HẰNG SƠN TAM ĐỊNH
Tặng ni cô Minh Phương
Lời dẫn : Tôi vốn mê tranh thủy mặc, cho nên mê cả thư pháp Trung Hoa. Từ bé, mong ước được học hỏi về thư pháp. Tập một thời gian, thấy không đi đến đâu, bèn bỏ dỡ. Tôi vốn rất dị ứng với cái-gọi-là “thư pháp tiếng Việt”, nhưng có lần về quê, tình cờ đến nhà Hồ Công Khanh thấy anh đang dạy cho một ni cô dung nhan tuyệt tục học thư pháp. Trong vóc dáng gầy gò và thanh thản, trông anh như một đạo sĩ đang đem hết tài hoa phổ vào nét bút, và ni cô thì trầm mặc trong từng giọt mực như pho tượng Bồ Tát Quan Âm, tôi chợt hiểu vì sao suốt một đời mình học tập thư pháp mà vẫn cứ “mang nhiên vô sở đắc”.
Than ôi, muốn luyện chữ, trước hết phải luyện tâm, như ni cô đem tâm thiền để học thư pháp. Ngẫm lại mình, suốt một đời tâm cứ luôn vọng động thì mong gì có được thành tựu trong một cuộc chơi đòi hỏi đến hai chữ tĩnh và hư ? Tôi bèn tặng cho ni cô một bài thơ :
Cố quận trùng du phỏng cựu thân
Tương hoan thi tửu tẩy mê trần
Ngẫu phùng Thích nữ học thư pháp
Nãi giác hoa viên thị Trúc lâm
Nhu tiếu tăng kiều chân đại sĩ
Hà phương tục khách nhiễu thiền tâm?
Dục cùng phong nguyệt tam thiên giới
Ưng tác Thiện Tài mịch hóa thân
故 郡 重 遊 訪 舊 親
相 歡 詩 酒 洗 迷 塵
偶 逢 釋 女 學 書 法
乃 覺 花 園 是 竹 林
柔 笑 增 嬌 真 大 士
何 妨 俗 客 擾 禪 心
慾 窮 日 月 三 千 界
應 作 善 才 覓 化 身
Tôi muốn được hóa thân làm Thiện Tài đồng tử cầm bút mực theo ni cô du hành hết tam thiên đại thiên thế giới để phụng bồi cho cuộc học thư pháp hy hữu trong cõi Hoa Nghiêm kia. Và lấy cảm hứng để viết bài này.
Khác với một số tác giả võ hiệp, trong tác phẩm Kim Dung không có những nhân vật nữ chính diện lẫn phản diện nào vừa có võ công cái thế lại vừa có dã tâm khuynh đảo giang hồ. Mưu toan hùng bá võ lâm dường như vẫn là “cuộc chơi” dành cho phái mạnh. Những Madame Rice không hề có mặt trong cõi giang hồ của Kim Dung. Hào khí ngất trời của Triệu Mẫn, trí tuệ trác việt của Hoàng Dung, uy thế trùm đời của Doanh Doanh cuối cùng cũng đều bị khuất phục trước tiếng nói của tình yêu. Đó có lẽ là con đường đích thực dành cho mọi nhân vật nữ thượng đỉnh trong thế giới Kim Dung. Nhưng thay vào đó, Kim Dung lại xây dựng một thế giới đa dạng và kỳ diệu khác cho phái nữ, không phải cho những phụ nữ thuộc cõi hồng trần mà cho những người đã đem thân gửi chốn am mây: đó là thế giới của những ni cô. Không một tác giả nào có thể xây dựng được một thế giới ni cô đa dạng và mang lại nhiều ấn tượng như Kim Dung.
Nếu trong tiểu thuyết Kim Dung, những quái tượng như Diệt Tuyệt sư thái làm vẩn đục đi hình ảnh từ bi vô lượng của đức Phật thì ba vị sư thái phái Hằng Sơn -Hằng Sơn Tam Định -đã phục hồi cho Phật pháp trở lại chân diện mục rạng rỡ buổi ban sơ.
Hằng Sơn Tam Định là ba vị sư thái đứng đầu phái Hằng sơn, pháp hiệu đều bắt đầu bằng chữ Định: Định Tĩnh là chưởng môn, Định Nhàn là sư tỷ và Định Dật là sư muội. Nhàn, Tĩnh, Dật là ba yếu chỉ trong đạo học phương đông. Nhàn thì tâm được vô sự, Tĩnh thì tâm được bình hòa, Dật thì tâm được thảnh thơi. Ba sư thái Nhàn, Tĩnh, Dật tạo thành ba cột trụ cho phái Hằng sơn. Phật giáo thường dùng số ba để làm đề mục như tam luận là ba bộ luận : Bách luận-Thập nhị môn luận-Trung quán luận, tam tạng kinh điển là kinh-luật-luận; tam học là Giới-Định-Tuệ, tam độc là Tham-Sân-Si …, nay Kim Dung lại muốn tạo thêm tam định là Nhàn-Tĩnh-Dật có phải là muốn làm phong phú thêm cái kho tàng vốn đã vô cùng phong phú của Phật môn?
Ba vị sư thái mỗi người mỗi vẽ, Định Tĩnh thì từ hòa, trẩm ổn, Định Nhàn thì ung dung, Định Dật thì tính nóng như lửa và ý chí quật cường. Có người đem tâm từ hòa để phụng sự Phật pháp, có người đem tâm sân mà phụng sự Phật pháp. Cái tâm phụng sự Phật pháp đâu nhất thiết phải là cái tâm từ bi hỷ xả, chỉ cốt sao đó là cái tâm thành. Theo truyện cổ nước ta, có một vị thầy tu lặn lội về phương Tây để tìm Phật, giữa đường gặp một tên cướp hung bạo. Sau khi nghe thuyết pháp, tên cướp ăn năn và hỏi làm thế nào để cúng dường đức Phật, thầy tu trả lời rằng muốn cúng dường đức Phật thì chỉ cốt ở tấm lòng; tên cướp lại hiểu một cách chân chất, nên liền rút dao mổ bụng, lôi cả bộ lòng nhờ vị thầy tu đem dâng lên đức Phật. Dọc đường bộ lòng bốc mùi hôi thối nên vị thầy tu bèn vất nó vào bụi cây và tiếp tục hành trình. Khi đi đến Tây thiên, đức Phật hỏi ông dọc đường có ai gởi gì không, ông bỗng sực nhớ bộ lòng của tên cướp nên quay lại đi tìm. Tìm mãi trong các bụi cây nhưng không thấy, ông kiệt sức mà chết và biến thành con chim bìm bịp. Câu chuyện giản đơn và người bình dân muốn ngụ ý rằng tấm lòng của tên cướp đã được đức Phật chứng giám vì y đã đến với đức Phật bằng cả tấm lòng thành.
Định Dật sư thái đem tâm sân mà phụng sự Phật pháp mà vẫn không hổ thẹn là một trong "Hằng Sơn tam Định”. Khi bà bị phe Tung Sơn dùng quỷ kế vây hãm ở Long tuyền Chú kiếm cốc để ép buộc phải đồng ý việc hợp nhất Ngũ Nhạc kiếm phái, bà thủy chung vẫn không chút sờn lòng. Vì cảm ân Lệnh Hồ Xung đã cứu trợ môn phái trong giời phút tử sinh, bà cùng Định Tĩnh sư thái lên chùa Thiếu Lâm cầu xin phương trượng Phương Chứng đại sư thả cho Nhậm Doanh Doanh xuống núi. Con người tính nóng như lửa đó lại chịu đi làm thuyết khách để cầu xin tha cho một nữ ma đầu của phe đối lập, cái tâm đó đủ để cứu vãn tinh thần Phật giáo. Tại đây bà và chưởng môn Định Tĩnh bị Nhạc Bất Quần dùng Tịch tà kiếm pháp ám toán.
Định Nhàn là sư tỷ của chưởng môn Định Tĩnh. Tình tình bà khoan hòa, độ lượng. Khi bà dẫn môn đồ đến Tiên hà lĩnh, thì bị phe Tung Sơn giả làm Ma giáo tập công, bắt cóc môn đệ, rồi Chung Trấn xuất hiện đóng vai người cứu giúp để ngầm gây áp lực buộc bà chấp thuận việc hợp nhất Ngũ Nhạc kiếm phái. Bà gởi thư bồ câu kêu gọi Định Dật và Định Tĩnh trợ giúp nhưng mới hay cả hai vị sư muội đồng môn cũng đang bị vây khốn tại Long Tuyền chú kiếm cốc. Nhờ có Lệnh Hồ Xung, dưới lốt cải trang thành một viên quan triều đình, giúp bà cứu thoát các đồ đệ nhưng bản thân bà bị tử thương tại đương trường.
Pháp hiệu bà là Định Nhàn nhưng bà lại rất kiên quyết trước dã tâm của Tả Lãnh Thiền. Cảnh tượng bà chiến đấu một cách tuyệt vọng để giải cứu môn đệ giữa vòng vây hãm của bọn Tung sơn có lẽ là một trong những hình ảnh bi tráng nhất trong Tiếu ngạo giang hồ. Chi tiết rất cảm động là trước khi chết, bà vô cùng sững sốt nhưng lại rất thanh thản khi biết kẻ giúp môn phái khỏi kiếp nạn không phải là môn đồ của Nhậm Ngã Hành như bà lo ngại, mà là tên khí đồ của phái Hoa Sơn : Lệnh Hồ Xung. Cái chết của bà mở đầu cho một loạt các diễn biến về sau để dẫn đến việc Lệnh Hồ Xung làm chưởng môn phái Hằng sơn.
Định Tĩnh là chưởng môn phái Hằng sơn. Pháp hiệu bà là Định Tĩnh rất phù hợp với công phu hàm dưỡng của một chưởng môn nhân. Bị phái Tung sơn giả dạng Ma giáo vây khốn tại Long Tuyền Chú kiếm cốc, giữa cảnh khốn quẫn với cái chết cận kề, môn đồ bị sát hại, bà vẫn giữ được cái tâm "tĩnh" và "định" đúng với phong độ của một đại tông sư võ học chốn thiền môn. Khi Lệnh Hồ Xung đến cứu viện và lột mặt nạ của bọn Tung sơn thì bà lại xin Lệnh Hồ Xung tha cho những kẻ đã tàn sát môn đồ, sau khi dùng những lời lẽ từ bi để cảnh tỉnh những kẻ ngu xuẩn trong giấc mơ cuồng điên của quyền lực. “Dĩ đức báo oán”, vị sư thái đó đã thực hiện bi tâm theo tinh thần Phật giáo. Bà và sư muội là Định Dật tự nguyện đến Thiếu lâm tự để xin Phương Chứng đại sư tha cho Nhậm Doanh Doanh xuống núi. Cái tâm từ hòa và khoáng đạt đó quả đã vượt xa cái tâm cố chấp câu nệ của Xung Hư đạo trưởng, khi vị đạo trưởng này ngăn cản không muốn Lệnh Hồ Xung đến Thiếu Lâm cứu Doanh Doanh.
Bậc chân nhân khi cái tâm đã tĩnh thì trên tấm gương lòng đó vạn sự sẽ hiển lộ toàn chân. Hán tới thì hiện Hán, Hồ đến thì hiện Hồ. Đó là tấm kính chiếu yêu mà mọi ma quỷ đội lốt thiên nhân đều phải lộ chân tướng. Đó là cái thấy như thị theo tinh thần Phật giáo, cái thấy không còn bị vướng mắc bởi định kiến hay dư luận. Chính vì thế mà trước phút lâm chung, bà đã không ngần ngại đã trao chức chưởng môn cho một gã tửu đồ lãng tử đã "tàn tạ thanh danh" là Lệnh Hồ Xung. Cái tâm của bà quả sáng ngời như viên ngọc không còn tỳ vết nên mới có thể nhận ra phẩm chất quý giá nơi tên khí đồ phái Hoa Sơn. Nhiều người đọc Tiếu ngạo giang hồ cho rằng dù chịu bất hạnh trong tình yêu nhưng Lệnh Hồ Xung vẫn còn hạnh phúc vì có Nhạc phu nhân là người hiểu và thương yêu chàng ta như một người mẹ, mà quên rằng Lệnh Hồ Xung còn may mắn hơn khi có một Định Tĩnh sư thái hiểu và quý trọng chàng ta không kém. Đó mới chính là hạnh phúc đáng trân trọng suốt đời. Đối với Lệnh Hồ Xung, nếu Nhạc phu nhân là người Mẹ trong cõi đời thì vị sư thái đó là người Mẹ trong cõi đạo, vì chỉ có người Mẹ chân chính mới có thể yêu thương con mình bằng tình yêu mênh mông không điều kiện, dầu đó là những đứa con hư đốn hoang đàng.
Định Nhàn và Định Tĩnh sư thái chỉ xuất hiện có một lần nhưng vẫn để lại trong lòng người đọc những ấn tượng vô cùng sâu đậm. Ta không ngạc nhiên khi dưới trướng Diệt Tuyệt sư thái gàn dỡ lạnh lùng phải có những Đinh Mẫn Quân cay độc, còn dưới trướng Tam Định Hằng sơn lại có những Nghi Hòa mực thước, Tần Quyên hồn nhiên, Nghi Lâm từ ái… Tinh thần Phật giáo được hàm dưỡng bởi huệ trí và bi tâm. Xả thân bằng tinh thần vô ngã tuyệt đối như Không Kiến đại sư trước ngọn Thất thương quyền tàn độc của Tạ Tốn là một cách thể hiện bi tâm; mà mềm mỏng nhưng kiên quyết như Định Tĩnh sư thái trước dã tâm của Tả Lãnh Thiền cũng là cách thể hiện bi tâm. Chính bi tâm của những bậc chân tu như Định Tĩnh sư thái hay Không Kiến đại sư mới cứu chuộc Phật giáo khỏi bị đắm chìm, và nếu Kim Dung muốn thể hiện tiếng nói của thiền môn qua thế giới ni cô, thì đó chỉ có thể là hình ảnh của Hằng Sơn Tam Định.
HOÀNG DƯỢC SƯ: MỘT CÕI TRỜI RIÊNG
Chính tà nguồn cội là đâu? Độc tôn Duy ngã chốn Đào hoa chơi. Mênh mông tiếng sáo trùng khơi.
Cây dừa và cây thông có lẽ là hai loài cây mà ai cũng biết. Cây dừa thì bình dị và dân dã quá, còn cây thông thì từ ngàn xưa đã được đưa vào văn học như là biểu tượng của người quân tử. Nhiều khi ngắm chúng, tôi lại liên tưởng đến hai hình ảnh trái ngược nhau trong cuộc đời.
Cây dừa ở dưới gốc thì trơ trụi, nhưng khi đã lên cao thì rất nhiều cành lá và trái xúm xít bám vào, trong khi suốt từ gốc đến hết phần thân không hề có một lá nào. Nó giống như hình ảnh của lợi danh và quyền lực. Con người thuở hàn vi thì chẳng ai thèm ngó ngàng đến, nhưng hễ đã nắm được quyền lực hoặc tiền bạc trong tay thì lập tức có hằng trăm ngàn kẻ xúm xít vây quanh. Càng lên cao thì càng nhiều người xu phụ. Lắm kẻ lưu manh giảo hoạt, như chiếc lá dừa vươn rất rộng thường làm ra vẻ sẵn sàng liều mình che chở cho thân cây. Để rồi khi cái ngọn dừa cao ngất kia bị ngã xuống thì cánh lá tua tủa đang xúm xít vây quanh sẽ lập tức tan tác hết, chỉ còn trơ lại cái gốc xù xì. Con cóc sẽ phải trở về với chân tướng con cóc, dù có thể cuộc đời đã có lúc dùng tiền bạc và quyền lực để biến nó thành con thiên nga trong hoang tưởng. Hình ảnh đó có lẽ không được nên thơ lắm, nhưng tôi lại thấy nó phản ảnh rất đúng một khía cạnh của cuộc sống. Đó có thể là trường hợp của Tinh túc lão quái Đinh Xuân Thu. Khi chiến thắng thì được đệ tử tung hô như thần linh, nào là “thần thông quảng đại, sánh ngang nhật nguyệt, uy vũ trùm đời” …, nhưng khi thất bại thì đệ tử trở mặt ngay để mạt sát như loài chó lợn!
Trái lại, cây thông thì phía dưới um tùm xanh lá nhưng càng lên cao thì cành lá càng thóp lại dần. Cái xúm xít ở dưới thưa dần đi. Khi đến đỉnh thì chỉ còn trơ ngọn lá cô đơn, một mình đâm vút lên cao. Và nó vẫn kiêu ngạo đứng trơ vơ để chống chọi với cái giá buốt của mùa đông. Mặc cho gió thổi và tuyết phủ, cây thông vẫn sừng sững để đắm chìm trong nỗi cô liêu trầm mặc. Đó là hình ảnh của nghệ thuật và phong cách tài hoa thực sự (đương nhiên là có những thứ tài hoa nửa mùa!). Ở mức độ càng thấp thì càng đông người phụ họa, càng lên cao thì số lượng người chia sẻ được sẽ vơi dần. Đỉnh cao của trí tuệ và nghệ thuật không thể được mọi người cùng chia sẻ, dù ta có tôn trọng họ đến bao nhiêu đi nữa. Đến chỗ cao chót vót thì người nghệ sĩ sẽ phải đối diện với cô đơn, dù cái tâm của họ có thể ôm trùm cả nhân loại. Truyện Kiều đã đi vào lòng người cả mấy trăm năm, làm say mê mọi người là thế, nhưng tâm sự Nguyễn Du vẫn là một ẩn ngữ thiên thu. Nó mãi mãi cô đơn, như ngọn thông lẻ loi đứng giữa trời. Đọc Kim Dung, nhân vật Hoàng Dược Sư luôn làm tôi liên tưởng đến hình ảnh cây thông, dù nhân vật cổ quái này chưa bao giờ gợi trong tôi những tình cảm mặn mà thật sự.
Không có nhân vật nào của Kim Dung lại có được kiến thức bách khoa và văn võ toàn tài như Hoàng Dược Sư, kể cả Tạ Tốn và Nhậm Ngã Hành - là hai tay quái kiệt võ lâm. Cầm kỳ thư họa, dịch lý, bát quái ngũ hành, trận pháp, võ công … tất cả đều đạt đến chỗ tột đỉnh của tinh hoa. Vậy mà không bị rơi vào cái tạp học như Tô Tinh. Tô Tinh Hà vì ham mê tạp học mà võ công sa sút, bị sư đệ Đinh Xuân Thu làm tan vỡ cả môn phái. Hoàng Dược Sư thì khác hẵn. Trận pháp trên đảo Đào hoa sẵn sàng vây khốn những kẻ nào dám liều lĩnh đặt chân lên đảo. Cây ngọc tiêu réo rắt trên sóng biển sẽ là vũ khí cực kỳ lợi hại để giao đấu nội lực với các đại cao thủ võ lâm. Võ công đủ để trấn áp một phương với ngoại hiệu Đông Tà. Kiến thức uyên bác trùm đời đủ để “cưỡng từ đoạt lý”. Dung mạo đẹp đẽ uy nguy đủ để mọi người kính nể kiêng dè. Còn gì đáng để thêm vào nữa cho nhân vật mang chứa trong mình hầu như toàn bộ tinh hoa của nhân loại?
Nhưng Hoàng Dược Sư gây được ấn tượng vô cùng sâu sắc đối với người đọc không phải chỉ bởi cái tài hoa mà chính ở chỗ tính tình cổ quái cao ngạo. Ông cao ngạo không phải chỉ vì giỏi, mà vì ông muốn đạp đổ thị phi, xóa nhòa mọi biên gới tà chính trong cõi giang hồ để đẩy tự do và suy tưởng cá nhân đến chỗ tuyệt đối. Chữ “Tà” trong ngoại hiệu Đông Tà của ông không có nghĩa đơn giản là đối lập với “chính” trong phạm trù “tà chính”, mà nó có nghĩa rằng dưới mắt ông, mọi nỗ lực muốn kiến tạo một ranh giới rạch ròi giữa chính và tà chỉ là điều ngu xuẫn. Chính tà thiện ác chỉ là sản phẩm được nhào nặn theo cái nhìn và ý muốn của những con người có ý chí hùng bá, như Hoàng Dược Sư hay Nhậm Ngã Hành. Nếu như Nhậm Ngã Hành, sau khi cướp lại ngôi giáo chủ từ tay Đông Phương Bất Bại, muốn vạch lại dòng chảy của lịch sử theo ý chí của mình, thì Hoàng Dược Sư lại kiêu hãnh đứng một bên, hoặc đứng trên cái dòng chảy ấy, vì nó không thể hòa hợp được với tâm hồn của kẻ tài hoa tuyệt đỉnh như ông. Có lẽ chính trong những suy tưởng đó ông mới thực sự là kẻ cô đơn vì không có kẻ đồng thời nào chia sẻ được. Chỉ sau này ông mới gặp được một người bạn vong niên là Dương Quá, chỉ vì anh chàng này dám yêu và cưới sư phụ- một điều đại cấm kỵ của võ lâm. Nhưng sự chia sẻ đó cũng chỉ mới ở một phần nhỏ là : vượt qua được định kiến của xã hội.
Cũng như Nguyễn Du làm quan cho triều Nguyễn luôn giữ thái độ buồn rầu mà hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng đó là tâm sự hoài Lê! Tôi cho rằng đó chỉ là tâm sự cô đơn của những kẻ tài hoa tuyệt đỉnh không muốn để mình bị cuốn trôi theo dòng chảy của lịch sử, mà không tìm được người đồng điệu. Nếu Hoàng Dược Sư thiết kế một đảo Đào hoa thơ mộng giữa đại dương để kiêu ngạo một mình rong chơi một cõi, thì Nguyễn Du lại đạm nhiên lễ nhượng xây nên một tòa Tân thanh lặng lẽ giữa cõi biển dâu để mở ra những trận du hý thần thông. Trong khi đảo Đào hoa như thiên la địa võng vây hãm con người, thì tòa Tân thanh lại lãng đãng sương mù để mở rộng vòng tay ôm lấy toàn nhân loại, nhưng cả hai đều là những “một cõi trời riêng” làm nơi trú ẩn của những cây thông xanh cô độc!
Hoàng Dược Sư cho cắt lưỡi và chọc thủng tai những kẻ nô bộc để biến chúng thành những người câm điếc, không muốn chúng đóng vai trò của những sứ giả thông tin vì ông gần như muốn cắt đứt mọi quan hệ với xã hội bên ngoài, không muốn cho những kẻ không xứng đáng đặt chân đến cõi riêng đó. Dầu những kẻ nô bộc kia toàn là những tên lưu manh đầu trộm đuôi cướp, giết người không gướm tay, đáng để giết đi; nhưng việc làm đó của ông, dưới quan điểm đạo lý bình thường, ta sẽ cho là man rợ. Ông trừng phạt bọn người gian ác kia có lẽ vì muốn “Thế thiên hành đạo”, muốn thay trời để xử lý tội ác theo kiểu của riêng ông, vì rõ ràng ông không tin gì vào cái gọi là “đạo lý trần gian”. Nói theo ngôn ngữ của các nhà hiện sinh thì có thể Hoàng Dược Sư muốn làm điều ác vì điều thiện đã được con người từ thuở xa xưa tranh nhau làm cả rồi! Nhưng nếu đạo lý “dĩ bạo dịch bạo” (dùng điều bạo ngược để thay cho điều bạo ngược) vẫn tràn lan trong cõi thế, và bạo lực cùng thù hận vẫn là động cơ góp phần thúc đẩy dòng chảy của lịch sử nhân loại thì ngẫm ra, vị chúa đảo Đào Hoa kia chắc gì đã là “tà”? Khi bị nghi oan là đã tàn sát những người trong đám Giang Nam lục quái, ông cũng chẳng thèm đính chính, vì cho rằng đó không xứng đáng với mình. Như cây thông xanh hiên ngang reo trong ngàn cơn gió giá buốt mùa đông, Hoàng Dược Sư vẫn luôn lạnh lùng kiêu ngạo với một cõi trời riêng.
Hoàng Dược Sư cực kỳ kiêu ngạo và có đôi phần tà quái thì đó cũng là lẽ đương nhiên, nếu quả như trên cõi đời có thể tồn tại một nhân vật tổng hợp được ngần ấy thứ nơi một con người. Hình tượng Hoàng Dược Sư như muốn vượt cả những thiên tài khổng lồ thời Phục hưng phương Tây : Leonardo da Vinci hay Michelangelo Buonarroti. Nếu Leonardo da Vinci vừa là họa sĩ, kỹ sư vừa là nhà soạn nhạc và nhà khoa học hay Michelangelo Buonarroti vừa là họa sĩ, nhà điêu khắc, vừa là nhà kiến trúc và nhà thơ, thì Hoàng Dược Sư còn hơn thế nữa : ấy là sở đắc về võ công! Nhưng tự xưa đấng Tạo Hóa công luôn “đố toàn”, nên khi Ngài đem những chất liệu ưu mỹ nhất để tạo nên những con người tài hoa đủ điệu như Hoàng Dược Sư, thì ngài lại luôn bắt họ phải gánh chịu một bi kịch nào đó trong cuộc sống, để cho những tạo vật khác khỏi so bì. Tưởng chừng như với một tay bản lĩnh nghiêng trời như Hoàng Dược Sư, thì trên đời này không có gì lại không bị khuất phục dưới ý chí của ông, và hai chữ “bất khả” có lẽ không thể tồn tại trong cuốn tự điển sống của vị chúa đảo Đào hoa. Với Hoàng Dược Sư thì muốn là được, như lời nói của Caesar là luật lệ. Nhưng nếu đối với giang hồ, cái bóng khổng lồ của chúa đảo Đào hoa bao trùm lên mọi cao thủ võ lâm như một tượng đài bất khả xâm phạm, thì nỗi khổ của ông lại bắt nguồn từ một chỗ tưởng chừng như êm ấm nhất : gia đình. Trong các tác phẩm võ hiệp, bi kịch gia đình của các nhân vật giang hồ thường là cảnh toàn gia bị thảm sát như Tạ Tốn, Lưu Chính Phong để đẩy những nhân vật đó vào chỗ tận cùng khổ lụy, thì đối với Hoàng Dược Sư lại khác. Người vợ hiền của ông vì vắt kiệt cả sức lực để ghi nhớ Cửu âm chân kinh nên phải sớm qua đời, để lại đứa con gái thông minh tuyệt đỉnh là Hoàng Dung. Cô “con gái rượu” này làm ông phải bao phen lao đao vất vả vì cô mãi chạy theo Quách Tĩnh, một kẻ mà dưới mắt ông chỉ là tên thô lậu ngu xuẫn không đáng giá một xu. Đó mới thực sự là nỗi thống khổ của bọn tài tử cổ kim!
Cuộc đời vẫn thường đem những thứ vớ vẫn như thế để chơi khăm khách tài hoa, bắt con kình ngư phải ngắc ngoải trong vũng nước bùn, như một lời răn đe giễu cợt. Cha tài hoa tuyệt đỉnh, con gái thuộc hàng cực phẩm của nhân gian, thì chàng rể lại lù đù như một “anh Hai Lúa”. Khi Tây độc Âu Dương Phong đem cháu là Âu Dương Khắc, còn Hồng Thất Công dẫn đồ đệ là Quách Tĩnh đến đảo Đào Hoa cầu hôn, ông thấy thà chấp nhận Âu Dương Khắc, còn hơn để Hoàng Dung kết thân cùng Quách Tĩnh, dù ông thừa biết Âu Dương Khắc là loại người bạc hạnh, bởi một lý do đơn giản là anh chàng công tử Bạch đà sơn dù sao cũng phong lưu nho nhã và có chút tài hoa. Có lẽ với ông, nhân cách còn có thể giũa mài chứ tục cốt thì khó lòng hoán cải, như bài thơ vịnh trúc của Tô Đông Pha : Nhân khả thực vô nhục, bất khả cư vô trúc, vô nhục linh nhân sấu, vô trúc linh nhân tục, nhân sấu thượng khả phì, tục sĩ bất khả y” (Có thể ăn không thịt, không thể sống không trúc, không thịt khiến người gầy, không trúc khiến người tục, người gầy mập có ngày, kẻ tục đành bó tay). Tục cốt quả là hết thuốc chữa. Dù một kẻ có kiến thức bác cổ thông kim hay tiền của trùm đời, nhưng nếu bản chất là tục cốt thì vẫn là tục cốt, vì những kiến thức vay mượn hay ngọc ngà châu báu vẫn không thể che dấu nỗi cái cốt lõi của con người. Đối với những kẻ tài hoa thì đúng là “Tục sĩ bất khả y”!
Chính nỗi cô đơn trong suy tưởng cùng với nỗi buồn về gia đình đã khiến cho con người tài hoa như Hoàng Dược Sư lắm phen phải ngớ ngẫn như một kẻ tâm thần. Ông bố tài hoa tung hoành khắp thiên hạ, dưới mắt xem không có người, vậy mà đành lòng chấp nhận một chàng rể lù đù hậu đậu. Tấm lòng của người cha đã đánh bạt sự kiêu ngạo ngất trời. Hình ảnh Hoàng Dược Sư cuống cuồng tìm con trên biển là hình ảnh đáng yêu nhất của nhân vật này, chứ không phải sự kiêu ngạo lạnh lùng đôi khi vớ vẫn như bắt bọn cao thủ Hầu Thông Hải phải chui qua đáy quần mình mà đi. Hành động đó khiến Hoàng Dược Sư trở nên rẻ tiền như tên bán thịt bắt Hàn Tín lòn trôn giữa chợ. Ở điểm này, Hoàng Dược Sư thua xa Nhậm Ngã Hành, chưa nói gì đến Tạ Tốn. Nhưng chính hình ảnh dung tục đó đã, trong một sát na, kéo Hoàng Dược Sư ra khỏi “một cõi trời riêng” mà về với “cõi người ta” vốn đầy những cái tầm thường dung tục.
Hình ảnh vị thanh y quái khách ẩn hiện thất thường với mặt nạ da người trơ lỳ vô cảm và cây ngọc tiêu vẫn là biểu tượng hấp dẫn người đọc vì sự lạnh lùng cao ngạo, vì tài hoa tột đỉnh và trên hết là sự cô đơn. Và đảo Đào hoa giữa đại dương sóng nước kia sẽ không chỉ là của riêng của Hoàng Dược Sư mà là một đảo Đào hoa mang nghĩa tượng trưng trong tâm tưởng mỗi chúng ta, để những khi bị cuộc đời đẩy vào nỗi cô đơn cùng tột, ta sẽ quay về tìm lại chính mình trong “một cõi trời riêng”.
NỖI LÒNG A TỬ
- J’ai rêvé j’allais t’épouser si fort que rien, rien ne pourrait nous séparer –que la mort
- Je pense qu’elle peut rapprocher, au contraire … oui, rapprocher ce qui a été séparé pendant la vie
(Anh mơ thấy anh sẽ cưới em, ước mơ mãnh liệt đến nỗi không có gì có thể ngăn cách được chúng ta - trừ cái chết.
Em thì nghĩ ngược lại rằng chính cái chết mới có thể nối kết, vâng, nối kết được những gì đã bị cách ngăn trong cuộc sống)
André Gide – La porte étroite
Trên đây là lời đối thoại giữa Jérôme và Alissa, hai nhân vật chính trong tác phẩm nổi tiếng La porte étroite của André Gide. Tác phẩm này đã được ngòi bút tài hoa của nhà thơ Bùi Giáng chuyển sang tiếng Việt với tựa đề “Khung cửa hẹp”. Alissa yêu Jérôme nhưng cô biết em gái mình là Juliette cũng yêu Jérôme, và cô đã khước từ tình yêu để tìm đến đấng Tối Cao qua “khung cửa hẹp”, theo lời gọi thiêng liêng của tôn giáo. Cô đã đem cả tuổi xuân để làm chất phân bón cho loài cây chỉ nở những cánh hoa cô liêu giữa vùng trời sa mạc, với ước vọng điên rồ rằng cánh hoa của sự hy sinh sẽ tỏa hương thơm vào cõi Vĩnh Hằng huyền hoặc. Có lẽ cô tin sẽ tìm lại được Jérôme trong cõi chết – nơi mà những cặp tình nhân sẽ gặp lại nhau để nối kết những cung đàn dang dở. Juliette lập gia đình, Alissa qua đời, để lại nhân vật Jérôme sống cô liêu trong ngậm ngùi bi hận. Nào đâu là mộng hoài tuổi thanh niên, nào đâu là mùi hương xuân sắc, tất cả đều tan tác trong cơn lốc lặng lẽ của tình yêu ngang trái.
Đọc đoạn văn trên, lòng tôi lại nhớ đến cô bé A Tử trong Thiên long bát bộ. Nếu các bạn đã từng đọc Khung cửa hẹp và Thiên long bát bộ ắt hẳn các bạn sẽ cho rằng tôi khiên cưỡng, khi đem hình ảnh của Alissa - một nhân vật dịu dàng cô độc - để nói về A Tử - một nhân vật nữ tinh quái và ác độc nhất trong mọi nền văn học cổ kim. So sánh Alissa với A Châu còn có thể được, vì cả hai đều là những ”linh hồn thục nữ bao dung”. Dù biết thế, nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn thấy giữa Alissa và A Tử, tại tận cùng sâu thẳm của tâm hồn, vẫn có điểm tương đồng : đó là sự thiết tha trong tâm nguyện.
Cuộc đời vẫn luôn có những người con gái đỏng đảnh và tai quái thường đem những kẻ yêu họ (mà họ không yêu lại, dĩ nhiên!) ra làm đối tượng chế diễu. Như một trò đùa và để thỏa mãn cái tôi. Thuở còn đi học, đâu phải thiếu những cậu học trò phải bao phen xấu hổ bởi những lá thư tỏ tình vụng dại mà họ âm thầm nhét vào dưới gầm bàn học lại trở thành “đề tài nghiên cứu” cho cả lớp! Nhưng tinh quái đến mức tàn ác như A Tử đối với Du Thản Chi có lẽ chỉ có một. Cô đày đọa gã si tình kia đến thân tàn ma dại, chỉ để mua vui và đem gã làm vật hy sinh cho những trò luyện công tà quái. Cô cho cột gã vào ngựa rồi kéo lên để làm trò “diều người”, bắt gã để tay cho rắn rít cắn để cô luyện công phu “Hóa công đại pháp”. Tàn nhẫn nhất là cô cho người hầu dùng cái khuôn sắt nung cháy trùm lên đầu Du Thản Chi và hủy hoại khuôn mặt của kẻ si tình khốn khổ. Cô cũng không một chút động lòng khi biết Du Thản Chi đã hy sinh cắp mắt để đem lại ánh sáng cho mình. Cô không hiểu rằng trong tâm hồn cuồng điên si dại đó, máu và lệ của mối tình câm đã ngập tràn, như muốn nhận chìm cả mối hờn căm đã từng sôi sục thuở vượt qua Nhạn Môn Quan để trả mối phụ thù.
Với A Tử, Du Thản Chi hay tất cả mọi người khác đều chỉ là những con sâu cái kiến. Chúng hoàn toàn vô nghĩa và chỉ có một lý do duy nhất đáng để tồn tại là được dùng để phục vụ cho tham vọng của cô. Cô chỉ biết có Tiêu Phong. Cô dững dưng tàn ác với tất cả mọi người, thậm chí với cả những người thân, nhưng với Tiêu Phong thì trái tim lạnh lùng vô cảm kia lại sẵn sàng hy sinh tất cả. Hình ảnh người anh rể đã chiếm trọn tâm hồn của cô bé mới mười mấy tuổi đầu. Cô tàn nhẫn với Du Thản Chi bao nhiêu thì cô lại tha thiết với Tiêu Phong bấy nhiêu. Hai thái cực tàn nhẫn và đắm say cùng ở chung trong tim một thiếu nữ đã đẩy mối tình trái ngang vô vọng kia đến tận cùng thảm họa. Trái tim tàn nhẫn vô tình, Chỉ chôn chặt mỗi bóng hình tỷ phu. Hận lòng máu nhỏ thiên thu.
Khi thấy Tiêu Phong luôn hờ hững với mình, cô từng ném độc châm vào Tiêu Phong để mong Tiêu Phong sẽ bị thương, và như thế sẽ ở mãi bên cô! Khi nghe chuyện cô kể Du Thản Chi hy sinh cặp mắt cho cô với giọng thản nhiên và diễu cợt, Tiêu Phong đã trách mắng cô bạc nghĩa, thì cô lại khóc òa và nói một câu mà mọi nam nhi trong thiên hạ đều phải động lòng : ”Nếu như đại ca bị mù hai mắt thì muội cũng xin hiến cặp mắt mình để cứu đại ca!”. Câu nói chí tình và tha thiết đó có cứu vãn được những điều tàn ác mà cô đã gây ra? Quả chữ tình gây nên bao oan nghiệt cho cõi trần gian. “Tu là cội phúc, tình là dây oan (Kiều). Tu có là cội phúc hay không thì chưa thấy, nhưng tình là dây oan thì quả là nhiều. Sợi dây tình đã trói chặt số phận Tiêu Phong, Du Thản Chi và A Tử vào vòng tròn nghiệt ngã, mà các nhân vật đó chưa hẳn đã cắt đứt được, ngay cả khi họ cắp tay nhau đi về bên kia thế giới.
Cõi chết vẫn là điểm tương phùng cho những cặp tình nhân bất hạnh. Tôi không tin tưởng gì lắm về Ngày phán xét cuối cùng của mọi tôn giáo, hoặc sự cứu rỗi linh hồn nhờ vào một đấng Tối cao, nhưng tôi lại rất tin thuyết luân hồi, không phải theo nghĩa tôn giáo mà như là một hình ảnh của nghệ thuật. Những tâm nguyện chưa thực hiện, những tình yêu dang dỡ, những hoài vọng không thành …. sẽ khiến cho cuộc sống trở nên chua chát và cõi đời trở nên ngậm ngùi biết mấy, nếu như chúng ta không tạo được niềm tin rằng chúng sẽ được tựu thành ở kiếp lai sinh? Trong bài thơ Adieu (Lời vĩnh biệt), Apollinaire đã từng nói lên những lời tha thiết:
J’ai cueili ce brin de bruyère
L’automne est morte souviens - t’en?
Nous ne nous verrons plus sur
Terre Odeur du Temps brin de bruyère
Et souviens-toi que je t’attends.
Ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi
Chúng ta sẽ không tương phùng được nữa
Mộng trùng lai không có ở trên đời
Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi
Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó
(Bùi Giáng dịch)
Bài thơ của Apollinaire nghe ngậm ngùi man mác, nỗi sầu trong thơ nghe như bàng bạc nhẹ nhàng, nhưng nó lại đẩy con người đối diện với nỗi trống vắng khôn cùng “Nous ne nous verrons plus sur Terre” Chúng ta sẽ không tương phùng được nữa. Mộng trùng lai không có ở trên đời. Và bao hoài mộng, người ơi, xin hãy chờ đợi nhau trong hương thời gian và hồn hoa thạch thảo. Trong khi đó? Nguyễn Du lại dìu chúng ta từ cõi cõi lạnh giá về nơi ấm áp. Kiếp sau họa gặp, kiếp này hẳn thôi (Kiều). Lời thơ đó dù có đau thương nhưng vẫn còn nồng ấm vì nó mở ra cho chúng ta một khoảng trời, để ước mơ và hy vọng. Mộng trùng lai nếu không có ở trên đời thì còn có ở kiếp sau. Đó chính là lối về cho A Tử, cho Du Thản Chi và cho cả Tiêu Phong.
Tiêu Phong vẫn luôn ở bên cô nhưng cô hiểu “dẫu trong trong gang tấc gấp mười quan san” (Kiều), vì hình ảnh của người chị A Châu. Cô bị hoàng hậu nước Liêu lừa để đem thuốc độc cho Tiêu Phong uống, vì cô ngỡ đó là “thuốc yêu”. Tiêu Phong uống vào sẽ yêu cô mãi mãi! Liều “thuốc yêu” đó đã khiến Tiêu Phong mất hết nội lực và bị bắt khi dẫn cô chạy trốn. Trách sao được cô bé tai quái tàn ác kia, khi hiệu quả của liều thuốc yêu là điều mà cô luôn mơ tưởng? Cõi đời, từ thuở xa xưa cho đến cả thời hiện đại, vẫn đâu thiếu những người phụ nữ nhẹ dạ cho rằng có một loại thuốc thần diệu nào đó giúp họ níu kéo được những trái tim phụ bạc hoặc đang theo đuổi một hình bóng khác. Vô lý là thế, nhưng họ vẫn tin, bởi vì những tâm hồn yếu đuối đáng thương kia sẽ bám víu vào đâu, khi mà mọi nỗ lực chiếm hữu tình yêu đều dẫn vào tuyệt lộ?
Chỉ đến khi Tiêu Phong ngã xuống tại Nhạn môn quan, cô mới thấy rằng bây giờ vị tỷ phu mà cô trọn đời thương nhớ kia mới thực sự là của cô. Sẽ không còn ai tranh giành trái tim đó với cô nữa. Sẽ không còn những lời trách mắng, cũng như những lời răn dạy nghiêm khắc khi cô bày tỏ nỗi lòng, vì bị xem là đứa trẻ con. Chỉ bây giờ cô mới có quyền ôm vị tỷ phu một cách đắm say mà không bị phản đối cự tuyệt. Đó có lẽ là giây phút đớn đau nhưng hạnh phúc nhất trong đời A Tử. Chỉ giờ đây, cái chết mới có thể nối kết được cho cô những gì đã bị cách ngăn trong cuộc sống. “ …rapprocher ce qui a été séparé pendant la vie”. Cuộc sống đã đẩy mối tình trái ngang vào chốn tận tuyệt của thảm khốc đoạn trường thì xin em hãy ghì siết lấy cái xác thân còn hơi ấm của người yêu, để cung bậc trùng phùng được nối tiếp ở thế giới bên kia. O love! O life! not life, but love in death! (Ôi tình yêu! ôi cuộc sống! không phải là cuộc sống, mà là tình yêu trong cõi chết - Shakespeare- Romeo & Juliet, Act 4, Scene 5)
Hình ảnh A Tử móc mắt trả lại cho Du Thản Chi, rồi ôm xác Tiêu Phong rơi vào vực thẳm quả quá đủ để đẩy mọi trang sách viết về bi kịch tình yêu vào bóng tối. Đứng bên hình ảnh đoạn trường kia, mọi cảnh tượng đau thương thảm khốc nhất của tình yêu trong mọi nền văn học đều trở nên mờ nhạt và ảm đạm. Và tôi tin rằng từ vực thẳm đó tại Nhạn môn quan, một bài tụng ca thiêng liêng sẽ bay vút lên tận cõi trời Đâu Suất để làm hồi sinh mọi tình yêu dang dỡ trái ngang.
LAI RAI CHÉN RƯỢU GIANG HỒ-HUỲNH NGỌC CHIẾN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét