LỘC ĐỈNH KÝ VÀ VIÊN VIÊN KHÚC
Tác phẩm đầu tiên của Kim Dung là Thư kiếm ân cừu lục dùng bối cảnh là triều đại Càn Long đời Thanh. Một trong các tác phẩm tiếp theo là Bích huyết kiếm cũng nói về cuộc nổi dậy của Sấm vương Lý Tự Thành lật đổ vua Sùng Trinh nhà Minh. Rồi bối cảnh trong Bích huyết kiếm lại tiếp tục làm nền cho tác phẩm cuối cùng là Lộc đỉnh ký. Cả hai tác phẩm đầu và cuối đều mô tả lại cuộc đấu tranh của phong trào “Phản Thanh phục Minh” của Thiên địa hội đối với triều đình nhà Mãn Thanh. Đó có lẽ là thủ pháp “phục tuyến” của Kim Dung : chấm dứt bằng cái mở đầu.
Lộc đỉnh ký xoay quanh cuộc tranh giành bộ Tứ thập nhị chương kinh, và dựng lại bối cảnh tranh giành quyền lực chính trị ở buổi đầu của triều đình Mãn Thanh. Nhưng dòng ẩn lưu chảy ngầm bên dưới mọi biến cố lịch sử kinh người đó lại một danh kỹ dung nhan tuyệt tục : Trần Viên Viên, mà số phận kỳ lạ đã được nhà thơ Ngô Mai Thôn biến thành bất tử qua bài trường thi Viên Viên khúc.
Trong lịch sử văn chương Trung Quốc có ba bài trường thi nổi tiếng đều nói về cuộc đời ba người phụ nữ tài hoa. Bài thứ nhất là Trường hận ca của Bạch Cư Dị đời Đường nói về mối hận tình thiên cổ giữa Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi. Nhà thơ Tản Đà đã đem hết tài hoa của mình ra để chuyển sang Việt ngữ thành bản dịch còn hay hơn nguyên tác. Bài thứ hai là Tỳ bà hành, cũng của Bạch Cư Dị, nói về nỗi lòng hiu quạnh của một thương phụ bến Tầm Dương. Nhà thơ Phan Huy Vịnh cũng chuyển cung đàn tỳ bà đó thành những hạt ngọc trong văn chương Việt Nam, làm tăng thêm thanh giá cho nhà thơ Giang Châu Tư Mã. Hai bài này có lẽ không ai yêu văn học cổ lại không biết đến. Bài thứ ba của Ngô Mai Thôn viết về cuộc đời một danh kỹ thời Minh mạt, mà số phận trầm luân đã làm sụp đổ cả một triều đại phong kiến cuối cùng của người Hán. Đó là Viên Viên khúc. Bài này không hiểu sao ít được biết đến ở Việt Nam, mặc dù số phận trầm luân của Viên Viên có nhiều điểm giống nàng Kiều và văn chương trong bài thơ lại vô cùng diễm lệ. Có lẽ đến cuối đời Minh thì ảnh hưởng của văn học Trung Quốc đối với thế hệ ông cha ta không còn mạnh mẽ và sâu sắc như hai thời hoàng kim Đường – Tống nữa chăng ?
Kim Dung đã dựng lại hình ảnh của Trần Viên Viên trong bộ tiểu thuyết cuối đời : Lộc đỉnh ký. Trong những cô nàng mà Vi Tiểu Bảo say mê theo đuổi thì có một cô nàng làm cho y phải điên đảo thần hồn, đó là A Kha. Điều đó cũng dễ hiểu vì A Kha chính là con gái của Trần Viên Viên nên đã kế thừa được dung nhan tuyệt tục của mẹ. Tổng binh Ngô Tam Quế giữ vai trò quyết định trong việc làm sụp đổ triều Minh, khi mở Sơn Hải quan để dẫn quân Thanh vào cướp Trung Quốc và lật đổ Sấm vương Lý Tự Thành để mang tiếng xấu đến ngàn năm cũng chỉ vì muốn giành lại một cô danh kỹ! Kẻ tài tuấn như Bách thắng đao vương Hồ Dật Chi chỉ một lần nhìn thấy Viên Viên đã cam nhận từ bõ mộng vùng vẫy giang hồ mà làm thân phận kẻ quét vườn để chỉ được ngày ngày ngắm nhìn dung nhan của mỹ nhân tuyệt tục. Kẻ võ công xuất thần nhập hóa đó nhận ra “tấm lòng tri kỷ” của Vi Tiểu Bảo và kết làm huynh đệ chỉ vì Vi Tiểu Bảo là người duy nhất tán thán khối tình si của ông, khối tình si bị khách giang hồ luôn chế nhạo.
Bài Viên Viên khúc được Ngô Mai Thôn sáng tác khi Viên Viên còn đương sống. Kẻ tài tử làm thơ để xót thương cho má hồng phận bạc cũng là lẽ thường tình. Tôi xin giúp bạn đọc chưa quen thuộc với lịch sử Trung Quốc tìm hiểu thêm về cuộc đời của Trần Viên Viên trong bối cảnh thời Minh mạt qua bài Viên Viên khúc với vài câu thơ Kiều làm lời nhiếp dẫn để các bạn có thể thưởng thức Lộc đỉnh ký thêm phần thú vị. Trong Lộc đỉnh ký, Kim Dung có hư cấu cảnh Vi Tiểu Bảo được Viên Viên ngồi gãy đàn và hát cho nghe toàn bài Viên Viên khúc, vì cảm chút tình tri ngộ. Bà càng thấy được cảm thông hơn khi biết vị “Vi đại nhân” kia cũng xuất thân từ kỹ viện ở đất Dương Châu.
Trần Viên Viên là một danh kỹ thời Minh mạt, quê ở Tô Châu. Viên Viên tên là Nguyên, tự Uyển Phương, vốn là họ Hình, về sau đổi họ theo má nuôi thành họ Trần. Viên Viên dung mạo xinh đẹp, lại thông minh và có tài ca múa, tên tuổi quán tuyệt đương thời. Gia định bá Chu Khuê là nhạc phụ của hoàng đế Sùng Trinh, vừa gặp đã sững sốt, bèn bỏ vàng ra mua, đem về cho con là đương kim hoàng hậu, nhằm mục đích tiến vua. Lúc bấy giờ người rất được vua sủng ái tên là Điền quý phi bị bệnh qua đời, khiến vua vô cùng sầu muộn. Chu Khuê muốn con gái mình đem tiến Viên Viên cho vua khuây lấp nỗi buồn đánh mất lứa đôi. Giá như Sùng Trinh là ông vua nghệ sĩ như Đường Minh Hoàng và thuở Minh mạt đó là thuở nhân dân đang vui cảnh thịnh trị thanh bình thì rất có thể lịch sử Trung Quốc lại có thêm một cặp Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi thứ hai. Tiếc thay, lúc đó triều đình đang rối ren vì cuộc nổi dậy của Sâm vương Lý Tự Thành, vua Sùng Trinh không những hững hờ trước vưu vật đó của hóa công, mà còn xem đó là “điềm mất nước”. Người đời sau có thương hương tiếc ngọc đến đâu cũng không thể chê trách Sùng Trinh được. Phải, bài học lịch sử còn sờ sờ đấy. Vua Trụ mất nước vì Đắc Kỷ. Nhà Chu suy vong vì Bao Tự. Phù Sai thân bại danh liệt bởi Tây Thi. Đường Minh Hoàng khốn đốn vì Dương Quý Phi. Quân của Lý Tự Thành đã áp sát kinh đô, cơ đồ đang nghiêng ngữa, cái thân đế vương cũng mong manh giữa cơn lốc bạo loạn thì có sá gì một mảnh hồng nhan?
Điều may mắn là vua Sùng Trinh không đem dìm chết Viên Viên như Câu Tiễn làm với Tây Thi, mà nhà vua buộc hoàng hậu đem trả lại Chu gia. Lúc bấy giờ Ngô Tam Quế làm tổng binh, phụng mệnh vua đem đại quân trấn giữ Sơn Hải quan. Chu Khuê muốn thừa dịp này tạo mói quan hệ với Ngô, hầu tìm chỗ dựa thân giữa thời tao loạn, nên buổi chiều trước khi Ngô Tam Quế lên đường, họ Chu bèn cho mở tiệc đăng trình để đưa tiễn. Trong buổi tiệc, Chu Khuê cho Viên Viên múa hát để phục vụ. Cái dung nhan tuyệt tục và cái tài hoa hãn hữu cổ kim đó đã làm điên đảo tất cả các tọa khách. Và chính tại nơi đây, sự sụp đổ của nhà Minh đã được quyết định. Ngô Tam Quế vừa gặp Viên Viên đã cho là người trời (thiên nhân!), thần hồn điên đảo, liền xin đem ngàn vàng ngõ lời cầu hôn. Lúc bấy giờ tin chiến sự ở biên cương liên tiếp về cấp báo, Ngô Tam Quế phải kéo quân đi và hẹn ngày về để tổ chức hôn sự.
Chu Khuê vội đem Viên Viên gởi nhà đề đốc Ngô Tương là cha Ngô Tam Quế để đợi đến ngày làm lễ thành thân. Khi Lý Tự Thành phá Bắc Kinh, vua Sùng Trinh tuẫn quốc, Ngô Tương vội xin hàng. Tướng của Lý Tự Thành là Lưu Tông Mẫn khám nhà Ngô Tương thấy Viên Viên bèn bắt về cho Sấm vương, và vị tân vương này buộc Ngô Tương phải viết thư chiêu hàng Ngô Tam Quế. Ngô Tam Quế nhận được thư cha rất vui mừng, toan đem quân về đầu hàng thì nghe tin Lý Tự Thành đã cướp mất Viên Viên, bèn bừng bừng nổi giận, rút kiếm chém đứt một góc bàn mà nói : “Trượng phu bất năng tự bảo kỳ gia, hà dĩ sinh yên? ” (Bậc trượng phu không bảo vệ được nhà mình thì còn sống làm gì?). Sau đó, viết thư trả lời cho cha, cương quyết không hàng. Trong lá thư đó có một câu “Phụ bất năng vi trung thần, nhi an đắc vi hiếu tử ?” (cha đã không làm được bậc trung thần, con há làm được người con hiếu?). Thoạt nghe như lời của một bậc trung thần tận trung báo quốc, đặt nợ nước lên trên thù nhà, nhưng thực ra cũng chỉ là cái “khí đoản” của khách anh hùng trước tấm hồng nhan. Lý Tự Thành nối giận đem cả nhà Ngô Tương gồm 38 người ra xử trảm. Toàn gia bạch cốt thành hôi thổ, Nhất đại hồng trang chiếu hãn thanh (Cả nhà xương trắng thành tro bụi. Một thuở hồng nhan chiếu sử xanh).
Ngô Tam Quế quyết định mở Sơn Hải quan để đón quân Thanh vào, và cùng kéo quân về chiếm Bắc Kinh. Lý Tự Thành phải bỏ Bắc Kinh mà chạy về hướng tây, Ngô Tam Quế đuổi theo đến Sơn Tây thì bộ tướng bắt lại được Viên Viên. Ngô Tam đối với nhà Thanh có công lớn nên được Thanh triều phong làm Bình Tây vương, trấn giữ Vân Nam. Ngô Tam Quế muốn lập Viên Viên lên ngôi phi nhưng Viên Viên từ chối. Khi Ngô Tam Quế phản Thanh, tự phong làm hoàng đế thì Viên Viên làm đạo sĩ tu hành cho đến cuối đời. “Sự đời đã tắt lửa lòng, còn chen vào chốn bụi hồng làm chi”. Chính tại am Tam Thánh, Kim Dung đã hư cấu nên cảnh Viên Viên gặp lại Lý Tự Thành và Ngô Tam Quế để khẳng định A Kha chính là con của Lý Tự Thành. Sách vở chép lại không cho biết Viên Viên có con hay không. Nhưng nếu Viên Viên có con gái thì điều đó cũng phù hợp, vì ắt hẵn Hóa công sẽ thấy có lỗi nếu như cái “nguyên bản” dung nhan quán tuyệt đương thời đó lại không lưu cho đời một “bản sao”!
Số phận kỳ lạ của Viên Viên có nhiều điểm sao quá giống Thúy Kiều. Nếu Nguyễn Du vì Thúy Kiều mà dựng nên một tòa tân thanh lặng lẽ quán tuyệt cổ kim, thì Ngô Mai Thôn cũng vì Viên Viên mà đem hết tài hoa phổ vào Viên Viên khúc. Xin mời các bạn cùng thưởng thức trọn bài. Người ta cho rằng sở dĩ Viên Viên khúc không được phổ biến như Trường hận ca vì nó có nhiều điến cố. Nếu Trường hận ca chỉ dùng duy nhất một điển cố trong câu “Chuyển giao Tiểu Ngọc báo Song Thành” thì Viên Viên khúc lại hơi nhiều điển cố, mà chúng ta phải biết đến, để có thể tận hưởng được vẻ đẹp của văn chương, chứ không nên làm một Vi Tiểu Bảo chỉ biết ngồi để nhìn người đẹp chơi nhạc, chứ không hiểu gì về tiếng nhạc!
Đỉnh Hồ đương nhật khí nhân gian
Phá địch thâu kinh há Ngọc Quan
鼎 胡 當 日 棄 人 間
破 敵 收 京 下 玉 關
Thống khốc lục quân giai cảo tố
Xung quan nhất nộ vị hồng nhan
痛 哭 六 軍 皆 縞 素
衝 官 一 怒 為 紅 顏
(Ngày đó tại Đỉnh Hồ, (người) đã từ bỏ nhân gian. Phá quân giặc, về kinh, xuống miền Ngọc Quan, Tất cả quân sĩ đều khóc than và để tang trắng. Một phen nổi giận dựng cả tóc là vì khách hồng nhan)
Theo Sử ký chép lại thì Hoàng Đế, một ông vua huyền thoại của Trung Quốc cổ, đem đồng đúc thành đỉnh. Đỉnh đúc xong, bỗng có rồng hạ xuống đón Hoàng Đế về trời, người đời sau gọi nơi đó là Đỉnh Hồ. Câu đầu ý nói vua Sùng Trinh tuẫn quốc. Ngọc quan tức Ngọc Môn quan, lời thơ dùng để ám chỉ Sơn Hải quan, là nơi Ngô Tam Quế đã mở cửa cho quân Thanh vào đánh chiếm Bắc Kinh. Quân lính đều mặc áo trắng là để tang cho vua Sùng Trinh. Ngô Tam Quế nghe tin Viên Viên bị bắt, liền đùng đùng nổi giận dẫn Thanh binh tấn công, chẳng kể gì đến lời chiêu hàng của cha. Hai câu “Thống khốc lục quân giai cảo tố, Xung quan nhất phát vị hồng nhan” quả là lời châm biếm sâu cay.
Hồng nhan lưu lạc phi ngô luyến
Nghịch tặc thiên vong tự hoang yến
Điện tảo Hoàng cân định Hắc sơn
Khốc bãi quân thần tái tương kiến
紅 顏 流 落 非 吾 戀
逆 賊 天 亡 自 荒 讌
電 掃 黃 巾 定 黑 山
哭 罷 君 臣 再 相 見
(Hồng nhan lực lạc đâu phải là điều khiến ta phải lưu luyến ? (Chỉ do) bọn nghịch tặc kia trời muốn diệt đi vì bọn chúng hành sự hoang đường. Quét sạch bọn giặc Hoàng cân và ổn định miến Hắc sơn. Sau hồi than khóc, vua tôi lại được cùng gặp mặt)
Câu đầu mượn Ngô Tam Quế để ngỏ lời bào chữa. Ý muốn nói Tam Quế dẫn Thanh binh vào chiếm Bắc Kinh không phải vì Viên Viên mà chỉ muốn dẹp bọn nghịch tặc là Sấm vương Lý Tự Thành, và báo thù cho vua Sùng Trinh tuẫn quốc. Dưới mắt Ngô Tam Quế, lực lượng Lý Tự Thành cũng chỉ như loạn Hoàng cân dưới thời Đông Hán, sẽ bị quét sạch trong nháy mắt. Hắc sơn là nơi cát cứ của đám phiến quân chống triều đình ở cuối đời Đông Hán, đây cũng được dùng để chỉ ý Tự Thành. “Tái tương kiến” muốn nói đến cuộc trùng phùng giữa Ngô Tam Quế và Viên Viên.
Tương kiến sơ kinh Điền Đậu gia
Hầu môn ca vũ xuất như hoa
Hứa tương thích lý không hầu kỹ
Đẳng thủ tướng quân du bích xa
相 見 初 驚 田 竇 家
侯 門 歌 舞 出 如 花
許 將 戚 里 箜 篌 技
等 取 將 軍 油 壁 車
(Lúc gặp lần đầu ở nhà bậc quan gia lòng đã kinh hãi. Nơi cửa quan, (nàng) múa hát, xinh đẹp như một cành hoa. Tiêng đàn không hầu tuyêt kỹ đó, đáng để bậc tướng quân đón cùng ngồi trên xe du bích).
Đoạn này kể lại giai đoạn buổi sơ ngộ giữa Viên Viên và Ngô Tam Quế tại nhà Chu Khuê. Điền Đậu tức hai bậc công hầu ngoại thích là Vũ an hầu Điền Phân thời Hán Cảnh đế và Ngụy kỳ hầu Đậu Anh thời Hán Văn đế, ở đây tác giả ám chỉ Chu Khuê. Theo Nhạc phủ quảng kí thì Tô Tiểu Tiểu, người Nam Tề, là danh kỉ tài hoa đất Tiền Ðường. Tô có bài ca : “Ngã thừa du bích xa, Lang khoa thanh thông mã, Hà xứ kết đồng tâm, Tây lăng tùng bách hạ” ( Thiếp đi xe du bích, chàng cưỡi ngựa trắng, nơi nào ta có thể kết mối đồng tâm ? Ðó là dưới cây thông, cây bách chốn Tây lăng). Du bích xa là loại xe đẹp sơn màu xanh. Viên Viên và Tô tiểu tiểu đều là danh kỹ xuất thân chốn phong trần, nên dùng điển “du bích xa” là phù hợp. Câu này muốn nói cái tài hoa và dung nhan tuyệt đại của Viên Viên đáng để các bậc công hầu đem xe đến đón về.
Gia bản Cô Tô Hoãn Hoa lý
Viên Viên tiểu tự kiều la ỷ
Mộng hướng Phù Sai uyển lý du
Cung nga ủng nhập quân vương khỉ (khởi)
Tiền thân hợp thị thái liên nhân
Môn tiền nhất phiến Hoành Đường thủy
家 本 姑 蘇 緩 花 里
圓 圓 小 字 嬌 羅 綺
夢 向 扶 差 苑 裡 遊
宮 娥 擁 入 君 王 起
前 身 合 是 採 蓮 人
門 前 一 片 橫 塘 水
(Nhà nàng vốn ở đất Cô Tô, nơi làng Hoãn Hoa. Tên tự là Viên Viên, yểu điệu thướt tha hư tấm lụa. Nàng thường nằm mơ thấy vào chơi vườn hoa của Ngô Phù Sai. Cung nga dìu vào, bậc quân vương cũng phải đứng lên đón. (Bởi vì) tiền thân nàng là người đẹp hái sen Tây Thi. Trước nhà là dòng sông Hoành Đường trôi chảy)
Đoạn này nói về quê quán của Viên Viên. Cô Tô tức Tô Châu. Làng Hoãn Hoa là nơi sinh của danh kỹ Tiết Đào đời Đường, câu này ám chỉ Viên Viên xuất thân là kỹ nữ. Ngô Mai Thôn xem Viên Viên như là hậu thân của người đẹp hái sen Tây Thi thời Chiến quốc, vì cùng gây nghiêng ngửa cho cơ đồ của bậc đế vương. Phù Sai vì Tây Thi mà tan tành cơ nghiệp, Viên Viên làm sụp đổ nhà Đại Minh dưới tay Ngô Tam Quế. Một người là thôn nữ hái sen, một người là danh kỹ nhưng đều giống nhau ở điểm “kiều la ỷ” (xinh đẹp và thướt tha như lụa). Hoành Đường là địa danh ở Giang Tô, cách phía tây nam của Ngô huyện chừng mười dặm. Vì thấy lời thơ đề cập đến tiền thân của Viên Viên là Tây Thi, nên có sách cho “Hoãn Hoa lý” là “hoãn sa lý” và giải thích là “làng giặt lụa”, e rằng lầm. Xin nêu ra để bạn đọc tham khảo. Nếu trong “Trường hận ca”, khi gặp vua, Dương Quý Phi đã “thị nhi phù khởi kiều vô lực” (thị nữ nâng dậy, ẻo lã như không còn hơi sức), thì Viên Viên cũng “cung nga ủng nhập quân vương khởi”. Mà nói về Tây Thi là nói đến Viên Viên vì “tiền thân hợp thị thái liên nhân”.
Hoành đường song tưởng khứ như phi
Hà xứ hào gia cưỡng tái quy?
Thử tế khởi tri phi bạc mệnh
Thử thời chỉ hữu lệ triêm y
橫 塘 雙 獎 去 如 飛
何 處 豪 家 強 再 歸 ?
此 際 豈 知 非 泊 命
此 時 只 有 淚 霑 衣
(Trên sông Hoành Đường, hai mái chéo lướt mau như bay. Kẻ hào gia ở xứ nào đến ép mang nàng đi? Lúc đó có ai hay rằng không là bạc mệnh? Bây giờ chỉ có lệ ướt đầm cả áo)
Hào gia đây tức Gia định bá Chu Khuê, người đã bỏ vàng ra để mua Viên Viên về tiến cung. Lúc đó nào ai biết được cuộc đời Viên Viên sẽ ra sao. Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu? Mã Giám Sinh đến đón Kiều đi là “Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh”, là “dặm khuya ngất tạnh mù khơi”, để “nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng”. Tương lai kiều nữ mờ mịt lắm cho nên “đoạn trường thay lúc phân kỳ”. Kiều đã khóc “Nhìn càng lã chã giọt hồng” và Viên Viên cũng đã khóc. “Thử thời duy hữu lệ triêm y”. Lệ ướt đầm vạt áo, lệ làm tan nát lòng người. Những điều lạ lùng vẫn đang đón chờ kiều nữ trên khắp chốn bể dâu. “Phận bèo bao quản nước sa, lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh”.
Huân thiên ý khí liên cung dịch
Minh mâu hạo xỉ vô nhân tích
Đoạt quy thủy hạng bế lương gia
Giáo tựu tân thanh kinh tọa khách
熏 天 意 氣 連 宮 掖
明 眸 皓 齒 無 人 惜
奪 歸 水 巷 閉 良 家
教 就 新 聲 驚 坐 客
(Ngất trời ý khí tiếp liền cung dịch. Mắt sáng răng ngà mà không người thương tiếc. Mang nàng) từ chốn cung đình về để ở chốn lương gia. Dạy nàng hát những bài ca mới làm kinh ngạc những khách ngồi nghe )
Cung dịch là nơi phi tần và cung nữ ở. Viên Viên được tham dự vào hàng ngũ phi tần, ai cùng ngỡ rằng ý khí dương dương với tương lai rộng mở. Đâu hay vua Sùng Trinh đang lo âu vì quốc sụ nên Viên Viên dù là tuyệt đại hồng nhan cũng không được chan rưới long ân. Minh mâu hạo xỉ vô nhân tích. Thủy hạng tức cung dịch. Sùng Trinh buộc hoàng hâu phải trả nàng về lại với Chu gia. Tại đây trong buỗi tiệc tiễn đưa Ngô Tam Quế lên đường, cánh hoa xuân xuất hiện trong ca vũ, và ai ngờ nỗi chính phút giây này đã quyết định vận số của triều Minh?
Tọa khách phi trường hồng nhật mộ
Nhất khúc ai huyền hường thùy tố?
Bạch tích thông hầu tối thiếu niên
Giản thủ hoa chi lũ hồi cố
Tảo huề kiều điểu xuất phàn lung
Trì đắc Ngân hà kỷ thời độ?
Hận sát quân thư để tử thôi
Khổ lưu hậu ước tương nhân ngộ
坐 客 飛 觴 紅 日 暮
一 曲 哀 弦 向 誰 訴 ?
白 皙 通 侯 最 少 年
揀 取 花 枝 屨 回 顧
早 攜 嬌 鳥 出 樊 籠
持 得 銀 河 幾 時 渡 ?
恨 殺 軍 書 抵 死 催
苦 留 後 約 相 人 誤
(Tọa khách nâng ly uống cho đến khi chiều xuống. Một khúc tơ buồn biết cùng ai than thở? Có một bậc thiếu niên anh tuấn, tước vị cao. (Người ấy) đã chọn được cành hoa đẹp (là nàng)và đã nhiều lần liếc nhìn. (Người ấy) muốn đem con chim đẹp (là nàng) ra khỏi lồng. Gặp nhau như Chức Nữ Ngưu Lang, hỏi chờ nhau được bao lâu? Chỉ hận một nỗi là tin tức từ chiến trường gởi về thôi thúc (phải lên đường). Nên lưu lại lời hẹn ước để rồi gây cho người chuyện lỡ lầm)
Ai có thể ra về khi có người đẹp đang múa ca mời rượu? Chiều đã xuống rồi nhưng chén rượu vẫn được nâng lên. Uống cho hết mùi thơm của rượu, uống cho hết tiếng hát và nhan sắc của giai nhân. Nhưng còn nàng, khúc nhạc buồn kia đang muốn ngỏ cùng ai ? Văn Quân đây nhưng đâu là Tư Mã ? Có ai nghe ra tâm sự gởi vào tiếng đàn của cánh hoa đang trầm luân lưu lạc ? Hóa công đã tạo ra những vưu vật kỳ tuyệt đó không phải để họ tàn tạ âm thầm như cây cỏ mà lại khiến họ kín đáo dìu dắt lịch sử trôi theo một con đường khác, ở chỗ vô hình, cho nên về lại Chu gia thì gái thuyền quyên được gặp khách anh hùng. Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi. Vị tổng binh “Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt” (Chinh phụ ngâm khúc) mà quyền thế có thể lật nghiêng cả thiên hạ đang ngồi đó. “Hai bên cùng liếc hai lòng cùng ưa”. Chàng đã chọn được một cành hoa và hai bên cũng mãi liếc nhìn nhau để cảm thầm tình tri ngộ. Giản thủ hoa chi lũ hồi cố. Thơ Bạch Cư Dị có câu : “giản đắc như hoa tứ ngũ chi” (chọn được dăm người xinh như hoa - Cảm cố Trương Bộc Dịch chư kỹ) kể ra cũng còn chút tham lam, hoặc giả muốn nói còn có thể chọn lựa được, vì hoa nào cũng khoe sắc và cũng xinh đẹp như nhau. Ở đây thì không thể nào chọn vì mọi cánh hoa tươi thắm khác đều bị lu mờ trước cành hoa rực rỡ Viên Viên.
Thời điểm này là bước ngoặc trong cuộc đời để nàng Viên Viên thực sự đi vào lịch sử với Viên Viên khúc. “Lạ gì quốc sắc thiên tài phải duyên”. Chút thân bèo bọt trầm luân mong sớm được thoát khỏi cảnh cá chậu chim lồng để nương nhờ kẻ anh hùng. Tảo huề kiều điểu xuất phàn lung. Và từ đó nàng danh kỹ tài hoa kia đã vô tình đưa triều Minh đến chỗ diệt vong. “Nàng rằng: lượng cả bao dong, Tấn Dương được thấy mây rồng có phen, Rộng thương nội cỏ hoa hèn, Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau”. Ngô Tam Quế vội đem ngàn vàng xin chuộc lại Viên Viên “ngỏ lời nói với băng nhân, tiền trăm lại cứ nguyên ngân phát hoàn”. Nhưng vừa gặp nhau lại phải chia tay ngay như Ngưu Lang, Chức Nữ, vì tin chiến sự ở biên cương liên tiếp về cấp báo. Trì đắc Ngân hà kỷ thời độ? Ngô Tam Quế phải kéo quân đi và hẹn ngày về để tổ chức hôn sự. Đành lòng chờ đó ít lâu, chầy chăng là một năm sau vội gì? Phải, có gì mà vội. Binh quyền ta đang nắm trong tay, nàng lại là người nhà của bậc quốc trượng thì có gì phải lo cho ngày tếngộ?
Tương ước ân thâm tương kiến nan
Nhất triêu nghĩ tặc mãn Trường An
Khả lân tư phụ lâu đầu liễu
Nhận tác thiên biên phấn nhứ khan
Biến sách Lục Châu vi nội đệ
Cưỡng hô Giáng Thụ xuất điêu lan
Nhược phi tráng sĩ toàn sư thắng
Tranh đắc nga my thất mã hoàn
相 約 恩 深 相 見 難
一 朝 蟻 賊 滿 長 安
可 憐 思 婦 耬 頭 柳
認 作 天 邊 粉 絮 看
遍 索 綠 珠 圍 內 弟
強 呼 絳 樹 出 雕 欄
若 非 壯 士 全 帥 勝
爭 得 娥 眉 匹 馬 還
(Lời hẹn ước chan chứa tình sâu,gặp nhau đã khó. Một sớm bọn giặc kiến đã tràn ngập hết kinh đô. Thương thay cho người khuê phụ đang thương nhớ kia lại bị xem như cánh hoa vô chủ trôi dạt ở cuối chân trời. (Bọn chúng) vây nội phủ để tìm kiếm Lục Châu. Và bắt nàng Giáng Thụ phải có mặt ở chỗ lan can có chạm trổ, nếu không có tráng sĩ đem quân toàn thắng, giành được mày ngài cưỡi ngựa về)
Nhưng “trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”, nên Viên Viên phải chịu thêm muôn ngàn ma chiết. Ngày ra đi, đôi ta còn ghi sâu lời ước hẹn, nhưng ngay tao phùng lại quá đỗi gian nan. Tương ước ân thâm tương kiến nan. Bởi vì có ai ngờ nỗi một sớm mai mà giặc cỏ đã tràn ngập khắp kinh đô, gây nên cảnh lửa binh. Nhất triêu nghĩ tặc mãn Trường An. Vương Xương Linh đời Đường có bài thơ nổi tiếng nói về tâm trạng của người vợ ở nhà ngóng trông chồng đang lăn lộn ngoài chiến trường để tìm chút công danh: ”Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu, Xuân nhật ngưng trang thướng thúy lâu, hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc, hối giao phu tế mịch phong hầu” (Phòng khuê thiếu phụ nào sầu, Ngừng trang điểm bước lên lầu trông ra, Nhìn liễu buông chợt xót xa, Cớ sao chồng phải xông pha chiến trường). Ngô Mai Thôn cũng dùng điển tích này để nói lên lòng hoài vọng của Viên Viên đối với Ngô Tam Quế. “Cánh hồng bay bỗng tuyệt vời, đã mòn con mắt phương trời đăm đăm”.Nhưng trong buổi loạn ly, những “thiếu phụ khuê trung” chỉ được xem như những cánh hoa vô chủ trôi dạt nơi chân trời góc biển. Khả lân tư phụ lâu đầu liễu, nhận tác thiên biên phấn nhứ khan.
Lục Châu là ái thiếp của Thạch Sùng đời Tấn. Tôn Tú hâm mộ nhan sắc của Lục Châu, ngõ lời cầu khẩn nhưng không được, Tú bèn giả mệnh vua bắt Thạch Sùng, Lục Châu bèn nhảy lầu tự tận. Giáng Thụ là danh kỹ đời Hán Ngụy. Ngô Mai Thôn dùng điển này để tả cảnh Lưu Tông Mẫn lục soát nhà Chu Khuê và bắt Viên Viên.
Nga my mã thượng truyền hô tiến
Vân mấn bất chỉnh kinh hồn định
Lạp cự nghinh lai tại chiến trường
Đề trang mãn diện tàn hồng ấn
Chuyên chinh tiêu cổ hướng Tần xuyên
Kim ngưu đạo thượng xa thiên thặng
Tà cốc vân thâm khởi họa lâu
Tản quan nguyệt lạc khai trang kính
娥 靡 馬 上 傳 呼 進
雲 鬢 不 整 驚 魂 定
蠟 炬 迎 來 在 戰 場
啼 妝 滿 面 殘 紅 印
專 征 簫 鼓 向 秦 川
金 牛 道 上 車 天 乘
斜 谷 雲 深 起 畫 耬
散 關 月 落 開 妝 鏡
(Mày ngài trên ngựa truyền lệnh hô tiến lên. (Nàng với) mái tóc mây lệch lạc, chưa kịp chính trang, đã vừa kịp hoàn hồn. Nến được thắp sáng để nghinh đón nàng ở ngay giữa chiến trường. Trang điểm lại gương mặt đã phai nhạt phấn son. Tiếng chiêng và tiếng đàn tiếng sáo (theo đoàn quân) hướng về Tần xuyên. Hàng ngàn cỗ xe đi trên ngõ Kim Ngư,. Nơi hang sâu Tà cốc, mây ùn lên đẹp như mái lầu được vẽ. Chốn Tản quan khi trăng lặn, (nàng lại) mở hộp kính điểm trang)
Câu thơ tả lại cảnh Ngô Tam Quế đuổi theo Lý Tự Thành và giành lại được Viên Viên. Nga my mã thượng truyền hô tiến, Vân mấn bất chỉnh kinh hồn định. Phút giây trùng ngộ của khách anh hùng với gái thuyền quyên biết bao mừng mừng tủi tủi, giống như Từ Hải gặp lại Thúy Kiều. với “Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường”. Sử chép rằng Ngô Tam Quế sai người xây lầu năm màu (ngũ thái lâu) và đốt nến sáng rực giữa chiến trường để đem xe hương đến đón Viên Viên trong cảnh “Sắn sàng phượng liễn loan nghi, hoa quan phất phới hà y rỡ ràng, Dựng cờ trống nổi lên đàng, Trúc tơ nổi trước kiệu vàng kéo sau, Hỏa bài tiền lộ ruổi mau, Nam đình nghe động trống chầu đại doanh”. Đúng như lời hẹn ước “Bao giờ mười vạn tinh binh, tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường, Làm cho tỏ mặt phi thường, Bấy giờ ta sẽ rước nường nghi gia”. Lạp cự nghinh lai tại chiến trường.
Cho dẫu Ngô Tam Quế đã “rước nường nghi gia” trong cảnh “om thòm trống trận, rập rình nhạc quân”, nhưng họ Ngô không còn “tỏ mặt phi thường” nữa vì đã thành tội đồ lịch sử với cái hiệu “đại Hán gian”. Vì thế có nhiều nhà nghiên cứu cho Viên Viên là “con người bất tường” vì đã đem lại thảm họa cho một triều đại. Lỗi tại ai? Xin nhường lời lại cho lịch sử. Chuyên chinh tiêu cổ hướng Tần xuyên. Ngô Tam Quế, với khí thế “tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường”, kéo quân qua đất Tấn để vào Tần, Ngàn cổ xe lại tiếp tục tiến qua Kim ngưu đạo. Kim ngưu đạo thượng xa thiên thặng. Kim ngưu đạo hay còn gọi Kim ngưu giáp, là sạn đạo ở phía nam đất Thục. Đi từ Hán Trung vào đất Thục thì phải qua con đường này vì đó là con đường xung yếu giữa hai vùng đất Thục và Tần. Tà cốc là địa danh tại Giáp Tây, nơi ngày xưa Khổng Minh từng cầm chân Tào Tháo. Tản quan, còn gọi là Đại tản quan, cũng là con đường xung yếu giữa Tần và Thục. Tà cốc vân thâm khởi tọa lâu, Tản quân nguyệt lạc khai trang kính. Giai nhân mở kính điểm trang dưới ánh trăng tà. Giữa cảnh chiến chinh vẫn còn thơ mộng, nơi binh đao vẫn đượm vẻ phấn son.
Truyền lai tiêu tức mãn giang hương
Ô bá hồng kinh thập độ sương
Giáo khúc kỹ sư lân thượng tại
Hoãn sa nữ bạn ức đồng hàng
Cựu sào cộng thị hàm nê yến
Phi thượng chi đầu biến phụng hoàng
Trường hướng tôn tiền bi lão đại
Hữu nhân phu tế thiện hầu vương
傳 來 肖 息 滿 江 香
烏 伯 紅 經 十 度 霜
教 曲 技 師 憐 尚 在
緩 紗 女 伴 憶 同 行
舊 巢 共 是 合 泥 燕
飛 上 支 頭 變 鳳 凰
長 向 尊 前 悲 老 大
有 人 夫 婿 擅 侯 王
(Tin tức được truyền về khắp trên giòng sông thơm ngát, Cây ô bá đã thay là màu hồng qua mười mùa thu. Người cũ dạy (nàng) ca múa nay còn đó. Những người bạn gái cùng giặt lụa ngày xưa có nhớ đến người bạn cùng trang lứa. Ngày nào (học còn là) những chim én lam lũ cùng đậu trên cùng một cành. (Có con chim) bay vút lên đầu cành để biến thành chim phụng hoàng. (Có người) say mãi chén buồn, thương xót cho tuổi tác đã lớn, (vì) có người đã làm vợ bậc hầu vương)
Đoạn thơ này nói đến giai đoạn vinh hoa tột đỉnh của Viên Viên. Vinh hoa bỏ lúc phong trần, Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày. Ô bá là loài cây hoàng lô mộc, khi mùa thu đến, lá cây đẫm sương thu và biến thành màu đỏ. Tin tức truyền đi khắp chốn quê cũ. Đã mười mùa thu trôi qua kể từ khi con người tuyệt sắc ngày xưa không còn soi bóng trên dòng sông thơm ngát nữa. Người thầy dạy múa hát ngày xưa vẫn còn đó. Bạn bè ngày cũ vẫn còn nhớ người bạn cùng thân phận. Tất cả đều là những con chim én tầm thường chân lắm tay bùn cùng đậu chung trên một cành cây, nhưng giờ đây một con đã bay cao vút lên đầu cành để biến thành loại phượng hoàng lộng lẫy. Viên Viên đã như Tây Thi “Triêu vi Việt khê nữ, Mộ tác Ngô cung phi” (Sáng còn giặt luạ bờ khe, Chiều buông đã được cận kề vua Ngô- Vương Duy). Những người bạn xưa cả nàng mãi uống rượu vì buồn cho tuổi xuân trôi qua nhanh quá. Tuổi già chớm tới mà vẫn còn lăn lóc trong cảnh phong trần, trong khi người bạn cũ là Viên Viên đã là vợ của bậc hầu vương. Trường hướng tôn tiền bi lão đại. Hữu phân phu tế thiện hầu vương. Câu thơ đọc lên nghe ngầm ngùi như một tiếng thở dài thống thiết.
Đương thời chỉ thụ thanh danh lụy
Quý thích danh hào cạnh diên chí
Nhất đẩu minh châu vạn hộc sầu
Quan san phiêu bạt yêu chi tế
Thố oán cuồng phong dương lạc hoa
Vô biên xuân sắc lai thiên địa
當 時 祇 受 聲 名 累
貴 戚 名 豪 競 延 至
一 斗 明 珠 萬 斛 愁
關 山 飄 泊 腰 肢 細
錯 怨 狂 風 颺 落 花
無 邊 春 色 來 天 地
(Thuở bấy giờ, (nàng) vì nổi danh mà chịu nhiều khổ lụy. Các bậc vương tôn công tử, những kẻ quyền thế đua nhau mới đón. (Nhưng đàng sau) mỗi đấu linh châu là nỗi sầu vạn hộc. Rồi thêm cảnh phiêu bạt khắp quan san khiến nàng càng thêm gầy hao. Đã oán trách sai rằng ngọn gió mạnh đã thổi bay cánh hoa rơi, (bời vì giờ đây) một trời xuân sắc đang đến cùng trời đất)
Đoạn này lại hồi tưởng đến số phận của Viên Viên. Ngày xưa, Viên Viên vì hai chữ sắc tài mà vướng lụy. “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”. Đương thời thị thụ thanh danh lụy. Vương tôn công tử cùng đua nhau tìm đến với cô danh kỹ tài sắc vẹn toàn. Quý thích danh hào cạnh diên chí. Nhưng trong cảnh “Dập dìu gió lá cành chim, Sáng đưa Tống Ngọc tối tìm Tràng Khanh” kia, có ai thấu hiểu cho nỗi niềm đau xót “Khi tỉnh rượu lúc tan canh, Giật mình, mình lại thương mình xót xa”? Khách làng chơi vung tiền ra đấy để tìm vui cùng người đẹp nhưng Nhất đấu minh châu vạn hộc sầu. Rồi thêm cảnh trải qua bao tháng ngày phiêu bạc, dung nhan kia cũng có chút gầy hao. Quan san phiêu bạt yêu chi tế. “Bấy chầy giãi nguyệt dầu hoa, Mười phần xuân có gầy ba bốn phần”. Xuân kia quá lộng lẫy huy hoàng nên cho dầu có gây ba bốn phần thì xuân vẫn còn rạng ngời hương sắc. Cho nên đừng vội oán trách cuồng phong thổi cành hoa rơi rụng (ám chỉ chuyện Chu gia đến mua Viên Viên) vì sắc xuân lại về tràn ngập đến vô biên (bởi vinh hoa đã đến).
Thố oán cuồng phong phiêu lạc hoa,
Vô biên thiên sắc lại thiên địa.
Thường văn khuynh quốc dữ khuynh thành
Phiên sử Chu Lang thụ trọng danh
Thê tử khởi ưng quan đại kế
Anh hùng vô nại thị đa tình
Toàn gia bạch cốt thành hôi thổ
Nhất đại hồng trang chiếu hãn thanh
常 聞 傾 國 與 傾 城
翻 史 周 郎 受 重 名
妻 子 起 應 關 大 計
英 雄 無 奈 是 多 情
全 家 白 骨 城 灰 土
一 代 紅 妝 照 汗 清
(Thường nghe nói rằng người đẹp nghiêng nước nghiêng thành lại giúp cho Chu lang được nổi danh. Vợ con há có quan hệ với chuyện lớn. (chỉ) tiếc thay anh hùng lại đa tình. Cả nhà xương trắng đã biến thành tro bụi. Hồng nhan một thuở còn soi với sử xanh).
Chu Lang đây là Chu Công Cẩn thời Tam Quốc. Viên đô đốc này chỉ vì bị Khổng Minh nói khích đến “nhị kiều” ở Giang đông mà lập tức liên kết với Khổng Minh để đánh tan đại quân Tào Tháo trên sông Xích Bích, tạo nên một chiến công được lưu truyền thiên cổ. Tài của Chu Du mà lại được lưu danh là nhờ vào cơn giận đối với “nhị kiều” khuynh thành khuynh quốc. Đó cũng chính là “Xung quan nhất nộ vị hồng nhan”. Chỉ có khác là Ngô Tam Quế vì cái “xung quan nhất nộ vị hồng nhan” đó mà đã đem giang sơn Đại Minh trao cho ngoại tộc, còn Chu Du lại trấn giữ được Giang đông. Vợ con thì nào có liên quan gì đến chuyện quốc gia đại sự, nhưng không may thay khi Hóa công tạo ra kẻ anh hùng lại bắt họ mang thêm cái nghiệp đa tình. Thê tử khởi ưng quan đại kế, Anh hùng vô nại thị đa tình. Thế cho nên “Toàn gia bạch cốt thành hôi thổ, Nhất đại hồng trang chiếu hãn thanh”. Ba mươi tám mạng người Ngô gia biến thành cát bụi để sử xanh chiếu soi cho nhân gian rõ mặt “nhất đại hồng trang”. Vì một mảnh hồng nhan mà làm tan nát cả gia đình và trao giang sơn cho một dân tộc ngoại bang, tình yêu của vị tổng binh Ngô quả khiến người ta phải một phen kinh hãi. Than ôi, “Mười lăm năm bấy nhiêu lần, Làm gương cho khách hồng quần thử soi”. Sử xanh có soi rọi được không, hay chỉ ngộ nhận để khiến khách má hồng mang thêm oan nghiệt ?
Tương tuyền khi bài hát này lưu hành trong dân gian, Ngô Tam Quế cho người đem ngàn vàng đến gặp Ngô Mai Thôn để xin ông đổi lại các câu “Thống khốc lục quân giai cảo tố, Xung quan nhất phát vi hồng nhan” và “Toàn gia bạch cốt thành hôi thổ, Nhất đại hồng trang chiếu hãn thanh” nhưng bị ông cự tuyệt.
Quân bất kiến :
Quán Oa sơ khởi uyên ương túc
Việt nữ như hoa khan bất túc
Hương kính trần sinh điểu tự đề
Lý lang nhân khứ đài không lục
Hoán vũ di cung vạn lý sầu
Châu ca thúy vũ cổ Lương Châu
Vị quân biệt xướng Ngô cung khúc
Hán thủy đông nam tự nhật lưu
君 不 見 :
館 娃 初 起 鵷 鴦 宿
越 女 如 花 看 不 足
香 徑 塵 生 鳥 自 啼
履 廊 人 去 苔 空 綠
換 羽 移 宮 萬 里 愁
珠 歌 翠 舞 古 梁 州
為 君 別 唱 吳 宮 曲
漢 水 東 南 自 日 流
(Ngài có thấy : (người say) giấc mộng uyên ương nơi Quán Oa vừa tỉnh giấc. Người con gái đất Việt đẹp như hoa nhìn mãi không chán. Nơi đường cũ hoa thơm chỉ có bụi bay và tiếng chim ca hót. Nơi hành lang cũ người xưa đã đi mất, chỉ còn lại rêu xanh. So các cung tơ nghe mênh mông nỗi sầu vạn dặm (khi) nghe những người con gái trang sức với minh châu, phỉ thúy hát điệu cổ Lương Châu. Vì ngài, tôi xin hát khúc Ngô cung. Dòng sông Hán, vẫn cứ mãi miết chảy về hướng đông nam)
Đoạn này tả sự sủng ải của Phù Sai với Tây Thi là để nói đến Viên Viên. Quán Oa là cung điện do Phù Sai xây cho Tây Thi ở. Cảnh ái ân dằm thắm của Ngô Tam Quế với Viên Viên có khác gì Ngô Phù Sai với Tây Thi ngày trước ? Hương kính là con đường nhỏ đầy hoa thơm ở núi Hương sơn, theo Thái bình quảng ký thì Phù Sai thường cùng Tây Thi đến hái hoa ở nơi đây. Lý lang hay còn gọi Hưởng lý lang (hành lang vang tiếng guốc) là hành lang của cung Quán Oa. Nơi đường xưa chỉ còn bụi bay và rộn tiếng chim kêu. Hàng lang cũ đã im vắng gót chân ai để thời gian phủ lên những lớp rêu xanh. Hương kính trần sinh điểu tự đề, Lý lang nhân khứ đài sinh lục. Buồn thay! Cung bậc xưa đã gieo sầu vạn dặm. Vũ và cung là hai cung bậc trong ngũ cung : cung, thương, giốc, chủy, vũ. Ôi những ca nhi với trang sức minh châu phi thúy đang hát khúc Lương châu ngay trước. Ôi những Viên Viên, những Tô Tiểu Tiểu, những Tây Thi đã mang cho trần gian những nỗi sầu mênh mông trong châu ca thúy vũ, vì các người, ta xin hát riêng một khúc Ngô cung. Tất cả vinh hoa phú quý trên cõi thế rồi sẽ trôi đi, như dòng sông Hán kia ngày ngày chảy mãi về đông.
Viên Viên khúc quả có điểm giống như một truyện Kiều thu gọn. Bi kịch của Trần Viên Viên quả là bi kịch hãn hữu của hồng nhan. Một cô danh kỹ hiền lành hoàn toàn không có tham vọng chính trị như Võ Tắc Thiên lại vô tình làm cho một vị tổng binh phải toàn gia bị tru lục và làm sụp đổ cả nhà Đại Minh; một cô danh kỹ đã phải làm vợ cả ba vị vua của cả ba triều đại : Sùng Trinh, Lý Tự Thành và Ngô Tam Quế, để rồi cuối cùng lại gởi thân vào chốn am mây để sám hối những tội lỗi mà mình không hề gây ra. Đúng là con tạo trớ trêu tạo nên bao cảnh lạ, khiến con người khi ngoảnh đầu nhìn lại không khỏi thấy mọi sự thế gian đều trở nên hư huyễn, bọt bèo, có lẽ chỉ còn lại “nhất đại hồng trang chiếu hãn thanh”.
Bài Viên Viên khúc quả gây cho người viết quá nhiều cảm xúc. Người viết xin được “vịnh” về Viên Viên để thay lời kết thúc :
Tài mệnh tương phương diệc bất nhiên
Thế gian an hữu Trần Viên Viên ?
Khởi tương ca vũ diệt Minh đại
Dục bả hồng trang vấn lão thiên
才 命 相 妨 亦 不 然
世 間 安 有 陳 圓 圓 ?
起 將 歌 舞 滅 明 代
欲 把 紅 妝 問 老 天
Tài mệnh ghét nhau đến thế sao?
Thế gian đâu có Viên Viên nào
Há đem ca múa tàn Minh hết
Muốn lấy hồng nhan hỏi trời cao
LAI RAI CHÉN RƯỢU GIANG HỒ-HUỲNH NGỌC CHIẾN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét