức cấp cao trong đảng Cộng sản Trung Quốc cũng nhấn mạnh về “kỷ nguyên vàng” trong mối quan hệ Mông Cổ - Trung Quốc.

“Xâu xé”

Các cuộc thăm viếng dồn dập này của lãnh đạo các nước lớn đến Mông Cổ khiến dư luận không khỏi thắc mắc, điều gì ở quốc gia Đông Bắc Á nghèo khó này cuốn hút giới lãnh đạo thế giới đến vậy? Câu trả lời chính là ở trữ lượng tài nguyên mà Mông Cổ sở hữu. Trong bối cảnh thế giới đang “khát” nguồn tài nguyên phục vụ cho quá trình vực dậy nền kinh tế sau khủng hoảng thì quả thực Mông Cổ đang nắm trong tay một kho báu vô giá.

Các nhà địa chất phát hiện ra rằng, nằm dưới sa mạc mênh mông, khô cằn của Mông Cổ là rất nhiều mỏ đồng, than đá, uranium, sắt, vàng và những kim loại quý hiếm nằm cuối bảng tuần hoàn Mendeleev mà thiếu nó con người không thể làm ra máy bay, xe hơi, máy tính hoặc điện thoại di động.

Trữ lượng của 15 mỏ lớn nhất ước tính có khoảng 280 tấn vàng nguyên chất, 1,8 triệu tấn đồng và 20 tỷ tấn than, đặc biệt phải kể tới mỏ than Shivee Ovoo và Tavan Tolgoi giá trị lên tới 300 tỷ USD và 400 tỷ USD. Ngoài ra, mỏ vàng và đồng Oyu Tolgoi cũng có giá trị tương đương 300 tỷ USD.

Tuy nhiên, tiềm năng của tài nguyên Mông Cổ không chỉ dừng lại ở đó. Ước tính 4/5 diện tích đất chưa được thăm dò khai khác. Vì vậy mà hầu như mỗi ngày các phương tiện truyền thông lại mang đến tin vui về những khám phá về các mỏ mới. Theo dự đoán của giới chuyên gia, trong 10 năm tới, sản lượng khai thác đồng có thể tăng gấp đôi, quặng sắt tăng gấp ba, than tăng gấp 6 lần và vàng tăng 10 đến 13 lần.

Với nguồn tài nguyên này, Mông Cổ nhanh chóng trở thành “cục nam châm” hút đầu tư nước ngoài. Đầu tháng 7, tập đoàn Shenhua Trung Quốc thắng thầu nắm giữ 40% cổ phần khai thác mỏ Tavan Tolgoi, tập đoàn từ Nga nắm giữ 36% và Mỹ nắm 24% cổ phần. Tập đoàn khai thác mỏ Rio của Australia và công ty Ivanhoe Canada cũng đang tiến hành khai thác khoáng sản khu vực sa mạc Gobi của Mông Cổ.

Mông Cổ trở thành cục nam châm hút vốn đầu tư nước ngoài bởi có trữ lượng khoáng sản khổng lồ.

Do đó, có thể thấy rõ, tài nguyên là nhân tố chính cuốn hút các nước tiến gần hơn với Mông Cổ. Trong khi đó, Mông Cổ cũng có động cơ riêng trong công cuộc mời gọi đầu tư này.

Người dân Mông Cổ thường nói, quốc gia mình chỉ là con ngựa non bị kẹp giữa hai con voi, đó là Trung Quốc và Nga. Do nằm giữa Moscow và Bắc Kinh, để xuất khẩu nguồn tài nguyên khai thác được của mình, Ulan Bato luôn phải thỏa thuận với hai quốc gia này.

Mông Cổ có lãnh thổ rộng 1/6 diện tích châu Âu nhưng với dân cư ít ỏi khoảng 2,7 triệu người. Nói cách khác, hiện 1 người Mông Cổ phải đối trọng với 520 người Trung Quốc. Vì vậy, Ulan Bato luôn đề phòng con rồng Trung Quốc sẽ nuốt chửng Mông Cổ vào một ngày đẹp trời nào đó. Lo ngại này không phải không có cơ sở.

Theo ông J. Piter Morroi, Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp tư nhân Mông Cổ, người Trung Quốc đang tấn công trên mọi mặt trận, ở khắp mọi nơi họ tham gia xây dựng cầu, đường và cả việc khai khoáng. Rõ ràng, nếu Canada đã trở thành nơi cung cấp nguyên liệu cho Mỹ, thì Mông Cổ cũng giống Canada trở thành nơi cung cấp nguyên liệu cho Trung Quốc.

Hiện có 1.100 công ty Trung Quốc hoạt động tại Mông Cổ. Tất cả các nhà hàng ăn uống tại Mông Cổ hầu hết nằm trong tay người Trung Quốc. Một nửa số nhà máy dệt, kéo sợi và sản xuất lông dê mịn thuộc sở hữu của người Trung Quốc. Trong lĩnh vực công nghiệp thuộc da người Trung Quốc cũng chiếm ưu thế. Theo cách nói của Cục trưởng Cục Dự trữ nguồn tài nguyên Mông Cổ thì “tại Mông Cổ mỗi ngày có thêm một công ty mới của Trung Quốc đi vào hoạt động”. Công việc khảo sát, thăm dò khoáng sản của Mông Cổ cũng ngày càng nằm dưới sự kiểm soát của người Trung Quốc.

Trong khi đó, nền kinh tế Mông Cổ cũng đang lệ thuộc rất lớn vào nguồn cung điện năng của Nga. Mông Cổ chỉ sản xuất khoảng bốn tỷ kw/h điện năng hàng năm, chủ yếu dựa vào nguồn nhập khẩu từ láng giềng phía Bắc. Hiện quốc gia này nhập khẩu khoảng 90 % các sản phẩm dầu khí từ Nga. Sự phụ thuộc vào những nguồn cung cấp năng lượng từ Nga khiến Mông Cổ dễ gặp phải rủi ro, đặc biệt đây là nguyên nhân hàng đầu khiến giá cả leo thang chóng mặt.

Tình thế đó buộc Mông Cổ phải cân nhắc lại chính sách đối ngoại của mình nhằm giảm sự lệ thuộc vào Nga và Trung Quốc, theo đó, phương Tây là sự lựa chọn của Mông Cổ trong chiến lược mới nhằm giữ gìn độc lập, tự chủ này.

Mông Cổ cần tỉnh táo?

Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo, nếu không cẩn trọng, lãnh đạo Mông Cổ sẽ chẳng thể đạt được cả mục tiêu chính trị lẫn kinh tế. Theo họ, việc phụ thuộc quá nhiều vào những đồng vốn nước ngoài sẽ dễ dẫn đến sự lệ thuộc về chính trị. “Khả năng đến một ngày, những quyết định và sách lược của Mông Cổ sẽ do những chính trị gia nước ngoài quyết định, sẽ có thể xảy ra”, William Adams, một nhà phân tích tại London nhận định.

Ngoài ra, giáo sư Orolmaa Munkhbat, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu xã hội thuộc ĐH Quốc gia Mông Cổ cho rằng, hiện đa số người dân Mông Cổ vẫn phải sống trong cảnh nghèo khó. Nếu Chính phủ Mông Cổ không sáng suốt trong việc quản lý tài nguyên khoáng sản thì người dân sẽ không được hưởng lợi từ sự giàu có của đất nước mình. “Nếu không có quyết sách đúng đắn, tương lai Mông Cổ vẫn là một nước nghèo trên thế giới. Hãy nhìn sang châu Phi, nhiều quốc gia dù giàu tài nguyên khoáng sản nhưng vẫn là những nước nghèo”, ông Orolmaa Munkhbat nhấn mạnh.

Để trấn an quan điểm lo ngại này, Bộ trưởng Khoáng sản và Năng lượng Mông Cổ Dashdorj Zorigt khẳng định, Chính phủ Mông Cổ sẽ tập trung vào các lĩnh vực, từ khai thác khoáng sản đến giáo dục, y tế và nhà ở cho người dân. Tuy nhiên, ông Dashdorj Zorigt vẫn phải thừa nhận, Mông Cổ đang phải đối mặt với nguy cơ công nhân nước ngoài đổ vào nước này do không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ. Do đó, ông cho rằng, kế hoạch sắp tới của Chính phủ Mông Cổ là tập trung phát triển lực lượng lao động có tay nghề cao, có thể tự mình làm được các công việc mà hiện vẫn phải thuê nhân công nước ngoài.

Bên cạnh đó, nhà hoạt động xã hội Undram Chimed của Mông Cổ cho rằng, giới chức cần siết chặt biện pháp kiểm soát và giáo dục về tư duy khai thác khoáng sản một cách có trách nhiệm. Theo bà, nhiều công ty không tỏ ra chú trọng đến việc bảo vệ môi trường và sử dụng nhiều hóa chất bị cấm. Điều này có thể sẽ gây nên mối họa cho Mông Cổ.

Trà My (tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét