Chuyện tướng Dạ Xoa * |
Kẻ kỳ sĩ ở hạt Quốc Oai, họ Văn tên là Dĩ Thành (1) tính tình hào hiệp, không chịu để ma quỷ mê hoặc. Phàm những hoa yêu nguyệt quái, và dâm thần lệ quỷ không được liệt vào tự điển, chàng đều coi thường không sợ hãi gì. Cuối đời Trùng Quang nhà Trần, (2) người chết chóc nhiều, những oan hồn không chỗ tựa nương, thường họp lại thành từng đàn lũ, hoặc gõ cửa hàng cơm để kiếm miếng ăn, hoặc đón cô gái chơi để kết duyên tạm, ai va chạm thì bệnh nguy khốn, ai cầu cúng thì thấy hết phép hay, hoành hành ở đồng nội không biết kiêng sợ gì cả. Dĩ Thành nhân lúc say rượu, cưỡi ngựa đi đến, bọn ma quỷ sợ hãi, đều tan chạy cả. Chàng kịp gọi bảo rằng:
- Các ngươi đều là những kẻ tráng sĩ, không may mắc nạn. Ta nay đến thăm, muốn đem điều lợi hại nói chuyện, xin đừng lảng tránh như vậy.
Ma quỷ lại dần dần họp lại, mời chàng lên ngồi phía trên. Dĩ Thành hiểu bảo rằng:
- Lũ người cứ thích làm cho người ta phải tai nạn, làm cho người ta phải chết chóc, chẳng hay cốt để làm gì?
Chúng nói:
- Chúng tôi muốn để thêm quân.
Dĩ Thành nói:
- Các người muốn cho thêm quân nhưng tổn hại người sống thì sao! Quân thêm thì ăn uống phải thiếu, người bớt thì cung cấp phải thưa, lợi gì cho các người mà cứ thích làm như vậy? Lòng dục thả ra thì khe ngòi không đủ lấp, thói ác giở ra thì hùm sói chưa là dữ. Hễ lợi mình được, dù tấm áo mảnh giấy cũng không từ, hễ no lòng được, dù ống giập chậu vỡ cũng không thẹn. Hì hục đi tìm chai lọ, hăm hở đi kiếm cháo cơm. Gieo tai rắc vạ, trộm quyền của Hóa công, kêu nóc dòm buồng, rối lòng của dân chúng. Lũ người lấy thế làm thích nhưng mà ta lấy thế làm thẹn. Huống chi trời dùng đức chứ không dùng uy, người ưa sinh chứ không ưa giết. Vậy mà lũ người tự làm họa phúc, quá thả kiêu dâm. Thượng đế không dong, hình phạt tất đến, lũ người định trốn đi đàng nào để khỏi tru lục.
Chúng quỷ bùi ngùi nói:
- Đó là chúng tôi bất đắc dĩ chứ không phải là muốn như thế. Sống chẳng gặp thời, chết không phải số. Đói không có thứ gì cấp dưỡng, lui không có chốn nào tựa nương. Trong gò xương trắng, rầu rĩ cỏ rêu, trên đống cát vàng, lạnh lùng sương gió. Bởi vậy không khỏi rủ rê bè bạn, xoay xở miếng ăn. Phương chi vận sắp đến lúc đổi thay, nhà người sẽ đến cơ tan tác. Bởi vậy minh ty không cấm đoán, lũ tôi đã có lời xin. E rằng sang năm lại còn tệ hơn năm nay nữa.
Rồi đó nhà bếp dọn cỗ lên, mâm bàn la liệt. Hỏi đến nguồn gốc thì thịt là con trâu bắt ở thôn nọ, rượu là thúng bỗng lấy ở làng kia. Sinh ăn uống rất lanh, như mưa như gió. Chúng quỷ mừng rỡ bảo nhau rằng:
- Thật đúng là chủ soái của ta.
Rồi chúng nói với Sinh:
- Chúng tôi là một đám ô hợp mỗi người đều tự hùng trưởng, đã không có người đứng thống xuất, thế tất không thể lâu bền. Nay Sứ quân rủ lòng yêu mà đến đây, đó là trời đem Sứ quân cho lũ chúng tôi đấy.
Dĩ Thành nói:
- Ta văn võ kiêm toàn, dù hèn cũng làm tướng được. Những u minh cách trở, còn bà mẹ già thì sao?
Chúng quỷ nói:
- Không, chỉ xin Sứ quân giữ sự uy nghiêm, ban cho hiệu lệnh. Chúng tôi ban ngày thì chia khu ở tản, đến đêm thì sai viên bẩm trình. Không dám phiền ngài phải trở về chín suối.
Dĩ Thành nói:
- Nếu bất đắc dĩ dùng đến ta, ta có sáu điều làm việc, các người phải thề mà tuân theo mới được.
Chúng đều vâng dạ, nhân xin đến đêm thứ ba tới chỗ đó lập đàn. Đến kỳ, chúng quỷ đều lại họp. Có một tên quỷ già đến sau, Sinh sai đem chém, ai nấy đều run sợ. Sinh bèn ra lệnh rằng:
- Các ngươi không được coi khinh mệnh lệnh, không được quen thói dâm ô, không quấy quắc để làm hại mạng của dân, không cướp bóc và phải cứu nạn cho dân, ban ngày không được giả hình, ban đêm không được kết đảng. Nghe mệnh ta thì ta làm tướng các ngươi, trái lệnh ta thì ta trị tội các ngươi. Nghe rõ lời ta, đừng để hậu hối.
Đó rồi bèn chia bọn chúng ra từng bộ, từng tốt bảo phàm có điều gì hay dở, phải đến bẩm trình.
Như vậy được hơn một tháng, một hôm đương lúc ngồi nhàn, Dĩ Thành thấy một người tự xưng là sứ giả của Minh ty, đến xin mời chàng đi. Dĩ Thành toan lảng tránh, thì người ấy nói:
- Đó là mệnh lệnh của đức Diêm vương. Vì ngài thấy ông là người cương nghị, định đem phẩm trật tặng cho, chứ không làm gì phiền ông đâu, đừng nên từ chối. Có điều là xin để cho ông được rộng kỳ hạn, ông sẽ tự đến, tôi đợi ông ở dọc đường.
Nói xong không thấy đâu nữa. Sinh đòi chúng quỷ lại để hỏi, chúng đều nói:
- Bẩm, quả có việc ấy thật, chúng tôi chưa kịp thưa với Sứ quân. Nhân hôm nọ Diêm vương thấy buổi đời gặp lúc không yên, có đặt ra bốn bộ Dạ Xoa, mỗi bộ cử một viên tướng, giao cho cái quyền hành sát phạt, ủy cho những tính mệnh sinh linh, trách nhiệm lớn lao, không như mọi quan chức khác. Sứ quân oai vọng lẫy lừng, ngài đã biết tiếng, lại nhân chúng tôi hết sức tiến cử, nên ngài định cử Sứ quân vào chức lớn ấy.
Dĩ Thành nói:
- Như lời các ngươi nói thì đó là cái phúc hay là cái họa cho ta?
- Dưới Diêm La tuyển người không khác gì tuyển Phật, không thể đút lót mà được hay cầu may mà nên. Giữ mình cương chính, tuy hèn mọn cũng được cất lên, ở nết gian tà, tuy hiển vinh cũng không kể đến. Cái nhiệm vụ huấn luyện quản đốc, chẳng thuộc về Sứ quân thì còn về ai. Nếu Sứ quân còn ham luyến vợ con, dùng dằng ngày tháng, thì chức ăn sẽ lọt về tay người khác, chúng tôi cũng sẽ phải buồn rầu.
Dĩ Thành tắc lưỡi nói:
- Chết tuy đáng ghét, danh cũng khôn mua. Phương chi ngọn bút vì nhọn mà chóng cùn, cây thông vì cành mà bị đẵn, chim trĩ không vì lông đẹp, can chi rước vạ, con voi không vì ngà trắng, đâu phải đốt mình, chim hồng, chim nhạn bị giết há bởi không kêu, cây hu cây lịch sống lâu chỉ vì vô dụng, Tu văn dưới đất Nhan Hồi tuổi mới ba mươi hai (3). Viết ký lầu trời, Trương Cát trạc chừng hai mươi bảy (4), trượng phu sinh ở đời, không làm nên được lưng đeo vàng, chân bước ngọc, thì cũng phải sao cho lưu danh muôn thuở, tội gì cứ cúi đầu ở trong cõi đời vẩn đục, so kè cái tuổi sống lâu với chết non làm gì!
Bèn trang xếp việc nhà rồi chết.
Bấy giờ có người làng là Lê Ngộ, cùng Dĩ Thành vốn chỗ chơi thân, phiêu bạt ở vùng Quế Dương (5), ngụ trong một nhà trọ. Một hôm chừng quá canh một, Lê Ngộ thấy một người cưỡi ngựa thanh song, kẻ hầu đầy tớ rộn rịp, đến xin vào yết kiến. Chủ trọ vén mành ra đón. Lê Ngộ rất lấy làm lạ là tiếng nói của khách giống tiếng Dĩ Thành, nhưng trông mặt thì hơi giống Lê Ngộ toan ra cửa để tránh thì khách nói:
- Cố nhân biết ông, ông lại không biết cố nhân là làm sao?
Nhân kể quê quán họ tên và nói mình đã lĩnh chức quan to ở dưới âm phủ, vì có tình cũ với Lê Ngộ nên tìm đến thăm.
Bèn cởi chiếc áo cừu, cố cho nhà hàng lấy rượu để uống làm vui. Rượu uống mấy tuần, Lê nhân đó nói:
- Tôi xưa nay ở đời, vẫn để ý tu lấy âm công, không mưu sự ích lợi riêng mình, không gieo sự nguy bách cho mọi người, dạy học thì tùy tài dụ dịch, tự học thì cực lực dùi mài, không ước sự vẩn vơ, không làm điều quá đáng. Vậy mà sao lại phải bốn phương kiếm miếng, chiếc bóng nhờ người, con khóc lóc đói lòng, vợ than rét cật, về thì thiếu túp lều chắn gió, đi thì không chiếc nón che mưa, hết đông rồi tây, long đong chạy mãi. Thế mà bè bạn thì nhiều người đi làm quan cả, so bề tài nghệ cũng chỉ như nhau mà thân danh khác xa nhau lắm; kẻ sướng người khổ như thế là cớ làm sao?
Dĩ Thành nói:
- Phú quý không thể cầu, nghèo cùng do tự số cho nên núi đồng mà chết đói họ Đặng (6), thằng Xe mà làm khố chàng Chu (7); có duyên gió thổi núi Mã Đương (8), không phận sét đánh bia Tiến Phúc (9). Nếu không như vậy thì đức hạnh như Nhan như Mẫn (10), hẳn là lên đến mây xanh, từ chương như Lạc như Lư (11) sao lại chỉ là chân trắng. Bởi cái gì không làm mà nên là do trời, không vời mà đến là do mệnh. Cái đáng quý ở kẻ sĩ chỉ là nghèo mà không xiểm nịnh, cùng mà vẫn vững bền, làm việc theo địa vị của mình và thuận với cảnh ngộ mà thôi, còn sự cùng thông sắc nhụt thì ta có thể làm gì cưỡng với chúng nó được.
- Rượu đã uống cạn, lại khêu đèn cùng nhau trò chuyện, kéo dài mãi vẫn không biết chán. Ngày hôm sau trong lúc tương biệt, Dĩ Thành đuổi hết mọi người ra rồi nói:
- Tôi mới vâng lệnh của Thượng đế, kiêm coi cả bọn quân ôn dịch, chia đi làm việc ở các quận huyện, lại thêm những nạn đói khát, binh cách, số dân sinh sẽ phải điêu hao, mười phần chỉ còn được bốn năm. Người nào nếu không phải nguồn phúc sâu xa, e sẽ đến ngọc đá đều nát chung cả. Nhà bác phúc mỏng, tựa như không thể tránh khỏi được, nên sớm về quê quán, đừng lần nữa mãi ở đất khách quê người.
Lê nói:
- Tôi tưởng rất có thể trông nhờ ở bác che chở cho chứ?
Dĩ Thành nói:
- Không phải trong địa hạt của tôi, tôi không có thể vượt qua được. Trường Giang (12) trở về phía bắc do tôi chủ trương, còn Trường Giang (12) trở về phía tây, do viên tướng họ Đinh trông coi. Nhưng tôi quản lĩnh quân áo đen, chúng nó còn có từ tâm, chứ họ Đinh quản lĩnh quân áo trắng, phần nhiều là những tên ác quỷ, bác không nên không lo liệu trước.
Lê hỏi:
- Vậy thì làm thế nào?
Dĩ Thành nói:
- Mỗi một soái bộ đêm sai hàng hơn một nghìn tên quân, chia đi làm ôn dịch các nơi. Bác nên sắm nhiều cỗ bàn bày sẵn ở sân. Bọn chúng từ xa đến tất là đói khát, thấy cỗ liền ăn mà không suy nghĩ gì. Bác núp ở một chỗ tối, đợi khi thấy ăn uống gần xong, bấy giờ mới ra sụp lạy, nhưng cũng đừng kêu nài gì cả. Như thế họa may có cứu vãn được phần nào chăng.
Đoạn rồi ứa nước mắt cùng nhau từ biệt.
Lê Ngộ về quê nhà, thì bệnh dịch đương nổi rất dữ, vợ con đều mắc rất nặng, hầu không thể nhận được nhau nữa. Bèn theo lời Dĩ Thành, đêm hôm ấy làm cỗ rất hậu bầy ra sân. Quả thấy có đám đông quỷ sứ từ trên không bay đến nhìn nhau mà nói:
- Chúng ta đều đói cả, sẵn cỗ đây không ăn thì còn đi đâu. Chả lẽ vì uống mấy chén rượu mà đã đến phải tội được.
Chúng bèn cùng quây lại đánh chén. Một người mặc áo tía chễm chệ ngồi chính giữa, còn những người khác đều đứng chầu chung quanh, kẻ cầm dao búa, người cầm sổ sách. Thấy họ ăn uống gần xong, Lê Ngộ ra lạy mãi, lạy mãi. Người áo tía nói:
- Ta đương đánh chén, gã kia đến đây làm gì?
Chúng quỷ nói:
- Chắc là người chủ bày những mâm cỗ này, nhà hắn có người ốm nặng, kêu xin châm chước.
Người áo tía tức giận, cầm quyển sổ ném xuống đất mà nói:
- Lẽ đâu vì cho mâm cỗ sơ sài mà đánh đổi được năm mạng người hay sao!
Chúng quỷ nói:
- Nhưng đã ăn của nhà nó, chả lẽ nỡ làm ngơ không cứu. Thôi thì dù có vì cứu nó mà phải tội, dẫu chết ta cũng bằng lòng.
Người áo tía ngẫm nghĩ một lúc lâu, bèn lấy bút son xóa bỏ hơn mười chữ rồi đi. Sau vài ngày, nhà họ Lê ai nấy đều khỏi cả. Lê cảm ân đức của Dĩ Thành, bèn lập miếu ở nhà để thờ. Người làng đến khấn vái kêu cầu cũng thường ứng nghiệm.
Lời bình:
Than ôi! Bè bạn là một ở trong năm đạo thường, có thể coi khinh ư? Câu chuyện quỷ Dạ Xoa này, thật có hay không, không cần phải biện luận cho lắm. Chỉ có một điều đáng nói là sự giao du của Dĩ Thành, khi đã coi ai làm người bạn chân chính thì sống chết không đổi thay, hoạn nạn cùng cứu gỡ. Đời những kẻ kết bạn ở chung quanh mâm rượu, gan dạ đảo điên, hễ lâm đến sự lợi hại thì lờ đi như không biết nhau, nghe chuyện này há chẳng chạnh lòng hổ thẹn sao!
Chú thích
(1) Quốc Oai: nay thuộc tỉnh Hà Tây, Hiện ở làng gối huyện Đan Phượng còn có đền thờ Văn Dĩ Thành.
(2) Trần Trùng Quang tên là Quý Khoáng, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống quân Minh từ 1409-1413, cuộc khởi nghĩa bị dập tắt, Trùng Quang bị bắt và bị giết. Cũng như Trần Giản Định ông được quốc sử coi là nhà Hậu Trần.
(3) Nhan Hồi là học trò Khổng Tử, được coi là bậc đại hiền, khi mất mới 32 tuổi. Đời Tấn, Tô Thiều đã chết lại hồi, người em là Tiết hỏi chuyện; Thiều nói thấy hai ông Nhan Hồi và Bốc Thương làm chức Tu văn lang ở dưới đất.
(4) Theo nguyên chú, Lý Hạ tự là Trương Cát làm văn rất lanh, đặt bút là thành. Một hôm thấy một người cầm một cái thẻ chữ viết như lối chữ triện cổ, đến bảo Thượng đế mới làm xong cái lầu Bạch Ngọc, vời thầy lên làm cho bài ký. Không bao lâu thì Hạ chết. Từ đấy khi nói về văn nhân mất sớm, người ta thường nói là "ngọc lâu phó triệu".
(5) Quế Dương: nay thuộc tỉnh Bắc Ninh.
(6) Theo nguyên chú vua Hán Văn Đế yêu quý người bầy tôi là Đăng Thông, thấy thầy tướng bảo Thông sẽ phải chết đói, bèn cho cả núi đồng ở đất Thục, cho được phép đúc tiền mà tiêu, sẽ không còn lo chết đói nữa. Nhưng sau Văn đế mất, Cảnh Đế lên làm vua, ghét Thông, tịch thu cả gia sản. Thông phải đi ở nhờ và quả nhiên chết đói.
(7) Theo nguyên chú, Chu Thù nhà nghèo, chiêm bao thấy Thượng đế thương mình. Ngài hỏi vị thần tư mệnh: Nó có giàu được không? Tư mệnh nói: Số nó nghèo lắm. Nhưng hiện có số tiền của thằng Xe, có thể cho nó mượn được, rồi đến kỳ thằng Xe nó sinh, thì lại phải trả. Sau Chu khá giàu: đúng đến kỳ hạn, Chu xe tiền của chạy đi trốn. Buổi tối Chu dừng xe nghỉ ở dọc đường, gặp một người đàn bà chửa xin tạm nằm nhờ ở dưới xe. Đêm ấy người đàn bà đẻ đứa con trai; vì nghĩ nó đẻ ở dưới xe, bèn đặt tên là thằng Xe. Từ đấy Chu làm gì cũng thất bại, lại thành nghèo kiết.
(8) Vương Bột đời Đường theo cha đi làm quan, đậu thuyền ở dưới núi Mã Đương, mộng thấy vua Thủy phủ giúp cho một trận gió. Hôm sau quả nhiên có gió thuận, thuyền đến Nam Xương, làm bài Tựa Đằng vương các.
(9) Phạm Trọng Yêm đời Tống khi làm trấn thủ Nhiêu Chân, có người học trò vào yết kiến, nói tình cảnh đói rét nghèo khổ. Bấy giờ người ta đương mộ lối chữ đẹp của Âu Dương Suất Canh viết khắc ở tấm bia chùa Tiến Phúc. Ông Phạm bèn mua giấy mực định cấp cho người học trò ấy đến chùa rập lấy nghìn bản rồi đến kinh mà bán lấy tiền. Người học trò chưa kịp đến rập, bỗng một hôm mưa gió, tấm bia bị sét đánh vỡ mất. Vì vậy có câu thơ: Thời lai phong tống Đằng vương các, Vận khứ lôi oanh Tiến Phúc bi (Gặp thời gió đẩy tới Gác Đằng vương; Vận rủi sét đánh tan bia Tiến Phúc).
(10) Nhan Uyên, Mẫu Tử Khiên đều là học trò đức hạnh của Khổng Tử.
(11) Lư Chiếu Lân và Lạc Tân Vương là hai danh sĩ đời Đường Cao Tông. Bùi Hành Kiệm thường chê là những người nóng nảy xốc nổi, không phải là kiểu người được hưởng tước lộc. Sau Lư vì ác tật mà gieo mình xuống nước chết, Lạc thì vì dự vào đảng loạn phải chết, đúng như lời Kiệm nói.
(12) Trường Giang: ở đây có lẽ chỉ sông Hồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét