Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

Tổng Bí thư "yêu Kiều" và sự sòng phẳng với lịch sử



Vị Tổng Bí thư "yêu Kiều" và lời hứa của các lãnh đạo chủ chốt
Tuần qua, sự kiện quan trọng số một trong đời sống chính trị Việt Nam, không còn bàn cãi gì nữa, là kỳ họp Quốc hội lần thứ nhất của khoá 13, với việc bầu các chức danh chủ chốt điều hành đất nước trong 5 năm tới.

Người được bầu đầu tiên là ông Nguyễn Sinh Hùng, với chức danh Chủ tịch Quốc hội. Sau khi nhận bó hoa từ tay Tân Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Phú Trọng đã nán lại trên diễn đàn ít phút để chia sẻ cảm giác của mình 4 năm về trước, vào một hoàn cảnh tương tự. Ông nhắc lại chuyện ông đã lẩy hai câu Kiều lúc đó: "Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn / Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay".
Rõ ràng, ông Trọng hiểu cái trách nhiệm lớn lao, trước đất nước, dân tộc mà ông phải đón nhận khi được bầu. Và ông đã cùng các cộng sự ở quốc hội nỗ lực ở mức cao nhất có thể được.
Tuy không phải trách nhiệm nào quốc hội cũng hoàn thành tốt, như mong đợi của cử tri, nhưng, công bằng mà nói, quốc hội khoá 12, dưới sự lãnh đạo của ông, đã làm được một số việc quan trọng. Có thể đơn cử ra hai ví dụ tiêu biểu.
Đó là việc không thông qua đề án đường sắt cao tốc, hào tiền tốn của mà ít hiệu quả.
Đó là việc trong kỳ họp cuối cùng quốc hội đã kiên quyết chất vấn các thành viên chính phủ liên quan về vụ Vinashin, để từ đó chính phủ có những biện pháp quyết liệt để xử lý vụ này, trước khi đã quá muộn.
Chính vì vậy, không phải vô cớ mà Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thốt lên rằng "quốc hội rất thương chính phủ".
Kết thúc dòng tâm sự, ông Trọng, người đang đảm đương vị trí tổng bí thư, lại mượn Kiều để giao "trọng trách" cho người kế nhiệm: "Chén vui nhớ bữa hôm nay/ Chén mừng xin đợi ngày này.. năm năm sau".
Hoàn toàn không phải "phận mỏng cánh chuồn" theo nghĩa kinh nghiệm điều hành, vị Tân Chủ tịch Quốc hội đã có quá nhiều kinh nghiệm với chính phủ, từ vị trí bộ trưởng tài chính đến phó thủ tướng thường trực. Có thể nói, ông thuộc mọi "ngóc ngách" trong việc điều hành kinh tế - tài chính của chính phủ.
Chắc chắn, đó là lợi thế để ông và các đồng sự "thừa kế thành quả và kinh nghiệm các khoá trước, nhất là khoá 12, tiếp tục đổi mới, nâng cao trách nhiệm trước nhân dân, để thực hiện quyền hạn và trách nhiệm mà Hiến pháp qui định, xứng đáng là cơ quan quyền lực cao nhất", như ông đã hứa khi nhậm chức.
Không hẹn mà gặp! Những hình dung của vị Tổng Bí thư "Yêu Kiều" lại dường như trùng với những cam kết "có gang có thép" của Tân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Trong bài phát biểu nhậm chức của mình, ông Sang đã nhấn mạnh tới những mục tiêu quan trọng được ưu tiên trong nhiệm kỳ chủ tịch nước của ông là củng cố an ninh quốc phòng để bảo vệ chủ quyền quốc gia, chống tham nhũng và đoàn kết dân tộc.
Về vấn đề chủ quyền biển đảo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, người ở vị trí Thường trực Ban Bí thư vẫn chưa lên tiếng liên quan đến Biển Đông, đã khẳng định rằng ông sẽ có trao đổi về vấn đề này và thể hiện thái độ của mình. Ông còn hé lộ quyết tâm thúc đẩy quốc hội nhanh chóng hoàn chỉnh và thông qua luật biển.
"Đương nhiên, trên cơ sở Công ước (của LHQ về Luật Biển), chúng ta phải luật hóa bằng luật quốc nội, để xác lập quyền chiếm hữu biển đảo về mặt pháp lý cũng như về thực địa", ông Sang nói.
Về quyết tâm chống tham nhũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, người đồng thời cũng phụ trách mảng tư pháp, kêu gọi các đại biểu quốc hội (trong đó có cả các thành viên chính phủ) không chủ quan trước lời hứa chống tham nhũng, lãng phí của mình,và kêu gọi nhân dân tích cực kiểm tra, giám sát, kể cả cá nhân ông. "... để góp phần thúc đẩy việc phòng chống tham nhũng của khóa này có kết quả. Ít ra là tốt hơn khóa vừa rồi", ông nói.
Vị Tân Chủ tịch nước cũng kêu gọi xoá bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những quan điểm khác nhau không trái với lợi ích dân tộc. Điểm tương đồng về lợi ích, theo Chủ tịch nước, là mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu nước mạnh, dân chủ, và công bằng.
"Đề cao tinh thần dân tộc, yêu nước, nhân nghĩa khoan dung, để tập hợp, đoàn kết các giai cấp, tầng lớp xã hội, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài", ông nhấn mạnh.
Trong khi Tân Chủ tịch Quốc hội và Tân Chủ tịch nước lên tiếng cám ơn những kinh nghiệm quí báu họ thừa hưởng từ những người tiền nhiệm, Tân Thủ tướng của nhiệm kỳ mới đã không cần phải làm vậy - ông tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai của mình.
Mặc dù vậy, không thể nói những kinh nghiệm điều hành ở nhiệm kỳ đầu không phải là những bài học quí giá đối với vị lãnh đạo được coi là "quyết liệt" này. Nhất là việc ông phải chèo lái một nền kinh tế trong bối cảnh bất lợi hơn nhiều, so với 5 năm trước
Kinh tế vĩ mô đang cực kỳ bất ổn với những thách thức lớn như lạm phát và chi tiêu công ở mức độ rất cao, hiệu suất đầu tư của toàn nền kinh tế thấp, cũng như việc giải quyết những vấn đề cơ cấu và lợi ích nhóm trong quan hệ công bằng xã hội.
Tuy nhiên, không phải nhiệm kỳ mới của ông không hé ra những thuận lợi, chí ít là khi nguy cơ và cơ hội trở nên rõ ràng hơn. Quan trọng hơn, ông nhìn nhận rõ hơn những gì là "kỳ vọng ảo".
Và, quan trọng nhất, ông bắt đầu nhiệm kỳ này trùng với những bước đi đầu tiên của một chiến lược 10 năm mới, với một tư duy tăng trưởng mới là "bền vững", dựa vào giá trị gia tăng cao và nguồn nhân lực được đào tạo. Chứ không phải đi nốt chặng cuối cùng của một chặng đường 20 năm dựa trên sự tận khai tài nguyên và nguồn nhân công giá rẻ, như trong nhiệm kỳ trước.
Tuy nhiên, người ta vẫn phải chờ đợi để nghe những định hướng điều hành nền kinh tế trong 5 năm tới của ông. Bởi, như ông giải thích, ông muốn dành cơ hội phát biểu nhân việc tái đắc cử vào tuần sau, khi quốc hội đã phê chuẩn danh sách các thành viên chính phủ cho ông đề cử.
"Trả lại tên cho anh"
Ngày kỷ niệm thương binh liệt sĩ (27.7) năm nay, có hai sự kiện đặc biệt, nhưng vô tình có liên quan đến nhau.
Thứ nhất, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị các Tư lệnh Hải quân ASEAN lần thứ 5, trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông có những dấu hiệu leo thang, chủ yếu xuất phát từ quốc gia có liên quan đến Biển Đông bên ngoài ASEAN.
Nhiều ý tưởng, sáng kiến đã được đưa ra, để thúc đẩy hợp tác thực chất giữa hải quân ASEAN, như mở rộng hợp tác với các nước ngoài khu vực, phối hợp triển khai chung, tuần tra chung, chia sẻ thông tin, kể cả thông tin tình báo, thiết lập đường dây nóng...
Thứ hai, sau 23 năm, kể từ trận hải chiến đẫm máu giữa hải quân Việt Nam và Trung Quốc, khi hải quân Trung Quốc đánh chiếm một số đảo quần đảo Trường Sa của Việt Nam, những chiến sĩ tham gia, đặc biệt là các liệt sĩ và thương binh, đã chính thức được vinh danh trên truyền thông đại chúng của Việt Nam
Các bài báo, hay loạt bài báo, đã kể lại những câu chuyện cụ thể về việc họ đã chiến đấu kiên cường, đã anh dũng ngã xuống như thế nào, hay gan dạ chịu đựng cảnh tù đày thế nào. Người viết thiết nghĩ không cần phải nhắc lại.
Điều người viết muốn nhấn mạnh ở đây là sự xuất hiện đúng lúc của những bài báo này. Không chỉ thuần tuý là sự vinh danh cần thiết, tuy khá muộn màng, cho những người con đã không tiếc sinh mạng mình, quyết bảo vệ chủ quyền Tổ Quốc. Tấm gương của họ, hơn nữa, đã gợi lại truyền thống anh dũng của những người Việt Nam vốn yêu chuộng hoà bình, nhưng dứt khoát không chịu khuất phục những kẻ có dã tâm cướp đất, cướp nước của họ.
Tuy nhiên, bên trong sự vinh danh khá ồn ã này, cũng như những hành động đền ơn đáp nghĩa được ca ngợi trên truyền hình, đâu đó dường như vẫn có những tiếng thở dài xen lẫn vào.
Đó là câu hỏi của một người lính hải quân tên Hải ở Quảng Bình, người đã bị thương ở Trường Sa năm 1988, bị bắt và chỉ được trao trả sau khi Trung Quốc và Việt Nam đã bình thường hoá quan hệ, rằng liệu anh và các đồng đội bị thương có được hưởng các chính sách với thương binh, như nhà nước qui định hay không. Việc họ chỉ nhờ phóng viên hỏi hộ, sau hai thập kỷ im lặng, cũng đồng nghĩa với việc cuộc sống của những con người giàu lòng yêu nước và lòng tự trọng này khốn khó đến mức nào.
Đó là câu hỏi của anh hùng chống Mỹ và Khmer Đỏ Phan Văn Xệ, người mà trên cơ thể không có chỗ nào không bị thương, rằng liệu từ giờ đến khi chết mảnh đất mà anh được quân đội cấp có được chính quyền cấp sổ đỏ hay không. Điều đáng buồn hơn là câu hỏi này lại được đặt ra với một đoàn làm phim của Nhật Bản, chứ không phải phóng viên Việt Nam như trường hợp đầu tiên.
"Bản công hàm năm 1958" và sự sòng phẳng với lịch sử
Trong mục "Phát ngôn & Hành động" tuần trước, đồng nghiệp Kỳ Duyên đã bình luận về bài viết "Công hàm 1958 với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam", do nhóm đồng nghiệp từ báo Đai Đoàn Kết thực hiện.
Chắc hẳn không phải là người theo dõi kỹ câu chuyện Biển Đông, nhưng, rõ ràng, đồng nghiệp Kỳ Duyên đã khá tinh khi phát hiện rằng, khi nào Trung Quốc to mồm nhất, thì đó là chỗ họ đuối lý nhất. Nói theo kiểu nhà văn Nguyễn Quang Lập, một người cũng ái mộ nữ ký giả Kỳ Duyên, là "chuẩn không cần chỉnh".
Nhưng đọc đi đọc lại bài viết này, người viết vẫn thấy có hai điểm cần bàn thêm.
Thứ nhất, đọc kỹ những cơ sở lập luận, cả về khía cạnh lịch sử, pháp lý lẫn lý luận, thì dường như có sự đóng góp khá quan trọng về tư liệu từ "kho lưu trữ" của Bộ Ngoại giao, thông qua các nhà nghiên cứu thuộc biên chế bộ này.
Thứ hai, cũng với suy luận đó, tại sao cho đến thời điểm 20.7.2011, bài báo mới xuất hiện, thay vì sau khi báo chí Trung Quốc đưa tin về việc Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn hội đàm tháng trước với người đồng cấp phía Trung Quốc,,?
Những người theo dõi kỹ câu chuyện hội nghị ngoại trưởng ASEAN, và các sự kiện đi cùng như hội nghị với các đối tác và diễn đàn an ninh khu vực, có thể lý giải rằng phía Việt Nam đã có sự lo ngại rằng nếu không im lặng, biết đâu Trung Quốc lại không ký vào văn bản hướng dẫn việc triển khai DOC, sau 9 năm trì trệ?
Sự thận trọng có lẽ không thừa. Bởi anh hàng xóm xấu chơi có thể lấy cớ nọ, cớ kia để "thoái thác trách nhiệm".
Tuy nhiên, những người khác có thể đặt vấn đề: Nếu cứ ngại mãi như thế, họ sẽ tiếp tục "bắp thóp" mà ép điều nọ điều kia. Để rồi đến lúc những người ủng hộ lý lẽ của mình cũng đâm ra bán tín bán nghi về "lập trường" và "cơ sở pháp lý" của mình. Trong cuộc chiến thông tin để họ "thả gà" ra rồi mình "bắt lại" mệt lắm.
Mà Trung Quốc thì thạo cái nghề này lắm. Câu chuyện "Tăng Sâm giết người" trong Cổ học Tinh hoa là một ví dụ tiêu biểu. Đến Gơ Ben cũng phải gọi bằng "cụ tổ".
Còn nhớ, trong hội nghị tuyên truyền về biển bảo đầu năm 2009, tại Đồ Sơn, nhà báo lão thành Phạm Khắc Lãm đã kể rằng hồi ông còn là sinh viên học ở Trung Quốc vào cuối những năm '50, một người bạn Trung Quốc đã nói với ông: "ĐIện Biên Phủ là chiến thắng của cố vấn Trung Quốc."
Khi ông Lãm hỏi tại sao lại nói vậy, người bạn này giải thích rằng anh ta được học như vậy ở phổ thông. Lý Thông đến thế là cùng!
Nhà ngoại giao kỳ cựu Dương Danh Dy thì cho biết rằng báo chí Trung Quốc, nhất là các mạng, thường tuyên truyền rằng người Việt Nam "ăn cháo đá bát", "Trung Quốc giúp đỡ như vậy trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ mà vô ơn", thậm chí còn "xâm chiếm lãnh thổ, lãnh hải của Trung Quốc nữa".
Đúng như đồng nghiệp Kỳ Duyên nhận định tuần trước, đã đến lúc phải nhanh chóng minh bạch lịch sử.
Nhà sử học kiêm đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc cách đây 8 năm đã từng nói với một ký giả Nhật Bản: "Lịch sử phải sòng phẳng. Đúng là Trung Quốc đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều, từ vũ khí đến nhu yếu phẩm. Thế nhưng, cũng nhờ có Việt Nam đánh Mỹ mà Mao Trạch Đông bắt tay được với Nixon, từ đó phá được thế bao vây cấm vận, và nhờ đó Trung Quốc mới hùng mạnh như ngày nay."
Hơn nữa, xét cho cùng, DOC cũng chỉ là những nguyên tắc xây dựng lòng tin trong ứng xử của các bên trên Biển Đông thôi, và văn bản hướng dẫn vẫn còn mập mờ lắm. Liệu có nên quá thận trọng mà đánh đổi một lòng tin "trên trời" với một anh hàng xóm "khả nghi" với lòng tin với nhau giữa các thành viên trong gia đình, tức là dân tộc này?
Hoàn toàn không nên, theo thiển nghĩ người viết. Thiếu gì cách "vẹn cả đôi đường".
Thế mới là "quán triệt đường lối ngoại giao Hồ Chí Minh" !

Theo Tuần VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét