Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

“Hòa bình cho thời đại của chúng ta” – Neville Chamberlain

Các diễn văn làm thay đổi thế giới – “Hòa bình cho thời đại của chúng ta” – Neville Chamberlain

Neville Chamberlain (1869-1940) là Thủ tướng của nước Anh từ năm 1937 đến 1940. Ông được biết đến vì chính sách nhượng bộ của ông qua Hiệp định Munich (1938) đồng ý để Đức chiếm vùng Sudetenland của Tiệp khắc hầu tránh chiến tranh. Nhưng khi Đức tiếp tục tham vọng thống lãnh, xâm lấn Ba Lan, Chamberlain liền bãi bỏ chính sách nhượng bộ và lãnh đạo Anh quốc cùng với Liên minh Pháp chống lại Đức. Và Thế chiến thứ hai bắt đầu (1939-1945). Tám tháng sau, khi khối Liên minh buộc phải rút lui ra khỏi Na Uy, Chamberlain từ chức.

Chamberlain sanh ra ở Birmingham, Anh quốc. Ông là con của Joseph Chamberlain và là em cùng cha khác mẹ của Austen Chamberlain. Năm 1911, ông cưới Anne Cole, một người bà con xa qua quan hệ thông gia, và có với nhau hai người con, một trai, một gái. Ông được giáo dục ở trường Rugby và trường Đại học Khoa học Mason ở Birmingham.

Lúc đầu Chamberlain không có ý định tham gia chính trị. Nhưng sau đó đã theo gót cha và anh của mình để đi vào Quốc hội. Chamberlain được chọn làm thành viên của Quốc hội vào năm ông 49 tuổi. Năm năm sau ông được thăng chức làm Bộ trưởng sở Y Tế và sau đó là Bộ trưởng Tài chính. Năm 68 tuổi, ông thay thế Baldwin trở thành Thủ tướng khi Balwin về hưu.

Ngay sau khi nhậm chức Thủ tướng, ông đã thông qua một số Đạo luật cải cách mà được cho là vinh quang cuối cùng của sự nghiệp đời ông:

. Đạo luật Công xưởng 1937 để cải thiện điều kiện cho công nhân và giới hạn số giờ làm việc cho phụ nữ và trẻ em.

. Đạo luật Than 1938 để quốc hữu hóa các mỏ than.

. Đạo luật Lương bổng 1938 để cho công nhân một tuần nghỉ việc có lương và mở rộng trại nghỉ lễ và các nơi giải trí khác cho tầng lớp lao động.

. Đạo luật Thuê nhà 1938 để khuyên khích san bằng những khu nhà ổ chuột và kiểm soát việc tăng tiền thuê nhà.

Dự định tiếp theo của Chamberlain là cải cách chính quyền địa phương nhưng bị hoãn lại để phải đương đầu với cuộc chiến khủng khiếp nhất lịch sử phương Tây, Thế chiến Thứ hai.

Sau Thế chiến thứ nhất, 1918, Đức bị đánh bại nên bắt buộc phải ký Hiệp ước Hòa Bình Versailles, nhưng Đức không vì vậy mà từ bỏ tham vọng thống lãnh châu Âu. Chỉ một năm sau, Đức đã liên tiếp vi phạm nhiều quy định:

. Năm 1919, mặc dù Bộ Tổng Tham mưu đã được giải tán, nhưng Đức đã thành lập một tổ chức khác để tái tạo cách thành lập Quân đội và Không quân dựa trên kinh nghiệm của Thế chiến thứ nhất.

. Năm 1922, Đức và Liên Xô ký Hiệp ước Rapallo tại Ý để tái lập ngoại giao cam kết hợp tác trong tương lai.

. Năm 1932, Đức tuyên bố sẽ không còn tuân thủ vào quy định của Hiệp ước nữa.

. Năm 1935, Đức tái lập quân sự và lực lượng vũ trang.

. Năm 1935, Anh rút ra khỏi Hiệp ước và ký kết Hiệp ước Hải Quân Anh-Đức.
.
. Năm 1936, Đức tái lập quân sự trong vùng Rhineland.

. Năm 1938, Đức xâm chiếm nước Áo.

Cùng năm 1938, mục tiêu kế tiếp của Đức là chiếm vùng Sudetenland của Tiệp khắc, nếu Tiệp khắc không đồng ý, Hitler, quốc trưởng của Đức lúc bấy giờ, đe dọa chiến tranh. Chamberlain đã yêu cầu Hitler mở cuộc họp với Anh, Pháp và Ý để ký một Hiệp định tại Munich, chấp thuận cho Đức sáp nhập vào Sedetenland khiến Tiệp khắc không được một sự bảo vệ nào.

Nhưng Hitler đã không dừng lại, tháng ba năm sau, Đức chiếm toàn bộ Tiệp khắc. Sáu tháng sau, Đức xâm lược Ba lan. Đến lúc này, Chamberlain hợp tác với Liên minh Pháp tuyên bố chiến tranh. Thế chiến thứ hai bắt đầu!

Tám tháng sau, khi khối Liên minh bị đánh bại, phải rút lui khỏi Na Uy, mất sự ủng hộ của Đảng Lao động và Đảng Tự do, Chamberlain từ chức vì ông tin tưởng là điều thiết yếu để chính quyền Anh chọn lựa một người có sự tín nhiệm của cả ba Đảng, Lao động, Tự do, cũng như Bảo thủ. Churchill được chọn làm Thủ tướng và mong muốn Chamberlain trở lại ghế Bộ trưởng Tài chính. Nhưng Chamberlain đã từ chối cho rằng chức vụ này sẽ đem lại khó khăn cho đảng Lao động. Thay vào đó, ông nhận chức Bá tước Chủ tịch Hội đồng của Chiến tranh (Lord President of the Council of War).

Năm 1940, sáu tháng sau khi từ chức, Chamberlain qua đời vì ung thư ruột, hưởng thọ 71 tuổi. Lời cuối, ông viết cho John Simon, Bộ trưởng Tài chính dưới chính quyền của ông:

“Niềm hy vọng để làm vài việc nhằm cải thiện điều kiện sống cho dân nghèo đã dẫn tôi ở tuổi qua nửa đời người đi vào chính trị, và là điều thỏa mãn với tôi rằng tôi có thể thực hiện được vài phần của mong muốn đó, dù cho sự tồn tại của nó có thể bị thách thức bởi sự tàn phá của chiến tranh. Về phần còn lại, tôi không hối hận với bất cứ những gì tôi đã làm & tôi có thể thấy không điểu gì không làm mà tôi đã nên làm. Vì vậy tôi mãn nguyện chấp nhận số phận đã quá bất ngờ an bài cho tôi.”
(“[I]t was the hope of doing something to improve the conditions of life for the poorer people that brought me at past middle life into politics, and it is some satisfaction to me that I was able to carry out some part of my ambition, even though its permanency may be challenged by the destruction of war. For the rest I regret nothing that I have done & I can see nothing undone that I ought to have done. I am therefore content to accept the fate that has so suddenly overtaken me.”)

Bài diễn văn mà Chamberlain tin tưởng là “hòa bình cho thời đại” được phát biểu vào ngày 30 tháng 9 năm 1938 khi ông vừa bước xuống sân bay sau ba lần đến Munich để thương lượng với Hitler. Ông cầm tờ hiệp ước vẫy chào mọi người và được hân hoan đón tiếp như một người hùng. Nhưng không đầy một năm sau, Hitler gọi Hiệp định này là “một mảnh giấy vụn” (“a scrap of paper”), đúng như lời tiên đoán của Churchill lúc bấy giờ: “Anh quốc được cho sự chọn lựa giữa chiến tranh và nhục nhã. Nước này đã chọn nhục nhã và sẽ nhận lãnh chiến tranh.” (“England has been offered a choice between war and shame. She has chosen shame, and will get war.”)

Chính sách nhượng bộ sau thời Chamberlain cho đến bây giờ được cho là đồng nghĩa với chính sách nhu nhược, chứng tỏ sự hèn yếu của một quốc gia. Và cũng được dùng để biện hộ cho hành động cứng rắn thường đi đôi với vũ trang trong quan hệ quốc tế.

Chúng tôi, Quốc trưởng và Thủ tướng Đức và Thủ tướng Anh, đã có thêm một cuộc họp vào ngày hôm nay và công nhận rằng vấn đề quan hệ Anh-Đức là điều quan trọng hàng đầu cho hai quốc gia và cho châu Âu.

Chúng tôi xem thỏa thuận đã ký kết tối qua và Hiệp định Hải quân Anh-Đức là biểu tượng khao khát của hai dân tộc để không bao giờ đi đến chiến tranh với nhau nữa. Chúng tôi kết luận rằng phương pháp thảo luận nên là phương pháp được thừa nhận để đối phó với bất kỳ mọi vấn đề nào khác có thể ảnh hưởng đến hai quốc gia, và chúng tôi quyết tâm tiếp tục nỗ lực loại bỏ những nguyên nhân đưa đến khác biệt, và do đó góp phần vào việc đảm bảo hòa bình cho châu Âu.

Sau đó, trước tòa nhà số 10 đường Downing, ông tiếp theo:

Hởi những người bạn tốt của tôi, lần thứ hai trong lịch sử, một Thủ tướng Anh đã trở về từ Đức mang theo hòa bình trong danh dự.
Tôi tin rằng đây là hòa bình cho thời đai của chúng ta …
Hãy về nhà và hưởng một giấc ngủ bình yên.

We, the German Führer and Chancellor, and the British Prime Minister, have had a further meeting today and are agreed in recognizing that the question of Anglo-German relations is of the first importance for our two countries and for Europe.

We regard the agreement signed last night and the Anglo-German Naval Agreement as symbolic of the desire of our two peoples never to go to war with one another again. We are resolved that the method of consultation shall be the method adopted to deal with any other questions that may concern our two countries, and we are determined to continue our efforts to remove possible sources of difference, and thus to contribute to assure the peace of Europe.

Later, in front of 10 Downing Street, he added:

My good friends, for the second time in our history, a British Prime Minister has returned from Germany bringing peace with honour.
I believe it is peace for our time…

Go home and get a nice quiet sleep.

Diệu Sương dịch và giới thiệu

Nguồn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét