Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

Truyền kỳ mạn lục Chương 16


Chuyện nàng Thúy Tiêu
(Nguyên văn: Thúy Tiêu truyện)


Dư Nhuận Chi người đất Kiến Hưng (1), tên là Tạo Tân, có tiếng hay thơ; nhất là về những bài hát, lại càng nức danh ở kinh kỳ, mỗi bài làm ra, phường hát bội đem tiền tặng biếu rất hậu để xin lấy. Nhân thế Dư càng nổi thanh giá ở chốn tao đàn. Cuối đời Thiệu Phong (2) nhà Trần, Dư nhân có việc, vào yết kiến quan Trần soái Lạng Giang là Nguyễn Trung Ngạn (3). Ông Nguyễn thấy Dư đến, lật đật ra tiếp, đặt tiệc ở Phiếm Bích đường thết đãi, gọi mười mấy người con hát ra hát múa ở trước tiệc. Trong bọn con hát có ả Thúy Tiêu là người rất xinh đẹp. Ông Nguyễn đùa bảo Dư sinh rằng:
- Ấy tùy ngài kén chọn trong bọn ấy, hễ bằng lòng ai thì tôi xin tặng cho.
Rồi âm nhạc nổi lên. Sinh ngâm một bài thơ sau này:
Liên hoa đóa đóa ỷ hồng hàm,
Tằng đối tiên gia ngọc chủ đàm.
Túy vãn tiêu y hô đắc khởi,
Sổ thanh hảo xướng vọng Giang Nam.
Dịch:
Hoa sen đóa rỡ ràng tươi,
Góp mặt nhà tiên lúc nói cười.
Say kéo áo là nghe gọi dậy,
Giang Nam (4) một khúc quyến hồn người.
Ông Nguyễn cười bảo Thúy Tiêu rằng:
- Thầy đồ để ý vào nàng (5) đấy.
Sinh hôm ấy uống rượu rất say, mãi đến đêm khuya mới tỉnh, đã thấy nàng Thúy Tiêu ở cạnh, cảm ơn ông Nguyễn không biết chừng nào. Sáng hôm sau Sinh vào tạ ơn ông Nguyễn để về. Ông Nguyễn bảo:
- Ả ấy kể cũng là người phong lưu, thầy nên khéo yêu thương lấy.
Sinh bèn đem nàng về Kiến Hưng. Thúy Tiêu vốn có khiếu thông tuệ, mỗi khi Sinh đọc sách, nàng cũng học thầm mà rồi thuộc được. Sinh nhân đem những quyển sách nói về thơ từ mà dạy nàng. Chưa đầy một năm, nàng đã làm được thơ từ ngang với của Sinh. Năm Mậu tuất (1358), nhân gặp khoa thi, Sinh sắm sửa hành trang lên kinh; không nỡ rời nhau, nên đem theo cả nàng cùng đi, cùng trọ tại phố Hàng Vóc ở cửa sông. Gặp ngày mồng một đầu năm, Thúy Tiêu rủ mấy người bạn gái đến chùa tháp Báo Thiên (6) dâng hương lễ Phật. Bấy giờ có quan Trụ quốc họ Thân ngầm đi chơi phố, trông thấy Thúy Tiêu đẹp, bắt, cướp đem về làm của mình. Sinh làm đơn kiện tận triều đình, nhưng vì họ Thân uy thế rất lớn, các tòa các sở đều tránh kẻ quyền hào, gác bút không dám xét xử. Sinh đau buồn lắm bèn chẳng thiết gì thi cử nữa. Một hôm Sinh thủng thỉnh đi chơi ngoài phố, gặp đám người cưỡi ngựa đi xem hoa về, tiền hô hậu ủng rất oai vệ, trên đường thì trâm thoa rơi rắc, hồng tía tơi bời, sau cùng thấy Thúy Tiêu ngồi trên một chiếc kiệu căng riềm lụa hoa, đi qua dưới rặng liễu. Sinh muốn chạy đến than thở, nhưng thấy những người cùng đi với nàng đều là bậc quyền quý, không dám đường đột chỉ đắm đuối nhìn và ứa hai dòng lệ, không nói được một lời nào.
Nhân Thúy Tiêu trước có nuôi đôi chim yểng, một hôm Sinh trỏ đôi chim mà bảo rằng:
- Chúng mày là loài vật nhỏ, còn được suốt ngày quấn quít với nhau, không phải như ta lạnh lùng gối chiếc. Ước sao chúng mày nhẹ tung đôi cánh, vì ta đưa đến cho nàng được một phong thư.
Con chim yểng nghe nói, kêu lên và nhảy nhót như dáng muốn đi. Sinh bèn viết một phong thư, buộc vào chân nó. Thư rằng:
Tạc giả liễu âm nhất quá,
Đạo đạt vô do.
Ký song nhãn ư phiến thời,
Tằng chỉ xích nhi thiên lý.
Thủy tín hầu môn chi tự hải,
Đệ hiềm khách tứ chi như thu.
Bị thuật cựu do,
Bội tăng thâm cảm.
ức tích ngã bồi thi tịch,
Tử hựu ca diên.
Bất lao lục ỷ chi đàn,
Nhục hạ Tử Vân chi huệ.
Tiếu vị thù ư khiển quyển,
Hận dĩ tảo ư phân phi.
Hồng biệt yến nhi thu thanh,
Vân sầu Tần nhi mính sắc.
Nhất tắc noãn lưu tô chi trướng,
Nhất tắc hàn hồ chỉ chi khâm.
Đãn tham tú mạc chi hoan,
Khởi niệm thư lâu chi khổ.
Mỗi thính đoản tường trệ vũ,
Phế bích hàn tương.
Trường thiên sương nhạn chi chinh ly,
Tịch tiêu phong địch chi xướng vãn.
Mỗi hữu hàm tình bất ngữ,
Yểm quyển trường hu.
Đối cảnh quan hoài,
Bất năng dĩ dĩ.
Y, Hứa Ngu hầu chi bất tác,
Côn Lôn Nô chi dĩ phi.
Ưng vô phản bích chi kỳ,
Không phụ tầm phương chi ước.
Viên bằng thốn chử,
Dụng tả ai thiên.
Dịch:
Kiệu qua dưới liễu hôm nào,
Vội vàng chẳng kịp đưa trao một lời.
Trông ai nước mắt thầm rơi,
Tấc gang bỗng cách đôi nơi mịt mùng.
Cửa hầu sâu thẳm nghìn trùng,
Sớm hôm khách những riêng lòng ngẩn ngơ,
Tình xưa kể đến bao giờ,
Cảm sầu mọi mối như tơ rối bời.
Thơ ngâm nhớ bữa tiệc mời,
Giọng ca lanh lảnh để người như say.
Cung đàn nào đã so dây.
Giai nhân bỗng được trao tay rước về.
Tình sâu chưa kịp giãi giề,
Bắc nam vội đã chia lìa khá thương.
Chim hồng buồn bã kêu sương,
Mây Tần thăm thẳm xa buông tối mù.
Người nương trướng gấm êm ru,
Người ôm một mảnh chăn cù giá đông.
Ham vui nệm tía màu hồng,
Biết chăng kẻ chốn thư phòng thương đau.
Mưa tường dế vách họa nhau,
Nhạn tan khóc sớm, địch sầu thổi khuya,
Lặng ngồi gấp sách ủ ê,
Lòng này cảnh ấy khuây đi được nào,
Côn Nô, Hứa Tuấn (7) nơi nao?
Tìm hương trả bích còn ao ước gì (8)?
Mảnh tiên viết gửi trao đi,
Đau thương kể nỗi vân vi với người.
Con chim yểng bay đi, đến đậu ở màn Thúy Tiêu.
Nàng được thư, bèn giở giấy Tiết Đào (9) dấp bút Lâm Xuyên (10) viết một bức thư để trả lời. Thư rằng:
Thiếp Thúy Tiêu thiếu ỷ thị môn,
Trưởng đầu nhạc tịch.
Điều ca tiếp khúc, đồ khoa Hà hữu chi phong lưu,
Cử án tề my, vị thức Mạnh Quang chi thái độ.
Thùy tri hảo tịch,
Tiện Thị lương môi,
Lục ỷ cầm tâm, bất giả Trường Khanh chi điệu,
Hoa đường thi cú, khốc lân Đỗ Mục chi tài.
Tự hỷ châm giới chi hữu duyên,
Thâm khách đằng la chi đắc thác.
Thiên Thai khách phùng khách vị tận thâm hoan;
Chương Đài, nhân tống nhân, tải tương ly hận.
Giai ngẫu phiên thành ư oán ngẫu,
Hảo duyên chuyển tác ư ác duyên.
Sỉ nhẫn thê nha,
Cụ tần đả áp.
Xuất nhập khởi cư chi tế, vị miễn tòng quyền;
Biệt ly khê khoát chi hoài, bất thăng cảm cựu.
Duy dư thúy nga quyện tảo,
Lục mấn dung sơ.
Phấn bích đăng tàn, thương xuân trường đoạn;
Hương liêm tú quyện, biệt lệ ngân đa.
Tạc thừa ký nhạn chi thư,
Bội thiết ly loan chi tưởng.
Tuy Hàn Hoành chi liễu, tạm chiết trường điều,
Nhiên hợp Phố chi châu, đương hoàn cố quận.
Du du tâm tự,
Thư bất tận ngôn.
Dịch:
Thiếp xưa con gái nhà nghèo,
Lớn lên ca xướng học theo bạn bầy.
Phong lưu quen thú Hà Tây (11)
Chưa tường án Mạnh ngang mày (12) như ai.
Tiệc hoa một bữa khuyên mời,
Mối manh duyên khéo an bài tự đâu.
Tràng Khanh chưa gảy Phượng cầu (13),
Mến tài Đỗ Mục bởi câu Hoa đường (14).
Duyên kim phận cải xe vương,
Những mừng giây sắn được nương bóng tùng.
Thiên Thai một cuộc kỳ phùng (15),
Thú vui lửa đượm hương nồng chưa bao.
Chương Đài cành liễu nghiêng chao,
Biệt ly mang nặng biết bao oán sầu.
Duyên may hóa rủi ngờ đâu,
Ngậm hờn nuốt tủi chịu rầu cho xong.(16)
Bẽ bàng đổi khác tư dong,
Tóc xanh biếng chải, môi hồng biếng tô.
Thương xuân vách phấn đèn lu,
Trông gương ngấn lệ mơ hồ, ngại soi.
Tiện hồng thư mới tới nơi,
Chia loan càng xót xa đời biệt ly.
Liễu Hàn tạm bẻ vin đi,
Nhưng châu Hợp Phố phải về quận xưa (17).
Nỗi lòng trăm mối vò tơ,
Thư dài đến mấy vẫn chưa hết lời.
Thúy Tiêu từ đó buồn rầu sinh ốm. Quan Trụ quốc bảo:
- Chừng nàng hãy còn nhớ anh chàng bán thơ phải không?
Nàng nói:
- Quả có như vậy, tình sâu gắn bó, hờn nặng chia lìa, lời thề chung sống chưa phai, điều hẹn cùng già đã phụ. Nay thì Sở mưa Yên tạnh, liễu héo đào tươi, bằn bặt xa nhau, hờn ôm thiên cổ. Cho nên người xưa đã coi rẻ giàu sang mà nhớ anh hàng bánh (18), xem khinh sung sướng mà gieo xuống tầng lầu (19), thật là phải lắm.
Nói rồi nàng toan lấy chiếc khăn là thắt cổ tự tử. Trụ quốc nói dối rằng:
- Ta cũng đang nghĩ về việc đó lắm. Vậy nàng hãy cứ nên bình tĩnh mà bảo dưỡng thân thể, sớm muộn ta sẽ vời chàng họ Dư đến đây, để nàng được nối mối duyên xưa. Tội gì mà coi rẻ tính mệnh, chết một cách chẳng vào đâu cả.
Nàng nói:
- Quả được như vậy thì thiếp xin vâng lời tướng công. Nếu không thì tính mệnh này chỉ ngày hôm nay là hết.
Trụ quốc bất đắc dĩ, phải vời Dư đến, dỗ dành sẽ trả Thúy Tiêu và bảo:
- Ta làm quan ngôi đến Thượng công, quyền cao lộc hậu, việc khoản đãi khách khứa, mỗi ngày tốn phí đến hàng chung thóc. Nay vời thầy đến là do ý tốt chứ không có ý xấu gì cả. Huống đất Trường An này gạo châu củi quế, thầy lấy gì mà tiêu dùng đủ. Vậy nếu thầy không ngại thanh tích thì nên cứ ở luôn đây cho đỡ tốn.
Bèn sai dọn một cái buồng nhỏ làm nơi đọc sách cho Sinh, hằng ngày sai một ả tiểu hoàn hầu hạ. Mỗi khi có tiệc mời Sinh vào dự, Trụ quốc thường lấy lời dịu dàng khoản tiếp. Nhưng về việc Thúy Tiêu, tuyệt nhiên không nhắc nhỏm đến. Sinh mon men hỏi tới, Trụ quốc gạt đi mà rằng:
- Mối tình thương yêu ai mà chẳng thế. Tưởng nàng nhớ thầy, cũng chẳng khác gì thầy nhớ nàng. Nhưng vì ít lâu nay nàng khó ở, nên chưa thể ra cùng thầy tương kiến được. Thầy hãy cứ thong thả, đi đâu mà vội.
Thúy Tiêu nghe Sinh đã đến, cũng muốn được gặp, nhưng trong nhà, nàng hầu vợ lẽ nhiều lắm, vả coi giữ nghiêm ngặt, nên không có dịp nào tìm đến Sinh được. Một hôm nhân buổi chầu sớm chưa tan, thừa lúc những nàng hầu vợ lẽ đang ngủ, nàng lén đến thư phòng của Sinh. Phải lúc Sinh chạy đi đâu vắng, nàng thấy trên vách có đề hai bài thơ sau này:
Tiểu giai phá lý lạc đài y,
Khách xá thê lương độc yểm phi.
Thanh điểu bất lai xuân tín vãn,
Sa đình mạc mạc hựu tà huy.
Dịch:
Trước thềm giày rách giẫm trên rêu,
Cửa khép phòng văn lạnh hắt hiu.
Bằn bặt chim xanh tin chẳng lại,
Sân không vắng vẻ, bóng trời chiều.
Nguyệt điện trường hàn tỏa thúy my,
Tiên nga hà nhật thị quy kỳ?
Tương tư khởi trực vô giai cú,
Bất bả văn chương oán biệt ly.
Dịch:
Cung trăng lạnh lẽo khóa mày ngài.
Tiên tử bao giờ lại tái lai?
Thương nhớ thiếu đâu câu thấm thía,
Ngại đem chữ nghĩa khóc thương hoài.
Nàng toan họa hai bài thơ ấy, nhưng đã nghe thấy tiếng ngọc kha (20) về đến cổng rồi, thành ra không thể họa và đề được nữa.
Lại một hôm, nàng sai con hầu thân tín của mình là Kiều Oanh đến phòng Sinh xin ngủ. Sinh đuổi ra thì Kiều Oanh nói:
- Thúy Tiêu nương tử sai tôi như vậy. Nương tử nghĩ lang quân một mình buồn tẻ, nên sai tôi đến hầu hạ chăn gối, cũng như nương tử ở bên mình lang quân.
Sinh bằng lòng. Từ đấy tin tức mới thông mà tình khuê môn mới đạt đến nhau được.
Bấy giờ sắp đến ngày trừ tịch, Sinh nhân lúc tiện, bảo với Trụ quốc rằng:
- Tôi vì một mối ân tình mà vào đây làm người khách trọ, song non Vu gang tấc, tin tức chẳng thông, ngày tháng lữa lần, năm lại gần hết. Cái việc trả châu (21) chẳng dám lại nói đến nữa. Chỉ xin được ở trước rèm một lần gặp mặt, trò chuyện với nhau một lát để rồi chia tay.
Trụ quốc bằng lòng mà nói:
- Chỉ vài hôm sau nữa, là đêm tốt lành ta sẽ làm cái việc Xương Lê thả nàng Liễu Chi (22), Nghi Thành buông nàng Cầm Khách (23), quyết không ngăn cấm sự ham muốn của người khác để thỏa cái vui tai mắt của mình. Nhà thầy hãy nán đợi, đừng lo chậm muộn.
Sinh vâng dạ lui ra.
Đến đêm đã hẹn, Sinh đốt đèn không ngủ ngồi chờ. Chừng một trống canh, bỗng nghe thấy tiếng giày lẹp kẹp ở bên khóm trúc; mở cửa ra đón, té ra là một con hầu áo xanh. Sinh hỏi nó đến làm gì thì ra nó bưng nước chè đến. Một lúc lại thấy ở trước hoa có tiếng sột soạt, rồi có tiếng gõ cửa, xốc áo ra xem, lại thấy một người đầy tớ trai. Hỏi đến làm gì, thì ra đem rượu tới. Chờ mãi đến quá nửa đêm, vẫn bặt tin hơi, rất là thất vọng. Ngày hôm sau, Sinh bảo với Kiều Oanh rằng:
- Nhờ em nói hộ với Thúy Tiêu: Ta nặng mối tình riêng, tin lời nói dối. Ai lại đến đòi gặp mặt một lần để nói chuyện cũng không được, vậy mà lại mong người ta mở cửa để thả cho nàng ra thì có đời nào! Nếu ta cứ ở mãi đây, vạn nhất lòng ghen nổi dậy, kế độc buông ra thì ta là thất cơ mà họ là đắc kế. Về đi thôi! Về đi thôi! Sao nên vì cớ muốn tìm ngọc châu mà lại đến nằm ở trước hàm con ly long bao giờ (24).
Thúy Tiêu lại sai Kiều Oanh đến bảo chàng:
- Thiếp sở dĩ nấn ná ở đây, chưa làm được một cái chết của nàng Lục Châu, là chỉ vì còn có chàng. Nay chàng định về phỏng có ước hẹn với nhau điều gì không? Thiếp nghe lệ cũ bản triều, đêm hôm mồng một tết, có đốt cây bông ở ngoài bờ sông, người trong kinh thành đều kéo ra xem đông nghịt. Nếu chàng chưa nỡ rẻ bỏ thì đêm ấy xin chờ đợi nhau. Loan chia phượng hợp, chỉ ở trong một chuyến này. Thiếp hãy xin hoãn để chờ.
Ý Sinh bèn quyết, Trụ quốc thấy Sinh xin đi, lấy làm dễ chịu, tặng cho rất nhiều tiền bạc tơ lụa không tiếc tí gì. Sinh chở nặng một chuyến mà về. Dọc đường gặp người đầy tớ già, hắn bảo Sinh rằng:
- Cậu có sự lo buồn gì chăng? Sao người gầy võ đi khác hẳn ngày trước?
Sinh nói duyên cớ và kể lời hẹn của Thúy Tiêu. Người đầy tớ già nói:
- Việc ấy dễ lắm, tôi xin hết sức giúp cậu.
Đến ngày mồng một, thầy trò cùng ra bến Đông, quả thấy Thúy Tiêu đứng xem ở trên bến. Người đầy tớ bèn đi lẻn vào rút dùi sắt trong tay áo ra, nện bừa vào đám người theo hầu, khiến bọn phu kiệu, phu dù đều chạy tan hết, rồi cướp lấy Thúy Tiêu đem đi. Hai người trông thấy nhau, nửa phần thương xót, nửa phần mừng vui, nhưng còn sợ Trụ quốc biết đuổi theo bắt lại. Thúy Tiêu nói:
- Hắn chỉ là đồ yếu hèn mà làm đến bậc Vệ, Hoắc (25 )kêu xin chạy chọt, lúc nào ở cửa cũng rộn rập những người ra vào, vàng bạc châu báu trong nhà, chồng chất đầy dẫy. Trừ ra gặp phải hỏa tai, của cải trong nhà ấy không biết có cách nào tiêu mòn đi được. Nhưng tội đầy ác chứa, thế tất cũng chẳng được lâu. Có điều bây giờ họ còn đương thịnh, uy thế ấy cũng rất đáng sợ. Chi bằng ta ẩn hình náu vết, về trốn lánh ở chỗ nhà quê, khỏi bày ra tai mắt mọi người để tránh cái vạ nguy hiểm.
Sinh cho là phải, bèn bí mật đưa nhau xuống hạt Thiên Trường, ở nhà một người bạn họ Hà. Năm Đại Trị thứ 7 (26) Trụ quốc vì cớ xa xỉ mà phải tội, Sinh về Kinh sư thi đỗ tiến sĩ, vợ chồng ăn ở với nhau đến già.
Lời bình:
Than ôi! Người con trai bất trung, ông vua trung thường xấu hổ lấy làm bề tôi; người con gái bất chính, kẻ sĩ trung thành xấu hổ lấy làm vợ. Thúy Tiêu là một ả ca xướng, chẳng là người chính chuyên, không hiểu Nhuận Chi ham luyến về cái gì? Vì nàng hiền chăng? Nhưng hết là vợ họ Trương lại là hầu họ Lý (27)? Vì nàng đẹp chăng? Thì hết làm mê Hạ Sái lại làm hoặc Dương Thành(28). Vậy mà lại khinh thường sự đi sự đến, nhẫn nhục tới ở với người, sờ đầu cọp, vuốt râu cọp, suýt nữa thì không thoát miệng cọp. Như chàng Nhuận Chi, thật là một người ngu vậy.

Chú thích
(1) Kiến Hưng: thời Trần Hồ là phủ, gồm đất các huyện ý Yên, Thiên Bản, Độc Lập, Đại Loan, Vọng Doanh, tương đương với các huyện ý Yên, Vụ Bản, Nghĩa Hưng Nam Định ngày nay.
(2) Thiệu Phong: niên hiệu Trần Dụ Tông từ 1341 đến 1357.
(3) Nguyễn Trung Ngạn: (1289-1368 hoặc 1370); người làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi nay là huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Đỗ Hoàng giáp khoa thi Thái học sinh đời Trần Anh Tông (1293-1314), từng đi sứ nhà Nguyên năm 1314, giữ những chức vụ quan trọng dưới thời Trần Minh Tông (1314-1329).
(4) Giang Nam: nguyên văn là Vọng Giang Nam, vốn là tên nhạc khúc, đến đời Đường mới thành tên một từ điệu, có nhiều lời hát khác nhau.
(5) Vì Trong câu thứ ba có chữ tiêu nên Nguyễn Trung Ngạn nói như vậy.
(6) Chùa tháp Báo Thiên: hiện đã không còn, nền cũ ở khu vực Nhà thờ lớn, Hà Nội.
(7) Côn Lôn Nô và Hứa Tuấn: Côn Lôn là tên đất; người nô bộc ở Côn Lôn tên là Ma Lặc có sức mạnh và tấm lòng một hiệp khách, đã giúp cho chàng Thôi Giác và kỹ nữ Hồng Tiêu thành đôi.
Hứa Tuấn: hiệp khách đã đột nhập phủ tướng Phiên là Sa Tra Lợi cướp nàng Liễu thị trả về cho Hàn Hoành. Xem thêm chú thích 4 Chuyện người nghĩa phụ Khoái Châu.
(8) Tìm hương chữ là tầm phương, xuất ở câu thơ "Tự thị tầm phương khứ hiệu trì" của Đỗ Mục, nói về việc duyên lứa lỡ làng. Trả bích xuất ở điển Trùng Nhĩ nước Tấn. Trùng Nhĩ chạy nạn sang Tào, Hy Phụ Cơ đưa biếu mâm cơm và ngọc bích. Trùng Nhĩ chỉ nhận mâm cơm còn trả lại ngọc bích. Từ đấy người ta dùng chữ phản bích (trả lại bích ngọc) để nói cái gì trả về chỗ cũ.
(9) Tiết Đào đời Đường là một danh kỹ ở đất Thục, hay làm những bài thơ ngắn, vì tiếc giấy nên cắt hẹp lại. Từ đấy, những tài tử trong Thục lấy thế làm tiện, cũng cắt những tờ giấy nhỏ để viết thơ, gọi là tờ giấy Tiết Đào.
(10) Lâm Xuyên: Vương Hy Chi đời Tấn là người viết chữ rất đẹp, từng làm chức Nội sử ở Lâm Xuyên, vì thế trong văn học thường dùng mỹ từ Lâm Xuyên để gọi bút viết.
(11) Lấy ý từ điển trong sách Mạnh Tử: Thuần Vu Khôn nói: "Ngày xưa Vương Báo ở đất Kỳ mà Hà Tây hát hay"; đây ý nói mình chỉ biết hát xướng và hát giỏi.
(12) Nàng Mạnh Quang đời Hán, rất kính trọng chồng là Lương Hồng, mỗi khi dọn cơm cho chồng ăn, thường nâng án lên tận ngang mày.
(13) Tràng Khanh là tên tự của Tư mã Tương Như. Tương Như gảy khúc đàn "Phượng cầu hoàng" mà lấy được nàng Trác Văn Quân.
(14) Đời Đường, Đỗ Mục làm chức Ngự sử phân ty ở Lạc Dương, đến dự tiệc ở nhà vị đại thần là Lý Nguyên. Nhà Lý có nhiều danh kỹ hầu tiệc. Rượu say, Đỗ hỏi Lý: "Nghe nói nhà ngài có ả danh kỹ là Tử Vân, chẳng hay là người nào vậy?" Lý trỏ cho biết. Đỗ nhìn lúc lâu rồi nói: "Lời đồn không ngoa, ngài cho tôi quách". Bọn ca kỹ đều ngoảnh lại nhìn rồi phá lên cười. Đỗ nhân làm một bài thơ câu đầu là "Hoa đường kim nhật ỷ duyên khai".
(15) Thiên Thai: xem chú thích 29, Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên.
(16) Đoạn này bản dịch rút gọn 4 câu thành 1 câu:
Sỉ nhẫn thê nha,
Cụ tần đả áp.
Xuất nhập khởi cư chi tế, vị miễn tòng quyền;
Biệt ly khế khoát chi hoài, bất thăng cảm cựu.
(Xấu hổ phải đậu cùng con quạ,
Sợ hãi nhiều khi con vịt bị đánh.
Ra vào, đi đứng đều phải tòng quyền,
Ly biệt cách xa, lòng khôn xiết cảm.)
Dịch thành:
Ngậm hờn nuốt tủi chịu rầu cho xong
(17) Vùng biến quận Hợp Phố vốn sản ngọc châu. Gặp khi có quan Thái thú không tốt đến cai trị, ngọc châu biến mất. Sau quan Thái thú ấy đổi đi nơi khác, ngọc châu lại về.
(18) Ninh Vương nhà Đường chiếm cướp vợ của người hàng bánh, đã trải hàng năm mà người vợ vẫn nhớ thương chồng cũ. Ninh Vương gọi người hàng bánh đến, vợ chồng trông thấy nhau cùng ứa nước mắt, Vương lại trả cho về đoàn tụ với nhau.
(19) Lục Châu là vợ lẽ của Thạch Sùng. Triệu Vương Luân giết Thạch Sùng để cướp Lục Châu, Lục Châu không chịu, từ trên lầu gieo mình xuống đất tự tử.
(20) Tiếng ngọc kha: tiếng nhạc ngựa, chỉ việc Trụ quốc đi chầu về.
(21) Lâm Tích thuở nhỏ lên kinh, dọc đường trọ ở một cái quán tại Sái Châu, bắt được một túi ngọc châu đến mấy trăm hạt. Tích hỏi chủ quán xem ai trọ trước. Chủ quán bảo người trọ trước là Chu Trọng Tân. Tích kể họ tên và chỗ ở của mình, dặn hễ Trọng Tân có đến thì bảo cứ đó mà tìm, mình muốn được gặp. Sau Chu Trọng Tân quả đến tìm châu. Chủ quán bảo tìm đến Tích. Tích thấy nói đúng bèn đưa trả tất cả. Trọng Tân muốn đưa biếu một ít nhưng Tích nhất định không nhận. Trọng Tân bèn bỏ ra hơn trăm quan tiền làm chay ở chùa để cầu phúc cho Tích. Tích sau thi đỗ, làm quan đến Thái trung đại phu; con là Đức Tân làm đến Lại bộ thị lang. Nhà ấy nối đời làm nên khoa hoạn mãi.
(22) Xương Lê thả Liễu Chi: xem chú thích 8 chuyện Chuyện cây gạo.
(23) Liễu Nghi Thành có nàng thiếp yêu tên là Cầm Khách, giỏi đánh đàn. Khi Thành nghỉ quan đã cho Cầm Khách về đi lấy chồng. Sau Cố Huống làm bài ca có khen Nghi Thành là bậc đại quan.
(24) Hà Thượng Ông nhà nghèo, người con trai lặn xuống sông mò được một hạt châu giá đáng nghìn vàng. Ông bảo: "Ngọc châu này tất là ở hàm con long ly. May mày gặp lúc nó ngủ, chứ nếu nó thức thì đã chết với nó rồi, còn lấy đâu mà được ngọc nữa".
(25) Vệ Thanh và Hoắc Khứ Bệnh là hai danh tướng đời Hán.
(26) Đại Trị: niên hiệu của Trần Dụ Tông từ 1358 đến 1369. Đại Trị thứ 7: 1364.
(27) Trương và Lý ở đây chỉ là những tên phiếm chỉ, do câu "Trương lang phụ nhi Lý lang thê" (Đàn bà của chàng họ Trương nhưng lại là vợ chàng họ Lý), ý nói người đàn bà không chuyên nhất.
(28) Dương Thành, Hạ Sái: tên hai huyện thuộc nước Sở, đất phong của các bậc quý công tử. Bài phú của Tống Ngọc có câu: Hoặc Dương Thành mê Hạ Sái (làm mê hoặc các trang quý công tử Dương Thành, Hạ Sái). Vì thế sau trong văn chương Dương Thành, Hạ Sái dùng để phiếm chỉ các vương tôn công tử.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét