NHIỆM MÀU HAI CHỮ CƠ DUYÊN
Một trong những cây trụ khổng lồ chống đỡ toà lâu đài minh triết Phật giáo là giáo lý Duyên Khởi. Triết học Phật giáo chia ra thành nhiều loại duyên khởi như : Nghiệp cảm duyên khởi, A lại da duyên khởi, Chân như duyên khởi và Pháp giới Duyên khởi. Nhưng dù có phân chia như thế nào đi nữa, thì kinh điển chỉ vẫn muốn nhấn mạnh một điều : tất cả các pháp, nghĩa là mọi sự kiện và mọi vật trên đời, không thể tồn tại độc lập, mà đều hỗ tương lẫn nhau trong chu trình sinh diệt nối tiếp nhau không ngừng nghỉ. Thế giới và cõi đời - khi được nhìn qua lý Duyên khởi - như kết nối đan xen vào nhau trong mạng lưới chằng chịt vô tận. Một cánh tay đưa lên là cả thế giới đều chuyển rung theo, trong những dao động vật lý vô cùng vi tế. Một sự việc tưởng chừng như ngẫu nhiên, nghĩa là xảy ra không theo một tiến trình logic nào cả, thì theo người phương Ðông, ở chỗ thâm sâu vẫn có một nguyên cớ ẩn mật mà ta không thể nào hiểu được. “Vẻ chi ăn uống sự thường, cũng còn tiền định khá thương lọ là “ (Cung óan ngâm khúïc). Và từ đó, mọi việc ngẫu nhiên hay tất yếu thường được lý giải bằng hai chữ cơ duyên. Những khắc khoải tìm hiểu căn do của sự việc đã được hai chữ đó đặt một dấu chấm hết, vô cùng nhẹ nhàng và gọn ghẽ!
Người phương Ðông cho rằng sự can thiệp quá mức của lý trí vào mọi công việc thường chỉ dẫn đến kết quả ngoài mong muốn, như ý một bài cổ thi : “Hữu ý tài hoa hoa bất phát, vô tâm tháp liễu liễu thành âm”24 (Cố ý trồng hoa hoa chẳng nở, Vô tình cắm liễu liễu xanh um). Truyền thống phương Ðông vẫn luôn đề cao sự hồn nhiên vô tâm, và cuộc sống vô tư như con trẻ. Họ muốn được như viên ngọc thô chưa đẻo gọt. Việc đến không ngăn, việc đi không cản. Cứ ung dung mà sống với tự nhiên, với cõi đời, không tham vọng cưỡng cầu. Vì nếu không có cơ duyên, thì mọi mưu toan cưỡng cầu thường chỉ phí công vô ích. Mà khi con người nhận chân ra điều đó, thì lắm khi đã đối diện với cảnh ngộ dở khóc dở cười. Trong tác phẩm của Kim Dung, những sự việc bất ngờ, những tình huống gay cấn nhất càng lộ ý nghĩa dưới ánh sáng của hai chữ cơ duyên. Khi những mọi nỗ lực của con người đều đi đến chỗ vô vọng, thì lại có những sự kiện xảy ra bất ngờ ngoài tiên liệu. Vẫn luôn có một chỗ cho những biến cố ngoài tầm trắc lượng của lý trí tính toán so đo.
Phong Thanh Dương bất ngờ xuất hiện trên đỉnh Hoa Sơn, truyền thụ “Ðộc cô kiếm pháp” cho Lệnh Hồ Xung, rồi biến mất như con thần long phiêu hốt trong sương mù của huyền thọai. Ấy cũng là do một chút tiền duyên với gã tửu đồ lãng tử Lệnh Hồ Xung. Trong khi bao cao thủ vận dụng hết tâm trí để tìm cách phá giải cho bằng được thế cờ bí hiểm của phái Tiêu Dao nhưng đều thất bại, thì chú tiểu xấu xí Hư Trúc lại vô tâm mà phá được. Và chú tiểu chùa Thiếu lâm đó bỗng dưng trở thành chưởng môn phái Tiêu Dao, điều mà Tinh tú lão quái Ðinh Xuân Thu dùng mọi thủ đoạn tàn độc để mong muốn làm cho bằng được. Tiếp theo, nhờ tấm lòng đôn hậu muốn cứu một cô bé, mà rốt cục Hư Trúc trở thành chủ nhân cung Linh Thứu, và phò mã nước Tây Hạ. Có lẽ Kim Dung muốn sắp đặt mọi diễn biến xảy ra giống như một câu chuyện cổ tích hoang đường, trong đó chú vịt con xấu xí biến thành con thiên nga lộng lẫy. Nhưng đó là gì, nếu không phải là do môt chút cơ duyên?
Hình ảnh thiểu não của Mộ Dung Phục xuôi Bắc ngược Nam, lao tâm khổ tứ, dùng mọi thủ đọan để mưu đồ phục quốc ngẫm cũng đáng thương. Con rồng trong võ lâm đó thất bại hoàn toàn, trong sự nghiệp lẫn tình yêu, cũng do không liễu ngộ được chữ duyên! Mà điều đó đâu phải dễ dàng gì, khi mà con người còn say mê chìm đắm trong thế giới của cơ mưu, và cơ duyên chưa có điều kiện để chín muồi. Chỉ có những người đại trí đại dũng như Tạ Tốn, Mộ Dung Bác, Tiêu Viễn Sơn mới đủ thông tuệ để sớm nhận ra sự nhiệm màu của hai chữ cơ duyên. Trong khi biết bao nhiêu người khao khát và ước mơ cái thân phận và bãn lĩnh của Hư Trúc, thì chú lại sẵn sàng chấp nhận phế bỏ toàn bộ võ công của phái Tiêu Dao mà mình đã học, để mong muốn trở thành một chú tiểu bình thường của chùa Thiếu lâm, ngày ngày tụng kinh niệm Phật nhưng lại không được. Bởi vì chú chưa có được cơ duyên với cửa Thiền. Còn Cưu Ma Trí, sau bao tháng năm, bằng trí tuệ tuyệt vời, tích lũy mọi võ công trong thiên hạ để mong đạt được bãn lĩnh vô địch, chỉ khi bị Ðoàn Dự dùng Chu cáp thần công hút hết nội lực, thì ông mới hội đủ cơ duyên để “khóat nhiên đại ngộ” và trở thành vị cao tăng xứ Thổ Phồn! Cuộc đời và số phận của con người vẫn âm thầm trôi theo một dòng chảy rất đỗi lạ lùng, bên ngoài tầm của dự kiến với mưu toan.
Nhưng điển hình nhất có lẽ câu chuyện của Thạch Phá Thiên lĩnh hội được huyền công trên Long Mộc đảo25, trong tác phẩm Hiệp Khách Hành. Hai vị Long Mộc đảo chủ đã phí tổn biết bao tâm huyết trong suốt bốn mươi năm trời để nghiên cứu đồ phổ Thái huyền kinh trên vách đá.
Cứ mười năm một lần, họ phái hai vị sứ giả mang Thưởng thiện phạt ác lệnh vào tận Trung Nguyên, tìm cách mời các đại cao thủ uyên bác về cùng mình tham cứu. Một Hàn lâm viện về võ học, với tất cả những cái đầu uyên bác bậc nhất của võ lâm - những “giáo sư võ học đầu ngành” - được hình thành trên đảo suốt bao năm trời. Khối lượng chất xám khổng lồ của những cao thủ tuyệt đỉnh đều tập trung vào việc tìm ra đáp án cho các đồ phổ của huyền công. Rốt cuộc tất cả chỉ là con số không hão huyền to tướng.
Tiếng sóng gầm ngoài Long Mộc đảo thổi thời gian bay qua những mái đầu bạc trắng, như để chế diễu mọi nỗ lực của lý trí con người. Ðặc điểm của lý trí con người là một khi đã khát khao tìm hiểu một vấn đề nào đó mà không hiểu được, thì lại càng khắc khoải khổ đau. Nếu như lý trí là món quà vô giá của Tự nhiên ban tặng cho con người, để con người tìm hiểu và lý giải mọi sự trên đời, thì lắm khi nó cũng là nguyên nhân đem lại cho con người vô vàn khổ não. Tất cả các nhân vật võ lâm mà giang hồ ngỡ là đã bị chết đó, đều miệt mài nghiên cứu võ công. Lý trí kiên cường và kiêu hãnh vẫn phải thúc thủ, khi cứ hì hục húc đầu mãi vào bức tường kim cương của những điều huyền mật. Và thần công trên vách đá đó chỉ chờ người hữu duyên là gã ăn xin dốt đặc cán mai Thạch Phá Thiên!
Tiếng cười chua chát của hai vị đảo chủ, khi nhận ra chân tướng của vấn đề, nghe đau đớn mà thâm thúy biết bao. Họ muốn đem lý trí và kiến thức để phá vỡ huyền cơ, té ra mọi thứ đều giản đơn và hiển lộ rành rành ra đấy, mà không một ai chịu tĩnh tâm để tìm hiểu. Bao văn tự rườm rà trên vách đá không những không có ích, mà còn đưa lý trí vào chỗ lầm lạc. Tất cả cao thủ uyên bác đều cho đó là những lời chú giải của đồ phổ, nên vận dụng mọi tri thức để tranh biện nhau. Kiến văn càng thâm thúy, thì tranh luận hăng say, và như thế lại càng đi xa tâm điểm. Rốt cuộc chỉ có Thạch Phá Thiên, nhờ không biết chữ và có tấm lòng trung hậu, nên hồn nhiên lĩnh hội được huyền công.
Trong truyền thống phương Ðông, thì kiến thức thường là chướng ngại ngăn cản con đường đi vào tâm đạo, mà Phật giáo gọi là “Sở tri chướng”. Cái thế giới tưởng chừng tầm thường quanh ta vẫn luôn ngập tràn những điều huyền mật, với “bình thường tâm thị đạo” 26f của Thiền tông. Nhưng bi kịch lại khởi đầu khi lý trí con người luôn muốn quan trọng hóa mọi việc, và thường miễn cưỡng chấp nhận những điều dung dị bình thường. Sự thông minh đầy mưu mẹo của lý trí luôn muốn đánh bạt đi tiếng gọi lay lắt và đằm thắm của lương tri. Mà trong khi chính tiếng gọi của lương tri mới thường vạch ra con đường đi đích thực cho chúng ta, những khi ta lạc vào những nghịch cảnh éo le trong Mê Cung của cuộc sống. Hai chữ cơ duyên rất mực nhiệm màu vẫn thắng hai chữ cơ tâm đầy trí xảo.
Bi tráng biết bao là hình ảnh đảo Long Mộc chuẩn bị phát nổ, sau khi Thạch Phá Thiên học được tất cả thần công trên vách đá. Tấm màn huyền ẩn che phủ vách đá suốt bốn mươi năm đã được vén lên, thì hòn đảo không còn lý do gì để tồn tại nữa. Mọi sự đều trở nên đơn giản đến mức xót xa. Bậc tiền bối cao nhân sáng tạo nên huyền công ấy dường như muốn trao lại cho đời sau một công án, để diễu cợt trí thông minh cơ xảo của con người. Và công án đó chỉ chờ người hữu duyên liễu ngộ. Hai vị Long Mộc đảo chủ không còn ham muốn học thần công của Thái huyền kinh đó nữa, cho dù các bí mật của đồ phổ đã được giải quyết xong, và đáp án mà họ muốn tìm, sau hơn nửa đời người, đã hiển bày trước mắt. Thần công thì thần diệu đấy, nhưng than ôi, bài học về hai chữ cơ duyên còn thâm sâu hơn gấp vạn lần! Bạch thủ Thái huyền kinh. Phí bỏ bao tâm huyết để nghiên cứu kinh thư cho đến khi đầu bạc trắng, sức cùng lực kiệt, mới chợt giật mình hiểu ra rằng mình đã lạc lõng trong thế giới của cơ tâm! Cũng như nhiều người đọc kinh Phật suốt cả đời, hoặc đắm chìm trong muôn vạn cảnh đời dâu bể, cũng chỉ để ngộ ra được ý nghĩa thâm huyền của chữ “duyên”. Tâm cơ phí uổng một đời, thần công vách đá chờ ngưòi hữu duyên, dễ gì nhân định thắng thiên!
L’homme propose. Dieu dispose : Mưu sự tại nhơn thành sự tại thiên. Câu ngạn ngữ bình dị đó phải chăng cũng gợi lên được một chút hòa điệu giữa hai cõi Ðông Tây?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét