NAM LAN: BẾN BỜ ẢO VỌNG
Không tìm thấy thỏa mãn trong cuộc sống gia đình, khao khát đi tìm một bến bờ hạnh phúc, để rồi cuối cùng đối diện với thực tế trần trụi của đời thường khiến trái tim thêm tan nát, đó là bi kịch của biết bao phụ nữ xưa nay, trong văn học và giữa đời thường.
Nàng Anna Karenina, nhân vật nữ trong tiểu thuyết cùng tên của văn hào Nga Leo Tolstoy, vì thấy cuộc sống gia đình quá ngột ngạt, quyết tâm vứt vỏ tất cả : chồng con, tài sản, danh dự để lao vòng tay của anh chàng kỵ binh điển trai Vronsky; những tưởng sẽ tìm thấy phương trời bao la của mộng tưởng, cuối cùng phải kết thúc đời mình dưới cỗ máy xe hỏa. Nàng Emma, nhân vật chính trong tiểu thuyết Madame Bovary (bà Bovary) của nhà văn Pháp Flaubert, khi sống với chồng là bác sĩ Bovary, chỉ thấy sự nghèo nàn đơn điệu của cuộc sống ở tỉnh lẻ bên cạnh ông chồng cổ hủ. Do đọc những tiểu thuyết lãng mạn rẻ tiền, tâm hồn nàng cứ mãi mơ hồ cảm thấy một khát vọng huyền bí muốn vươn đến một thiên đường mộng tưởng. Từ đó, nàng chối bỏ gia đình để chạy theo tiếng gọi của tình yêu, với hai tên đào mỏ Rodolphe và Léon. Những món tiền nợ, do những chuỗi ngày sống mãi mê trong ảo tưởng hạnh phúc, ngày càng chồng chất, và cuối cùng trong cơn tuyệt vọng khốn quẫn, nàng kết liễu đời mình bằng thuốc độc với cái chết cực kỳ đau đớn.
Có thể Kim Dung đã dựa vào hai nhân vật trên để xây dựng nên nhân vật Nam Lan trong Phi hồ ngoại truyện. Nam Lan là ái nữ của vị quan Nam Nhân Thông. Cha nàng, để rộng đường thăng quan tiến chức, trên đường đến kinh đô có mang theo thanh Lãnh nguyệt bảo đao, mà giới giang hồ đang thèm khát, làm quà tặng cho quan trên. Tài năng hèn kém mà cưu mang bảo vật, ấy chính là điềm báo của họa sát thân. Bọn cướp đã chặn đường giết chết người cha và toan làm nhục người con gái. Chính lúc đó, Miêu Nhân Phượng xuất hiện và giải cứu được Nam Lan. Không biết tự bao giờ, ở phương Đông, những người con gái cô thân, khi được giải thóat khỏi cảnh nguy khốn, luôn nghĩ đến chuyến gá nghĩa cùng ân nhân như để biểu hiện tấm lòng muốn đền ơn đáp nghĩa. Kiều Nguyệt Nga, khi được Lục Vân Tiên cứu thoát khỏi tay bọn cướp Phong Lai, đã nghĩ ngay Lục Vân Tiên sẽ là người mà nàng sẽ trao thân gởi phận. Đó cũng là trường hợp của Nam Lan. Cha mất, một thân một mình trơ trọi giữa nơi đất khách quê người, thêm vào đó nàng phải hút nọc độc trên người Miêu Nhân Phượng, tất cả điều đó mở ra trước mặt nàng con đường duy nhất là tự nguyện làm người nâng khăn sửa túi cho Miêu Nhân Phượng. Cũng chính từ đó mà bi kịch khởi đầu.
Miêu Nhân Phượng có ngoại hiệu “Đả biến thiên hạ vô địch thủ Kim diên Phật” (vị Phật mặt vàng đánh khắp thiên hạ mà không có địch thủ). Miêu Nhân Phượng vô cùng thương yêu vợ con nhưng bản tính lâm lỳ ít nói, suốt ngày chỉ đam mê nghiên cứu võ công. Nếu Tiêu Phong vì đam mê võ công và rượu mà tai họa giáng xuống đời, thì Miêu Nhân Phượng vì đam mê võ công mà gia đình tan nát. Giá như Nam Lan là một người trong chốn giang hồ thì nàng sẽ vô cùng kiêu hãnh được làm vợ Miêu Nhân Phượng, một cao thủ tuyệt đỉnh đương thời. Buồn thay, nàng chỉ là một thiên kim tiểu thư từ bé chỉ quen sống trong phong gấm rủ là. Cả đời nàng chưa dám giết con sâu cái kiến, cho nên cõi giang hồ đầy những tranh chấp đẫm máu đối với nàng là một thế giới hãi hùng. Nàng chỉ muốn sống một đời êm ấm “bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ”, trong đó vợ chồng sẽ cùng nhau xướng họa thật ý hợp tâm đầu. Hai con người có nhân sinh quan và tính chất hoàn toàn khác biệt mà định mệnh buộc họ phải sống mãi với nhau thì quả là thảm kịch. Trong những nỗi khổ trong đời được Phật giáo liệt kê có “Tăng oán hội khổ” (nỗi khổ do không ưa thích nhau, oán hận nhau mà vẫn phải chung sống gẫn gũi nhau). Đó cũng là nỗi khổ thường tình của biết bao nhiêu con người giữa nhân gian. Những rạn nứt trong lòng nàng ngày thêm trầm trọng, cho dẫu khi đứa con gái xinh xắn Miêu Nhược Lan đã ra đời. Nàng cứ âm thầm khao khát một sự cảm thông dịu dàng. Dưới mắt nàng, vị ân nhân anh hùng ngày xưa chỉ còn là một gã võ phu thô lỗ, chỉ biết mê muội với võ công mà không hề quan tâm đến những khao khát thầm kín và tế nhị trong tâm hồn phụ nữ. Nếu Thượng Đế ban cho ta một trái tim nhạy cảm để ta tìm thấy hạnh phúc ngọt ngào trong những rung động tinh tế nhất, thì trái tim đó cũng thường là cơn lốc vô tình cuốn ta vào những khổ lụy đam mê. Đúng lúc đó thì Điền Quy Nông đến thăm Miêu Nhân Phượng.
Trong tiểu thuyết Kim Dung vẫn thường có nhiều chi tiết trớ trêu rất buồn cười. Trong Hiệp khách hành, Thạch Trung Ngọc và Thạch Trung Kiên đều là con ruột của Thạch Thanh và Mẫn Nhu. Trung Kiên bị Mai Phương Cô bắt cóc đem về đày đọa thành đứa trẻ lang thang đầu đường xó chợ nhưng lại trở thành một người đôn hậu, hào hiệp. Trung Ngọc được sự giáo huấn đầy đủ của sư môn thì trở thành một kẻ lưu manh giảo quyệt. Miêu Nhân Phượng thì thô lỗ cục mịch như anh nông dân, chẳng có chút gì là “phượng” cả; còn Điền Quy Nông thì phong tư tuấn nhã như loài lân phượng, hoàn toàn khác hẵn với chữ “nông”. Như một kẻ lữ hành cô độc giữa sa mạc gặp được ốc đảo, Nam Lan tìm thấy nơi phong cách ngọt ngào quyến rũ của Điền Quy Nông cả một giấc mộng thiên đường. Nàng thầm trách con tạo sao trớ trêu không để cho người cứu mình là Điền Quy Nông, mà lại là Miêu Nhân Phượng. Đến một buổi chiều kia, khi Điền Quy Nông cài lên tóc nàng một cành thoa lóng lánh là nàng quyết định dứt bỏ tất cả để trốn theo Điền Quy Nông. Nàng bỏ cả đứa con gái Miêu Nhược Lan, chỉ vì nó là con của Miêu Nhân Phượng chứ không phải là con của Điền Quy Nông!
Khi Miêu Nhân Phượng dẫn con gái đi tìm và gặp nàng cùng Điền Quy Nông tại Thương gia bảo, thì nàng vẫn ngoảnh mặt đi khi Miêu Nhược Lan đòi mẹ bế. Ngạn ngữ Ấn Độ nói : “Thượng đế không thể hóa thân khắp mọi nơi, nên Ngài phải phải tạo ra những người Mẹ để thay thế cho Ngài”. Chi tiết kinh người này đủ để Thượng đế phải hổ thẹn khi đã tạo ra trái tim của những người phụ nữ cuồng si! Chỉ có chú bé Hồ Phỉ lên tiếng thóa mạ, có lẽ vì chú cảm thông được nỗi đau khổ vô ngần của đứa bé gái kia khi bị người mẹ làm ngơ. Những người mẹ nào chỉ vì hạnh phúc bản thân mà quay lưng với con ruột của mình, như Anna Karenina và Nam Lan, đều là những người mang tang tóc đến tâm hồn trẻ thơ.
Cách lý giải duy nhất để chúng ta cảm thông là, cũng như Karenina, Nam Lan đã thực sự tìm ra hạnh phúc. Và như thế, mọi sự chỉ mới bắt đầu với tất cả vẻ nguyên vẹn tinh khôi. Với nàng, một phương trời lồng lộng đang mở ra trong ánh dương rực sáng. Thế nhưng với những tâm hồn quá ư lãng mạn thì hôn nhân, cùng những ràng buộc thực tế của đời thường, vẫn luôn luôn đặt dấu chấm hết cho bài thơ hạnh phúc. Sống bên cạnh Điền Quy Nông, cuộc sống đơn điệu của gia đình bắt đầu nhuốm màu tẻ nhạt, khi sự háo hức bồng bột ban đầu đã lắng xuống. Tệ hại hơn, do lo sợ Miêu Nhân Phượng một ngày nào đó sẽ tìm đến trả thù, Điền Quy Nông phải lơ là không chăm sóc đến nàng để rèn luyện võ công. Vậy là dưới mắt nàng, Điền Quy Nông lại trở thành một Miêu Nhân Phượng. Dĩ vãng lại bắt đầu! Phương trời tưởng ngập tràn hoa nắng, mà vì nó nàng đã vứt bỏ tất cả để tìm tới, té ra vẫn mang những sắc màu ảm đạm. “Lô sơn yên tỏa Triết giang triều, vị đáo bình sinh hận bất tiêu, đáo đắc hoàn lai vô biệt sự, Lô sơn yên tỏa Triết giang triều” (Tô Đông Pha) (non Lô sông Triết khói mơ màng, chưa đến bình sinh hận chửa tan, tìm đến lại về đâu thấy khác, non Lô sông Triết khói mơ màng)63.
Kim Dung không để Nam Lan đi vào kết cục bi thương của Karenina hay Emma, nhưng chi tiết nàng giúp Hồ Phỉ tìm được thanh Lãnh nguyệt bảo đao để đánh bại Điền Quy Nông cho thấy sự thất vọng cùng cực trong lòng nàng. Hạnh phúc trần gian chỉ có thể là cái mà chúng ta tìm ra trong buồn thương và khắc khoải, trong chấp nhận và hy sinh chứ không phải trong ước mơ và mộng tưởng. Nào Triết giang rì rào, nào non Lô sương khói cũng chỉ là cảnh đời thường qua cái nhìn huyễn hoặc của tình yêu. Có lẽ mọi bến bờ khát vọng đối với nàng đều trở thành ảo vọng. Hạnh phúc nhiều khi ở trong tầm tay với, ta vô tình nên hạnh phúc bỗng xa xôi. Với Nam Lan, có lẽ hạnh phúc chỉ là sợi khói bay ảo mù cuối chân trời viễn mộng mà suốt đời nàng không sao đến được. Và suốt đời, nàng sẽ cứ mãi đi tìm.
Tìm xa vắng bên kia bờ đổ vỡ
Dòng sông đâu em có biết ngọn nguồn
(Bùi Giáng)
Rồi những Nam Lan sẽ tìm được gì trong ”xa vắng bên kia bờ đổ vỡ”? Nhạc sĩ Vũ Thành An có một câu hát đủ khiến cho nữ nhi phải rơi lệ mà nam nhi phải động tâm : “Đời con gái cũng cần dĩ vãng, mà em tôi chỉ còn tương lai”. Còn biết bao nhiêu người con gái, như Nam Lan, không thỏa mãn với dĩ vãng và hiện tại, mà cứ mãi khát khao hạnh phúc nơi những phương trời ảo vọng, và cứ mãi đi tìm cuộc đời ở bờ bến tương lai?
ĐỊCH VÂN: KẺ LỮ HÀNH CÔ ĐỘC
Chịu đựng sự khổ đau, trong tâm hồn lẫn thân xác, là điều chúng ta không thể nào tránh khỏi giữa cõi đời. Nhưng nếu thân tâm đều mang bệnh mà được sống trong sự thương yêu và thông cảm của người thân thì con người vẫn tìm thấy được niềm an ủi. Điều đó sẽ giúp họ chịu đựng để chiến đấu và chiến thắng. Điều kinh khủng nhất là thân xác bị tàn phế, lại phải chịu đựng nhiều nỗi oan ức không thể biện bạch, bị vu hãm vào chốn lao tù, người thân nghi ngờ, xã hội khinh bỉ, không bạn bè, không người thân thích, không nhà không cửa, trơ trọi một mình; đó là cảnh ngộ thê thảm của Địch Vân trong Liên thành quyết.
Kim Dung quả đã có một bước đi táo bạo khi xây dựng nhân vật Địch Vân. Đó là một anh nông dân khù khờ chân chất, cục mịch thô lỗ phải chịu bao thảm cảnh trần gian, hoàn toàn không có một chút ưu điểm gì để người đọc có thể trông đợi từ “người hùng” trong tiểu thuyết võ hiệp, cho dẫu là bản chất quỷ quyệt lưu manh của một Vi Tiểu Bảo! Đó thực sự là hình ảnh thuần túy của một “Hai Lúa võ lâm”.
Địch Vân mồ côi từ bé, được sư phụ là Thích Trường Phát nuôi dưỡng. Anh chàng nông dân khù khờ này sống hồn nhiên bên cạnh cô sư muội xinh đẹp Thích Phương. Cuộc sống sẽ êm ả trôi bên bờ tre đồng lúa, nếu như không có chuyện một ngày kia Địch Vân phải theo sư phụ và sư muội đến thăm sư bá Vạn Chấn Sơn, một đại gia chốn kinh sư. Từ đó thảm họa liên tục đổ xuống đời anh ta.
Chốn phồn hoa đô hội vẫn luôn tiềm ẩn vô vàn hiểm họa đối với biết bao con người chân chất một lần bước ra khỏi lũy tre xanh. Nếu như cô thôn nữ của Nguyễn Bính : ”Hôm qua em đi tỉnh về, hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”, thì Thích Phương lại khác, cô vẫn hồn nhiên chân chất, nhưng lại là nguyên nhân gây thảm họa cho vị sư huynh.
Làm một anh nông dân cục mịch xấu xí lại dẫn một cô tiểu sư muội xinh đẹp thuở thanh mai trúc mã vào chôn kinh đô, thì có khác gì một đứa bé cầm vàng ròng đi vào giữa chợ. Không bị đánh cắp ắt sẽ bị trấn lột. Cũng không thể trách được cuộc đời. Cái cảnh cô thôn nữ xinh như đóa hoa đồng nội cứ xoắn xít bên anh “Hai Lúa” đã gây chướng mắt cho nhóm đệ tử của Vạn Chấn Sơn. Khi thấy một cô gái xinh đẹp sánh đôi với một anh chàng cục mịch, trong thâm tâm mọi người lại thấy uổng phí (!). Đó là một suy nghĩ rất đỗi quái dị, nhưng lại được xem là bình thường ở con người. Sao lại “uổng”, nếu như họ thực sự tìm ra “một nửa” của nhau? Làm như chỉ có những kẻ lắm tiền nhiều của và có thế lực mới “xứng đáng” với các cô gái đẹp kia. Đó cũng là suy nghĩ của gia đình Vạn Chấn Sơn. Sau khi ám toán Thích Trường Phát, bọn chúng bày ra một màn kịch vu cáo cho Địch Vân tội hiếp dâm và ăn cắp. Chú cừu non sụp bẫy một cách dễ dàng, bởi lẽ tâm hồn chất phác của anh ta không bao giờ hình dung nỗi trên đời lại có người tìm cách hãm hại nhau!
Địch Vân bị chặt đứt một bàn tay để “cảnh cáo” và bị tống vào nhà lao; chưa hết bàng hoàng thì anh ta lại thường xuyên bị một bạn tù tên Đinh Điển vô cớ đánh đập tàn nhẫn. Đúng là bỗng dưng gánh chịu thảm cảnh bởi hồng nhan. Không hiểu tự bao giờ, trên trái đất này, từ đông sang tây, nhân loại bỗng dưng đồng loạt thi nhau lên án phụ nữ, xem như đó là nguồn gốc của mọi tai ương. Ở Hy Lạp, là câu chuyện về cái hộp Pandora64. Trong Kinh Thánh là chuyện bà E-va. Ở Trung Quốc là quan niệm “hồng nhan họa thủy” (đàn bà đem lại tai họa như nước làm chìm đắm con người)! Có “đức” để có người đẹp, nhưng không có “tài” để giữ người đẹp đến nỗi phải mang họa vào thân, lại đổ tội cho “hồng nhan họa thủy”; người phương Đông quả quá khắt khe đối với khách má hồng. Nguyễn Du có câu thơ vịnh Dương Quí Phi chan chứa sự cảm thông : “Tự thị cử triều không lập trượng, uổng giao thiên cổ tội khuynh thành ” (do cả triều đình đều đứng phỗng, ngàn năm nhan sắc chịu oan khiên). Đó là sự cảm thông của một tâm hồn lớn đối với một dung nhan khuynh quốc.
Dù sống trong cảnh đọa đày, Địch Vân vẫn tin rằng vị sư muội mình sẽ hiểu và cảm thông. Niềm hy vọng của “cái hộp Pandore” dù hư ảo đi nữa thì vẫn có tác dụng giúp con người chịu đựng trong cảnh khổ đau. Cho đến khi nhận được bánh cưới của Thích Phương với con trai Vạn Chấn Sơn thì Địch Vân mới thực sự tuyệt vọng. Dường như Shakespeare có nói : “Kẻ đau khổ nhất là kẻ hạnh phúc nhất, bởi vì trên đời này không còn gì có thể làm cho y đau khổ nữa”. Nhưng đó chỉ có thể là cách nhìn của những bậc đạt ngộ hiểu thấu chân tướng của trần gian; còn đối với hầu hết những ai mang bản chất yếu đuối của con người, khi cuộc sống là cơn bệnh nan y vô phương cứu chữa thì cái chết vẫn là vị lương y đem lại liều thuốc giải thoát tốt nhất! Địch Vân cũng vậy, trong cơn khốn quẫn, anh ta đã tự tử; nhưng Đinh Điển lại cứu thoát vì nhận ra được bản chất chân thật của Địch Vân. Cũng chính nhờ Đinh Điển mà Địch Vân hiểu ra âm mưu cha con Vạn Chấn Sơn và mặt trái nham hiểm của Thích Trường Phát, vị sư phụ mà anh ta hằng tôn kính. Cuộc sống với “lắm nỗi lạ lùng khắt khe” bắt đầu mở ra trước mắt anh ta những hang hố đen ngòm, khác biết bao với cảnh đời êm đềm bình dị với làng quê, đồng lúa ngày xưa.
Đinh Điển bị ám toán chết sau khi cùng Địch Vân vượt ngục. Cái chết của người thân cuối cùng trên cõi đời, mà anh ta coi như kim chỉ nam đời mình, đã khiến cho Địch Vân thực sự mất tất cả, hoàn toàn không còn một điểm tựa nào, “sans everything” (Shakespeare – As You Like It, Act II, Scence VII, 165). Ôm xác Đinh Điển đi trốn, Địch Vân lại rơi vào tay tên ác tăng Bảo Tượng của Huyết Đao môn -một tông phái Tây Tạng bị giang hồ nguyền rủa vì những hành vi tàn ác và đồi bại. Bảo Tượng chết, anh mặc áo choàng của Bảo Tượng để che thân thì bị nhận lầm là tên “tiểu dâm tăng”. Lúc sắp bị đánh chết thì chưởng môn phái Huyết Đao là Huyết Đao lão tổ, tưởng anh ta là môn đồ của bản phái, cứu thoát và bắt cóc luôn cô nàng Thủy Sinh xinh đẹp của nhóm Linh Kiếm song hiệp đem đi. Đi theo Huyết Đao lão tổ thì mặc nhiên xác nhận mình là môn đồ của Huyết Đao môn, còn ở lại thì bị giết chết. Bản năng sinh tồn vẫn thắng, nên Địch Vân đành đi theo Huyết Đao lão tổ. Thế là tự nhiên Địch Vân trở thành một tên tiểu dâm tăng mà không có cách gì biện bạch được. Đôi khi chúng ta cũng gặp những hoàn cảnh ngộ nhận trớ trêu như thế trong đời. Mở miệng giãi bày thì không được, mà để trong lòng lại ray rức khổ đau. Nên đôi khi cứ đành phó mặc cho dòng đời, để thời gian đem lại lời giải đáp. Nhưng gẫm ra thì đối với Địch Vân sự ngộ nhận của những người lạ kia nào có nghĩa lý gì so với sự ngộ nhận của Thích Phương? Người lạ ngộ nhận ta, ta chỉ tức tối bực mình; còn người thân ngộ nhận mới thực sự là nỗi khổ.
Khi cùng Huyết Đao lão tổ và Thủy Sinh bị bao vây trong núi tuyết, Địch Vân lại càng thêm mất niềm tin vào cuộc sống khi chứng kiến sự đê hèn của Hoa Thiết Can. Một kẻ mang thân phận danh sĩ trên chốn giang hồ, đứng hàng thứ hai trong nhóm “Lạc Hoa Lưu Thủy” được nhiều người ngưỡng mộ, vậy mà khi đối diện với cái chết lại bộc lộ hết bản chất thô bỉ của một nhân vật đầy danh vọng. Kim Dung vẫn thường có những khám phá bất ngờ khi mở ra, trong những ngóc ngách u tối của chiều sâu tâm lý nhân vật, những điều mà ta chỉ thường gặp khi đọc Dostoievski hoặc Shakespeare.
Càng ngày, Thủy Sinh lại phát hiện tên “tiểu dâm tăng” cục mịch kia là một người thuần hậu, còn Hoa Thiết Can –người anh kết nghĩa của cha nàng - chỉ là một kẻ bỉ ổi táng tận lương tâm. Khi tuyết tan, Hoa Thiết Can đã nhanh chóng dẫn quần hùng vào hang đá để tìm giết hai kẻ “gian phu dâm phụ” kia, hòng che dấu những việc làm ti bỉ của mình. Y đã đánh một đòn tâm lý sâu sắc là bịa đặt những điều nhơ bẩn để vu cáo Thủy Sinh trước khi nàng kịp mở miệng. Khi người ta đã có định kiến về một người rồi thì tiếng nói của người ấy sẽ không còn giá trị nữa. Đây cũng là một chiến thuật mà các luật sư trong tác phẩm của Dostoievski hay dùng để “khóa miệng” các nhân chứng trước tòa. Ai còn thèm nghe anh nữa khi mà nhân cách anh đã “có vấn đề”?
Tên lưu manh Hoa Thiết Can trở thành người hùng. Thủy Sinh lại bị mọi người khinh bỉ, người yêu ngờ vực. Thị phi trong cuộc sống lắm khi bị đảo lộn, trắng đen bị đánh tráo mà con người, do ngu dốt hoặc bị bưng bít, vẫn cứ vô tình chấp nhận. Khi quay về quê nhà, Địch Vân lại có dịp hiểu thêm bao sự thật phũ phàng nữa về sư phụ và các vị sư bá. Cả ba đều là những tên học trò tham lam bất nghĩa, vì hám lợi đã âm mưu giết thầy để đoạt Liên thành quyết. Anh muốn giết Vạn Khuê để trả thù nhưng lại không nỡ. Thích Phương lại bị Vạn Khuê giết chết, bỏ lại cô bé Không Tâm Thái. Địch Vân càng kinh hoàng hơn khi chứng kiến cảnh từ khách giang hồ đến tri thức, từ bọn phú hào đến quan lại đều điên cuồng cấu xé, chém giết nhau để tranh giành pho tượng Phật bằng vàng. Thích Trường Phát ám toán Địch Vân nhưng không thành vì y không tin rằng trên đời lại có người không cuồng điên vì châu báu; để rồi y cũng chết theo những người khác vì chất độc tro phong tượng Phật. Vàng và Máu. Ở cái thế gian điên đảo này thì hai từ đó sẽ mãi mãi đi chung.
Sống trong một xã hội mà tri thức thì thô bỉ, kẻ có tiền của thì lưu manh, quan lại thì tham lam, thầy tu thì dâm đãng, sư phụ thì lọc lừa thủ đoạn, anh chàng “Hai Lúa” Địch Vân chỉ là một kẻ lữ hành cô độc. Anh không thể hiểu nỗi và hòa nhập nỗi vào cái thế giới đó, cũng như anh chàng Charlot đôn hậu cứ mãi mãi đứng bên lề của xã hội công nghiệp tất bật chỉ biết tôn vinh vật chất. Tâm hồn chất phác của Địch Vân sẽ mãi mãi ngỡ ngàng trước những tấn tuồng nhơ bẩn của cuộc đời. Người nông dân phương Ðông vẫn luôn mang tâm hồn đôn hậu chất phác mà sống giữa cõi tự nhiên. Ðiều đáng buồn cười là nền đạo lý - mà chúng ta thường dùng ngôn ngữ bác học để nghiên cứu, và trịnh trọng tranh biện nhau hòng khoe khoang kiến thức - lại chỉ được gìn giữ bởi những người dân quê hiền lành ít học. Nếu không có những người mà chúng ta gọi là “nhà quê”, là “Hai Lúa” đó, thì nền đạo lý con người sẽ có nguy cơ bị đổ vỡ bởi thói ma mãnh trong cuộc sống “văn minh”.
Tất cả đều đổ vỡ tan hoang trong hồn anh “Hai Lúa” Địch Vân. Sau khi hợp táng nắm tro của Đinh Điển vào nấm mộ Lăng Sương Hoa để hoàn thành tâm nguyện của một cặp Romeo và Juliette phương Đông, Địch Vân quyết định dẫn bé Không Tâm Thái quay về hang núi cũ để làm lại cuộc đời mới, như anh nông dân Giăng Van-giăng dẫn cô bé Cô-dét đi trốn, trong “Những người khốn khổ” của Hugo. Trái tim thuần lương của anh không tìm ra chỗ trú giữa một xã hội đê tiện và bẩn thỉu. Giữa những cảnh lọc lừa thủ đoạn được che đậy dưới lớp áo phù hoa, sự ngây ngô chân chất của Địch Vân nổi bật lên như sự tương phản gay gắt trong một bức tranh biếm họa. Điều bất ngờ nhất và cảm động nhất là khi quay về chỗ cũ, Địch Vân được bỗng gặp lại Thủy Sinh đang đứng chờ ngoài cửa động, cười mà nói : “Ngã đẳng liễu nễ giá ma cửu! Ngã tri đạo nễ chung vu hội hồi lai đích” 我 等 了 你 這 麼 九! 我 知 道 你 終 于 會 回 來 的 (Muội chờ đại ca ở đây đã lâu rồi! Muội biết thế nào đại ca cũng trở lại mà“. Ắt hẳn khi cùng đoàn người quay về, Thủy Sinh cũng đã phải đối đầu với bao sự ngộ nhận, và ắt hẵn sự thô bỉ của những người mà nàng tôn kính đã đẩy nàng vào sự cô độc. Có lẽ trong tâm trạng đó Thủy Sinh mới thông cảm thêm sự cô độc của Địch Vân. Và nàng hiểu rằng những con người biết tự trọng như nàng hoặc những người đôn hậu như Địch Vân sẽ không bao giờ có thể tìm thấy hạnh phúc trong một xã hội tồn tại trên lọc lừa và man trá. Những lời nói đơn giản mà thắm thiết của Thủy Sinh đã kết thúc tác phẩm, nhưng nó lại mở ra một chân trời bao la cho kẻ lữ hành cô độc.
TRƯƠNG VÔ KỴ VÀ GIẤC MƠ THỐNG NHẤT CỦA KIM DUNG
Cõi giang hồ trong tác phẩm Kim Dung có thể được xem như một thế giới thu nhỏ, mà sự tồn tại, vận động và diễn biến của nó, ở một bình diện nào đó, đều được phóng chiếu từ những quy luật lịch sử. Tranh bá xưng hùng, mưu toan thống nhất giang hồ, khát vọng làm võ lâm chí tôn. Danh vọng và quyền lực cứ mãi cuốn các cao thủ võ lâm vào cơn lốc cuồng bạo của lịch sử. Thỉnh thoảng có một môn phái lạ nổi lên hoặc một nhân vật tuấn kiệt đột nhiên quật khởi, làm xáo động giang hồ và đem lại cho võ lâm những trận cuồng phong mới. Từ bối cảnh đó cũng nảy sinh ra ước mơ một giang hồ hết cảnh can qua. Hoặc bằng bạo lực và thủ đoạn. Hoặc bằng chân tâm và bản lĩnh.
Người Trung Quốc thường nhìn lịch sử như là những biến cố chuyển động hình sin, cứ tuần hoàn theo chu kỳ: định loạn, ly hợp, tụ tán, thịnh suy. Điều này thường được nhìn rất rõ trong các loại tiểu thuyết chương hồi. Tam Quốc Chí mở đầu bằng đoạn: “Thoại thuyết thiên hạ đại thế, phân cửu tắc hợp, hợp cửu tắc phân. Chu mạt thất quốc phân tranh, tịnh nhập vu Tần. Cập Tần diệt chi hậu, Sở Hán phân tranh hựu tịnh nhập vu Hán. Hán triều tự Cao Tổ trảm xà nhi khởi nghĩa, nhất thống thiên hạ; hậu lai Quang Vũ trùng hưng truyền chí Hiến Đế, toại phân vi tam quốc.” (Nói về đại thế trong thiên hạ phân chia lâu tắc hợp lại, hợp lại lâu tác phân chia. Cuối đời Chu, bảy nước tranh hùng, bị Tần thâu tóm. Sau khi Tần bị diệt, Hán Sở phân tranh, thiên hạ lại về với Hán. Từ khi Hán Cao Tổ chém rắn khởi nghĩa, nhất thống thiên hạ, đến đời Quang Vũ lại trùng hưng nhà Hán, truyền đến Hiến Đế lại chia thành ba nước)
Lịch sử cứ thế mà diễn tiến. Thống nhất và ly loạn. Chiến tranh và hòa bình. Hai mặt đối lập đó cứ đan xen nhau mãi để thúc đẩy dòng chảy của lịch sử. Thống nhất thiên hạ cũng là ước mơ của bao kẻ hùng tài đại lược có tài kinh bang tái thế, tự cổ chí kim. Tần Thủy Hoàng bình định sáu nước, mở đầu công cuộc thống nhất Trung Quốc kể từ khi nhà Chu suy vong. Nhưng máu đã đổ quá nhiều. Biết bao nhiêu âm mưu thủ đoạn đã diễn ra, biết bao nhiêu xác người đã ngã xuống, biết bao nhiêu chất xám đã tổn hao để dệt nên bức tranh thống nhất đẫm máu cuối thời Chiến Quốc. Lục vương tất, tứ hải nhất (Sáu vua chấm dứt, bốn biển thống nhất – A Phòng cung phú - Đỗ Mục). Thế là nguy cơ của các quốc gia đối địch không còn. Tất cả mọi binh khí được thu hết, đem nấu để đúc thành chuông, đỉnh. Thế là nguy cơ binh khí không còn. Những tưởng can qua sẽ vì thế mà chấm dứt vĩnh viễn, thiên hạ sẽ bình yên, và nhà Tần sẽ cai trị đến thiên thu. Đâu hay chỉ vài năm, sau khi Tần Thủy Hoàng băng hà, thiên hạ lại đại loạn và thuộc về nhà Hán. Những kẻ hùng tài muốn dùng ý chí để điều khiển sự vận động của lịch sử vẫn không hiểu được rằng có một trật tự kì lạ luôn được tái lập giữa sự hỗn loạn. Lịch sử vẫn luôn trôi chảy theo con đường đi của nó và cứ âm thầm tái lập những giá trị giữa những mưu toan hùng bá của con người. Giấc mơ thống nhất châu Âu của Napoléon đã tan theo bọt sóng ngoài đảo Saint Hélène. Viễn tượng đế chế ngàn năm của Tần Thủy Hoàng đã cháy thành tro trong ngọn lửa đốt cung A Phòng và trong cảnh tan hoang của cửa quan Hàm Cốc.
Người ta mới thấy rằng lịch sử vẫn luôn lớn hơn ý chí và tham vọng của con người. Để thiên hạ thực sự thái bình thì không thể chỉ đơn thuần dựa vào bạo lực để trấn áp tất cả các lực lượng đối nghịch, mà phải có người một mẫu người lý tưởng dùng đức để cảm hóa thì mới có thể cứ ung dung “thỏng tay mà trị yên thiên hạ”. Truyền thống Trung Quốc cho rằng chỉ có bậc “thánh nhân” như Nghiêu Thuấn mới làm được điều đó. Nghiêu thì đại từ, Thuấn thì đại hiếu, tầm lòng từ hiếu của họ đã cảm động được cả đất trời, nên dễ dàng cảm động được lòng người. Trang Tử gọi đó là bậc “nội thánh ngoại vương” (trong có thể làm thánh, mà ngoài có thể làm vua).
Sự yên tĩnh trong lịch sử thường chỉ như sự cân bằng tạm thời của một quả trứng được đặt dựng đứng trên một mặt phẳng nghiêng. Phải mất nhiều công sức mới làm được điều đó, nhưng sự cân bằng đó lại quá mong manh. Chỉ một cơn gió nhẹ là nó sẽ đổ nhào ngay, và tiếp tục lăn lông lốc. Trong suốt dòng chảy của lịch sử Trung Quốc thời phong kiến, người ta vẫn luôn mơ đến một Nghiêu Thuấn với viễn cảnh thiên hạ thống nhất. Đó phải là mẫu người nhân hậu khoan dung và tổng hợp được mọi cái hay, cái giỏi của mọi người khác. Tài phải đủ để thiên hạ bội phục, và đức phải thừa để thiên hạ nghiêng mình. Vua Thuấn mồ côi mẹ, cha là Cổ Tẩu lấy vợ khác. Mẹ ghẻ cùng em đời sau là Tượng rất hung ác, tìm mọi cách để giết vua Thuấn. Mẹ ghẻ bắt vua Thuấn đi cày ở Lịch Sơn, Trời bèn sai voi đến cày, chim đến nhặt cỏ. Mẹ ghẻ sai vua Thuấn đào giếng rồi lấp giếng, rồng lại đưa vua Thuấn thoát nạn. Tượng đốt nhà để giết anh, vua Thuấn vẫn thoát thân. Bị ngược đãi tàn ác, nhưng vua Thuấn vẫn luôn khoan dung độ lượng tha thứ cho họ. Cuối cùng tấm lòng đôn hậu đó đã cải hóa được cả hai mẹ con. Vua Nghiêu nghe tiếng bèn nhường ngôi cho vua Thuấn. Thiên hạ được hưởng cảnh thái bình. Nơi nơi đều vang tiếng âu ca.
Kim Dung chắc hẳn đã kế thừa truyền thống đó để xây dựng nhân vật Trương Vô Kỵ, trong giấc mơ thống nhất giang hồ bằng vương đạo. Cha là ngũ hiệp Trương Thúy Sơn phái Võ Đang, mẹ lại là “ma nữ” Ân Tố Tố của Thiên Ưng giáo. Đứa con mang hai dòng máu chánh tà đó ra đời trong một bối cảnh nghiệt ngã, và số phận đưa đẩy phải đảm nhận vai trò hóa giải hận thù xung đột truyền kiếp giữa Minh giáo với Lục đại môn phái. Sinh ra trên Băng hỏa đảo, Trương Vô Kỵ có được cái tâm đôn hậu của một “thánh nhân” kiểu vua Thuấn, có lẽ nhờ bẩm thụ được linh khí của trời đất. Về đến Trung Thổ, chứng kiến cảnh cha mẹ bị bức tử, và nhận di ngôn của mẹ là phải báo thù, trái tim trẻ thơ đó có lần thoáng bùng lên ngọn lửa hờn căm, nhưng rồi nó dễ dàng bị dập tắt trong biển lòng nhân hậu.
Trên Quang Minh đỉnh, Trương Vô Kỵ lần đầu tiên hiển lộ thân thủ, dùng tuyệt thế thần công áp đảo cả hai phe chính tà cứu nguy cho phe Minh giáo trước sự tấn công của Lục đại môn phái, khiến mọi người đều kinh hãi lẫn thán phục. Lúc đó dù đối diện với bao kẻ thù, và quá đủ điều kiện để rừa hờn, nhưng chàng thiếu niên Trương Vô Kỵ đã biết xóa bỏ mọi tư thù để xả thân hóa giải tất cả oán cừu giữa hai khối chính tà. Không có ai bắt buộc, cũng không vì động cơ riêng tư nào, mà chỉ đơn thuần vì tiếng gọi của lương tri muốn xóa bỏ mọi hận thù trong chốn giang hồ. Chàng thiếu niên trẻ tuổi đó tự nhiên đảm nhận sứ mệnh đem lại yên bình cho võ lâm. Phe chính giáo chấp nhận ra đi, với tâm trạng hân hoan và lá cờ sáng ngời chính nghĩa. Phe Minh giáo tránh được thảm họa diệt vong, xung đột nội bộ chấm dứt và tất cả giáo chúng đều đồng tâm tôn Trương Vô Kỵ lên ngôi vị giáo chủ đời thứ ba mươi bốn. Đó chính là hình ảnh ban đầu của “vua Thuấn võ lâm”.
Tại chùa Vạn An, Trương Vô Kỵ cũng không ngại xả thân cứu tất cả cao thủ của Lục đại môn phái thoát khỏi tháp lửa, trong đó không thiếu những kẻ đã đối xử hiểm độc và thô bỉ với mình. Dĩ đức báo oán. Trương Vô Kỵ đã thực sự chinh phục được cả hai chính lẫn tà. Có lẽ không thể có nhân vật võ lâm nào lý tưởng hơn để thiết kế công cuộc thống nhất võ lâm. Vừa khoan dung đôn hậu, vừa thông thạo y thuật, võ công lại vô địch khi tổng hợp được hai môn tuyệt học của hai phe chính tà : Cửu dương thần công của phái Thiếu Lâm và Càn khôn đại na di của Minh giáo ở mức cao nhất. Thân thế cũng quá đỗi đặc bỉệt : mang hai dòng máu chính tà, cháu ngoại Bạch mi ưng vương, đồ tôn của Trương Tam Phong, nghĩa tử của Kim mao sư vương. Và điều quan trong bậc nhất là Trương Vô Kỵ được cả hai phe chính tà mặc nhiên xem như là minh chủ võ lâm. Một sự tổng hợp quá đỗi lý tưởng, quá đỗi tham lam, và do đó quá đỗi cường điệu, chỉ xuất hiện một lần trong mọi tác phẩm võ hiệp. Cho nên Trương Vô Kỵ chỉ còn là cái bóng để Kim Dung thử triển khai những ý đồ của mình. Nói chung đó là hình ảnh của một vua Thuấn chốn võ lâm vừa sành y đạo của Kỳ Bá, vừa thấu triệt Cửu dương thần công lẫn Càn khôn đại na di!
Nhưng hình ảnh lý tưởng đó có đem lại thành công như mong đợi hay không? Mọi mưu toan thống nhất giang hồ bằng thủ đoạn bá đạo như Tã Lãnh Thiền, Nhạc Bất Quần hoặc Nhậm Ngã Hành đều đưa đến kết cục bi thảm cho kẻ thủ ác lẫn nạn nhân. Tả Lãnh Thiền bỏ thây giữa đám loạn kiếm trong thạch động. Nhậm Ngã Hành bỏ mạng vì Hấp Tinh đại pháp, môn võ công bá đạo mà ông ta dùng làm phương tiện để xưng bá giang hồ. Nhạc Bất Quần trở thành một quái tượng sinh lý như Đông Phương Bất Bại. Nhưng nếu từ bỏ con đường bá đạo để thống nhất giang hồ bằng con đường vương đạo như Trương Vô Kỵ cũng không thể thành công. Đó chỉ là giấc mơ ngàn đời của bao thế hệ phương Đông. Bởi lẽ chắc gì Nghiêu Thuấn đã là thật, và cái xã hội “thời thái bình cửa thường bỏ ngõ” (Nguyễn Công Trứ) cũng chỉ một “vùng đất hứa” muôn thuở cho con người. Mạnh Tử suốt đời rong ruỗi để thuyết phục các vị vua đương thời trị nước theo vương đạo, nên đành phải chấp nhận thất bại. Tần Thủy Hòang biết dùng tư tưởng pháp gia bá đạo của Hàn Phi Tử nên đã thành công. Đó là lịch sử.
Con người đôn hậu Trương Vô Kỵ đó hoàn toàn không có thủ đoạn và tham vọng chính trị nên dễ dàng sa bẫy Chu Nguyên Chương. Tên gian hùng này bàn việc giết Hàn Lâm Nhi với bọn Từ Đạt và Thường Ngộ Xuân, nhưng lại âm thầm bố trí bối cảnh để Trương Vô Kỵ nghe lầm là hai vị đại ca kết nghĩa của mình đang mưu toan cùng Chu Nguyên Chương ám hại mình để mưu cầu công danh phú quý. Chỉ ngần đó cũng đủ để con người Trương Vô Kỵ trọng nghĩa quý tình ngán ngẫm cuộc “tranh bá đồ vương”, để âm thầm mang Triệu Mẫn ra đi, nhường sân khấu chính trị lại cho tên gian hùng Chu Nguyên Chương dựng nên triều Minh. Một phần dòng chảy của thế giới giang hồ đã hòa nhập vào dòng chảy của lịch sử và tan biến trong đó. Phần khác vẫn cứ âm thầm trôi theo chu kỳ muôn thuở. Trong dòng chảy đó, sẽ tiếp tục có những Trương Vô Kỵ ngày ngày kẻ lông mày cho hiền thê để giấc mơ “thống nhất giang hồ” của Kim Dung chìm trong ánh mắt hồ thu của giai nhân, sẽ tiếp tục có những Vi Tiểu Bảo lưu manh nhưng nghĩa hiệp, cũng như sẽ tiếp tục có những lãng tử Lệnh Hồ Xung đáng yêu bên cạnh những Nghi Lâm vướng lụy. Và sẽ còn mãi những mưu toan dùng thủ đoạn cùng bạo lực để thống trị võ lâm đan xen với những hoài bão thống nhất giang hồ bằng con đường vương đạo.
Cái nào sẽ thắng? Câu hỏi sẽ được bỏ lửng. Nhưng lịch sử giang hồ vẫn tiếp tục dòng chảy trong tác phẩm Kim Dung, dù Kim Dung đã ngừng bút từ lâu.
LAI RAI CHÉN RƯỢU GIANG HỒ-HUỲNH NGỌC CHIẾN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét