Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

Những thành phố đắt đỏ trên thế giới

(Tamnhin.net) - Cuộc sống đô thị là cuộc sống tiêu xài đắt đỏ, nhất là trong tình hình giá cả các mặt hàng thế giới tăng lên. Bởi vậy, muốn sống ở thành thị phải có tiền, nhất là ở các thành phố lớn được xếp hạng đắt đỏ nhất thế giới.

New York có tiếng là đắt đỏ ở Mỹ hiện xếp ở vị trí thứ 32

Công ty tư vấn đô thị Mercer của Mỹ ngày 12/8/2011 công bố kết quả điều tra “Giá cả sinh hoạt đắt đỏ của 214 thành phố lớn trên thế giới năm 2011”, trong đó có nhiều thành phố “mới trỗi dậy” ở các nước có tốc độ đô thị hóa cao. Công ty Mercer lấy giá cả sinh hoạt các mặt hàng của thành phố New York Mỹ làm “tiêu chuẩn so sánh” với giá cả sinh hoạt của các thành phố khác. Bởi vì New York từ trước tới nay được coi là đắt đỏ ở Mỹ.

Bảng xếp hạng thứ tự đắt đỏ từ cao tới thấp năm 2011 của các thành phố như sau:

1-Thủ đô Luanda của Angola ở Châu Phi


Trong 30 năm nội chiến khiến nước này kiệt quệ và dân chúng kéo lên thủ đô để lánh nạn làm cho sinh hoạt của thành phố này trở nên đắt đỏ, trong đó chủ yếu là giá nhà đất và giá thuê nhà. Theo thiết kế, thủ đô Luanda chỉ chứa nổi 500.000 người, nhưng nay tới trên 5 triệu dân, nên nhu cầu nhà ở tăng lên và giá cả theo đó cũng tăng lên. Giá thuê căn hộ 2 phòng ở Luanda tới 7.000 USD. Giá nhà đất chiếm tỉ lệ rất cao trong sinh hoạt phí hàng tháng của dân chúng thành phố này.

2- Tokyo thành phố đắt đỏ nhất châu Á


Giá cả sinh hoạt của Tokyo tăng lên trong năm 2011 chủ yếu do hai nguyên nhân là do đồng yên tăng lên so với đồng USD và giá cả mặt hàng tiêu dùng tăng lên sau thảm họa động đất và sóng thần hồi tháng 3/2011. Trong thời gian qua, tỉ giá của đồng yên so với đồng USD tăng 9%, do động đất nên giá cả hầu hết các mặt hàng sinh hoạt đều tăng vì Nhật Bản nhập khẩu là chủ yếu. Đây là nguyên chính khiến thủ đô Tokyo trở thành thành phố đắt đỏ nhất châu Á và xếp thứ hai trên thế giới.

3-Thủ đô Ndjamena của Cộng hòa Chad ở Châu Phi đứng thứ ba


4- Thủ đô Mátxcơva đắt đỏ nhất châu Âu


Kể từ khi tiến hành cải cách và mở rộng cửa với bên ngoài, Mátxcơva trở thành điểm đến của các nhà đầu tư, nên giá nhà đất và sinh hoạt theo đó tăng lên. Thời gian qua do lạm phát tăng cao tới 10%, nên giá thực phẩm theo đó cũng tăng thêm như giá thịt bò cao hơn 40% so với New York. Giá nhà ở Trung tâm thành phố tới 20.000 USD/một mét vuông, đắt thứ hai sau thành phố Monte Carlo của Monaco. Tuy nhiên, giá bánh mì và mì ăn liền (fastfood) của Matxcova vẫn giữ giá thấp nhằm đảm bảo đời sống cho những hộ bình dân. Giá bánh mì của Mátxcơva chỉ bằng 1/5 giá bánh mì của Pari (Pháp).

5- Geneva đắt đỏ nhất Trung Âu


Thụy Sĩ có hai thành phố là Geneva xếp thứ 5 và Zurich xếp thứ 7. Công ty tư vấn đô thị Mercer cho biết dân Thụy Sĩ được hưởng phúc lợi rất cao, nhưng giá cả sinh hoạt cũng rất cao. Giá thuê nhà, giá ôtô, lương thực thực phẩm, văn phòng phẩm, đồ gia dụng... đều cao hơn từ 26% tới gần 30% so với các nước Pháp, Đức, Italia. Chính vì vậy mà không ít người dân Thụy Sĩ thường sang các nước láng giềng mua đồ về dùng.

6- Hong Kong đắt đỏ nhất châu Á đại lục


Trung Quốc có 3 thành phố là Hong Kong xếp thứ 9, Bắc Kinh đứng thứ 20 và Thượng Hải xếp thứ 21 đều đắt đỏ hơn thành phố New York.

Giá sinh hoạt đắt đỏ của các thành phố chủ yếu do giá nhà đất, lương thực thực phẩm cao thì ở Hong Kong vẫn luôn nổi tiếng trên thế giới là “cái gì cũng đắt” và danh hiệu này có lẽ không bao giờ mất đi, vì ở Hong Kong cái gì cũng phải nhập khẩu. Giá thuê nhà ở Hong Kong luôn đắt đỏ vào bậc nhất thế giới. Giá căn hộ loại rẻ nhất một square foot (0,09 m2) là 10.000 HK$ (1.250 USD), loại trung bình từ 30.000 HK$ tới 50.000 HK$, loại hào hoa tới trên 60.000 HK&. Giá căn hộ 50 mét vuông loại bình thường ở Hồng Công là 3 triệu HK$ (khoảng 375.000 USD). Chính vì vậy mà chỉ có những người có mức sống khá giả trở lên mới có khả năng mua nhà, còn lại hầu hết dân thường có thu nhập từ 7.000 HK$ - 12.000 HK$ ở Hồng Công đều không có khả năng mua nhà mà chỉ thuê nhà. Giá thuê nhà chiếm gần hết tiền lương của họ.

Báo cáo của Công ty tư vấn đô thị Mercer viết đáng lưu ý là sinh hoạt phí của hai thành phố Bắc Kinh và Thượng Hải trước đây tương đối rẻ, nhưng giờ đây giá sinh hoạt đắt đỏ đã xếp ở vị trí thứ 20 và 21 trên thế giới, vượt cả New York có tiếng là đắt đỏ ở Mỹ hiện xếp ở vị trí thứ 32. Thời gian qua tình trạng lạm phát ở Trung Quốc tăng cao, đồng tiền mất giá, nên dân chúng ở hai thành phố này nói họ phải “cố gắng bơi trên giá cả”.

Báo cáo cho biết sở dĩ sinh hoạt phí ở nhiều thành phố tlớn trên thế giới tăng cao trong năm 2011 là do giá cả các mặt hàng, nhất là xăng dầu, lương thực thực phẩm, nguyên vật liệu xây dựng tăng cao đã tác động trực tiếp làm giá sinh hoạt theo đó cũng tăng theo. Có thể nói đã qua rồi “Thời kỳ giá rẻ” ở các thành phố lớn trên thế giới, giá sinh hoạt đã vượt lên trần mới thì khó có thể hạ thấp thời gian tới.

Kiều Tỉnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét