TIỂU CHIÊU: NÀNG IPHIGENIA CỦA KIM DUNG
Tặng con gái Liêu An
Phái mày râu thường chê phụ nữ là hẹp hòi, nông cạn : ”Đàn ông nông nổi giếng khơi, đànbà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Nhưng lịch sử nhân loại, và ngay trong cuộc sống đời thường, cho chúng ta thấy những khi đại cuộc gặp cơn khốn quẫn hay gia đình gặp cảnh ba đào cần đến sự hy sinh để cứu vãn tình thế bế tắc, thì chính phụ nữ mới thường là người tiên phong tự nguyện. Dường như Thượng Đế đã ban cho họ lòng vị tha nhẫn nhục để hướng đến hy sinh, nếu điều đó đem lại bình yên cho người mà họ yêu thương. Phái nam chúng ta cứ quen thói bốc phét huênh hoang về phận mày râu, mà không bao giờ lường hết được tầm mênh mông trong những sự hy sinh thầm lặng đó.
Nguyễn Du đã vì Thúy Kiều mà đem hết tài hoa để dựng lên một tòa tân thanh lặng lẽ giữa bể dâu. Và mười lăm năm luân lạc của nàng đã đem lại cho đời hằng sa ẩn ngữ. Hơn hai ngàn năm trước, nàng Chiêu Quân Trung Quốc ôm tâm sự hận sầu ngược về phương Bắc để gá nghĩa với Hung Nô, và hơn một ngàn năm sau, công chúa Huyền Trân nước Việt lại âm thầm giọt lệ để xuôi về phương Nam ngàn dặm. Hai phương trời, hai tâm sự và cách biệt nhau hơn cả ngàn năm, nhưng cái thê lương đau xót chỉ là một. Đâu phương cố hương? Nào trời cố quận? Quay đầu nhìn lại chỉ thấy mênh mông mây trắng, và ở chốn xa xôi kia là quê hương vĩnh viễn không thể quay về. Mây nước mịt mùng, ngàn dặm tha hương, kẻ anh hùng còn chết điếng cả ruột gan, huống gì phận đào tơ liễu yếu? Rượu có thể tạm đốt cháy đi nỗi sầu cô lữ, nhưng lấy gì để an ủi khách má hồng?
Thần thoại Hy Lạp kể rằng vua Agamemnon đem đại binh tham gia cuộc viễn chinh đánh thành Troie, đoàn chiến thuyền bị gió bắc đánh dạt vào một bến cảng. Nghe lời một nhà tiên tri, nhà vua buộc lòng phải hiến đứa con gái yêu của mình là Iphigenia cho nữ thần Artemis làm người hầu để cứu vãn tình thế. Thần lại cho gió nổi lên, đoàn quân lại hân hoan giương buồm thẳng tiến, nàng Iphigenia kiều diễm đành một mình ở lại vùng Aulis xa lạ để làm trinh nữ thờ phụng thần linh. Vì đại cuộc, vâng lại vì đại cuộc (!), phận nữ nhi lại phải hy sinh. Chiến binh các người hay cứ huyên hoang cùng máu lửa nơi chiến trận, và không bao giờ nghĩ đến nỗi se sắt lạnh của lòng ta. Từ đây, ngày ngày ta sẽ là nữ tư tế để chăm sóc đền thờ của Nữ Thần bất tử. Được bao người kính trọng, được gần gũi với cõi bất tử, nhưng đó là cõi bất tử không có tình yêu đôi lứa và sẽ cực hình cho người con gái đang sống với những “reo ái tình trong nhịp máu phân vân” (X.Diệu). Cho nên Nguyễn Triệu, Lưu Thần phải bỏ cảnh thần tiên để quay về trần giới. Cõi trần gian bụi bặm không thể sánh bằng chốn Bồng Lai nhưng, giữa cõi tam thiên đại thiên thế giới, đây là nơi duy nhất ta được sống trọn vẹn với bi hoan ly hợp của tình yêu, trong tủi nhục ta tìm thấy vinh quang và trong đau khổ ta tìm ra hạnh phúc.
Cái tâm sự hận sầu đau đớn đó của một trinh nữ của trời xưa Hy Lạp lại hiện ra một lần nữa trong tâm sự của Tiểu Chiêu. Hồn Hy Lạp xưa lại về vây phủ Ỷ Thiên Đồ Long Ký! Nếu có ai hỏi trong tất cả các tác phẩm của Kim Dung, người con gái nào xuất hiện ít nhất nhưng mang tâm sự thê lương nhiều nhất, thì chúng ta có thể trả lời không ngần ngại rằng đó là Tiểu Chiêu. Mẹ nàng – Kim Hoa Bà Bà- là trinh nữ được Minh giáo Ba Tư cử sang Trung Quốc để tìm cho ra bí cấp trấn giáo là Càn Khôn Đại Nã Di Tâm Pháp. Người đàn bà được giang hồ tôn xưng là đệ nhất mỹ nhân đó đã nửa đường vướng lụy, nhiệm vụ lớn chưa thành thì đứa con gái là Tiểu Chiêu đã ra đời. Và như thế là phạm tội chết đối với luật lệ nghiêm khắc của Minh giáo Ba Tư. Đứa con gái xinh đẹp kia vừa lớn lên đã phải thay mẹ nối tiếp nhiệm vụ thiêng liêng, để mong chuộc lỗi lầm (?) cho mẹ; chỉ có thế mới mong tìm được một con đường quay về cố quốc. Nàng phải hóa trang gương mặt xấu xí và vờ lạc giữa vùng hoang mạc để cho vị Quang Minh Tả Sứ của Minh Giáo là DươngTiêu đem về làm người hầu cho cha con ông. Chỉ có thế nàng mới đặt chân vào được Quang Minh đỉnh -vùng thánh địa của Minh Giáo - để âm thầm dò xét chỗ dấu bí cấp. Một cô gái xinh đẹp dòng dõi quyền quý mà phải đóng vai một con hầu để người ta sai khiến mắng chửi nghĩ cũng não lòng lắm thay. Cơ duyên dun dủi cho nàng và Trương Vô Kỵ tìm được bí cấp Càn Khôn Đai Nã Di viết trên một tấm da dê, trong một đường hầm. Nàng phải dùng máu mình thấm vào tấm da dê cho chữ hiện ra và dịch bản tâm pháp đó sang tiếng Trung Quốc để giúp Vô Kỵ, phối hợp với Cửu dương thần công, luyện thành bản lĩnh vô địch. Người con trai chân chất vô tâm về từ Băng hỏa đảo đó đã gieo trong lòng nàng bao ước mơ thầm kín, sau những tháng ngày chỉ biết chịu tủi nhục vì trách nhiệm và bổn phận. Mang tâm pháp về cố quốc Ba Tư để được tôn vinh là nữ thần gìn giữ Lửa Thiêng, hay để tâm pháp lại nơi Trung Thổ? Xưa kia, mẹ đã nửa đường đứt gánh, thì giờ đây con cũng xin đứt gánh nửa đường cho trọn nghiệp của chữ yêu. Người con gái đã cúi đầu quy phục tiếng nói của trái tim, và dĩ vãng lại bắt đầu! Quê hương Ba Tư đành xem như đã ngàn trùng sương khói. Thôi thì ta xin chọn quê hương là đây, là nơi có người mà ta yêu đang sống. Làm thê thiếp không được thì làm người hầu cũng tốt, làm tôi tớ cũng xong, miễn sao được trọn đời gần gũi chàng để sửa túi nâng khăn. Cho dù nước chảy có vô tình, nhưng hoa rơi lại hữu ý, cho nên hoa cứ hân hoan đợi chờ đến ngày nước cảm nhận được lòng hoa.
“Thần tiên gãy cánh đêm xuân, bước lạc sa xuống trần, làm tình nhân đứng giữa trời không khóc mộng không thành… Đường về quê xa lắc lê thê trót nghe theo lời u mê” (Tình khúc thứ nhất-Nguyễn Đình Toàn). Đúng là đường về quê xa lắc lê thê, nhưng không có lời nào khiến ta u mê cả, mà ta chỉ u mê bởi tiếng lòng đang say đắm mà thôi. Làm thần tiên mà chi nếu như người yêu còn ở nơi hạ giới? Tấm lòng đó trong thiên hạ có được bao người, và đã tô diểm thêm cho cõi đời biết bao là hương sắc?
Minh giáo Ba Tư lại đi phái sứ giả tìm người trinh nữ ngày xưa, giờ đây đã là Tỷ sam Long vương, một trong Tứ đại hộ pháp của Minh giáo Trung Quốc. Người con gái phải thay mẹ để chuộc lại lỗi lầm (?) xưa với bản giáo, với quê hương và chính là để giải cứu nhóm Trương Vô Kỵ đang bị đoàn tàu của sứ giả Ba Tư vây khốn giữa đại dương. Nàng quyết tâm hy sinh mối tình đầu vừa chớm nở để theo đoàn sứ giả quay về quê cũ làm thánh nữ của Bái hỏa giáo Ba Tư. Nếu được chết để giải cứu chàng ư? Điều đó quá dễ và hạnh phúc biết ngần nào. Người sẽ vì người yêu mà hân hoan chịu chết, để mộng đầu thành tựu trong kiếp lai sinh. Nếu như có chút ích kỷ thì nàng sẽ cùng Trương Vô Kỵ chống cự quyết liệt đến cùng để đại dương sẽ là nấm mồ cho tất cả. Như vậy là thành toàn tâm nguyện : được chết chung bên cạnh người yêu. Nhưng không, tình chân chính đầu đời luôn khiến con người hướng thượng. Vì sao Thùy Kiều lại sẵn sàng hy sinh trong khi Thúy Vân vẫn hồn nhiên đến mức ù lì vô cảm? Đặt ra câu hỏi là đã tự tìm được lời giải đáp. Cho nên nàng Iphigenia của Kim Dung đã quyết định hy sinh là phải sống để giải cứu bạn tình chung. Sống, nhưng còn thê lương hơn là chết. Bước lên ngôi thánh nữ là bước vào cõi địa ngục của thanh xuân. Về lại chính quê hương nhưng lại mang nặng nỗi sầu viễn xứ! Quay về cố quốc lại chính là cuộc ra đi biền biệt trong đời. Biển sóng mênh mông có chứng giám được tấm lòng kiều nữ?
Đi là đi mãi phải không em?
Ước nguyện mai sau có vẹn tuyền?
Nước có ngân lời hoài vọng cũ?
Gởi về cây bóng lá sơ nguyên?
(Bùi Giáng)
Vâng, kể từ đây đi là đi mãi. Nàng không được hạnh phúc như A Châu là gục chết trong tay người yêu để hình ảnh trở thành bất tử. Kể từ đây, nơi phưong trời Ba Tư xa xôi ấy, suốt đời nàng, lửa sẽ bừng reo trong nghi lễ trang nghiêm, và sẽ có vạn ngàn tín đồ cúi đầu trước nàng để tôn vinh vị nữ thần của Lửa. Thần Lửa cần đến trinh nữ để giữ gìn cho ngọn lửa được thanh khiết đến thiên thu. Lửa muôn kiếp bừng reo, Lửa ngàn đời bùng cháy. Nàng phải đốt cháy cả tuổi xuân say đắm bên ngọn lửa thiêng, trong khi chỉ muốn làm một nữ tỳ thấp hèn để được trọn đời sống một đời bình dị. Ngọn lửa thiêng thanh khiết kia có làm mờ nỗi hình ảnh ngậm ngùi của buổi chia ly trên sông nước? Nước có ngân lời hoài vọng cũ? Hỏi phương nào còn xanh mãi bóng lá sơ nguyên? Thôi thì xin gởi lời ca vào trong mây nước để dư âm còn đồng vọng ngàn đời trên sóng gió trùng khơi. Gió sẽ mang lời ca lên Quang Minh đỉnh để “gởi về cây bóng lá sơ nguyên”. Dẫu nơi đó không có màu nguyên sơ của bóng lá, thì nơi đó màu xanh của thời gian đã ngưng kết trong tâm tưởng. Dường như tiếng hát là lời kinh siêu độ cho những người phụ nữ chết trong sầu hận, cho nên trước khi chết vì lưỡi gươm tàn nhẫn của Lâm Bình Chi, Nhạc Linh San vẫn hát bài Phúc Kiến sơn ca; trước khi dưới đôi tay oan nghiệt của Othello, Desdemona của Shakespeare vẫn cất tiếng hát bài ca thùy liễu. Lời ca thay cho tiếng lòng nên quá đỗi thiết tha:
The poor soul sat sighing by a sycamore tree,
Sing all a green willow;
Her hand on her bossom, her head on her knee.
Sing willow, willow, willow;
The fresh streams ran by her, and murmur’d her moans,
Sing willow, willow, willow;
Her salt tears fell from her and softn’ed the stones;
Sing willow, willow, willow
(Shakespeare, Othello, Act 4, Scene 3)
(Mảnh linh hồn đau khổ ngồi thở than bên gốc tiêu huyền. Liễu rủ ơi,liễu rủ ơi, ngàn liễu rủ xanh reo. Tay ôm ngực, nàng gục đầu trên gối. Liễu rủ ơi, liễu rủ ơi, liễu rủ xanh reo; Những dòng suối mát chảy bên cạnh nàng, và thì thầm lời than vãn. Liễu rủ ơi, liễu rủ ơi, liễu rủ xanh reo; giòng nước mắt mặn đắng kia đã làm mềm sỏi đá. Liễu rủ ơi, liễu rủ ơi, liễu rủ xanh reo)
Đó chẳng phải là nỗi lòng Tiểu Chiêu đấy ư? Không liễu rũ xanh reo mà là lửa hồng reo rực cháy; không là tử biệt nhưng phải sinh ly. Chia tay để vĩnh viễn đi vào cõi cô đơn giá buốt. Những giọt nước mắt nàng rơi giữa đại dương có làm mềm sỏi đá? Và thử hỏi cái nào mặn hơn : nước đại dương hay nước mắt Tiểu Chiêu?
THỂ ĐIỆU TRÔNG TRỜI
Trời rất cao, đất rất sâu. Trời che và đất chở con người. Đất gần gũi con người vô kể, đất nuôi sống con người và mở rộng vòng tay để đón nhận con người ở cuối chu kỳ sinh tử trong “một cõi đi về”. Nhưng tâm lý con người thường thích cái mình nghe hơn cái mình thấy, do đó con người thường coi trọng cái ở xa hơn cái ở gần. Cho nên sống trong đời, hễ ai có điều gì oan ức, khổ đau, bế tắc đều ngước nhìn trời cao để tra hỏi hoặc để thở than. Như đứa con lạc lõng muốn tìm đến với vòng tay của mẹ cha để tìm một nơi nương tựa. Nhưng trời cao, hay đúng hơn là bầu trời, thì thay đổi luôn luôn, khi thì mênh mông mây trắng, khi thì cuồn cuộn mây đen, lúc thì trong xanh bát ngát. Cho nên nhìn trời cũng có nhiều thể cách. Đối với người xưa, hoặc với những người nay chưa mất đi cái tâm hồn trẻ thơ của “xích tử chi tâm”, thì cái thế giới ẩn khuất sau ngàn mây mênh mông đó vẫn luôn là cái thế giới ảo huyền rất mực. Đó là nơi của thần tiên tụ hội, của vĩnh phúc rưới chan, là chốn của sấm sét ra oai, của mưa cuồng gió dữ.
Người xưa nhìn trời để nghiệm ra lẽ biến hóa của vũ trụ. Sáu mươi tư quẻ của kinh Dịch ra đời từ đó. Trời là nguyên lý Dương, rât cương mãnh, biến hóa theo con rồng huyền ảo của phương Đông. Đó cũng là nguyên lý của Hàng Long Thập Bát Chưởng.
“Trông trời, trông đất trông mây, trông mưa trông gió trông ngày trong đêm, trông cho chân cứng đá mềm, trời êm biển lặng mới yên tấm lòng”. Đó là cách trông trời với tâm trạng băn khoăn lo lắng của người nông dân khi sản xuất. Đất nuôi dưỡng con người thật đấy, nhưng còn tùy trời, tùy những cơn hỷ nộ không thể lường trước của trời. Nên phải nhìn trời để …. tùy trời!
Đức Phật Thích Ca ngồi thiền định dưới gốc bồ đề, ngước nhìn trời, thấy sao mai mà hoát nhiên đại ngộ, thành tựu thần thông du hý, vượt qua cõi sinh tử luân hồi, mở đầu cho 49 năm thuyết pháp hóa độ chúng sinh. Đó là cách nhìn trời của bậc Toàn Giác.
Đức Chúa Jésus Christ, khi bị đóng đinh lên cây thập giá, đã ngước lên trời mà kêu “Chúa ơi, sao Ngài lại bỏ con? ” (Mon Dieu, mon Dieu, pourquoi tu m’abandonné?). Chính cái ngước nhìn và lời kêu ấy là sợi dây thần thánh nối kết Thiên Đường với trần thế, để con người tin vào ngày Phán Xét Cuối Cùng. Đó là nhìn trời của một đấng Cứu Thế muốn cứu chuộc trần gian.
Đức Khổng Tử nhìn trời để thấu đạt lẽ biến hóa của vũ trụ, rồi lại ỡm ờ với đệ tử “Thiên hà ngôn tai! Thiên hà ngôn tai!” (Trời có nói gì đâu! Trời có nói gì đâu!). Thực ra ý ngài muốn nói : ”Trời có nói nhiều đấy, nhưng đâu là đôi tai để nghe ra?”. Từ đó, ngài bắt đầu cuộc chu du khắp đất Trung Hoa. Đó là cuộc chu du kỳ bí nhất trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc, phát xuất từ cách nhìn trời của bậc thượng trí vô sư tự ngộ.
Khuất Nguyên nhìn trời để hỏi cho ra những điều bí ẩn của tự nhiên, bằng bài thơ Thiên vấn (Hỏi trời). Đó là cách nhìn trời của một tâm hồn đăm chiêu tư niệm.
Nhà thơ Nguyễn Du lúc tuổi chưa tới ba mươi mà đầu đã bạc trắng, nhiều phen ngửa mặt nhìn trời than thở : ”Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên, hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên”. (Tráng sĩ bạc đầu buồn bã nhìn trời, hùng tâm và cuộc sống cả hai đều mờ mịt). Và “Cổ kim hận sự thiên nan vấn, phong vận kỳ oan ngã tự cư” (Những nỗi hận xưa nay khó lòng hỏi trời, những mối oan khiên kỳ lạ do nết phong nhã gây ra, ta tự mang cả vào mình - Độc Tiểu thanh ký). Đó là cách nhìn trời của một Nghệ Sĩ Bồ Tát đem khối Bi Tâm lịch hành hết cõi dâu bể tang thương, để ngậm ngùi với “Hồi thiên uổng bảo phục Lê tâm” (Hoài công ôm tấc lòng trung muốn khôi phục triều Lê), đúng như lời vịnh của ông Trương Cam Vũ.
Nhượng Tống, khi dịch Nam Hoa kinh của Trang Tử, bảo : “Tôi sinh ra là con nhà nghèo, mắt vẫn thường nhìn xuống đất…Nhưng nhìn xuống như thế mãi, nhiều lúc chợt thấy mỏi cổ … cho nên bất chợt cũng đòi phen ngửa mặt trông trời….Trông trời thì trời rộng vô cùng mà xa cũng vô cùng.. và cảm thấy tấm thân mình vô cùng nhỏ bé, vô cùng tạm bợ … Chừng ấy, tôi phải mượn sách vở để làm khuây”59. Nhìn trời để thấy hết được cái bao của vũ trụ, rồi nương vào Nam Hoa kinh để đi vào tận ngọn nguồn của tâm linh và khám phá cho ra cái bí ẩn của vô cùng. Đó là cách nhìn trời của một tâm hồn thông tuệ.
Nhà thơ Hàn Mặc Tử nhìn trời để kêu gào : ”Trời hỡi bao giờ tôi chết đi, bao giờ tôi hết được yêu vì? Bao giờ mặt nhật tan thành máu, và khối lòng tôi cứng tợ si? ”. Đó là cách trông trời của người đã sống tận cùng trong nỗi khổ đau và cô độc
Thi sĩ trung niên Bùi Giáng thì cà rỡn khi đặt “bà trời trắng” ngồi bên cạnh “ông trời xanh”. Sau những cuộc đối thoại thất vọng lẫn ngậm ngùi trong cõi thi ca và tư tưởng, ông đã mở ra cuộc rong chơi thù thắng bất tận trong ngôn ngữ với tác phẩm “Ngày Tháng Ngao Du” và không chịu ngó trời, nhưng đến Ngày Thứ Hai Mươi Lăm trong tác phẩm thì lại muốn “Tôi sẽ ra đi bỏ lại đời. Mỹ Tho Mỹ Thọ Sóc Trăng ơi, Mỹ Thỏ muôn đời là Sóc Trắng, Gái mặc quần ra đứng ngó trời” 60! Để “gái mặc quần ra đứng ngó trời”, đó là cách nhìn trời cắc cớ của một tâm hồn tài hoa thượng đạt, muốn xỏa lộng ngữ ngôn.
Trong tác phẩm của Kim Dung, Tạ Tốn là người nhìn trời nhiều nhất, khi cùng vợ chồng Thúy Sơn - Tố Tố lênh đênh trên biển cả; nhưng không phải để trầm tư mà để nguyền rủa, chửi bới vì không chịu chìu theo ý mình. Cái “lão tặc thiên” đó đã bao phen bị Tạ Tốn vùi xuống tận đất đen, giá như ông ta ở gần trong cõi người ta thì ắt hẵn đã bị Kim Mao Sư Vương dùng cây đao Đồ Long phân thây thành muôn đoạn. Đó là cách nhìn trời để trút hết cơn thịnh nộ giữa cảnh ba đào, của con hùng sư chọc trời khuấy nước. Trời Đất đã cùng nhau dậy cơn thịnh nộ thì ta cũng nổi trận cuồng điên để hòa theo tiết điệu Tam Tài : Thiên Địa Nhân!
Quách Tỉnh nhìn chòm sao Bắc Đẩu mà lĩnh hội thêm yếu quyết về võ học. Có nhân vật của Kim Dung không thể không nhìn trời, nhưng lại là cách nhìn cắc cớ, đó là Âu Dương Phong phải lộn ngược đầu để đi, kết quả của việc luyện công sai lầm dẫn tới tẩu hỏa nhập ma.
Khi nhóm Nhậm Ngã Hành, Nhậm Doanh Doanh và Hướng Vấn Thiên bị vây trên chùa Thiếu Lâm, thì trận đấu thứ ba giữa Lệnh Hồ Xung và Xung Hư là trận quyết định để cả bốn người được tự do xuống núi. Vị đạo trưởng chưởng môn phái Võ Đang phải đăm chiêu nhìn trời rất lâu để tìm cách phá giải kiếm thuật của Lệnh Hồ Xung, và cuối cùng lắc đầu chịu thua. Ông trời cũng đành bất lực trước tuyệt chiêu của Độc Cô cửu kiếm! Chính điều đó đã khiến Nhậm Ngã Hành tăng thêm nửa phần bội phục đối với vị chưởng môn kiếm thuật trùm đời, và đưa ông vào cùng danh sách với Phương Chứng đại sư, Phong Thanh Dương và Đông Phương Bất Bại.
Có vô vàn thể cách nhìn trời, nhưng có người lại ương bướng không chịu nhìn trời, ngay lúc sinh tử cận kề, dù cái tên có nghĩa là ngước hỏi trời : đó là Hướng Vấn Thiên, vị Tả sứ của Nhật Nguyệt Thần Giáo. Cũng đúng thôi, biệt hiệu của ông ta đã là Thiên Vương Lão Tử, cũng giống như Tề Thiên, cùng trời ngang cấp thì hà cớ gì phải nhìn trời? Hình ảnh của vị Tả sứ mặc áo bào trắng với đôi tay bị trói vẫn trầm tĩnh uống rượu tại lương đình giữa vòng vây của hai phe Hắc Bạch đã dự báo được tính tình cao ngạo cổ quái và tâm cơ siêu tuyệt của ông ta. Khác với Quang Minh tả sứ Dương Tiêu quý phái và hơi màu mè, khi nhận ra con gái là Dương Bất Hối, đã ngữa mặt lên trời hú vang động cả rừng thu, khiến lá vàng ào ào rơi rụng, vị Hướng hữu sứ hành sử đúng theo thể điệu thô hào của giới giang hồ : buồn buồn có thể xơi tái một kẻ địch để giải quyết cái bụng đói, ngang nhiên uống rượu cùng Lệnh Hồ Xung trước khi mở trận đấu sinh tử!
Ấy là cái ngang bướng của kẻ không chịu “hướng vấn thiên”!
Mỗi người nhìn trời một kiểu theo từng thân phận và từng tâm trạng. Còn chúng ta, có bao giờ chúng ta “hướng vấn thiên”? Và chúng ta có tìm được gì nơi bầu trời xanh lơ thăm thẳm?
HUYỀN NGHĨA VÔ DANH TĂNG
Trong đời, có lẽ không có gì đáng ghê người bằng hình ảnh ngọ nguậy của con sâu, và không có gì đẹp bằng hình ảnh phất phới bay của con bướm màu sặc sỡ. Nhưng hai con chỉ là một từ trong bản chất. Đó là điều huyền mật nhất giữa trần gian. Sinh tử hoà nhập với Niết bàn, tội lỗi trộn lẫn với thanh cao, giác ngộ ẩn tàng trong vô minh, bóng tối chan hòa cùng ánh sáng, tất cả đều chỉ là một. Chỉ có các bậc chân nhân, như vị vô danh tăng trong Thiên long bát bộ, mới nhận ra và âm thầm thể hiện được huyền nghĩa đó giữa cuộc sống bình nhật đời thường.
Nếu tác phẩm Kim Dung luôn đưa người đọc đến chỗ bất ngờ, và xem đó là một yếu tố hấp dẫn trong truyện, thì có lẽ sự xuất hiện lặng lẽ của vị tăng vô danh trong Tàng Kinh Các là điều bất ngờ nhất trong tất cả mọi sự bất ngờ. Một vị tăng già không tên tuổi, suốt tháng quanh năm chỉ làm một công việc bình dị tầm thường là quét dọn Tàng Kinh Các, lại hiện thân như một vị Bồ Tát giữa trần gian, hoá giải ân cừu giữa hai nhân vật kiêu hùng tuyệt đỉnh của võ lâm : Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn. Một kẻ lén nhập vào Tàng Kinh Các xem trộm bí kiếp võ công, khổ luyện để mong khôi phục lại nước Đại Yên. Một kẻ ẩn náu trong Thiếu Lâm tự học trộm võ thuật để mong chuyện báo thù. Trong Tàng Kinh Các tưởng chừng như lặng lẽ kia đã ẩn tàng biết bao nhiêu sóng gió. Những cuốn kinh Phật từ bi đầy những điều siêu huyền uẩn áo bỗng nhiên biến thành phương tiện cho tham vọng và cừu hận. Mà dường như chính cõi đời này được sai sử bởi hai động cơ trên, nên mới cứ mãi chảy trôi theo một quĩ đạo vô cùng điên đảo.
Ai đã từng đọc Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung ắt hẵn không thể quên được hình ảnh vị tăng vô danh đó trong Tàng Kinh Các. Chỉ xuất hiện một lần duy nhất, như cô gái áo vàng ở Chung Nam Sơn (Ỷ Thiên Đồ Long Ký) - nhưng để lại một ấn tượng không thể phai nhoà : điều hoà ân oán thị phi, cứu vãn tình thế đã đi đến chỗ bất khả vãn hồi, đem Phật pháp thâm diệu cảnh tỉnh cho những tâm hồn cuồng điên trong hận cừu và tham vọng.
Kim Dung đã xây dựng nên nhiều nhân vật xuất hiện rất bình thường, mỗi người mỗi vẽ, nhưng lại rất bất ngờ về thân phận. Đó là một Mạc Đại tiên sinh, dưới dạng một ông lão quê mùa, ngồi đàn ca và nhận tiền bố thí trong quán nước. Đó là một Xung Hư đạo trưởng trong y phục luộm thuộm rách rưới của một ông lão cưỡi lừa dưới chân núi Võ Đang. Đó là một Phong Thanh Dương nhợt nhạt như người bệnh, bất ngờ hiện ra sau câu nói của Điền Bá Quang, trên đỉnh Hoa sơn. Nhưng đối với các nhân vật đó, thì ít ra Kim Dung cũng chuẩn bị một bối cảnh lót đường, để người đọc đoán ra phần nào thân phận của họ. Đường kiếm tinh ảo của ông lão nhà quê trong quán nước chém đứt miệng bảy chén trà đã để lại tấm "danh thiếp" của vị chưởng môn phái Hành sơn, sau khi ông bỏ ra đi. Tiếng thở dài khinh bỉ kiếm pháp Hoa sơn, khi nhìn Lệnh Hồ Xung giao đấu với Điền Bá Quang, đã giúp người đọc khẳng định được ngay ông lão trông nhợt nhạt như cái thây ma trên đỉnh Hoa sơn đó, chính là Phong Thanh Dương - một cao nhân tuyệt đỉnh về kíếm thuật. Đối với Xung Hư thì Kim Dung chuẩn bị kỹ càng hơn. Trước khi cùng Xung Hư so kiếm dưới chân núi Võ Đang, Kim Dung đã bố trí cho Lệnh Hồ Xung tỉ thí với hai cao thủ của Võ đang trong vai hai đại hán gánh củi gánh rau. Nhưng đó mới chỉ đoạn nhạc dạo, một khúc "khai tấu" cho bản "giao hưởng" tiếp theo với ông lão rách rưới bệnh hoạn cưỡi lừa. Chỉ với một thế kiếm mở đầu trận tỉ thí, ông lão kia đã khiến Lệnh Hồ Xung phải kinh hãi, rồi ông ta tiếp tục vây khốn Lệnh Hồ Xung trong làn kiếm quang dày đặc của Thái cực kiếm pháp, và gã tửu đồ lãng tử kia chỉ có thể chiến thắng nỗi trong một chiêu tối hậu bằng trí thông minh, bằng lòng quả cảm và bằng tấm chân tình đối với Doanh Doanh! Tiếp theo đó, trong câu chuyện đàm đạo, ông lão lại ngầm đặt mình ngang với Phương Chứng đại sư và cao hơn cả Nhạc Bất Quần thì người đọc - dầu chưa rõ đó là ai - nhưng cũng đoán được phần nào danh phận cực cao của nhân vật.
Tất cả những nhân vật tuyệt đỉnh đó đều xuất hiện một cách bình dị tầm thường, nhưng ta thấy giữa họ với đời vẫn có một cái gì ngăn cách. Dầu có dấn thân vào chốn phong trần, hoà đồng trong cõi tục, nhưng tâm sự u hoài của Mạc đại tiên sinh trong cùng đàn Tiêu tương dạ vũ vẫn ngậm ngùi xa lánh trần gian. Bức huyền nhai nơi thạch động của Phong Thanh Dương, như một đường kiếm cắt đôi cõi đời với cõi thanh tu ẩn tịch. Nó ngăn cản cả bước chân của Lệnh Hồ Xung, dù y là người được vị Thái sư thúc tổ kia yêu mến và coi như là bạn vong niên. Một giới tuyến tuy thơ mộng nhưng rạch ròi đến mức lạnh lùng. Núi Võ đang tuy gần gũi với bình nguyên của cõi trần tục đấy, nhưng nó vẫn là một tháp ngà của những đạo sĩ phẩm hạnh cao siêu đi tìm cõi vô vi thanh tĩnh. Dù sự xuất hiện của họ có bình dị đến độ nào đi nữa, thì chung quanh thân phận họ vẫn được bao phủ bởi lớp sương mù của huyền thoại và lòng kính ngưỡng của võ lâm.
Chỉ có vị tăng vô danh trong Tàng kinh các kia mới bình dị làm sao, không ầm ĩ, không huyền thoại, không tên tuổi, như tất cả những gì thực sự vĩ đại trên cõi đời này. Gìa yếu hom hem, đôi mắt như mất hẵn thần quang, quanh năm quét rác, lặng lẽ và vô danh đến mức mọi người trong chùa không ai để ý ngay đến cả sự tồn tại của ông. Đó mới chính là cực điểm trong sự tu học theo truyền thống phương Đông. Nhưng những lời thuyết pháp mộc mạc và võ công kỳ diệu của ông đã làm chấn động cả đương trường. Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn phải tạm chết đi dưới chưởng lực của vị vô danh tăng đó, để rồi sau đó họ mới có thể trùng sinh trong giác ngộ. Trí thông minh hơn người của họ đã bị tham vọng và lòng thù hận dẫn đi lạc nẻo. Họ chỉ chăm chăm lén lút rèn luyện võ công trong bảy mươi hai tuyệt kỹ Thiếu Lâm tự để mong nhanh chóng đạt được bản lĩnh hơn đời, mà không biết đến các nguy hiểm chí mạng đang rình rập họ. Họ u mê không nhận ra được Phật pháp vô biên dùng để hoá giải hiểm nguy, ẩn tàng trong các cuốn ngữ lục thâm huyền của các bậc tôn túc cùng cuốn Pháp hoa kinh uẩn áo, mà vị vô danh tăng kia đã âm thầm bỏ công hoá độ. Cùng với cách chết tạm của họ là cái chết thực, cái chết vĩnh viễn của tham vọng hận thù. Đứng trước cái chết, mọi sự đều trở nên phù phiếm bọt bèo. Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn đều hoát nhiên đại ngộ mà qui y cửa Phật, vì nhận ra huyền nghĩa của Phật môn qua vị tăng không tên tuổi, điều mà một kẻ đại trí đại dũng như Đại luân minh vương Cưu Ma trí chỉ nhận ra được, khi bị mất hết võ công. Vị tăng vô danh kia đã đem Phật pháp vô biên để hoá giải tham vọng hận cừu. Đẹp biết bao là hình ảnh những đại đức cao tăng uyên bác của chùa Thiếu lâm, vốn chỉ quen thuộc với hình ảnh những pháp sư đa văn quãng kiến đăng đàn giảng kinh, lại kính cẩn ngồi nghe vị sư già quét rác kia thuyết pháp dưới tàng cây. Một lão tăng ốm yếu gầy gò không danh phận lại bỗng nhiên thị hiện như một nhân vật quảng đại thần thông. Con sâu đột nhiên hoá thân thành con bướm, vì con bướm đang tàng ẩn trong chính con sâu!
Trong Thiền tông có một giai thoại rất lý thú. Ba thiền sư trên đường hành cước, ghé vào một qúan nước nhỏ bên đường. Bà lão bán nước nói : "Trong các vị đây, ai có thần thông thì mới được uống nước". Cả ba thiền sư đều im lặng nhìn nhau. Bà lão bèn nói: "Hãy xem già biểu diễn thần thông đây". Nói xong, bà lão bưng bình trà rót vào từng chén trà! Đó mới chính là thần thông của những tâm hồn giác ngộ. Vị vô danh tăng kia cũng chính là bà lão bán nước.
Thiền tông chia công việc điều phục cái tâm thành mười giai đoạn, qua hình ảnh kẻ chăn trâu- Thập mục ngưu đồ. Giai đoạn thứ 9 là "quay về nguồn cội" (Phản bổn hoàn nguyên), là giai đoạn đạt ngộ, nhưng đó không phải là giai đọan cuối cùng, mà chỉ để chuẩn bị bước sang giai đoạn cuối cùng là "thỏng tay vào chợ" (nhập triền thùy thủ). Điều kỳ diệu của kinh Dịch là nó không chấm dứt bằng quẻ "Ký tế " (việc đã xong) mà bằng quẻ Vị tế (sự chưa thành). Bậc chân nhân giác ngộ sống âm thầm lẫn lộn với cõi đời trong phố thị để thị hiện thần thông, trong những cái rất đỗi tầm thường. Vị vô danh tăng kia cũng chính là người đã "thỏng tay vào chợ".
Con người không bao giờ đủ khôn ngoan và thông tuệ để hiểu được rằng cái phép lạ, mà họ đang mong đợi đó, đang ngập tràn trong cuộc sống bình dị của áo cơm. Nhà thơ Mỹ Walt Whitman (1819-1892) viết một bài thơ diễn tả những điều mắt thấy tai nghe quanh đời, và đặt nhan đề là "Miracles" (Những phép lạ). Đó cũng tâm hồn của một vị Bồ tát phương Tây, đang sống trong cảnh giới "Bình thường tâm thị đạo" (Tâm bình thường là đạo) của Thiền tông. Bàng Uẩn - một cư sĩ Thiền tông - có hai câu thơ lừng danh "Thần thông kiêm diệu dụng, vận thuỷ cập ban sài" (Gánh nước là diệu dụng, chẻ củi là thần thông!).
Tín đồ Phật giáo thường mê muội đi tìm phép lạ mà không nhớ rằng đức Phật đã từng ngăn cấm không cho các môn đồ lấy việc tu tập thần thông làm cứu cánh, vì ngài cho rằng thần thông tự nó chỉ là "sản phẩm phụ" của việc tu học theo chính đạo. Tương truyền đức Phật đi trên bờ sông Hằng, và gặp một đạo sĩ đang tu khổ hạnh ở đó. Ông này tự hào khoe rằng sau hai mươi năm khổ luyện, giờ đây ông ta có thể vượt qua sông Hằng bàng đôi chân trần. Đức Phật mĩm cười, bảo "Này anh bạn, tại sao anh phải mất đến hai mươi năm để làm được một điều mà tôi cũng có thể làm được với 5 xu tiền đò?". Trong kinh Tân ước, khi Chúa Jesus đi trên mặt nước, hay nạt sóng biển, quở quỉ dữ thì điều đó, theo tôi, chẳng có gì là phép lạ, mà phép lạ thực sự đã xảy ra khi Chúa Jesus từ chối không chịu hiển thị phép lạ theo lời thách thức của quỉ là biến đá thành bánh mì, và nhảy từ trên núi cao xuống.
Đỉnh cao tư tưởng Kim Dung trong Thiên long bát bộ nằm ở hình ảnh vị vô danh tăng đó. Hình ảnh đó nói lên được nhiều điều huyền ẩn trong cõi đạo Đông phương, mà tư tưởng của triết học trường trại không bao giờ với tới được.Thật kỳ diệu biết mấy, khi người duy nhất đứng ra giảng hoà được mọi tham vọng hận thù, hiện thân như một Bồ Tát giữa đời để cứu vãn được bao điều oan nghiệt trên chốn giang hồ lại là một vị tăng quét rác tầm thường, tầm thường đến nỗi không có được một cái tên!
LAI RAI CHÉN RƯỢU GIANG HỒ-HUỲNH NGỌC CHIẾN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét