Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

Nhiếp ảnh nâng cao

Cơ bản về DSLR

Một máy ảnh thay ống kính, dù có hay không có gương lật, thường khá khó sử dụng với những người mới bắt đầu do nó có quá nhiều nút và nhiều chức năng để chỉnh.

Một khi đã hiểu những khái niệm cơ bản, người chụp sẽ thấy các nút chức năng trên DSLR được bố trí khá khoa học và dễ hiểu.

Bài dưới đây sẽ trình bày những gì cơ bản nhất thường có trên một máy ảnh thay ống kính. Dù về cơ bản là giống nhau, nhưng người đọc cũng cần lưu ý là ở những máy khác nhau, các nút có thể được bố trí ở những vị trí khác biệt.

Mặt trước

Những nút chế độ ở mặt trước máy ảnh. Ảnh: Cnet.
Những nút chế độ ở mặt trước máy ảnh. Ảnh: Cnet.

Ở mặt trước của máy ảnh, bạn sẽ thấy điều đầu tiên đập vào mắt là vòng lắp ống kính. Đây là nơi bạn phải lắp ống kính trước khi có thể chụp được ảnh. Lưu ý, các máy ảnh khác nhau sẽ có ngàm ống kính khác nhau và ống kính dành cho máy ảnh nào chỉ có thể lắp trên máy ảnh đó. Thông thường, trên ống kính sẽ có các điểm trên cả thân máy và ống kính để giúp người dùng xác định được khớp lắp đầu tiên.

Nút tháo ống kính thường bố trí ngay cạnh viền ống trên thân máy. Khi lắp ống kính và xoay, bạn sẽ nghe một tiếng "tách" báo hiệu ống kính đã khớp vào thân. Khi tháo ống, chỉ việc bấm nút tháo và xoay ống ngược chiều với chiều vừa lắp vào.

Nút xem trước độ sâu trường ảnh (DOF preview) khá thông dụng trên các máy ảnh DSLR trong khi lại thiếu vắng ở những máy ảnh không gương lật. Khi bấm nút này, máy ảnh sẽ khép độ mở về đúng thông số đã đặt để giúp người chụp xác định trước độ sâu trường ảnh của bức ảnh sẽ chụp.

Đèn hỗ trợ lấy nét sẽ tự động chiếu sáng lên đối tượng trong điều kiện ánh sáng tối để giúp cảm biến nét của máy ảnh bắt nét được tốt hơn. Tuy nhiên, nếu không muốn ảnh hưởng tới đối tượng chụp, đèn này có thể tắt trong menu.

Mặt trên

Các chế độ ở mặt trên. Ảnh: Cnet.
Các chế độ ở mặt trên. Ảnh: Cnet.

Vòng xoay chế độ trên mặt trên giúp người chụp chuyển đổi giữa các chế độ chụp. Các chế độ thông dụng nhất được đặt trên vòng xoay này là chế độ tự động, ưu tiên cửa trập, ưu tiên độ mở và chỉnh tay hoàn toàn (thường ký hiệu tương ứng bằng các chữ cái P, A, S, M hoặc P, Av, Tv, M).

Bên cạnh vòng xoay chế độ là nút chụp ảnh. Chức năng của nút chụp này chắc chắn đã quá rõ ràng vì tương tự như trên máy ảnh du lịch: dùng để lấy nét và chụp.

Khe cắm đèn dùng để gắn đèn flash ngoài. Một số nhà sản xuất hiện còn làm thêm một số phụ kiện có thể lắp trên khe này như thước cân bằng chẳng hạn.

Hầu hết các máy thay ống kính sơ cấp đều có sẵn đèn flash tích hợp. Đèn này được bật bằng một nút ở ngay cạnh đèn mặt trên của máy ảnh với biểu tượng tia chớp.

Mặt sau

Mặt sau máy ảnh. Ảnh: Cnet.
Mặt sau máy ảnh. Ảnh: Cnet.

Chiếm phần lớn mặt sau là màn LCD và một số nút chức năng khác. Các nút này thông thường bao gồm các nút điều hướng, xem lại ảnh, nút xóa ảnh. Ở trên, một số máy đời mới hơn có thể có thêm nút xem sống Live View hoặc nút quay video.

Phía trên màn LCD là khung ngắm quang để căn hình chụp ảnh. Ở những máy không gương lật hoặc một số DSLR đời mới có chức năng LiveView, người chụp có thể căn khung bằng màn LCD thay vì khung ngắm quang.

Nút xem lại ảnh thường được ký hiệu bằng hình tam giác quay sang phải, giúp xem lại những bức ảnh vừa chụp. Nút Menu dùng để truy cập vào các tính năng sâu hơn của máy ảnh hoặc để hiệu chỉnh những thông số khác như độ phân giải hoặc các tính năng khác.

Nút điều hướng hoặc vòng xoay điều hướng giúp duyệt giữa các tính năng khác nhau của menu và cũng là nút duyệt xem các ảnh đã chụp. Thông thường, các nút này còn có thêm chức năng là các "phím nóng" để truy cập nhanh các tùy chỉnh thông dụng như ISO, lấy nét hay cân bằng trắng.

Mặt dưới và cạnh bên

Các cổng giao tiếp và khe cắm pin. Ảnh: Cnet.
Các cổng giao tiếp và khe cắm pin. Ảnh: Cnet.

Mặt dưới đáy của máy là khe cắm pin. Ở một số phiên bản, nhà sản xuất có thể tích hợp thêm khe cắm thẻ. Nếu khe cắm thẻ không ở trong khe cắm pin thì thường được bố trí ở bên sườn máy ảnh. Sườn máy ảnh còn là nơi có các cổng USB, cổng A/V hoặc thậm chí cổng mini-HDMI trên một số phiên bản đời mới.

Cách cầm máy đúng

Cách cầm máy đúng ở bên trái. Ảnh: Cnet.
Cách cầm máy đúng ở bên trái. Ảnh: Cnet.

Không giống như máy ảnh du lịch, máy ảnh thay ống kính nếu không cầm đúng cách có thể khiến ảnh bị rung hoặc giảm độ sắc nét của ảnh. Cách cầm tiêu chuẩn là tay cầm chính luôn nắm vững phần nhô ra của máy ảnh, trong khi tay còn lại đỡ dưới ống kính.

Ống kính và các thông số


Lưu ý, về cơ bản dù có tương tự nhau nhưng máy ảnh khác nhau sẽ có một số khác biệt về cách bố trí cũng như cách thức hoạt động của các phím chức năng. Vì vậy, người đọc vẫn cần tham khảo sách hướng dẫn của máy ảnh của mình trước khi thực hành chụp.Không giống như máy ảnh du lịch, máy ảnh thay ống kính, đúng như tên của nó, phải có thêm ống kính lắp vào mới có thể chụp ảnh được. Do khả năng thay thế được ống kính nên người chụp có thể lựa chọn các ống khác nhau cho những hoàn cảnh khác nhau. Ở bài này, người đọc sẽ tìm hiểu những phần cơ bản của một ống kính, các loại ống kính và khi nào thì nên dùng loại nào.

Các phần của ống kính

Mặt trước.

Mặt trước ống kính. Ảnh: Cnet.
Mặt trước ống kính. Ảnh: Cnet.

Mặt trước của ống kính thường có các thông số biểu thị độ dài tiêu cự và độ mở của ống kính đó.

Mặt bên.

Mặt bên của ống kính. Ảnh: Cnet.
Mặt bên của ống kính. Ảnh: Cnet.

Ở mặt bên, bạn sẽ thấy vòng zoom (nếu là ống zoom) và vòng xoay lấy nét. Xoay vòng zoom sẽ điều chỉnh tiêu cự của ống kính và xoay vòng lấy nét sẽ điều chỉnh khoảng cách đến đối tượng để lấy nét. Một số ống kính đời cũ còn có thêm vòng độ mở để điều chỉnh độ mở trên ống kính. Tiêu cự của ống kính cũng thường được sơn lên mặt bên, nhất là với các ống zoom.

Mặt sau.

Mặt sau ống kính. Ảnh: Cnet.
Mặt sau ống kính. Ảnh: Cnet.

Mặt sau là nơi bố trí các chấu tiếp điểm điện tử và ngàm để lắp ống kính vào thân máy. Lưu ý, do ống kính là bộ phận rất nhạy cảm nên khi không dùng, luôn nhớ đậy cả mặt trước và sau của ống kính để tránh bụi và xước.

Các loại ống kính

Về cơ bản, có hai loại ống kính: ống zoom có thể thay đổi tiêu cự và ống prime chỉ có một tiêu cự. Ngoài ra, người ta cũng có thể chia nhỏ ống kính thành 4 loại, đó là ống góc rộng, ống tiêu cự chuẩn, ống tele và ống đặc chủng.

Ống góc rộng.

Ống kính góc rộng. Ảnh: Wikia.
Ống kính góc rộng. Ảnh: Wikia.

Đúng như tên gọi, ống góc rộng cho một góc nhìn lớn hơn so với góc tiêu chuẩn của mắt người. Ống này thường được dùng để chụp ảnh phong cảnh để có thể thu được nhiều cảnh vật hơn. Ống góc rộng có thể là ống zoom hoặc prime, biểu thị bằng số và đơn vị mm, theo đó, số càng nhỏ ống kính góc càng rộng (chẳng hạn ống 28mm, 24mm hay 16mm).

Ống zoom tiêu chuẩn.

Máy Canon 50D với ống kính zoom tiêu chuẩn. Ảnh: Salestore.
Máy Canon 50D với ống kính zoom tiêu chuẩn. Ảnh: Salestore.

Nếu như ống tiêu chuẩn đề cập đến góc nhìn tiêu chuẩn của mắt người thì ống zoom tiêu chuẩn thường được hiểu là ống kit đi kèm máy. Hầu hết các máy thay ống kính sơ cấp đều đi kèm ống kit để người dùng có thể chụp được ngay. Chúng thường có dải tiêu cự thông dụng nhất kéo dài từ góc rộng tới tele và thường ở dải khoảng từ 28mm đến 90mm.

Ống tele.

Ống tele của Canon. Ảnh: Letsgodigital.
Ống tele của Canon. Ảnh: Letsgodigital.

Ống tele giúp thu đối tượng lại gần hơn. Nó đặc biệt hữu dụng trong những tình huống không thể vào gần được chủ thể được chụp, chẳng hạn chụp động vật hoang dã như sư tử hay báo, hay đôi khi chỉ là chim muông. Ống tele thường có dải tiêu cự từ 90mm trở lên và cũng theo nguyên tắc số càng lớn tiêu cự càng dài (như các ống 300mm, 400mm hay 600mm).

Ống đặc chủng.

Ống kính Tilt-Shift. Ảnh:
Ống kính Tilt-Shift. Ảnh: The-picture.

Các ống đặc chủng thường chỉ hữu dụng ở một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như ống macro, mắt cá hay ống trượt (Tilt-Shift).

Thông số nhân hình (crop) là gì?

Ảnh miêu tả hệ số crop trên máy DSLR. Ảnh: Cnet.
Ảnh miêu tả hệ số crop trên máy DSLR. Ảnh: Cnet.

Khi mua máy ảnh thay ống kính, có thể bạn sẽ nghe thấy thuật ngữ "nhân hình" (crop factor). Thuật ngữ này bắt nguồn từ việc kích cỡ mỗi kiểu phim trên máy ảnh cơ trước đây là 24 x 36 mm. Kích cỡ này được coi là kích cỡ chuẩn (full-frame). Đối với các máy ảnh số sau này, chỉ những máy có cảm biến bằng đúng kích cỡ của phim (24 x 36 mm) mới được gọi là máy full-frame, và chỉ trên các máy này, ống kính mới thể hiện đúng giá trị tiêu cự in trên ống kính đó. Còn các máy thay ống kính có kích cỡ cảm biến nhỏ hơn, khi lắp ống kính, tiêu cự trên đó sẽ phải nhân thêm một giá trị nhất định, giá trị này chính là crop-factor và nó khác nhau tùy thuộc theo từng phiên bản và từng nhà sản xuất. Ví dụ, một ống 24mm khi lắp trên thân máy có crop-factor là 1.6x, ống kính này sẽ có tiêu cự là 38mm.

Hầu hết các máy ảnh số sơ, trung cấp đều có kích cỡ cảm biến APS-C với thông số nhân hình là 1,6x hoặc 1,5x. Các máy hệ Micro Four Thirds có thông số nhân hình 2x, chỉ có DSLR cao cấp mới có kích cỡ cảm biến full-frame.


Chụp đêm

Chụp ảnh đêm là một quá trình thử nghiệm với các cách kết hợp tốc độ và độ mở khác nhau.

Chụp ảnh dưới ánh sáng ban ngày vốn là công việc khá dễ dàng. Bạn có thể sử dụng ISO thấp và tốc độ cửa trập lớn để có được những bức ảnh có chất lượng tốt và sắc nét. Nhưng khi hoàng hôn buông xuống và ánh sáng bắt đầu giảm, bạn sẽ nhận thấy rằng phải hạ tốc độ, tăng ISO, và hậu quả là bức ảnh có thể bị rung mờ hoặc ảnh sẽ rạn, vỡ, cho dù máy bạn có tích hợp cơ chế chống rung.

Với máy ảnh du lịch, bạn sẽ không thể can thiệp gì nhiều vào quá trình phơi sáng. Nhưng với máy ảnh thay ống kính, bạn có thể dễ dàng điều chỉnh thời gian phơi sáng nào là cần thiết. Vì thế, với sự giúp đỡ của chân máy, bạn hoàn toàn có đủ điều kiện để có được một bức ảnh đêm ấn tượng.

Cài đặt máy ảnh

Ảnh: Cnet.
Chuyển máy về chế độ ưu tiên cửa trập hoặc chỉnh tay. Ảnh: Cnet.

1. Đặt chân máy lên mặt phẳng vững chãi. Điều chỉnh độ dài chân máy cho phù hợp.

Mẹo: Các chân máy nhỏ gọn vốn vẫn được bán kèm khi mua máy du lịch thường quá nhẹ, không phù hợp với DSLR. Nếu thích chụp ảnh đêm, hãy đầu tư một chân máy vững chắc. Chân máy tốt ngoài việc giữ cho máy ảnh ổn định, còn cho phép bạn có thể xoay hay trượt máy dễ dàng vơi mọi góc độ trong khi chụp ảnh.

2. Chuyển máy ảnh về chế độ ưu tiên cửa trập hoặc chế độ chỉnh tay. Các chế độ này cho phép bạn điều chỉnh tốc độ cửa trập, thông số đặc biệt quan trọng khi muốn chụp các bức ảnh với thời gian phơi sáng lâu.

Chụp ảnh

Điều chỉnh các thông số chụp ảnh. Ảnh: Cnet.
Điều chỉnh các thông số chụp ảnh. Ảnh: Cnet.

1. Khi đã căn khung, bạn đã sẵn sàng cho việc điều chỉnh các thông số để chụp ảnh.

2. Quay bánh xe điều chỉnh tốc độ cửa trập cho đến khi hiện dấu (") đằng sau con số (với nghĩa là số giây cửa trập sẽ mở). Ví dụ, 30" sẽ là 30 giây, trong khi nếu bạn quay về 30 sẽ có nghĩa là 1/30 giây.

Mẹo: Khi chụp ảnh với thời gian phơi sáng lâu, tốt nhất nên sử dụng ISO thấp nhất có thể, nó sẽ khiến cho bức ảnh bớt nhiễu hạt hơn.

3. Nếu sử dụng chế độ ưu tiên cửa trập, máy ảnh sẽ tự động điều chỉnh độ mở. Còn nếu bạn chụp với chế độ chỉnh tay, hãy điều chỉnh độ mở cho đến khi con trỏ báo thông số phơi sáng (khung màu đỏ hình trên) nhấp nháy ở vị trí chính giữa (đủ sáng).

4. Giờ là lúc sẵn sàng bấm máy. Tuy nhiên, việc bấm vào nút chụp có thể khiến cho máy ảnh hơi rung nhẹ, khiến bức ảnh trở nên mờ. Nếu máy ảnh có cổng cắm cho thiết bị điều khiển từ xa, hãy dùng điều khiển để chụp để không đụng tới máy ảnh. Nếu không, hãy sử dụng chức năng hẹn giờ chụp tích hợp trong máy để tránh phải bấm máy và làm cho máy bị rung.

5. Khi ảnh đã được chụp, kiểu tra hình ảnh để xem phơi sáng đã đúng chưa. Nếu quá sáng, hãy đẩy tốc độ lên nhan hơn. Nếu quá tối, hãy để thời gian chậm lại một chút, cứ thế điều chỉnh cho đến khi có được bức ảnh ưng ý.

Sử dụng chế độ Bulb (B) và các chế độ mặc cảnh

Ảnh: Cnet
Chế độ Bulb (B). Ảnh: Cnet.

Nếu muốn chụp những bức ảnh với thời gian phơi sáng thực sự dài (chẳng hạn tới 30 phút), hãy sử dụng chế độ Bulb (B) vì khoảng thời gian này quá lớn đối với chức năng đặt thời gian cửa trập của máy. Chế độ B cho phép bạn để thời gian bao lâu tùy thích, máy chỉ đóng khi nào bạn nhả nút chụp. Tuy nhiên, do phải giữ tay vào nút chụp nên thao tác này cũng dễ làm rung máy, vì thế tốt nhất luôn chụp với điều khiển từ xa.

Nếu không muốn thử nghiệm phức tạp với các hiệu chỉnh thời gian cửa trập, bạn vẫn có thể sử dụng các chế độ mặc cảnh có sẵn trên máy ảnh như chụp đêm. Với các chế độ này, máy ảnh sẽ tự động tính toán ánh sáng khung cảnh và đưa ra các thông số tối ưu giữa tốc độ và độ mở để ảnh đủ sáng.

Một số ảnh chụp đêm

Một cảnh chụp đêm. Ảnh: Cnet.
Một cảnh chụp đêm. Ảnh: Cnet.

Bằng cách sử dụng thời gian phơi sáng lâu, bạn có thể bắt được những bức ảnh thú vị với các vệt sáng do đèn ô tô tạo thành như trên.

Kể cả với các bức ảnh tĩnh, bạn vẫn hoàn toàn có thể tạo thành các vệt sáng. Điều kiện cần ở đây là một ống zoom, và trong khi máy đang ở chế độ phơi sáng, hãy xoay ống zoom để tạo vệt cho các bóng đèn đường.

Chụp ảnh đêm là cả một quá trình thử nghiệm với các cách kết hợp tốc độ và độ mở khác nhau, vì thế để có được một bức ảnh ấn tượng, hãy xác định bạn sẽ phải chụp thử rất nhiều tấm với nhiều kiểu kết hợp khác nhau, từ đó mới có thể biết được sự kết hợp nào là tối ưu nhất trong hoàn cảnh nào.


Cách dùng đèn flash

Một trong những kỹ thuật khó nhất tron

g nhiếp ảnh là sử dụng đèn flash sao cho hiệu quả nhất.

Hầu hết các máy ảnh thay ống kính đều có đèn flash tích hợp (trừ một số phiên bản như Olympus E-P1, E-P2 hay các máy DSLR chuyên nghiệp). Mặc dù các đèn tích hợp này tỏ ra khá hữu dụng khi chụp ảnh, nhưng nói chung, các đèn này vẫn chưa đủ hiệu quả trong một số trường hợp nhất định.

Để khắc phục nhược điểm này, các máy thay ống kính thường có thêm chấu để lắp đèn flash ngoài. Các đèn lắp ngoài này có công suất đủ lớn để sử dụng trong hầu hết các trường hợp. Nhưng nếu không điều chỉnh đúng cách, với công suất lớn chúng sẽ dễ dàng làm đối tượng được chụp bị cháy sáng, hoặc nếu đủ sáng thì hậu cảnh lại tối đen khiến ảnh bị bẹp và mất đi chiều sâu cần thiết.

Tìm hiểu về đèn flash lắp ngoài

Các bộ phận của đèn flash. Ảnh: Cnet Asia.
Các bộ phận của đèn flash. Ảnh: Cnet Asia.

1. Đầu của đèn là nơi chứa bóng phát sáng. Một số đèn có khả năng lật hay xoay theo các góc khác nhau, cho phép người chụp có thể hắt sáng theo nhiều hướng khác nhau.

2. Thân đèn là nơi có các nút điều khiển, màn hình hiển thị và khoang chứa pin.

3. Chấu đèn có các đầu nối để tiếp xúc với các tiếp điểm trên chấu lắp đèn ở thân máy. Các chấu này chính là phần để máy ảnh và đèn có thể nhận và truyền lệnh lẫn nhau. Mỗi nhà sản xuất sẽ có các cách bố trí các đầu tối tiếp xúc khác nhau, vì thế đèn hãng nào chỉ có thể dùng trên máy của hãng đó (trừ các thiết bị đến từ các hãng thứ ba).

Ảnh: Cnet
Một số đèn có thể lật xoay phần đầu theo nhiều hướng khác nhau. Ảnh: Cnet Asia.

Sử dụng kỹ thuật hắt sáng

Nếu bạn chĩa thẳng đèn flash vào đối tượng, ảnh có thể sẽ trở nên quá chói. Để tránh tình trạng này, bạn nên lật đầu của đèn flash hướng chéo lên trên để ánh sáng đạp vào trần (nếu trần đủ thấp) hoặc tường ở xung quanh đối tượng. Thao tác này sẽ làm cho ánh sáng được trải đều trên toàn bộ khung cảnh xung quanh đối tượng, làm cho ảnh trông tự nhiên hơn.

Điều chỉnh góc phát sáng phù hợp. Ảnh: Cnet.
Điều chỉnh góc phát sáng phù hợp. Ảnh: Cnet Asia.

Nếu đèn flash có sẵn tấm nhựa hắt sáng ở phía đầu đèn, bạn có thể kéo hết ra rồi bẻ đầu flash hướng thẳng lên trời, khi chụp ánh sáng sẽ phản vào tấm chắn sáng tích hợp này rồi mới tỏa lên đối tượng, làm cho ánh sáng trên đối tượng đều và đỡ gắt hơn. Nếu không có tấm hắt sáng này, bạn có thể khắc phục bằng cách lấy băng dính gắn một tấm nhựa trắng vào sau đèn để thay thế.

Sử dụng cáp nối dài đèn

Dây nối dài đèn flash. Ảnh: Cnet Asia.
Dây nối dài đèn flash. Ảnh: Cnet Asia.

Nếu có thêm kinh phí, bạn có thể mua thêm đây nối dài đèn flash. Với dây nối này, đèn không nhất thiết phải gắn lên trên thân máy nữa, vì thế bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh đèn hắt từ bên trên hay từ một bên của đối tượng. Kỹ thuật này có thể tạo nên những hiệu ứng thú vị như chỉ chiếu sáng một nửa đối tượng, tạo cảm giác như được chụp từ studio.

Một số máy ảnh chuyên nghiệp còn có thể điều khiển đèn flash từ xa mà không cần dây nối. Nếu máy ảnh của bạn không có chức năng đó, bạn hoàn toàn có thể khắc phục bằng cách lắp thêm bộ truyền tín hiệu không dây giữa máy và đèn, bạn cũng sẽ có được chức năng gần tương tự.

Chế độ chỉnh tay

Các đèn flash cao cấp thường có thêm chức năng cho phép bạn hiệu chỉnh công suất phát sáng của đèn. Chức năng này cho phép người chụp điều chỉnh mật độ ánh sáng phát ra để phù hợp tùy theo từng trường hợp cụ thể. Hiện nay một số máy thay ống kính cũng đã có chức năng tương tự đối với đèn flash tích hợp trên thân máy.

Ký hiệu TTL là gì

Khi sử dụng với đèn flash, bạn thường hay đọc được cụm từ TTL. Từ này được viết tắt từ "Through The Lens" (qua ống kính). Khi một đèn flash có cảm biến đo sáng TTL tích hợp, có nghĩa là đèn có thể tương tác với máy ảnh để biết chính xác trong một cảnh nhất định, máy ảnh sử dụng thông số phơi sáng như thế nào, từ đó đèn sẽ phát một công suất tương ứng vừa đủ để chiếu sáng khung cảnh.

Các đèn flash hiện tại đều có những hệ thống đo sáng TTL rất tân tiến, vì thế mà nhiều nhiếp ảnh gia thường không cần quan tâm tới việc hiệu chỉnh thông số đèn nữa, họ chỉ việc chiếu đèn vào đối tượng và bấm máy.

Sử dụng đèn flash ban ngày

Có thể bạn sẽ thắc mắc: Thế còn việc dùng đèn flash trong điều kiện ánh sáng ban ngày thì sao? Thực ra như trong bài về flash trên máy du lịch cũng đã đề cập, trong những trường hợp chụp ngược sáng (ánh sáng đến từ sau lưng đối tượng), đối tượng lúc này sẽ trở thành bóng đen (silhouette). Lúc này sử dụng flash để bù sáng cho tiền cảnh sẽ làm đối tượng nổi bật trở lại. Trong trường hợp này, nhớ giảm công suất của đèn, thử chụp một vài lần với vài mức khác nhau cho đến khi có được một bức ảnh ưng ý.


Ảnh RAW

Về cơ bản, RAW là định dạng dữ liệu chưa qua xử lý bởi bộ xử lý hình ảnh trong máy ảnh.

Một trong những lợi thế của các máy thay ống kính so với các máy ảnh du lịch là có thể lưu ảnh ở định dạng nguyên thủy RAW. Về cơ bản, RAW là định dạng dữ liệu chưa qua xử lý bởi bộ xử lý hình ảnh trong máy ảnh. Hay để đơn giản hơn, hãy tưởng tượng định dạng này cũng giống như tấm phim âm bản trong máy phim ngày xưa, nó chứa tất cả những thông tin về bức ảnh. Không như ảnh JPEG, ảnh RAW không qua các xử lý như làm nét hay đổi tông màu của bộ vi xử lý lên ảnh đầu cuối. Vì thế mà ảnh định dạng này cho phép người dùng có thể tùy ý chỉnh sửa hậu kỳ trên máy tính với mức độ chủ động, tinh vi và chính xác hơn là phó mặc cho máy ảnh xử lý. Thêm vào đó, ảnh RAW còn chứa nhiều thông tin liên quan đến các chi tiết vùng sáng và vùng tối của ảnh, từ đó người dùng có thể can thiệp để có được bức ảnh có độ phơi sáng đúng ý của mình hơn.

Kích hoạt chế độ chụp RAW trên máy ảnh của bạn.

Menu phần mềm liên quan đến chất lượng ảnh. Ảnh: Cnet.
Menu phần mềm liên quan đến chất lượng ảnh. Ảnh: Cnet.

Trước tiên, truy cập vào menu và lựa chọn phần liên quan đến chất lượng ảnh hoặc định dạng ảnh. Ở một số máy, chức năng này có thể nằm ở phần chỉnh về Chất lượng (Quality). Nếu không tự mày mò được, hãy xem lại sách hướng dẫn của máy ảnh của bạn.

Khi đã truy cập được chức năng này, thường máy ảnh sẽ đưa ra một vài lựa chọn, trong đó chắc chắn sẽ có ảnh RAW. Các lựa chọn thông thường sẽ là:

Chỉ chụp RAW: Chụp ảnh RAW nghĩa là bạn sẽ phải xử lý toàn bộ các bức ảnh trước khi có thể chia sẻ trên mạng, gửi cho bạn bè hay in ra. Chỉ sử dụng chức năng chụp RAW nếu bạn có nhiều thời gian ngồi bên máy tính để xử lý tất cả các bức.

Chụp cả RAW + JPEG: Sử dụng chức năng chụp cả RAW và JPEG là lựa chọn hợp lý nhất bởi với mỗi ảnh RAW, máy ảnh sẽ tự động thêm một ảnh JPEG giúp người chụp có thể sử dụng được ngay nếu cần mà không phải lo lắng việc chuyển đổi. Ảnh RAW lúc này sẽ trở thành một ảnh gốc giúp bạn khi có thời gian có thể mở lại và chỉnh sửa sau này. Hầu hết các máy ảnh thay ống kính còn cho phép người dùng lựa chọn chế độ chất lượng của ảnh JPEG chụp kèm này.

Trong hình là lựa chọn kích thước ảnh. Ảnh: Cnet.
Trong hình là lựa chọn kích thước ảnh. Ảnh: Cnet.

Chỉ chụp JPEG: Chỉ chụp JPEG là cách thức thông dụng nhất, nhất là trong trường hợp thẻ nhớ của bạn đã bắt đầu hết dung lượng. Nếu đủ dung lượng thẻ hoặc có nhiều thẻ dự trữ, tốt nhất nên chọn chế độ chụp cả RAW và JPEG đồng thời.

Xử lý ảnh RAW

Phần mềm chuyên xử lý ảnh RAW. Ảnh: Cnet.
Phần mềm chuyên xử lý ảnh RAW. Ảnh: Cnet.

Sau khi chuyển ảnh RAW vào máy tính, bạn có thể sử dụng các phần mềm chuyên xử lý ảnh RAW để chỉnh sửa hoặc chuyển đổi thành các định dạng ảnh thông dụng khác như JPEG hay TIFF. Hầu hết máy ảnh thay ống kính đều có các đĩa phần mềm chuyên dụng của chính hãng đi kèm chuyên cho xử lý ảnh này như phần mềm SilkyPix của Panasonic, Olympus Studio của Olympus hay Digital Photo Professional của Canon...

Do mỗi hãng lại có cách lưu giữ thông tin nguyên gốc ảnh RAW khác nhau nên mặc dù cùng là ảnh RAW nhưng các định dạng RAW này là khác nhau, vì thế, bạn không thể dùng phần mềm xử lý ảnh RAW của hãng này để xử lý ảnh RAW của máy ảnh hãng khác. Tuy nhiên, hiện các phần mềm xử lý ảnh chuyên nghiệp như Adobe Lightroom hay Photoshop đều đã hỗ trợ hầu hết các định dạng RAW của các hãng máy ảnh có mặt trên thị trường, chỉ có điều do là các phần mềm thương mại nên giá cả mua bản quyền các phần mềm này cũng không hề rẻ.

Khi đã mở ảnh RAW với phần mềm chuyên dụng, bạn có thể chỉnh sửa rất nhiều thông số của ảnh như thay đổi tùy chọn cân bằng trắng (WB), xử lý phơi sáng, thêm độ tương phản... Do các xử lý ảnh RAW dựa trên nguyên gốc nên bạn có thể chỉnh sửa tùy ý mà không sợ làm thay đổi chất lượng ảnh sau mỗi lần xử lý. Khi đã có được một bức ảnh ưng ý, lúc này bạn mới cần chuyển ảnh này về JPEG hoặc TIFF để dễ dàng sử dụng và chia sẻ.

Lưu giữ ảnh RAW

Lưu ý nên lưu dự phòng ảnh RAW của bạn trên các đĩa DVD hay ổ cứng ngoài để phòng khi sẽ cần đến sau này.

Ba lợi thế của định dạng RAW

1. Định dạng RAW lưu nhiều thông tin hơn JPEG, vì thế, người dùng có thể có được chi tiết về vùng sáng tối của ảnh tốt hơn khi xử lý hậu kỳ hơn là để máy ảnh tự xử lý và lưu với định dạng JPEG vốn là định dạng nén dữ liệu có suy hao.

2. Các phần mềm xử lý ảnh RAW chuyên nghiệp sẽ càng có thêm nhiều tính năng tiên tiến sau mỗi lần cập nhật phiên bản, từ đó giúp người dùng luôn khai thác được tối đa các công nghệ xử lý ảnh RAW mới nhất.

3. Khi đã học được những kỹ thuật xử lý ảnh, bạn sẽ thấy rằng việc lưu giữ ảnh RAW và khả năng chỉnh sửa không giới hạn của nó thật tuyệt vời.

Ba bất lợi của định dạng RAW

1. Do chứa nhiều thông tin hơn nên dung lượng ảnh RAW lớn hơn JPEG nhiều lần, vì thế bạn cần phải có thẻ nhớ có dung lượng đủ lớn nếu muốn chụp định dạng này.

2. Không như JPEG, không phải phần mềm nào cũng có thể mở được ảnh RAW.

3. Chụp ảnh RAW do dung lượng lớn nên bộ nhớ đệm sẽ đầy rất nhanh, vì thế có thể hạn chế phần nào tốc độ chụp liên tiếp của ảnh, nhất là với những nhiếp ảnh gia chuyên chụp tốc độ.


Chụp ảnh HDR

Ảnh HDR có thể đem lại những hiệu quả cảm xúc nhất định bởi nó có thể thể hiện đầy đủ chi tiết trên toàn dải của một bức ảnh.

Đôi khi chụp ảnh xong, bạn mới thấy là ở các vùng sáng hoặc vùng tối trong ảnh của mình thiếu độ chi tiết. Lý do đơn giản vì cảm biến máy ảnh chỉ có thể tối ưu hóa hoặc vùng sáng hoặc vùng tối chứ không thể cả hai vùng một lúc. Do đó, một số nhiếp ảnh gia đã áp dụng một kỹ thuật nhằm tăng cường dải tương phản động của ảnh (hay còn gọi là HDR_high dynamic range) để khắc phục hạn chế này của cảm biến.

Ảnh HDR có thể đem lại những hiệu quả cảm xúc nhất định bởi nó thể hiện đầy đủ chi tiết trên toàn dải của một bức ảnh. Hiện nay một số các máy ảnh du lịch và máy ảnh DSLR của Sony đã được tích hợp chức năng tạo ảnh HDR ngay trên máy, nhưng các chức năng này vẫn còn có những hạn chế nhất định so với các phần mềm chuyên dụng trên máy tính.

Dưới đây là các bước tạo ảnh HDR.

Chụp ảnh với chế độ phơi sáng liền kề (Bracketing).

Chế độ chụp ảnh Bracketing. Ảnh: Cnet.
Chế độ chụp ảnh Bracketing. Ảnh: Cnet.

Máy ảnh của bạn chắc chắn sẽ có chức năng cho phép bạn chụp bracketing, nghĩa là cùng một khung cảnh, máy sẽ chụp 3 đến 5 ảnh liên tục với các giá trị bù sáng khác nhau. Đây là bước cơ bản đầu tiên bởi lẽ ảnh HDR bản chất chính là những sự kết hợp các bức ảnh phơi sáng khác nhau, trộn các bức ảnh này lại, kết hợp chi tiết ở một vùng trên một ảnh với chi tiết ở vùng khác trên một ảnh khác, từ đó tạo ra một bức ảnh có thể hiển thị chi tiết trên toàn dải.

Chức năng bracketing cho phép chụp được từ 3, 5 đến 7 ảnh liền nhau. Một trong các bức ảnh này sẽ là bức ảnh đúng sáng, trong khi các bức khác sẽ được phân đều về hai phía, hơi quá sáng hoặc hơi thiếu sáng. Nếu không biết chắc về cách đặt chế độ chụp bracketing, bạn có thể tìm hiểu thêm ở sách hướng dẫn sử dụng.

Ảnh chụp với 3 chế độ bù trừ sáng khác nhau. Ảnh: Cnet.
Ảnh chụp với 3 chế độ bù trừ sáng khác nhau. Ảnh: Cnet.

Khi chụp ảnh để dự định làm ảnh HDR, tốt nhất nên sử dụng chân máy để vừa cố định khuôn hình, vừa chống rung. Bởi lẽ để có thể kết hợp hoàn hảo các độ phơi sáng khác nhau này, các bức ảnh phải có cùng khuôn hình, cùng góc nhìn và cùng từ một vị trí chụp. Bất kỳ sự dịch chuyển nào dù chỉ chút ít của máy ảnh cũng có thể khiến bức ảnh đầu cuối bị mờ.

Để đạt được kết quả tốt nhất, hãy chọn các cảnh có độ tương phản cao, bởi lẽ với các cảnh kiểu này, chế độ bracketing sẽ chụp được toàn bộ các chi tiết của cả vùng tối và vùng sáng, và bức ảnh kết hợp sẽ thể hiện hoàn hảo tất cả các chi tiết này trong bức đầu cuối.

Xử lý ảnh HDR.

Một bức ảnh đúng sáng chưa qua xử lý. Ảnh: Cnet.
Một bức ảnh đúng sáng chưa qua xử lý. Ảnh: Cnet.

Khi chụp xong, hãy chuyển bức ảnh vừa chụp vào máy tính. Sau đó, dùng một phần mềm xử lý HDR như Adobe Photoshop CS5 hay Photoshop Elements 8 có chức năng trộn các ảnh này với nhau. Nếu không có sẵn các phần mềm chuyên nghiệp, hãy thử dùng các phần mềm miễn phí từ các hãng thứ ba như Picturenaut.

Phần mềm xử lý ảnh HDR. Ảnh: Cnet.
Phần mềm xử lý ảnh HDR. Ảnh: Cnet.

Về cơ bản, các phần mềm sẽ hỏi bạn chọn những bức ảnh nào để trộn HDR. Hãy chọn 3, 5 hay 7 tùy lúc chụp bạn chọn chế độ nào.

Một bức ảnh HDR đã được xử lý. Ảnh: Cnet.
Một bức ảnh HDR đã được xử lý. Ảnh: Cnet.

Sau khi lựa chọn xong, hầu hết các chương trình sẽ cho bạn xem trước bức ảnh HDR đầu cuối sẽ như thế nào. Tùy vào kết quả mà bạn có thể tinh chỉnh thêm một số thông số như độ tương phản, độ bão hòa… để có được một bức ảnh ưng ý theo gu thẩm mỹ riêng.

Chọn RAW hay JPEG.

Có thể nhiều người sẽ hỏi với HDR nên chụp định dạng RAW hay JPEG. Nếu không quá cầu kỳ thì thực ra chỉ cần JPEG là đủ. Nhưng nếu quan tâm đến chi tiết thì vẫn cứ nên chụp RAW, chỉ lưu ý một điều là phải xử lý RAW sang JPEG hoặc TIFF trước rồi mới tiến hành trộn ảnh HDR.

Một số nhiếp ảnh gia lại chọn cách chụp ảnh RAW, sau đó họ xử lý một ảnh RAW đó thành 3 ảnh với các độ bù sáng khác nhau (một đủ sáng, một thiếu sáng, một thừa sáng), tương tự như phương pháp chụp bracketing. Mặc dù cũng có thể tạo được HDR, tuy nhiên, các bức ảnh này lại phụ thuộc vào việc ảnh RAW của người chụp có chứa đủ hết các thông tin trên các vùng sáng tối cần thiết hay không. Thực tế cho thấy, để có được một hiệu ứng HDR tốt nhất, bạn vẫn nên tiến hành chụp nhiều bức rồi trộn lại.


Chụp chuyển động nhanh

Máy ảnh thay ống kính giúp người chụp chỉnh thông số phơi sáng và tốc độ để bắt cứng được chuyển động của đối tượng.

Ngoài chụp đêm, chụp ảnh chuyển động như chụp trẻ con hay đua xe cũng là một trong các kỹ thuật khó. Với các máy ảnh du lịch, khi chụp các trường hợp này hầu hết ảnh chụp sẽ bị mờ hoặc không nét. Tuy nhiên, các máy ảnh thay ống kính có lợi thế là cho phép người chụp chỉnh thông số phơi sáng, có nghĩa là người chụp có thể tự điều chỉnh tốc độ chụp phù hợp để bắt cứng được chuyển động của đối tượng.

Dưới đây là các bước điều chỉnh phơi sáng trong chụp ảnh chuyển động.

Dùng tốc độ cửa trập nhanh

Chuyển máy về chế độc ưu tiên cửa trập. Ảnh: Cnet.
Chuyển máy về chế độc ưu tiên cửa trập. Ảnh: Cnet.

Máy ảnh thay ống kính đều cho phép người chụp tự điều chỉnh tốc độ cửa trập thông qua chế độ chỉnh tay (Manual) hay chế độ ưu tiên cửa trập (Tv hoặc S). Nếu bạn thấy chế độ chỉnh tay với việc chỉnh thêm cả độ mở sẽ làm chậm tốc độ bấm máy, thì có thể chọn chế độ ưu tiên cửa trập, lúc này, bạn chỉ lo chỉnh tốc độ, còn độ mở sẽ do máy tự quyết định.

Một điều cần lưu ý là khi bạn càng tăng tốc độ chụp (chẳng hạn lên tới 1/500 hay 1/1.000), lượng ánh sáng vào cảm biến sẽ ít dần, bạn sẽ càng phải chỉnh độ mở rộng dần lên (số f nhỏ nhất). Hoặc cũng có thể chọn thêm một cách nữa là tăng ISO lên cao để bắt được nhiều ánh sáng hơn.

Giữ ảnh luôn nét

Chụp tốc độ cao giúp đông cứng chuyển động. Ảnh: M.Pincus.
Chụp tốc độ cao giúp đông cứng chuyển động. Ảnh: M.Pincus.

Tốc độ cửa trập nhanh giúp đông cứng được chuyển động, nhưng nó sẽ trở nên vô nghĩa nếu như ảnh lại mất nét. Hầu hết máy ảnh thay ống kính có tính năng lấy nét liên tục (Continous AF hay AF Tracking tùy hãng). Khi kích hoạt tính năng này, máy ảnh sẽ nhận diện chủ thể và sẽ luôn bám nét ngay cả khi chủ thể đó thay đổi vị trí trong khuôn hình.

Tuy nhiên, nếu chủ thể chuyển động quá nhanh, tốc độ lấy nét của một số máy ảnh có thể sẽ không theo kịp và ảnh vẫn sẽ bị mờ. Một trong những giải pháp có thể khắc phục là đoán trước quỹ đạo chuyển động của chủ thể đó, lấy nét sẵn vào vị trí mà đối tượng sẽ đi qua, và khi chủ thể chuyển động đến nơi thì chỉ việc bấm máy.

Lia máy để tạo hiệu ứng chuyển động

Chế độ lấy nét liên tiếp. Ảnh: Cnet.
Chế độ lấy nét liên tiếp. Ảnh: Cnet.

Các bức ảnh chụp nét đối tượng nhưng cảnh nền nhòe mờ theo hướng chuyển động như ảnh trên có thể thực hiện bằng cách sử dụng một kỹ thuật gọi là lia máy.

Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách khi đối tượng bắt đầu chuyển động tới viền khung hình, lia máy theo cùng chiều chuyển động và đồng tốc với đối tượng, trong khi đó thì bấm máy (tốt nhất là chọn chế độ chụp liên tục).

Một ví dụ về chụp lia máy. Ảnh: Martin Terber.
Một ví dụ về chụp lia máy. Ảnh: Martin Terber.

Với kỹ thuật này, thay vì để tốc độ nhanh (ví dụ 1/500 giây) như khi chụp cố định, bạn cần hạ tốc độ xuống thấp hơn một chút như 1/90 hoặc thấp hơn tùy từng tình huống cụ thể. Trong trường hợp này, tốt nhất nên chọn chế độ ưu tiên cửa trập để dễ dàng thay đổi tốc độ mà không phải lo lắng về độ mở. Kỹ thuật này không phải dễ thực hiện, vì thế phải thực hành liên tục thì mới tự mình rút ra được những thông số và phương pháp tối ưu theo từng điều kiện.

Chụp chuyển động trong trường hợp thiếu sáng

Nếu chụp chuyển động nhưng lại vào buổi tối hoặc ở chỗ thiếu ánh sáng, hãy sử dụng thêm trợ giúp từ đèn flash (tích hợp hoặc gắn rời). Việc sử dụng đèn flash không chỉ cho phép chụp với tốc độ nhanh hơn mà còn giúp bắt cứng chuyển động.


Chụp chân dung

Một bức ảnh chân dung tốt không chỉ đơn thuần đúng nét, đúng sáng mà còn phải mang được cả thần thái, cảm xúc của người trong ảnh.
> Chuẩn bị cho chụp chân dung / Ảnh chân dung đời thường - một thể loại báo chí / Chụp chân dung qua cửa sổ/ Chụp chân dung thế nào cho đẹp / Những kiểu chụp chân dung độc đáo

Chụp ảnh phong cảnh hoặc đồ vật dù sao cũng vẫn là hình thức chụp dễ dàng bởi các đối tượng này không chuyển động, vì thế bạn có thể có thời gian tinh chỉnh tùy ý. Nhưng khi chụp sang người, vấn đề trở nên phức tạp hơn một chút. Một số người không quen có máy ảnh cứ chĩa sẽ mất tự nhiên. Vì thế, một bức ảnh chân dung tốt không chỉ đơn thuần đúng nét, đúng sáng mà còn phải mang được cả thần thái, cảm xúc của đối tượng.

Dưới đây là một số kỹ thuật cơ bản để có được một bức chân dung tốt.

Tất cả nằm ở đôi mắt.

Bạn có thể sử dụng cách chụp đặc tả riêng phần mắt cho thể loại ảnh này. Ảnh: Amillionlives.
Bạn có thể sử dụng cách chụp đặc tả riêng phần mắt cho thể loại ảnh này. Ảnh: Amillionlives.

Như ngạn ngữ thường nói, đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Khoa học cũng chứng minh được rằng người xem ảnh luôn có xu hướng bị đôi mắt của đối tượng thu hút. Vì thế, một trong những điều tối quan trọng của một bức chân dung tốt là phải tập trung vào đôi mắt.

Hãy sử dụng chế độ chỉnh tay nếu chế độ tự động lấy nét không lấy được vào mắt. Nếu trong trường hợp ánh sáng yếu, bạn có thể bù thêm chút ánh sáng bằng đèn flash ngoài. Ánh đèn flash còn có thể tạo nên đốm sáng phản xạ ở mắt đối tượng, khiến cho bức ảnh trở nên sống động hơn.

Bạn cũng có thể sử dụng cách chụp đặc tả, chỉ lấy riêng phần mắt. Có thể cho chủ thể của mình che mạng, hoặc zoom sát gần mặt, chỉ lấy đôi mắt. Tùy từng trường hợp và từng gu thẩm mỹ mà có thể thử nhiều cách căn khung khác nhau.

Ánh sáng là yếu tố sống còn.

Ánh sáng nhẹ sẽ che giấu những khuyết điểm nhỏ trên mặt của người được chụp. Ảnh của Nguyễn Đức Trí trong chủ đề Tuổi Thơ Em của Số Hóa.
Ánh sáng nhẹ sẽ che giấu những khuyết điểm nhỏ trên mặt của người được chụp. Ảnh của Nguyễn Đức Trí trong chủ đề Tuổi Thơ Em của Số Hóa.

Nhiếp ảnh chính là nghệ thuật của ánh sáng, vì thế trong nhiếp ảnh, ánh sáng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Các kỹ thuật chiếu sáng khác nhau sẽ đem lại các cách nhìn khác nhau, và tùy thuộc vào việc bạn muốn thể hiện gì mà bạn có thể chọn nguồn sáng tự nhiên hay nhân tạo.

Ánh sáng gắt sẽ tạo những vùng sáng tối rõ rệt trên khuôn mặt, trong khi ánh sáng nhẹ có xu hướng làm ảnh hơi phẳng và có thể giấu một số khiếm khuyết nhỏ. Nếu chụp ngoài trời, cố gắng tránh chụp giữa trưa vì ánh sáng rất gắt và lại chiếu từ trên xuống, khó có được một bức chân dung đẹp. Thời gian lý tưởng cho chụp chân dung là buổi sáng sớm hoặc chiều muộn, khi ánh sáng đã nhẹ và dịu hơn.

Nếu chụp trong phòng, hãy để người đó ngồi gần cửa sổ để cho ánh sáng tự nhiên chiếu vào. Cửa sổ cũng đóng vai trò tản sáng khá hiệu quả, vì thế, nếu biết tận dụng, bạn có thể có một lượng áng sáng cân bằng giữa tự nhiên và ánh sáng nhân tạo.

Khi chụp chân dung người, cố gắng đừng để họ quay mặt về phía mặt trời bởi họ sẽ dễ bị nheo mắt do quá chói. Thay vào đó, hãy để ánh sáng chiếu từ phía sau hoặc từ phía bên. Đôi khi với ánh sáng mặt trời chiếu từ sau lưng, một kiểu ảnh silhouette (chỉ lấy hình khối đen của đối tượng) lại có thể trở thành một bức ảnh thú vị.

Sử dụng ống tele.

Nụ cười Tây Bắc của Phạm Anh Tuấn. Ảnh được chụp bằng máy Pentax K20D, ống kính 70mm f/2.4. Ảnh dự thi chủ đề Vẻ đẹp phụ nữ Việt của Số Hóa.
Nụ cười Tây Bắc của Phạm Anh Tuấn. Ảnh được chụp bằng máy Pentax K20D, ống kính 70mm f/2.4. Ảnh dự thi chủ đề Vẻ đẹp phụ nữ Việt của Số Hóa.

Nếu nhân vật của bạn tỏ ra hơi căng thẳng khi bị ống kính chĩa vào, hãy thử đứng từ xa và dùng ống tele. Dùng ống này sẽ tạo được khoảng cách nhất định giữa bạn với đối tượng và phần nào bớt gây căng thẳng cho họ. Tuy nhiên, cũng đừng nên đứng xa quá, nếu không bạn sẽ khó có thể nói chuyện với họ được. Hầu hết các nhiếp ảnh gia thường dùng tiêu cự từ khoảng 85mm tới 105mm cho chụp ảnh chân dung. Tất nhiên, bạn cũng có thể tự mình trải nghiệm các tiêu cự khác nhau với thể loại ảnh này.

Một lợi thế khác của việc sử dụng ống tele là có thể tạo độ sâu trường ảnh tốt hơn. Bạn sẽ dễ dàng có được những bức ảnh rõ nét còn toàn bộ phông hậu cảnh nhòe mờ.

Duy trì trò chuyện.

Ảnh: Photoradar.
Khi khoảnh khắc đến, hãy bấm máy liên tục để có thể bắt được những gì tự nhiên và đặc trưng nhất. Ảnh: Photoradar.

Một cách thức khác có thể khiến cho nhân vật của mình đỡ bị căng thẳng trước ống kính là hãy tích cực trò chuyện về bất cứ thứ gì mà họ tỏ ra quan tâm. Nếu bạn chưa gặp nhân vật của mình bao giờ, hãy tìm hiểu về họ một chút xem sở thích của người đó là gì, từ dó có thể lái các câu chuyện theo hướng đó. Dần dần, họ sẽ bớt được sự ức chế trước ống kính.

Khi họ đã cảm thấy thoải mái, lúc này là lúc bạn có thể nâng máy lên và bắt đầu chụp. Nhưng đừng vội bấm máy, cứ tiếp tục nói chuyện với tay bấm luôn sẵn sàng. Khi khoảnh khắc đến, lúc này mới bấm liên tục để có thể bắt được những gì tự nhiên và đặc trưng nhất của họ.

Quay video với máy ảnh

Máy ảnh DSLR hiện tại đều tích hợp khả năng quay video HD, tuy nhiên quay phim trên máy thay ống kính không giống như trên máy ảnh.

2 năm sau khi Nikon D90, máy ảnh thay ống kính đầu tiên hỗ trợ quay video HD, ra mắt, cả Canon và Panasonic cũng bắt đầu cuộc chơi với các phiên bản EOS 5D Mark II và Lumix DMC-GH1, thậm chí trội hơn với khả năng quay phim full-HD. Với lợi thế cảm biến lớn, tương thích nhiều ống kính, các máy ảnh quay phim này nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của các nhà làm phim cả nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, quay phim trên máy thay ống kính không hoàn toàn giống như chụp ảnh. Tất nhiên, nếu ngại mày mò, giống như chụp ảnh, bạn chỉ việc bật máy về chế độ tự động hoàn toàn, máy sẽ tự động tính toán toàn bộ thông số, còn bạn chỉ việc quay. Nhưng nếu chịu khó khai thác các chức năng trong menu, chắc chắn bạn sẽ có cơ hội quay được nhiều thước phim thú vị.

Dưới đây là một số mẹo nhỏ có thể giúp người dùng quay video hiệu quả hơn với máy ảnh thay ống kính của mình.

Cài đặt máy ảnh.

Chế độ quay video trên máy ảnh. Ảnh: Cnet.
Chế độ quay video trên máy ảnh. Ảnh: Cnet.

Hầu hết máy ảnh thay ống kính ngày nay đều được trang bị nút quay video độc lập, vì thế, người dùng có thể bấm là quay phim được ngay mà không cần quan tâm đến máy ảnh đang để ở chế độ nào. Nếu truy cập vào menu, bạn có thể tinh chỉnh một vài thông số như độ phân giải video, chất lượng hình ảnh... Nhưng cũng cần lưu ý rằng càng để chất lượng phim càng cao, bạn sẽ càng tốn không gian thẻ nhớ.

Những định dạng video thông dụng.

Chỉnh máy về định dạng video mong muốn. Ảnh: Cnet.
Chỉnh máy về định dạng video mong muốn. Ảnh: Cnet.

Full-HD: 1.920 x 1.080 điểm ảnh (1080p); 1.920 x 1.080 (1080i).


HD: 1.280 x 720 điểm ảnh (720p); 1.280 x 720 (720i).


WVGA: 854 x 480 điểm ảnh. 


VGA: 640 x 480 điểm ảnh.

Hầu hết máy ảnh đều quay phim ở chế độ 30 khung hình/giây. Một số máy cao cấp hơn có thêm các tùy chọn tốc độ khác nhau, chẳng hạn 24 khung hình/giây hay 25 khung hình/giây mà theo các nhà sản xuất, tốc độ này sẽ tạo hiệu ứng giống với phim điện ảnh (phim nhựa) hơn.

Vận dụng các kiến thức nhiếp ảnh.

Nếu như trong nhiếp ảnh, bạn đã được làm quen với cách chỉnh tốc độ cửa trập và độ mở thì với video, bạn hoàn toàn có thể áp dụng các kỹ thuật đã học này. Chẳng hạn, bạn cũng có thể mở độ mở lớn nhất (số f bé nhất) để thu hẹp độ sâu trường ảnh. Nên nhớ với các máy du lịch thì việc này là không thể do máy có cảm biến nhỏ và ống kính của các máy du lịch cũng không được tối ưu hóa cho quay phim.

Một kiến thức nhiếp ảnh khác cũng có thể được áp dụng là thay đổi tốc độ cửa trập để tạo các hiệu ứng khác nhau. Về cơ bản, khi chụp các đối tượng như đèn huỳnh quang hay màn hình LCD, bạn sẽ thấy có hiện tượng các vạch ngang sẽ chạy liên tục trên màn hình. Vấn đề này là do tốc độ cửa trập của bạn lớn hơn so với tốc độ làm tươi của màn hình. Để khắc phục hiện tượng này, hãy chuyển tốc độ cửa trập về 1/60 hoặc ít hơn.

Ngoài ra, một số nguyên tắc khác như nguyên tắc một phần ba cũng có thể áp dụng cho video để tạo độ hấp dẫn cho mỗi cảnh phim.

Lấy nét.

Cơ chế tự động lấy nét
Cơ chế tự động lấy nét khi quay video. Ảnh: Cnet.

Một trong những điểm hơi bất tiện của máy ảnh thay ống kính lại chính là cơ chế tự động lấy nét. Hầu hết máy ảnh thay ống kính đều hỗ trợ khả năng tự động căn nét khi quay video. Tuy nhiên, chính chế độ lấy nét tự động này đôi khi lại gây phiền phức bởi tốc độ chậm và thiếu chính xác. Thêm vào đó, tiếng của motor điều khiển nét có thể cũng bị thu âm trong quá trình quay phim khiến cho đoạn phim có nhiều những tạp âm không mong muốn. Vì thế, hầu như người dùng đều chọn cách lấy nét tay, vừa nhanh hơn vừa có thể chủ động trong việc lấy nét vào đâu trong khung cảnh.

Âm thanh.

Các máy ảnh thay ống kính mà có chức năng quay phim thường cũng hỗ trợ luôn cả thu âm, ít nhất cũng là đơn kênh, còn thì thường là stereo. Nếu bạn là người thích chất lượng, kể cả phải quay phim với máy ảnh, hãy chọn những máy ảnh có cổng nối với microphone ngoài để có chất âm chuẩn hơn.

Biên tập và chia sẻ.

Thông thường, khâu biên tập video được thực hiện trên máy tính với các phần mềm chuyên dụng. Nếu không quá cầu kỳ, người dùng cũng có thể sử dụng ngay những phần mềm có sẵn trên máy tính như Windows Movie Maker (trên máy chạy Windows) hay iMovie (trên máy Mac). Còn nếu muốn can thiệp sâu hơn vào quá trình chỉnh sửa, biên tập, các phần mềm chuyên dụng như Final Cut Pro (của Apple) hay Premiere (của Adobe) mới có thể đáp ứng được, nhưng giá bản quyền của các phần mềm này lại không hề rẻ.

Dù là phần mềm đơn giản hay chuyên dụng, bạn cũng có thể thực hiện một số thao tác như thay đổi trình tự các đoạn phim, cắt bỏ những phần thừa để sắp xếp thành một câu chuyện có ý nghĩa. Có thể thêm phụ đề, đặt tiêu đề hay thực hiện các hiệu ứng chuyển cảnh giữa các đoạn phim.

Sau khi biên tập, bạn có thể tải lên các trang chia sẻ video thông dụng cho bạn bè. Các trang này hiện còn hỗ trợ xem độ phân giải cao, vì thế vấn đề chất lượng cũng không còn là điều đáng lo lắng nữa, chỉ phụ thuộc vào nguồn video tải lên mà thôi.

Phụ kiện và bảo trì

Bộ vệ sinh máy ảnh này bao gồm khăn lau, dung dịch lau ống kính, bóng thổi và chổi lông sẽ rất hữu hiệu trong việc bảo vệ máy ảnh của bạn khỏi bụi bẩn.

Một máy ảnh thay ống kính có giá đắt hơn nhiều máy ảnh du lịch, vì thế, mức độ quan tâm của bạn dành cho các máy này cũng phải được chú ý nhiều hơn. Mặc dù chúng đều được chế tạo với những chất liệu và kết cấu đủ tốt, nhưng không phải là nó không dễ hỏng nếu không được chăm sóc đúng cách. Ngoài ra, các máy ảnh thay ống kính thường có rất nhiều phụ kiện, hoặc đi kèm, hoặc bán rời. Chúng đôi khi có thể giúp ích trực tiếp trong quá trình chụp ảnh, hay có khi chỉ là những phụ kiện dùng trong những trường hợp đặc biệt nào đó. Biết về các phụ kiện này sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc lựa chọn thứ cần dùng trong những trường hợp cụ thể.

Dưới đây là một số mẹo chăm sóc máy ảnh cũng như các phụ kiện thường có của một máy ảnh thay ống kính.

Chăm sóc máy ảnh.

Khi mua máy ảnh, đôi khi người bán có thể tặng kèm một bộ vệ sinh máy, trong đó bao gồm khăn lau, dung dịch lau ống kính, bóng thổi và chổi lông. Các dụng cụ này sẽ rất hữu hiệu trong việc bảo vệ máy ảnh của bạn khỏi bụi bẩn.

Bảo vệ cảm biến.

Cảm biến là bộ phận quan trọng nhất trong máy DSLR.
Cảm biến là bộ phận quan trọng nhất trong máy DSLR.

Một trong những bộ phận quan trọng nhất của máy ảnh thay ống kính là cảm biến. Khi bạn thay ống kính, hãy thực hiện nhanh nhất có thể nhằm giảm thiểu thời gian khoang chứa cảm biến tiếp xúc với không khí bên ngoài bởi nó sẽ mang theo bụi. Mặc dù hầu hết máy ảnh ngày nay đều có chức năng tự rũ bụi cảm biến nhưng không thể rũ sạch được hoàn toàn những hạt bụi li ti và chúng có thể khiến cảm biến bị xước, ảnh hưởng đến chất lượng ảnh.

Tuyệt đối không nên chạm tay vào cảm biến. Nếu cảm biến có những hạt bụi bẩn bám dính quá chặt mà chức năng rũ bụi của máy ảnh không làm sạch được, hãy mang đến những cửa hàng uy tín để nhờ những thợ chuyên nghiệp với những thiết bị lau chùi chuyên dụng hơn.

Bảo vệ ống kính.

Ống kính cũng là bộ phận quan trọng không kém đối với máy ảnh. Khi không dùng, nhớ đậy nắp ống kính lại. Bạn cũng có thể mua thêm các kính lọc UV lắp thêm phía trước để tránh bụi trực tiếp vào thấu kính.

Tránh xa cát, bụi và nước.

Giữ máy ảnh luôn sạch sẽ là điều cần thiết. Sử dụng chổi hay giẻ mềm lau sạch bên ngoài máy ảnh mỗi khi dùng xong. Sử dụng bóng thổi thổi sạch bụi bám ở các khe kẽ. Đừng để tay quá bẩn khi cầm vào máy ảnh, ít nhất cũng nên rửa sạch hoặc lau qua.

Một lưu ý nữa là tránh để máy ảnh gần nước biển (ví dụ, trong các chuyển đi biển), bởi hơi nước muối có thể làm hỏng các mạch của máy.

Sử dụng tủ chống ẩm.

Máy ảnh là một vật dụng đắt tiền, vì thế hãy cố gắng đầu tư khoang cất giữ cho hợp lý. Nếu tài chính không dư dả, bạn có thể dùng các hộp chống ẩm với các túi hạt chống ẩm đi kèm hoặc bán rời. Nếu không, hãy đầu tư một tủ chống ẩm cắm điện, bởi tủ chống ẩm loại này có thể tự cân bằng độ ẩm phù hợp với máy ảnh của bạn.

Phụ kiện cho máy ảnh.

Khi mua máy ảnh, các phụ kiện đi kèm thân máy chỉ là ống kính (tùy chọn), pin, xạc và dây đeo. Tuy nhiên, một máy ảnh thay ống kính có nhiều phụ kiện hỗ trợ hơn bạn tưởng, chỉ có điều chúng đều bán rời.

Dưới đây là một số phụ kiện thông dụng nhất mà bạn có thể đầu tư.

Pin dự phòng.

Việc xem lại nhiều lần ảnh vừa chụp hoặc quay phim liên tục có thể khiến máy rất nhanh hao pin. Vì thế, đầu tư thêm một pin dự phòng là một giải pháp hữu hiệu, nhất là trong trường hợp bạn hay phải đi xa.

Đèn flash rời.

Đèn flash rời.
Đèn flash rời.

Hầu hết máy ảnh thay ống kính đều có đèn flash tích hợp, nhưng chỉ đủ dùng cho những trường hợp thông thường do công suất yếu, khoảng chiếu sáng ngắn. Nếu có điều kiện, hãy đầu tư thêm một đèn flash ngoài với công suất lớn hơn, khoảng sáng xa hơn, đồng thời lại có thể điều chỉnh hướng sáng của đèn (như chụp hắt lên trần) để có được bức ảnh với đối tượng được chiếu sáng bằng ánh sáng tự nhiên hơn.

Tản sáng.

Nếu không muốn thêm một đèn flash ngoài cồng kềnh, bạn có thể mua thêm một tản sáng nhỏ dùng để che lên đèn flash tích hợp. Tản sáng này giúp ánh sáng không phả trực tiếp vào chính diện đối tượng mà tản đều ra xung quanh, tránh được hiện tượng chói và gắt của ánh sáng trực diện.

Đế pin.

Đế pin thường chỉ thông dụng cho các máy DSLR chứ không cho máy thay ống kính không gương lật khác. Đế này vừa giúp bạn có thêm khe cắm pin để chụp được nhiều kiểu hơn, vừa tạo tư thế thuận lợi cho người chụp khi chụp dọc máy bởi nó bổ sung thêm các nút bấm và vòng điều chỉnh ngay trên thân đế.

Chân máy.

Chân máy là một trong những phụ kiện thông dụng nhất. Nó giúp người chụp có được một chân đế vững vàng, giữ cho máy không rung trong những trường hợp phải chụp tốc độ chậm. Tuy nhiên, bạn cũng phải lựa chọn chân máy cho phù hợp, nếu không chân máy quá yếu hoặc quá "dỏm" sẽ không thể đỡ được các thiết bị đắt tiền của bạn.

Túi máy ảnh.

Máy ảnh luôn được mang trong túi mỗi lần đi chụp, vì thế bạn nên đầu tư vào một túi máy ảnh đủ chất lượng để không làm hỏng hay làm rơi các thiết bị đắt tiền của mình. Một số túi máy ảnh có thể được làm bằng chất liệu không thấm nước hoặc có thêm áo mưa đi kèm. Túi máy ảnh có rất nhiều loại, nhiều kích cỡ, nhiều hãng khác nhau với nhiều mức giá khác nhau, vì thế tùy tình hình tài chính cũng như gu thẩm mỹ mà bạn có thể chọn túi máy ảnh phù hợp cho riêng mình.

Vỏ chống nước.

Khi muốn chụp ảnh dưới nước, dưới trời mưa hay chụp ngoài biển, một vỏ chống nước cho máy ảnh sẽ trở nên hữu dụng. Một số vỏ chống nước cho phép chụp sâu tới 5 mét, cho phép bạn chụp những góc độ, những đối tượng độc đáo khác người mà không lo máy ảnh bị hỏng. Tất nhiên, kèm theo đó là giá cả những thiết bị này cũng không hề rẻ. Tuy nhiên, cũng có những bộ vỏ chống nước chỉ có tác dụng chống mưa, giúp bạn chụp trời mưa mà không ướt máy với giá thành rẻ hơn nhiều.



Tổng kết bài học về nhiếp ảnh nâng cao

Với máy thay ống kính, bạn sẽ tiếp tục thực hành và hoàn thiện kỹ thuật với 10 bài nâng cao nhằm tăng cường hơn nữa chất lượng ảnh.

Khi đã quen với chụp ảnh và biết một chút về nhiếp ảnh, bạn nên chuyển sang DSLR.
Khi đã quen với chụp ảnh và biết một chút về nhiếp ảnh, bạn nên chuyển sang DSLR.

Các máy du lịch tuy gọn nhẹ và dễ mang đi nhưng lại không đủ tính năng để cho chất lượng ảnh đủ tốt. Một trong số những nhược điểm dễ nhận thấy là chúng thường cho chất lượng ảnh kém khi đặt mức ISO cao. Vì thế, khi bắt đầu quan tâm đến chất lượng ảnh, bạn nên chú ý tới những máy ảnh có cảm biến lớn hơn và có khả năng thay thế ống kính, bởi chúng cho chất lượng ảnh tốt hơn nhiều.

Qua 10 bài hướng dẫn chụp ảnh nâng cao với các máy dòng thay ống kính, bạn đã có thể nắm vững một số kỹ thuật chuyên cho các máy này để làm cho ảnh chụp có chất lượng tốt hơn. Trong loạt bài về nhiếp ảnh nâng cao của Số Hóa, hai loại DSLR được sử dụng là Canon EOS 600D và Nikon D5100, cùng với một số máy ảnh thay ống kính không gương lật khác như Panasonic Lumix DMC-G3, Olympus E-P3, Samsung NX11 và Sony NEX-7. Mặc dù là hai dòng riêng với nhiều điểm khác biệt, nhưng chúng đều có chung một đặc điểm là có khả năng thay ống kính và về cơ bản đều có những chức năng cao cấp tương tự nhau.

Cấu trúc bài học.

Ảnh: Dpreview
Qua 10 bài hướng dẫn chụp ảnh nâng cao với các máy dòng thay ống kính, bạn có thể nắm vững một số kỹ thuật chuyên cho các máy này để làm cho ảnh chụp có chất lượng tốt hơn. Ảnh: Dpreview.

1. Đọc và học.

Hầu hết các bài học đều được thiết kế rất ngắn gọn, giúp cho ngay cả những người ít thời gian nhất cũng có thể đủ thời giờ đọc hết bài. Thêm vào đó, bài được viết với những thuật ngữ được miêu tả cô đọng, dễ hiểu để người đọc có thể nắm bắt nhanh nhất những khái niệm phức tạp của nhiếp ảnh và có thể thực hành ngay khi vừa đọc xong.

2. Thực hành chụp.

Sau khi đọc xong các bài hướng dẫn, tốt nhất, bạn nên bắt tay ngay vào thực hành. Dù ban đầu có thể chưa quen, nhưng theo thời gian bạn sẽ thấy việc chỉnh các thông số mỗi lần chụp không còn là các thao tác phức tạp và mất thời giờ.

3. Tiếp nhận phản hồi.

Nếu không có những người bạn am hiểu về nhiếp ảnh, bạn vẫn có thể có được những lời nhận xét quý giá cho các bức ảnh của mình bằng việc tải ảnh lên các trang chia sẻ ảnh trực tuyến, đón nhận với tinh thần cầu thị tất cả các phản hồi, từ đó dần dần có thể cải thiện được chất lượng ảnh sau mỗi lần chụp. Bạn có thể gửi ảnh tới trang Ảnh độc giả của Số Hóa với mỗi tháng một chủ đề.

Dưới đây là danh sách các bài học.




Nguyễn Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét