TẠ YÊN KHÁCH: GIÁ TRẢ CHO THÓI CUỒNG NGÔNG
Trong đời, những kẻ may mắn có được cái gì đó hơn người, mà lại không có một căn cơ tinh thần sâu sắc, thường dễ đâm ra kiêu ngạo. “Cái hơn người” đó có khi là tiền bạc, địa vị hoặc tài năng. Từ tâm lý kiêu ngạo dễ dẫn đến thói chơi ngông. Cái ngông cũng có năm bảy đường ngông. Có cái ngông vì tiền bạc, như dân gian còn lưu truyền chuyện các công tử Bạc Liêu đốt một tờ 20 đồng để đi tìm tờ 5 đồng trong một rạp chiếu bóng; có cái ngông vì địa vị như nhiều vị có chức quyền đời nay sử dụng cái ghế ngồi để làm những trò lố bịch. Đó là cái thói ngông rẻ tiền của bọn phàm phu bất tài, được nuôi dưỡng bằng sự kiêu ngạo thô bỉ và ngu xuẫn nguy hiểm. Nó phát xuất từ mặc cảm đớn hèn vì tự biết mình không thể được ai với cái đầu rỗng tuếch, ngoài những thứ tạm bợ là tiền bạc và địa vị, nên phải chơi ngông để tự “nâng giá” mình. Cái ngông hạ cấp đó tàn phá tinh thể của cái ngông của kẻ có tài năng chân chính, là những người ngông vì cô đơn, do không tìm được bạn tri âm, hoặc ngông vì khinh thường bọn “trung nhân dĩ hạ” đang huyênh hoang trong vòng danh lợi. Đó là cái ngông của những người tài hoa không muốn hòa mình theo lưu tục.
Nguyễn Tuân, vì không muốn tiếp một vị khách mà ông không ưa, đã ăn mặc chỉnh tề ra nói với người đó : “Ông Nguyễn Tuân nhờ tôi nhắn với ông rằng ông ấy không có nhà!”. Tản Đà từng đào nền nhà của một người ngưỡng mộ thơ mình để trồng rau, vì lo rằng khi cần rau nhắm rượu lại không có! Lưu Linh say rượu cổi truồng, bạn bè trách, ông cười bảo: “Ta lấy trời đất làm quần áo, các ông việc gì lại chui vào quần của ta?”. Điều đó có thể là thực hoặc chỉ là giai thoại văn học, nhưng dù sao cái ngông của kẻ có tài cũng đáng cảm thông vì nó không hề phô trương cái tôi một cách ồn ào lố bịch, và nhất là cái ngông đó thường bắt nguồn từ cảm thức cô đơn, vì không tìm được sự hòa điệu trong cõi đời. Nhưng ngẫm cho cùng thì ngay cả thói ngông vì tài năng cũng chẳng phải là điều hay ho gì cho lắm, thậm chí còn gây nguy hiểm về mặt tinh thần, vì trong đời không thiếu những kẻ có chút tài mọn cũng lăm le bắt chước thói ngông, tập tễnh học đòi cô đơn, có lẽ để đặt mình ngang với những kẻ có chân tài thực học. Thói ngông đó e rằng còn lố bịch hơn cả thói ngông vì tiền bạc và địa vị vì nó làm cả cõi thế phải ô nhiễm theo!
Trong các tác phẩm của Kim Dung, có rất nhiều nhân vật lỗi lạc và cuồng ngạo như Hoàng Dược Sư, Nhậm Ngã Hành, Bạch Tự Tại …, nhưng ngông đến mức dám sánh mình ngang với đấng Toàn năng để ban ân huệ cho người khác thì có lẽ trong tiểu thuyết võ hiệp chỉ có một người : đó là Tạ Yên Khách trong Hiệp khách hành. Vị cao thủ trên đỉnh núi Ma Thiên này, trong một phút hứng chí muốn chơi ngông, bèn đem tặng ba tấm huyền thiết lệnh cho ba người bạn mà mình mang ơn, với lời trọng thệ : ”Huyền thiết chi lệnh, hữu cầu tắc ứng” (Lệnh của tấm thép đen, hễ có cầu xin là được đáp ứng). Bất kỳ ai đem tấm huyền thiết lệnh đến thì Tạ Yên Khách sẵn sàng làm thỏa mãn mọi yêu cầu của người đó, kể cả việc yêu cầu ông ta tự tử! “Hữu cầu tắc ứng”, ước gì được nấy, cung cách đó chỉ có thể có ở một đấng Chí tôn hoặc ông Bụt trong truyện cổ tích, giờ đây lại tái hiện qua sự ngạo mạn ngông cuồng đến cùng cực của một đại tông sư võ học. Có lẽ chủ nhân huyền thiết lệnh cho rằng với bản lĩnh của mình thì mọi sự trên đời đều “vô bất khả”. Cứ gõ cửa sẽ mở, cứ ước sẽ được toại nguyện. Câu “Hữu cầu tắc ứng” giống như câu thần chú : ”Vừng ơi, mở cửa ra” trong câu chuyện Ngàn lẻ một đêm. Trách sao võ lâm lại không điên đảo để giành nhau?
Một tấm huyền thiết lệnh ngẫu nhiên lạc trong chốn giang hồ và đã gây nên bao sóng gió. Sống trong đời ai lại không có sở cầu, nhất là giữa cõi giang hồ đầy rẫy ân oán thị phi? Các bang hội lẫn cá nhân đều tranh nhau tìm cách đoạt tấm huyền thiết lệnh vì muốn nhờ vị chủ nhân của nó giúp đỡ để thực hiện mưu đồ nào đó. Vợ chồng Thạch Thanh, trang chủ Huyền Tố trang, võ công và danh vọng là thế mà vẫn phải cần đến tấm huyền thiết lệnh để điều tra tông tích đứa con trai bị bắt cóc, đệ tử phái Tuyết Sơn lại cần đến tấm huyền thiết lệnh để truy nã một tên phản đồ lưu manh …, khách giang hồ lao vào cuộc săn lùng tấm huyền thiết lệnh giống như cảnh tượng mọi người đổ xô đi tìm vàng trong phim The Gold Rush (Cơn sốt vàng) của thiên tài Chaplin. Khác với các bí cấp võ công như Cửu âm chân kinh, Cửu dương chân kinh, Tịch tà kiếm phổ hay Quỳ hoa bảo điển … là những kỳ thư võ học giúp người ta luyện thành bản lĩnh vô địch, còn huyền thiết lệnh chỉ giống như một tấm vé số giải đặc biệt, mà người chiếm hữu nó được quyền thực hiện một điều mong ước.
Người xưa quả cực kỳ thâm thúy khi cho rằng vô cớ có được một tài sản lớn, nếu không phải là cái phúc phi thường ắt sẽ là cái họa phi thường. Điều đó đúng với Ngô Đạo Thông. Y sở hữu một tấm huyền thiết lệnh và lập tức trở thành đối tượng truy nã của khách giang hồ, sau hai năm không tìm được vị chủ nhân của nó; cuối cùng phải bỏ mạng tại Hầu Giám tập, dù đã cải trang thành kẻ bán bánh chiên. Cái vật mà nhiều người ước mơ, tranh đoạt đó lại ngẫu nhiên rơi vào tay một đứa bé ăn xin cầu bơ cầu bất. Tạ Yên Khách xuất hiện đúng lúc để đoạt lại tấm lệnh bài giữa vòng đao kiếm. Và dĩ nhiên, với tư cách là chủ nhân của tấm huyền thiết lệnh, Tạ Yên Khách buộc phải thực hiện điều yêu cầu của đứa nhỏ ăn xin. Có gì dễ dàng cho vị cư sĩ đỉnh Ma Thiên hơn việc làm thỏa mãn yêu cầu của một đứa bé ăn xin lang thang ở đầu đường xó chợ? Một miếng bánh hoặc một ít tiền là xong tất, dù điều đó hoàn toàn không xứng đáng với giá trị của tấm huyền thiết lệnh, giống như cầm cả xe vàng ròng để đổi lấy một cái bánh bao. Nhưng điểm thú vị bất ngờ nhất của tác phẩm là đứa bé ăn xin đó, do hoàn cảnh sống từ bé, lại hoàn toàn không có một điều mong cầu nào, vì đã được dạy cho bài học : “Đừng yêu cầu ai điều gì cả. Khi người ta không muốn cho thì có xin cũng không được, mà khi người ta đã muốn cho thì không nhận người ta cũng bắt phải lấy!”. Điều đó làm điên đầu chủ nhân huyền thiết lệnh và dẫn đến cảnh dở khóc dở cười về sau.
Tạ Yên Khách dầu có bản lĩnh thông thần và muốn làm một đấng Toàn năng đi nữa thì dĩ nhiên vẫn có những điều ông ta không thể thực hiện được, nhưng việc một người mang huyền thiết lệnh đến yêu cầu ông ta tự tử là điều hoàn toàn khả thi, vì nếu không thì còn gì là “hữu cầu tắc ứng” nữa? Vị Ma Thiên cư sĩ cực kỳ cao ngạo đó đã bị thói chơi ngông của mình chơi khăm lại một vố rất cay. Ông buộc phải dẫn đứa bé ăn xin lên đỉnh Ma Thiên sống chung với mình, vì sợ nó bị kẻ thù ông xúi bậy. Biết đâu được có kẻ cắc cớ xúi thằng bé buộc ông ta suốt đời không được động thủ với ai hoặc không được rời khỏi đỉnh Ma Thiên, thì điều đó còn đau khổ hơn cả việc bắt phụ nữ suốt năm không được mở miệng!
Trọn tác phẩm Hiệp khách hành không có đoạn nào thú vị bằng đoạn Tạ Yên Khách, bằng nhiều thủ đoạn, dụ cho đứa bé mở miệng cầu xin mình, xem như để dứt món nợ với tấm huyền thiết lệnh. Nhưng tiếng nói hồn nhiên từ đầu đến cuối của nó vẫn là : Không! Thậm chí Tạ Yên Khách còn phải nhờ vào tiền lẻ của nó để ăn cơm khi hai người vào quán. Kẻ cực kỳ kiêu ngạo muốn ban ân huệ cho thiên hạ lại gặp phải đứa bé sống hồn nhiên với cái tâm vô cầu, khác nào đem món tay gấu cực quý để tặng cho kẻ suốt đời chỉ biết ăn chay! Đây là điểm vô cùng sâu sắc và lý thú của Hiệp khách hành, mà ta từng gặp trong Tây Du Ký. Tôn Ngộ Không xem mình vĩ đại ngang với trời (đã Tề Thiên mà còn thêm đại thánh nữa!), và đại náo thiên cung như chỗ không người để rồi bị tóm gọn trong bàn tay của đức Phật Như Lai, bản lĩnh trùm đời của Tạ Yên Khách lại bị khốn vì cái tâm vô cầu của một thằng bé ăn xin. Hai hình ảnh đó ắt hẳn mang rất nhiều ngụ ý mỉa mai trào lộng của Ngô Thừa Ân và Kim Dung. Bạn cứ xưng hùng xưng bá đi, coi thiên hạ dưới mắt không người đi, muốn chọc trời khuấy nước cho xứng đáng với “tầm vóc vĩ đại” của mình đi, để rồi sẽ có ngày bị sa lầy vào những thứ tầm phào không đáng một xu. Phép thần thông cân đẩu vân của bạn tưởng chừng sẽ bay vút ngoài vạn dặm nhưng thực ra cũng không vượt qua nỗi ngón tay của những bậc minh triết. Ngọn núi cao ngất trong mắt bạn mà bạn đã từng, như Tề Thiên, ngạo nghễ đái vào đó để chứng tỏ tài năng và bản lĩnh thì thực ra cũng chỉ là một hạt bụi vớ vẫn, tình cờ rơi trong lòng tay của những thiên tài.
Thằng bé Cẩu tạp chủng đó quá hồn nhiên và lương thiện nên Tạ Yên Khách cũng không thể hạ thủ nó để bịt miệng. Ông ta đành dùng thủ đoạn giúp nó luyện công để mong nó chết đi vì bị tẩu hỏa nhập ma. Như thế ông ta sẽ giải thoát khỏi “món nợ đời” mà vẫn giữ tròn chữ tín và không vi phạm lời thề. Nhưng cuộc đời đã muốn chơi khăm kẻ cuồng ngạo nên thủ đoạn của Tạ Yên Khách không những đã không hại được thằng bé mà còn vô tình giúp nó luyện được nội công tuyệt đỉnh. Như vậy cùng có được huyền thiết lệnh, nhưng khác với Ngô Đạo Thông gặp cái họa phi thường vì sở cầu, đứa bé ăn xin lại gặp cái phúc phi thường vì cái tâm hồn nhiên vô cầu.
Khi thằng bé ăn xin đó bị bang Trường Lạc nhận lầm là bang chủ và đem cao thủ lên tập kích đỉnh Ma Thiên để bắt về tổng đàn, thì người đọc ngỡ rằng nhân vật Tạ Yên Khách không còn được nhắc đến nữa, và tấm huyền thiết lệnh xuất hiện từ đầu tác phẩm đã rơi vào quên lãng cùng với chủ nhân của nó. Nhưng sau một loạt liên tục các biến cố hi hữu, Thạch Phá Thiên (tức Cẩu tạp chủng) luyện được võ công tuyệt đỉnh và cuối cùng lại gặp Tạ Yên Khách trên thành Lăng Tiêu. Đó là điều bất ngờ hấp dẫn mà Kim Dung đã thiết kế một cách tài tình.
Luyện xong tuyệt kỹ Bích Châm thanh chưởng, Tạ Yên Khách bèn hạ sơn để ấn chứng võ công. Sau khi phá hủy tổng đàn Trường lạc bang về cái tội dám quấy nhiễu Ma Thiên lĩnh, Tạ Yên Khách lại gặp Thạch Trung Ngọc và ngỡ đó là thằng nhỏ Cẩu tạp chủng ngày nào. Gã thiếu niên lưu manh đàng điếm này liền mạo nhận mình là Cẩu tạp chủng và yêu cầu Tạ Yên Khách tập kích thành Lăng Tiêu để làm cỏ phái Tuyết Sơn. Chủ nhân huyền thiết lệnh buộc phải thực hiện yêu cầu đó mà hoàn toàn không ngờ rằng gã này đang dùng tấm “vé số giả” để lừa mình. Chính tại nơi đây kẻ xài tấm “vé số giả” Thạch Trung Ngọc lại gặp đúng kẻ có tấm “vé số thật” Thạch Phá Thiên. Đúng là “oan gia gặp nhau trong đường hẹp”. Đến giây phút oái ăm này chú “Cẩu tạp chủng” vô cầu mới có một yêu cầu thực sự, tuy đơn giản nhưng lại đẩy Tạ Yên Khách vào cảnh dở khóc dở cười: đó là nhờ ông ta cai quản và dạy dỗ Thạch Trung Ngọc. Bắt một tay cuồng ngạo có bản lĩnh nghiêng trời như Tạ Yên Khách đi làm “vú em” để chăm lo cho một thiếu niên lưu manh đàng điếm, đó quả là điều oái oăm và buồn cười nhất trần gian, còn hơn cả việc nhờ Picasso đi sơn cửa hoặc nhờ Mozart thổi kèn đám ma! Nhưng từ chối làm sao được, “hữu cầu tắc ứng” mà.
Có lẽ cái ngông nào rồi cũng phải có giá trả, ngay cả cái ngông của những người muốn đem tài hoa để trào lộng hóa công, như Lý Trường Cát hoặc Tô Đông Pha. Qua nhân vật Tạ Yên Khách, biết đâu Kim Dung lại muốn gởi đến người đọc một bài học rất ư cắc cớ, mà lại vô cùng sâu sắc, về thói cuồng ngông vô lối của con người. Và cái vố cay mà Tạ Yên Khách phải gánh lấy liệu có cảnh tỉnh được không những kẻ cuồng ngông ngu xuẫn vẫn còn tràn lan trong thiên hạ?
BẠCH TỰ TẠI: CĂN BỆNH VĨ CUỒNG
Hữu dư, bất cảm tận
(Còn những điều khác, ta không dám nói cho hết được)
(Khổng Tử)
Tôi nhớ mang mang có một nhà văn viết rằng giá trị của con người giống như một phân số, trong đó tử số mới là giá trị thực của mình, còn mẫu số chỉ là giá trị do mình tưởng tượng ra. Sự so sánh đó quả cực kỳ tinh tế và minh triết. Kiến thức sơ đẳng về phân số cho ta biết khi mẫu số càng lớn thì giá trị phân số càng bé lại, và nếu mẫu số tiến đến vô cực thì giá trị phân số tiến về không. Cho nên những “thiên tài trong hoang tưởng” vẫn luôn tiệm cận với những thằng Bờm! Mẫu số chỉ là một giá trị ảo, như bọt bong bóng phù hoa, nhưng phần đông con người, nhất là những kẻ gặp may mắn thành công quá dễ dàng trong đời, như kiểu Xuân tóc đỏ, luôn bám chặt vào giá trị của mẫu số để sống. Chính vì thế mà những con người đó thường đâm ra hoang tưởng về bản thân, nghĩ rằng mình là “thiên tài vĩ đại”. Căn bệnh vĩ cuồng quái ác đó vẫn mãi mãi tàn phá tâm thức con người chừng nào họ chưa gặp cơ duyên ứng hợp để nhận chân ra đâu là cái thực của mình. Chỉ khi hiểu được rằng giá trị thực của mẫu số vốn rất nhỏ, thì chỉ lúc đó họ mới bắt đầu lớn!
Trong đoạn mở đầu chương Thu thủy trong Nam hoa kinh, Trang Tử đã nêu một ẩn dụ đầy ấn tượng:
“Nước thu khi mùa đến, trăm lạch đổ ra sông, dòng lớn mênh mông, hai bên bờ nước hông phân biệt được trâu với ngựa. Lúc bấy giờ, Hà Bà (thần sông) hớn hở mừng thầm, cho rằng cái đẹp trong thiên hạ ở cả nơi mình. Thuận theo dòng chảy về đông, đến biển bắc, quay mặt về đông mà nhìn, không thấy đâu là đầu nước. Lúc bấy giờ, Hà Bá mới quay mặt mày (diện mục) về thần biển bắc là Nhược mà than rằng:
Lời quê có nói : “Nghe đạo mới được một trăm đã cho rằng không ai bằng mình”, tôi là loại người ấy. Vả lại tôi thường nghe có người chê sự hiểu biết của Trọng Ni là nhỏ, mà xem khinh cái nghĩa của Bá Di, thoạt đầu tôi không tin. Nay tôi thấy được vẻ không cùng của nhà thầy, tôi mà không đến được cửa nhà thầy, ắt nguy mất. Tôi sẽ bị các nhà đại phương cười dài cho (Dã ngữ hữu chi viết : “ Văn đạo bách, dĩ vi mạc nhược kỷ dã”,ngã chi vị dã. Thả phù, ngã thường văn tiểu Trọng Ni chi văn, nhi khinh Bá Di chi nghĩa giả, thủy ngô phất tín. Kim ngã đổ tử chi nan cùng dã, ngô phi chí ư tử chi môn, tắc đãi hỹ! Ngô trường kiến tiếu ư đại phương chi gia).
Thần Nhược nói:
Ếch giếng, không thể cùng nói về biển, vì câu nệ về chỗ ở. Sâu hè, không thể cùng nói về băng, vì khư khư về mùa. Khúc sĩ (kẻ hiểu biết hạn hẹp) không thể cùng bàn về đạo, vì bó buộc về lối dạy (Tỉnh oa bất khả dĩ ngứ ư hải giả, câu ư khư dã. Hạ trùng bất khả dĩ ngứ ư băng giả, đốc ư thời dã. Khúc sĩ bất khả dĩ ngứ ư đạo giả, thúc ư giáo dã).
(Trang Tử, Nam hoa kinh, Thu thủy)
Tục ngữ Việt Nam có câu “Ếch ngồi đáy giếng xem trời bằng vung” để chê những kẻ hiểu biết nông cạn mà đã vội huênh hoang, xem dưới trời không có người. Nào phải chỉ những con “ếch ngồi đáy giếng” (tỉnh oa) mới bị chê bai, mà đôi khi những con kình ngư vẫy vùng nơi biển rộng vẫn là loại “ếch ngồi đáy giếng” như thường. Cái chính là biết nhìn. Và biết mình đang nhìn từ góc độ nào. Khi ta biết thu nhỏ mình lại thì góc nhìn sẽ càng lớn. Cái lớn của Hà Bá nằm ở chỗ tự biết mình là nhỏ, khi đối diện với cái không cùng!
Bạch Tự Tại trong Hiệp khách hành là loại “tỉnh oa” điển hình cho căn bệnh vĩ cuồng kiểu đó, dù thực chất ông ta cũng là một loại kình ngư đáng kể. Phái Tuyết sơn ở Tây Vực chỉ là môn phái “loại hai” về mọi mặt. Trải qua bao đời, những thành tựu về võ học cũng chỉ ở mức “thường thường bậc trung”. Nhưng đến đời Bạch Tự Tại làm chưởng môn, ông nhờ may mắn uống được máu quái xà mà nội lực đột nhiên tăng tiến phi thường, vượt xa những bậc tổ sư tiền bối của bản môn; lại thêm suốt đời ru rú ở miền Tây Vực, không hề gặp đối thủ ngang tài, Bạch Tự Tại từ đó bắt đầu mắc cơn bệnh vĩ cuồng của một “thiên tài tỉnh lẻ”. Do thành công quá dễ dàng ở một miền không có cao thủ, như người chột xứ mù, kẻ “múa gậy vườn hoang” đó tự cho võ công phái Tuyết Sơn là đệ nhất thiên hạ, còn bản thân mình là “đệ nhất nội công, đệ nhất kiếm pháp, đệ nhất khinh công, đại anh hùng, đại hiệp sĩ” cổ kim không ai sánh kịp, kể cả hai nhân vật huyền thoại trong làng võ là Đạt Ma tổ sư và Trương Tam Phong. Nhiều môn đệ bị ông giết một cách oan uổng vì không chịu nhận hoặc nhận một cách ngập ngừng rằng ông là thiên tài võ thuật đệ nhất cổ kim. Khi căn bệnh hoang tưởng đã trở nên trầm trọng thì các sư đệ phải tìm cách đánh thuốc mê và nhốt ông vào ngục đá. Bị xích xiềng trong ngục, Bạch Tự Tại vẫn cho rằng mình muốn ngồi yên để tỉnh tọa chứ những xích sắt kia đối với ông chỉ là gỗ mục, muốn phá bỏ lúc nào cũng được. Về điểm này, căn bệnh “Thắng lợi tinh thần” của Bạch Tự Tại có lẽ còn bỏ xa cả nhân vật A.Q của Lỗ Tấn! Kẻ cùng cực tự tôn là Bạch Tự Tại và kẻ cùng cực tự ty là A.Q đều đi đến một điểm “Thắng lợi” như nhau. Sự hoang tưởng tinh thần có lẽ là điều đáng buồn cười, nhưng lại rất đáng thương của con người. Đó là cái tâm bệnh chung của những “thiên tài” không chịu đi xa và không biết đi xa để hiểu rằng “Thiên ngoại hữu thiên” (ngoài bầu trời này còn có bầu trời khác).
Dù là kẻ mang bệnh vĩ cuồng, nhưng điểm đáng quý của Bạch Tự Tại là khi đối mặt với thực tế, ông từng bước biết xấu hổ để sực tỉnh mà xóa dần những ngoại hiệu hoang tưởng phù phiếm kia đi. Khổng Tử bảo “Tri sỉ cận hồ dũng” (Biết xấu hổ là đã gần với sự dũng cảm) quả rất sâu sắc. Chỉ có kẻ nào dũng cảm mới biết hổ thẹn về khuyết điểm của mình, còn loại “vô sỉ” mới luôn tìm cách bào chữa và che dấu để tiếp tục huyênh hoang. Muốn “tri sỉ ”thì cần phải có bản lĩnh chân thực, như kẻ cuồng ngạo là Nhậm Ngã Hành vẫn ngang nhiên tự nhận mình là bại tướng dưới tay Đông Phương Bất Bại.
Khi đụng phải nội lực kinh người của Thạch Phá Thiên, sau một hồi phân vân cân nhắc, Bạch Tự Tại tự hạ ngoại hiệu đệ nhất nội công của mình xuống hàng … đệ nhị, nhưng vẫn giữ “nguyên giá” cho các ngoại hiệu khác. Vẫn đệ nhất kiếm pháp, vẫn đệ nhất khinh công, vẫn đại hiệp sĩ, vẫn đại anh hùng. Để rồi từng bước, khi đặt chân đến Hiệp Khách đảo, các ngoại hiệu đệ nhất khác cũng lần lượt “xuống giá”. Khi chứng kiến thân thủ của kẻ nô bộc trên đảo, vị chưởng môn phái Tuyết Sơn âm thầm tự xóa ngoại hiệu “đệ nhất khinh công”. Rồi khi thấy Trương Tam, Lý Tứ cùng với Thạch Phá Thiên chia nhau bát cháo Lạp bát - mà ông ngỡ là thuốc độc, Bạch Tự Tại lại âm thầm xấu hổ mà xóa đi ngoại hiệu “đại anh hùng”. Cứ thế dần dần Bạch Tự Tại mới thấy mình chẳng là gì so với thiên hạ. Lúc đó ông mới hiểu rằng thế giới vốn rất bao la chứ không phải chỉ là miền Tây Vực, và những ngoại hiệu mà ông tự gán cho mình trong ngày trước chỉ là trò xuẫn ngốc, đáng để “các nhà đại phương cười dài cho”.
Tục ngữ Việt Nam có câu : ”Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Cần phải đi thật nhiều mới biết rằng đất trời rất rộng. Nhưng “đi” là một chuyện, còn “biết đi” mới thực sự là tiền đề của sự minh triết. Bạch Tự Tại lên thuyền đến Hiệp khách đảo chỉ mới là ‘đi”, mà ông biết xấu hổ về thói ngông cuồng tự đại đầy ngu xuẩn của mình mới là “biết đi”. Ngồi yên bao năm dưới gốc Bồ Đề để rồi nhìn sao mai mà hoát nhiên đại ngộ, như đức Phật, cũng là một cách đi. Thành tâm hành cước, tùng lâm nào cũng ghé để tìm hiểu điểm tinh yếu của cái học tâm tông, như các thiền sư, cũng là một cách đi. Phát tâm cầu đạo Vô thượng Bồ đề, mở ra một cuộc hành cước kỳ tuyệt bằng cách đi tham vấn mọi bậc thiện tri thức về Bồ tát hạnh, như Thiện Tài đồng tử trong kinh Hoa nghiêm, cũng là một cách đi. Ngao du sơn thủy khắp cả Trung Quốc rồi về ngồi viết bộ Sử ký lưu truyền đến muôn đời, như Tư Mã Tử Trường, cũng là một cách đi. Lận đận chu du khắp các nước chư hầu để giảng dạy về đạo lý hình nhi hạ, như Khổng Tử, cũng là một cách đi. Không bước ra khỏi nhà mà biết hết việc trong thiên hạ, không nhòm qua cửa sổ mà biết được đạo trời (bất xuất hộ tri thiên hạ, bất khuy dũ tri thiên đạo), như Lão Tử, cũng là một cách đi. Nhưng nếu đi không đúng thể điệu thì dù có ngao du suốt đời ta cũng vẫn cứ ngồi yên một chỗ, theo kiểu “tỉnh oa” hay “khúc sĩ”. Chỉ khi nào ta thành tâm muốn học hỏi với một cái tâm Không, nghĩa là thực sự muốn xóa bỏ mọi giá trị hư ảo của phân số thì ta mới thực sự “biết đi”, và cuộc ra đi đó mới giúp ta nhìn ra những chân trời huyền diệu.
Kim Dung đặt tên cho nhân vật này là Tự Tại quả là điều mĩa mai, vì giá trị nội hàm của hai chữ “Tự Tại” trong thuật ngữ Phật giáo rất lớn. Tâm luôn an nhiên thanh thản, không bị lay động bởi trần cảnh; mọi khen chê thành bại trong đời chỉ là cơn gió thoảng trước cái tâm bất động tịch nhiên : đó mới là Tự Tại. Bát Nhã Tâm kinh của Phật giáo mở đầu : “Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”. (Khi Bồ Tát Quán Tự Tại thực hành sâu xa Bát nhã Ba la mật, ngài quán chiếu thấy rằng ngũ uẩn đều là Không, và vượt qua được mọi sự khổ đau, khốn khó). Danh hiệu Tự Tại tôn quý chỉ dành cho bậc Bồ Tát đã quán chiếu được “ngũ uẩn giai không”. Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức đều là Không. Rồi đến cái Không này cũng là Không nốt. Chỉ khi dùng trí Bát nhã quán chiếu vạn hữu đến độ thâm diệu như vậy thì tâm mới được Tự Tại. Làm sao một kẻ mắc bệnh vĩ cuồng như Bạch Tự Tại có thể đạt đến nội hàm của hai chữ này, khi mà cái tâm còn luôn vọng động? May sao phân số Bạch Tự Tại càng lớn dần khi từng bước ông biết giảm dần những giá trị hoang đường của mẫu số. Có lẽ chỉ khi giảm dần giá trị mẫu số đến không, có nghĩa là đạt đến mức “chiếu kiến nhất thiết đệ nhất giai không”, thấy được mọi danh hiệu “Đệ nhất” đều là trò hề nhảm nhí thì Bạch Tự Tại mới thực sự an nhiên tự tại.
Đâu phải chỉ trong làng võ mới có Bạch Tự Tại, mà trong làng văn vẫn luôn nhan nhãn những “thiên tài đệ nhất cổ kim” như Bạch Tự Tại với những phái Tuyết Sơn của miền Tây Vực! Chữ nghĩa, không được tiêu hóa một cách thông minh và ứng hợp cơ duyên, dễ lừa phỉnh con người mắc phải cơn bệnh vĩ cuồng trong cái thế giới phù phiếm của văn chương.
Bạch nhật y sơn tận
Hoàng hà nhập hải lưu
Dục cùng thiên lý mục
Cánh thướng nhất tằng lâu
白 日 依 山 盡
黃 河 入 海 流
欲 窮 天 理 目
更 上 一 曾 樓
(Mặt trời lặn chìm sau núi
Hoàng hà cuồn cuộn về khơi
Mắt muốn nhìn ra ngàn dặm
Lầu cao lên một tầng chơi)
Đăng Quán Tước lâu -Vương Chi Hoán.
Chỉ có càng lên cao thì tầm mắt mới càng được mở rộng để thấy cái mênh mông của những chân trời, mới thấy được cảnh huyền ảo của mặt trời lặn tắt sau núi, cảnh hùng vĩ của sông lớn cuồn cuộn trôi ra biển. Mà càng lên cao cũng có nghĩa là càng biết đi xa. Lên một tầng thì mắt nhìn xa ngàn dặm, lên hai tầng thì mắt nhìn xa vạn dặm. Và phải ghi nhớ một điều: khi càng lên cao để phóng tầm mắt nhìn ra vạn dặm thì, trong tầm mắt của mọi người, hình ảnh ta lại càng nhỏ dần đi. Chỉ lúc đó, ta mới âm thầm cảm nhận được rằng cõi đời, trong ý nghĩa phổ quát của nó, vốn diệu vợi mênh mông như vườn thơ của Hàn Mặc Tử : ”Càng đi xa là càng ớn lạnh”!
QUÁCH TƯƠNG TIỂU MUỘI
Không hiểu sao những nhân vật như Hoàng Dung và Triệu Mẫn lại hoàn toàn không để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc nào, dù có thể họ đã làm say mê nhiều thế hệ độc giả. Đôi phen tôi muốn cầm bút viết về Hoàng Dung, theo lời đề nghị của một số bạn đọc, nhưng không tài nào viết nỗi. Dường như luôn có một cái gì đó đè lên ngọn bút khiến cho cảm hứng cạn nguồn ngay từ dòng chữ đầu tiên. Người phụ nữ xinh đẹp dĩ nhiên là vưu vật của tạo hóa, nhưng tôi cho rằng một người phụ nữ vừa tài hoa vừa xinh đẹp, lại vừa thủ đoạn và mưu mẹo tinh quái, như Hoàng Dung và Triệu Mẫn, thì họ không còn là vưu vật nữa mà chỉ là sự sai lầm của hóa công!
Người phương tây thường bảo “Do not be too smart!” (Đừng có tinh ranh quá!). Người phụ nữ đã xinh đẹp mà lại tinh ranh quá sẽ là hiểm họa. Họ hưởng quá nhiều từ hóa công, và khi họ đem những quà tặng quá đỗi hào phóng đó của hóa công để làm thành lợi khí trong những mưu mẹo thủ đoạn nhằm thủ lợi cho mình, thì điều đó chăc chắn sẽ bào mòn dần đi lòng vị tha đẹp đẽ của phụ nữ. Tâm hồn họ sẽ trở nên khô cằn và đầy nghi kỵ. Hoàng Dung luôn ngờ vực và đề phòng Dương Quá, cho rằng chàng ta là một tên xảo quyệt nguy hiểm như Dương Khang; chỉ đến ngày sinh nhật của Quách Tương thì người đàn bà tài sắc vẹn toàn, quá đỗi vẹn toàn này mới nhận ra được một điều mà cái tâm đôn hậu của Quách Tĩnh đã cảm nhận từ lâu. Cái đầu đầy sự thông minh của lý tính như Hoàng Dung sẽ khó lòng tiếp cận và cảm nhận được cái đẹp thuần nhiên trong tâm hồn. Có lẽ Kim Dung đã giúp hóa công sửa lại sai lầm khi để Hoàng Dung sinh ra hai chị em Quách Phù và Quách Tương.
Giai thoại văn học Anh kể rằng có một phụ nữ xinh đẹp đến gặp văn hào G.Bernard Shaw và đề nghị muốn được có với ông một đứa con, với lý do : ”Đứa bé sẽ tuyệt vời biết ngần nào nếu như nó có khuôn mặt của em và và bộ óc của anh”. Nhà văn hài hước nổi tiếng thế giới này đã từ chối bằng một câu trả lời hóm hỉnh : ”Tôi lại e rằng cuộc đời nó sẽ là bi kịch nếu như như nó như mang khuôn mặt của tôi và bộ óc của cô!”. “Sản phẩm” mà nhà văn muốn nói đến, qua câu chuyện hài hước trên, như là một biểu tượng di truyền những mặt hạn chế của cha mẹ, lại có thực trong tác phẩm của Kim Dung, qua nhân vật Quách Phù.
Đã có một hai bài viết về Quách Phù, nhưng dường như tôi chưa thấy có ai viết về Quách Tương, trong khi chính cô bé này mới là nhân vật nữ sảng khoái đệ nhất võ lâm. Sống ở đời chỉ để lai rai khoái hoạt thì trong các nhân vật chính của Kim Dung, nam có lẽ chỉ có mỗi một Lệnh Hồ Xung, và nữ chỉ có mỗi một Quách Tương. Trong khi Quách Phù quá đổi phù phiếm hời hợt, giống như một “con gà công nghiệp” đúng với cái tên “Phù”, thì Quách Tương lại hào sảng đáng yêu biết bao nhiêu. Có lẽ do khi vừa lọt lòng, cô bé “Tiểu đông tà” này đã phải gặp nhiều cảnh hung hiểm kỳ lạ, bị nữ ma đầu Lý Mạc Sầu bắt đi, được Dương Qua cứu thoát, lại phải uống sữa beo để sống nên tính tình mười phần cổ quái, khác hẵn cô chị nhạt nhẽo vừa ngu đần vừa đỏng đảnh.
Cảnh ba chị em Quách Phù, Quách Tương và Quách Phá Lỗ ghé vào quán rượu ven đường đã làm nổi bật nét tương phản sâu sắc giữa hai chị em. Trong khi cô chị Quách Phù luôn muốn giữ phong cách lạnh lùng khinh khỉnh của một “đại gia chi nữ” giữa đám “phàm phu tục tử” trong một quán rượu bình dân, thì cô em Quách Tương lại hào sảng cởi cành thoa ngọc đem cầm cho chủ quán để đãi tất cả thực khách xa lạ uống rượu giữa trời tuyết đổ. Thử tưởng tượng khi đang rong ruỗi giữa một buổi chiều đông lạnh giá, bạn ghé vào một quán nhỏ bên đường để uống vài ly rượu cho ấm bụng, mà chỉ dám uống dè chừng vì túi tiền không cho phép. Bỗng trong đám thực khách có một cô bé xinh đẹp đứng lên cầm cành thoa đưa cho chủ quán đổi thành rượu để đãi bạn cũng mọi người có mặt, xin mọi người hãy uống thoải mái để cùng vui, và cùng xua đi cái giá buốt của buổi chiều đông!Thử hỏi có gì trên đời thống khoái hơn thế, và có ly rượu nào ngon hơn, ấm lòng hơn thế? Chỉ một chi tiết đó đã quá xứng đáng để mọi anh hùng hào kiệt lẫn bọn tửu đồ trong thiên hạ nối đuôi nhau tới xin kết giao với cô bé thành Tương Dương!
Khi bình tác phẩm Tây sương ký của Vương Thực Phủ, Kim Thánh Thán nêu ra 33 điều thống khoái trong đời, trong có điều thứ hai rất cảm động mà mọi người vợ trên đời đều nên “khắc cốt minh tâm” (!) :
“Người bạn xa mười năm, thình lình đến vào chiều hôm. Mở cửa chào nhau xong, chẳng kịp hỏi đi thuyền hay đi bộ, cũng chẳng kịp mời ngồi ghế hay ngồi giường!…. Hàn huyên qua loa, liền chạy mau vào nhà trong, sẽ hỏi mẹ đĩ : “Mình có được như bà Đông Pha, sẵn có rượu để dành không?” Mẹ đĩ tươi cười, rút cành trâm vàng đưa cho… Tính ra có thể thết khách được ba ngày… Chẳng cũng sướng sao?” (Mái tây, Nhượng Tống dịch, NXB Tân Việt, 1960, tr.313)
Đó quả là một điều thống khoái trên đời cho những đức ông chồng có tính quãng giao và là niềm tự hào của những bà vợ hiền suốt kim cổ đông tây!
Đem cành trâm vàng trên đầu đưa chồng đem bán để đãi bạn hiền, điều đó dù cực kỳ tuyệt diệu và cực khó đối với phụ nữ trên đời, nhưng dù sao cũng còn có chút giới hạn. Đó là đãi bạn. Mà lại là bạn cố tri mười năm gặp gỡ. Đằng này cô bé Quách Tương lại đem cành thoa cực quý đổi rượu để đãi những người không hề quen biết chỉ để vui, và để truyền cái vui đó đến người khác trong quán rượu, thì cái tâm đó e rằng còn vượt quá cái tâm chiều chồng của vị hiền thê kia nữa.
Nhà văn Mai Thảo kể rằng có lần gặp Bùi Giáng đi lang thang qua tòa soạn tạp chí Văn, bèn kéo nhà thơ này vào tòa soạn xin vài bài thơ để kịp in số đặc biệt về ông. Họ Bùi bèn xin một chai bia rồi ngồi làm liền một mạch mấy chục bài thơ ngay tại chỗ, mà bài nào cũng là tuyệt bút. Trước sự kinh ngạc của nhà văn Mai Thảo, Bùi Giáng chỉ mĩm cười “Vui thôi mà!” rồi mang khăn gói tiếp tục lang thang. Đó cũng chính là cái “Vui thôi mà!” của cô bé Quách Tương trong quán rượu. Một người dùng thơ giữa đời, một người dùng cành thoa ngọc trong truyện, những việc làm ngẫu hứng đó tôi cho rằng có chỗ giống như cái tâm “vô công dụng hạnh” của Phật giáo. Làm mọi việc với cái tâm rỗng không. Tâm vô sở trụ. Vui thôi mà!
Lễ sinh nhật của cô bé Quách Tương có lẽ là cảnh tượng lạ lùng và hứng thú nhất trong bộ Thần điêu hiệp lữ. Trong khi bên ngoài đại hội quần hào bên ngoài đang dĩễn ra sôi nổi thì trong căn phòng nhỏ của mình, một cô bé mười mấy tuổi đầu lại ngồi uống rượu, cười nói đắc ý với biết bao kỳ nhân dị sĩ ẩn cư trên chốn giang hồ. Cảnh tượng đó khiến Hoàng Dung ngẫn cả người nhưng lại khiến người đọc cực kỳ thống khoái, chỉ muốn xin ngồi vào bàn để nâng chén mừng ngày sinh nhật cô tiểu muội Quách Tương. Happy birthday to you, my dear princess!
Đành rằng những người này đều theo lời mời của Dương Quá mà đến mừng sinh nhật cô, nhưng thử hỏi người tay quái kiệt chọc trời khuấy nước như Tuyệt hộ thủ Thánh Nhân sư thái hay Chuyển luân vương Trương Nhất Manh làm gì có thể ngồi uống rượu vui vẻ với một cô nhóc theo thể điệu “bình bối luận giao”, nếu như họ gặp phải một cô nương phù phiếm và nhạt nhẽo kiểu Quách Phù?
Phàm đạo kết giao trong thiên hạ, gặp nhau lần đầu, chỉ cần nửa câu nói hay một ngụm rượu thôi cũng đủ để xác định người đó đáng là bạn hay không. Mà là bạn để uống rượu lại càng khó. Đã uống rượu là phải nói chuyện. Tửu nhập ngôn xuất mà. Trong những cuộc gặp gỡ lần đầu đó, nếu có rượu ngon thì dĩ nhiên là điều thống khoái, nhưng khi câu chuyện đã thực sự vui thì rượu có nhạt một chút cũng không sao, niềm vui sẽ truyền hơi ấm vào để làm chén rượu nhạt thêm nồng; chỉ có người nhạt mới khiến cho rượu và câu chuyện nhạt theo. Mà uống rượu với người nhạt thì chán lắm. Lúc đó thì mọi loại rượu thượng hảo hạng trong thiên hạ có uống vào cũng đều nhạt hơn rượu gạo nước ba! Chỉ trong quan hệ làm ăn trong xã hội, con người mới chấp nhận uống rượu cùng người nhạt (mà những kẻ đã mê tiền thì phải là người nhạt!), để tìm cách moi được số tiền không nhạt đằng sau con người nhạt, chứ những tay quái kiệt giang hồ có cần gì đến bọn tục sĩ kia?
Trong bài “Tây Thi : từ Lý Bạch đến Kim Dung”, tôi có nói rằng trong tác phẩm Việt nữ kiếm, Kim Dung đã nối tiếp cung bậc Ô thê khúc của Lý Bạch để cực tả dung nhan tuyệt tục của Tây Thi bằng sự sững sờ của cô bé chăn dê A Thanh, chứ không tả trực tiếp sắc đẹp của người con gái đất Việt. Trong Thần điêu hiệp lữ, Kim Dung cùng dùng bút pháp đó để cực tả tính cách hào sảng đáng yêu của cô bé Quách Tương bằng cách tả cảnh Hoàng Dung đứng lén nhìn cô con gái mới mười mấy tuổi đầu của mình uống rượu cực kỳ hào hứng cùng các nhân vật quái dị trong võ lâm mới gặp lần đầu tiên trong ngày sinh nhật. Vui thôi mà!
Sau những tháng ngày phiêu bạc giang hồ tìm Dương Quá trong vô vọng, Quách Tương xuống tóc đi tu để sáng lập nên phái Nga My. Điều đó quả là một thiệt thòi quá lớn cho bọn hào sĩ võ lâm, nhưng cũng là lẽ tất nhiên, bởi thử hỏi trong đám mày râu, có ai xứng đáng với cô gái đáng yêu đó? Trừ nhân vật Dương Quá mà cô thầm yêu thì trong cõi giang hồ họa chăng chỉ có Lệnh Hồ Xung!
Đọc xong Thần điêu hiệp lữ, chúng ta chỉ muốn dẫn Quách Tương đến gặp Kim Thánh Thán để xin nhà phê bình hãn hữu cổ kim này thêm vào lời bàn của ông điều thống khoái thứ 34:
“Có được một tiểu muội như Quách Tương để cùng nhau rong chơi và “Lai rai chén rượu giang hồ”, chẳng cũng sướng sao?”
CHÂU BÁ THÔNG: TRĂM NĂM CÒN VỊ THÀNH NIÊN
Bảy mươi mới bước vào đời
Tám mươi ta mới sang chơi láng liềng
Tuổi mình còn vị thành niên
Hà cớ gì phải buồn phiền như ri?
(Thơ Nguyễn Công Chánh69)
Mỗi khi đọc câu thơ tự trào dí dỏm của người bạn gởi tặng tôi từ vùng Bắc Ninh xa lăng lắc, lúc cả hai đều tấp tễnh bước vào ngưỡng cửa ngũ tuần, tôi lại nhớ đến Lão ngoan đồng Châu Bá Thông. Ở vào lứa tuổi mà Khổng Tử bảo là “tri thiên mệnh”, đã đủ dày dặn kinh nghiệm để hiểu được mệnh trời, ấy vậy mà vẫn thấy mình là kẻ “vị thành niên”! Cuộc sống vẫn luôn mênh mông đối với đối với những người hồn nhiên lạc quan, luôn mang trong mình cái “xích tử chi tâm” của Lão ngoan đồng.
Khổng Tử bảo : “Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục, bất du củ” (Ba muổi tuổi thì ý chí đã kiên định, bốn mươi tuổi thì không còn ngờ, năm mươi tuổi thì hiểu mệnh trời, sáu mươi tuổi thì tai thuận, bảy mươi tuổi thì có thể làm theo lòng ham thích của tâm mà không còn sợ vượt quá khuôn phép nữa- Luận ngữ- Vi chính II, 4). Cho nên “bảy mươi mới bước vào đời”! Lúc này đã có quyền “tòng tâm sở dục, bất du củ” rồi.
Ở cái tuổi “sang chơi láng giềng” thì người hàng xóm lọm khọm là láng giềng đã đành, thậm chí cái chết cũng là kẻ láng giềng. Lúc đó thì làm kẻ “sang chơi láng giềng” theo thể điệu “Être-pour-la-mort” (sinh thể hướng về cõi chết) của Heidegger! Đối với nhà thơ Nguyễn Công Trứ với cái chơi : ”Tân nương dục vấn tân lang kỷ, ngũ thập niên tiền nhị thập tam” (tạm dịch : Người đẹp muốn hỏi tuổi ta. Năm mươi năm trước mới hăm ba chứ gì!), ở cái tuổi bảy mươi ba, nghĩa là mới “vào đời” được ba năm, thì dĩ nhiên những đào nương xuân xanh hơ hớ trong tiếng ca và sênh phách luôn là kẻ láng giềng của vị Doanh điền sứ tài ba và “chịu chơi“ nhất trong nền văn học Việt Nam này.
Cụ Nguyễn Công Trứ tựa như nhân vật Alexis Zorba của nhà văn Hy Lạp Nikos Kazanzaki, luôn thấy mình ở lứa tuổi đôi mươi, yêu mê đắm, sống say sưa, làm việc hết mình để tận hưởng hết cái thanh sắc của trần gian cho đến lúc nhắm mắt. Cái tố chất “chịu chơi” của Alexis Zorba hoặc của Uy viễn tướng công dù hiếm, nhưng vẫn còn có thể tìm thấy ở một đôi người, chứ cái tố chất hồn nhiên như đứa trẻ con chơi đùa giữa đời của Châu Bá Thông thì chỉ có thể tìm thấy trong chính Lão ngoan đồng!
Nếu chọn trong tất cả tác phẩm Kim Dung một nhân vật được mọi tầng lớp độc giả yêu thích, kể cả trẻ con thì có lẽ đó chính là Châu Bá Thông. Một nhân vật suốt đời chỉ biết chơi đùa, luôn tìm cách trốn tránh mọi trách nhiệm trong đời mà lại được độc giả yêu mến, điều đó mới là lạ lùng. Người ta nói “lên ba thì cười, lên mười thì mắng”, có nghĩa cùng một câu nói, nếu ở miệng đứa bé lên ba nói ra thì thấy ngộ nghĩnh đáng yêu, còn ở miệng đứa bé lên mười thì lại thấy hỗn xược vô lễ. Cái “thực” không đổi khác mà lại sinh ra hai tâm trạng yêu ghét, bởi vì câu nói của đứa bé lên ba hoàn toàn xuất phát từ trạng thái hồn nhiên vô tâm. Mà trên đời, những gì xuất phát từ cái tâm hồn nhiên đều dễ dàng tiếp cận và cảm động được lòng người một cách đằm thắm sâu xa. Châu Bá Thông được độc giả yêu mến bởi ông luôn là “đứa bé lên ba” đó.
Sau khi vô tình gây nên mối tình oan nghiệt tại cung điện Đoàn Nam đế, Châu Bá Thông lại suốt đời chạy trốn Anh Cô, không phải vì ông là kẻ bội bạc vô tình, mà chỉ vì không muốn mang trách nhiệm với cõi đời, nghĩa là không có khái niệm “làm người lớn”. Thân ở trong cõi đời, những tâm lại hoàn toàn không muốn vướng bận những lụy phiền của cõi nhân gian.
Con người khi sinh ra là một đứa bé hồn nhiên, rồi lớn lên vượt qua đoạn ấu thơ để đi vào đời, và từng bước khám phá ra những điều huyền ẩn. Nhưng chính trong cái quá trình khám phá để “trưởng thành” ấy, con người dần đánh mất đi cái tâm hồn nhiên mà Thượng đế đã phú bẩm cho từ thuở ban đầu. Cái “xích tử chi tâm” dần bị chai sạn bởi những nghiệt ngã của cuộc sống. Con người, để tồn tại và để cạnh tranh vượt lên cao hơn người khác bằng mọi thủ đoạn mưu ma chước quỷ, cứ ngày càng rời xa dần vườn địa đàng của tuổi thơ. Cái tâm hồn nhiên kia bị tập nhiễm quá nhiều điều thô bỉ, đê tiện cùng những thói quen dối trá lọc lừa, mà chỉ khi có cơ duyên thoát khỏi những hệ lụy ấy, con người mới có thể sực tỉnh để chợt hiểu ra những trò nhảm nhí mà mình cứ mê mãi múa may trên sân khấu đời. Bộ sách của Mạnh Tử gồm mấy vạn lời, suy cho cùng cũng chỉ là nỗ lực giúp con người khôi phục lại cái tâm hồn nhiên đó mà thôi. “Đại nhân giả bất thất kỳ xích tử chi tâm” (Bậc đại nhân không đánh mất đi tấm lòng con trẻ- Mạnh Tử, Ly Lâu hạ). Châu Bá Thông chính là bậc đại nhân “bất thất kỳ xích tử chi tâm” đó.
Hầu hết những cao thủ võ lâm đều xem võ học là phương tiện để thỏa mãn tham vọng bành trướng uy quyền, và khoáng trương cái tôi. Chỉ có Châu Bá Thông xem võ học là mục đích tự thân. Thích học võ, vui học võ, say mê học võ. Hễ gặp ai có những tuyệt kỹ lạ lùng, như Dương Quá hoặc Kim luân Pháp vương là Châu Bá Thông sẵn sàng bái làm sư phụ để xin học. Như một đứa bé ham mê những đồ chơi lạ. Và chỉ có cái tâm hồn nhiên của trẻ thơ mới có thể sáng tạo ra những điều kỳ diệu từ những cái tưởng chừng như rất đỗi tầm thường.
Cậu hoàng tử bé trong tác phẩm Le petit Prince của Saint Exupery luôn ngạc nhiên trước những cái trò bận rộn lăng xăng kỳ lạ của người lớn. Mà chỉ có những đứa bé hồn nhiên mới thấy hết được cái vẻ trịnh trọng điên đảo của người lớn. Ông Bùi Giáng có lẽ cũng đã dùng cái tâm trẻ thơ để chuyển ngữ tác phẩm thành “Hoàng tử bé” bằng một ngôn ngữ vô cùng hồn nhiên thơ mộng, khác hẳn với những cuốn sách dịch cà rỡn khác của ông. Châu Bá Thông cũng chính là cậu “Hoàng tử bé” đáng yêu kia.
Tô Đông Pha hỏi “Tạo vật hà như đồng tử hý!” (tạo vật sao lại giống như đứa bé chơi đùa đến vậy!). Tạo hóa với đại lực lượng, đại ý chí mà lại biết chơi đùa cũng chỉ vì có cái tâm hồn nhiên của trẻ thơ. Châu Bá Thông suốt đời chỉ biết chơi đùa chỉ vì cái tâm đó. Chỉ vì một lời thách thức vớ vẩn mà Châu Bá Thông phải vượt mấy ngàn dặm từ Trung nguyên cho đến vùng đại mạc xa xôi để tìm một lá cờ, giống như những đứa trẻ chơi trò cút bắt. Châu Bá Thông chính là “đồng tử hý” vậy.
Nhờ cái tâm hài nhi ưa đùa bỡn mà Châu Bá Thông không hề cừu hận ai, kể cả Hoàng Dược Sư là người đã đánh gãy chân ông và bắt giam ông trên đảo hằng chục năm. Ngồi trong thạch động, không có bạn chơi thì tự mình chơi với mình bằng cách dùng hai tay đánh với nhau. Kết quả là ông sáng tạo ra môn tuyệt kỹ độc đáo nhất võ lâm : “Song thủ hỗ bác”. Hai tay vừa hỗ tương vừa công kích lẫn nhau, tạo thành uy lực vô lượng, như hai đối cực âm và dương cùng vận hành trong vòng tròn thái cực. Để học được môn võ công kỳ diệu này thì bài học vỡ lòng là phải dùng hai tay để vẽ cùng lúc một vòng tròn và một hình vuông. Mới nghe thì tưởng chừng như đơn giản nhưng không ai học được. Cái công phu “phân tâm nhị dụng” (chia lòng ra làm hai để ứng dụng vào hai việc khác nhau) đó chỉ có hai người là Quách Tĩnh và Tiểu Long Nữ tiếp thu nỗi. Quách Tĩnh học được là nhờ cái tâm đôn hậu chân chất, Tiểu Long Nữ học được là nhờ cái tâm hư tĩnh như mặt nước hồ thu, không hề vướng bụi trần.
Châu Bá Thông vai vế ngang với Hồng Thất Công, Hoàng Dược Sư lại nài nĩ được kết giao huynh đệ với Quách Tĩnh, là kẻ lẽ ra phải kêu mình bằng sư thúc tổ. Về sau ông lại kết giao với Dương Quá thuộc hạng con cháu của Quách Tĩnh nữa. Tôi chỉ tiếc một điều, có lẽ tại Lão ngoan đồng “kỵ” phái nữ sau “sự cố Anh Cô”, nếu không thì có lẽ ông đã kết nghĩa huynh muội với cô bé Quách Tương rồi. Hai tâm khoáng đạt như vậy mà không có cơ duyên để kết nghĩa thì quả là điều uổng phí của trần gian. Phật giáo chủ trương tất cả chúng sinh đều bình đẳng trước Tam bảo, thì mọi khách giang hồ đều bình đẳng trước cái tâm của Châu Bá Thông.
Cuối cùng thì cuộc trốn chạy Anh Cô cũng phải chấm dứt, cùng với cái chết trong cơn sám hối của Cừu Thiên Nhận. Châu Bá Thông và Anh Cô về sống chung, làm người láng giềng với Đoàn Nam đế. “Tám mươi ta mới sang chơi láng giềng”. Nhưng cho dẫu đến lúc đó, tôi vẫn cho rằng Châu Bá Thông vẫn là kẻ “vị thành niên”.
Mọi người chúng ta ai cũng đã có lần có được cái tâm Châu Bá Thông, rồi lại đánh mẩt đi. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là dường như không ai muốn tìm lại cái tâm đó, có lẽ sợ bị mang tiếng là “trẻ con”! Chúng ta say sưa xác lập những giá trị, rồi luôn tìm mọi cách để chiếm đoạt những giá trị do chính chúng ta dựng nên, trong cái “thế giới người lớn” đầy những lễ nghi phiền toái cũng những dối trá lọc lừa. Chính trong tiến trình xây dựng và chiếm đoạt các giá trị đã làm nảy sinh biết bao nhiêu xung đột, hận thù. Rồi chúng ta lại vắt óc tìm mọi cách hòa giải, cũng bằng kiểu cách khệnh khạng của “người lớn”, mà có khi nào chịu hiểu rằng chính cái kiểu cách khệnh khạng đó lại là mầm móng đẻ thêm ra các xung đột khác!
Thiên Sơn mộc trong Nam hoa kinh của Trang Tử chép : “Thuyền lớn vượt sông, có con đò nhỏ không người trôi đến chạm vào, thì dù là người có bụng hẹp hòi cũng không giận. Nhưng nếu trên đò có người, tất thuyền lớn sẽ hô hoán lên. Nếu gọi một hai lần mà không nghe ắt sẽ gọi lần thứ ba, rồi buông lời thóa mạ theo ngay. Lúc trước không giận mà bây giờ giận, vì lúc trước là chiếc đò không (hư) mà bây giờ là đò có người (thực). Người ta nếu biết làm mình trở thành chiếc đò không để trôi giữa đời, thì ai mà hại được? (Nhân năng hư kỷ dĩ du thế, kỳ thục năng hại chi? )” Châu Bá Thông chính là “con đò không” đó để rong chơi trong cõi giang hồ, đã biết “hư kỷ dĩ du giang hồ!”. Cái tâm “hư kỷ” của Châu Bá Thông là cái tâm tự nhiên, vượt trên cả chữ “năng”. Ông không cần tập “năng hư kỷ” mà tự nhiên đã là “hư kỷ” rồi.
Có người hỏi thiền sư Triệu Châu : “Con chó có Phật tính không?”. Ông đáp “Vô!”. Tâm Châu Bá Thông cũng chính là chữ “Vô” đó.
Cái tâm hài nhi của Châu Bá Thông là điều mà mọi tôn giáo và triết học chân chính đều nỗ lực muốn tìm lại. Hình ảnh ngây thơ của Chúa Hài Đồng hay nụ cười hồn nhiên của đức Phật Di Lặc luôn nhắc nhở ta về cái tâm Châu Bá Thông mà ta vô tình đánh mất. Và sẽ vô cùng hạnh phúc cho ai, ở những năm tháng cuối đời, tìm được cái tâm Châu Bá Thông ngay giây phút cận kề với cõi không hư.
LAI RAI CHÉN RƯỢU GIANG HỒ-HUỲNH NGỌC CHIẾN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét