CƯU MA TRÍ: NẠN NHÂN CỦA VÕ HỌC
Theo truyền thống phương Đông, triết học hay đạo học đều có mục đích chung là đưa con người đến giải thoát, trong đó cầm kỳ thi họa, y đạo hay võ đạo đều có thể là những phương tiện. Nhưng khi con người đã chấp vào các phương tiện như là cứu cánh thì hiểm họa sẽ bắt đầu. Con người sẽ trở thành nô lệ cho chính cái mà mình muốn làm chủ. Đó là trường hợp điển hình của Đại luân Minh vương Cưu Ma Trí.
Trong quá trình tầm đạo hay học hỏi, con người hơn thua nhau ở chỗ đủ tỉnh táo để nhận ra đâu là phương tiện và đâu là cứu cánh. Đánh giá cứu cánh như phương tiện là rơi vào hoang tưởng, còn chấp phương tiện làm cứu cánh là đưa tới trầm vong. Kinh điển Đông phương luôn nhắc nhở đến điều này. “Đắc ngư vong thuyên”. Nơm là phương tiện dùng để bắt cá, nhưng khi được cá phải quên nơm. Ngón tay là phương tiện dùng để chỉ mặt trăng, nếu cứ chấp ngón tay làm mặt trăng, ắt sẽ rơi vào chỗ vô minh. Kinh Phật minh họa ý tưởng này bằng một hình ảnh rất sinh động : ”dùng bè là để qua sông, khi đã đến bờ bên kia rồi thì nên ung dung bỏ bè để lên bờ đi tiếp, hay là phải cứ hì hục mang cái bè trên lưng?” Câu trả lời tưởng chừng như rất dễ, nhưng để bỏ được cái bè phương tiện thì cần phải là bậc đại trí huệ, và cần phải có cơ duyên.
Cùng với Cưu Ma Trí có thể kể thêm hai nhân vật kiêu hùng nữa là Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn. Nhưng Mộ Dung Bác khổ luyện võ công là để phục quốc, Tiêu Viễn Sơn khổ luyện võ công là để báo thù. Riêng Cưu Ma Trí là người suốt đời cứ rong ruỗi để tìm tòi học hỏi võ thuật, mà người đọc cũng không biết để làm gì, ngoài việc để thỏa mãn tính sính cường háo thắng. Và do đó, ông đã tự mình trở thành nô lệ cho võ học, cũng như nhiều học giả đã tự làm nô lệ cho kiến thức. Bản thân võ học là phương tiện, mà đã là phương tiện thì luôn mang trong tự thân nó những yếu tố bất toàn, thậm chí nguy hiểm vì đó chỉ cái tạm thời để giúp ta tìm đến cái vĩnh cửu. Vị Vô danh tăng trong Tàng kinh các hiện thân như một Bồ Tát dùng Phật pháp vô biên để khai ngộ cho quần hùng, khiến Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn đều tỉnh ngộ mà quy y cửa Phật; nhưng riêng Cưu Ma Trí vẫn u mê cố chấp. Nghĩ cũng lạ. Bản thân ông là quốc sư tinh thông Phật pháp, hằng năm vào Tuyết sơn để đăng đàn giảng kinh, khai ngộ cho dân chúng Thổ Phồn, nhưng chính bản thân ông lại không thấu hiểu được diệu lý của Phật pháp. Ngày xưa, Đạt Ma tổ sư muốn dùng võ thuật như phương tiện thì hậu duệ của ngài lại chấp làm cứu cánh, nên bị mê hoặc bởi cái mị lực của võ học mà không hề hay biết. Cái lẽ ra phải đóng vai “khách” lại trở thành “chủ”, và sẽ tiếp tục dẫn dắt con người đi sâu vào con đường lầm lạc.
Lần đầu tiên xuất hiện ở chùa Thiên Long nước Đại Lý, vị quốc sư Thổ Phồn quả đã gây cho người đọc một ấn tượng sâu sắc về đảm lược và bản lĩnh, khi một mình dám ngang nhiên đến chùa Thiên Long xin “mượn” kiếm phổ Lục mạch thần kiếm là bảo vật tổ truyền. Cưu Ma Trí từng giao du với Mộ Dung Bác, cả hai đều là những đại hành gia võ học nên cùng trao đổi võ công với nhau rất ý hợp tâm đầu. Thuở sinh tiền, Mộ Dung Bác chỉ ước ao được xem kiếm phổ Lục mạch thần kiếm của chùa Thiên Long. Cưu Ma Trí hứa với bạn sẽ tìm giúp. Khi quay về lại Trung Nguyên thì Cưu Ma Trí nghe tin Mộ Dung Bác đã qua đời, nên ông liền đến chùa Thiên Long xin “mượn” pho kiếm phổ kia đem về đốt trước mộ bạn, để tạ lòng tri kỷ. Nhưng bù lại ông cũng xin tặng cho chùa Thiên Long các bí cấp võ học cực quý của Phật môn. Như một sự trao đổi sòng phẳng. Ngày xưa có người mang kiếm báu, một người bạn muốn mượn nhưng người ấy có việc phải đi, nên hẹn xong việc sẽ đem về cho bạn mượn. Ngày quay về thì bạn đã mất, người đó bèn cổi kiếm treo trên nấm mộ bạn mình. Như một biểu tượng đã hoàn thành lời hứa. Và của một tấm lòng trao tặng một tấm lòng. Thi Phật Vương Duy diễn tả lại ý này trong bài thơ Tống Chu đại nhân nhập Tần (Tiễn Chu đại nhân vào đất Tần) rất gợi cảm:
Du nhân Ngũ Lăng khứ
Bảo kiếm trị thiên kim
Phân thủ thoát tương tặng
Bình sinh nhất phiến tâm
游 人 五 淩 去
寶 劍 值 千 金
分 手 脫 相 贈
平 生 一 片 心
Tiễn người đi Ngũ Lăng
Gươm báu giá ngàn vàng
Chia tay xin trao tặng
Bình sinh một tấc lòng.
Kể ra vị quốc sư xứ Thổ Phồn kia cũng muốn học theo phong cách của người xưa. Người xưa treo bảo kiếm trước mộ, thì nay ta đốt kiếm phổ trước mộ, đều là cách gởi gắm “bình sinh nhất phiến tâm”. Đó cũng là tấm lòng đáng quý trọng của kẻ sĩ trong thiên hạ.
Ý đồ kia có thể chỉ là cái cớ, nhưng việc ông dám “đơn thân độc mã” đến chùa Thiên Long, dầu biết rõ vị phương trượng Khô Vinh đại sư đã luyện thần công đến mức “bán khô bán vinh” thì quả là hùng tâm vạn trượng. Như Quan Công “đơn đao phó hội”, ngang nhiên một mình khuấy động cả vùng sông nước Giang Đông. Trước khi xuất hiện, danh tiếng của Cưu Ma Trí đã tạo ra áp lực lớn đến nỗi vị đệ nhất cao thủ trong Hoàng tộc nước Đại Lý là hoàng đế Bảo Định đế phải xuống tóc lấy pháp danh là Vô Trần để tăng cường sức chiến đấu cho các cao tăng chùa Thiên Long. Tất cả sáu vị cao tăng, mỗi người học một loại kiếm trong Lục mạch thần kiếm, cùng hợp công để đối phó với Cưu Ma Trí. Khô Vinh đại sư vừa lo bảo vệ Đoàn Dự vừa bắt anh chàng công tử đồ gàn này học thuộc lòng kiếm phổ, và cuối cùng liệu thế không thể vệ được kiếm phổ, Khô Vinh đại sư đành phải thiêu hủy. Một môn võ công tuyệt học trong thiên hạ đành chịu thất truyền trước áp lực của Hỏa diệm đao!
Lần thứ hai, Cưu Ma Trí xuất hiện ở chùaThiếu Lâm, phô triển tuyệt học khiến quần hùng đều kinh hãi. Nguyên trong chùa Thiếu Lâm có quản thúc một vị sư Ấn Độ là Ba La Tinh. Vị sư này từ Ấn Độ đến chùa Thiếu Lâm lấy cớ là để nghiên cứu Phật học, vì tại Ấn Độ “ngoại đạo thịnh hành, Phật giáo suy vi”. Nhưng mục đích chính của Ba La Tinh là học lén các tuyệt kỹ của môn phái Thiếu Lâm, là những môn chỉ truyền thụ cho đại sư cấp cao trong bản phái. Khi phát hiện ra điều này, chư tăng chùa Thiếu Lâm buộc Ba La Tinh phải vĩnh viễn ở lại chùa, không cho quay về Ấn Độ, vì e ngại các tuyệt kỹ Thiếu Lâm sẽ bị tiết lộ ra ngoài. Phương trượng chùa Thanh Lương ở Ngũ Đài sơn là Phật sơn thượng nhân từ lâu muốn tranh chức phương trượng Thiếu Lâm nên nhân dịp này dẫn sư huynh của Ba La Tinh là Triết La Tinh cùng nhiều cao thủ khác đến gây hấn, đề nghị dùng võ công để xác định ngôi vị. Ngay lúc cục diện đang hồi căng thẳng khi hai bên tranh luận về xuất xứ của võ học, thì bất ngờ Cưu Ma Trí lại xuất hiện, dùng chính tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm để áp đảo quần hùng, khiến cho tất cả các cao tăng Thiếu Lâm đều “tâm táng nhược tử” (chết điếng trong lòng), niềm tự hào về võ học bí truyền đều nguội lạnh. Huyền Từ phương trượng thực sự chán nãn khi thấy Cưu Ma Trí thông thuộc toàn bộ bảy mươi hai tuyệt kỹ bí truyền của bản môn, một kỳ tích mà chư tăng chùa Thiếu Lâm từ cổ chí kim không ai làm được. Đại sư thấy việc giam giữ Ba La Tinh quả là điều vô lý khi mà tất cả tuyệt học của bản môn không còn gì là “tuyệt” nữa. Ai cũng biết, và ai cũng luyện được, thậm chí còn thành tựu cao hơn cả những người trong bản môn.
Không ai ngờ nỗi rằng tất cả tuyệt kỹ Thiếu Lâm mà Cưu Ma Trí biểu diễn tại chùa Thiếu Lâm chỉ là cái vỏ, một cách “dĩ ngụy loạn chân” (dùng cái giả dối để làm loạn cái chân thực). Những “Niêm hoa chỉ”, những ”Cà sa phục ma công” hay “Đại Kim cương quyền” … đều là cái vỏ Thiếu Lâm nấp dưới công phu Tiểu vô tướng công của phái Tiêu Dao. Nhưng Tiểu vô tướng công của Cưu Ma Trí cũng chỉ lớp vỏ hời hợt của công phu này. Trong các tác phẩm của Kim Dung, phái Thiếu Lâm luôn được xem là Thái sơn Bắc đẩu trong võ lâm, võ công đứng đầu thiên hạ. Riêng trong Thiên Long Bát Bộ, võ công phái Tiêu Dao của Đạo gia có vẽ lấn át hẵn võ công của Phật môn, khi Cưu Ma Trí chiếm thượng phong ngay tại cái nôi của võ học Trung Nguyên. Song điều đó, Kim Dung lại lý giải, thông qua vị Vô danh tăng trong Tàng kinh các, là do các cao tăng Thiếu Lâm chưa thấu hiểu cái diệu lý của võ học, nên sự thành tựu cũng chỉ ở mức trung bình, không thể đạt đến cảnh giới “lô hỏa thuần thanh”. Trong khi tất cả cao tăng chùa Thiêu Lâm đều tiêu táng hùng tâm trước võ công của Cưu Ma Trí, thì chỉ có Hư Trúc nhận thấy rõ điều trá ngụy, vì y là người có cơ duyên lĩnh hội được toàn bộ chân truyền của phái Tiêu Dao. Trận kịch đấu giữa một chú tiểu vô danh và một vị quốc sư uy trấn quần hùng tại chùa Thiếu Lâm quả là trận đấu hi hữu của võ lâm, mà ưu thế lại nghiêng về Hư Trúc. Như trận đấu giữa tay đệ nhất kiếm pháp đương thời là Côn luân Tam thánh Hà Túc Đạo với chú tiểu Tương Quân Bảo trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký. “Vàng giả” của Cưu Ma Trí gặp “lửa thiệt” của Hư Trúc tất nhiên sẽ bị lộ tẩy. “Ngụy” gặp “chân” sẽ bị phá vỡ, dù sớm dù muộn. Đó là quy luật ngàn đời.
Phê bình nền học vấn đời Tống, Âu Dương Tu bảo : “Dĩ Phật Lão chi tợ loạn Chu Khổng chi thực “ (Đem cái tư tưởng từa tựa giống với Phật Lão để làm loạn cái tư tưởng chân thực của Chu Công và Khổng Tử). Đấy là tình hình các học giả đương thời. Cái học chưa đến nơi đến chốn, chuyên nghề vơ đó chộp đây theo kiểu “đạo thính đồ thuyết” (nghe được ngoài đường rồi kể lại trong ngõ)61 để lòe thiên hạ. Những kẻ sơ cơ dễ bị choáng ngợp khi mới tiếp xúc. Nhưng một khi gặp cái học chân truyền thì những thứ vặt vãnh phù phiếm đó sẽ nhanh chóng tan như bọt nước. Đó cũng chính là trường hợp của Cưu Ma Trí, khi vị quốc sư này “dĩ Tiêu Dao chi tợ loạn Thiếu Lâm chi thực” (đem loại võ công từa tựa giống với phái Tiêu Dao để làm rối loạn võ công chân thực của phái Thiếu Lâm) nhằm lòe bịp quần hùng.
Thay vì luyện tập võ công như một phương tiện để đưa tới giác ngộ, thì oái ăm thay, vị quốc sư kia lại chỉ đam mê tích lũy võ công. Cái lệ khí tích tụ trong người do luyện tập võ học sai đường đã là mầm họa sát thân, lại thêm tính sính cường hiếu thắng do võ học tạo nên thì mối hiểm nguy lại tăng lên gấp bội. Cưu Ma Trí cứ u mê “dĩ ngụy loạn chân”, lại còn nuôi tham vọng luyện thêm Dịch cân kinh thì quả là vô minh quá lắm. Càng ngày lại càng lún sâu vào con đường nô lệ cho võ học. Cũng như Cưu Ma Trí, Chu Bá Thông là người đam mê võ học đến cuồng điên, nhưng Lão Ngoan đồng nhờ có tâm hài nhi nên bị không sa vào con đường của Cưu Ma Trí, và tự nhiên hóa giải được mọi nguy cơ tiềm ẩn. Những thành tựu trong võ học dễ dàng làm mê muội những người tập luyện cũng như kiến thức dễ làm mê muội những học giả hàn lâm.
Cơ duyên dun dủi cho Cưu Ma Trí bị (hay được?) Chu cáp thần công của Đoàn Dự hút toàn bộ nội lực, để trở lại con người bình thường. Cái hư ngụy tích tụ trong tâm và thân bị phá bỏ hoàn toàn khiến Cưu Ma Trí hoát nhiên đại ngộ và mới thực sự trở thành cao tăng nước Thổ Phồn. Võ học cũng như kiến thức, khi phá bỏ được lớp vỏ hư ngụy để trở lại với cái “chân” thì vạn sự sẽ toàn nhiên hiển lộ. Đó phải chăng cũng là chỗ mà thiền sư Bách Trượng bảo : “Tâm địa nhược không, tuệ nhật tự chiếu” 心 地 若 空, 慧 日 自 照 (nếu vùng đất tâm trống như hư không, thì mặt trời trí huệ sẽ tự nhiên chiếu sáng)?
“CUỘC CHƠI” CỦA VI TIỂU BẢO
“Người đàn ông đích thực cần hai điều: đó là sự nguy hiểm và chơi đùa. Chính vì thế mà hắn cần đến đàn bà như là vật chơi đùa nguy hiểm nhất”62. (F.Nietzsche)
Theo triết gia cổ đại Hy Lạp Heraclitus thì cuộc đời là một trò chơi lớn, một “Grand Jeu”. Nhà thơ Tô Đông Pha nói “Tạo vật hà như đồng tử hý?” (Tạo vật sao giống như đứa trẻ chơi đùa?). Đến đấng Tạo Hóa toàn năng còn là một đứa bé thích chơi đùa, huống gì con người bình phàm chúng ta? Mà cuộc chơi có thể hiểu theo nhiều cách. Ngồi thiền định suốt bao năm tháng dưới gốc bồ đề, suốt đời rong ruỗi khắp nơi thuyết pháp cứu độ chúng sinh, để rồi cuối đời ngồi tại đạo tràng bảo “Bốn mươi chín năm qua, ta chưa nói lời nào” (!) như đức Phật cũng là một cách chơi. Viết “Đoạn trường tân thanh” làm tan nát cả lòng người, và làm chấn động cả khối tam giáo phương Đông, nhưng lại khiêm tốn bảo “Mua vui cũng được một vài trong canh” như Nguyễn Du cũng là một cách chơi. Viết một cuốn sách vô tiền khoáng hậu, đặt lại cở sở cho mấy ngàn năm triết học phương Tây, nhưng lại ỡm ờ bảo đó chỉ là “Siêu hình học nhập môn” (Introduction à la Métaphysique) như Heidegger cũng là một cách chơi. Từ chối quan tước, cứ ngồi câu cá để “du tâm ư đạm” (đem chơi lòng vào chỗ nhạt), viết Nam hoa kinh làm kinh động cổ kim như Trang Tử cũng là một cách chơi. Chán chường thi ca nhưng vẫn cứ mãi miết làm thơ như Bùi Giáng cũng là một cách chơi. Hùng tâm vạn trượng nhưng lại làm một tên bán thịt lợn giữa chợ thành Đại Lương, để rồi giúp Ngụy Công tử lập nên công lớn như Chu Hợi thời Chiến quốc cũng là một cách chơi. Biết rằng có giết được Tần Thủy Hoàng cũng chỉ tạo ra hàng trăm tên bạo chúa khác, nhưng vì cảm nghĩa nên vẫn mang chủy thủ vượt qua sông Dịch, vờ múa vu vơ giữa triều đình vua Tần để rồi bị giết chết như Kinh Kha cũng là một cách chơi. Và có một nhân vật của Kim Dung còn “chơi” hơn thế nữa, chơi những trận chơi quỷ khốc thần sầu, xem cõi đời là một trò chơi lớn và đàn bà là một canh bạc lớn để đem hết “vốn liếng” ra chơi theo kiểu “nhất chín nhì bù”. Đó chính là Vi Tiểu Bảo!
Trong tất cả các sáng tác của Kim Dung, Lộc đỉnh ký là tác phẩm hoàn toàn khác biệt với các tác phẩm khác. Không còn những hoang sơn u cốc có cao nhân kỳ sĩ cư trú để truyền lại cho nhân vật chính những võ công đặc dị chấn động giang hồ. Cũng không còn những cá nhân mang hùng tài đại lược lăm le muốn làm minh chủ võ lâm. Tất cả hoạt động của bang hội hay các phe phái đều diễn ra trên một bối cảnh chính trị, đó là nhằm chiếm được bộ Tứ thập nhị chương kinh. Võ công của nhân vật chính Vi Tiểu Bảo bị đẩy xuống hàng thứ yếu, và thay vào đó là thói lưu manh cùng những trận “võ mồm”!
Trong lịch sử văn học, có lẽ khó có nhân vật nào quỷ quyệt lưu manh như Vi Tiểu Bảo. Từ một đứa con hoang của cô gái điếm trong kỹ viện, tình cờ bị bắt vào hoàng cung, phải dùng đủ mọi thủ đoạn để tồn tại, chưa tới hai mươi tuổi mà đã Vi Tiểu Bảo nhanh chóng trở thành một người bạn thân cận của vua Khang Hy, một quan đại thần đến tước công, một “bộ trưởng ngoại giao” tài ba lỗi lạc trong việc ngăn không cho Mông Cổ và Tây Tạng cấu kết với Ngô Tam Quế đánh lại triều đình, một vị anh hùng trong chốn giang hồ, hương chủ Thanh mộc đường của Thiên địa hội, một phu quân của bảy bà vợ xinh như mộng. Thậm chí các bậc di thần của triều Minh còn đề nghị y làm hoàng đế của “chính phủ lâm thời phản Thanh phục Minh”! So với Vi Tiểu Bảo, thì Xuân tóc đỏ của Vũ Trọng Phụng hay Nikôđem Đizma của T.D. Môxtôvích chỉ là những anh học trò sơ cấp.
Vi Tiểu Bảo đã đem thói lưu manh học được ở kỹ viện và dùng máu mê cờ bạc để đối phó với mọi tình huống giữa giang hồ và chốn cung đình. Oái ăm thay tất cả đều trót lọt! Những lúc phải đối phó với hoàn cảnh sinh tử cận kề, cần phải xác định “thái độ quan điểm” để trở thành hoặc kẻ thù hoặc ân nhân của những người xa lạ, thì Vi Tiểu Bảo lại quyết định đem sinh mạng ra chơi theo kiểu đánh bạc. Tất cả vốn liếng đem ra đánh sạch một ván theo kiểu “Được ăn cả, ngã về không”. Và may mắn là lần nào y cũng thắng. Khi bị quần hùng Thiên địa hội bắt đem đi, Vi Tiểu Bảo tính toán mãi không biết họ là bạn hay kẻ thù của Ngao Bái, nhưng y đã đánh liều thóa mạ Ngao Bái không tiếc lời. Và canh bạc đầu tiên đó đã đem lại cho y chức hương chủ Thanh mộc đường. Cũng như khi bị vây khốn trong ngôi nhà ma của họ Trang, Vi Tiểu Bảo sau khi cân nhắc lại liều mạng chửi bới Ngao Bái, và canh bạc này đã giúp vị “Vi tướng công” trở thành ân nhân của nhà họ Trang, đồng thời lại được tặng một cô Song Nhi diễm kiều hiền thục!
Máu mê gái của Vi Tiểu Bảo cũng bồng bột như máu mê cờ bạc. Gặp cô nào đẹp, y cũng đều so sánh ngay với các kỹ nữ của Lệ xuân viện, là cái nhà chứa nơi y xuất thân. Các nhân vật A Kha hay Hồng phu nhân đều khiến y mê tít đến điên đảo thần hồn, nhưng y thừa thông minh để hiểu rằng trong “canh bạc tình yêu” này, y không thể thắng trong một cuộc chơi sòng phẳng, mà thậm chí có thể dễ dàng mất mạng, nên buộc lòng phải dùng đến trò láu cá. Khi về thăm lại mẹ trong Lệ xuân viện, Vi Tiểu Bảo lại dùng Mê xuân tửu gây mê các người đẹp, trong đó có cả A Kha, Hồng phu nhân, rồi hãm hiếp họ để họ phải mang bầu với mình.Chiếm đoạt cùng một lúc mấy người đẹp tuyệt trần bằng thủ đoạn lưu manh, đó quả là một điều đáng để người đọc phải chau mày nhăn mặt!
Ba mốn “đại pháp bảo” mà Vi Tiểu Bảo dùng để hộ thân và lập được công trạng là vôi bột, tấm tàm y hộ thân và lưỡi chủy thủ. Tâm tàm y giúp y nhiều phen thoát chết trước những đòn tấn công của kẻ thù. Vôi bột thì dùng để ném vào mặt đối phương khiến cho đối phương tối tăm mặt mũi, sau đó dùng lưỡi chủy thủ cực bén để đâm chết đối phương. Khi y dùng thủ đoạn này lần đầu để giúp Mao Thập Bát giết chết Hắc Long Tiên Sử Tùng trong giây phút mạng sống họ Mao chỉ ngàn cân treo sợi tóc, Mao Thập Bát đã không cám ơn thì chớ còn lên tiếng thóa mạ y tàn tệ, vì họ Mao biết rằng đây là thủ đoạn cực kỳ đê hèn sẽ bị khách giang hồ phỉ nhổ. Về sau, y cứ tiếp tục dùng thủ đoạn này để làm mù mắt Hải Đại Phú và bắt sống Ngao Bái.
Nhưng nếu chỉ dựa vào thói lưu manh vô lại để luồn lách và tồn tại thì “cuộc chơi” của Vi Tiểu Bảo có lẽ đã sớm phải chấm dứt dưới tay của Khang Hy rồi. Vi Tiểu Bảo là chú nhỏ láu cá, mồm mép trơn tuột như bôi mỡ, giảo hoạt đủ cách nhưng có điểm khả thủ là rất tôn trọng đạo nghĩa bạn bè, trong cung đình cũng như giữa chốn giang hồ. Đó là điều vua Khang Hy cảm nhận được, nên ông mới tha thứ cho những việc làm động trời của tên “Tiểu quế tử” Vi Tiểu Bảo. Tính tình hào hiệp trong tiền bạc và tấm lòng đầy nghĩa khí của Vi Tiểu Bảo đối với bạn bè đã giúp cho Vi Tiểu Bảo nổi bật lên giữa những cái xấu xa, và che khuất đi những chuyện lưu manh láu cá. Nhận ra được ưu điểm ấy ở Vi Tiểu Bảo, vua Khang Hy quả có “con mắt trong nghìn thu” khi đánh giá con người. Kiến lợi tư nghĩa: thấy điều lợi phải nghĩ đến điều nghĩa. Cái đạo lý đơn giản đó rất khó lòng thực hiện trong đời thường.
Thời Chiến quốc, công tử nước Ngụy là Ngụy Tề đắc tội với Phạm Thư là tể tướng nước Tần. Phạm Thư hạ lệnh cho vua Ngụy phải nộp đầu Ngụy Tề, nếu không sẽ đem quân làm cỏ thành Đại Lương. Ngụy Tề bèn bỏ trốn đến nước Triệu, nương náu nhà tướng quốc nước Triệu là Ngu Khanh. Vua Triệu vì sợ uy của nước Tần nên muốn bắt Ngụy Tề đem nộp, Ngu Khanh thấy không thể can ngăn vua được bèn cởi ấn tướng quốc, nửa đêm cùng Ngụy Tề trốn đi. Vất bỏ lợi danh vì bạn thiết. Một nhân cách sáng ngời nghĩa khí của người xưa, luôn được người đời sau ca ngợi. Khi vua Khang Hy “tương kế tựu kế” dồn tất cả quần hùng Thiên địa hội và Mộc vương phủ vào phủ Tử tước của Vi Tiểu Bảo để tận diệt bằng đại pháo, thì Vi Tiểu Bảo dám vất bỏ tất cả tài sản lẫn quyền lực, như vứt một đôi dép rách, để ban đêm cùng họ trốn đi. Vi Tiểu Bảo luôn bị xem là kẻ lưu manh vô lại nhưng thử hỏi tấm lòng vì đạo nghĩa giang hồ đó có khác gì nhân cách của một Ngu Khanh?
Ngụy Tề là tai họa cho Ngu Khanh, cũng như quần hùng Thiên địa hội và Mộc vương phủ là tai họa cho Vi Tiểu Bảo; nhưng cả Ngu Khanh và Vi Tiểu Bảo đều có chung một điểm là sẵn sàng hy sinh tất cả mọi vật ngoại thân quý báu để cứu những người bạn, dù biết rằng điều đó có thể đem tới cho mình họa sát thân. Nghĩa cử đối với thầy và bè bạn như thế đủ để cảm động lòng người trong muôn thuở. Trong đời, có biết bao kẻ trí thức chỉ vì hai chữ danh và lợi mà sẵn sàng hại bạn bè thân thiết đến thân bại danh liệt, dùng bè bạn làm bậc thang đi lên cái gọi là công danh, thử hỏi tư cách những kẻ đó có xứng đáng để xách dép cho y “oắt con lưu manh” Vi Tiểu Bảo hay không? Trong Lộc đỉnh ký, Kim Dung bỏ qua yếu tố “võ”, nhưng không quên yếu tố “hiệp”. Mà chính tố chất “hiệp” mới là cái làm cho khách giang hồ được là khách giang hồ!
Trận “chơi” quỷ khốc thần sầu đó đã khiến cho Vi Tiểu Bảo phải “mất sạch vốn liếng” và sống lưu lạc trên hoang đảo. Nhưng bù lại y có được tám người vợ đẹp. Lần cuối cùng, khi vua Khang Hy đồng ý tha cho về lại cung, thân làm đến bực công khanh, oai quyền tiền bạc trùm đời, vậy mà Vi Tiểu Bảo dám “chơi” tiếp một việc tày đình nữa là tìm cách “di hoa tiếp mộc”, đem đánh tráo Phùng Tích Phạm tại pháp trường để cứu tội phạm của triều đình là Mao Thập Bát, cũng chỉ vì đạo nghĩa giang hồ. Và biết rằng không thể che dấu mãi việc làm tày đình đó với Khang Hy, nên Vi Tiểu Bảo dựng nên hiện trường giả bị bọn cướp bắt đi, quyết tâm vất bỏ tất cả để đem vợ con trốn về Dương Châu, sống cuộc đời khoái lạc của một phú ông. Vi Tiểu Bảo vô hình trung lại học được tinh thần “công thành thân thoái” của Phạm Lãi : giúp Việt vương Câu Tiễn dựng nên nghiệp bá xong là đem người đẹp Tây Thi bỏ trốn khỏi triều đình, để làm một Chu Công giàu có và ngao du tứ hải. Vi Tiểu Bảo còn hơn thế nữa. Ung dung làm một phú ông ở Dương Châu với bảy cô vợ xinh đẹp đến mức phi tần nhà vua phải ghen tỵ, đó chẳng phải là điều thống khoái trên đời ư?
Công và tội của Vi Tiểu Bảo đối với Khang Hy cũng được Vi Tiểu Bảo đánh giá sòng phẳng như một canh bạc. Khi thấy vua Khang Hy biết mình là “Vi hương chủ” của Thiên địa hội, Vi Tiểu Bảo phải một phen kinh hãi, nhưng cũng đề nghị vua “đánh bài ngữa” để vua cân nhắc thiệt hơn. Khi xét thấy công lẫn tội của Vi Tiểu Bảo đối với triều đình là ngang nhau, “canh bạc” đó xem như hòa, nên vua tôi đều đồng ý “xóa bàn làm lại”!
Trong Vi Tiểu Bảo tôi lại thấy có thấp thoáng một chút hình ảnh của Lệnh Hồ Xung. Vi Tiểu Bảo và Lệnh Hồ Xung có nhiều điểm rất gần nhau, nhưng theo tỷ lệ đảo ngược nhau. Nếu Lệnh Hồ Xung có tám phần nghĩa khí và hai phần giảo họat thì Vi Tiểu Bảo có tám phần giảo hoạt và hai phần nghĩa khí. Điểm giống nhau giữa hai nhân vật này là rất tôn trọng tình nghĩa bè bạn giang hồ. Lệnh Hồ Xung mê rượu như Vi Tiểu Bảo mê đánh bạc. Để thoát hiểm trong những lúc cận kề cái chết thì Lệnh Hồ Xung tám phần nhờ vào võ công, hai phần nhờ vào cái miệng, còn Vi Tiểu Bảo tám phần nhờ vào cái miệng, hai phần nhờ vào võ công. Vi Tiểu Bảo luôn dùng cái miệng giảo hoạt bịa ra đủ thứ trên đời để tìm cách thoát nạn. Lúc Lệnh Hồ Xung toàn thân bất lực trong kỹ viện thành Hành Sơn, trong khi Khúc Phi Yến và Nghi Lâm run rẩy nấp trong chăn, nếu không nhờ cái mồm láu cá giảo quyệt thì chắc gì đã lừa được Dư Thương Hải? Lúc Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh bị trói gô lại trên gác chùa Hằng Sơn, và đám Du Tấn, Cửu Tùng Niên toan giết họ để bịt miệng thì chàng ta vờ hô khẩu quyết của Tịch tà kiếm pháp để lừa giết được đám người kia và thoát nạn. Đem “hàng giả” để đổi lấy mạng sống thực, việc cơ biến ấy của Lệnh Hồ Xung có khác gì Vi Tiểu Bảo?
Thói lưu manh cờ bạc trong một tâm hồn biết xem trọng đạo nghĩa, đó là “tấm giấy thông hành” giúp Vi Tiểu Bảo đi thông suốt mọi nẻo đường đời. Từ chỗ nhơ bẩn nhất là kỹ viện cho đến chỗ tôn nghiêm nhất là cung đình. Những người đàn bà mà Vi Tiểu Bảo gặp đều là những “cuộc chơi nguy hiểm”, nhưng y vẫn liều lĩnh nhập cuộc bằng tất cả sự đam mê. “Một trà một rượu một đàn bà, Ba cái lăng nhăng nó quấy ta, Chừa được cái nào hay cái ấy, Có chăng chừa rượu với chừa trà!” (Tú Xương). Vi Tiểu Bảo cũng chỉ có thể vứt bỏ các thứ “trà rượu” của lợi danh, nhưng không thể vứt bỏ đàn bà. Riêng điểm này, Vi Tiểu Bảo còn “chơi ngon” hơn cả Mộ Dung Phục, và “đứng đắn” hơn cả Điền Bá Quang. Trong đời có bao nhiêu người “đàn ông đích thực” dám đem sinh mạng ra đánh “cạn láng” với những “cuộc chơi nguy hiểm” đó, trong canh bạc đời, như Vi Tiểu Bảo?
MỘ DUNG PHỤC: CON RỒNG CHƯA ĐIỂM NHÃN
Người chưa tới mà huyền thoại đã tới trước, thân chưa xuất hiện mà danh đã làm chấn động giang hồ, tưởng không có ai bằng được Mộ Dung Phục. “Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung” là câu truyền tụng trong giới võ lâm. Kiều Phong ở phương Bắc, Cô Tô Mộ Dung ở phương Nam trở thành biểu tượng võ công và hào khí cho tất cả hào sĩ giang hồ. Kể ra Kim Dung đã dày công xây dựng bối cảnh xuất hiện của Mộ Dung Phục, theo thủ pháp mà La Quán Trung đã bài trí cho sự xuất hiện của Khổng Minh trong Tam quốc chí. Trước khi Khổng Minh xuất hiện, người đọc phải cùng Lưu Bị gặp những người bạn hoặc người thân của Khổng Minh, để qua đó dần dần hình dung ra con người Khổng Minh. Những nhân vật như Từ Thứ, Thủy Kính tiên, Thôi Châu Bình, Gia Cát Quân … đều là những bậc thềm giúp người đọc tuần tự bước lên những tầng cao hơn nữa để đối diện với chân dung của vị quân sư tương lai nhà Hậu Hán.
Mộ Dung Phục cũng thế. Sự xuất hiện của Mộ Dung Phục còn hấp dẫn và lôi cuốn hơn cả sự xuất hiện của Lệnh Hồ Xung trong Tiếu ngạo giang hồ. Nếu trước khi xuất hiện, Lệnh Hồ Xung chỉ có mặt trong những câu chuyện kể, qua lời các sư đệ đồng môn và cô tiểu ni Nghi Lâm xinh đẹp, thì sự hiện diện thấp thoáng trong những lời đồn đại, trong những giai thoại được truyền tụng khắp võ lâm đã khiến Mộ Dung Phục giống như con thần long chỉ thấy đầu mà không thấy đuôi. Thủ pháp “gậy ông đập lưng ông” (dĩ bỉ chi đạo hoàn thi bỉ thân 已 彼 之 道 還 施 彼) đã gieo hoang mang khắp giang hồ. Thoạt đầu, nhà sư Tuệ Chân vượt đường xa vạn dặm đến nước Đại Lý để báo tin Huyền Bi đại sư, trên đường từ Thiếu Lâm đến Đại Lý, bị đánh chết tại chùa Thân Giới vì chính tuyệt kỹ Đại Vi Đà Chử của mình. Rồi Hoàng My đại sư kể lại câu chuyện bản thân mình hồi trai trẻ bị một cậu bé đánh bại cũng bởi chính tuyệt kỹ Kim cương chỉ của mình. Kế đó, Kim toán bàn Thôi BáchTuyền kể chuyện mình bị một cặp nam nữ trung nỉên dùng con toán đánh ngay vào những huyệt đạo trong cơ thể, khiến tay cao thủ của phái Phục Ngưu này phải mai danh ẩn tích, đổi tên là Hoắc tiên sinh làm kẻ hầu hạ chuyên lo chuyện tạp dịch trong cung điện Đại Lý, nhằm tránh hoạ sát thân. Lạc thị tam hùng đất Hà Bắc chuyên dùng phi trùy thì chết về phi trùy. Chương Hư đạo nhân thường thi hành thủ đoạn chặt chân tay của địch nhân để hành hạ, thì cuối cùng lại chết vì chính thủ đoạn trên. Những cái chết bí ẩn của các tay cao thủ bởi chính tuyệt kỹ của mình đã phủ trùm lên võ lâm một bầu không khí khủng bố, và dòng họ Mộ Dung được thêu dệt như những nhân vật thần thông quảng đại vì thấu triệt được tất cả những tuyệt học trong thiên hạ.
Ngay cả nhân vật lỗi lạc nhất Thiên Long Bát Bộ là Tiêu Phong cũng xuất hiện trước Mộ Dung Phục. Tại rừng trúc, nơi đông đảo quần hùng tụ hội để quyết định số phận của Tiêu Phong, thì Mộ Dung Phục cũng chỉ xuất hiện qua những người liên quan như Vương Ngữ Yên, Bao Bất Đồng, tỳ nữ A Châu và qua lời kể của Tiêu Phong về Phong Bá Ác. Dung nhan tuyệt tục của Vương Ngữ Yên, võ công của Bao Bất Đồng, phong cách của Phong Bá Ác, trí tuệ của A Châu đều là những chất liệu nền để làm sáng thêm vầng hào quang của Mộ Dung Phục, khiến bạn đọc lại càng thêm náo nức đón chờ con người tài hoa tuấn nhã của vùng sông nước Giang Nam.
Họ Mộ Dung ở Cô Tô thuộc dòng dõi nước Đại Yên. Đến đời Tống thì nước Đại Yên không còn nữa. Và giấc mơ phục quốc đã trở thành một nỗi ám ảnh của hậu duệ đời sau. Mộ Dung Bác đặt tên con là Phục, với ý đồ muốn con mình sẽ phục quốc xưng vương, khôi phục lại cơ nghiệp tổ tông. Ông muốn khuấy động can qua giữa hai nước Trung Quốc và Khiết Đan để Đại Yên thừa cơ quật khởi. Chỉ vì tham vọng chính trị đó mà Mộ Dung Bác đã dựng lên vụ huyết án tại Nhạn môn quan, đẩy cặp phu phụ Tiêu Viễn Sơn vào chỗ chết và khởi đầu cho cuộc đời đầy bi kịch của Tiêu Phong. Ngay từ bé, Mộ Dung Phục đã phải mang nặng trách nhiệm khôi phục nước Đại Yên. Một cậu bé phong tư ngọc lập, cốt cách thanh kỳ nhưng không có được tuổi thơ, mà phải gánh cây thập tự quá nặng nề trên vai vì những ảo vọng của cha ông, quả là điều đáng ân hận trong nhân gian. Để rồi đến khi lớn lên, y lại bị hút vào vòng xoáy của cơn lốc phục quốc mà không cách nào thoát ra được. Sứ mệnh chính trị nặng nề đã khiến y phải ngoảnh mặt đi trước tình yêu của Vương Ngữ Yên. Trong trái tim của y, giấc mộng đế vương đã choán sạch chỗ, nên tình yêu không còn chỗ đứng. Trong cuộc xung đột giữa “tư tình” và “đại nghiệp”, chiến thắng nghiêng hẵn về hai chữ “đại nghiệp”. Bạn đọc có thể thầm tiếc và thầm trách vì sao Mộ Dung Phục lại hững hờ vô tâm với người con gái dung nhan tuyệt tục như Vương Ngữ Yên, nhưng dù sao đó cũng là phong cách thường tình của những người muốn dựng nên nghiệp bá ở phương Đông. Người phương Đông thường cho rằng người đàn bà đẹp luôn luôn là chướng ngại cho khách anh hùng trên đường dựng nên nghiệp lớn. “Nhi nữ tình trường, anh hùng khí đoản”. Tình cảm quyến luyến của người con gái dễ làm chí khí anh hùng sút giảm. Vừa là một vị vua đa tình lại vừa là một thiên tài quân sự thì cổ kim họa chăng chỉ có Napoléon, và trong văn học họa chăng chỉ có Từ Hải! Đó là những người mà “khí” không những không bị “đoản” bởi “tình trường” của nhi nữ, mà còn xem “tình trường” đó là chất men kích thích để dựng nên đại nghiệp. Điều hòa được “hồng nhan” và “đại nghiệp”, dung hợp được “thiên hạ” với “mỹ nhân”, đó mới đích thực là bản sắc tài hoa của kẻ anh hùng. Nếu Napoléon có thể viết thư tình giữa chiến trường máu lửa, thì người anh hùng đất Việt Đông dù cùng Thúy Kiều “nửa năm hương lửa đang nồng”, vẫn có thể “trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương”, để rồi ra đi xây dựng một cơ đồ “triều đình riêng một góc trời” đáp tạ lòng tri kỷ.
Kim Dung đã dày công tô vẽ nên hình ảnh một con rồng võ lâm Cô Tô Mộ Dung Phục nhưng lại không “điểm nhãn” để con rồng ấy bay lên cõi trời cao, mà để nó từng bước, như con giun đất, lún sâu vào vũng bùn của ảo vọng hão huyền. Hình ảnh thiểu não của Mộ Dung Phục xuôi Bắc ngược Nam, lao tâm khổ tứ, dùng mọi thủ đoạn để mưu đồ phục quốc ngẫm cũng đáng thương. Người đọc càng hồi hộp chờ đợi nhân vật Mộ Dung Phục xuất hiện bao nhiêu thì càng thất vọng bấy nhiêu trước những hành động của y. Đầu tiên y gia nhập đám các động chủ, đảo chủ trong Vạn tiên đại hội để cùng tấn công lên đỉnh Linh Thứu, và không ngần ngại giết hại bao nữ thuộc hạ của cung Linh Thứu chỉ nhằm mục đích muốn tạo được mối quan hệ với đám quần hùng ô hợp đó nhằm mưu đồ lợi dụng về sau. Khi vị tân chủ nhân của Linh Thứu cung là Hư Trúc xuất hiện, y liệu chừng tình thế không thuận lợi cho mưu đồ của mình nên phải bỏ đi. Đó là bước mở đầu cho sự sa đọa Mộ Dung Phục, về phong độ lẫn lương tri.
Tại chùa Thiếu lâm, khi thấy Tiêu Phong bị quần hùng vây hãm, nhưng chưa ai dám khiêu chiến thì y lại nhảy ra phối hợp với Du Thản Chi và Đinh Xuân Thu để cùng đối phó với Tiêu Phong. Dù biết rõ Du Thản Chi và Đinh Xuân Thu tuy võ công cao cường nhưng nhân cách bị tất vả quần hùng khinh bỉ, và Đinh Xuân Thu đã từng giao chiến với mình, nhưng y vẫn làm điều đó cũng chỉ vì một mục đích duy nhất là lấy lòng quần hùng. Khi bị Đoàn Dự dùng Lục mạch thần kiếm đánh cho tơi tả, và chỉ thoát chết nhờ lời cầu xin của Vương Ngữ Yên, thì y lại dùng thủ đoạn đánh lén Đoàn Dự! Hình ảnh Mộ Dung Phục thảm hại với đầu tóc xổ tung, bị Tiêu Phong ném lăn long lóc trên mặt đất đã đặt dấu gạch chéo lên hình ảnh của “con rồng Cô Tô” trong lòng người đọc.
Từ đó, bắt đầu cho một chuỗi việc làm thương luân bại lý của Mộ Dung Phục. Khi thấy không thể liên kết được với người của võ lâm để phục quốc thì y lại nghĩ đến việc lợi dụng sức mạnh quân sự của triều đình. Trên đường sang Tây Hạ cầu hôn, y lừa bắt Đoàn Dự ném xuống giếng vì muốn loại bỏ bớt một đối thủ. Y lại làm ngơ khi Vương Ngữ Yên lao mình xuống giếng trong cơn tuyệt vọng, vì y đã quyết tâm đặt đại nghiệp lên trên tư tình. Y không hiểu rằng một trái tim không còn biết yêu thương sẽ biến thành ngôi nhà lý tưởng cho quỷ dữ. Rồi ước vọng trở thành phò mã Tây Hạ cũng không thành. Mộ Dung Phục bắt đầu cơn khốn quẫn.
Khi thời gian càng trôi đi, nghĩa là cái mục tiêu phục quốc trở nên ngày càng xa hơn, thì ta thấy Mộ Dung Phục càng thêm hoảng loạn. Con rồng đáng thương ấy ngày càng quay cuồng một cách tuyệt vọng trong cơn lốc của giấc mơ đại nghiệp. Mộ Dung Bác là kẻ thâm mưu viễn lự, nhưng cái hào quang quá khứ của ông cha đã khiến ông trở nên mê muội, cho nên dù nước Yên là một nước quá bé, ông vẫn cứ mãi mê lao theo con đường phục quốc. Rồi ông lại đặt sứ mệnh tranh giành thiên hạ lên vai con. Mộ Dung Phục, vì áp lực nặng nề của quá khứ và vì giấc mộng làm vua, đã dần dần biến thành nạn nhân trong tham vọng chính trị mù quáng của tổ tiên, mà kết cục thảm bại đã bày ra trước mắt. Ai cũng hiểu được điều đó trừ cha con họ Mộ Dung. Kẻ có tài năng nhưng cuồng vọng tự mãn và mê muội bởi quyền lực, một khi đã quyết tâm thực hiện điều gì thì vào những phút cuối cùng họ sẽ không ngần ngại dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích, nhất là lúc linh cảm được “quỹ thời gian“ đang từng lúc cạn dần. Cho nên, dù Mộ Dung Bác đã bừng tỉnh cơn mê “trục lộc” để quy y cửa Phật, nhưng “lực quán tính” của giấc mộng đế vương vẫn cứ kéo Mộ Dung Phục tiếp tục trượt dài trên con đường sa đọa.
Giây phút hoảng loạn nhất của Mộ Dung Phục là lúc y dùng áp lực để cầu xin Đoàn Diên Khánh nhận y làm nghĩa tử. Y giết tất cả các nhân tình của Đoàn Chính Thuần để gây áp lực, buộc vị vương tử đa tình này nhường ngôi nước Đại Lý đã là việc làm bại hoại và quá ư tàn nhẫn, nhưng chỗ sa đọa cùng cực của Mộ Dung Phục về nhân cách, đạo đức lẫn suy tư là hành động giết Bao Bất Đồng, một thuộc hạ suốt đời tận tụy trung thành với dòng họ Mộ Dung. Một đại ma đầu ban lĩnh như Đoàn Diên Khánh làm gì không nhận ra dã tâm của Mộ Dung Phục, cần gì Bao Bất Đồng phải nói ra những điều bất hiếu, bất trung bất nghĩa của y? Cầu xin ân huệ bằng áp lực, trong khi điều cầu xin là quan hệ thiêng liêng giữa cha con, quả là điều quá buồn cười, nếu không nói là ngu xuẩn. Mộ Dung Phục vẫn làm điều đó không phải vì y bất trí mà chỉ vì cuồng quẫn trong giấc mộng đế vương, khi thấy mọi nỗ lực đều thất bại.
“Lòng trần còn tơ vương khanh tướng, thì đường đời mưa bay gió cuốn còn nhiều …”. (Chiều mưa biên giới- Nguyễn Văn Đông). Khi viết đến những dòng này, tôi chợt nhớ đến những lời ca đó. Nếu để Mộ Dung Phục chịu đựng bao cảnh ma chiết của “đường đời mưa bay gió cuốn” và chết đi trong giấc mơ phục quốc, thì dù sao cái “Lòng trần còn tơ vương khanh tướng” đó cũng còn có điểm đáng cảm thông; đằng này Kim Dung lại tàn nhẫn để y biến thành “hoàng đế” sống hoang tưởng trong cơn mộng đế vương hư ảo với y phục của phường tuồng, quần thần là đám trẻ con chạy theo xin bánh kẹo, còn “triều đình” thì được dựng lên nơi nghĩa địa. Đó là tất cả những gì còn lại của “con rồng võ lâm” do Kim Dung sáng tạo ra nhưng lại không “điểm nhãn”!
LAI RAI CHÉN RƯỢU GIANG HỒ-HUỲNH NGỌC CHIẾN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét